Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Nhu Cầu: Lời Cầu Nguyện Khẩn Cấp - 11/2009  


NHU CẦU: LỜI CẦU NGUYỆN KHẨN CẤP
(1Phierơ 4: 7)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Tôi không biết quí vị có bao giờ xem trên truyền hình đoạn phim tin tức xưa về ngày nổ súng trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai. Trong đoạn phim này, chúng ta thấy những người lính trẻ chuẩn bị băng qua eo biển Manche phân cách giữa Anh và Pháp. Trước khi họ bước lên tàu đi về phía bên kia biển, nhiều mục sư tuyên úy hướng dẫn lính cầu nguyện. Tôi chắc rằng khi những chiếc tàu này vượt sóng sang bờ bên kia, còn nhiều lời cầu nguyện khác được thốt lên trong tối hôm đó. Khi những chuyến tàu lướt đi chầm chậm sâu vào hơn tầm bắn của quân đội Đức thù nghịch, chắc chắn những người lính này đều hướng về Đấng Tạo Hóa mình mà cầu nguyện. Họ biết rằng đối với một vài người trong số họ, điểm kết thúc hầu gần. Cuộc sống trên đất của họ sắp kết thúc. Nhiều người trong số họ sẽ không sống để nhìn thấy một ngày mới. Tôi có thể tưởng tượng nhiều lời cầu xin dâng lên, xin Chúa bảo vệ mình, cầu thay cho gia đình ở xa, cầu xin Chúa cứu linh hồn mình.

Đây cũng là từng trải của thuyền trưởng Jonathan Gibs, mục sư tuyên úy trong quân đội của giáo hội OPC, người mà ngày 26 tháng 5 vừa rồi, cùng đơn vị không quân 173 nhảy dù vào đất Irắc. Lời tường thuật về công tác của ông được ghi lại trong tạp chí New Horizon vừa rồi. Qua đó chúng ta đọc thấy rằng tâm trạng đó cũng đến với những người lính này khi đáp xuống địa phận quân thù. Những đoàn quân ngày nay khi bước ra trận chắc cũng mang trong mình tâm trạng đó. Như một vị đại tướng nói "Không có gì giống như ai đó bắn vào chúng ta giúp chúng ta tập trung nghĩ về những gì thật sự quan trọng." Biết rằng mình có thể sắp đến đoạn cuối của cuộc đời đẩy ra khỏi tâm trí chúng ta hết mọi những suy nghĩ kém quan trọng và tập trung vào chỉ những việc quan hệ nhất, những việc sống còn mà thôi.

Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, vị sứ đồ Phierơ cũng muốn chúng ta tập trung tư tưởng mình theo cách đó. Chúng ta được dạy rằng "Sự cuối cùng của muôn vật đã gần" và vì thế chúng ta cần tha thiết hơn trong sự cầu nguyện. Thật sự rằng Đức Chúa Trời sẽ trở lại khiến chúng ta cần tập trung tâm trí vào những gì quan trọng nhất. Điều đầu tiên chúng ta tìm thấy trong phần Kinh Thánh này là sự cuối cùng của muôn vật đã gần. Vị sứ đồ rõ ràng đang đề cập đến sự tận thế. Ngay trên phần thượng văn của đoạn Kinh Thánh này ông nói đến những lời cảnh giới cho những ai ở ngoài Chúa về ngày phán xét khi Đấng Christ trở lại. Đây là sự cuối cùng của muôn vật, chẳng phải chỉ là sự cuối cùng của một cá nhân nào, là điều có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Sự cuối cùng của muôn vật tiếp theo lời cảnh giới cho những người không tin về ngày phán xét.

Theo Kinh Thánh, thế giới này đang đi đến ngày chung cuộc. Nó sẽ chẳng tồn tại mãi đâu. Sự cuối cùng của muôn vật hầu đến. Nhiều đoạn Kinh Thánh khác trong Tân Ước cũng thể hiện sự dạy dỗ này. 1Têsalônica đoạn 5 nói đến ngày của Chúa đến như kẻ trộm. 2Phierơ đoạn 3 cũng tập trung vào sự chắc chắn của ngày Chúa trở lại. Cơ Đốc Nhân phải sống đời sống thánh khiết vì ngày của Chúa chắc chắn đang đến. Hêbơrơ đoạn 10 câu 25 dạy chúng ta chớ bỏ qua sự nhóm lại vì ngày ấy hầu gần. Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng này. Ngày của Chúa hầu gần. Điều này cần khiến chúng ta tập trung vào những gì hệ trọng. Khi suy nghĩ về điều đó chúng ta thấy ngày phán xét là chuyện hệ trọng. Đối với người tin Chúa, ấy là ngày biện minh, ngày mà hết thảy những người tin Chúa sẽ được cứu, khi mà thân và hồn họ sẽ được hiệp một với Ngài để cai trị mãi mãi. Đây là ngày được trông đợi. Ấy là ngày được sửa soạn bởi những thời kỳ tín hữu bị bắt bớ, họ sẽ đầy sự khổ nạn, người ta sẽ cười nhạo hội thánh mà rằng "Chúa chưa đến, thế sao anh còn chờ đợi Ngài đến làm gì? Ngài sẽ chẳng đến đâu!" Sẽ có những giáo sư giả, những Christ giả. Vì thế Kinh Thánh dạy chúng ta phải sửa soạn sẵn sàng để đối diện với cơn tấn công dữ dội. Đối với những người không tin, đây chắc chắn là một ngày kinh khiếp. Trong ngày đó, những ai không ở trong Đấng Christ sẽ ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời và sự thạnh nộ Ngài. Những ai chưa quay về với Đấng Christ, Đấng đã chịu chết trên thập tự giá, sẽ đối diện với sự định tội của Đức Chúa Trời. Chỉ những ai ở trong Đấng Christ mới được cứu. Ngày phán xét là ngày hệ trọng nhất bởi nó quyết định không chỉ đời sống thể xác của chúng ta. Sự sống trong Đấng Christ không chỉ đắc thắng sự chết thể xác mà luôn cả sự chết bên ngoài Đấng Christ, tức là sự chết thứ hai, sự định tội và thạnh nộ đời đời.

Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng ngày ấy đã gần rồi. Vị sứ đồ nói rằng ngày ấy đang đến nhanh chóng. Chắc chắn rằng vị sứ đồ đã nhầm lẫn rồi, ít ra là trong cái nhìn của ông. Từ thời của ông đến nay đã hơn hai ngàn năm trôi qua, nhiều vương quốc đến rồi đi, vậy mà Đấng Christ vẫn chưa trở lại! Sứ đồ Phierơ ơi, làm sao ông có thể nói rằng ngày này đang đến gần? Sao ông dám nói với chúng tôi rằng Ngài sẽ mau trở lại? Chúng tôi đã chờ đợi lâu lắm rồi mà Ngài vẫn chưa đến. Những độc giả ban đầu của lá thơ này đã đến rồi đi, cùng với con cái họ, rồi con cái của con cái họ, cháu chắt họ... Làm sao đoạn Kinh Thánh này lại nói đến sự đến của ngày cuối cùng là điều đang đến gần. Chủ đề ngày cuối cùng hầu gần này đã được đề cập đến trong 2Phierơ đoạn 3, "trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế. Chúng nó có ý quên lững đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt... Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày." Thời gian giữa sự đến thứ nhất và sự đến thứ hai của Đấng Christ không phải là chậm trễ dưới mắt nhìn của Đức Chúa Trời bởi với Ngài một ngày như ngàn năm. Khoảng thời gian ấy cũng như vài ngày mà thôi, sẽ mau chóng đến. Trong cái nhìn của Đức Chúa Trời trong cả cõi đời đời, thời gian này là nhỏ bé, một giọt nước trong cả chậu nước. Đức Chúa Trời nhìn thấy thời gian này là nhanh chóng.

Hơn nữa, Kinh Thánh cho chúng ta biết không ai biết ngày giờ Đấng Christ trở lại. Ngài có thể trở lại ngay ngày mai, ngay chiều nay hay một ngàn năm sau nữa. Chúng ta không biết thời điểm ấy là khi nào. Chúng ta cần hiểu rằng ngày nay là ngày cứu rỗi. Ngày nay là ngày mà chúng ta cần đến với Đấng Christ để được cứu bởi chúng ta không biết rằng ngày mai có đến hay không và mọi việc sẽ quá muộn màng. Xin hãy sẵn sàng! Chúng ta phải hiểu rằng ngày này đang đến bởi chúng ta không biết chính xác ngày giờ.

Ngày của Chúa đã gần cũng có nghĩa là nó là sự kiện cuối cùng còn lại trong lịch sử cứu rỗi. Tôi không có ý nói rằng ngày nay Đấng Christ không còn hành động nữa. Ngài vẫn còn làm việc, biến cải đời sống người ta. Ngài vẫn còn tích cực hoạt động trong lịch sử cứu chuộc nhưng sự kiện lớn cuối cùng trong lịch sử cứu chuộc là sự trở lại của Đấng Christ. Theo Phierơ và Công vụ đoạn 2, chúng ta đang sống trong ngày cuối cùng. Điều duy nhất còn lại trên tấm lịch của Đấng Christ là sự trở lại của Ngài. Đấng Christ đã hoàn tất hết thảy mọi công việc khác của Ngài ngoại trừ sự trở lại. Điều còn lại duy nhất là sự trở lại của Ngài. Thời kỳ đã gần. Xin đừng trì hoãn. Hãy chuyên tâm vào những việc hệ trọng là cõi đời đời, là khi chúng ta sẽ ở trên trời đời đời.

Đoạn Kinh Thánh dạy chúng ta: "Vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện". Sự hiểu biết về ngày cuối cùng khiến chúng ta chuyên tâm về việc quỳ gối trước mặt Đức Chúa Trời. Biết rằng Đấng Christ sắp trở lại và sự cuối cùng đã gần khiến chúng ta quỳ gối xuống. Sự cầu nguyện là điều yếu cần, phải có, là điều chúng ta không thể sống khi thiếu nó, đặc biệt là khi ngày ấy hầu gần. Đôi khi chúng ta đánh giá thấp tầm quan trọng của sự cầu nguyện cho rằng điều đó là không cần thiết. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh xã hội ngày nay tại đất nước nầy khi chúng ta đều có khuynh hướng cá nhân cho rằng tự chúng ta có thể cứu mình được. Chúng ta tự mình lo cho mình không cần ai giúp. Chúng ta độc lập. Chúng ta cho rằng chúng ta có thể bước vào trận chiến nghịch cùng xác thịt tự mình. Chúng ta cho rằng chúng ta có thể tự mình đến với Chúa trong đức tin. Chúng ta không nghĩ rằng mình phải quỳ gối xuống trước mặt Chúa. Đôi khi chúng ta cũng có thái độ đó về đức tin nữa. Dù trong thâm tâm chúng ta biết rằng mình phụ thuộc vào Đức Chúa Trời nhưng chúng ta vẫn sống dường như điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta vậy. Chúng ta không cầu xin mà cho rằng mình có thể đắc thắng sự cám dỗ hằng ngày hay chịu đựng sự khổ nạn bằng sức riêng mình vậy. Chúng ta cần phụ thuộc vào Chúa. Chúng ta cần hướng về Ngài trong sự cầu nguyện. Không lạ gì đôi khi chúng ta tranh chiến hết sức với tội lỗi có lẽ vì chúng ta không tranh chiến trong sự cầu nguyện trước mặt Đức Chúa Trời. Như sứ đồ Giacơ nói: "Anh em chẳng được chi vì không cầu xin". Có lẽ chúng ta nói rằng chúng ta tin vào sự toàn quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ hành động theo ý muốn Ngài dù chúng ta có làm gì đi nữa. Lời cầu nguyện của chúng ta cũng không thay đổi gì chỉ giúp chúng ta thấy dễ chịu mà thôi chớ thật ra lời cầu nguyện của chúng ta cũng không bay qua khỏi nóc nhà này. Có lẽ chúng ta cho rằng sự cầu nguyện cũng không làm được điều gì. Có lẽ chúng ta biết rõ hơn nhưng thái độ chúng ta lại tỏ ra tư tưởng đó.

Trong 1Phierơ đoạn 3 câu 12 chép: "Vì mắt của Chúa đoái trông người công bình, Tai Ngài lắng nghe lời cầu nguyện người, Nhưng mặt Chúa sấp lại nghịch với kẻ làm ác." Đức Chúa Trời lắng nghe lời chúng ta cầu xin. Ngài đáp lời cầu nguyện. Cầu nguyện là điều yếu cần. Chúng ta phải được Thánh Linh thêm sức để chịu đựng cho đến cuối cùng. Chúng ta không thể đi hết con đường bằng sức riêng mình. Chúng ta biết rằng những người lính nơi trận tiền biết rõ điều đó. Họ biết rằng họ không thể điều khiển tình huống, không thể xoay sở mọi sự được, rằng họ hoàn toàn nương nhờ nơi Đức Chúa Trời giúp họ đi qua trận chiến. Họ kêu xin sự chăm sóc toàn năng của Ngài nhìn nhận rằng Ngài là Đấng điều khiển mọi sự. Thái độ của chúng ta phải như thế. Chúng ta phải nhìn nhận rằng mình ở trong tay Đức Chúa Trời, rằng chúng ta không thể điều khiển điều gì. Chúng ta cần kêu xin Ngài cách khẩn thiết như những người lính đó đặc biệt là trong những ngày cuối cùng này. Ngày nay hội thánh đang bị chế nhạo vì đứng về phía Phúc Âm. Cám dỗ đầy dẫy chung quanh chúng ta trên truyền hình, phim ảnh, máy vi tính và nhiều nơi khác nữa. Chúng ta cần được Thánh Linh gìn giữ. Kinh Thánh cho chúng ta biết ma quỷ như sư tử rống đi rình mò chung quanh chúng ta. Chúng ta phải đứng vững. Chúng ta không chiến đấu cùng thịt và huyết mà cùng thế lực của thế gian mờ tối này. Làm thế nào chúng ta có thể đứng vững mà không có Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong chúng ta? Đặc biệt là trong những ngày cuối cùng này, hãy cầu nguyện! Hãy cầu nguyện cách trung tín, rao giảng Tin Lành của Lời Đức Chúa Trời.

Thỉnh thoảng chúng tôi đi thăm viếng những gia đình tín hữu trong hội thánh, chúng tôi nghe anh em nói rằng: "Thời gian tỉnh nguyện cá nhân của tôi không được tốt lắm. Tôi không cầu nguyện đủ. Đáng lẽ ra tôi cần cầu nguyện nhiều hơn. Có lẽ tôi cần sắp xếp thời gian biểu để cầu nguyện." Đây không phải là thái độ nên có của chúng ta về sự cầu nguyện. Chúng ta cần có thái độ hết lòng tha thiết trong sự cầu xin rằng: "Tôi không thể sống mà không cầu nguyện. Tôi thậm chí không thể nghĩ đến việc sống ngày hôm nay mà không đến với Chúa, xin Ngài giúp đỡ, dẫn dắt và săn sóc toàn quyền của Ngài trên tôi. Tôi không thể sống nổi một ngày mà không quỳ gối xuống trước mặt Đức Chúa Trời". Đây không phải là vấn đề mà chúng ta có thể nói: "À, đáng lẽ ra tôi nên làm tốt hơn..." mà là vấn đề: "Tôi không thể sống mà không cầu nguyện". Tôi tin rằng sự thiếu sót trong đời sống cầu nguyện dẫn đến tình trạng yếu mõn trong đời sống Cơ Đốc, Cơ Đốc nhân không thể đứng vững trước áp lực của thế gian xung quanh mình, không đứng nổi trước những sự khổ nạn dành cho Cơ Đốc nhân.

Khi viết thơ tín này, vị sứ đồ Phierơ không phải là không quen thuộc với những vấn đề như thế. Mathiơ đoạn 26 tường thuật lại lúc Phierơ, Giăng và Giacơ ở tại vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giêxu bảo họ rằng: "Hãy thức canh và cầu nguyện kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ. Tâm thần thì muốn lắm mà xác thịt thì yếu đuối." Chúng ta nhớ rằng lúc ấy các sứ đồ có quỳ gối cầu nguyện tha thiết không? Không! Cả ba người đều ngủ bởi mí mắt họ đã nặng trĩu. Chúa Giêxu đến đánh thức họ dậy và nhắc họ cầu nguyện nữa nhưng họ lại ngủ nữa. Thế nhưng điều gì đã xảy ra cho Phierơ khi ông không cầu nguyện xin Chúa thêm sức cho mình vượt qua sự cám dỗ hầu đến cùng mình? Vì ông chểnh mảng trong trách nhiệm cầu xin của mình, lơ là không vâng theo lời Chúa, chúng ta thấy trong đoạn kế tiếp là câu chuyện ông chối Chúa. Tại sao? Vì ông sợ phải chịu khổ với Đấng Christ, là chính Cứu Chúa mình. Ông đã không thể chống cự nổi với cám dỗ. Thế thì ông không nói với tâm trạng của người không biết. Ông đang nói với chúng ta rằng như chính ông cần phải cầu nguyện khi những ngày trên đất của Đấng Christ gần chấm dứt.

Chúng ta cũng cần tha thiết trong sự cầu nguyện kẻo phải đối diện với cám dỗ mà chối Chúa chăng. Chúng ta cần ý thức được tầm quan trọng của sự cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện bao nhiêu? Đoạn Kinh Thánh hôm nay dạy chúng ta phải "nghiêm túc mà cầu nguyện". Một số bản dịch dịch là "tỉnh thức mà cầu nguyện" hay "tỉnh táo mà cầu nguyện". Những từ này trái ngược với sự say sưa, tỏ ra rằng một người phải đến với Chúa với tâm thần tỉnh táo và mục tiêu rõ ràng. Thực tế rằng ngày cuối cùng hầu gần giúp chúng ta làm điều đó. Chúng ta dẹp đi những gì không cần thiết, kéo chúng ta đến với những gì quan trọng nhất. Chúng ta nhận ra rằng thế gian này đến rồi đi. Đời sống chỉ tạm thời chóng qua. Những gì chúng ta nhặt nhạnh thu góp được trong đời sống này sẽ đến rồi đi. Thế nên chúng ta nhìn xem Đấng Christ là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta nhận ra điều gì đang đe dọa sự cứu rỗi linh hồn của chúng ta. Ấy chính Đức Chúa Trời là Đấng biến cải tấm lòng chúng ta, gìn giữ tấm lòng chúng ta trung tín với Ngài. Đức Chúa Trời là nơi mà chúng ta phải hướng về nếu chúng ta muốn đắc thắng sự cám dỗ của ma quỷ.

Thứ hai, chúng ta được dạy rằng chúng ta phải tỉnh thức. Xin chúng ta cùng xem trong Luca đoạn 24 câu 34 đến 36, "Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy. Vậy, hãy tỉnh thức luôn và cầu nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tại nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người." Chúa Giêxu dạy các môn đồ Ngài khi xưa và chúng ta ngày nay rằng chúng ta phải tỉnh táo cảnh giác, biết rằng Đấng Christ sẽ trở lại, rằng những điều này sẽ đến rồi đi. Chúng ta cần tập trung tâm trí và chờ đợi Đấng Christ trở lại. Chúng ta cần tập trung tinh thần vào những gì thật sự hệ trọng và hướng về Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta mà cầu nguyện. Đôi khi chúng ta cho rằng chúng ta không dấn bước vào trận chiến nào như cuộc chiến ở Irắc hay những cuộc thế chiến, không có đầu đạn nào nhắm vào chúng ta. Chúng ta cảm thấy khá an toàn với đời sống hiện tại của mình. Tuy nhiên sự thật là chúng ta đang tranh chiến dù trận chiến này không chiến đấu bằng bom đạn, xe tăng. Cuộc chiến mà chúng ta đang dấn bước vào là nghịch cùng ma quỷ và vương quốc nó. Hội thánh của Đấng Christ có thể chuẩn bị tinh thần bị tấn công ngày đêm. Chúng ta phải chuẩn bị đối diện với cám dỗ và thử thách. Là con dân Chúa, chúng ta phải nhận ra rằng đời sống chúng ta đang bị đe dọa. Chúng ta phải đến với Chúa trong sự cầu nguyện. Chúng ta cần đến với Chúa là Đấng có thể cứu linh hồn chúng ta khỏi sự chết. Chúng ta hãy đến với Chúa là Đấng nâng đỡ tấm lòng chúng ta, thay đổi tấm lòng chúng ta, gìn giữ chúng ta khỏi sự sa ngã. Ấy chính Đức Chúa Trời là Đấng ban cho chúng ta sức lực để chịu đựng đến ngày cuối cùng. Nếu chúng ta muốn đứng nổi, chúng ta cần khẩn thiết và chăm chỉ mà cầu xin bởi vì ngày cuối cùng đã gần rồi. Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Lạy Chúa, chúng con biết rằng ngày phán xét đã hầu gần. Những ai sống ngoài Ngài chắc chắn sẽ phải đối diện với sự phán xét. Những ai ở trong Đấng Christ sẽ được cứu. Xin Ngài tạo nên trong lòng chúng con một sự hiểu biết sốt sắng về Lời Chúa để chúng con được vững lập và không quay qua bên hữu hay bên tả. Chúng con cũng cầu xin cho chúng con được thoát khỏi những cám dỗ, thử thách hầu khi trải qua mọi sự đó, Ngài sẽ ban ơn cho chúng con chịu đựng. Xin làm vững mạnh linh hồn chúng con trong sự tranh chiến bởi chúng con biết rằng thì giờ đã gần. Điều quan trọng nhất đối với chúng con là sự cứu rỗi linh hồn chúng con và sự vinh hiển của Đấng Cứu Chuộc chúng con. Xin ban cho chúng con tấm lòng cầu nguyện khẩn thiết và chuyên tâm chẳng phải vì ép uổng hay vì nghĩa vụ mà là vì chúng con không thể sống mà thiếu sự cầu nguyện. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)