CHƯƠNG TRÌNH CỨU CHUỘC CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
(1Phierơ 1:20-21)
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Một trong những điều tôi đã hiểu ra được trong những năm tháng tại thần học viện tại California là mối liên kết của toàn bộ Kinh Thánh, rằng từ đầu chí cuối có một mối liên hệ chặt chẽ kết nối toàn bộ Kinh Thánh với nhau, rằng mọi sự kiện ghi lại trong Kinh Thánh hầu bày tỏ cho chúng ta một vài khía cạnh của sự cứu rỗi của chúng ta trong Đấng Christ. Không chỉ trong Tân Ước mà còn trong Cựu Ước, chúng ta thấy Kinh Thánh tập trung vào Đấng Christ ngay từ những trang đầu của Thánh Kinh cho đến tận trang cuối. Từ buổi sáng thế, mọi việc làm của Đức Chúa Trời trong lịch sử được ghi chép lại trong Thánh Kinh là sự giải tỏ chương trình toàn quyền tể trị của Đức Chúa Trời nhằm cứu chuộc dân sự Ngài. Tôi còn nhớ trong giờ học môn Các Sách Ngũ Kinh, giáo sư giải thích cho chúng tôi thể nào sự sáng tạo không tự xảy đến một cách trừu tượng lý thuyết mà cuối cùng chỉ về chúng ta là vật thọ tạo mới trong Đấng Christ. Chủ đề sự sáng tạo lại được nhắc lại trong Tân Ước. Chúng ta được dạy rằng chúng ta là sự tạo dựng mới của Đức Chúa Trời. Thế thì khi xem những câu chuyện này của Cựu Ước, chúng ta nhận ra rằng đó là những câu chuyện không phải rời rạc, dạy dỗ những bài học đạo đức về cách sống hằng ngày mà liên hệ với nhau theo cách hầu chúng bày tỏ ra một điều gì đó khác hơn hay một phương diện khác hơn của công việc Đấng Christ.
Một số người giải nghĩa Kinh Thánh theo cách người ta giải nghĩa những câu chuyện thần tiên. Trong hầu hết những câu chuyện cổ tích, có những bài học đạo đức bên trong nhưng không có gì kết nối những câu chuyện này lại với nhau. Chúng ta thấy những câu chuyện Kinh Thánh không phải như thế. Có một ý nghĩa xa hơn là những bài học đạo đức, những tấm gương nêu ra trong câu chuyện: Một chủ đề xuyên suốt là chương trình của Đức Chúa Trời để dẫn chúng ta đến với Đấng Christ. Khi xem Kinh Thánh trong ánh sáng này chúng ta thấy thật là thú vị bởi chúng ta có thể nhìn thấy Đấng Christ được tỏ ra trong từng phần Kinh Thánh. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy những sự kiện lịch sử trong Kinh Thánh rằng chúng không xảy ra một cách tình cờ mà từng chi tiết nhỏ của chúng đều xảy ra với mục đích nhất định. Đức Chúa Trời đã toàn quyền tể trị dòng lịch sử Ysơraên hầu chúng ta có thể nhìn biết Đấng Christ. Điều này rõ ràng hơn khi chúng ta đọc thấy trong Cựu Ước rằng mọi điều đang xảy ra là kết quả của một chương trình. Đức Chúa Trời có một chương trình cứu chuộc. Chương trình toàn quyền của Đức Chúa Trời là cứu chuộc một dân cho chính mình Ngài qua Con Ngài là Chúa Giê xu Christ. Vì vậy khi nói đến Kinh Thánh, đến Cựu Ước, đôi khi chúng ta nói đến một lịch sử của sự cứu chuộc. Khi nói đến phương pháp tiếp cận Kinh Thánh, chúng ta nói đến quan điểm lịch sử cứu chuộc. Nói cách khác, chương trình cứu rỗi xuyên suốt nằm trong dòng lịch sử được ghi chép trong Kinh Thánh. Phương pháp tiếp cận Kinh Thánh để nhận ra điều này do cách nhìn nhận Đấng Christ là tâm điểm của cả Kinh Thánh. Chúng ta có thể so sánh chương trình cứu rỗi của Thánh Kinh như bản vẽ của một nhà xây dựng. Ai đó muốn xây một căn nhà thì biết rằng họ phải khởi đầu bằng một bản vẽ nếu không thì sẽ xây nên một căn nhà rất lộn xộn. Chúng ta bắt đầu với một kế hoạch căn bản rồi khi xây nhà trên kế hoạch đó, chúng ta có thể thấy căn nhà bắt đầu có hình dạng. Trước tiên là xây nền. Sau khi đã đặt nền, chúng ta có thể nhìn thấy hình dáng của căn nhà. Sau khi dựng khung, chúng ta có thể nhìn thấy phòng ốc... Với từng cây đinh, viên gạch được đặt lên, hình dạng của căn nhà được hình thành rõ rệt hơn cho đến khi hoàn tất. Tương tự như vậy, chúng ta có thể thấy căn nhà cứu rỗi được xây dựng trong Cựu Ước cho đến khi chúng ta nhìn thấy bức tranh trọn vẹn của nó trong sự đến của Đấng Christ.
Lần này, chúng ta muốn học hỏi khúc Kinh Thánh này bằng cách: Trước hết chúng ta sẽ xem kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Thứ hai, chúng ta sẽ xem xét công việc cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Hai điểm này liên hệ rất rõ. Tuy nhiên tôi muốn trước hết tập trung vào kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
Điều đầu tiên tôi muốn chúng ta nhìn thấy là đây là một phần của những đoạn Kinh Thánh đã xuất hiện trước đó, là sự tiếp theo của nội dung trước đó. Phần Kinh Thánh trước tập trung vào đời sống của chúng ta trong Đấng Christ. Đó là điều Đấng Christ đã làm trọn cho chúng ta như Chiên Con không vít của Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi chúng ta, khiến chúng ta được làm hòa cùng Đức Chúa Trời, khiến chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, điều vị sứ đồ muốn nhấn mạnh tại đây là Tin Lành này của Đấng Christ, là Chiên Con không vít, đã được định sẵn, là chương trình của Đức Chúa Trời. Sự định sẵn đã được dạy dỗ trong phần Kinh Thánh trước, "theo sự biết trước của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha" (1Phierơ 1:2). Tại đây Kinh Thánh nói về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho một dân của Ngài, rằng trong lịch sử nhân loại Đức Chúa Trời đã cứu chuộc cho chính Ngài một dân mà Ngài đã lựa chọn. Điều này đã được định sẵn bởi Ngài. Tuy nhiên Kinh Thánh còn đi xa hơn rằng chúng ta không chỉ được định sẵn trong sự chọn lựa như Êphêsô đoạn 1 câu 4 có nói mà phương cách của sự cứu rỗi chúng ta cũng đã được định sẵn bởi Đức Chúa Trời. Đó chính là trọng tâm của câu Kinh Thánh này. Nói rằng điều này được Đức Chúa Trời định sẵn nghĩa là nói đây là cách Đức Chúa Trời hoạch định cho nó, là cách Đức Chúa Trời muốn, là cách nó được thực hiện bởi đó là ý muốn của Ngài. Đây là điều được dạy dỗ không chỉ trong phần Kinh Thánh này mà ở nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh nữa. Giăng đoạn 17 câu 24 chép: "Cha ôi, Con muốn Con ở đâu thì những kẻ Cha đã giao cho Con cũng ở đó với Con, để họ ngắm xem sự vinh hiển của Con, là vinh hiển Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu Con trước khi sáng thế." Mathiơ đoạn 13 câu 35 chép: "Để được ứng nghiệm lời đấng tiên tri rằng: Ta sẽ mở miệng ra mà nói lời ví dụ, Ta sẽ rao bảo những điều kín nhiệm từ khi dựng nên trời đất." Có những sự kín nhiệm, những kế hoạch của Đức Chúa Trời không được bày tỏ ra ngay tức thì cho cả nhân loại từ khi dựng nên trời đất. Mathiơ đoạn 25 câu 34 chép: "Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất." Hết thảy những đoạn Kinh Thánh này nói với chúng ta rằng việc sai Đức Chúa Giêxu đến thế gian không phải là một ý tưởng mới lạ của Đức Chúa Trời. Ngài không bất ngờ nảy ra ý tưởng "Ta cho rằng ta nên sai Giêxu xuống thế gian chết thế cho tội nhân." Đây không phải là ý mới mà là ý cũ, xuất phát từ trước buổi sáng thế. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà có ý định hẵn hoi.
Ngay từ đầu dòng lịch sử nhân loại, Đức Chúa Trời đã dự định cứu chuộc một dân cho Ngài bởi Con Ngài. Đức Chúa Trời hoàn toàn dự định sai Con Ngài đến thế gian để cứu chúng ta ngay từ ban đầu. Thế thì chúng ta đưa ra câu hỏi: Sự đó được dự định khi nào? Kinh Thánh nói rất rõ: Điều đó không phải được định sẵn mới hôm trước, một trăm năm trước mà được định sẵn từ trước buổi sáng thế. Nói cách khác, nó đã được định sẵn trước khi mọi sự được tạo dựng ra và thế gian này tồn tại, Đức Chúa Trời từ cõi đời đời đã dự định cứu chuộc dân sự Ngài. Kế hoạch cứu chuộc của Đức Chúa Trời, dù được bày tỏ ra trong lịch sử trong thời gian, đã khởi đầu từ ý định của Đức Chúa Trời trước khi thế giới này được tạo dựng nên, trước khi chúng ta có mặt trên đời. Thế thì từ cõi đời đời Đức Chúa Trời đã biết rằng con người sẽ sa ngã khỏi Ngài. Dầu vậy, Ngài quyết định cứu một số người bằng cách sai Con Ngài xuống thế gian. Điều này dẫn đến một câu hỏi. John Calvin cũng đặt một câu hỏi như thế. Tôi xin trích một đoạn trong sách chú giải Thánh Kinh của ông "Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Nếu Ađam chưa sa ngã trước buổi sáng thế, làm sao Đấng Christ đã được sai làm Đấng Cứu Chuộc chúng ta từ trước buổi sáng thế? Bởi phương thuốc, giải pháp thường là điều đến sau, nó đến sau nan đề, hay căn bệnh. Câu trả lời của tôi là: Điều này phải liên hệ đến sự biết trước của Đức Chúa Trời, rằng chắc hẳn trước khi dựng nên loài người, Đức Chúa Trời đã thấy trước rằng loài người sẽ không đứng vững trong sự trọn vẹn mình được lâu. Đức Chúa Trời biết trước rằng con người sẽ sa ngã, vì vậy, Ngài đã định sẵn, tùy theo sự khôn ngoan và tốt lành tuyệt vời Ngài, rằng Đấng Christ sẽ là Đấng Cứu Chuộc để giải cứu con người hư mất. Thế thì tại đây chiếu sáng tỏ tường hơn sự tốt đẹp không tả xiết của Đức Chúa Trời rằng Ngài đã tiên liệu căn bịnh của chúng ta bởi phương thuốc của ân điển Ngài và cung ứng sự phục hồi sự sống trước khi con người đầu tiên sa ngã vào sự chết. Trước khi con người rơi vào sự chết, Đức Chúa Trời trong sự toàn quyền tể trị của Ngài đã cung ứng giải pháp này cho chúng ta trước khi có thế gian này." Sự cứu rỗi trong Đấng Christ được định sẵn không nhằm để chúng ta thắc mắc nhiều hơn về Đức Chúa Trời mà để cho Cơ Đốc nhân chúng ta một sự bảo đảm chắc chắn hơn. Bởi nếu chúng ta hiểu rằng sự cứu rỗi của chúng ta và phương cách của sự cứu rỗi đó đã được Đức Chúa Trời định sẵn, thì sự cứu rỗi của Cơ Đốc nhân không phải là một ý tưởng đến sau. Nó không tình cờ nảy sinh mà là kế hoạch từ ban đầu của Đức Chúa Trời. Kế hoạch cứu rỗi không phải là chuyện ngẫu nhiên mà có chủ ý hẳn hoi. Rõ ràng điều này đi ngược lại với một khuynh hướng nổi bật trong thế giới chính thống giáo ngày nay. Họ cho rằng Đức Chúa Trời không dự định gì cả, rằng Ngài không thể thật sự biết trước điều gì. Đây là quan điểm thần học phóng khoáng cho rằng mọi sự xảy ra một cách tình cờ và Đức Chúa Trời phải đáp lại mọi sự đó cũng như cách chúng ta phản ứng vậy. Điều này khước từ sự toàn quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Đoạn Kinh Thánh này nói đến sự định sẵn của sự cứu rỗi chúng ta từ trước buổi sáng thế hoàn toàn ngược lại với quan điểm đó. Chúng ta thấy đoạn Kinh Thánh nói rõ Đức Chúa Trời dự định cứu và Ngài cứu. Kế hoạch của Đức Chúa Trời được thực thi và kết quả.
Chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời không chỉ được định trước trong ý định của Đức Chúa Trời mà còn được tỏ ra trong thời gian và không gian hầu chúng ta có thể nhìn thấy. Nó được tỏ ra trong kỳ cuối cùng cho chúng ta vì ích lợi của chúng ta. Đấng Christ, Con Một của Đức Chúa Trời, đến thế gian. Chúng ta biết Ngài bởi chúng ta có thể đọc biết về Ngài trong Thánh Kinh. Chúng ta biết những gì Ngài đã làm. Tuy nhiên, như trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta chưa thấy Ngài tận mắt nhưng đã yêu mến Ngài vì biết những công việc Ngài. Chúng ta biết Ngài bởi Tin Lành đã được trung tín rao giảng cho chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy trong Lời Đức Chúa Trời những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Chúng ta đặt lòng tin cậy nơi sứ điệp Thánh Kinh. Khi Đấng Christ hiện ra, kế hoạch toàn quyền tể trị của Đức Chúa Trời được bày tỏ hầu chúng ta có thể nhìn thấy. Chúng ta có thể ngắm nhìn sự vinh hiển Đức Chúa Trời trong chính Đấng Christ. Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ, đã trở nên con người để chết cho tội nhân. Đấng Christ đã chết trong phần mộ và được phục sinh từ sự chết. Cả Cựu Ước đã sửa soạn cho chúng ta cho sự đến của Đức Chúa Giê xu Christ. Giờ đây Ngài đã hiện ra. Điều chúng ta được thấy bằng hình bóng giờ đây đã bày tỏ ra cho chúng ta một cách trọn vẹn. Chúng ta có thể nhìn thấy điều Đấng Christ đã thi hành.
Đoạn Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy rằng Ngài cũng được bày tỏ ra trong ngày cuối cùng nữa. Thánh Kinh Cựu Ước hình thành một giai đoạn lịch sử dẫn đến sự đến của Đấng Christ, hướng về điều đó, dự báo về điều đó, rằng khi Đấng Christ đến, thời đại chuẩn bị đó được hoàn tất. Giờ đây chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng. Đây chính là điều sứ đồ Phierơ giảng dạy trong bài giảng vào ngày Lễ Ngũ Tuần được ghi lại trong Công vụ đoạn 2, rằng đây chính là ngày cuối cùng, rằng không còn thời đại nào sẽ đến nữa. Điều duy nhất sẽ đến là lúc Đấng Christ trở lại. Ngày cuối cùng này nhằm chỉ giai đoạn giữa sự đến lần thứ nhất và sự đến lần thứ hai của Đấng Christ. Chúng ta được bảo rằng đây là ngày cuối cùng hầu chúng ta hiểu rằng những ngày này là ngắn ngũi, chỉ tồn tại trong chốc lát. Vì hiện nay là ngày cuối cùng, chúng ta phải chắn chắn rằng chúng ta ở trong Đấng Christ, bởi chỉ trong Ngài chúng ta mới được cứu. Không còn có cơ hội thứ hai nữa vì đây là ngày cuối cùng.
Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết sự Đấng Christ được bày tỏ ra là vì ích lợi của chúng ta. Chúng ta đã nhìn biết điều này khi học hỏi về các tiên tri nói tiên tri về ân điển sẽ hiện ra. Họ trông đợi điều đó. 1Phierơ đoạn 1 câu 12 chép: "Các đấng ấy đã được tỏ cho rằng chẳng phải vì mình, bèn là vì anh em mà truyền ra những điều đó, là những điều hiện nay đã rao cho anh em". Thế thì Tin Lành này, việc Đấng Christ sẽ đến và những người tiên báo sự đến của Ngài, là vì chúng ta. Chúng ta có đặc quyền là dân sự Đức Chúa Trời sống vào thời sau khi Đấng Christ chết trên thập tự giá, chúng ta có thể nhìn thấy kế hoạch toàn quyền của Đức Chúa Trời được làm trọn trong công việc của Đấng Christ. Chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng hơn nhiều những người sống trong thời trước thập tự giá. Hêbơrơ đoạn 11 câu 40, đoạn Kinh Thánh nói về những anh hùng đức tin, chép: "Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta, hầu cho ngoại chúng ta ra họ không đạt đến sự trọn vẹn được." Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta điều tốt hơn, ấy là Lời Ngài qua đó chúng ta có thể đọc biết về sự làm trọn chương trình toàn quyền tể trị của Ngài. Chúng ta được thấy rõ hơn những người sống trước thời Đấng Christ. Sự khác biệt giống như giữa những người nhìn thấy cái bóng và những người được nhìn thấy tận mặt người đó trong ánh sáng tỏ tường. Sự khác biệt đó cũng tương tự như sự khác biệt giữa chúng ta và những người giờ đây đã được ở trong sự vinh hiển. Những người đó giờ đây nhìn thấy Đức Chúa Trời mặt đối mặt trong khi chúng ta vẫn còn thấy Ngài cách lờ mờ. Cũng vậy, những người của thời Cựu Ước nhìn thấy công việc Đấng Christ cách lờ mờ so với chúng ta ngày nay nhìn thấy Ngài như mặt đối mặt vậy. Chúng ta thấy Đấng Christ bày tỏ ra trong xác thịt. Chúng ta biết công việc Ngài một cách sâu sắc hơn nhiều. Họ chỉ được nhìn thấy cách lờ mờ những gì hứa cho họ. Chúng ta có đặc quyền nhìn thấy mọi sự đó trong sự trọn vẹn nó. Tuy nhiên tôi thấy đáng buồn là đôi khi chúng ta xem lẽ thật này như là chuyện dĩ nhiên phải có, chúng ta ngồi giữa những hàng băng trong nhà thờ dường như Tin Lành là tin tức của ngày hôm qua. Nếu chương trình đời đời của Đức Chúa Trời đã được thực hiện, rằng mục tiêu của nó là cứu những tội nhân hư mất và nếu chúng ta là người được thừa hưởng một kế hoạch như thế, làm sao chúng ta không đáp lại bằng tiếng ca ngợi vui mừng hơn hết cho Đức Chúa Trời? Làm sao chúng ta có thể ngồi dựa lưng bình thản trên băng ghế nhà thờ mà xem điều đó như là chuyện dĩ nhiên? Chương trình đời đời của Đức Chúa Trời từ trước buổi sáng thế cho chúng ta là sai một Đấng Cứu Thế hầu chúng ta có thể sống trong sự hiện diện Ngài. Làm sao chúng ta không biết ơn về một sự cứu rỗi tuyệt vời đến thế?
Chúng ta đi từ chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến công việc cứu rỗi của Ngài. Điều đầu tiên chúng ta nhìn thấy trong câu 21 là nó được thực hiện qua Đức Chúa Giê xu Christ. Ấy là qua Đấng Christ mà chúng ta tin nơi Đức Chúa Trời. Không có con đường nào khác. Nhiều người trên thế gian này nói rằng "Tôi biết Chúa. Tôi biết Đức Chúa Trời." Những người Hồi Giáo cũng tuyên bố rằng họ có mối tương giao với Đức Chúa Trời. Có những người không bao giờ bước vào cửa nhà thờ cũng nói rằng họ biết Đức Chúa Trời. Thế nhưng nếu hỏi họ rằng Đức Chúa Trời là ai, họ sẽ nhún vai trả lời rằng họ không biết. Nhiều người đi theo những thần khác nhưng không hề biết Thần có một và thật. Bởi cách duy nhất mà người ta có thể biết Đức Chúa Trời là qua sự thông biết Đấng Christ. Biết Đức Chúa Trời trước tiên là biết Đấng Christ. Giăng đoạn 1 câu 18 chép: "Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết." Giăng đoạn 14 câu 6 chép: "Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha." Công vụ đoạn 4 câu 12 chép: "Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu." Đấng Christ là con đường duy nhất đến với Đức Chúa Trời, con đường duy nhất để chúng ta biết Đức Chúa Trời là ai. Khi nhìn thấy Đấng Christ bày tỏ chính mình Ngài trong xác thịt, chúng ta nhìn thấy Đức Chúa Trời trong Ngài bởi Đấng Christ chính là Đức Chúa Trời. Chúng ta biết công việc Ngài một cách tường tận hơn những người của Cựu Ước. Chúng ta biết công việc Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể biết Đức Chúa Trời bên ngoài điều này. Chúng ta không thể tin Đức Chúa Trời bên ngoài Đấng Christ. Đấng Christ là phương cách duy nhất để chúng ta có thể đứng trong sự hiện diện Đức Chúa Trời. Tin Đức Chúa Trời cũng có nghĩa là tin nơi sự sống lại của Đấng Christ, không những tin Đấng Christ chết trên thập tự giá mà còn tin Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết. 1Côrinhtô đoạn 15 nói rằng nếu chúng ta không tin Đấng Christ đã sống lại bằng thể xác, cất lên khỏi phần mộ và thăng thiên về trời, nếu những điều đó không có thật thì đức tin của chúng ta là vô ích, trống rỗng và chúng ta vẫn còn ở trong tội lỗi và sự thống khổ mình. Điều này cũng bao gồm niềm tin nơi sự thăng thiên của Ngài, sự vinh hiển Ngài, việc Ngài đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Philíp đoạn 2 nói đến sự hạ mình của Đấng Christ, sự chết Ngài nhưng cũng nói đến sự Đức Chúa Trời tôn Ngài lên cao và tôn vinh hiển. Sự chết, phục sinh và vinh hiển của Đấng Christ không phải là những ý niệm trừu tượng. Những điều đó đã xảy ra trong lịch sử và rất quan trọng bởi cũng thế chúng ta, những người ở trong Đấng Christ, sẽ được sống lại trong sự sống mới, được Đức Chúa Trời tôn vinh hiển. Đây là chủ đề của 1Phierơ đoạn 5 câu 10, "Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho." Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta đến sự vinh hiển đời đời Ngài qua Đấng Christ. Giống như Đấng Christ đã được nâng lên, vinh hiển và được ngồi bên hữu Đức Chúa Cha, những ai ở trong Đấng Christ sẽ được sống lại từ sự chết mà có sự sống mới để ngồi với Đức Chúa Trời trên trời. Chúng ta đồng chia sẻ những đặc quyền của Đấng Christ. Vì thế đức tin và hy vọng chúng ta đặt nơi Đức Chúa Trời. Ấy chính Đức Chúa Trời đã làm cho Chúa Giê xu sống lại từ trong kẻ chết, ban cho Ngài sự vinh hiển. Chúng ta là những người ở trong Đấng Christ đặt lòng tin và sự trông cậy chúng ta nơi Đức Chúa Giêxu Christ.
Cả đoạn Kinh Thánh này từ câu 1 đến 22 kêu gọi chúng ta dời tâm trí mình khỏi những gì của thế gian này. Nó kêu gọi chúng ta tập trung đức tin và hy vọng chúng ta nơi Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giêxu Christ, tập trung nơi lời hứa của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể nhìn thấy sự tuyệt vời của chương trình cứu rỗi Ngài. Tuy nhiên, khi suy gẫm về những lẽ thật này, về những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta, nhiều người lại ngoái nhìn lại đàng sau, ngoái nhìn những dục vọng xác thịt, nhìn lại những công việc bâng quơ của mình mà không hướng lên về ân điển đã được tỏ ra cho mình, về lời hứa về sự sống ban cho họ bởi Đấng Christ. Đức tin và sự hy vọng của họ không ở trong Đức Chúa Trời mà ở nơi những gì của thế gian này. Trên phương diện đó, chúng ta có thể giống như vợ Lót, quá gắn bó với thành Sôđôm đến nỗi khi lửa phán xét của Đức Chúa Trời đang giáng xuống thành phố gian ác này, bà vẫn ngoái nhìn về nó một cách tiếc nhớ thay vì hướng về sự giải cứu mình. Sứ điệp Phúc Âm phải là một sứ điệp lạ thường. Khi xem xét sách của các sứ đồ, chúng ta sẽ thấy sứ điệp Tin Lành đó khiến họ ngạc nhiên ngỡ ngàng, đến nỗi sứ đồ Phaolô phải thốt lên: "Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được! Vì, ai biết ý tưởng Chúa, ai là kẻ bàn luận của Ngài? Hay là ai đã cho Chúa trước, đặng nhận lấy điều gì Ngài báo lại?" Sứ đồ Phierơ mô tả sự vui mừng của mình là sự vui mừng "một cách không xiết kể" trong 1Phierơ đoạn 1. Làm thế nào chúng ta không có tâm thần như thế, cảm kích trước sự huyền nhiệm của kế hoạch toàn quyền của Đức Chúa Trời mà chúng ta cũng thuộc trong kế hoạch đó nếu chúng ta tin nhận Ngài? Hôm nay chúng ta đang suy gẫm về Tin Lành nhưng đối với nhiều người "lời thiêng liêng của sinh mạng" đã đánh mất sự tuyệt vời, "ân điển lạ lùng" dường như không còn mấy lạ lùng nữa, "Chúa Giêxu, kho tàng quý báu" không còn mấy quý báu nữa, việc "thuật chuyện tích rất hay" dường như đã trở nên xưa cũ không đáng thuật lại nữa, việc giữ mình thánh sạch không đáng mất thời gian nữa. Chúng ta nên đáp lại sứ điệp Tin Lành này như thế nào? Chúng ta có đáp lại sự thật rằng sự cứu rỗi của chúng ta đã được định sẵn bởi Đức Chúa Trời và chúng ta có thể được cứu bởi huyết Đấng Christ đến nỗi lòng chúng ta tràn đầy tình yêu và sự lạ lùng, sự vui mừng không xiết kể không? Chúng ta nên có thái độ đó! Chính sự chuyên tâm vào Tin Lành, vào những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta dẫn đến một đời sống được biến cải. Đây chính là chủ ý của vị sứ đồ khi ông kết thúc lập luận từ câu 17 đến 22, rằng tâm điểm của đời sống Cơ Đốc nhân không phải là ở nơi những gì chúng ta phải làm, không phải ở nơi chúng ta, mà là nơi những gì Đức Chúa Trời đã làm. Biết những gì Đức Chúa Trời đã làm hay sẽ làm sẽ thúc đẩy chúng ta sống đời sống thánh khiết, dẫn chúng ta vào sự kính sợ Đức Chúa Trời. Dân sự Đức Chúa Trời cần để nhiều thời gian hơn suy gẫm về sự cứu rỗi đó, về chương trình toàn quyền hành động của Đức Chúa Trời từ trước buổi sáng thế, về công việc vĩ đại mà Ngài đã làm cho chúng ta, mà Ngài đã tỏ ra trong Con Ngài là Đức Chúa Giê xu Christ. Nếu đặt lòng tin vào Tin Lành này, chúng ta có thể sống trong sự kính sợ Đức Chúa Trời chúng ta. Amen.
Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Chúng con xin Ngài cho chúng con lắng nghe sứ điệp Tin Lành như là một câu chuyện vĩ đại tuyệt vời, một câu chuyện mà chúng con vui thích hằng ngày, câu chuyện mà trong đó chúng con tìm thấy sự trông cậy, câu chuyện mà chúng con có thể đặt lòng tin cậy vào đó rằng chúng con đã có sự bảo đảm về sự cứu rỗi trong Đấng Christ. Cảm tạ Ngài vì sự cứu rỗi của chúng con không phải là chuyện tình cờ, hay một ý tưởng đến sau mà Ngài đã định trước điều đó ngay từ ban đầu. Ngài đã ban cho chúng con một giải pháp cho vấn nạn lớn lao nhất của chúng con. Ngài đã đưa chúng con vào mối thông công cùng Ngài.
Chúng con cầu xin rằng nếu có ai tại đây chưa biết niềm vui của Tin Lành, tấm lòng còn tăm tối khi nghe thấy nó, khi họ không cảm biết sự nôn nả nào cho tình yêu của Đấng Christ, xin Ngài mang sự ăn năn chân thật vào lòng họ hầu họ tìm kiếm Ngài cách chuyên tâm bởi chúng con biết rằng ai tìm kiếm Ngài thì sẽ gặp được như Ngài có phán trong Lời Ngài. Xin thay đổi lòng chúng con hầu chúng con có thể nhìn thấy với sự lạ lùng sự giàu có vinh hiển của Tin Lành ân điển. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu Christ. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)