Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Sự Rao Giảng Của Đấng Christ Trong Thời Nôê - 9/2009  


SỰ RAO GIẢNG CỦA ĐẤNG CHRIST TRONG THỜI NÔ-Ê
(1Phierơ 3:19-20)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Đoạn Kinh Thánh của chúng ta hôm nay được xem là một trong những đoạn khó hiểu nhất của Tân Ước. Nó đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau xuyên suốt lịch sử hội thánh. Nhìn sơ qua, chúng ta phải nhận rằng việc đề cập đến sự kiện thời Nô-ê dường như là không đúng chỗ. Đoạn Kinh Thánh này tập trung vào sự khích lệ các tín hữu nhìn vào sự chịu khổ của Đấng Christ như là tấm gương cho mình trong sự chịu khổ vì sự công bình. Đoạn Kinh Thánh này muốn dạy dỗ chúng ta điều gì trong sự triển khai về sự chết và sống lại của Đấng Christ, sự chịu khổ của Ngài, và giờ đây là câu chuyện thời Nô-ê? Hai sự kiện này gắn bó với nhau như thế nào? Về căn bản, khi xem xét đoạn Kinh Thánh này, những câu hỏi phát sinh ra là như sau: 1) Ai là "các linh hồn bị tù"? 2) Chúa Giêxu rao giảng cho họ khi nào? 3) Sứ điệp của Ngài là gì? 4) Làm thế nào những điều này khớp vào đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đang học hỏi tại đây? Chúng ta cũng sẽ đề cập đến những vấn đề này trong bài học hôm nay.

Những câu trả lời cho những câu hỏi này khác nhau rất xa. Một số người Công Giáo dùng đoạn Kinh Thánh này để bảo vệ tín lý mang tên "Thuốc giảm đau của hỏa ngục". Tín lý này dạy rằng Chúa Giêxu, trong khoảng thời gian giữa sự chết và sự sống lại, đã đột kích vào địa ngục và giải phóng những tín hữu thời Cựu Ước khỏi âm phủ mà đưa vào thiên đàng. Những tín hữu thời Cựu Ước chờ đợi trong địa ngục cho đến khi sự chết của Đấng Christ hoàn tất sự cứu rỗi của họ, giờ đây được giải cứu khỏi khổ hình của tội lỗi. Có người còn giải thích Bài Tín Điều các sứ đồ theo cách này trong phần nói đến Đấng Christ "xuống âm phủ", nói rằng Ngài xuống âm phủ với ý định này. Ý kiến này trái ngược với ý kiến của những giáo hội Cải Cách về bài Tín Điều các sứ đồ, đặt nền tảng trên câu Kinh Thánh trong Thi Thiên 16 câu 10, "Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, Cũng không để người thánh Chúa thấy sự hư nát." Tại đây chúng ta thấy Chúa Giêxu chịu rủa sả trên thập tự giá, chịu sự khổ sở của địa ngục bằng sự đi xuống mồ mả nhưng Ngài không hề thấy sự hư nát bởi Ngài được làm cho sống lại đắc thắng trên sự chết và địa ngục. Một số người khác hiểu rằng những linh hồn bị tù là những thiên sứ sa ngã mà Đấng Christ rao giảng bằng cách công bố sự đắc thắng Ngài trên họ và sự phán xét cuối cùng của họ. Những linh hồn ấy là ma quỷ mà Đấng Christ công bố sự thua bại cuối cùng của chúng. Một số ý kiến khác cho rằng Đấng Christ xuống âm phủ để giảng cho những người trong thời Nô-ê, báo cho họ về sự đắc thắng Ngài và sự định tội cuối cùng của họ. Những điểm hỗ trợ cho những quan điểm trên là: giống như Đấng Christ đã được biện minh, những người đã chịu khổ vì sự công bình cuối cùng cũng sẽ được biện giải.

Mục tiêu của tôi hôm nay không phải là trình bày chi tiết từng quan điểm mà là trình bày cho chúng ta sự hiểu biết đúng về những câu Kinh Thánh này, các giải thích duy nhất mà tôi tin rằng thích hợp trong ngữ cảnh của đoạn Kinh Thánh này. Thế thì chúng ta hãy cùng tiến tới câu hỏi đầu tiên: "Ai là những linh hồn bị tù?" "Đấng Christ đã rao giảng cho ai?" Như đã trình bày ở trên, một số người cho rằng họ là những tín đồ Cựu Ước, số khác cho rằng đó là những thiên sứ sa ngã, hoặc là những người không tin trong thời Nô-ê. Chúng ta thấy trong Tân Ước thường khi nói đến những "linh", thường là nói đến những tà linh hay ma quỷ. Điều này khiến một số người cho rằng Đấng Christ đã rao giảng cho những tà linh ma quỷ đang bị tù trong địa ngục. Tuy nhiên chúng ta cũng cần hiểu rằng một số nơi khác trong Tân Ước cũng dùng chữ "linh" này để mô tả những linh hồn của người ta, như trong Hêbơrơ đoạn 12 câu 23 nói đến linh hồn của người nghĩa được vẹn lành.

Tôi tin rằng khi chúng ta xem đoạn Kinh Thánh này và phần tiếp theo sau đó chúng ta sẽ thấy tại đây đang nói đến linh hồn của con người mà không phải là tà linh hay ma quỷ. Tại đây nói đến linh hồn người ta đang bị tù trong địa ngục. Kinh Thánh tại đây cho chúng ta biết những con người này trước đây đã không vâng lời. Chúng ta đã thấy trong những phần Kinh Thánh trước rằng khi Phierơ nói đến những người không vâng phục, ông đang nói đến những người khước từ Tin Lành của Chúa Giêxu Christ, cũng là khước từ chính mình Ngài. Chúng ta thấy điều đó trong 1Phierơ đoạn 2 câu 8 khi Phierơ mô tả những người "không vâng phục Đạo"; trong đoạn 3 câu 1 nói đến "người chồng nào không vâng theo Đạo"; trong đoạn 4 câu 17, "những kẻ chẳng vâng theo Tin Lành Đức Chúa Trời". Rõ ràng rằng ý này không thể áp dụng cho ma quỷ hay những thiên sứ sa ngã vì họ chẳng được ban cho Tin Lành để đáp lời. Ma quỷ chẳng làm gì được để được cứu. Chúng đã sa ngã, đã ở dưới sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Không có Tin Lành nào dành cho chúng cả. Tuy nhiên những người thời Nô-ê đã được ban cho Tin Lành. Họ nghe Nô-ê mà 2Phierơ 2 gọi là "thầy giảng đạo công bình" rao giảng sứ điệp Tin Lành, họ được cảnh giới về sự phán xét sắp đến của trận lụt. Dầu vậy, họ khước từ cả sứ điệp và người rao báo sứ điệp ấy. Những người này giờ đây đang bị tù. Đây là tình trạng hiện tại của họ vì đã không vâng theo Tin Lành. Những linh hồn bị tù là những người không tin trong thời Nô-ê.


Thế thì khi xem xét đoạn Kinh Thánh này và xác định những linh hồn bị tù đó là những người sống thời Nô-ê giờ đây bị giam cầm trong địa ngục thì chúng ta phải đưa ra câu hỏi: "Đấng Christ rao giảng cho họ khi nào?" Một số người cho rằng thời điểm ấy là giữa sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, hay thậm chí ngay sau sự sống lại của Ngài, theo sau câu 18. Một số người còn cho rằng điều này cho họ một cơ hội nữa để đáp lời Tin Lành. Đây không phải là ý của đoạn Kinh Thánh này. Chúng ta được cho biết rõ ràng chính xác về thời điểm của sự rao giảng này: "Khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên" (câu 20). Đây chính là thời điểm mà Đấng Christ rao giảng cho những người này. Nói cách khác, Tin Lành được rao giảng cho những người trong thời Nô-ê trong thời gian chiếc tàu đang được đóng nên. Nô-ê cảnh giới họ về những sự sẽ đến, kêu gọi họ ăn năn. Thế nhưng nếu vậy thì làm sao chúng ta nói rằng chính Đấng Christ đã rao giảng? Làm thế nào đoạn Kinh Thánh này nói đến Đấng Christ phục sinh bởi linh Ngài đã rao giảng cho những người trong thời Nô-ê nhiều ngàn năm trước khi Đấng Christ đến thế gian? Đoạn Kinh Thánh muốn nói gì khi chép rằng "bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù"?

Tôi tin rằng ý tưởng tại đây rất giống với ý tưởng trong 1Phierơ đoạn 1 câu 10 và 11, "Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét, và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em: nghĩa là tìm cho biết thời kỳ nào và thời kỳ cách nào mà Thánh Linh Đấng Christ ở trong lòng mình đã chỉ cho, là khi làm chứng trước về sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau." Tại đây chỉ rõ rằng Thánh Linh của Đấng Christ đã hiện diện trong Cựu Ước làm chứng về sự đau đớn, sự chết và sự sống lại của Ngài qua những tiên tri Cựu Ước. Khi ấy Đấng Christ rao giảng qua các đấng tiên tri. Đấng Christ rao giảng qua các thánh đồ Cựu Ước làm chứng về sự đến sau cùng của Ngài. Thánh Linh của Đấng Christ hiện diện trong tất cả những lời tiên tri của các tiên tri của Đức Chúa Trời. Những ai nói ra Lời Đức Chúa Trời rốt lại cũng rao giảng về Đấng Christ, về sự chết và sống lại của Ngài mà thôi. Nô-ê là một trong những tiên tri này. Sứ điệp của ông về căn bản cũng như sứ điệp của các tiên tri khác là Tin Lành của Chúa Giêxu Christ. Vì vậy Thánh Linh của Đấng Christ hiện thân trong Nô-ê rao giảng Tin Lành cho những người xung quanh ông.

Sứ điệp đó là gì? Đó có phải chỉ là sứ điệp đắc thắng không? Không, sứ điệp của Ngài xa hơn thế nhiều. Qua Nô-ê, Ngài rao giảng kêu gọi họ "Hãy ăn năn và tin ta." Nô- ê rao giảng rằng "Hãy tin Đức Chúa Trời vì Ngài sắp giáng sự phán xét trên thế gian. Hãy khước từ đời sống tội lỗi bởi nó chẳng có gì lâu dài cho anh em cả. Cách sống tội lỗi này sẽ dẫn đến sự đoán phạt. Đức Chúa Trời sẽ đến để phán xét. Hãy ăn năn và vào tàu cùng với tôi. Chỉ những ai tin cậy Đức Chúa Trời mới được cứu. Cơn lụt sắp đến. Anh em chắc chắn sẽ phải đối diện với sự chết trừ khi anh em tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Hãy tin sứ điệp này. Đức Chúa Trời đang cho chúng ta một lối thoát là chiếc tàu. Ngài cho chúng ta biết sự phán xét sắp giáng xuống. Hãy đến cùng với tôi! " Ấy chính là sứ điệp của Tin Lành. Đây chính là sứ điệp của Đấng Christ: Thoát khỏi sự rủa sả của Đức Chúa Trời bằng cách đến cùng Ngài. Sự rao giảng của Nô-ê thể hiện sứ điệp của Đấng Christ. Đây chắc chắn không chỉ là trường hợp của Nô-ê mà thôi. Nhiều tiên tri Cựu Ước cũng được kêu gọi như thế, kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên ăn năn và tin nhận, tin cậy Đức Chúa Trời vì Ngài sẽ ban cho họ sự cứu rỗi. Thế thì tại sao Phierơ chỉ đưa ra trường hợp Nô-ê? Tại sao ông tập trung vào Nô-ê và thời điểm này khi Tin Lành của Đấng Christ được rao giảng? Có lẽ bởi vì tình huống của Nô-ê có lẽ là cực đoan nhất.

Trở về với Cựu Ước chúng ta thấy rằng Nô-ê rao giảng Tin Lành trong một hoàn cảnh nghịch thù nhất. Xin chúng ta cùng xem trong Sáng Thế Ký đoạn 6, "Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn; thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng." Chúng ta cũng thấy tại đây chép về sự con trai Đức Chúa Trời cưới con gái loài người. Chúng ta thấy ấy là hậu quả của sự kết hôn giữa những người tin Chúa và người không tin và đời sống buông lung của họ, con người đã sa ngã đến mức độ Đức Chúa Trời quyết định đoán phạt họ. Hơn nữa, trong thời điểm này, số người tin Chúa rất nhỏ. Đoạn Kinh Thánh của chúng ta dường như nhấn mạnh điều đó rằng chỉ có tám người được cứu bởi nước, là Nô-ê và gia đình Nô-ê đối lại cùng cả thế gian. Nô-ê làm chứng cho cả thế gian đang khước từ Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể tưởng tượng sự khó khăn mà Nô-ê phải chịu bởi tay những người cùng thời. "Tại sao ông lại đóng chiếc tàu này? Ông nghĩ rằng một trận lụt sẽ đến sao? Ông là một người mất trí! Ông nghĩ gì vậy Nô-ê? Ông nghĩ một mình ông được cứu thôi sao?" Họ chắc hẳn sẽ cười mỗi khi trời đổ mưa rồi lại nắng. Suốt một khoảng thời gian dài Nô-ê và các con trai đóng chiếc tàu khổng lồ giữa đất liền, chắc hẳn họ sẽ nói ông là điên dại. Thế nhưng bằng lời nói và hành động mình, Nô-ê cứ trung tín công bố rằng sự đoán phạt của Đức Chúa Trời đang đến, cảnh giới họ về sự hủy diệt đang đến gần trên những ai khước từ Tin Lành.

Sáng Thế Ký đoạn 6 câu 3 cho chúng ta biết khoảng thời gian này là chừng một trăm hai mươi năm: "Đức Giê-hô-va phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt; đời người sẽ là một trăm hai mươi năm mà thôi." Chúng ta không biết chắc ông mất bao nhiêu năm để đóng chiếc tàu nhưng chúng ta có thể tưởng tượng qua bao nhiêu năm tháng đó ông cứ giải thích rằng sự hủy diệt sắp đến, công bố về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, chịu khổ vì sự công bình, rao giảng một Tin Lành dường như cuối cùng không mang lại kết quả gì. Như Nô-ê nhẫn nại trong hoàn cảnh cực đoan như thế, giờ đây chúng ta cũng được kêu gọi bền lòng trong chức vụ rao giảng Lời Đức Chúa Trời qua năng quyền và sức mạnh của cùng một Thánh Linh mà Nô-ê đã có, Thánh Linh của Đấng Christ phục sinh không chỉ ở cùng Nô-ê và các tiên tri mà Thánh Linh đó cũng đã được ban cho chúng ta khi chúng ta mang cùng Tin Lành này rao giảng cho thế gian. Điều vị sứ đồ muốn dạy dỗ chúng ta tại đây là khi chúng ta đi theo Đấng Christ và sự chịu khổ Ngài, chúng ta cũng đã được ban cho Thánh Linh của Đấng Christ, như Nô-ê công bố cho một thế giới nghịch thù cùng mình, chúng ta, bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta, cũng công bố cho một thế gian sa ngã.

Thế thì ngày nay khi người ta đến với chúng ta và hỏi: "Anh đi nhà thờ để làm gì vậy? Tại sao anh chịu phiền sống thiện hảo làm gì? Tại sao lại sống cho Chúa? Sao anh yêu Chúa Giêxu quá vậy? Theo Ngài mà làm chi?", thì chúng ta hãy nói với họ, hãy mang sứ điệp Tin Lành đến cho họ, nói với họ về sự đoán phạt sắp đến của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ đến đoán phạt. Những ai đã sống trong tội lỗi, chưa quay về với Chúa Giêxu sẽ bị đoán phạt không phải trong một khoảng thời gian nào đó rồi hết mà mãi mãi đời đời. Hỏa ngục là nơi mà sâu bọ không hề chết. Sự đoán xét của Đức Chúa Trời đang đến gần. Thế nhưng Ngài đã ban cho chúng ta một con đường thoát mà nhờ đó chúng ta có thể vượt qua sự đoán xét, là qua huyết báu của Đấng Christ. "Xin hãy tin nơi Ngài, ăn năn tội, hãy đến vào trong tàu." Chiếc tàu là chính Đấng Christ, là con đường giải cứu chúng ta.

2Phierơ đoạn 3 chép rằng sứ điệp Tin Lành này mà chúng ta mang đến cho thế gian, sứ điệp lặp lại sứ điệp của Nô-ê, cũng sẽ bị chế nhạo mà chẳng được đón tiếp. 2Phierơ đoạn 3 cảnh giới chúng ta rằng trong ngày cuối cùng những kẻ chế nhạo sẽ đến "dùng lời giễu cợt, ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế". Nhưng Kinh Thánh nói tiếp rằng: "Chúng nó có ý quên lững đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ Nước và làm nên ở giữa nước, thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vậy, là bị chìm đắm bởi nước lụt." Chúng ta thấy rằng họ sẽ chế nhạo chúng ta và sự dạy dỗ Tin Lành của chúng ta y như đã chế nhạo Thánh Linh của Đấng Christ trong Nô-ê vậy. Khi chúng ta cứ rao giảng sứ điệp, chịu khổ vì sự công bình, "Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn." (2Phierơ 3:9).

Khi chiếc tàu đang được đóng nên, người ta được kêu gọi hãy ăn năn. Ngày nay sứ điệp của chúng ta cũng thế. Dù người ta có thể cười nhạo nói rằng: "Đấng Christ mà anh đang rao giảng này ở đâu?" Chúng ta có thể bị lên án là tự cho mình là công chính vì bảo rằng mình đã được cứu, hoặc bị xem là hẹp hòi khi nói rằng chỉ có một con đường cứu rỗi duy nhất là trong Cứu Chúa Giêxu, bị xem là điên dại vì cho rằng Đức Chúa Trời sẽ trở lại. Thế nhưng trong thực tế trận lụt đã thật sự xảy ra! Cơn lụt đã đến thì cũng thế sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời vào ngày cuối cùng cũng sẽ đến. Chúng ta biết rằng cuối cùng những người tin Chúa Giêxu Christ sẽ được biện minh, những những người không tin sẽ bị giam cầm đời đời cùng với những người của thời Nô-ê. Những người tin nơi Chúa Giêxu Christ sẽ được thoát khỏi. Chúng ta thấy rằng khi hiểu được điều đó, chúng ta sẽ chịu được sự khổ nạn vì sự công bình, chúng ta có thể công bố Tin Lành bởi sức mạnh của Thánh Linh Đấng Christ sống trong chúng ta, chúng ta có thể chịu được sự gièm pha vì biết rằng trong Đấng Christ chúng ta đã được biện minh. Xin hãy ăn năn và tin sứ điệp Tin Lành của Đấng Christ! Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì Tin Lành cứ tiếp tục được rao giảng cho đến hôm nay, rằng Thánh Linh Đấng Christ vẫn còn dạy dỗ người ta hầu họ trốn khỏi sự phán xét sắp đến của Ngài, rằng họ phải tin cậy Ngài hầu được cứu, rằng họ phải đến với Đấng Christ là Đấng đã rửa sạch hết tội lỗi chúng con mà mang chúng con đi qua sự phán xét mà đến sự sống đời đời. Xin cho chúng con mạnh mẽ công bố Lời Ngài, không sợ hãi những sự khổ nạn mà chúng con có thể phải chịu. Như Nô-ê rao giảng Lời Ngài cho một thế giới nghịch thù, chúng con cũng tiếp tục rao giảng cho những người không sẵn lòng tiếp nhận Đấng Christ hoặc ghét bỏ Ngài. Xin cho chúng con trung tín, chịu khổ, nhẫn nại trước sự bắt bớ, gièm pha hầu chúng con là chứng nhân trung tín cho Ngài, chịu khổ vì sự công bình vì sự vinh hiển Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)