Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Chiến Thắng Của Giônathan - 6/2005  


CHIẾN THẮNG CỦA GIÔNATHAN
(1Samuên 14:1-23)

Tháng Sáu 2005

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Trong bài học lần trước của đoạn 13 chúng ta đã cùng nghiên cứu bối cảnh diễn ra sự kiện của đoạn 14 này. Kỳ trước chúng ta đã thấy dân Ysơraên đang gặp rắc rối lớn: họ đang đối diện quân đội Philitin với quân số đông hơn họ rất nhiều về mọi mặt. Saulơ đang rơi vào cảnh cực kỳ khốn khó. Quân Philitin thì gần kề còn Saulơ thì chỉ có một đội quân số ít thậm chí còn không được trang bị vũ khí chống trả. Kẻ thù họ là quân Philitin có ba mươi ngàn cỗ xe, sáu ngàn lính kỵ và quân lính đông như cát bờ biển. Lực lượng kẻ thù mà họ phải đối diện thật là to lớn. Saulơ có một đội quân với ba ngàn quân thường trực nhưng khi nhìn thấy quân đội hùng hậu của kẻ thù xông vào mình thì quân của Saulơ dần dần tan biến đi. Một số người bỏ trốn sang bên kia sông Giôđanh hầu tránh khỏi thất bại đã cầm chắc trong tay. Họ dường như đã đến ngày chung cuộc. Có vẻ như Saulơ và những người theo ông chắc không thể toàn mạng. Giữa hoàn cảnh đó, chúng ta thấy Saulơ ở yên chờ đợi Samuên và vị trí lãnh đạo của ông trên dân sự đang gặp khủng hoảng trầm trọng. Samuên phải đến với Saulơ sau bảy ngày. Saulơ chờ Samuên đến dâng tế lễ trên bàn thờ cho Đức Chúa Trời. Tuy nhiên Samuên không đến. Cuối bảy ngày, Saulơ lo lắng lắm. Số quân còn lại của ông sẽ ra thế nào đây? Liệu họ có làm như những người kia chuồn đi trong bóng đêm và bỏ ông lại một mình không? Thế nên ông phải quyết định trong thời điểm cao trào này. Ông sẽ làm gì đây? Ông sẽ chờ đợi Samuên hay sẽ tự mình ra tay dâng của tế lễ cho Đức Chúa Trời? Chúng ta đã biết điều gì xảy ra. Đức tin Saulơ dao động và thay vì vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời và chờ đợi Samuên, ông đã tự dâng của lễ cho Đức Chúa Trời. Hành động bất tuân này ngay lập tức bị Samuên quở trách khi Samuên đến ngay sau khi của tế lễ đã được dâng lên. Và điều này đánh dấu điểm khởi đầu của đoạn kết trong sự cai trị của Saulơ. Samuên nói rõ cho Saulơ rằng thế là hết, rằng ông đã xem thường ý muốn Đức Chúa Trời và vì thế vương quốc của ông sẽ không tiếp tục. Đức Chúa Trời sẽ giao nước lại cho người theo lòng Ngài.

Đọc đoạn 13, chúng ta thấy rõ rằng Saulơ là một vua kém cỏi và phạm tội. Tội lỗi ông được làm nổi rõ trong đoạn 13 nhưng tội lỗi ông còn hiển hiện hơn khi chúng ta đọc đoạn 13 và đem so với diễn biến của đoạn 14 bởi có một sự trái ngược rất rõ giữa Saulơ và con trai ông là Giônathan. Tôi tin rằng đó là lý do tại sao phần Kinh Thánh này để nhiều thời gian mô tả một cảnh chiến trận suốt từ đoạn 13 đến đoạn 15. Mục đích là nêu ra một sự tương phản rõ rệt giữa Giônathan và Saulơ. Đôi khi sự tương phản giúp chúng ta thấy rõ sự khác nhau giữa những người công bình và kẻ ác trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy điều này thật rõ ràng nơi Giônathan. Giônathan rõ ràng là trái ngược với cha mình và ông vẫn cứ như thế cho dù đối diện với cái chết. Giônathan và Saulơ trái ngược lẫn nhau. Giônathan nổi bật trong đoạn 14 như là một người với đức tin phi thường, lòng cam đảm anh dũng hiếm có. Đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời là nguồn sự cam đảm của ông. Vì thế, ông so ra là giống với Đavít hơn là với cha mình là Saulơ.

Đọc đoạn 14, chúng ta thấy Giônathan đã có ý định thám thính đồn Philitin. Ông nói kế hoạch đó cho người vác binh khí mình nhưng giữ kín với cha mình. Ông sẽ một mình thực hiện kế hoạch đó. Có lẽ nếu ông đã nói cho cha mình hay thì chắc cha ông đã cấm không cho ông đi. Xuyên suốt đoạn Kinh Thánh này chúng ta nhìn thấy nổi bật lòng can đảm của Giônathan. Chúng ta cũng sẽ thấy lòng can đảm của Giônathan trái ngược hẳn với Saulơ. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy sự tương phản ở từng điểm một, nó đưa chúng ta đến với Giônathan rồi đến Saulơ rồi Giônathan rồi đến Saulơ. Chúng ta phải đối chiếu giữa hai người suốt đoạn Kinh Thánh này. Chúng ta nhìn thấy thoáng qua về Saulơ và tính cách của hai người này: một người là anh hùng và một người ngược lại. Sau câu 1, chúng ta thấy Giônathan với kế hoạch đi qua đồn Philitin và chúng ta trông đợi câu chuyện tiếp diễn xem diễn tiến thế nào nhưng chúng ta được đưa đến với Saulơ ngay lập tức. Trong câu 2, không giống như Giônathan trong câu 1 sẵn sàng đối diện với kẻ thù, Saulơ đang ở dưới cây lựu và chung quanh ông là sáu trăm quân lính. Ông đang ngồi! Tôi tin rằng tại đây không phải là ngẫu nhiên mà Kinh Thánh đề cập rằng ông đang ngồi. Chúng ta kinh ngạc trước trạng thái thụ động của ông, trước sự việc rằng ông đang ẩn náu dưới bóng một cây lựu trong khi con trai ông là Giônathan đang xông ra chiến đấu với người Philitin. Chẳng giống như Giônathan, Saulơ đang ẩn náu.

Ông đang ở dưới cây lựu với một nhân vật được nhấn mạnh trong phần Kinh Thánh của chúng ta: Ông đang ở đó với Ahigia. Nếu Ahigia không phải là một nhân vật quan trọng thì tên của ông có lẽ đã được nêu lên rồi Kinh Thánh cứ kể tiếp. Tuy nhiên tại đây đoạn Kinh Thánh nhấn mạnh ở Ahigia. Nó rẽ ngang để xác định nhân vật Ahigia này. Thế nên chúng ta không thể nhầm lẫn về tầm quan trọng của sự hiện diện của Ahigia này. Chúng ta đọc thấy rằng Ahigia là cháu trai của Ycabốt. Chúng ta còn nhớ Ycabốt trong 1Samuên đoạn 4 với ý nghĩa là "Sự vinh hiển đã lìa khỏi". Ycabốt là con trai của Phinêa, con Hêli. Saulơ đã làm gì? Ông đã liên kết với nhà Hêli. Ông đã liên kết với thầy tế lễ của nhà Hêli. Saulơ bị Samuên bỏ đã tuyển mộ một thầy tế lễ từ nhà Hêli. Sự ghép chung hai nhân vật này trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta được thực hiện nhằm kể chung tình trạng của họ trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Cả hai người này đều ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Cũng như nhà Hêli đã bị rủa sả, ngôi vua của Saulơ cũng bị rủa sả. Cũng như sự vinh hiển đã lìa khỏi dưới chức vụ của nhà Hêli, ngôi nước của Saulơ đã đến kỳ chung cuộc bởi Đức Chúa Trời đã lìa bỏ ông. Chúng ta thấy hai nhân vật này được sắp đặt cạnh nhau một cách có chủ ý trong đoạn Kinh Thánh này và nó nói lên một điều gì đó về mối liên hệ của họ với Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng thấy Ahigia đến mặc áo ê-phót. Ê-phót rất ích lợi theo Xuất Êdíptô ký 28 từ câu 4 đến 30 bởi nó mang u-rim và thu-mim là vật được dùng để cầu hỏi ý muốn Đức Chúa Trời. Thế thì tại đây Ahigia đến mang theo u-rim và thu-mim để Saulơ có thể cầu hỏi ý muốn Đức Chúa Trời. Điều này xảy ra là vì Samuên đã lui vào hậu trường. Saulơ vẫn ao ước bằng cách nào đó được Đức Chúa Trời hướng dẫn và Ahigia đến trại quân hầu thay chỗ Samuên là người đã lìa bỏ Saulơ vì tội lỗi của ông. Thế nên chúng ta thấy Saulơ và Ahigia được sắp đặt kế nhau trong đoạn Kinh Thánh này và Saulơ muốn dùng Ahigia thay thế cho Samuên.

Cuối câu 3 nhắc lại rằng Giônathan đã ra đi. Cho nên chúng ta thấy từ câu 1 đến câu 3 sự thụ động của Saulơ và sự liên kết của ông với Ahigia được đóng ngoặc ra giữa một đoạn tường thuật về hành động can đảm của Giônathan. Giônathan đi đến đồn Philitin. Ông là người tích cực trong đoạn Kinh Thánh này. Tại đây chúng ta thấy lòng can đảm của Giônathan được nhấn mạnh một lần nữa. Địa thế được đề cập đến. Bình thường địa thế ít được nhấn mạnh nhưng tại đây nó được đề cập một cách cụ thể rằng Giônathan phải đi giữa hai răng đá mọc thẳng lên giữa đất bằng. Nó được đề cập để nhấn mạnh sự gian khó mà Giônathan phải trải qua hầu đến được đồn Philitin. Đoạn Kinh Thánh còn đi xa hơn và nêu tên hai răng đá này: Bốt-sết và Sê-nê. Bốt-sết có nghĩa là "chói sáng". Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết một răng đá hướng về hướng Bắc và răng đá kia hướng về hướng Nam. Có lẽ răng đá mang tên Bốt-sết hướng về phía Nam bởi mặt trời sẽ chiếu xuống răng đá khiến nó chiếu sáng. Mặt khác, hòn đá Sênê có lẽ hướng về phía Bắc. Mặt trời hướng về phía kia nên nó rơi vào bóng mát. Sênê có nghĩa là gai góc. Răng đá này phủ đầy gai góc. Từ góc nhìn quân sự, chúng ta thấy rất khó đi ra với địa hình có hai răng đá này. Một răng đá thì chiếu sáng và ở trọn trong tầm nhìn của kẻ thù. Mặt trời chiếu thẳng vào đó, nó chiếu sáng và không ai có thể đi lên mà không bị nhìn thấy. Răng đá bên kia thì đầy chông gai rất khó leo lên mà không bị trầy sướt. Bất chấp những trở lực này, Giônathan đứng vững trong ý định do thám đồn Philitin.

Giônathan thể hiện đức tin nơi Đức Chúa Trời. Ông vững tin nơi sự giải cứu mình. Ông bày tỏ điều đó trong lời nói với người vác binh khí mình. Lòng can đảm của ông liên hệ với lòng tin cậy của ông nơi giao ước của Đức Chúa Trời đối cùng dân Ysơraên. Trong câu 6, "Giônathan nói với kẻ vác binh khí mình rằng: Hè, chúng ta hãy hãm đồn của những kẻ chẳng chịu cắt bì kia". Tại sao ông dùng những từ ngữ đó? "Cắt bì" là ngôn ngữ đề cập đến giao ước. Phép cắt bì tỏ ra rằng dân Ysơraên ở trong giao ước với Đức Chúa Trời mang lấy dấu hiệu của giao ước đó. Chắc hẳn Giônathan và người vác binh khí mình là người chịu cắt bì. Họ thuộc về dân sự trong giao ước của Đức Chúa Trời. Nhưng khi nhìn về những người Philitin ông nhận ra rằng họ không chịu cắt bì. Họ không thuộc trong giao ước của Đức Chúa Trời. Họ không cùng chia sẻ phước hạnh có được sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Họ không có liên hệ với Đức Chúa Trời. Họ không có những quyền lợi trong giao ước với Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời và đất như dân Ysơraên. Giônathan tin tưởng vào điều đó. Ông tin chắc rằng là dân sự chịu cắt bì, họ thuộc về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Trời sẽ chiến cự cho họ.

Tuy nhiên chúng ta cũng nhìn thấy trong đoạn Kinh Thánh này rằng Giônathan không lạm dụng mối tương giao với Đức Chúa Trời. Ông nói: "Hoặc giả Đức Giêhôva sẽ hành sự vì chúng ta chăng". Ông tìm kiếm dấu hiệu từ Đức Chúa Trời để xem ý muốn Ngài cho ông tiến tới hay dừng lại. Trong việc đó và trong những sự việc khác nữa, chúng ta thấy ông giống như Ghiđêôn. Ghiđêôn cũng làm như thế khi tiến bước ra trận: ông cầu xin dấu hiệu từ Đức Chúa Trời. Tuy nhiên ông không nghi ngờ gì rằng Đức Chúa Trời có thể giải cứu cho dù với một quân đội ít ỏi. Giônathan nói: "Vì Đức Giêhôva khiến cho số ít người được thắng cũng như số đông người vậy". Chúng ta thấy ông trái ngược với cha mình. Lòng tin cậy của ông nơi Đức Chúa Trời sáng ngời hơn lòng tin của cha mình nơi Đức Chúa Trời rất nhiều. Saulơ mất lòng tin nơi Đức Chúa Trời khi chỉ còn có sáu trăm quân. Vì chỉ còn vỏn vẹn sáu trăm quân, ông phải tự ra tay. Thế nhưng tại đây Giônathan tiến tới đồn Philitin với chỉ hai người, hai người địch cùng một quân đội đông đảo của người Philitin. Thế mà ông bước tới không hề sợ hãi. Những con số không nghĩa lý gì với ông vì ông biết chắc và yên nghỉ trong sự thông biết rằng Đức Chúa Trời ở cùng mình. Đây là đức tin mà Saulơ không có được. Trong sự sợ hãi, ông trông cậy vào phương cách của mình và tự mình ra tay. Ông tìm cách cứu mình khỏi bị hủy diệt. Giônathan giống như Ghiđêôn nghịch cùng người Mêđian trong sách Các Quan Xét từ đoạn 6 đến 9, không nao sờn bởi số đông đối địch cùng mình. Các Quan Xét đoạn 6 cũng cho chúng ta thấy người Mêđian cũng đông vô số không đếm xuể nhưng Ghiđêôn chiến đấu cùng họ với số quân là ba trăm người và người Mêđian chạy trốn trước mặt họ, vừa chạy vừa chém giết lẫn nhau. Chúng ta đọc thấy một câu chuyện rất giống như vậy trong 1Samuên 14 bởi tại đây cuối cùng người Philitin cũng trở qua giết lẫn nhau. Tại sao Ghiđêôn và Giônathan có thể bước tới? Họ bước tới vì tin rằng Đức Chúa Trời ở cùng họ bởi tin chắc nơi giao ước của Đức Chúa Trời đối cùng họ.

Người vác binh khí của Giônathan cũng đi với ông mà không hề sợ hãi. Chúng ta để ý thể nào ông đi theo Giônathan. Câu 7 chép: "Kẻ vác binh khí của người thưa rằng: hãy làm điều ông ước, và đi nơi nào ông muốn; lòng ông dẫn ông đi đâu, tôi sẽ theo đó." Người vác binh khí đang đi theo điều gì? Người nầy đang bước theo tấm lòng của Giônathan. Tấm lòng Giônathan đặt nền tảng trên Đức Chúa Trời mình. Một lần nữa, Giônathan trái ngược với cha mình. Giônathan là một người theo lòng Đức Chúa Trời là người mà tấm lòng đã được Đức Chúa Trời biến cải. Ông đặt lòng tin nơi Vị Vua thiên thượng của Ysơraên chớ không phải nơi chính bản thân mình . Người vác binh khí đi theo Giônathan vì một lý do duy nhất là lòng Giônathan đặt nơi Đức Chúa Trời. Ông nầy không tin cậy nơi vua chúa mà tin cậy nơi Đức Chúa Trời của Giônathan. Ông tin cậy tấm lòng của Giônathan vì tấm lòng ấy đặt nơi Đức Chúa Trời.

Giônathan và người vác binh khí mình lộ diện trước người Philitin. Người Philitin nhìn xuống đồi và nhìn thấy hai người Hêbơrơ dưới chân đồi. Những người Philitin nhìn xuống hai người Hêbơrơ này mà cười nhạo: "Chắc hẳn hai người Hêbơrơ này đã trốn tránh trong những hang đá sợ hãi chúng ta lắm! Nào, hãy lên đây" Họ chế nhạo những người Hêbơrơ này bởi chẳng xứng đối chọi cùng họ. Số hai không phải là quá nhiều để họ xử lý. Thế thì hãy cho họ đi lên! Người Philitin không hề sợ hãi Giônathan và người vác binh khí của ông. Lúc ấy họ chẳng nhận ra rằng năng quyền của Đức Chúa Trời đang ở đàng sau hai người, rằng không phải họ đang đối diện với hai người tầm thường mà đối diện với hai người trong giao ước với Đức Chúa Trời. Giônathan và tôi tớ mình leo lên đồi. Chúng ta hãy để ý cách họ leo lên: họ không chỉ đi bộ lên đồi mà leo lên bằng tay và đầu gối. Một lần nữa chúng ta nhìn thấy trở lực mà họ phải vượt qua khi thực hiện trách nhiệm này. Ngay khi họ xoay sở lên được đến đỉnh đồi, họ đã phải chiến đấu. Chúng ta có thể tưởng tượng leo lên đỉnh những răng đá này phải đuối sức đến thế nào và rồi phải chiến đấu với hai mươi người, thế nhưng Giônathan và người vác binh khí ông đã đánh bại được những người này. Hai người đối chọi với hai mươi!

Những người Philitin nhìn thấy điều đó và bắt đầu run sợ trong trại mình. Câu 15 chép: "Sự hãi hùng tràn ra trong trại quân, trong đồng và trong cả dân Philitin... đất bị rúng động." Nói cách khác, lúc đó có một trận động đất xảy ra. Chúng ta cảm nhận rằng dân Philitin run sợ và đất cũng rúng động, chẳng phải rúng động trước Giônathan và người vác binh khí mình. Họ run sợ bởi biết rằng Đức Chúa Trời ở cùng Giônathan. Họ kinh khiếp, thấy rằng quyền năng Đức Chúa Trời ở cùng những người này và mọi người chung quanh họ đều nhụt chí. Chúng ta hãy xem điều xảy ra cho quân đội Philitin. Một sự đảo ngược xảy ra. Bởi trước đó chúng ta thấy quân đội của Saulơ rút vào rừng rậm, dưới gành đá trong hầm hố để trốn tránh quân đội Philitin. Giờ đây đến lượt quân Philitin bỏ chạy. Họ kinh khiếp khi đứng trước Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Họ bỏ chạy vào đồng vắng trốn khỏi Đức Chúa Trời. Điều trước đây xảy ra cho quân đội Saulơ giờ đây xảy ra cho quân đội Philitin và họ tan rã. Họ bắt đầu xây lại chém giết lẫn nhau.

Giờ đây Saulơ và quân tiền đồn của ông bắt đầu nhận ra quân Philitin đang hỗn loạn, chùn bước và họ tự hỏi: Điều gì xảy ra? Làm thế nào giờ đây người Philitin đang phá đổ trại mình mà không ra chiến đấu cùng chúng ta? Saulơ suy đoán rằng chắc hẳn ai đó đã rời khỏi hàng quân của ông. Chúng ta thấy rằng trên nhiều phương diện Saulơ vẫn còn thụ động. Thay vì nắm lấy thời cơ quân Philitin đang bỏ trốn, ông lại đi điểm quân. Ai mất tích trong số sáu trăm người? Dường như đó là điều quan hệ nhất trong hoàn cảnh này vậy! Ông cho gọi thầy tế lễ Ahigia và bảo thầy tế lễ mang hòm giao ước đến gần. Có lẽ đây là một sự nhắc lại xa gần về sự kiện trong đoạn 4 khi hòm giao ước của Đức Chúa Trời đi trước dân sự và họ bị đánh bại. Tuy nhiên tại đây tôi tin rằng hòm giao ước được đem vào trại quân hầu Saulơ có thể lấy êphót mà cầu hỏi ý muốn Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng hơn khi Saulơ nói chuyện với thầy tế lễ và cuối cùng nói rằng: "Hãy rút tay ngươi lại." Tại sao ông nói thế? Ông nói thế căn bản là vì Đức Chúa Trời không đáp lời dù ông đã tìm kiếm êphót để cầu hỏi ý muốn Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không chỉ dẫn cho ông. Khi suy nghĩ về vấn đề này chúng ta thấy có lý do của nó. Ahigia có liên hệ với Hêli và tình hình trong thời Hêli ra sao? "Lời Đức Giêhôva lấy làm hiếm hoi". Lời Ngài sẽ chẳng đến với Ahigia. Ahigia là một thầy tế lễ giả trong đền thờ. Lời Đức Chúa Trời đến qua Samuên và đó là người mà Saulơ phải hướng về chớ không phải là Ahigia. Đức Chúa Trời không dẫn dắt ông qua thầy tế lễ. Thế nên cuối cùng Saulơ nói rằng "Đủ rồi!" Chúng ta có thể thấy điều đó sau này trong câu 37 khi Saulơ cầu hỏi Đức Chúa Trời rằng ông có nên xuống đuổi theo người Philitin không và Đức Chúa Trời không đáp lời ông qua Ahigia. Lời Đức Chúa Trời hiếm hoi khi liên quan đến cả Saulơ và Ahigia cùng với nhà Hêli. Samuên là người nhận lãnh lời Đức Chúa Trời. Cho đến lúc này Saulơ vẫn ở trong tình trạng thụ động và thiếu sót trong vai trò lãnh đạo. Cuối cùng Saulơ cũng chán ngán thầy tế lễ bởi Đức Chúa Trời chẳng phán và quyết định tiến quân bất chấp tình huống đó.

Dân Ysơraên thấy người Philitin chạy trốn và những người trước đây chiến đấu trong hàng ngũ Philitin giờ đây chuyển hướng bởi như thế tiện hơn cho họ: đứng về phía mạnh thì bảo đảm hơn là phía yếu. Những người Hêbơrơ trong số đó giờ đây trở cờ và đi theo Saulơ. Nói cách khác, họ là những người bạn phù thịnh khi vui thì vỗ tay vào. Chúng ta cũng thấy những người đã lẻn vào trốn trong bụi bờ, gành đá, hang đá giờ đây ra tay chiến đấu. Quân Philitin bị đánh bại. Họ bị đánh bại bởi năng quyền của Đức Chúa Trời như chúng ta thấy hết sức rõ ràng.

Khi xem đoạn Kinh Thánh này chúng ta cần đặt câu hỏi: Đoạn Kinh Thánh này nói gì với chúng ta? Sự anh dũng của Giônathan đang làm nổi bật sự thất bại của Saulơ. Saulơ lẽ ra nên tin cậy Đức Chúa Trời nhưng ông đã không làm điều đó. Trong hoàn cảnh nguy cấp ông đã đặt lòng tin cậy nơi chính mình hơn là vâng lời Đức Chúa Trời. Saulơ lo sợ và tự mình ra tay giải cứu mình. Ông đặt lòng tin cậy vào hình thức lễ nghi nhưng tấm lòng ông không đặt nơi Đức Chúa Trời. Không phải hình thức nghi lễ tự nó là vô nghĩa nhưng những nghi thức mà Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta thực hiện phải được làm với tấm lòng phục sự Đức Chúa Trời. Chúng ta không thật sự nhìn thấy điều đó nơi Saulơ. Tuy nhiên chúng ta nhìn thấy điều đó nơi Giônathan. Giônathan không chỉ có sự xưng nhận đức tin bên ngoài mà ông thật sự tin tưởng điều ông xưng nhận. Ông tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu ông. Giônathan là một lãnh đạo tin kính. Ông là người có tấm lòng theo Đức Chúa Trời, tin cậy Ngài. Chúng ta có thể thấy trong khía cạnh nào đó Giônathan là hình bóng của Đấng Christ. Ông là người sẵn sàng hy sinh sự sống mình cho dân mình và tin cậy sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy nơi Giônathan là hình ảnh của vị vua mà dân Ysơraên cần có. Vị vua mới của Ysơraên, vị vua mà Samuên giờ đây tìm kiếm, phải giống như Giônathan mà không phải như vua Saulơ. Vua đó phải là một vua trung tín, tin cậy Đức Chúa Trời. Tuy nhiên Giônathan không phải là vị vua tương lai đó mà đó là người bạn thân nhất của ông là Đavít, người có tấm lòng rất giống với tấm lòng ông.

Từ dòng dõi Đavít sẽ ra Vị Vua Vĩ đại là Đấng Christ, là Đấng một mình Ngài làm trọn sự đắc thắng trên sự chết. Chúng ta đi theo tấm lòng Đấng Christ như người vác binh khí đi theo Giônathan và tin tưởng rằng chúng ta sẽ được giải cứu khỏi kẻ thù là chính sự chết. Chúng ta tin cậy nơi Ngài. Tất cả những ai chống nghịch Ngài sẽ không ra gì trước Ngài. Chúng ta thấy chúng ta không đặt lòng tin cậy nơi chính mình. Chúng ta không tự mình ra tay giải cứu mình. Chúng ta không dâng của hy sinh của chính mình cho Đức Chúa Trời và bởi đó mà bất tuân mạng lịnh Ngài. Chúng ta hướng về Đấng Christ là Đấng Giải Cứu chúng ta. Chúng ta tin cậy Ngài ban cho chúng ta sự đắc thắng. Dù chúng ta có thể yếu ớt và số ít, dù kẻ thù chúng ta có thể mạnh, Đức Chúa Trời là mạnh hơn. Khi đối diện sự thử thách và vấn nạn của thế gian này, xin chúng ta đừng bao giờ lay chuyển khỏi sự nhận biết rằng Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Chúng ta có thể đứng nổi và đối diện với kẻ thù trên đời này bởi Đức Chúa Trời ở gần chúng ta. Amen.

Lạy Cha toàn năng thiên thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì lời hứa về sự chăm nom toàn quyền của Ngài trên dân sự của giao ước Ngài. Chúng con cảm tạ Ngài vì Ngài ở cùng chúng con, Ngài không bao giờ bỏ chúng con dù kẻ thù chúng con có đông hay ít, Ngài luôn ở cạnh chúng con trợ giúp chúng con trong cuộc tranh chiến. Xin cho chúng con hướng về Ngài trong vấn nạn. Xin cho lòng chúng con giống như Giônathan đặt lòng tin cậy nơi Ngài hầu chúng con có thể tiến tới cách can đảm công bố lời Ngài và không sợ hãi kẻ thù của Tin Lành. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)