Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Yêu Thương Thánh Hóa - 12/2007  


YÊU THƯƠNG THÁNH HÓA
(1Phierơ 1:22)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. "Yêu thương" là một chữ mang ý nghĩa rất lớn nhưng lại là một từ ngữ bị làm giảm giá trong xã hội của chúng ta. Nó đã bị làm giảm giá qua nhiều thế kỷ của sự sử dụng sai và hiểu sai. Trong cách dùng đương thời của nó, như chúng ta thường nghe trên các đài truyền thanh, nó thường hàm ý nhiều cảm xúc và nông cạn. Trong tư tưởng của thế gian thời nay nó thường được hiểu không phải theo nghĩa là sự quên mình, sự hy sinh mà lại mang ý nghĩa của sự thỏa mãn cho bản thân và ích kỷ. Tình yêu dâng lên và hạ xuống như mặt trời sớm lên tối lặn. Sự nóng nảy của nó trong thế giới ngày nay thật chóng tàn và ngọn lửa của nó dễ dàng lụi tàn. Cách dùng từ ngữ này cũng ít nhiều bị giới hạn trong thế giới ngày nay. Khi nói đến nó, chúng ta thường nghĩ đến tình yêu lãng mạn hay tình dục. Có thể chúng ta cũng nói đến tình yêu giữa cha mẹ với con cái. Thế nhưng khi nói đến yêu thương ai bên ngoài bối cảnh này thì mọi người cảm thấy khác thường bởi chữ "tình yêu" nghe thân mật quá. Tuy nhiên, Kinh Thánh dạy chúng ta yêu thương nhau không phải một cách hời hợt mà một cách "sốt sắng hết lòng." Ý nghĩa của yêu thương trong Kinh Thánh rất ngược hẳn với cách hiểu của thế gian. Có những tấm gương yêu thương đáng kể được ghi chép lại trong Thánh Kinh. 1Samuên ghi lại tình yêu thương giữa Đavít và Giônathan. Tại đây, Giônathan, người thừa kế chính thức của ngôi vua, lại quan tâm đến Đavít và bảo vệ Đavít khỏi cơn thạnh nộ của cha mình. Chúng ta có thể nhìn thấy nơi Giônathan một tình yêu thương dành cho Đavít vượt cao hơn lòng ham mê quyền lực của ngôi vua Ysơraên. Nó vượt qua sự yêu thích ngôi vị làm vua và cả tình yêu dành cho cha ông. Khi biết rằng Đavít sẽ làm vua thay vì chính ông, ông không có lòng ham mến quyền lực nào mà lòng tràn đầy tình yêu thương dành cho người được Đức Chúa Trời xức dầu là Đavít. Mặt khác, Đavít yêu thương Giônathan thật lòng. Ông không ghét bỏ hay cay đắng Giônathan vì mối liên hệ của Giônathan với Saulơ là người nhiều lần tìm cách giết ông. Đavít không tìm cách cất mạng sống bạn mình là Giônathan để bảo đảm ngôi báu của mình. Chúng ta thấy tình yêu thương của họ đối với nhau là không ích kỷ. Sách 1Samuên nhiều lần đề cập đến tình thương của Giônathan cho Đavít,"Giônathan yêu mến Đavít như mạng sống mình". Khi Giônathan qua đời, Đavít ca ngợi Giônathan rằng: "Hỡi Giô-na-than, anh tôi, lòng tôi quặn thắt vì anh. Anh làm cho tôi khoái dạ; Nghĩa bầu bạn của anh lấy làm quí hơn tình thương người nữ." Tình yêu thương giữa họ không phải là loại tình cảm nhục dục rẻ tiền mà là một tình yêu thương sâu sắc, chân thật, quan tâm lẫn nhau. Chúng ta thấy tình yêu thương chân thật bày tỏ ra trong hội thánh đầu tiên, chúng ta đọc thấy trong Công vụ đoạn 4 thể nào hội thánh chật vật này lại còn dâng hiến cách rộng rãi để giúp những người đang thiếu thốn. Có người còn chịu bán đi gia tài mình để cung cấp cho nhu cầu của hội thánh chung. Tất nhiên câu chuyện yêu thương vĩ đại nhất Kinh Thánh là câu chuyện của Đấng Christ đối với hội thánh Ngài. Đấng Christ phó sự sống mình cho dân sự Ngài. Giônathan, Đavít, hội thánh đầu tiên và những người theo sau đó chỉ có thể bắt chước tình yêu thương đó trên một phương diện nhỏ nào đó thôi bởi không ai có thể học theo nổi tình yêu thương sâu sắc của Ngài.

Đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay kêu gọi tín hữu yêu thương nhau. Tôi muốn xem xét đoạn Kinh Thánh này bằng cách tập trung vào hai điểm sau: Trước hết, nền tảng của tình yêu thương anh em. Thứ hai, mạng lịnh yêu thương anh em.

Thứ nhất, chúng ta sẽ nói đến nền tảng của tình yêu thương anh em là gì. Thế thì tôi xin nêu lên câu hỏi: Điều gì phải có trước nếu chúng ta phải yêu mến nhau như sự dạy dỗ của đoạn Kinh Thánh này? Kinh Thánh dạy rất rõ rằng chúng ta phải yêu thương nhau cách sốt sắng hết lòng vì chúng ta "đã vâng theo lẽ thật đặng làm sạch lòng mình." Chúng ta sẽ xem xét từng phần nhỏ của câu này. Chữ "làm sạch" trong nguyên ngữ là một động tính từ hoàn thành, nghĩa là đây là một công việc đã được hoàn tất trong quá khứ nhưng vẫn còn hiệu quả tiếp diễn. Thế thì chúng ta đã được Đức Chúa Trời làm sạch và vẫn còn được Ngài làm sạch trong hiện tại. "Được làm sạch" nghĩa là chúng ta được rửa sạch hoàn toàn, nghĩa là chúng ta được tẩy rửa hết mọi sự ô uế trong tấm lòng và đời sống. Chúng ta có thể nghĩ đến nước tinh khiết chẳng hạn. Đây là loại nước đã được lấy đi hết mọi thứ khác nên nước đó là tinh sạch và chỉ đơn thuần là nước mà thôi. Khi đọc về sự tẩy sạch trong Kinh Thánh, chúng ta thấy nó còn mang ý nghĩa phong phú hơn trong ánh sáng của Cựu Ước. Sự tẩy sạch là điều rất cần thiết đối với dân Ysơraên. Đó là một nghi thức cần thiết cho dân sự Đức Chúa Trời nếu họ muốn ra mắt Ngài. Ai muốn đứng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời phải được tẩy sạch. Xuất Êdíptô ký đoạn 19 chép dân sự được ra lệnh phải làm sạch mình trước khi ra mắt Đức Chúa Trời tại núi Sinai hầu họ có thể còn sống mà đứng trước Đức Chúa Trời thánh khiết. Các thầy tế lễ trước khi vào hầu việc trong đền tạm và đền thờ phải thực hiện một nghi lễ tẩy rửa mà trong đó họ dùng nước để rửa sạch mình trước khi họ có thể đứng hầu việc Đức Chúa Trời trong đền thờ. Tuy nhiên, đó chỉ là hình bóng và hình bóng của sự rửa sạch trong Cựu Ước đó là rõ ràng. Dân sự và thầy tế lễ bị dơ bẩn. Họ cần được rửa sạch. Tấm lòng họ bị hoen ố bởi tội lỗi. Để có thể đứng trước Đức Chúa Trời, họ cần được rửa sạch tội lỗi, được tẩy sạch. Một khi được rửa sạch, họ có thể bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời mà không sợ sự phán xét và thạnh nộ công bình của Ngài. Thế thì sự tẩy sạch của Cựu Ước là cần thiết để làm cho người ta thánh khiết tinh sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Khi đoạn Kinh Thánh nói về sự tẩy sạch tâm linh chúng ta, nó nói đến nhu cầu cần được Đức Chúa Trời rửa sạch tâm linh. Đây không chỉ là sự rửa sạch bằng hình thức bên ngoài mà là sự rửa sạch trong tấm lòng, sự làm tinh sạch trong tâm linh, sự rửa sạch tâm linh bên trong được thực hiện bởi năng quyền Thánh Linh. Nghi thức tẩy sạch của Cựu Ước đã được hoàn tất trong Đấng Christ. Ấy là trong Ngài mà chúng ta đã được làm cho thanh sạch.

Cụm từ kế đến chúng ta muốn xem xét là "vâng theo lẽ thật". Chúng ta "vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình." Chúng ta cần hiểu đúng điều Kinh Thánh muốn nói tại đây. Kinh Thánh không nói rằng chúng ta được tẩy sạch trước mặt Đức Chúa Trời bởi sự vâng phục luật pháp Đức Chúa Trời của riêng chúng ta. Kinh Thánh không nói rằng việc làm của chúng ta bằng cách nào đó tẩy sạch chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Đây không phải là chúng ta đã làm trọn hết mọi điều Đức Chúa Trời đòi hỏi. Chúng ta không tự mình thanh sạch. Thật ra, nếu chúng ta thành thật nhìn vào lòng mình, chúng ta có thể nhìn thấy tội lỗi. Thậm chí việc làm thiện hảo nhất của chúng ta, theo Kinh Thánh, chỉ là chiếc áo nhớp trước mặt Đức Chúa Trời. Không, chúng ta không được tẩy sạch bởi việc làm vâng phục của riêng chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ theo cách đó, chúng ta cần được điều chỉnh. Chúng ta cần hiểu rõ hơn điều Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta nếu chúng ta muốn được cứu bởi sự vâng phục luật pháp Ngài. Tuy nhiên, sự vâng phục lẽ thật trong ngữ cảnh này nói đến sự đáp lại lời kêu gọi của Tin Lành. Trong Tân Ước, lẽ thật thường được dùng nhằm chỉ về Tin Lành. Chúng ta được tẩy sạch bởi tin nhận Tin Lành của Chúa Giêxu Christ. Chúng ta được tẩy sạch bởi đặt lòng tin nơi Ngài. Để chúng ta khỏi mang một nhận thức sai lệch rằng đức tin là công việc duy nhất chúng ta cần làm để được cứu, chúng ta được cho biết rằng sự vâng phục này là một sự ban cho bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời. Chúng ta được tẩy sạch không phải bởi việc làm riêng của chúng ta mà là vì chúng ta tin vào Tin Lành của Đức Chúa Giê xu Christ. Bởi tin cậy nơi ân điển Đấng Christ, chúng ta được tẩy sạch bởi Chiên Con không tì vít đã rải huyết trên chúng ta. Chúng ta được tinh sạch bởi Thánh Linh đã thánh hóa chúng ta như trong câu 2 chép: "Được nên thánh bởi Đức Thánh Linh, đặng vâng phục Đức Chúa Jêsus Christ và có phần trong sự rải huyết Ngài". Ấy là trong Đấng Christ mà chúng ta tìm thấy cội rễ của tình yêu thương chúng ta là sự sống chúng ta trong Đấng Christ. Vấn đề ở đây là khi xem xét nền tảng cho sự yêu thương anh em của chúng ta: Chúng ta đã được làm nên mới, tấm lòng chúng ta đã được biến cải, chúng ta đã được tẩy sạch, tội lỗi chúng ta đã được cất đi và chúng ta không còn là con người trước kia nữa. Bên ngoài Đấng Christ, chúng ta là ai? Chúng ta là những người bị mê đắm trong tư dục, dục vọng tội lỗi mình. Trước đây chúng ta đã từng có một đời sống trống rỗng, thất vọng, sống cho chính mình. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng cách sống cũ đó đã chết đi. Con người cũ không còn nữa. Nó đã bị đóng đinh trên thập tự giá với Đấng Christ. Chúng ta đã được làm nên mới. Chúng ta đã được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời toàn năng. Đây là thực tế hiện tại của chúng ta. Nếu chúng ta thuộc về Đấng Christ, chúng ta là người mới. Người cũ đã mất đi thay vào đó là con người mới. Chúng ta đang sống vì sự vinh hiển Đấng Christ. Chúng ta là người dựng nên mới, thánh khiết thanh sạch trước mặt Đức Chúa Trời. Thánh Linh Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta như của cầm của nước thiên đàng. Chúng ta là đền thờ của Đấng Chí Cao. Đây là sự biến cải đã diễn ra trong đời sống chúng ta: từ đời sống cũ tội lỗi bên ngoài Đức Chúa Trời mà đến đời sống trong Đấng Christ. Điều đó đã thay đổi cách hành xử trong đời sống chúng ta. Là con người mới, giờ đây chúng ta phản ánh đặc tính Đức Chúa Trời. 1Giăng đoạn 4 cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là tình yêu thương. Đây là một đặc tính của Ngài mà Kinh Thánh thường nhắc đến. Vì thế, nếu chúng ta hiểu những gì Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta, rằng Đức Chúa Trời đang ngự giữa chúng ta qua Thánh Linh Ngài thì chúng ta cũng phải giống Ngài, chúng ta phải thể hiện tình yêu thương Ngài đã bày tỏ. Tình yêu thương Đức Chúa Trời là nguồn cội của tình yêu thương chúng ta. Tình yêu thương Ngài khơi lên tình yêu thương chúng ta. Không có Ngài, tình yêu thương thật của chúng ta không thể tồn tại. Chúng ta yêu thương bởi chúng ta đã vâng phục lẽ thật làm sạch lòng mình. Chúng ta đã được biến cải bởi Tin Lành của Đấng Christ. Cách sống cũ vị kỷ của chúng ta đã qua đi. Tình yêu thương anh em của chúng ta tuôn tràn ra từ sự biến cải tâm linh chúng ta bởi Tin Lành. Thật ra, không biết bao nhiêu lần Kinh Thánh nhấn mạnh rằng Cơ Đốc nhân cần phải được nhận ra bởi tình yêu thương của mình. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng nếu chúng ta không có tình yêu thương thì đức tin chúng ta không chân thật. Tình yêu thương là kết quả tự nhiên của sự hiện diện của Tin Lành Đấng Christ trong lòng chúng ta. Chúng ta đã được làm cho tinh sạch và hiệu quả của sự thánh hóa đó vẫn còn tiếp diễn. Thế thì nền tảng của tình yêu thương chúng ta là ở nơi hiệu quả thánh hóa của Tin Lành. Là người mới, chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời. Và kết quả của điều này là chúng ta được dạy phải yêu thương.

Điều này dẫn đến điểm thứ hai trong bài học hôm nay. Chúng ta được dạy rằng hiệu quả của Tin Lành trong đời sống Cơ Đốc nhân là tình yêu thương anh em chân thật. Sau đó, Kinh Thánh tiếp tục với mạng lịnh yêu thương nhau cách sốt sắng hết lòng. Phần này nhắc lại câu Kinh Thánh trong 1Têsalônica đoạn 4 câu 9 và 10, "Còn như sự anh em yêu thương nhau, về điều đó, không cần viết cho anh em, vì chính anh em đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu thương nhau; và đối với mọi anh em khác, trong cả xứ Ma-xê-đoan, cũng làm như vậy. Nhưng, hỡi anh em, chúng tôi khuyên anh em hằng tỏ lòng yêu thương đó thêm mãi". Sứ đồ Phaolô viết ý tương tự cho độc giả của ông. Ông muốn nói rằng "Đúng, điều này đã là một thực tại bởi anh em đã tin nhận Tin Lành, điều này đã trở nên một đặc tính của tấm lòng chúng ta. Nhưng xin đừng dừng lại tại đó. Hãy để tình yêu thương Đức Chúa Trời ban cho anh em đó thêm mãi, sốt sắng hơn, chân thật hơn." Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó ngay trong hội thánh chúng ta. Chúng ta đã yêu thương nhau sâu sắc trong những lúc sầu não, khó khăn. Tôi có thể nhìn thấy tình yêu thương trong cách anh em chào đón những khách đến viếng thăm hội thánh. Chúng ta có thể là một hội thánh yêu thương. Kinh Thánh dạy chúng ta hãy cứ yêu thương sốt sắng hơn bởi dù chúng ta đã yêu thương nhiều, chúng ta vẫn có thể yêu thương thêm lên giữa anh em trong Chúa với nhau và với những người còn hư mất.

Về phương diện chúng ta cần tiếp tục thêm lên trong sự yêu thương, khi nói đến tình yêu thương đang được đề cập đến trong đoạn Kinh Thánh chúng ta, chúng ta nhìn thấy nhiều điểm tại đây. Trước hết, đó là tình yêu thương "thật thà". Chữ "thật thà" có thể được dịch là "không giả hình". Tình yêu thương của Cơ Đốc nhân chúng ta phải không giả dối. Từ ngữ này được dùng trong Tân Ước nhằm đề cập đến những diễn viên, đóng kịch như là nghề nghiệp của mình. Họ giả như mình mang lấy một xúc cảm nhưng điều đó không thật với lòng mình, họ chỉ đóng kịch vui, buồn, giận... mà thôi. Tuy nhiên họ không có xúc cảm chân thật trong lòng mình. Thế thì chúng ta phải có lòng yêu thương không giả dối. Nó phải là một tình yêu thương xuất phát từ tấm lòng. Đây không có nghĩa là chúng ta chỉ chịu đựng sự tồn tại của nhau. Nếu chúng ta đang có tình yêu thương kiểu đó, thì đó không phải là tình yêu thương mà Kinh Thánh kêu gọi chúng ta đến. Đây là tình yêu thương chân thật, từ tấm lòng mà không phải là giả tạo. Thế thì chúng ta cần suy nghĩ, liệu chúng ta có tình yêu thương thật thà, không giả tạo đó không? Ấy là tình yêu thương mà Đấng Christ đã bày tỏ ra trước.

Kinh Thánh dạy rằng đây là một tình yêu thương anh em. Chữ này trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp là "philadelphia". Thành phố Philadelphia nghĩa là thành phố của tình yêu thương anh em. Thế thì đây là tình yêu thương mà chúng ta có giữa những người trong một gia đình. Kinh Thánh nhiều lần nói đến điều này: chúng ta là con trai con gái của Đức Chúa Trời tối cao. Chúng ta là anh em trong Chúa. Chúng ta phải quan tâm lẫn nhau. Chúng ta nghĩ đến có những người không thuộc trong hội thánh, những người độc thân, cô độc trên thế gian, dường như không có gia đình. Thế nhưng khi chúng ta thuộc về một hội thánh, chúng ta thuộc về một tập thể tín hữu, thì chúng ta có một gia đình, một gia đình bao gồm ba mẹ, con cái, ông bà. Chúng ta có và cảm thấy sự bao bọc lẫn nhau. Chúng ta được ra mạng lịnh phải yêu thương nhau "cách sốt sắng hết lòng." Chữ "yêu thương" lần thứ hai này trong nguyên ngữ là từ động từ "agape". Chữ này cũng không chủ ý được dùng quá khác biệt với chữ "phileo" nhưng nó cũng bày tỏ một ý nghĩa là tình yêu thương sâu sắc không phai tàn, được theo đuổi một cách sốt sắng mạnh mẽ. Chúng ta đọc thấy chữ "sốt sắng" trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta. Để hiểu được sự mãnh liệt của tình yêu thương đó, chúng ta hãy cùng xem trong Luca đoạn 22, ghi lại câu chuyện Chúa Giêxu trong vườn Ghếtsêmanê và đang khi chờ đợi sự thử thách và sự chết của Ngài, Ngài cầu nguyện với Đức Chúa Cha. Trong câu 44 chép: "Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất." Chữ "thiết" này là chữ "sốt sắng" trong đoạn Kinh Thánh chúng ta. Chúng ta có thể thấy sự thiết tha trong tâm tưởng và tấm lòng của Chúa Giê xu khi Ngài cầu xin cùng Đức Chúa Cha rằng "Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha." Ngài cầu nguyện với sự sốt sắng đến nỗi mồ hôi trở nên như giọt máu lớn. Chúng ta cần có sự dốc hết tâm trí, tình yêu thương mãnh liệt, sốt sắng. Trong Công vụ đoạn 12, chúng ta thấy từ ngữ đó được dùng một lần nữa và được dịch là "bền lòng", một sự cầu nguyện bền lòng. Ấy là một tình yêu thương bao hàm sự quyết tâm trọn vẹn, một sự quan tâm chân thành không phai nhạt theo thời gian. Đây là tình yêu thương mà chúng ta phải có trong Đấng Christ bởi tình yêu thương của Cơ Đốc nhân phản ánh tình yêu của Đấng Christ trong Lời Ngài. Đó là sự phản ánh rằng Đức Chúa Trời là tình yêu thương và chúng ta đang ở trong Ngài. Tất nhiên Kinh Thánh không giới hạn rằng chúng ta chỉ yêu thương những tín hữu mà thôi. Chúng ta cũng cần yêu thương những người ở bên ngoài hội thánh nữa nhưng đoạn Kinh Thánh tập trung đặc biệt vào tình yêu thương anh em trong Chúa. Tình yêu thương khởi xướng bởi tình yêu thương Đấng Christ dành cho chúng ta và cũng được nhìn thấy trong tấm gương mà Đấng Christ đã ban cho chúng ta. Philíp đoạn 2 câu 1 và 2 chép: "Vậy nếu trong Đấng Christ có điều yên ủi nào, nếu vì lòng yêu thương có điều cứu giúp nào, nếu có sự thông công nơi Thánh Linh, nếu có lòng yêu mến và lòng thương xót, thì anh em hãy hiệp ý với nhau, đồng tình yêu thương, đồng tâm, đồng tư tưởng mà làm cho tôi vui mừng trọn vẹn." Chúng ta cần phải có đồng tâm tình như Đấng Christ. Như Ngài đã yêu thương chúng ta, chúng ta cũng hãy yêu thương nhau. Xin chúng ta hãy suy nghĩ kỷ về điều này. Xin hãy nhìn những người đang ngồi đây trong mái nhà thờ này. Đây có phải là tình cảm mà chúng ta đang có đối với những người đang nhóm nhau tại đây không? Chúng ta có đang yêu thương họ như Đấng Christ yêu thương chúng ta không? Xin hãy suy nghĩ về những tư tưởng xuất hiện trong tâm trí chúng ta trong tuần qua. Liệu những tư tưởng chúng ta có phản ánh tình yêu thương Đấng Christ không? Có lúc nào đó tư tưởng chúng ta chỉ phản ánh sự thiếu kiên nhẫn, nóng giận, cay đắng là những điều cần nên chết đi trong đời sống chúng ta? Xin hãy nghĩ đến cách cư xử chúng ta với nhau. Khi chúng ta làm điều gì đó cho anh em, chúng ta có làm với tinh thần yêu thương và quan tâm anh em không? Các em nhỏ xin hãy suy nghĩ xem, tuần qua trong cách các em đối với anh chị em mình hay bạn bè mình, các em có bày tỏ tình yêu thương không hay các em gây gổ giành giật? Xin hãy nghĩ đến những lời nói của chúng ta trong tuần qua. Chúng ta thấy rằng nếu áp dụng tình yêu thương này vào thực tế cuộc sống thì những sự nhiều chuyện, nói xấu phải bị bỏ đi, sự nói hành không còn nữa. Thay vào đó là tình yêu thương thuần khiết giữa anh em với nhau. Khi trò chuyện với các bậc phụ huynh tôi thường nói một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của cha mẹ trong việc nuôi nấng con cái trong sự kính sợ Chúa là dạy chúng nó biết yêu thương nhau. Một trong những điều tệ hại nhất nhìn thấy nơi con cái là khi thấy chúng không biết yêu thương bạn bè hay người khác. Chúng ta cần nhẹ nhàng sửa dạy cung cách thiếu yêu thương đó, khích lệ chúng yêu thương nhau trong đời sống hằng ngày. Nếu chúng nó yêu Chúa, chúng nó phải yêu thương nhau. Kinh Thánh cho chúng ta biết chúng ta đã được thay đổi. Tình yêu thương Đấng Christ đã thay đổi chúng ta. Ngài ở trong lòng chúng ta. Ngài đã tẩy sạch chúng ta. Giờ đây Ngài kêu gọi chúng ta yêu thương nhau. Điều này rất cụ thể. Điều này có nghĩa là chúng ta yêu thương những người đã làm phiền lòng chúng ta, yêu thương những người gặp khó khăn. Không phải chúng ta miễn cưỡng làm điều này điều kia cho họ mà sẵn lòng. Chúng ta kiên nhẫn với những người làm thương tổn chúng ta, thậm chí với những người đã gián đoạn mối thông công với chúng ta. Chúng ta yêu thương họ vì Đấng Christ đã yêu thương chúng ta.

Chữ "yêu thương" có thể khiến một số người thấy khó chịu. Nó là một từ ngữ thân mật. Là một tập thể tín hữu, chúng ta được kêu gọi đến với sự thân mật ở một mức độ nào đó mà bởi đó chúng ta quan tâm sâu sắc đến nhau. Điều này không cần thiết chúng ta phải bày tỏ hết mọi suy tư thầm kín nhất của mình cho mọi người trong hội thánh hầu họ có thể yêu mến chúng ta hơn. Chúng ta cần có một thái độ của tấm lòng hầu cho họ một điều kiện để chúng ta có thể bày tỏ cho họ tình yêu thương chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy nơi hội thánh đầu tiên. Hội thánh đầu tiên được người khác biết đến bởi tình yêu thương họ. Tình yêu thương họ bị những người bên ngoài chế nhạo. Chúng ta có nhiều ví dụ về điều này trong những bài viết thời xưa. Một bài viết rằng: "Tại sao họ yêu thương nhau? Bởi chính họ được ban sinh lực bởi một sự căm ghét chung. Nói cách khác, họ thấy người khác ghét bỏ họ nên họ càng hăng hái phục vụ nhau nhiều hơn. Chúng ta thấy thể nào họ thậm chí sẵn lòng chết thế cho nhau? Bởi chính họ chẳng bao lâu cũng phải bị giết." Một bài viết khác nói: "Những Cơ Đốc nhân biết nhau bởi một dấu hiệu bí mật. Họ yêu thương nhau hầu như trước khi quen biết nhau. Họ gọi nhau là anh chị em". Hội thánh Tân Ước bị người khác chế nhạo về tình yêu thương của họ. Tuy nhiên, thật hiển hiện đối với thế giới xung quanh họ, họ là một tập thể yêu thương. Xin cho hội thánh chúng ta bị chế nhạo về tình yêu thương. Xin cho chúng ta trọn vẹn hơn trong sự bắt chước tình yêu thương Đấng Christ đối với nhau. Xin cho chúng ta là một sự phản ánh trọn vẹn hơn của hội thánh trên trời. Chúng ta hãy suy nghĩ tường tận hơn về sự yêu thương nhau như Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta.

Khi nhìn vào hội thánh chúng ta, chúng ta thấy hội thánh chúng ta đã đổi tên vài lần. Thật ra, nếu tôi không lầm thì mỗi lần một mục sư chủ tọa mới về hội thánh thì cái tên trên bảng hiệu lại được đổi. Đầu tiên nhà thờ này mang tên "Nhà Nguyện Puget Sound", rồi trong những năm 80 nó mang tên là "Nhà thờ OPC Ba Ngôi" một thời gian, đến những năm cuối của những năm 80, nó được đổi tên thành "Nhà thờ OPC Sự Sống Mới", sau đó trong thời gian quản nhiệm của Mục Sư Vanderhoff, nó được đổi lại thành tên "Nhà Thờ Ba Ngôi" Thật ra nếu nhìn kỷ chúng ta vẫn còn thấy chữ "Sự Sống Mới" ở bên dưới chữ "Ba Ngôi". Vì mỗi mục sư chủ tọa có cơ hội thay đổi tên nhà thờ, tôi nghĩ rằng tôi cũng có cơ hội đó. Và nếu tôi đã làm điều đó, tên nhà thờ chúng ta có thể là "Ecclesia Philadelphia" nghĩa là "Nhà thờ Tình Yêu Thương Anh Em" hầu chúng ta được thế gian biết đến là hội thánh của tình yêu thương anh em. Nhưng có lẽ cái tên của hội thánh chúng ta không cần phải được thay đổi. Có lẽ điều này cần là sự thật bên trong hội thánh, trong lòng của từng tín hữu hầu khi người ta đi ngang nhà thờ OPC Ba Ngôi này, người ta có thể nói bên trong hội thánh là "hội thánh của tình yêu thương anh em." Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm ơn Ngài vì tình yêu thương Ngài đã bày tỏ ra cho chúng con. Đó là nền tảng của hết thảy tình yêu thương chúng con đối với nhau. Xin Ngài cảm động lòng chúng con hầu chúng con càng hiểu biết nhiều hơn tình yêu thương Đấng Christ cho chúng con. Xin cho chúng con phản ánh tình yêu thương đó đối với nhau. Xin cho tình yêu thương đó thật sâu sắc, chân thật mà không giả tạo. Xin cho chúng con có nhiều cơ hội tỏ bày điều đó cho nhau. Xin cho chúng con bày tỏ sự quan tâm bằng nhiều cách khác nhau hầu chúng con khích lệ các thánh đồ. Xin cho chúng con được biết đến là một hội thánh yêu thương. Xin tha thứ chúng con về những thiếu sót chúng con bởi chúng con biết rằng đây không phải là điều chúng con làm được bởi sức riêng chúng con mà bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời Đấng ngự trong lòng chúng con. Xin Thánh Linh Ngài làm việc trong lòng chúng con. Xin Ngài thực hiện điều đó và tha thứ những tội lỗi chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)