Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Ăn Năn và Tha Thứ - 4/2005  


ĂN NĂN VÀ THA THỨ
(1Samuên 12:16-26)

Tháng Tư 2005

Kính thưa quí hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Lần trước khi kết thúc bài học, chúng ta dừng lại giữa chừng. Tiên tri Samuên đang giảng ra sứ điệp quở trách nghiêm trọng đối cùng dân sự Đức Chúa Trời. Ông đang quở trách họ về tội đòi có một vua như những dân tộc khác và cứ khăng khăng trong ý muốn đó dù Đức Chúa Trời đã bảo rằng điều đó sỉ nhục Ngài. Họ ước muốn có một vua như các dân tộc khác, một vua bằng xương bằng thịt, một vua cầm quân ra trận cách khải hoàn như những vua lân cận. Họ không thỏa lòng với Đức Chúa Trời làm vua họ. Tiên tri Samuên đã nói những lời rất mạnh mẽ ngay từ đầu đoạn 12. Ông quở trách dân sự cách nặng nề về tội muốn có vua của họ. Bởi hành động khăng khăng đòi có vua, họ đã loại bỏ Đức Chúa Trời mình và đặt lòng tin vào vua chúa.

Qua lập luận của Samuên mà chúng ta đã học trong bài học lần trước, Samuên khẳng định rằng việc có vua là chưa cần thiết trong thời điểm đó. Đức Chúa Trời đã cung ứng cho họ một người trung bảo. Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài là một Vị Lãnh Tụ và Vua thành tín dư dật. Bất cứ khi nào dân sự kêu cầu, Ngài đều sai đến cho họ một người trung bảo. Họ không cần phải có một vua như những dân tộc lân cận. Dầu vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời cũng ban cho họ một vua là Saulơ. Phần đầu của đoạn Kinh Thánh chúng ta cho thấy rằng vua Saulơ và dân sự vừa mới thắng trận trở về, chiến dịch quân sự thành công đầu tiên của vua Saulơ nghịch cùng dân Ammôn và họ đang mừng chiến thắng đó.

Tuy nhiên Đức Chúa Trời muốn tỏ rõ cho vua Saulơ và dân sự rằng nếu họ muốn thành công và được Ngài ban phước, họ vẫn phải cúi đầu xuống trước mặt Ngài như là Vua họ. Ngài muốn họ hiểu rằng Ngài là Vua thật và Vua mạnh sức của họ. Dù họ có một vua con người, Ngài là Vua thiên thượng cai trị trên họ. Vua con người của dân Y-sơ-ra-ên phải quy phục dưới vương quyền Ngài. Nếu họ không làm theo điều đó, họ sẽ phải chịu sự thạnh nộ và phán xét của Đức Chúa Trời, tức là Vua thiên thượng của họ. Bài học tuần trước dừng lại ở chỗ đó.

Đọc tiếp từ câu 16, chúng ta thấy Đức Chúa Trời ấn chứng cho sứ điệp của Samuên bằng một trận sấm sét bão tố hầu chứng thực tính chân thật của sứ điệp. Trong những bài học trước tôi có đề cập một số nhà giải kinh cho rằng Samuên nói tự ý mình, rằng ông quở trách ít nhiều là do sự cay đắng của riêng mình vì dân sự đã muốn có một vua trên quyền lãnh đạo của ông, nghĩa là họ muốn một người khác thay chỗ ông. Thế nên những nhà giải kinh đó cho rằng Samuên đang nói với sự hận thù, cay đắng trong lòng, rằng Samuên không thật sự nói theo ý Đức Chúa Trời mà nói theo cái nhìn của riêng ông. Tuy nhiên quan điểm này không đứng vững được khi chúng ta thấy Đức Chúa Trời sai cơn bão sấm sét đến theo lời cầu xin của Samuên. Bởi bằng việc này Đức Chúa Trời đã đóng ấn chấp thuận của Ngài. Samuên không nói bởi ý riêng mình, ông đang nói ra lời Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời thật sự buồn lòng về dân Y-sơ-ra-ên vì yêu cầu tội lỗi đó của họ. Ngài đối diện với họ về sự gian ác họ.

Trận bão sấm sét chắc chắn thêm một dấu chấm than vào sứ điệp. Chúng ta thử tưởng tượng điều đó đã xác thực cho sứ điệp như thế nào trước một dân sự đang đứng trước mặt Samuên. Nó sẽ khiến họ chú ý: Samuên đã nói với chúng ta điều gì? Nếu Đức Chúa Trời đã hành động như thế thì chắc hẳn điều đó là hệ trọng cho chúng ta. Đoạn kết đầy kịch tính này của sứ điệp của Samuên khiến chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa mà biết chắc rằng có sự tán đồng giữa Samuên và Đức Chúa Trời trong vấn đề này. Dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội. Họ phải ăn năn trước mặt Đức Chúa Trời. Họ phải xây khỏi những hành vi đã làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Họ cần phải đến với Ngài xưng tội mình và hầu việc Đức Chúa Trời có một của mình. Cơn bão mang tác động thị giác đối với họ.

Bão sấm sét là rất bất bình thường vào thời điểm này trong năm. Nếu xem địa hình và mô hình khí hậu thông thường của vùng Trung Đông, chúng ta sẽ thấy rằng trong mùa gặt lúa mì là thời điểm xảy ra câu chuyện này, rất hiếm khi có bão, đó là mùa khô trong xứ Y-sơ-ra-ên. Bão mùa đông mang theo mưa đến trước đó để cho mùa màng sinh sôi. Nhưng thời điểm này người ta hoàn toàn không trông đợi có bão bởi đó là điều bất thường cho thời điểm này. Thế thì cơn bão sấm sét không chỉ là vấn đề Samuên đoán được có cơn bão sắp đến. Ông không tiếp cận được với hệ thống ra-đa. Ông không thể nói trước có cơn bão sắp đến để minh chứng cho sứ điệp của ông. Không! Ông kêu nài cùng Đức Giêhôva! Ngài khiến cơn bão nổi lên và làm vang tiếng sấm sét trước dân sự hầu họ lắng nghe sứ điệp Ngài được ban ra bởi tôi tớ Ngài là Samuên.

Chúng ta có thể hỏi tại sao Đức Chúa Trời làm như thế? Tại sao Ngài lại đặc biệt sai sấm sét? Mục đích của dấu hiệu này là gì? Mục tiêu đó được bày tỏ rất rõ ràng trong phần Kinh Thánh của chúng ta. Samuên nói cùng dân sự rằng "Ta sẽ cầu khẩn Đức Giêhôva; Ngài sẽ làm sấm sét và mưa, để các ngươi biết và thấy mình đã phạm sự ác lớn trước mặt Đức Giêhôva, bởi vì đã xin một vua." Ông cầu xin bão và sấm sét đến trước mắt dân sự hầu họ được mở mắt bởi rõ ràng rằng lúc này họ chưa hiểu thấu hết mức độ trầm trọng của tội lỗi mình. Bất chấp sự quở trách trong đoạn 8 và 10, dân sự vẫn chưa xây khỏi đường lối mình. Vì thế giờ đây trong đoạn 12, Đức Chúa Trời sai sấm sét Ngài đến trên dân sự để tỏ cho họ rằng họ đã phạm tội cùng Ngài. Ngài muốn tỏ rõ rằng họ đã làm buồn lòng Vua mình. Thế thì dấu hiệu này được ban cho hầu buộc dân sự nhận ra sự gian ác ghê gớm của họ khi đòi một vua.

Sứ điệp này không thể nhầm lẫn được. Dân sự hiểu ngay khi nghe thấy sấm sét phải không? Khi nghe thấy mưa và sấm sét, họ hết thảy đều đứng trước Đức Giêhôva và Samuên mà run sợ. Sấm sét và mưa thể hiện sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Ngài ghét tội lỗi. Ngài gớm ghét tội lỗi mà dân Y-sơ-ra-ên đã phạm trong việc tự lập một vua cho mình hay nói khác hơn là yêu cầu có vua như các dân khác một cách hấp tấp. Ngài muốn họ nhìn thấy tội lỗi mình. Ngài muốn họ hiểu rằng ai phạm tội thì không thể đứng nỗi, Đức Chúa Trời sẽ phán xét người đó. Chúng ta cần hiểu rằng trong Kinh Thánh, sấm sét thường liên hệ với sự công bình của Đức Chúa Trời. Trong đoạn 7 chúng ta cũng đọc thấy về sấm sét từ Đức Chúa Trời: Tại đây dân sự tập họp tại Mích-ba ăn năn cùng Đức Giêhôva về tội lỗi họ đã phạm trong thời Hêli. Họ ăn năn tội trong khi dân Philitin đang hiệp lại sẵn sàng giao chiến cùng họ. Dân Y-sơ-ra-ên kinh hãi người Philitin bởi trước đây dân này đã từng chiến thắng họ và giờ đây dân này lại một lần nữa hiệp lại giao chiến cùng họ. Thế nhưng Đức Chúa Trời đã khiến điều gì xảy ra? Ngài khiến sấm sét nổ ra trên đất và người Philitin tại đó kinh hãi chạy trốn trước năng quyền của Đức Chúa Trời. Họ nhìn thấy quyền năng Đức Chúa Trời và kinh hãi. Ấy là sự phán xét của Đức Chúa Trời trên dân Philitin về tội chống nghịch dân sự Đức Chúa Trời. Chính sấm sét này đã từng làm kinh hãi dân Philitin giờ đây nổ ra trên dân sự Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể thấy sự kinh hoàng sợ hãi. Họ hiểu được tội lỗi mình. Họ hiểu rằng mình đã đánh giá rất sai lầm trong yêu cầu có vua của mình. Ngữ cảnh tại đây bày tỏ đúng quan điểm của nó. Họ hiểu rằng sấm sét đến từ Đức Chúa Trời, là điều đồng nghĩa với sự phán xét và sự chết đối với kẻ thù Ngài, giờ đây sấm sét đó đang nổ ra trên chính họ. Điều này cũng là công bằng bởi họ đã phạm tội cùng Ngài. Chúng ta cũng thấy trong sách Khải Huyền thể nào sấm sét được đề cập đến nhiều lần đặc biệt được nhắc đến ngay trước thời điểm Chúa tái lâm, nghĩa là việc Đức Chúa Trời đến phán xét thế gian sẽ được dẫn trước bởi tiếng sấm vang. Những ai nghe tiếng sấm đó cũng sẽ run sợ bởi ý thức về tội lỗi mình. Những ai biết mình đã khước từ Đức Chúa Trời, cứng lòng không ăn năn cũng biết rằng mình đáng nhận lãnh sự thạnh nộ. Khải Huyền đoạn 6 cho chúng ta thấy thể nào những người này nghe tiếng sấm vang của Đức Chúa Trời trước ngày Ngài trở lại đã chạy đến ẩn mình trong hang hố, núi đồi mà xin chúng rơi xuống chận trên họ. Họ kinh hãi trước sự trở lại của Đức Chúa Trời. Giờ đây dân Y-sơ-ra-ên đang cảm nhận điều đó. Họ đã phạm tội cùng Ngài, đáng chịu sự đoán phạt và thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên chúng ta là dân sự Đức Chúa Trời ngày nay cũng cần hiểu rằng nếu cứng lòng không chịu ăn năn tội, một ngày nào đó chúng ta cũng phải đứng trước Quan Án công bình đó và buộc phải khai trình về những việc làm mình. Liệu khi nghe tiếng sấm của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ kinh hãi hay chúng ta sẽ có một Đấng Trung Bảo đã cứu chuộc chúng ta? Chúng ta cần được thức tỉnh khi đọc đoạn Kinh Thánh này như dân Y-sơ-ra-ên vậy. Đoạn Kinh Thánh này cần thức tỉnh mọi sự thờ ơ lãnh đạm của chúng ta mà đổi thành sự kính sợ Đức Chúa Trời hầu tôn trọng sự công chính Ngài và một lần nữa khích lệ chúng ta sống cho Ngài. Nó hướng chúng ta đến với Chúa Giêxu Christ. Ai nghe tiếng sấm sét đều run sợ. Và sự kinh sợ đó là phải lẽ bởi sấm sét của Đức Chúa Trời sẽ làm đinh tai nhức óc và kinh hãi những ai cứ miệt mài trong tội lỗi và chống nghịch Ngài.

Phản ứng của dân Y-sơ-ra-ên là sợ hãi. Chúng ta có thể thấy được điều đó từ phần Kinh Thánh hôm nay. Khi họ thấy sấm sét và mưa bất ngờ xảy đến trong mùa gặt lúa mì, họ biết rằng chính Samuên đã cầu xin cho điều đó xảy đến. Họ biết rằng sấm sét và mưa đó xác nhận sứ điệp của ông là thật. Họ cũng biết rằng những điều đó đến từ Đức Giêhôva. Họ biết rằng sấm sét này có thể đồng nghĩa với sự chung cuộc của họ. Họ biết nó có thể đồng nghĩa với sự chết cho họ. Họ hiểu được sự trầm trọng của tội lỗi mình, rằng sự ngoan cố cứng lòng của họ đã dẫn đến sự hủy diệt mình. Kinh Thánh cho chúng ta biết "tiền công của tội lỗi là sự chết." Họ đang mở mắt mở tai mình ra thức tỉnh trước sự thật đó, trước sự nghiêm trọng của tội lỗi mình trước Đức Chúa Trời.

Cũng vậy, chúng ta hay có khuynh hướng cho rằng "Ồ! Đó là chuyện nhỏ thôi. Tội nhỏ nhặt thôi mà! Tôi không biết vì sao Đức Chúa Trời lại phiền lòng như thế với tội lỗi này!" Tuy nhiên Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời rất đặt nặng vấn đề tội lỗi. Khi nhận ra tội lỗi mình, chúng ta phải đến với Đấng Christ hầu được tha tội. Đoạn Kinh Thánh hôm nay nên thức tỉnh chúng ta về tội lỗi của chính mình và sự phán xét đang đến trên những ai cứ miệt mài trong tội lỗi. Vài tuần trước tôi có giảng bài giảng "Tội nhân trong bàn tay của Đức Chúa Trời thạnh nộ." Bài giảng nổi tiếng này của Jonathan Edwards nhắc nhở chúng ta rằng sự phán xét của Đức Chúa Trời vẫn hiện hữu cho những ai sống trong tội lỗi và bên ngoài Chúa. Chúng ta phải nhận ra điều đó, nhận ra rằng hậu quả của sự ngang nghịch là sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời, sự hình phạt đời đời và sự chết. Chúng ta thảy đều ứng hầu trước Đức Chúa Trời là Quan Án. Chúng ta phải nhận ra điều này, đến với Ngài xưng tội mình trước khi tiếng sấm của Ngày Phán Xét cuối cùng vang lên. Kìa hiện nay là ngày cứu rỗi!

Dân Y-sơ-ra-ên trong đoạn Kinh Thánh hôm nay làm điều duy nhất mà họ có thể làm được. Họ không trân tráo và bướng bỉnh ngước mắt lên trời mà chống nghịch với năng quyền của Đức Chúa Trời. Họ không giơ nắm đấm mà la lên rằng "Chúng tôi có thể chiến thắng Ngài! Chúng tôi không sợ Ngài." Nếu họ làm thế thì thật dại dột biết bao! Họ không thể thắng hơn năng quyền của Đức Chúa Trời. Họ đã chứng kiến người Philitin hòng chạy trốn trước sấm sét của Đức Giêhôva nhưng cũng phải chết bởi họ không thể chạy trốn khỏi năng quyền Ngài. Thế nên dân Y-sơ-ra-ên đã không thể chạy trốn. Tự họ không thể làm gì để sửa lại lỗi lầm đã phạm. Họ không thể xóa bỏ tội lỗi mình. Họ không thể tự mình làm gì để thông qua sai lầm của mình dường như có thể dâng gì cho Đức Chúa Trời để làm nguôi sự thạnh nộ Ngài. Lời cầu xin duy nhất của họ là kêu xin cùng người trung bảo, cùng người có thể đứng trước mặt họ và đại diện cho họ trước mặt Đức Chúa Trời kêu xin sự thương xót Ngài. Thế thì họ đến với Samuên: "Hãy vì những đầy tớ của ông mà cầu xin Giêhôva Đức Chúa Trời ông, hầu cho chúng tôi không chết; vì chúng tôi đã thêm lỗi xin một vua vào các tội khác của chúng tôi." Họ không thể làm gì ngoài việc đến với Samuên và nói "Samuên ơi! Xin giúp chúng tôi với! Xin hãy cầu thay cho chúng tôi. Xin hãy làm người trung bảo cho chúng tôi trước mặt Đức Chúa Trời." Họ xưng nhận sự gian ác mình trước Đức Chúa Trời và gieo mình vào sự nhân từ Ngài. Không có hy vọng nào khác, không còn con đường nào khác ngoài việc hướng về Samuên như là người trung bảo cho họ.

Cũng vậy, khi chúng ta nghĩ đến bản thân mình trong tình huống đó, khi chúng ta đối diện trước tội lỗi mình và ý thức rằng chúng ta thiếu hụt sự vinh hiển Đức Chúa Trời, đáng chịu sự thạnh nộ và phán xét của Ngài, chúng ta không thể chạy trốn khỏi sự thạnh nộ Ngài, chúng ta không thể làm gì để xóa đi những việc làm đã qua, chúng ta không thể thay đổi tình thế, chúng ta không tốt lành đủ để giờ đây làm hài lòng Đức Chúa Trời... Không có hy vọng nào cho chúng ta ngoại trừ kêu xin cùng Đấng Trung Bảo của chúng ta là Chúa Giêxu Christ.

Một lần nữa, chúng ta thấy Samuên là hình bóng của Đấng Christ. Ông là người xứng đáng để cầu thay. Nào có ai khác trong dân sự để họ có thể kêu cầu. Hết thảy mọi người trong bọn họ đều đồng phạm một tội lỗi đó. Họ đều đồng lòng ao ước một vua như thế. Hết thảy họ đều sa bại trước mắt Đức Chúa Trời. Họ đều phạm tội. Ai trong vòng dân sự xứng đáng làm cầu nối giữa Đức Chúa Trời và dân sự? Chỉ có Samuên! Samuên không dự phần vào tội lỗi dân sự. Ông đã cảnh cáo họ về tội lỗi đó. Ông đã cư xử đúng trong suốt diễn tiến câu chuyện này. Vì thế ông có đủ tư cách đứng trước mặt Đức Chúa Trời mà cầu thay cho họ hầu Đức Chúa Trời bày tỏ lòng thương xót Ngài trên họ.

Đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy Đấng Christ là sự làm trọn tối hậu của chức vụ này. Chúng ta chỉ có thể kêu cầu cùng Ngài và chỉ qua Ngài chúng ta có thể thoát khỏi sự chết chắc chắn xảy đến với sấm sét Ngài vào ngày cuối cùng. Chúng ta buông mình trong sự nhơn từ Đức Chúa Trời xưng tội mình rằng "Lạy Chúa, chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác này trước mặt Ngài. Chúng con đã thêm nhiều tội lỗi mình. Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con." Chúng ta kêu xin sự thương xót của Đấng Christ, xin Ngài làm Đấng Trung Bảo cho chúng ta. Chỉ Đấng Christ là Đấng Trung Bảo trội hơn. Nếu Samuên vẫn là một tội nhân, không thể đại diện cách hoàn hảo cho dân sự, không thể dâng chính mình làm của lễ cho dân sự thì Đấng Christ là của lễ. Ngài chết trên thập tự giá hầu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ nấy trên Ngài thay vì trên chúng ta. Đấng Christ làm cầu nối giữa chúng ta và Đức Chúa Trời hầu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời đổ trên Ngài và chúng ta có thể được thương xót. Ngài là Đấng mà trong Ngài chúng ta tìm thấy sự hy vọng và sự tự do khỏi sự đoán xét thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Chúa Giêxu là Đấng Đức Chúa Trời sai đến để cứu chuộc dân sự Ngài. Ngài hẳn làm được điều mà Samuên không thể. Samuên cầu thay cho dân sự Đức Chúa Trời. Chúa Giêxu là Đấng cầu thay cho chúng ta (Giăng 17, Rôma 8, Hêbơrơ 7). Ngài là Đấng kêu xin thay cho chúng ta là dân sự Ngài. Ngài là Đấng cứu chúng ta. Công vụ 4:12 chép: "Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu."

Đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta thấy dân Y-sơ-ra-ên buộc phải đối diện với sự gian ác và hiểm họa chịu sự đoán xét thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Họ ăn năn trong tâm linh và xoay hướng khỏi tội lỗi mình. Họ kêu xin cùng người trung bảo của họ. Giờ đây Samuên nói cùng dân sự và bảo đảm với họ về sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Ông nói trong câu 20 rằng: "Chớ sợ chi". Ông bảo họ chớ sợ sự thạnh nộ Đức Chúa Trời, chớ sợ hãi vì sấm sét. Họ có một Đức Chúa Trời nhân từ. Họ đã làm sự gian ác này, đã làm buồn lòng Đức Chúa Trời nhưng Ngài sẽ không bỏ họ đâu. Câu 22 chép "Đức Giêhôva vì cớ danh lớn mình, sẽ chẳng từ bỏ dân sự Ngài: chỉnh thật, Đức Giêhôva đã định các ngươi làm dân sự của Ngài." Ngài sẽ chẳng bỏ các ngươi đâu, dân Y-sơ-ra-ên à! Ngài có một chương trình và các ngươi nằm trong chương trình đó. Các ngươi là tuyển dân của Ngài. Ngài sẽ chẳng bỏ các ngươi đâu vì danh Ngài.

Tương tự, khi chúng ta nghĩ đến Đức Chúa Trời và mối tương quan của Ngài với chúng ta, Ngài cũng nói điều đó với chúng ta là dân Y-sơ-ra-ên mới, tức những người thật sự được Ngài lựa chọn. Dù chúng ta sa ngã, phạm tội, làm thế hết ngày này sang ngày khác, tuần này sang tuần khác và chúng ta phải kêu la cùng Chúa xin Ngài thương xót hết lần này đến lần khác, Đức Chúa Trời sẽ không bỏ chúng ta. Ngài sẽ không bỏ mặc chúng ta vì danh lớn Ngài. Ngài vui lòng khiến chúng ta làm dân sự Ngài, thuộc trong gia đình Ngài. Nếu chúng ta được Ngài lựa chọn, chúng ta có thể bảo đảm rằng chúng ta sẽ không phải hư mất mà sẽ được sống trong xứ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Đức Chúa Trời đã chọn lựa dân Y-sơ-ra-ên làm dân sự Ngài và Ngài bảo đảm rằng sẽ không bỏ họ. Chúng ta cũng được ban cho sự bảo đảm đó. Chúng ta phạm tội, Chúa tha thứ cho chúng ta. Chúng ta xưng tội, ăn năn trước mặt Ngài, Ngài là nhơn từ, giàu lòng thương xót, chậm giận, đầy ơn và Ngài lại tha thứ cho chúng ta.

Trong ánh sáng của điều này, Samuên bảo dân sự xoay hướng khỏi sự gian ác mình và hầu việc Đức Chúa Trời. Họ phải dâng đời sống mình phục sự Đức Chúa Trời. Họ phải "lấy hết lòng trung tín phục sự Ngài." Đây không phải là cách họ có thể sửa lại sai lầm của mình mà là sự đáp ứng phải lẽ đối với những gì Đức Chúa Trời đã ban cho họ. Câu 24 chép: "Chỉ hãy kính sợ Đức Giêhôva, lấy hết lòng trung tín phục sự Ngài; vì khá xem những việc lớn lao mà Ngài làm cho các ngươi là dường nào!" Đức Chúa Trời đã làm những sự lớn lao này cho họ. Ngài vẫn là Vua cai trị trên họ. Hãy hầu việc Ngài vì những điều Ngài đã làm cho họ. Họ đang đáp lại ân điển Đức Chúa Trời đối cùng họ nên dâng đời sống mình cho Ngài. Samuên bảo dân Y-sơ-ra-ên đừng đầu hàng trước những ham muốn đời này xung quanh họ, đừng xây khỏi Đức Chúa Trời. Câu 21 nói: "Chớ lìa bỏ Ngài đặng đi theo những hình tượng hư không, chẳng có ích chi, cũng không biết cứu; vì hình tượng chỉ là hư không mà thôi." Câu này phản ánh điều được nhắc đến trong 1Phierơ đoạn 1 về cách sống trống rỗng và những điều vô nghĩa ràng buộc chúng ta trong đời sống này. Dường như Đức Chúa Trời đang nói rằng: "Các ngươi đừng bị dẫn dụ theo những điều đó. Đừng hướng mắt về những điều đó mà bị cám dỗ nhưng hãy hướng về Ta. Đừng đi theo những thần tượng của đời này. Đừng hướng mắt và sự trông cậy ngươi về vua chúa thế gian này nhưng hãy chuyên tâm mà hầu việc Ta."

Rõ ràng rằng đây cũng là thái độ mà chúng ta cần đáp ứng với Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải có lòng ăn năn về tội lỗi mình. Ăn năn bao gồm xoay hướng khỏi tội lỗi và chúng ta cũng phải trung tín trong sự hầu việc Đức Chúa Trời. Anh chị em thân mến, chúng ta có được sự giải bày về sự tốt lành của Đức Chúa Trời lớn hơn nhiều điều dân Y-sơ-ra-ên có được vào thời đó. Chúng ta đã nhìn thấy ân điển của Đấng Christ. Chúng ta đã nhìn thấy thể nào Ngài chết trên thập tự giá để đền trả cho tội lỗi chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy Cứu Chúa yêu dấu của chúng ta trong Kinh Thánh. Chúng ta đã nhìn thấy bề sâu của tình yêu Đức Chúa Trời và ân điển Ngài. Vì thế, chúng ta được kêu gọi hầu việc Đức Chúa Trời và hầu việc Ngài cách trung tín. Đoạn Kinh Thánh cảnh tỉnh chúng ta trong câu cuối cùng rằng: Nếu chúng ta cứ làm ác, cứ hầu việc thế gian này và đời sống chúng ta cứ bị ràng buộc trong những ham muốn thế gian mà không ăn năn, thì chúng ta và vua chúng ta chắc sẽ bị diệt vong. Chúng ta không thể đứng nỗi trước tiếng sấm sét của Đức Chúa Trời tối cao. Chúng ta không thể thoát khỏi sự đoán xét Ngài. Chúng ta phải tin Chúa Giêxu Christ và hầu việc Ngài như là Vua và Chúa của chúng ta.

Kinh Thánh ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta về tính trầm trọng của tội lỗi. Tội lỗi phải bị Đức Chúa Trời hình phạt. Ngài đặt nặng vấn đề tội lỗi. Nó nhắc nhở chúng ta về hậu quả của những tội lỗi mà chúng ta không chịu ăn năn. Nếu chúng ta cứ cứng lòng không chịu ăn năn thì chúng ta sẽ ở dưới sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Đoạn Kinh Thánh hôm nay dạy chúng ta rằng chúng ta phải kêu xin cùng Đấng Trung Bảo. Nó hướng chúng ta đến Đấng Christ. Không có sự hy vọng nào khác trên đời này ngoại trừ bước theo Đấng Christ. Nó kêu gọi chúng ta hầu việc Đức Chúa Trời và vâng phục Ngài. Tôi cầu xin cho tất cả chúng ta hôm nay đều ăn năn chân thành, xin cho chúng ta thoát khỏi sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời, xin cho lòng chúng ta kêu xin cùng Đấng Trung Bảo lớn của chúng ta xin Ngài giải cứu, xin cho chúng ta, là dân sự Đức Chúa Trời, giờ đây có thể sống cho Ngài. Amen.

Lạy Cha quyền năng thiên thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài về đoạn Kinh Thánh hôm nay. Nó cảnh tỉnh chúng con về sự phán xét của Đức Chúa Trời nghịch cùng kẻ ác. Với những ai đã bị đối diện về tội lỗi mình mà chưa ăn năn, lạy Chúa, xin cho không ai trong chúng con ở trong tình trạng đó. Xin cho chúng con xoay hướng khỏi sự gian ác mình, ăn năn chân thật, quỳ xuống trước mặt Ngài với lòng kính sợ, tôn trọng rằng Ngài sẽ phán xét trời và đất. Xin cho đoạn Kinh Thánh hôm nay hướng chúng con đến Đấng Christ bởi không còn con đường nào khác, không có Đấng Trung Bảo nào khác có thể đứng trước mặt Ngài và cứu chuộc một dân sự cho mình.

Chúng con cảm ơn Ngài vì lời hứa trong Kinh Thánh rằng Ngài sẽ không bao giờ bỏ chúng con vì danh Ngài. Xin cho chúng con yên nghỉ trong hy vọng đó. Xin Thánh Linh Ngài hướng dẫn chúng con sống và hầu việc Ngài trung tín. Xin cho chúng con chớ xây qua bên hữu hay bên tả hướng về những gì của đời này và những ham muốn của xác thịt. Xin cho chúng con chỉ chuyên chú mà đi theo Vua yêu dấu của chúng con là Chúa Giêxu Christ. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)