Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Cốt Lõi Của Đời Sống Cơ Đốc - 4/2009  


CỐT LÕI CỦA ĐỜI SỐNG CƠ ĐỐC
(1Phierơ 3:8-9)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Trong những tuần qua, chúng ta đã cùng xem thể nào mối liên hệ giữa chúng ta với Đấng Christ ảnh hưởng đến cách chúng ta sống giữa thế gian này. Chúng ta đã xem xét trách nhiệm Cơ Đốc Nhân với tư cách là công dân trong mối quan hệ với nhà cầm quyền, trách nhiệm của chúng ta trong mối quan hệ với chủ, trách nhiệm của người vợ thuận phục chồng, chồng yêu thương và tôn trọng vợ. Tuy nhiên thư tín này kết thúc với một lời kết tổng quát về đặc tính của Cơ Đốc Nhân trong mối quan hệ với nhau và với những người khiến họ phải đau đớn thương tổn.

Khi xem xét những đặc tính được đề cập đến trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta cần thấy rằng những đặc tính đó phản ánh bản tính của Đấng Christ. Xuyên suốt đoạn Kinh Thánh, chúng ta được dạy phải trở nên như Đấng Christ. Chúng ta phải nên giống như Đấng Christ trong mối quan hệ của chúng ta với người khác. Ấy là bản tánh của chúng ta, những Cơ Đốc Nhân trong mối tương quan với đá góc nhà là Đức Chúa Giêxu Christ. Tôi muốn chúng ta thấy rằng bản liệt kê những đặc tính trong câu 8 và 9 tại đây không phải là một danh sách những điều răn và mạng lịnh mới giờ đây chúng ta cần phải làm theo mà là những đặc tính chúng ta đã có được khi đã hiệp một với Đấng Christ. Đây là bản tính của chúng ta, những người đã chết đi con người cũ và được sống lại thành người mới. Ấy là bởi Thánh Linh của Đấng Christ, Đấng ngự trong chúng ta, mà chúng ta đã được uốn nắn cho được giống Đức Chúa Trời nhiều hơn. 1Côrinhtô chép rằng chúng ta đã được ban cho ý của Đấng Christ. Chúng ta đã được kêu gọi học theo Đấng Christ. Đấng Christ là tấm gương cho chúng ta. Không chỉ thế, chúng ta còn đang được tạo dựng nên theo ảnh tượng Ngài. Ấy là sự hành động của Đức Chúa Trời trong chúng ta. Theo Rôma đoạn 8 câu 29, chúng ta đã được định sẵn để được nên như hình bóng Con Đức Chúa Trời. Côlôse đoạn 3 câu 10 cho chúng ta biết rằng chúng ta đã mặc lấy người mới, đã được làm mới lại trong sự hiểu biết theo ảnh tượng của Đấng dựng nên mình. Chúng ta đang được trở nên giống như Đấng Christ. Chúng ta đã thấy điều này xuyên suốt trong phần Kinh Thánh từ đoạn 2 câu 11 đến đoạn 3 câu 7. Ý đó cũng còn được đề cập đến trong đoạn Kinh Thánh hôm nay trong câu 8 và 9. Trong bài học lần này chúng ta muốn biết mối liên hệ của chúng ta với Đấng Christ có ý nghĩa gì với quan hệ chúng ta đối với nhau. Là anh em tín hữu, chúng ta cần sống với nhau như thế nào.

Chúng ta bắt đầu bằng lời kêu gọi Phierơ đưa ra tại đây, rằng chúng ta phải "đồng lòng". Điều này cũng có mối liên hệ với Đấng Christ. Chúng ta trở lại với Giăng đoạn 17 trong lời cầu nguyện như thầy tế lễ cả của Chúa Giêxu. Một trong những lời cầu nguyện của Chúa Giêxu là xin cho hội thánh Ngài được hiệp một như chính Ngài hiệp một với Đức Chúa Cha. Chúng ta phải học theo Đấng Christ trong sự hiệp một giữa chúng ta, học theo sự hiệp một giữa Cha và Đấng Christ. Như Đấng Christ hiệp một với Cha trong mục tiêu và lẽ thật, hội thánh Ngài cũng cần hiệp một với nhau như thế. Nhiều nơi khác trong Kinh Thánh nói đến sự đồng lòng này. Rôma đoạn 12 câu 16, "Trong vòng anh em phải ở cho hiệp ý nhau". Philíp đoạn 2 câu 2, "thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn." 1Côrinhtô đoạn 1 câu 10 và 11, "Hỡi Anh em, tôi nhơn danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau. Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh." Êphêsô đoạn 4 nhấn mạnh sự hiệp một mà chúng ta đang có. "Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em bởi chức phận mình đã được gọi đến một sự trông cậy mà thôi; chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp tem." Chúng ta nhìn thấy sự hiệp một của hội thánh đầu tiên trong Công vụ đoạn 2 và 4. Chúng ta cần phải có đồng một tư tưởng bởi chúng ta đã được ban cho một tâm thần duy nhất là tâm thần của Đấng Christ.
Sự hiệp một này thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Trước tiên, chúng ta hiệp một trong Tin Lành của Chúa Giêxu Christ, nghĩa là hết thảy chúng ta đã được cứu bằng cùng một phương cách giống nhau: Được cứu bởi ân điển qua đức tin trong Đức Chúa Giêxu Christ. Chúng ta hiệp một trong nhu cầu của chúng ta. Không ai trong chúng ta có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời bằng sức riêng của chúng ta mà không mang nợ tội. Không ai trong chúng ta có thể lên thiên đàng mà không có ân điển và sự thương xót của Đấng Christ. Không ai trong chúng ta có thể vênh mặt lên mà nói rằng "Tôi thánh khiết hơn anh!" Mọi sự khoe mình của chúng ta là ở trong Chúa và trong sự cứu rỗi mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Chúa Giêxu Christ. Chúng ta hiệp một trong sứ điệp Tin Lành ấy, tức là niềm hy vọng của chúng ta.

Chúng ta cũng hiệp một trong lẽ thật và tín lý của chúng ta. Chúng ta tìm thấy lời Chúa trong Kinh Thánh và tin rằng ấy là Lời Đức Chúa Trời, là lẽ thật để đặt lòng tin cậy, rằng lời ấy không thể bị hao tổn dù con người có nói gì. Kinh Thánh nói đúng: Chúng ta hiệp một trong tín lý. Chúng ta cũng hiệp một trong mục tiêu, sứ mạng của chúng ta. Hãy suy nghĩ đến công tác và trách nhiệm của hội thánh. Chúng ta ao ước khiến người khác biết Chúa Giêxu Christ. Chúng ta muốn họ biết sứ điệp Tin Lành đó. Ao ước của chúng ta là thấy Tin Lành này được rao ra trên cả thế giới. Chúng ta ao ước nhìn thấy hội thánh đầy những người tin cậy nơi Chúa. Chúng ta ao ước truyền đạt Tin Lành đó cho con cái chúng ta. Chúng ta có cùng một mục tiêu là tăng trưởng trong sự hiểu biết Chúa.

Dù chúng ta có thể suy nghĩ đến vấn đề này trên một bình diện rộng trong phạm vi mối liên hệ của chúng ta với những thân thể Cơ Đốc khác, hôm nay tôi muốn chúng ta cùng suy nghĩ về sự hiệp một của chúng ta với nhau trong thân thể này trong mối liên hệ với chính cương vị của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi phải đồng lòng với nhau. Điều gì hiệp một hội thánh Trinity OPC này với nhau như một gia đình? Ấy chẳng phải là sự xưng nhận Đấng Christ, một niềm tin chung rằng không có sự cứu rỗi nào ở ngoài Ngài sao? Ấy chính là Tin Lành của Chúa Giêxu Christ đã gắn bó chúng ta với nhau khiến chúng ta như dán chặt vào nhau mà không thể tách rời. Chúng ta được hiệp một để tôn vinh Đức Chúa Trời về sự thương xót Ngài đối cùng chúng ta. Cũng thế, chúng ta cũng hiệp một trong mục tiêu của chúng ta. Chúng ta muốn lớn lên ngày càng hơn trong sự hiểu biết về Đấng Christ và lời Ngài. Chúng ta cũng muốn lớn lên trong khả năng dạy dỗ điều đó cho con cái chúng ta. Chúng ta muốn lớn lên về hình thức khi chúng ta mang Tin Lành đến với cộng đồng xung quanh chúng ta và thúc đẩy sự truyền giáo. Chúng ta cưu mang về sự tiến triển của nước Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng muốn tiến triển trong sự khích lệ nhau sống thánh khiết. Chúng ta không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau hoàn toàn. Chúng ta có thể khác nhau về tín lý trong những điểm nhỏ. Lắm khi chúng ta cũng cần được thách đố trong những vấn đề đó. Đôi khi chúng ta cũng cần được quở trách, khích lệ trên bước đường đi theo Chúa. Chúng ta có thể cần được dạy dỗ. Nhưng mục tiêu của chúng ta không thay đổi: Chúng ta muốn được trở nên giống Đấng Christ nhiều hơn, giống như lẽ thật của Ngài nhiều hơn. Ấy là mục tiêu, là lòng sốt sắng của chúng ta khi bước đi với nhau. Chúng ta ao ước cùng nhau tôn vinh Đức Chúa Trời. Ấy chính Tin Lành của Đấng Christ hiệp một chúng ta lại với nhau. Chúng ta có cùng một sứ mạng, một ao ước, một lòng yêu mến Chúa kéo chúng ta lại với nhau và chúng ta có thể khích lệ nhau trong mục tiêu chung đó.

Thứ hai, chúng ta được kêu gọi phải "đầy thương xót". Trong tiếng Hy Lạp, chữ này là "sumpathes", chữ này có thể được chia ra làm hai phần: "sum" nghĩa là "với" và "pathes" nghĩa là "cảm xúc, tình cảm". Khi nhìn xem Đấng Christ, chúng ta thấy Ngài là hình ảnh mà chúng ta phải hướng đến. Ngài là Đấng đầy lòng thương xót. Hêbơrơ đoạn 4 câu 15 chép chúng ta không có thầy tế lễ cả chẳng thể cảm thông với chúng ta nhưng chúng ta có một đấng cảm thông với chúng ta, mà bị thử thách trong mọi việc như chúng ta. Ngài từng trải như chúng ta, bị cám dỗ như chúng ta nhưng Ngài không hề phạm tội. Tuy nhiên, Ngài từng trải sự đau đớn, khốn khổ, đói kém mà Ngài chẳng hề nếm biết cho đến khi Ngài trở nên một con người như chúng ta. Ngài biết tâm trạng của chúng ta, yếu đuối của chúng ta. Ngài cảm thông với chúng ta. Thế nên chúng ta được kêu gọi hãy cảm thông với nhau. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta phải vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc. Chúng ta cảm biết nỗi đau của nhau cách chân thật và giúp đỡ nhau. Khi một phần của hội thánh bị bắt bớ, chúng ta không ngồi đó mà nói "Ồ, mấy người kia đang bị như thế đó còn chúng ta không để tâm đến". Khi chúng ta nhìn thấy Cơ Đốc Nhân ở Suđan bị tấn công hay ở Irắc không thể công bố Tin Lành cách tự do mà không bị đe dọa tính mạng, khi họ chịu khổ, chúng ta cũng chịu khổ. Khi họ đau đớn, lòng chúng ta cũng đổ ra vì họ. Chúng ta cảm nhận nỗi đau của họ và cầu thay cho họ bởi họ là một phần của cùng thân thể chúng ta. Chúng ta có những anh em trong cùng hội thánh đang bị sự tấn công, thì ấy là sự tấn công trên hết thảy chúng ta. Chúng ta đều muốn vây quanh họ và khích lệ họ trên bước đường theo Chúa. Điều đó đòi hỏi chúng ta cảm thông lẫn nhau hầu chia sẻ nỗi đau, sự tranh chiến và cả niềm vui cho nhau. Là hội thánh Đấng Christ, chúng ta cần bao bọc lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau bước đi với Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta hiểu biết lẫn nhau, hiểu biết nhu cầu lẫn nhau để cầu nguyện cho nhau. Chúng ta quan tâm đến nhu cầu của nhau và tìm cách đáp ứng nếu có thể được. Chúng ta hiểu rằng nếu mình là một thân thể thì khi một phần thân thể chịu khổ, cả thân thể đồng chịu khổ. Chúng ta cảm thông với nhau.

Chúng ta không chỉ được kêu gọi cảm thông lẫn nhau mà còn được kêu gọi yêu thương nhau. Tôi không biết chúng ta có thật sự nghĩ rằng chúng ta là anh em với nhau trong Chúa không. Có lẽ đôi khi chúng ta cũng có nghĩ đến hoặc cũng có thể chẳng hề nghĩ đến nhưng chúng ta thật sự là anh em với nhau trong Chúa. Chúng ta hiệp một với nhau như một nhà. Như tình thân ái chúng ta dùng yêu thương người gia đình chúng ta, chúng ta cũng yêu thương nhau. Chúng ta là anh em lẫn nhau, trong cùng một gia đình. Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời (1Giăng 3:1). Chúng ta đều được nhận làm con nuôi trong gia đình Ngài (Rôma 8:15). Chúng ta là anh em một nhà. Bởi đó, chúng ta phải yêu mến lẫn nhau. Một lần nữa, chúng ta nhìn về Đấng Christ, sách Mác đoạn 3 câu 35 và Mathiơ đoạn 12 câu 50 chép rằng Cơ Đốc Nhân là anh em của Đấng Christ. Chúa Giêxu đến với chúng ta là những anh em Ngài. Chúng ta là những người đồng kế tự với Ngài. Tại đây nói đến tình yêu mến trong gia đình. Tình yêu thương anh em trong tiếng Hy Lạp là "philadelphia". Trước đây có lần tôi nói muốn đặt tên hội thánh chúng ta là "Hội Thánh Yêu Thương" vì ấy là đặc tánh của chúng ta, là điều chúng ta cần thể hiện. Như Đấng Christ yêu thương anh em mình trong Chúa, Ngài phó sự sống mình vì chúng ta, chúng ta được kêu gọi nên giống như Đấng Christ trong thái độ chúng ta đối với nhau; yêu thương nhau, săn sóc nhau, ban cho như Đấng Christ, sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của người khác. Ấy là tình yêu thương chân chính thành thật. Ấy có phải là tình yêu thương mà chúng ta đang có cho những anh em tín hữu đang ngồi cạnh chúng ta hay không? Ấy có phải là thái độ khi chúng ta nói về người khác nơi công cộng hay tại chốn riêng tư không? Chúng ta cần có tình yêu thương anh em, cũng là sự phản ánh của tình yêu thương của Đấng Christ đối cùng chúng ta.

Thứ tư, chúng ta được kêu gọi "có lòng nhơn từ." Một số bản dịch khác dịch chỗ này là "đầy lòng thương xót." Theo nghĩa đen trong tiếng Hy Lạp, chữ này có nghĩa là "có ruột mạnh" tức là "cảm nhận được trong chính gan ruột của mình." Ấy nghĩa là chúng ta cảm nhận ngay tại đây, mạnh mẽ, chân thật ngay từ chính tấm lòng. Ấy là lòng nhân từ thương xót chân thành, xúc động trong sâu thẳm. Chữ này được dùng rất thường xuyên trong các sách Phúc Âm để mô tả phản ứng của Đấng Christ trước những người xung quanh. Chúng ta thấy Đấng Christ xúc động đến tận tâm can khi nhìn thấy đám đông chưa ăn gì suốt ba ngày (Mathiơ đoạn 15). Chỗ khác chúng ta cũng tìm thấy Ngài động lòng thương xót trước một dân không có người chăn. Từ ngữ này là một sự làm nổi bậc thêm của chữ "cảm thông". Chúng ta xúc động trong tâm can bởi quan tâm đến anh em trong Chúa của chúng ta. Chúng ta xúc động đến nổi tìm cách giảm nhẹ gánh nặng đau đớn cho họ. Đây là sự quan tâm sâu sắc lẫn nhau. Là hội thánh của Đấng Christ chúng ta phải bày tỏ ra tinh thần đó đối cùng nhau.

Cuối cùng đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta "có đức khiêm nhường". "Có đức khiêm nhường" không chỉ là "lịch sự", biết nói "cảm ơn" hay "xin vui lòng làm giúp tôi..." mà là sự tử tế, tấm lòng đầy khiêm nhường, coi người khác như trọng hơn mình. Một lần nữa, chúng ta thấy đây là cung cách của Đấng Christ. Philíp đoạn 2 dạy chúng ta cần có đồng một tâm tình đó. Những ai ở trong Đấng Christ không phô diễn bản thân mình, không cư xử cách kiêu ngạo. Họ biết rằng mình là tội nhân được Đấng Christ cứu. Hết thảy chúng ta đều có những yếu đuối và sự tranh chiến của mình. Chúng ta không xem thường những người đang phải tranh chiến nhưng chúng ta đồng đi với họ mà khích lệ họ trên bước đường theo Chúa.

Các anh em thân mến, chúng ta cần suy nghĩ về những điều như thế. Tại đây có năm điểm. Có nhà giải kinh so sánh năm điểm này như năm ngón tay của bàn tay, bàn tay của hội thánh. Đây là cách chúng ta đến với nhau. Chúng ta biết rằng bàn tay kết nối với nhau bởi lòng bàn tay. Chúng ta đến với nhau hiệp một trong Đấng Christ. Chúng ta ao ước tôn vinh hiển cho Ngài bằng cách bày tỏ những đặc tính đó của hội thánh. Chúng ta cần suy nghĩ về cách chúng ta đối với nhau. Chúng ta cư xử thế nào khi thấy anh em ta gặp khó khăn hay vui mừng? Chúng ta có đến với những anh em đang phải tranh chiến mà dang rộng cánh tay ra với họ? Chúng ta hãy suy nghĩ về thái độ của chúng ta khi nói về những người khác và cả thái độ chúng ta ẩn giấu đàng sau những lời nói nữa. Chúng ta có làm mọi sự đó với động cơ là tình yêu thương không? Hay chúng ta đang lên mình kiêu ngạo cho rằng mình là tài giỏi hơn người khác? Chúng ta có đang lên án người khác không? Chúng ta cần suy nghĩ đến sự phục vụ của chúng ta và sự sẵn lòng ban cho của chúng ta. Chúng ta có đang sống như Đấng Christ trong mọi cách cư xử, hành động và suy nghĩ của chúng ta đối với người khác không? Khi suy nghĩ về những điều này, trên một khía cạnh nào đó chúng ta thấy nó dễ làm. Tôi nói là dễ bởi thật dễ cho chúng ta yêu mến những người có cùng mục tiêu với chúng ta, có nhiều điểm chung và là bạn bè của chúng ta.

Tuy nhiên chúng ta xem tiếp câu 9 và thấy rằng chúng ta cũng phải có cùng một thái độ đó với những người chống đối chúng ta. Câu 9 tiếp tục mô tả những người không yêu mến chúng ta, không quan tâm gì đến chúng ta, chống trả chúng ta và bắt bớ chúng ta. Chúng ta cần có thái độ nào đối với những người đó? Có lẽ chúng ta cần có một tiêu chuẩn khác phải không? Làm sao chúng ta có thể đối với họ với cùng một thái độ như trên được? Thế nhưng tại đây Kinh Thánh dạy chúng ta phải đối với họ bằng tình yêu thương: "Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả". Đây cũng là thái độ của Đấng Christ trong 1Phierơ đoạn 2 câu 23, "Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình". Một lần nữa, không lấy rủa sả trả rủa sả là thái độ giống như Đấng Christ. Trong Mathiơ đoạn 5, bài giảng trên núi cũng nói đến thái độ đó, nghĩa là chúng ta cần chúc phước cho những kẻ bắt bớ chúng ta thay vì là rủa sả. Chúng ta thấy điều này nơi Đấng Christ trên thập tự giá: Thay vì mắng nhiếc những kẻ đóng đinh Ngài trên thập tự giá, Ngài nói "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì". Êtiên trong Công vụ đoạn 7 cũng chẳng mắng nhiếc mà lại cầu thay cho những người ném đá mình hầu tội lỗi họ được tha bởi ân điển của Đức Chúa Trời. Đavít khi đã có thể cất mạng Saulơ đến hai lần đã chẳng làm thế mà lại hành động cách đầy lòng thương xót. Chúng ta được dạy phải kiên nhẫn trong sự bắt bớ, yêu những người ghét mình, ước muốn thấy họ được kéo đến trong mối thông công với Chúa. Khi người khác ghen ghét chúng ta, chúng ta không được đáp lại như họ mà phải đáp lại như Đấng Christ. Đây là cách sống chúng ta cần phải có. Chúng ta đã được thương xót. Đấng Christ đã chẳng rủa sả chúng ta dù ở bên ngoài Ngài chắc hẳn chúng ta cũng đã rủa sả Ngài. Ngài bày tỏ lòng thương xót đối với chúng ta khi chúng ta cần. Ngài chậm giận và đầy ơn. Thế thì chúng ta lại chẳng nên đối cùng người khác cùng một cách như thế sao? Đấng Christ đã tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải sẵn lòng tha thứ. Lòng nhân từ, thương xót của Đấng Christ phải là những đặc tính của tấm lòng chúng ta. Bởi chúng ta đã được thương xót, đã được ban cho cơ nghiệp, chúng ta cũng phải yêu thương và thương xót bằng tình yêu thương của Đấng Christ.

Điểm cốt lõi tại đây là: Chúng ta là ai trong Đấng Christ? Chúng ta đã được biến cải điều gì? Ngài có thay đổi tấm lòng chúng ta chưa? Nếu Ngài đã biến cải tấm lòng chúng ta thì Ngài đã biến cải nó như thế nào? Chúng ta có đang được uốn nắn nên hình ảnh của Ngài không? Chúng ta có đang được làm nên thánh bởi sự công bình của Ngài và đang sống trong sự thánh khiết mà Ngài ban cho không? Kính thưa quý hội thánh, nguyện xin tâm tình của Đấng Christ chiếu sáng qua chính chúng ta!

Chúng ta thấy tánh hạnh Cơ Đốc Nhân là hết sức quan trọng, là điều mà chúng ta cần dạy con cái chúng ta. Đây là điều mà chúng ta cần bày tỏ ra cho thế gian rằng chúng ta đã được làm nên mới trong Đấng Christ và tình yêu thương mà chúng ta có cho nhau, sự nhẫn nại mà chúng ta đối cùng những người chống đối chúng ta là lời chứng vững vàng trước thế gian về mối tương quan của Đấng Christ đối với chúng ta. Chúng ta được kêu gọi làm nhân chứng cho Đấng Christ. Khi điều này không được hiển hiện, khi hội thánh bị xé rách bởi sự chia rẻ, khi không có tình yêu thương anh em, khi có sự lộn lạo, thiếu thương xót thì mọi điều đó đang bôi nhọ lời chứng về ân điển của Đức Chúa Trời. Xin chúng ta hãy sống như những người phản ánh hình ảnh của Đấng Christ, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Amen.

Lạy Cha thiên thượng từ ái của chúng con. Chúng con cầu xin Ngài hướng dẫn chúng con khi chúng con muốn sống theo lời dạy của Chúa. Chúng con đã được thương xót, đã chẳng bị Ngài rủa sả, xin cho chúng con cũng có tấm lòng mềm mại, tình yêu thương anh em, đồng tâm tình, cảm thông, khiêm nhường đối cùng nhau. Xin ban cho chúng con tâm thần nhẫn nại trong sự chịu khổ, không lấy ác trả ác mà cứ làm điều thiện đến nỗi như "lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu" người ta, hầu họ có thể nhìn thấy tấm lòng chúng con đã được Ngài biến cải và Thánh Linh Ngài đang hành động trong chúng con, hầu chúng con bày tỏ tình yêu thương của Đấng Christ. Xin Ngài ban phước cho hội thánh chúng con, cho từng thành viên khi chúng con muốn bày tỏ thái độ sống và tâm tính giống Đấng Christ trong mọi cách sống của chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)