Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Thương Xót Dân Ngài - 9/2008  


THƯƠNG XÓT DÂN NGÀI
(1Phierơ 2:10)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Trong thời Cựu ước có một tiên tri tên là Ôsê. Vị tiên tri được Chúa truyền phải đi lấy một người đàn bà làm nghề bán phấn buôn hương. Việc ông lấy người vợ này là hình ảnh của dân Ysơraên bội nghịch cùng Đức Chúa Trời trong thời ấy. Vậy Ôsê lấy Gôme làm vợ. Đức Chúa Trời ban cho Ôsê và Gôme ba con: hai con trai và một con gái. Ôsê cũng được Đức Chúa Trời ban cho tên của mỗi đứa con. Tên của mỗi đứa con đó bày tỏ sứ điệp mà Ôsê được kêu gọi phải rao giảng cho dân Ysơraên. Thế thì con cái ông trở nên những sứ giả sống động mang sứ điệp của Đức Chúa Trời cho hết thảy những ai biết tên chúng.

Tên của con trai lớn của Ôsê là Gít-rê-ên, trong tiếng Hêbơrơ nghĩa là "gươm của Đức Chúa Trời", liên hệ đến trũng Gít-rê-ên trong xứ Ca-na-an. Trũng Gít-rê-ên này có lẽ nổi tiếng về sự phán xét của Đức Chúa Trời. Ấy là tại đây trong 2Các Vua đoạn 9 gia đình của vị vua gian ác Aháp bị Giêhu giết. Đây là nơi phán xét của Đức Chúa Trời. Cũng tại đây dân Ysơraên cuối cùng bị dân Asyri đánh bại vào năm 733 trước Chúa bởi họ chẳng để tâm lắng nghe lời cảnh báo của tiên tri trung tín của Đức Chúa Trời. Thế thì Gít-rê-ên trở nên một lời nhắc nhở cho dân Ysơraên về sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời. Tên của con gái thứ hai của Ôsê là Lô-Ru-ha-ma, trong tiếng Hêbơrơ nghĩa là "không được thương xót." Khi đứa bé gái này đi vòng quanh sân trường hay giữa vòng dân sự, tên của nó liên tục nhắc nhở dân sự rằng vì cứ chống nghịch Đức Chúa Trời, họ sẽ không còn được thương xót nữa. Sự thương xót của Đức Chúa Trời đã lìa bỏ họ. Tên của con trai thứ ba của Ôsê là Lô-Am-mi, trong tiếng Hêbơrơ nghĩa là "không phải là dân ta". Thế nên đứa bé trai này, bởi tên nó, nói với dân Ysơraên rằng mối liên hệ giao ước của họ với Đức Chúa Trời đã bị cắt đứt. Họ đã phá vỡ nó đi. Họ đã vi phạm giao ước của Đức Chúa Trời và bởi đó Đức Chúa Trời không còn là Đức Chúa Trời của họ nữa và họ không còn là dân sự Ngài nữa. Sự hiện diện của ba đứa trẻ này vẽ nên một bức tranh hết sức ảm đạm cho viễn cảnh dân Ysơraên. Chúng là sự nhắc nhở rằng họ chắc phải chịu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời vì tội lỗi họ. Không còn sự thương xót nào dành cho những kẻ mà Đức Chúa Trời đã khước từ. Hãy thử tưởng tượng điềm báo trước cho hội thánh nếu Đức Chúa Trời truyền cho một người trong chúng ta phải đặt tên ba đứa con mình như thế. Điều đó sẽ là sự phiền não cho chúng ta. Chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta sẽ bị Đức Chúa Trời khước từ không làm dân sự Ngài nữa. Chúng ta sẽ không được Ngài thương xót nữa. Điều đó sẽ đồng nghĩa với sự hủy diệt chắc chắn của chúng ta, một cơn ác mộng đời đời. Sứ đồ Phierơ đưa chúng ta về lại với sách Ôsê hầu nhắc cho chúng ta nhớ chúng ta đến từ đâu, rằng trước đây chúng ta là ai và nhắc cho chúng ta về những ơn phước trong giao ước giờ đây được ban cho chúng ta qua Chúa Giêxu Christ. Hôm nay, tôi muốn chúng ta tập trung trước hết vào phước hạnh của việc làm dân sự Đức Chúa Trời và kế đến là phước hạnh của việc làm người nhận lãnh sự thương xót Ngài.

Trước hết, tôi muốn chúng ta thấy rằng phần Kinh Thánh hôm nay cùng với phần Kinh Thánh lần trước tóm tắt phần chính thứ nhất của sách 1Phierơ. 1Phierơ đoạn 1 và 2 thiết lập những đặc tính của hội thánh. Nó xác định đặc điểm của chúng ta là dân Ysơraên của Đức Chúa Trời. Mọi sự chúng ta đã học hỏi cho đến đây dẫn chúng ta đến với kết luận ấy. Nó tóm tắt lại trong 1Phierơ đoạn 2 câu 9 và 10. Hai câu này là đỉnh điểm của phần trước nó. Nó trả lời câu hỏi chúng ta là ai và chúng ta phải nhận biết mình thế nào với cương vị là những tín hữu trong Đấng Christ. Kết luận là chúng ta là dân chọn lựa của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được chọn lựa để hầu việc Đức Chúa Trời như là thầy tế lễ thánh cho Ngài. chúng ta đã được chọn lựa để nên thánh và nên một dân đặc biệt cho Chúa chúng ta. Đặc điểm này trước đây đã từng ban cho chỉ riêng dân Ysơraên giờ đây được ban cho hết thảy những ai tin trong Đấng Christ dù là người Giuđa hay người ngoại cùng với những ơn phước trong giao ước mà trước đây thuộc về dân Ysơraên.

Theo sứ đồ Phierơ, mối quan hệ này không phải từ trước đã có mà là một điều mới có. Chúng ta trước đây không phải là một dân, không được thương xót. Một lần nữa sứ đồ Phierơ trong sự linh ứng để viết nên thư tín này nhắc nhở chúng ta về lịch sử thuộc linh của chúng ta. Dù chúng ta vẫn luôn biết và tin Chúa Giêxu Christ, đây là tình trạng trước đây của chúng ta khi chúng ta còn ở ngoài Đấng Christ. Chúng ta được nhắc nhở về quá khứ tuyệt vọng của chúng ta hầu một lần nữa được nhắc nhở về ân điển làm tươi mới của Đức Chúa Trời đã giải phóng chúng ta khỏi đó. Là dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta không bao giờ được phép quên đi tình trạng mà chúng ta đã được chuộc mua ra khỏi. Chúng ta không nên xây mắt khỏi sự cao rộng của ân điển Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy khuôn mẫu này xuyên suốt Kinh Thánh. Trong Phục Truyền luật lệ ký đoạn 5, dân Ysơraên được dạy phải nhớ rằng trước đây họ là nô lệ trong xứ Êdíptô đã được Đức Chúa Trời dẫn ra khỏi đó bởi cánh tay quyền năng Ngài. Rất thường xuyên trong sách Phục Truyền, họ được dạy phải ghi nhớ không quên, rằng trước đây họ là một dân đang chết lần chết mòn trong xứ Êdíptô, sống đời sống nô lệ tuyệt vọng tại đó cho đến khi bởi quyền năng lớn của Đức Chúa Trời, họ được dắt qua đồng vắng mà đến xứ cơ nghiệp của họ. Môise cứ bảo họ phải nhớ.

Trong sách Ôsê, dân Ysơraên bị hủy diệt vì thiếu hiểu biết. Thế nhưng họ không biết gì? Họ đã lãng quên luật pháp của Đức Chúa Trời, quên mất lịch sử của họ, rằng họ đã được Đức Chúa Trời cứu chuộc, ban cho họ xứ này, họ đã quên đi ý muốn Đức Chúa Trời và sự giải cứu Ngài. Trong Tân Ước, sứ đồ Phaolô liên tục nhắc nhở độc giả của mình về quá khứ bội nghịch cùng Đức Chúa Trời của họ (Êphêsô đoạn 4, 5). Sứ đồ Phierơ trong 1Phierơ đoạn 1 câu 18 cũng nhắc nhở chúng ta về điều đó, "Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình". Ông nhắc nhở chúng ta về sự hư không trống rỗng của đời sống bên ngoài Đấng Christ cho đến khi chúng ta được cứu chuộc bởi huyết báu Đấng Christ. Thường khi chúng ta quên lãng tình trạng trước đây của mình, chúng ta thường không nhận thấy được giá trị và biết ơn về những gì chúng ta được ban cho. Tôi chắc rằng hầu hết những sự thờ ơ, sự thiếu vui mừng trong sự cứu rỗi, thiếu nhiệt tình trong sự thờ phượng và hầu việc Chúa thường là hậu quả của việc không nhìn thấy được bức tranh lớn hơn, không nhìn thấy trọn vẹn sự cao rộng của ân điển Đức Chúa Trời đã kéo chúng ta ra khỏi địa ngục mà đến thiên đàng. Khi chúng ta quên lãng những điều đó thì sự thờ phượng trở nên buồn tẻ, niềm vui cứu rỗi và sự ca ngợi Đức Chúa Trời trở nên khó khăn, động cơ hầu việc và thánh khiết mất đi. Khi chúng ta ghi nhớ chúng ta ra từ đâu và những ơn phước có được trong Đấng Christ, những giác quan tâm linh của chúng ta được thức tỉnh và chúng ta ao ước xung phong dâng mình làm của lễ sống cho Đức Chúa Trời là Chúa chúng ta. Thế thì chúng ta rất cần phải suy gẫm về tình trạng trước đây của mình.

Thế thì chúng ta ra từ đâu? Ngày trước chúng ta thể nào? Theo 1Phierơ, chúng ta "ngày trước không phải là một dân". Trong Ôsê đoạn 1 câu 8, khi Đức Chúa Trời đặt tên cho con trai thứ nhất của Ôsê là Lô-Am-mi, Ngài phán rằng: "Các ngươi chẳng phải là dân ta" là điều trái ngược hẳn với điều Đức Chúa Trời đã kết ước cùng Ápraham trong Sáng Thế ký đoạn 17, và với cả dân Ysơraên trong Xuất Êdíptô ký đoạn 6 câu 7. Đức Chúa Trời đã hứa với dân Ysơraên là Ngài sẽ là Đức Chúa Trời của họ và họ sẽ là dân của riêng Ngài. Không thuộc về Đức Chúa Trời là ở ngoài mối tương quan giao ước với Ngài, bên ngoài mọi giao ước với Đức Chúa Trời. Điều đó cũng giống tình trạng của Ápraham trước khi được kêu gọi ra khỏi Urơ, một người không có gì khác với những đồng hương mình, một người cũng đi theo con đường của đồng hương mình để sống và rồi phải đối diện với sự phán xét của Đức Chúa Trời cho đến khi Đức Chúa Trời chọn lựa ông và khiến ông trở nên một dân cho riêng Ngài. Không phải là một dân có nghĩa rằng chúng ta không có đặc điểm của mình, không có mối liên hệ gì, không có mục tiêu gì, hy vọng gì. Chúng ta tồn tại nhưng số phận không gì ngoài cái chết cuối cùng và rồi cũng chìm vào quên lãng. Không phải là một dân hàm ý rằng chúng ta đơn độc, đơn độc giữa một số đông nhân loại đang chống nghịch Đức Chúa Trời, đang lao mình xuống vực thẳm đến với sự phán xét và hủy diệt đời đời chung thẩm.

Một số người tự lừa dối mình mà cho rằng họ là một dân, rằng họ thuộc về một dân, một gia đình, một nhóm bạn bè được lựa chọn. Tuy nhiên những điều đó là tạm bợ, đến rồi đi, không có gì trường tồn trong những điều đó. Thế nhưng đối với những ai là dân sự Đức Chúa Trời thì không phải thế. Những ai là dân sự Đức Chúa Trời đã được ban cho một cương vị đời đời trong mối tương giao với Đức Chúa Trời bởi đã được bước vào mối tương quan giao ước với Ngài. Mối quan hệ đó sẽ không bao giờ bị cắt đứt. Trong Thi Thiên 33 câu 12, tác giả Thi Thiên nói: "Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình, Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!" Nếu chúng ta tin Chúa và là dân thánh của Ngài thì chúng ta được Đức Chúa Trời chọn lựa và ban phước. Chúng ta là cơ nghiệp Ngài, là dân của riêng Ngài. Chúng ta đã trở nên một dân được phước nếu chúng ta là những tín hữu thật trong Chúa Giêxu Christ. Chúng ta là dân Ysơraên mới, là những người mà giao ước của ân điển đã được ban cho. Chúng ta đã được những ơn phước gì? Những ơn phước trong giao ước của Đức Chúa Trời với Ápraham. Với Ápraham, Đức Chúa Trời đã lập một giao ước đời đời, không phải một giao ước cuối cùng sẽ bị bỏ mà là một giao ứơc còn đời đời. Trong giao ước này, Đức Chúa Trời hứa với Ápraham rằng họ sẽ được Ngài yêu thương, bảo vệ. Sự hiện diện, chăm sóc và sự dẫn dắt yêu thương Ngài sẽ hằng ở trên họ. Họ được ban cho mục tiêu, sự dẫn dắt cho đời sống mình. Họ được kêu gọi sống cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban lời hứa, một giao ước đời đời cho Ápraham. Trong giao ước đó, Ápraham được hứa ban cho một cơ nghiệp đời đời. Một phần của cơ nghiệp đó là xứ Canaan.

Tuy nhiên, theo sách Hêbơrơ, xứ Canaan chỉ là một hình bóng của một xứ vinh hiển hơn là thiên quốc. Chúng ta được ban cho cơ nghiệp đó như là ơn phước đời đời. Chúng ta là dân sự trong giao ước của Đức Chúa Trời có lời hứa, sự bảo đảm rằng chúng ta sẽ được cai trị trên trời đời đời với Ngài. Thật ra, lời hứa thiên thượng đó giờ đây đã được ban cho chúng ta. Bởi chúng ta là công dân thiên quốc ngồi trong các nơi trên trời với Đức Chúa Trời. Chúng ta đã được ban cho sự sống đời đời. Trong mối tương quan giao ước với Đức Chúa Trời, chúng ta là dân của riêng Ngài. Chúng ta cũng được Đức Chúa Trời hứa ban cho những phước hạnh đời đời, những ơn phước không phát nguồn từ sự trung tín của riêng chúng ta mà trong sự trung tín của Chúa Giêxu Christ. Những ơn phước mà chúng ta tìm thấy trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký được ban cho chúng ta như là dân sự của Đức Chúa Trời bởi sự trung tín của Đấng Christ mà Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không. chúng ta có lời hứa trong sách Khải Huyền cho dân sự Đức Chúa Trời rằng chúng ta sẽ được ban cho một nơi, một nơi không có tội lỗi, đói kém, đau khổ. Chúng ta có được phước hạnh đời đời bởi đã được bước vào mối tương giao đời đời với Đức Chúa Trời. Chúng ta thuộc về Ngài và được Ngài yêu quý.

Chúng ta cần hiểu rằng trước đây chúng ta chẳng là gì, dành sẵn cho sự phán xét mà giờ đây chúng ta đã là dân sự Đức Chúa Trời, ở trong gia đình Ngài, là con trai con gái của Đức Chúa Trời tối cao. "Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời; và chúng ta thật là con cái Ngài." Đó là địa vị hiện tại của chúng ta. Chúng ta là một dân thuộc về Đức Chúa Trời. Không còn phước hạnh nào hơn có thể ban cho chúng ta bằng được trở nên dân sự Đức Chúa Trời.

Chúng ta không chỉ được nên một dân cho Đức Chúa Trời mà còn được thương xót. Còn trước kia chúng ta thể nào? Chúng ta là một dân không được thương xót. Bên ngoài Đấng Christ, chúng ta không được sự thương xót nào. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải chịu sự thạnh nộ công chính đời đời của Đức Chúa Trời nghịch cùng tội lỗi. Không được Đức Chúa Trời thương xót nghĩa là phải chịu điều chúng ta đáng phải chịu, sự thạnh nộ của Ngài, bởi chúng ta đã chống nghịch Ngài. Không được thương xót nghĩa là chúng ta sẽ ở đời đời nơi hỏa ngục nơi sâu bọ không hề chết. Khi học tập bài giảng của Jonathan Edwards tựa đề "Tội nhân trong tay của Đức Chúa Trời đầy thạnh nộ", chúng ta đọc thấy sự mô tả sống động về sự hình phạt đời đời, dầu vậy, nó cũng chẳng so được với thực sự kinh khiếp của việc chịu sự khổ hình đời đời. Điều đó là công bằng cho sự chống nghịch của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Điều đó là ý nghĩa của việc không được Đức Chúa Trời thương xót. Không ở dưới ân điển Ngài là ở dưới sự phán xét Ngài. Chúng ta là những người ở trong Đấng Christ được thương xót nhờ Đấng Christ. Đấng Christ không được thương xót bởi Ngài chịu hình phạt hỏa ngục. Mọi sự đó nấy trên vai Ngài. Ngài bị Đức Chúa Trời định tội, bị luật pháp định tội, là luật pháp định tội chúng ta. Chẳng phải vì Ngài đã phạm tội mà vì chúng ta đã phạm tội. Ngài chết thay cho chúng ta. Chúng ta, những người ở trong Đấng Christ, đã được Đấng Christ cứu. Chính Đức Chúa Trời đã sai một Đấng Cứu Chuộc là Đấng bởi ân điển cứu chuộc dân sự Ngài. Chúa Giêxu trả nợ tội cho chúng ta. Sự công chính thiên thượng của Đức Chúa Trời được thỏa đáp. Đấng Christ được sống lại trong sự sống mới. Bởi sự sống ban cho Ngài, chúng ta đã được ban cho sự sống và được nhận lãnh nước Trời. Chúng ta là những kẻ không xứng đáng đã được thương xót. Bởi ân điển chúng ta đã được cứu qua đức tin. Ấy là địa vị của chúng ta: là những người được Đức Chúa Trời thương xót. Đức Chúa Trời chậm giận, giàu ơn và hay thương xót. Không có sự bày tỏ nào lớn hơn cho điều đó hơn là những gì Ngài đã làm cho chúng ta trong Đấng Christ.

Trong sách Ôsê, ba con ông hiện diện như là sự nhắc nhở thường xuyên về sự bất trung của dân Ysơraên. Chúng hiện diện như là sự nhắc nhở về sự khước từ công bình của Đức Chúa Trời đối cùng dân Ysơraên. Tuy nhiên, khi đọc tiếp sách tiên tri Ôsê, chúng ta sẽ biết rằng sự rủa sả cuối cùng sẽ được đảo ngược. Sự đảo ngược này đã được làm trọn trong Đấng Christ mà chúng ta, là dân sự Đức Chúa Trời, có được. Chúng ta được ban cho một danh mới, một địa vị mới và đây chính là điều mà sứ đồ Phierơ nói đến. Chúng ta được ban cho địa vị mới, là dân Ysơraên mới của Đức Chúa Trời. Gít-rê-ên không còn là trũng phán xét cho chúng ta. Trong Ôsê đoạn 1 và 2, Đức Chúa Trời hứa rằng nó sẽ là trũng ơn phước, là nơi Đức Chúa Trời gieo giống, không phải giống hay hư nát hay hủy diệt mà giống không hay hư nát (1Phierơ đoạn 1 câu 22). Chúng ta là những người trước đây "Lô-m-mi", nghĩa là "không phải là dân ta" giờ đây trở thành "Am-mi" , nghĩa là "dân ta". Ấy là danh hiệu của chúng ta bởi chúng ta là những người trước đây không phải là dân của Đức Chúa Trời giờ đây đã trở nên dân Ngài. Chúng ta trước đây đã từng được đặt tên là "Lô-Ru-ha-ma" nghĩa là "không được thương xót" giờ đây đã được ban cho một tên mới là "Ru-ha-ma." Trước đây chỗ của chúng ta là không được thương xót giờ đây được tìm thấy trong sự thương xót của Đấng Christ. Ấy là địa vị, sự trông cậy và vui mừng của chúng ta. Ấy là lý do vì sao chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời, hầu việc Ngài, sống cho Ngài. Chúng ta đã được cứu khỏi sự phán xét của Đức Chúa Trời mà đến với ân sủng Ngài, cứu khỏi sự chết mà đến sự sống, khỏi sự rủa sả của địa ngục mà đến ngai thiên thượng. Ấy là địa vị của chúng ta là tín hữu trong Đấng Christ.

Thư tín 1Phierơ viết cho những tín hữu và những lời hứa được ban cho những ai tin nơi Đấng Christ. Sứ đồ Phierơ không cho rằng hết thảy độc giả của thư tín này tự nhiên trở nên người nhận lãnh những ơn phước đó. Thậm chí một số đang hiện diện tại đây cũng còn "không phải là một dân", chưa được thương xót. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng "Kìa hiện nay là ngày cứu rỗi." Quý vị được mời gọi dấn bước với chúng tôi trên chuyến hành trình về đất hứa hầu quý vị là những người giờ đây chưa là dân sự có thể trở nên dân của Đức Chúa Trời, giờ đây chưa biết sự thương xót có thể nếm biết sự thương xót và tốt lành của Đức Chúa Trời chúng ta. Amen.

Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì sự thương xót Ngài đã tỏ ra cho chúng con trong Chúa Giêxu Christ. Chúng con biết ơn Ngài rằng chúng con, những người trước đây không phải là một dân, giờ đây là dân của Đức Chúa Trời. Xin cho điều này làm sự khích lệ cho chúng con, khiến cho chúng con tràn đầy lòng biết ơn. Xin cho chúng con khi suy gẫm đoạn Kinh Thánh này có thể một lần nữa nếm biết sự giàu có vinh hiển của sự cứu rỗi Ngài. Xin ban phước cho phần còn lại của giờ thờ phượng của chúng con và ngày yên nghỉ này của chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)