Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Chuẩn Bị Tinh Thần Chịu Khổ - 01/2010  


CHUẨN BỊ TINH THẦN CHỊU KHỔ
(1Phierơ 4:12-16)

Kính thưa quí hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Có điều gì đó thật ấm áp trong đoạn Kinh Thánh này trong phần đầu dù nó trở lại với đề tài Cơ Đốc nhân chịu khổ vì sự công bình. Trong câu 12, vị sứ đồ gọi những độc giả của mình là "kẻ rất yêu dấu". Là người chăn bầy chiên của Đấng Christ, chứng khiến con cái Chúa chịu khổ, vị sứ đồ như đang vòng tay ôm lấy các tín hữu tìm cách khích lệ họ khi đối diện với sự khổ nạn lớn lao. Ông đến như người bạn, như người thật sự quan tâm, như người thật sự thông cảm mọi sự về sự chịu khổ. Ông đến với lòng nhân ái với những ai đang chịu thử thách của đời sống Cơ Đốc. Chúng ta thấy tại đây dường như vị sứ đồ dừng lại và nhìn vào mắt của những độc giả mình mà nói rằng "Hỡi anh em là những người tôi thật yêu mến, xin hãy nghe lời tôi nói đây. Tôi muốn anh em hiểu được sự thử thách mà chúng ta đang phải trải qua. Tôi muốn anh em hiểu được nguyên nhân của sự chịu khổ của anh em."

Tuy nhiên điều quan trọng hơn đối với những độc giả của thơ tín này, những người đang chịu khổ vì sự công bình, là biết rằng vị sứ đồ đang được linh ứng viết ra chính Lời Đức Chúa Trời. Ấy không chỉ là vị sứ đồ đang gọi chúng ta là "kẻ rất yêu dấu", chính Đức Chúa Trời đang yên ủi dân sự Ngài. Chúng ta là kẻ rất yêu dấu của Ngài. Ngài đang ôm lấy những ai đang chịu khổ. Vị sứ đồ Phierơ, người chăn chiên phó đang nói ra lời của Người Chăn trưởng, gọi chúng ta là những kẻ yêu dấu của Ngài. Thật là những lời an ủi mà Đấng Yên Ủi ban cho chúng ta về sự chịu khổ vì Đấng Christ!

Đầu tiên, đoạn Kinh Thánh dạy rằng chúng ta không nên xem sự chịu khổ là điều gì lạ lùng. Chúng ta không nên cho rằng sự chịu khổ vì Đấng Christ là điều bất bình thường. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho sự chịu khổ. Nó không phải là điều gì đáng kinh ngạc hay sửng sốt cho chúng ta, không phải là việc khác thường khi Cơ Đốc nhân chúng ta phải chịu khổ vì bị bắt bớ, chế nhạo bởi tay những người không tin. Điều này chẳng phải là sự ngoại lệ mà là điều mà chúng ta cần sẵn sàng trông đợi.

Chắc hẳn những độc giả ban đầu của thơ tín này đang trải qua những sự bắt bớ khắc nghiệt. Có lẽ đó là thời của hoàng đế Nêrô hay một trong những vị hoàng đế đã muốn tiêu diệt hết thảy Cơ Đốc nhân trong vương quốc mình. Phản ứng của họ là: "Những điều này từ đâu mà đến vậy? Tại sao hội thánh của Chúa Giêxu Christ lại phải chịu khổ? Tại sao chính chúng ta lại phải chịu đựng những điều này? Tại sao chúng ta đang phải chịu lấy gánh nặng nhất của sự thạnh nộ của thế gian? Chúng ta có làm gì buồn lòng Đức Chúa Trời không mà Ngài đã xây mặt khỏi chúng ta đến nỗi Ngài để cho chúng ta phải đối diện với sự hành hạ dường ấy?" Có lẽ họ tự nhìn lại bản thân mà tự hỏi: "Có phải chúng ta đã khơi lên sự thạnh nộ của thế gian chung quanh chúng ta không? Có lẽ chúng ta đang phải trải qua những gì chúng ta đã nói hay làm."

Khi phải chịu thử thách, có những lúc chúng ta có xu hướng làm như thế. Khi có điều gì xảy ra làm chúng ta khổ, chúng ta bắt đầu tự hỏi có phải Chúa đoán phạt chúng ta về điều gì sai quấy của chúng ta chăng, hay chúng ta đã làm gì đáng phải chịu khổ và Đức Chúa Trời đang kỷ luật chúng ta. Chắc chắn những sự tự xét nội tại như thế không có gì sai trật cả bởi đúng là cũng có khi Đức Chúa Trời thật sự kỷ luật chúng ta. Nhưng chúng ta cũng cần nhận ra rằng đôi khi, hoặc nhiều khi, sự chịu khổ của Cơ Đốc nhân không phải là hậu quả của việc làm của chúng ta mà là hậu quả của lẽ thật Tin Lành mà chúng ta rao giảng. Sự gây phiền lòng không phải là vì chúng ta mà là tại nơi Đức Chúa Trời và Lời Ngài. Khi chúng ta trung tín rao giảng Lời ấy trước một thế gian sa ngã, chúng ta không nên quá kinh ngạc trước sự mãnh liệt người ta dùng mà công kích hay ghét bỏ Tin Lành.

Có thể con người chúng ta có lý do trông đợi điều gì đó khác hơn. Đức Chúa Trời chắc không muốn những điều này xảy ra bởi vị sứ đồ Phierơ đã dạy rằng chúng ta là dân sự Ngài, là cơ nghiệp quí báu Ngài, là đền thánh Ngài, chúng ta đang sống đời sống tốt lành theo ý muốn Đức Chúa Trời trước thế gian này. Tại sao chúng ta phải đối diện với sự bắt bớ? Dường như sự bắt bớ không thích hợp với mọi sự đó. Thật ra có những Cơ Đốc nhân có tư tưởng này, rằng Cơ Đốc nhân làm theo ý muốn Đức Chúa Trời không bao giờ phải chịu khổ. Sự khổ nạn là một sự bất thường, là hậu quả của sự thiếu đức tin nơi Đức Chúa Trời, rằng Đức Chúa Trời chỉ dành sẵn những phước hạnh cho tín đồ. Hội thánh phải đắc thắng. Đấng Christ đã ban cho họ sự chiến thắng và sự chịu khổ là trái ngược với sự trông đợi đó. Quan điểm này rõ ràng là trái ngược với sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Nếu chúng ta xem trong Mathiơ đoạn 5 trong bối cảnh những bài giảng trên núi của Chúa Giêxu: "Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy! Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy." Nhiều lần khác nhau trong thơ tín Giăng, Chúa dạy các môn đồ rằng họ có thể chuẩn bị tinh thần phải bị thế gian ghét bỏ, "Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi" (Giăng 15:18). Ý tưởng đó cũng tìm thấy trong Giăng đoạn 16 từ câu 1 đến 4, Rôma đoạn 8 câu 17, Hêbơrơ đoạn 13 câu 12 đến 14, Giacơ đoạn 1 câu 2. Những phần Kinh Thánh này và nhiều nơi khác nữa đều chỉ rõ rằng Cơ Đốc nhân có thể chuẩn bị tinh thần phải chịu khổ vì sự công bình. Thật ra, điều này là một trong những chủ đề trong thơ tín Phierơ. Chúng ta sẽ phải chịu khổ vì Đấng Christ. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta sẽ bị khinh chê, ghét bỏ vì lòng yêu mến Chúa. Những kẻ ghét Đấng Christ cũng sẽ ghét bỏ những người sống theo hình ảnh của Ngài.

Tại sao chúng ta phải chuẩn bị tinh thần chịu khổ? Tại sao chúng ta phải chuẩn bị tinh thần đối diện với những người ghét Đấng Christ cũng sẽ ghét bỏ Tin Lành? Người ta không muốn nghe nói rằng họ là tội nhân. Họ không muốn nghe rằng họ sẽ phải khai trình về những gì họ đã làm nghịch cùng Đấng Christ. Họ không muốn nhìn nhận rằng sự cứu rỗi của họ chỉ tìm thấy được trong Chúa Giêxu Christ. Họ không muốn quì gối xuống trước Đấng Christ phục sinh. Họ không muốn nhìn nhận rằng Ngài là Vua và Chúa trên mọi loài. Họ không muốn làm theo ý Ngài. Họ muốn sống theo ý riêng mình mà thôi. Họ ghét bỏ những ai rao giảng rằng chỉ có một lẽ thật, một con đường cứu rỗi và chúng ta được dạy phải sống cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Điều này gây bực bội cho họ. Đối với những người chờ đợi rằng Cơ Đốc nhân sẽ được thế gian, trong giới học vấn và truyền thông, trọng vọng đang chờ đợi uổng công mà thôi, bởi hết thảy những người không tin đều sẽ mắng nhiếc lẽ thật. Chúng ta có thể chuẩn bị tinh thần bị thế gian khinh ghét, đặc biệt là khi rao giảng lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời.

Thế nhưng làm thế nào biết rằng việc chúng ta đang bị thế gian ghét bỏ lại là một sự yên ủi? Chúng ta có thể được yên ủi bằng nhiều cách khác nhau. Trước tiên, chúng ta có thể biết rằng chẳng phải vì lỗi chúng ta mà chúng ta bị ghét bỏ. Họ không ghen ghét chúng ta bằng ghét bỏ chính Đức Chúa Trời. Ấy là sự yên ủi. Chúng ta không cần phải dằn vặt mình mỗi khi chịu khổ vì Đấng Christ mà có thể cứ vui mừng ngay khi bị bắt bớ khổ nạn. Thứ hai, chúng ta có thể nhận ra rằng chẳng phải Đức Chúa Trời đã bỏ mặc chúng ta hay Ngài không thể giúp chúng ta. Đoạn Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời biết chúng ta đang chịu khổ. Chẳng phải Ngài không thể cứu giúp mà Ngài có một mục tiêu trong sự chịu khổ mà chúng ta đang phải trải qua. Đoạn Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết điều chúng ta có thể phải đối diện và chắc chắn biết được điều gì sẽ xảy đến với mình cũng là tốt.

Chúa Giêxu đã chẳng lừa dối các môn đồ Ngài mà khiến họ tưởng rằng khi Ngài được cất lên trời và họ bắt đầu rao giảng Tin Lành thì cuộc đời họ sẽ dễ dàng, rằng đã thuộc về nước Trời rồi thì tự nhiên họ sẽ được mọi người yêu mến và ngưỡng mộ. Giả thử Chúa Giêxu đã làm thế, giả sử Ngài đã vẻ nên một bức tranh ảo vọng thì họ chắc hẳn đã thất vọng lắm rồi! Điều đó cũng giống như một bác sĩ nói với một bệnh nhân ung thư rằng người đó không bị bệnh và không cần phải lo gì cả. Sự thiếu cảnh báo đó chắn hẳn sẽ chẳng an ủi chút nào! Thế nhưng điều chúng ta được báo cho biết chuẩn bị tinh thần cho chúng ta cho những gì sẽ xảy đến. Chúng ta có thể đi tiếp với sức mạnh mà Đấng Christ ban cho. Biết rằng chúng ta có thể chịu khổ là một sự yên ủi cho chúng ta.

Chúng ta cũng được dạy rằng sự chịu khổ của chúng ta có một mục tiêu. Mục tiêu đó thật lớn lao đến nỗi đoạn Kinh Thánh nói với chúng ta rằng chúng ta có thể vui mừng khi được dự phần trong sự chịu khổ của Đấng Christ. Giacơ đoạn 1 câu 2 chép: "Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn." Điều này không có nghĩa là chúng ta thấy vui trong chính sự chịu khổ. Chúng ta không phải là những người tự hành xác muốn bị roi đánh, hay hô vang "hoan hô!" khi bị người khác chế nhạo. Chúng ta không thích bị đánh đập hay mắng nhiếc. Chúng ta cũng không tìm kiếm điều đó. Thế nhưng sự vui mừng của chúng ta tìm thấy khi chúng ta chịu khổ. Khi chịu khổ vì Đấng Christ, chúng ta được hiệp một cùng Ngài như đoạn Kinh Thánh hôm nay nói với chúng ta rằng chúng ta được dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ. Chúng ta chịu khổ như Ngài đã chịu khổ. Khi bị sỉ nhục, chúng ta chịu sỉ nhục như chính Đấng Christ đã chịu. Khi họ chế nhạo chúng ta, họ cũng chế nhạo chúng ta với sự tự đắc mà họ đã dùng mà chế nhạo Đấng Christ. Khi họ bắt bớ chúng ta, họ cũng đã bắt bớ Đấng Christ như vậy. Chúng ta có thể vui mừng giữa những sự chịu khổ đó biết rằng chúng ta được hiệp một với Đấng Christ thậm chí trong sự chịu khổ Ngài. Sự chịu khổ đó thậm chí không làm lung lay sự hiệp một của chúng ta với Đấng Christ mà còn củng cố mối thâm giao đó.

Kinh Thánh tiếp tục cho chúng ta biết rằng "sự vinh hiển và Thánh Linh Đức Chúa Trời đậu trên anh em". Ý tưởng "sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời" đưa chúng ta trở về với sự vinh hiển của Đức Chúa Trời che phủ đền thờ trong thời Cựu Ước. Sự vinh hiển đó bao phủ lòng chúng ta, Thánh Linh Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta trong sự chịu khổ. Thật ra là Cơ Đốc nhân thật, những giờ phút khổ nạn đôi khi là những giờ phút của những từng trải tâm linh sâu nhiệm nhất khi chúng ta được kéo đến gần Đấng Christ và nhìn thấy sự chịu khổ của mình trong mối tương quan với Ngài. Khi bạn bè, xóm giềng, đồng nghiệp nhạo cười chúng ta, hãy cứ vui mừng vì chúng ta thuộc về Đấng Christ và chúng ta chịu khổ như chính mình Ngài đã chịu khổ.

Chúng ta rất cần hiểu rằng sự chịu khổ của chúng ta không có giá trị chuộc tội gì cả. Rõ ràng rằng sự chịu khổ của chúng ta khác với sự chịu khổ của Đấng Christ. Nó không trả giá chuộc tội lỗi được. Chỉ có Đấng Christ là Đấng công bình trọn vẹn mới có thể trả giá chuộc tội lỗi. Tuy nhiên khi chúng ta chịu khổ vì Tin Lành, chúng ta bị ghét bỏ với cùng nguyên nhân như khi Đấng Christ bị ghét bỏ vậy. Chúng ta hiệp một với Ngài. Chúng ta cũng được nhắc nhở giữa sự chịu khổ và bắt bớ rằng sự chịu khổ của Đấng Christ là lớn lao hơn sự chịu khổ của chúng ta rất nhiều. Có thể chúng ta phải trải qua những thời kỳ thử thách và căm ghét khắc nghiệt. Tuy nhiên chúng ta biết rằng sự thương khó và chịu chết của Chúa Giêxu trên thập tự giá là lớn lao quá đỗi khi so với mọi sự chịu khổ của chúng ta. Chúng ta có thể được nhắc nhở về sự chịu khổ của Đấng Christ và tôn vinh Ngài về mọi sự đó. Ngài đã chết hầu chúng ta có được sự sống.

Chúng ta cũng có thể được an ủi khi biết rằng sự vinh hiển Ngài sẽ mau chóng được bày tỏ ra. Đoạn Kinh Thánh của chúng ta cho biết sự vinh hiển của Ngài hầu hiện ra, là điều chắc chắn, và chúng ta có thể vui mừng giữa khổ nạn biết rằng mọi sự đó chỉ kéo dài trong giây lát. Sự chịu khổ của chúng ta chẳng còn mãi. Đấng Christ sẽ trở lại. Sự chịu khổ của chúng ta trên đất này sẽ kết thúc. Một ngày nào đó nước mắt chúng ta sẽ được lau ráo, mọi sự khổ nạn sẽ hết. Thế thì sự chịu khổ mà chúng ta phải trải qua trên đất này khiến chúng ta nhìn về một ngày lớn và tốt đẹp hơn. Chúng ta nhận ra rằng những tháng ngày trên đất của chúng ta là ngắn ngủi. Chúng ta chờ đợi một ngày vui mừng lớn khi hết thảy kẻ thù của Đức Chúa Trời và dân sự Ngài sẽ bị cất đi, là khi chúng ta sẽ được ở cùng Ngài mãi mãi. Sự vui mừng của chúng ta sẽ trọn vẹn. Ấy sẽ là một sự vui mừng quá đỗi lớn lao. Sự khổ sở mà chúng ta phải chịu có thể trong một thời điểm nào đó nhưng sự vui mừng là điều còn lại đời đời.

Sự vui mừng khi biết rằng sự chịu khổ là ngắn ngủi cũng tương tự như sự chịu khổ của Đấng Christ. Chúng ta đọc thấy trong Kinh Thánh rằng Chúa Giêxu chịu lấy sự khổ nạn vì sự vui mừng đặt trước mặt Ngài, là sự vui mừng của sự cứu rỗi dân sự Ngài, sự vui mừng trở về với sự vinh hiển Ngài để cai trị đời đời mãi mãi trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúa Giêxu chịu lấy sự thương khó trên thập tự giá trong sự nhìn biết điều gì bên kia sự chịu khổ đó. Cũng thế, chúng ta có thể nhìn xa hơn sự chịu khổ của đời này mà hướng về niềm vui của sự được ngồi bên hữu của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh cũng dạy chúng ta rằng chúng ta "đừng hổ thẹn" khi công bố danh Ngài giữa thế gian hư mất dù điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải chịu sự chế nhạo của thế gian. Dù phải chịu khổ, chúng ta có thể yên tâm biết rằng người ta chẳng phải nhạo báng chúng ta mà họ đang nhạo báng chính Đức Chúa Trời. Họ mới là những người có lỗi trong những lời phạm thượng của họ. Còn chúng ta khi chịu khổ bởi những điều đó, đang tôn vinh Đức Chúa Trời.

Chúng ta không thể đọc đoạn Kinh Thánh này mà không nghĩ đến những người tuận đạo trước chúng ta. Họ đã đứng ngang nhiên trước một thế gian căm ghét mình, kêu gào cất mạng sống họ đi. Họ đứng vững trên lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta đã đọc về họ trong lịch sử hội thánh. Họ đối diện với cái chết với lòng can đảm và tin tưởng. Họ đối diện với sự chết mà không rủa sả những người tra khảo họ. Họ chẳng cầu xin cho những người đó bị diệt vong mà như Êtiên khi bị ném đá lại cầu xin Đức Chúa Trời tha thứ cho những người đó bởi những người đó chẳng hiểu mình làm điều gì. Sự sống và chịu khổ của những người tuận đạo làm chứng cho sự hành động của Đấng Christ. Khi nghĩ đến Gióp và sự chịu khổ của ông bởi tay Satan, sự trung tín của ông với Đức Chúa Trời trong sự thử thách tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Ông làm chứng rằng sự làm việc của Đức Chúa Trời trong đời sống ông là thật đến nỗi chính ma quỉ cũng chẳng thắng hơn ông được. Chính Đức Chúa Trời đã bảo toàn và ban sự sống cho ông. Sự chịu khổ và qua đời của những người đó là lời làm chứng cho Đấng Christ. Khi chúng ta chịu khổ vì sự công bình, khi chúng ta đón nhận sự chế nhạo mắng nhiếc của những kẻ ghét bỏ Tin Lành cách can đảm, yên lặng, nhẫn nại, bình tĩnh, chúng ta đang đứng trước họ như là những chứng nhân cho lẽ thật của Tin Lành.

Đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta rõ ràng rằng chúng ta không nên chịu khổ "như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác." Chúng ta không nên chịu khổ vì lãnh lấy hậu quả của những việc làm mình để phải rước lấy sự thạnh nộ của người khác. Khi chúng ta phải chịu khổ vì Đấng Christ thì hãy chịu khổ, đừng hỗ thẹn. Khi chịu khổ vì là Cơ Đốc nhân, chúng ta đang mang vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

Kính thưa hội thánh yêu dấu của Đức Chúa Trời, xin hãy được yên ủi biết rằng sự thử thách mà chúng ta có thể phải trải qua vì xưng nhận đức tin mình là điều chắc phải xảy đến, tuy nhiên mọi sự đó sẽ chẳng kéo dài mãi. Xin hãy được nhắc nhở rằng khi chúng ta phải chịu những phút giây khổ nạn bắt bớ, Thánh Linh Đức Chúa Trời sẽ đậu trên chúng ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta ân điển để đắc thắng. Xin hãy vui mừng, hãy vui mừng đi dù trong sự khổ nạn, vì nhớ rằng trong sự chịu khổ chúng ta đang dự phần trong sự chịu khổ của Đấng Christ. Xin hãy ghi nhớ những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta và trong sự chịu khổ mình, hãy tôn vinh hiển Đức Chúa Trời.

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì lời yên ủi của Ngài cho chúng con ngày hôm nay. Xin ban cho chúng con ân điển để đứng vững trên lẽ thật của lời Ngài hầu cho khi phải bị mắng nhiếc chế nhạo bởi thế gian, chúng con có thể đứng vững mà không sợ hãi để làm chứng cho ân điển Ngài ban cho chúng con. Khi phải chịu khổ vì nói với người khác về Chúa Giêxu Christ, xin cho chúng con đừng hổ thẹn. Xin cho chúng con đừng che giấu đức tin của mình vì sợ bị nhạo cười. Xin cho chúng con tận dụng mọi cơ hội để nói với người khác về ân điển Đức Chúa Trời bởi tại nơi đó họ cũng có thể tìm thấy sự hi vọng cho mọi thời đại. Xin nhắc nhở con cái Ngài rằng sự chịu khổ ấy chỉ trong chốc lát khi so với sự vui mừng chờ đợi chúng con trong Đấng Christ. Xin cho chúng con chịu khổ với sự can đảm. Xin cho chúng con được yên ủi trong mọi sự đó. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)