ĐÂY LÀ TIN LÀNH
(1Phierơ 1:25)
Kính thưa quí hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Hôm nay chúng ta sẽ để thời gian suy gẫm về sự rao giảng lời của Đức Chúa Trời. Tôi muốn chúng ta bắt đầu bằng sự suy gẫm về vấn đề "Giảng là gì? Giảng thế nào gọi là hay và sát với Kinh Thánh?" Giảng theo cách nghĩ thông thường của chúng ta thường được nhìn bằng cái nhìn tiêu cực. Chúng ta thường nghe người ta nói về "giảng" như thế nầy: "Đừng giảng về tôi." Hoặc có người nói rằng: "Tôi không muốn nghe ông giảng đâu." Đối với hầu hết người ta trên thế giới, khi nghĩ đến "giảng", người ta thường liên kết với sự thuyết giáo dài dòng về những điểm đạo đức hay luân thường đạo lý trong đời sống mà họ cần phải thay đổi . Hầu hết trên thế giới cho rằng "giảng" là rất nhàm chán và không thích hợp. Có nhiều người trong xã hội ngày nay khi tiếp cận với quí vị không hiểu tại sao quí vị lại phải tự mình đi đến nghe giảng mỗi Chúa Nhật hết tuần nầy sang tuần kia. Có điều gì hay nơi sự giảng dạy lời của Đức Chúa Trời? Đối với người tin Chúa, giảng không phải là từng trải tiêu cực, nhàm chán hay không thích hợp nhưng đó là Tin Lành, nghĩa là khi nghe giảng chúng ta nghe về tin tức tốt lành. Rao giảng lời của Đức Chúa Trời là rao giảng tin tức tốt.
Thế gian mà chúng ta đang sống đầy dẫy những đau khổ rối rắm. Mở tin tức lên chỉ vài giây chúng ta nghe toàn những chuyện tiêu cực xảy ra trong thế giới xung quanh chúng ta. Giữa những điều xấu xa đang xảy ra thì sự rao giảng lời của Đức Chúa Trời là tin tốt. Đó là tin tức tốt cho đời sống trong Chúa Cứu Thế. Tin tức tốt vượt quá những đau khổ rắc rối, khó nhọc của cuộc sống trên đất nầy. Dĩ nhiên, là người truyền đạo tôi phải binh vực cho sự giảng. Không phải đơn giản chỉ vì tôi muốn giữ công việc của tôi nhưng bởi vì tôi tin rằng đây là cách của Đức Chúa Trời làm gia tăng đức tin của Cơ Đốc nhân. Hãy suy nghĩ điều nầy: Rôma đoạn 10 chép rất rõ: "Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chơn kẻ rao truyền tin Lành là tốt đẹp biết bao!" (Rôma 10:14-15) "Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi lời của Đấng Christ được rao giảng" (Rôma 10:17). Vì thế, là dân sự của Đức Chúa Trời ngày nay, chúng ta hiểu rằng giảng là điều rất quan trọng cho sự sống còn của hội thánh. Thực tế, nó là trọng tâm của công việc hội thánh. Đó là cách thức trình bày Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giêxu.
Hãy suy nghĩ về điều nầy trong mối liên quan đến sự cải chánh. Trước cuộc cải chánh, sự rao giảng lời của Đức Chúa Trời là thứ yếu và những thánh lễ là trọng tâm của hội thánh. Những thánh lễ đó là trọng tâm, là điều mắt thấy được và quan trọng hơn những gì được nghe. Nhưng sau cuộc cải chánh thì ngay trong cách thiết kế ngôi nhà thờ, tòa giảng được đặt ở chính giữa bởi nó là trọng tâm. Lời của Đức Chúa Trời là chính yếu. Giảng là chìa khóa cho nên rao giảng lời của Đức Chúa Trời là quan trọng cho sự sống còn và mạnh mẽ của hội thánh.
Chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Điều gì khiến cho sự giảng được hay? Giảng hay là gì? Nếu tôi hỏi quí vị câu hỏi nầy thì tôi chắc rằng quí vị sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau. Có thể có người cho rằng giảng hay là giảng lôi cuốn, tôi không có ý nói đến phong trào ân tứ nhưng giảng lôi cuốn là gây cho người ta xúc động, nghĩa là giảng nóng cháy. Giảng hay phải là giảng thu hút và khi giảng thì đụng đến lòng của người nghe. Người khác có thể cho rằng người giảng không nên lệ thuộc nhiều vào bài soạn của mình, phải nhìn trực tiếp vào mắt của những người ngồi nghe giảng cho nên thỉnh thoảng người giảng phải đưa mắt nhìn qua nhìn lại. Người khác có thể cho rằng người giảng phải là người biết cách dùng từ và biết cách dùng những từ hay, truyền đạt giỏi. Một số người có thể cho rằng bài giảng hay hoặc người giảng hay là người gây ấn tượng vào lòng, là người làm cho chúng ta thấy rằng mình có tội và làm cho lòng chúng ta tan vỡ khi nhận ra mình đầy tội lỗi. Bài giảng sáng hôm ấy càng có hiệu quả khi càng có nhiều người cúi thấp đầu xuống khi bước ra khỏi nhà thờ. Có người sẽ cho rằng giảng hay là tập trung về những điều thực tế, chỉ cho chúng ta thế nào để chúng ta sống tuần lễ mới, cố gắng hơn để trở thành Cơ Đốc nhân tốt. Xem xét những yếu tố nầy, chắc chắn chúng ta thấy đó là vài khía cạnh của sự giảng hay. Nhưng những điều nầy không phải là cốt lõi của sự rao giảng tốt hoặc khiến cho một người giảng hay.
Yếu tố trọng tâm của sự giảng phải tập trung vào Tin Lành. Giảng dạy theo Kinh Thánh đặt trọng tâm nơi Tin Lành, nơi lời của Đức Chúa Trời. Đó không phải là ý tưởng của mục sư, cũng không phải mục sư giảng từ sách của con người mà là giảng từ lời của Đức Chúa Trời. Đó là Tin Lành biến cải đời sống. Sự giảng chân thật lấy Đấng Christ làm trọng tâm. Vì sứ điệp của Tin Lành là lời của Đức Chúa Trời mà trọng tâm là Đấng Christ. Lời của Đức Chúa Trời từ đầu đến cuối kéo chúng ta đến với thập tự giá của Chúa Cứu Thế Giêxu và sự hi vọng của sự sống lại. Sứ điệp nầy sứ đồ Phierơ giảng cho độc giả của ông. Sứ điệp đó phải là cốt lõi của tất cả những bài giảng hay, giảng theo đúng Kinh Thánh. Nó lôi cuốn chúng ta đến với Chúa Giêxu. Tại đây tôi muốn xem xét điểm chính của sự giảng theo Kinh Thánh trong mối liên quan đến câu Kinh Thánh của chúng ta trong 1Phierơ 1:25. Chữ "Và lời đó" mở đầu cho câu cuối của câu 25 đem chúng ta trở về với điều đã được nói đến trước kia. Chúng ta hiểu rằng "lời đó là đạo Tin Lành đã giảng ra" cho họ chứa đựng điều ông mới vừa viết trước đó. Đó là yếu tố của sự giảng tốt đẹp dưới mắt của Phierơ được tìm thấy xuyên suốt trong đoạn đầu của sách 1Phierơ.
"Lời đó là đạo Tin Lành đã giảng" có thể chia ra làm 3 phần. Phần thứ nhất, lời của Đức Chúa Trời rất quan trọng, khi sứ đồ Phierơ được Đức Chúa Trời cảm ứng viết ra thư tín nầy, ấy là sự miêu tả sinh động thực tế về con người trong tình trạng sa ngã của mình. Sứ điệp nầy được trình bày rõ ràng xuyên suốt khúc Kinh Thánh. Chúng ta thấy điều nầy trong câu ngay trước câu Kinh Thánh của chúng ta hôm nay. Chúng ta thấy trạng thái tự nhiên của con người trong tình trạng sa ngã là ngắn ngủi. Nói cách khác con người ai cũng chết, là đối tượng cho sự rủa sả của tội lỗi. Con người sẽ chết. Con người ví như hoa cỏ, như chúng ta thấy ngoài kia, cỏ khô, hoa tàn, tất cả con người cũng như vậy. Con người được sanh ra bởi giống hay hư nát, là dòng dõi của Ađam. Dòng dõi của Ađam rơi vào tội lỗi và vì vậy mà là đối tượng cho cơn thạnh nộ và sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Ađam được cho biết rằng hễ ngày nào ông ăn trái cây đó thì ông phải chết. Chắc chắn rằng ông đã chết, "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết". Nhiều người trong xã hội của chúng ta cố gắng làm cho đời mình dài thêm nhờ vào sự văn minh của y học, cố gắng làm cho đời mình dài hơn bởi lối sống lành mạnh nhưng cuối cùng chúng ta thấy cái chết không ai tránh khỏi được. Nó đến với tất cả mọi người. Chúng ta không thể thoát khỏi hậu quả tội lỗi. Chúng ta thấy đời sống của con người sa ngã gắn liền với sự rủa sả của sự chết. Khi nhìn vào hình ảnh thực tế của con người sa ngã trong đời sống mà chúng ta đang sống, xa cách Đức Chúa Trời, bị bắt lấy bởi sự bâng quơ, trống rỗng của đời sống. Đó là đời sống không có Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giêxu, xa cách Đức Chúa Trời. Đời sống như vậy không có ý nghĩa, không mục đích, không hi vọng gì cả. Có dịp quí vị có thể học trong sách Truyền Đạo trong Cựu Ước, quí vị sẽ thấy đó là đại ý của sách. Nhà truyền đạo của sách đó đã nếm thử tất cả trong cuộc sống trên đất nầy và đi đến kết luận rằng nếu không có mối liên hệ với Chúa tất cả đều hư không. "Hư không của sự hư không", nhà truyền đạo nói. Trong khúc Kinh Thánh của chúng ta chép rất rõ, mục đích và hi vọng của con người được tìm thấy trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Xa cách Ngài chỉ có sự vô nghĩa. Chúng ta thấy điều đó trong câu 18 rằng chúng ta "được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình". Con người sa ngã được chép trong khúc Kinh Thánh của chúng ta bị buộc trong sự dốt nát bởi sự ham muốn của xác thịt. Con người ở ngoài Chúa Cứu Thế Giêxu không có khả năng thoát ra khỏi sự giam cầm của chính tội lỗi mình. Con người đã bị vướng vào bẫy bởi vì "tiền công của tội lỗi là sự chết". Con người không thể tự cứu mình được.
Chúng ta sẽ thấy chủ đề Xuất Êdíptô ký xuyên suốt trong 1Phierơ. Chủ đề "Xuất Êdíptô ký" mà chúng ta thấy trong sách Xuất Êdíptô ký rõ ràng về việc dân Ysơraên rời khỏi xứ nô lệ là Êdíptô, xứ mà họ bị trói buộc vào, không hi vọng, bị đánh đập, hành hạ, để rồi kết thúc cuộc đời bằng sự chết mà thôi. Thế rồi họ được Đức Chúa Trời giải thoát khỏi nơi đó và được đem vào xứ Canaan mà Đức Chúa Trời ban cho họ làm cơ nghiệp. Rõ ràng chủ đề đó cũng xuyên suốt khúc Kinh Thánh nầy. Chúng ta là hội thánh thời Tân ước không được giải thoát khỏi sự làm nô lệ về thể xác tại Êdíptô nhưng chúng ta được giải thoát khỏi sự nô lệ cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta thấy sự tương đồng nầy được bày ra trong sách 1Phierơ đoạn 1. Sự làm nô lệ cho tội lỗi của chúng ta tuyệt vọng và khốn khổ từng giây cũng giống như dân Ysơraên trong xứ Êdíptô. Hết thảy chỉ là sự trống rỗng, không mục đích và điểm kết chắc chắn là sự chết. Lời của Chúa chép rất rõ về điểm nầy rằng số phận của con người sa ngã, ở bên ngoài Chúa, là tuyệt vọng.
Lời Chúa được giảng cho các thánh đồ theo phần Kinh Thánh của chúng ta không dừng lại ở đây. Nó không ngừng lại khi nhắc nhở chúng ta về tội lỗi và sự khốn khổ trong đời nầy nhưng tiếp tục nói cho chúng ta biết rằng những điều này thuộc về ngày trước của chúng ta. Chúng ta đã từng trong tình trạng đó khi còn ở ngoài Chúa nhưng hiện tại khi chúng ta tin nhận Chúa Cứu Thế Giêxu, Ngài biến đổi chúng ta trở thành những người có hi vọng. Sứ điệp Tin Lành tuyệt vời làm sao khi chúng ta suy nghĩ về điều đó. Chúng ta được giải thoát khỏi đời sống khốn khổ để được đem vào mối liên hệ thiên thượng với Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giêxu. Sứ điệp Tin Lành được trình bày trong 1Phierơ đoạn 1 cũng rất rõ cho chúng ta. Thay vào sự tạm thời của đời sống nầy mà điểm chót là sự chết, chúng ta tìm được sự lâu bền. Thể hay chết của chúng ta được đổi thành thể không hay chết. Thể hay hư nát của chúng ta được đổi thành thể không hay hư nát. Sự chết đã từng là sự không tránh khỏi giờ đây bị đánh bại bởi huyết Đấng Christ và sự sống lại của Ngài.
Lời Đức Chúa Trời còn lại đời đời, theo như khúc Kinh Thánh của chúng ta, lời đó còn lại trong chúng ta. Quí vị là những người trong Đấng Christ được ban cho sự sống đời đời và cơ nghiệp đời đời trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nếu quí vị tin nhận Chúa Cứu Thế, quý vị nhận được lời hứa rằng quí vị sẽ sống trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời quyền năng và được ban cho cơ nghiệp trên thiên đàng. Quí vị đã được giải thoát khỏi tội lỗi và sự khốn khổ. Quí vị được ban cho thiên đàng nơi không có tội lỗi, buồn rầu, đau khổ vì Đức Chúa Trời đã cất đi mọi điều đó. Sự tuyệt vọng của chúng ta được biến đổi thành sự hi vọng chắc chắn. Đây không phải là điều mà chúng ta ao ước sẽ xảy ra nhưng là điều mà chúng ta biết rằng, qua Đấng Christ, đã xảy ra cho chúng ta. Dĩ nhiên điều nầy được hoàn tất trong Đấng Christ khi Đức Chúa Trời khiến Ngài từ kẻ chết sống lại. 1Phierơ đoạn 1 nói với chúng ta "Ngợi khen Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót cả thể khiến chúng ta lại sanh, Đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jêsus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em". Sự tuyệt vọng được biến thành hi vọng sống. Khi hiểu điều nầy chúng ta hiểu được lời của Đức Chúa Trời được chép trong câu 23 và những câu tiếp theo là những lời siêu nhiên. Đây không phải là điều chúng ta tự làm cho mình mà là điều Đức Chúa Trời đã làm qua phép lạ của sự sống lại, là điều được ban cho chúng ta qua sự liên kết với Đấng Christ. Chúng ta hiệp một với Đấng Christ vì thế chúng ta được ban cho sự bảo đảm về sự sống đời đời. Giảng Tin Lành vì thế tập trung vào sự thay đổi siêu nhiên tấm lòng của chúng ta từ chết thành sống. Đây là sứ điệp của Thánh Kinh.
Nếu quí vị mở sách Sáng Thế Ký và lật đến sách Khải Huyền quí vị sẽ thấy sứ điệp của Tin Lành cho những người tin xoay quanh Đấng Christ là Đấng đã chuộc dân sự Ngài về cho chính Ngài. Kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời từ ban đầu là mua sự cứu rỗi cho dân sự Ngài qua huyết của Đấng Christ trên thập tự giá. Tôi tin rằng sứ điệp Tin Lành vì thế có sức mạnh. Khi nói đến lời của Đức Chúa Trời chúng ta nói đến lời đầy quyền năng của Đức Chúa Trời bởi vì ấy chính lời của Đức Chúa Trời làm sống lại linh hồn chết của chúng ta. Giảng Tin Lành nếu trung tín với lời của Đức Chúa Trời thì phải nhắm vào vấn đề đem sứ điệp của lời Đức Chúa Trời vào lòng của những tín hữu để họ được thay đổi bởi Tin Lành ân điển, hầu có được sự trông cậy được chép trong 1Phierơ đoạn 1. Tin Lành của Đấng Christ, lời của Đức Chúa Trời, chủ yếu không phải là cho sự tồn tại trên đất nầy, không phải để giúp chúng ta trở nên một công dân tốt hay người tốt trên thế gian nầy nhưng chính yếu là về sự sống được ban cho chúng ta trong cõi đời đời nhờ ân điển của Đấng Christ, một đời sống sung mãn trong chính sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Thứ hai, chúng ta cũng thấy sứ điệp Tin Lành mà vị sứ đồ nhắc đến ở đây nói về sự chúng ta được tẩy sạch. Được tẩy sạch hàm ý rằng chúng ta từng dơ bẩn, ô uế. Chúng ta không xứng đáng đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Khúc Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta nhiều lần rằng lời của Tin Lành tập trung vào huyết của Đấng Christ là huyết được rải trên chúng ta. Quí vị được thánh hóa bởi Đức Thánh Linh. Tội lỗi của quí vị được tẩy sạch bởi huyết của Chúa Giêxu và được chuộc bởi huyết Đấng Christ. Chúng ta thường nói đến huyết của Đấng Christ. Tại sao Chúa Giêxu cần phải chết một cái chết đổ huyết như vậy? Để đền trả cho tội lỗi của chúng ta Chúa Giêxu chết trên thập tự giá bởi vì chúng ta đáng chết, Ngài chết thế chỗ cho chúng ta. Ngài tự gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên Ngài hầu cho tội lỗi của chúng ta được đền trả. Đức Chúa Trời là một Đức Chúa Trời công bình. Ngài không thể cứ bỏ qua những tội lỗi của chúng ta. Ngài đòi hỏi sự đền trả. Chúa Giêxu Christ khi chết trên thập tự giá đền trả sự rủa sả cho tội lỗi của chúng ta. Khi suy nghĩ về điều đó, chúng ta thấy điều này thật tuyệt vời. Chúng ta không còn phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Tất cả tội lỗi chúng ta đặt trên vai của Chúa Giêxu Christ. Khi Ngài chết, chúng ta chết với Ngài. Kinh Thánh cho chúng ta biết trong Rôma đoạn 8, "Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ" (Rôma 8:1). Chẳng còn có sự đoán phạt nào! Quí vị không còn ở dưới sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, dưới gánh nặng luật pháp của Ngài hay bị lên án bởi nó bởi Chúa Giêxu đã thỏa mãn sự đòi hỏi của nó. Ngài ban cho quí vị sự công bình trọn vẹn để khi quí vị đứng trước mặt Đức Chúa Trời giống như quí vị chưa bao giờ phạm tội. Đó là sứ điệp của Tin Lành.
Đây là Tin Lành mà tôi nói cho quí vị một lần nữa tại đây. Tin lành là đây: Chúa Giêxu đã giải thoát chúng ta khỏi đời sống trước kia. Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi sự khốn khổ và sự chết mất chắc chắn và Ngài ban cho chúng ta sự sống đời đời, sự sống mà quí vị không thể tự mình kiếm được mà chỉ tìm thấy trong Chúa Giêxu Christ mà thôi. Đó là tin lành. Đó là sự hi vọng mà quí vị có được nếu tin nhận Chúa Giêxu Christ. Đây là lời bởi Tin Lành được giảng ra cho quí vị. Đây là sứ điệp của các tiên tri rao ra trong Cựu ước. Dù họ không hiểu được vì không nhìn thấy trọn vẹn nhưng biết rằng mình đang nói về một Đấng sẽ đến. Đây là sứ điệp cho chúng ta là những người đã thấy được sự ứng nghiệm của nó, là người đã thấy Đấng Christ sống lại. Đấng Christ, đã được định trước khi sáng thế, đã đến để chuộc những người được chọn. Chúng ta đã được định trước làm kẻ thuộc về Ngài. Lời của Đức Chúa Trời nầy đã thay đổi lòng của chúng ta. Lời quyền năng nầy đã khiến chúng ta sống lại từ sự chết. Đây là lời mà chúng ta tin. Bởi lời nầy là lời siêu nhiên cho nên đời sống chúng ta được biến cải. Lời của Đức Chúa Trời đầy quyền năng. Lời này có quyền năng cứu rỗi. Nó có quyền năng chuộc người ta về cho Đức Chúa Trời. Bởi lời Đức Chúa Trời thế gian được dựng nên. Ngài phán và thế gian này mới khởi sự tồn tại. Bởi lời của Đức Chúa Trời Ngài kêu gọi dân Ysơraên ra khỏi xứ Êdíptô và người Êdíptô không thể chống lại quyền năng của Đức Chúa Trời. Bởi quyền năng của lời Đức Chúa Trời, chúng ta, là những người trong Đấng Christ, đã được làm cho sống lại và chuộc khỏi tội lỗi của chúng ta.
Cuối cùng khi suy nghĩ về sứ điệp của Tin Lành chúng ta thấy rằng lời của Đức Chúa Trời tác động vào lòng chúng ta. Lời đó thay đổi chúng ta, làm cho chúng ta nên mới, thay đổi cách sống chúng ta. Chúng ta giờ đây sống cho Ngài. Câu 22 cho chúng ta biết, "Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng hết lòng". Sự tẩy sạch của Đức Chúa Trời trong lòng chúng ta khiến chúng ta từ bỏ con người tội lỗi cũ, từ bỏ sự tham muốn, ghen ghét, cay đắng để sống cho Chúa. Nó thay đổi chúng ta, thay đổi cách cư xử của chúng ta, thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về người khác, thay đổi tấm lòng cứng cỏi của chúng ta. Chúng ta được tẩy sạch. Được tẩy sạch có nghĩa là lòng chúng ta suy nghĩ về những gì tốt, công bình và thánh khiết. Được tẩy sạch có nghĩa là chúng ta yêu thương nhau một cách sâu sắc trong Chúa. Được tẩy sạch bởi huyết của Đấng Christ, được làm nên thánh bởi Đức Thánh Linh có nghĩa là chúng ta phải nên thánh vì Đức Chúa Trời là thánh khiết. Chúng ta được biệt riêng ra giữa thế gian, sẵn sàng và luôn luôn muốn vâng theo lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giêxu thay đổi lòng của chúng ta qua sự sống lại huyền diệu của linh hồn chúng ta. Ngài đã thay đổi lòng của chúng ta. Ngài đã thay đổi đời sống của chúng ta. Đây là Tin Lành được giảng ra cho quí vị. Đây là bài giảng hay khi quí vị học biết Tin Lành của Chúa Giêxu Christ để nhận biết Ngài là Chúa và Cứu Chúa của mình. Đây là lời của Đức Chúa Trời có ích lợi thực tế. Đây là sự khích lệ cho những ai ngã lòng. Đây là sự bảo đảm cho những ai bị day dứt bởi tội lỗi bởi chúng ta có thể yên tâm nơi sự tha thứ của Đấng Christ. Nó khích lệ và ban niềm hi vọng cho chúng ta là những người tuyệt vọng. Nó khích lệ chúng ta sống cho Chúa.
Khi suy nghĩ về sự giảng dạy đúng theo Kinh Thánh tôi thường nghĩ đến lờì tóm tắt của tập giáo lý Hidelbert Catechism là quyển giáo lý của giáo hội cải cách mà tôi học từ nhỏ lớn lên. Câu hỏi và trả lời số hai trong quyển nầy là: Có mấy điều cần biết để bạn sống hoặc chết trong sự yên ủi đó? "Sự yên ủi đó" hàm ý sự yên ủi nói đến trong câu thứ nhất là "Sự yên ủi duy nhất nào của bạn khi sống hay chết?" Câu trả lời là "Thân thể và linh hồn không phải của tôi nhưng dù sống hay chết tôi thuộc về Cứu Chúa Giêxu Christ..." Làm sao chúng ta có thể sống và chết với sự yên ủi đó khi biết rằng chúng ta ở trong Đấng Christ? Kinh Thánh cho chúng ta biết, thứ nhất: Chúng ta cần biết tội lỗi và sự khốn khổ của chúng ta là lớn dường nào. Chúng ta cần biết đời sống chúng ta sẽ như thế nào nếu ở bên ngoài Chúa. Chúng ta được chuộc từ địa vị nào? Chúng ta cần biết chúng ta cần ân điển của Đấng Christ đến mức nào. Chúng ta cần biết tội lỗi và sự khốn khổ của chúng ta. Thứ hai, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự khốn khổ như thế nào qua huyết của Chúa Giêxu Christ. Chúng ta cần tin nhận và tin cậy vào huyết của Ngài là huyết tẩy sạch tội cho chúng ta. Chúng ta cần tin nhận và tin cậy vào sự sống lại của Ngài và lời hứa về sự sống đời đời ban cho chúng ta qua Ngài. Thứ ba, chúng ta không chỉ biết tội lỗi và sự khốn khổ của chúng ta và thế nào chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự khốn khổ nhưng giờ đây chúng ta cần học tập hầu việc Ngài là Cứu Chúa của chúng ta. Bản tín lý Hidelbert chia làm 3 phần khác nhau 3S hay 3G cũng được: Tội lỗi, sự cứu rỗi và phục vụ (trong tiếng Anh là Sin, Salvation and Service); hoặc phạm tội, ân điển và lòng biết ơn (Guilt, Grace and Gratitude). Ba điều đó bao quát trọng tâm của Tin Lành. Đó là Tin Lành được giảng ra cho quí vị. Đây là sứ điệp của lời Đức Chúa Trời, là lời quyền năng thay đổi đời sống thấp hèn của chúng ta từ tội lỗi và sự khốn khổ để bước vào một đời sống đầy hi vọng, một đời sống mà chúng ta sẽ sống đời đời trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, cầu xin Chúa cho chúng con tin nơi Tin Lành nầy hầu biết rằng mình là tội nhân, không có hi vọng nếu không có huyết Chúa Giêxu Christ, hầu cho chúng con chạy đến với Cứu Chúa sống lại của chúng con, hầu cho chúng con tin nhận nơi Ngài để sống cho sự vinh hiển của Ngài. Chúa ôi, xin làm đầy lòng chúng con với Tin Lành nầy. Nguyện điều đó là sự vui mừng khi chúng con nghe đến dù nhắc lại nhiều lần bởi "lòng ưa thuật chuyện tích rất hay cho ai dầu đã tường rồi. Dường như con khao khát nghe vậy về chuyện tích quí nhất đời tôi. Khi vô trong nước Chúa hiển vinh sẽ hát khúc ca mới nầy. Tuy là chuyện xưa thuật đành rành, càng thuật càng thấy vui vầy" . Amen
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)