ÂM NHẠC CHO TÂM HỒN
(1Samuên 16:1-23)
Tháng Tám 2005
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Trong những câu đầu của đoạn 16, chúng ta được kể về sự xức dầu bí mật cho vua Đavít. Đavít phải là vị vua mới của dân Y-sơ-ra-ên và Saulơ lúc bấy giờ đã chính thức bị Đức Chúa Trời chối bỏ không còn là vua Y-sơ-ra-ên nữa bởi việc ông không vâng theo ý Ngài. Trước thời điểm mà chúng ta nhìn thấy trong Kinh Thánh rằng vương triều của Saulơ và Đavít trùng lên nhau, giờ đây trong dân Y-sơ-ra-ên có hai vua. Điều này khiến chúng ta khi đọc suốt những đoạn Kinh Thánh này phải quyết định rằng chúng ta sẽ tôn vinh vương triều nào, vua nào là vị vua công bình trong mắt chúng ta, vị vua chính đáng trên dân sự Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ đồng tình với ai: Saulơ hay Đavít?
Điều Chúa Giêxu nói với chúng ta trong Kinh Thánh Tân Ước rằng không ai được làm tôi hai chủ là đúng. Không thể có hai vua trong cùng một vương quốc. Hai vua này cuối cùng không thể đồng tồn tại được. Một vua sẽ thắng thế và vua còn lại sẽ mờ nhạt rồi chìm vào quên lãng. Một người sẽ được Đức Chúa Trời ban ơn và người kia phải bị đoán phạt. Trong những đoạn kế, sự tương phản này giữa Đavít và Saulơ sẽ được làm nổi bật. Trong quá trình đó, sự trung thành của chúng ta với người nào trong hai người sẽ được thử nghiệm. Chúng ta sẽ theo vua nào? Chúng ta thấy rất rõ ràng ai là người đáng được chúng ta chọn lựa đứng về phía người đó và hôm nay chúng ta sẽ nhận biết rằng cái giá phải trả cho sự trung thành của chúng ta đối với vua đó là một giá cao. Chúng ta thấy trong đoạn 16 câu 14, mối mâu thuẩn giữa hai vua này bắt đầu. Cuộc thi đua giành sự đồng tình của chúng ta cũng bắt đầu. Chúng ta sẽ theo ai? Câu 14 bắt đầu sự tương phản dù có người đề nghị cũng đúng là chúng ta có thể đi ngược về đến câu 13 để nắm được hết sự tương phản đang được trình bày ở đây. Bởi chúng ta nhìn thấy lần trước trong câu 13 rằng Thần của Đức Giêhôva cảm động Đavít sau khi Samuên xức dầu cho ông làm vua Y-sơ-ra-ên. Chúng ta đã đọc trong vài đoạn trước rằng thần Đức Giêhôva cũng đến trên Saulơ sau khi ông được xức dầu. Tại đó chúng ta cũng thấy Saulơ bắt đầu nói tiên tri. Thế thì Thần Đức Giêhôva đến trên các vua của Y-sơ-ra-ên. Sự khác biệt được nhấn mạnh ở chỗ từ ngữ Thần Đức Giêhôva thường trực ở trên Đavít. Câu 13 chép: "Từ ngày đó về sau, Thần của Đức Giêhôva cảm động Đavít." Thần Đức Giêhôva không bao giờ lìa Đavít.
Chúng ta cũng cần cẩn thận khi xem xét vấn đề này rằng chúng ta đừng suy diễn nhiều quá. Chúng ta không nên tự cho là sự hiện diện của Thần Đức Chúa Trời hàm ý về sự tái sanh. Việc Thần Đức Chúa Trời ở trên Saulơ trong một khoảng thời gian nào đó không có nghĩa là Saulơ là một người được sanh lại. Điều đó cũng không có nghĩa là trong thời điểm đó Saulơ được tái sanh rồi bất chợt ông trở nên không được tái sanh khi Thần Đức Chúa Trời ra khỏi ông. Sự hiện diện của Thần Đức Chúa Trời đúng hơn là biểu hiện cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở cùng ông. Khi chúng ta đến câu 14, chúng ta thấy rằng "Thần của Đức Giêhôva lìa khỏi Saulơ." Tại đây Đavít là người nhận được Thần Đức Chúa Trời. Ông nhận được đặc ân có sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở cùng ông với tư cách là vua. Đọc đoạn Kinh Thánh này chúng ta thấy rõ ràng rằng ông là vị vua được ơn Đức Chúa Trời. Ông là vị vua mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta đi theo. Ông là người mà Đức Chúa Trời đã chọn lựa. Đức Chúa Trời ở với Đavít. Ngài không ở cùng Saulơ nữa. Saulơ đã bị Đức Chúa Trời khước từ. Ngược lại với Đavít, Saulơ đang bị tay Đức Chúa Trời đè nặng trên mình. Không phải Thần của Đức Chúa Trời đang soi sáng lòng Saulơ mà Kinh Thánh cho chúng ta biết một thần khuấy khuất, hay ác thần, đang bao phủ lòng ông. Kinh Thánh cho chúng ta biết ác thần này đến từ Đức Chúa Trời.
Thần khuấy khuất Saulơ là hậu quả của chính tội lỗi ông. Tấm lòng bứt rứt không yên của Saulơ là hậu quả hay thậm chí là sự hình phạt của Đức Chúa Trời đối với sự bất tuân của ông. Chúng ta thấy rõ ràng Đức Chúa Trời ban ơn cho ai. Khi so hai câu trên, chúng ta không thể không kết luận rằng Đức Chúa Trời ban ơn cho Đavít là người vừa mới được xức dầu để thay thế cho Saulơ. Câu hỏi rằng Đức Chúa Trời không tán đồng ai cũng rõ ràng như vậy. Ngài không tán đồng Saulơ là người vi phạm giao ước. Thế thì chúng ta nhìn thấy sự trái ngược giữa hai vị vua này của Y-sơ-ra-ên.
Chúng ta xem tiếp và nhìn thấy những tôi tớ của Saulơ ái ngại về sự khổ sở của Saulơ. Họ không muốn nhìn thấy vua mình trong tình trạng khó khăn này. Họ không ao ước nhìn thấy Saulơ trong tình trạng bị khuấy khuất này. Thế nên họ thỉnh cầu Saulơ tìm cách nào đó giúp mình vượt qua sự khuấy khuất của ác thần mà Đức Chúa Trời sai đến này. Họ đến với ông xin phép ông cho họ tìm kiếm cả vương quốc một người có tài chơi đàn. Họ hy vọng rằng tiếng đàn của một người chơi đàn tài năng như thế sẽ làm dịu đi được sự khuấy khuất trong Saulơ. Chúng ta để ý một điều thú vị là không có sự bóng gió gì về nguồn gốc của ác thần này. Những tôi tớ của Saulơ cũng nhận ra rằng sự khuấy khuất mà Saulơ đang phải chịu là từ Đức Chúa Trời. Một điều thú vị nữa là những tôi tớ cũng nhận ra rằng Đức Chúa Trời ở cùng Đavít. Chính họ cũng nhận thấy sự trái ngược: Đức Chúa Trời đã lìa bỏ Saulơ nhưng Ngài ở cùng Đavít. Họ cũng hiểu rằng chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể cung ứng sự yên nghỉ cho tâm hồn rối loạn của Saulơ. Chỉ có một người của Đức Chúa Trời, một người có lòng cho Đức Chúa Trời mới có thể được Ngài sử dụng để cho Saulơ được nhẹ nhàng. Saulơ sẵn sàng đồng ý lời khuyên của những tôi tớ. Ông tán thành và ra lệnh đi tìm người đó, một người chơi đàn giỏi và mang người đó đến cho ông.
Chúng ta để ý cách nói của Saulơ trong mạng lịnh mà ông ban ra trong câu 17: "Vậy, hãy tìm cho ta một người gảy đờn hay, rồi dẫn nó đến cùng ta." Chúng ta thấy cách dùng từ trong câu nói này rất tương tự với cách nói trong câu 1 khi Đức Chúa Trời ra lệnh cho Samuên tìm Đavít, "vì trong vòng các con trai người, ta đã chọn một người làm vua." (trong bản tiếng Anh dịch sát nghĩa là: "vì trong các con trai người, ta đã chọn cho ta một người làm vua.") Những chữ "tìm cho ta" và "chọn cho ta" là giống nhau trong nguyên ngữ tiếng Hêbơrơ. Cả hai nhóm từ này rõ ràng đều nhắm đến Đavít là người được chọn. Cả Đức Chúa Trời và Saulơ căn bản đều đang tìm tôi tớ. Sự tương đương này là rất có chủ ý khi chúng ta nhìn trong khúc Kinh Thánh nầy. Chúng ta thấy Saulơ đã đặt mình làm vua Y-sơ-ra-ên và ông đã khước từ vị vua thiên thượng của Y-sơ-ra-ên. Ông đã trở nên Đức Chúa Trời của chính mình. Ông đã trở nên Vua của chính mình. Ông đã tự nâng mình lên một vị trí mà mình không đáng được. Trong cương vị làm vua Y-sơ-ra-ên, ông tự thấy mình hay ít ra là hành động như ông đã được đặt trong một cương vị như Đức Chúa Trời. Điều này có vẻ như là diễn ý nếu những từ đó được xem xét cách riêng rẽ. Tuy nhiên khi nhận thấy được đây là vấn đề của Saulơ ngay từ đầu, trong đoạn 15 Saulơ đã tự mình thay đổi mạng lịnh Đức Chúa Trời, tự làm cho mình ra người cai trị của mình, không thuận phục Đức Chúa Trời. Saulơ đã tự nâng mình lên cương vị đúng ra là của Đức Chúa Trời. Trước đây và tại thời điểm này nữa, Saulơ xen sự phán quyết của mình vào chỗ của Đức Chúa Trời. Ông muốn có một tôi tớ với cung cách tương tự như Đức Chúa Trời muốn tìm một tôi tớ vậy. Đavít là tôi tớ mà cả Saulơ và Đức Chúa Trời ao ước.
Đavít được mô tả trong đoạn Kinh Thánh chúng ta với những lời lẽ rất thiện cảm. Ông được mô tả là một người chơi đàn rất hay. Chúng ta có thể thấy điều này trong nhiều thi thiên mà Kinh Thánh cho biết là do Đavít viết ra. Ông là một nhạc sĩ tài ba và những ai đã nghe ông đàn nhận thấy điều đó. Chúng ta đọc thấy trong đoạn Kinh Thánh hôm nay rằng ông là một chiến sĩ mạnh bạo đã chứng tỏ mình nơi trận mạc, một người mà người ta có thể tin cậy được trong chiến trận và bảo vệ dân sự mình. Kinh Thánh cũng mô tả ông là một người ăn nói khôn ngoan, cầm giữ lưỡi mình, thận trọng trong lời nói. Lời nói của ông thật sự phản ảnh điều mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta nói. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết Đavít là người có diện mạo tốt đẹp. Cuối cùng là điều quan trọng nhất, Kinh Thánh mô tả Đavít là người có Đức Chúa Trời ở cùng. Đức Chúa Trời ở cùng Đavít. Ông là người theo lòng Đức Chúa Trời.
Thế thì vua Đavít xuất hiện trước mặt Saulơ với một "ủy nhiệm thơ" đầy ấn tượng. Lý lịch của ông là hoàn toàn tốt. Ông đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết và được nhận vào làm việc. Những tôi tớ Saulơ liền ra đi đến Ysai truyền đòi con trai ông là Đavít đang ở ngoài đồng. Đây là lịnh đòi. Đây là bản chất của vua như có nói trong 1Samuên đoạn 8. Bản chất ấy là vua sẽ bắt con cái dân sự theo ý mình. Saulơ không xin Ysai cho Đavít đi hầu việc mình. Ông ra lịnh Ysai gởi cho ông đứa con trai chăn chiên của mình. Điều này cũng chưa đủ. Ysai nhận ra vai trò của mình là tôi tớ vua, ông dâng cho vua một của lễ bằng bánh, rượu và con dê con. Chúng ta thấy xuyên suốt đoạn Kinh Thánh, Saulơ được mô tả ít nhiều như là một nhân vật như Đức Chúa Trời. Câu chuyện cứ tiếp tục trên hai mức độ.
Khi đọc đoạn Kinh Thánh này chúng ta biết một điều mà Saulơ và các tôi tớ ông không biết. Chúng ta biết Đavít đã được xức dầu làm vua. Saulơ đang mời Đavít vào cung mình mà không hay biết điều đó. Chúng ta biết điều mà Saulơ không hay biết: Ông đã mời chính đối thủ của mình vào cung. Giờ đây vị vua đang ở trong sự hiện diện của một vua của Y-sơ-ra-ên mới được sự xức dầu thiên thượng. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này lần đầu tiên chúng ta đọc với tâm trạng ít nhiều háo hức. Điều gì sẽ xảy đến cho Đavít? Tại đây chúng ta biết bởi lời Samuên trong phần trước rằng: "Nếu Saulơ hay thì sẽ giết tôi đi." Samuên lo sợ cho chính tính mạng của mình nếu ông xức dầu một vua khác thay cho Saulơ. Nếu Saulơ biết Đavít là vua đã được xức dầu, chắc chắn Saulơ sẽ tìm cách diệt Đavít. Chúng ta chờ đợi xem điều sẽ xảy đến với Đavít. Chỉ có việc Saulơ không biết về sự xức dầu cho Đavít thì Đavít mới toàn mạng trong tình hình này.
Chúng ta thấy tiếp tục của đoạn Kinh Thánh là Đavít chơi đàn và tiếng đàn của ông mang lại tác dụng mong muốn. Chúng ta thấy thể nào ác thần khuấy khuất lìa khỏi Saulơ và một lần nữa lòng Saulơ lại được yên ổn. Tiếng nhạc làm nguôi đi cơn khuấy khuất của Saulơ. Chúng ta cần hiểu một điều khi đọc đoạn Kinh Thánh này là sứ điệp của nó không tập trung vào việc đề cao tác dụng âm nhạc dù nhiều nhà giải kinh dường như cho rằng đây là mục tiêu duy nhất của đoạn Kinh Thánh này. Họ cho rằng khi chúng ta lắng nghe âm nhạc Cơ Đốc, nó mang lại tác dụng mong muốn là khiến ma quỷ chạy trốn. Đây không phải là ý định của đoạn Kinh Thánh này dù chắc chắn rằng khi chúng ta hát Thánh Ca và suy gẫm về ân điển của Đức Chúa Trời thường tìm thấy trong lời những bài Thánh Ca, chúng ta có thể được thanh thoảng như thế. Tuy nhiên, tại đây vấn đề xa hơn là chỉ đề cao tác dụng của âm nhạc trên một tâm hồn bị khuấy khuất, một điều gì đó sâu hơn đang diễn ra.
Khi xem đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy Đavít đang chơi đàn cầm, một loại nhạc khí hay được chơi trong chính đền thờ Đức Chúa Trời và trong đền tạm. Khi đọc ở cuối Kinh Thánh trong sách Khải Huyền đoạn 5, chúng ta đọc thấy các trưởng lão và thiên sứ trên trời đang chơi đàn cầm. Đàn cầm trên phương diện nào đó là hình ảnh của một nhạc cụ thiên thượng. Đavít là người nhạc sĩ đang chơi những khúc nhạc thiên thượng. Chúng ta cũng có thể biết điều này vì Đavít là tác giả của nhiều thi thiên. Những âm điệu thiên thượng này của Đavít là Lời Đức Chúa Trời khích lệ lòng những thánh đồ. Nó bắt nguồn từ Lời Đức Chúa Trời vì vậy mà nó là âm nhạc thiên thượng. Thế nên Đavít là tác giả của những thi thiên cũng là tác giả của âm nhạc đang chơi những dòng âm nhạc thiên thượng trước mặt Saulơ. Chúng ta thấy âm nhạc này là từ Đức Chúa Trời. Vì thế việc khẳng định Đavít là người có Đức Chúa Trời là rất quan trọng. Tiếng nhạc là sự kêu gọi của Đức Chúa Trời cho Saulơ. Khi đọc phần Kinh Thánh này theo cách đó, tiếng nhạc đó đang nói rằng: "Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ".
Ban đầu Saulơ hài lòng về Đavít. Saulơ thích tiếng nhạc của Đavít và tiếng nhạc đó cũng mang lại hiệu quả mong muốn trong tâm hồn Saulơ là ác thần lìa khỏi Saulơ trong một khoảng thời gian nào đó. Saulơ càng thương mến Đavít lắm. Đavít trở thành người vác binh khí cho Saulơ. Saulơ vui thích có Đavít bên mình. Tuy nhiên còn thiếu sót điều gì đó trong mối tương quan giữa Saulơ và Đavít phải không? Sự vui thích của Saulơ nơi Đavít chỉ tồn tại khi nào Saulơ nhìn thấy Đavít là quần thần của mình mà thôi. Tình thương của Saulơ dành cho Đavít tồn tại chỉ khi nào Saulơ thấy Đavít là tôi tớ mình thôi. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này chúng ta nhìn thấy điều Saulơ phải làm để tìm lại ân điển của Đức Chúa Trời là sau cùng ông phải chịu thuận phục Đavít. Saulơ được kêu gọi thuận phục người chịu xức dầu của Đức Chúa Trời. Để giảng hòa cùng Đức Chúa Trời, Saulơ phải trở nên tôi tớ của Đavít. Tình hình phải đảo ngược.
Ngày nào Đavít còn là tôi tớ của Saulơ, Đavít thật dễ thương cho Saulơ. Saulơ được tự do sử dụng Đavít theo ý mình. Và suy cho cùng đây chính là điều Saulơ mong muốn. Saulơ muốn một tôi tớ. Ông không muốn một vua. Cuối cùng chúng ta biết Saulơ không làm điều đó. Khi đọc tiếp phần còn lại của 1Samuên, chúng ta sẽ thấy rằng khi Saulơ nhận rõ ra rằng Đavít là người thay thế mình. Khi ông nhận ra rằng ông phải thuận phục Đavít cũng như chính Giônathan con trai ông cũng thuận phục Đavít, khi ông nhận ra điều mình phải làm, tình thương mến của Saulơ cho Đavít chuyển thành một sự căm ghét điên cuồng nóng nảy. Lòng căm ghét đó cuối cùng dẫn đến cuộc theo đuổi diệt mạng sống của Đavít. Saulơ khước từ không chịu nhận người được xức dầu của Đức Chúa Trời làm người được xức dầu của mình. Ông khước từ không chịu đầu phục trước vị vua thật của Y-sơ-ra-ên bởi ham muốn quyền lực của mình.
Khi xem đoạn Kinh Thánh này và hiểu nó theo cách này, chúng ta nhìn thấy sự tương đồng với Đấng Christ nổi bật lên. Có biết bao nhiêu người trên thế gian này nhìn về Đấng Christ mà Đavít chính là hình bóng của Ngài theo như đoạn Kinh Thánh này, họ được kéo đến những lời hứa về thiên đàng, họ nhìn Đấng Christ và Ngài thật thu hút với họ. Ngài là một người mà người ta dễ thấy yêu mến. Họ được thu hút đến với lời hứa về sự sống đời đời. Đấng Christ là một nhân vật lôi cuốn, Ngài là tốt đẹp. Có nhiều lý do thu hút chúng ta đến với Ngài. Tuy nhiên nhiều người đang nhìn thấy Đấng Christ theo kiểu này sẽ luôn tìm kiếm Ngài như là một đầy tớ của mình vậy. Họ sẽ chỉ thấy hài lòng khi Đấng Christ phục vụ họ mà thôi. Họ không sẵn lòng quỳ gối xuống trước Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời. Họ hài lòng khi có Đấng Christ làm tôi tớ mình chớ không phải làm Vua mình. Họ không sẵn sàng hy sinh vương quyền của cái tôi mình hầu đầu phục Ngài. Tuy nhiên Kinh Thánh nói rõ không ai có thể làm tôi hai chủ. Hoặc chúng ta đầu phục Đấng Christ, là sự lựa chọn rõ ràng của chúng ta, bởi Ngài có thần Đức Chúa Trời trên mình, Ngài là Đấng được Đức Chúa Trời ban ơn. Ấy chính Đấng Christ là Đấng đáng tin cậy, công bình, thành tín trong mọi sự, bày tỏ tình yêu thương Ngài cho dân sự mình. Sự lựa chọn dành cho chúng ta chẳng phải là rõ ràng sao? Hay chúng ta chọn lựa hầu việc chính mình, tự khiến mình làm vua và bởi đó mà đặt mình vào sự khốn khó. Chẳng bao lâu khi chúng ta nắm giữ quyền lực trên đời sống mình, chúng ta biết rằng số phận chúng ta đang đi đến sự chết và hủy diệt.
Khi nhìn vào đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy vấn đề thật rõ ràng rằng chúng ta cần đầu phục ai. Vấn đề ai là vị vua đúng đắn của Y-sơ-ra-ên thật là rõ ràng. Chúng ta cũng nhận ra rằng khi chúng ta đầu phục Ngài thì sự lựa chọn này cũng là điều khó khăn nhất. Hôm nay chúng ta sẽ ủng hộ ai? Đavít, đại diện cho Đấng Christ, hay Saulơ? Chúng ta nhận ra rằng dù sự thu hút của Đavít dường như quá mạnh mẽ thì đời sống ung dung dễ dàng của Saulơ cũng vậy. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta phải trả giá cho sự ủng hộ của mình đối với Đavít. Chúng ta thấy rằng khi đọc tiếp trong đoạn 17 và những đoạn kế tiếp, chúng ta sẽ thấy rằng những người ở với Đavít sẽ bị theo đuổi, tìm giết, bắt bớ, không có chỗ gối đầu một cách bình yên, họ sẽ phải chịu đói. Giống như Đavít sẽ bị khinh dể, chúng ta cũng sẽ bị khinh dể. Nhưng chúng ta cũng biết rằng cuối cùng tay Đức Giêhôva ở cùng Đavít. Chúng ta biết rằng chiến thắng cuối cùng về phần Ngài rằng vương quyền Ngài sẽ không bao giờ suy bại. Tuy nhiên, đời sống của Saulơ thì tương đối dễ dàng. Ông có nhiều thức ăn. Ông không sợ phải bị rượt đuổi, bắt bớ của thế gian. Đó là một cuộc đời tương đối dễ chịu. Tuy nhiên, tâm hồn ông cứ bị khuấy khuất và sự suy bại của ông là chắc chắn.
Điều đoạn Kinh Thánh hôm nay dạy chúng ta khi chúng ta lắng nghe âm nhạc của Lời Ngài, nó kêu gọi chúng ta đến với đời sống thiên thượng. Nó kêu gọi chúng ta đi theo Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời. Nó kêu gọi chúng ta hãy để tâm linh khuấy khuất của chúng ta được yên nghỉ bằng cách đi theo âm nhạc của Vị Vua của Đức Chúa Trời là Chúa Giêxu Christ. Amen.
Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Lạy Chúa, khi chúng con lắng nghe Lời Ngài, chúng con nhìn thấy và lắng nghe âm nhạc của tác giả Thi Thiên, âm nhạc bắt nguồn từ thiên thượng này. Xin Chúa cho chúng con được kéo đến với vị vua thật của dân Y-sơ-ra-ên, là Đấng được tiêu biểu bởi Đavít mà được làm trọn trong Chúa Giêxu Christ. Xin cho chúng con đi theo Ngài dù một lúc nào đó chúng con có thể không chỗ gối đầu, phải chịu sự bắt bớ, bị ghen ghét và khinh dể. Xin cho chúng con làm môn đệ của Ngài. Xin cho chúng con khi đặt mình vào vị trí của Saulơ, sẵn sàng hiến dâng vương quyền của chính đời sống mình cho vương quyền của Đấng Christ, đầu phục Ngài và đi theo Ngài mà thôi. Xin âm nhạc của Ngài kéo chúng con đến vị vua thật của Y-sơ-ra-ên. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)