CHÚA PHÁN SỰ TRẢ THÙ THUỘC VỀ TA
(1 Samuên 25)
Tháng Ba 2006
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Khi đọc 1Samuên 25, chúng ta thấy câu chuyện của Đavít và Abigain thật là tuyệt. Nó tuyệt vời không chỉ vì sứ điệp của câu chuyện, thể nào cuối cùng Đavít kết hôn cùng Abigain, mà còn vì cấu trúc câu chuyện. Đây là một câu chuyện đầy nghệ thuật đặc biệt nếu chúng ta đọc trong nguyên ngữ của nó. Đoạn này được viết rất hay. Toàn bộ được viết theo thể bắt chéo. Bên trong thể bắt chéo lớn của toàn đoạn còn có những đoạn bắt chéo nhỏ. Đây là một nghệ thuật viết văn trong tiếng Hêbơrơ mà chúng ta đã từng nói đến trước đây. Chúng ta có thể nhìn thấy vẻ đẹp của đoạn Kinh Thánh này khi đọc qua nó. Hôm nay vì lý do thời gian, tôi sẽ không triển khai hết toàn bộ vấn đề này, tuy nhiên tôi muốn chúng ta hiểu được nét đẹp của Thánh Kinh thể hiện không những qua sứ điệp mà còn qua nghệ thuật của nó, và nghệ thuật của đoạn văn thường chuyển tải rất hay sứ điệp của đoạn văn đó.
Câu chuyện giữa Đavít và Nabanh này rơi vào giữa hai câu chuyện khác. Trở về với bài học lần trước, chúng ta nhớ câu chuyện Đavít tha mạng Saulơ dù ông có cơ hội giết Saulơ đi. Trong bài học tới, Chúa cho phép, chúng ta sẽ học trong 1Samuên 26, với câu chuyện hết sức tương tự, khi Đavít lại có cơ hội giết Saulơ nhưng đã nhân từ dừng tay mình lại không ra tay diệt người được Đức Chúa Trời xức dầu. Vì đoạn Kinh Thánh 1Samuên 25 này được đóng khung bởi hai câu chuyện hết sức tương tự, rất có khả năng rằng sứ điệp của nó cũng gắn liền với ngữ văn của những đoạn gần đó. Chúng ta sẽ nhìn thấy mối tương quan đó khi cùng nhau xem xét câu chuyện này.
Câu chuyện trong 1Samuên 25 được chia làm ba phần. Phần 1 từ câu 1 đến 13 nói về Đavít và nổ lực của Đavít muốn trò chuyện với Nabanh. Phần 2 từ câu 14 đến 38 nói đến mối quan hệ giữa Abigain và Đavít, bà thông đạt với Đavít, can thiệp thay chồng mình. Phần 3 nói đến việc Đavít sai sứ giả đến đón Abigain làm vợ mình.
Trong phần mở đầu chúng ta được giới thiệu về Nabanh (câu 2) rằng Nabanh là một người rất giàu có nhiều của cải vào thời đó. Có lẽ có một tài sản là ba ngàn chiên và một ngàn dê phải là một người rất thế lực và ảnh hưởng. Có vẻ như không có ai trong vùng đó sánh với tài sản của Nabanh. Ông là một nhân vật nổi bật trong vùng. Tuy nhiên Nabanh thạnh vượng không có nghĩa ông là một người có lòng nhân đức tử tế. Đọc qua đoạn Kinh Thánh này chúng ta thấy vấn đề hoàn toàn ngược lại. Dù là một người giàu có nổi bật, ông cũng được biết là một người cứng cỏi hung ác. Tên ông là Nabanh, trong tiếng Hêbơrơ có nghĩa là điên rồ. Rất có thể là tên thật của ông không phải là Nabanh mà Nabanh chỉ là tên mà người ta đặt cho ông khi nhìn thấy cách ông đối xử với người khác. Đây là cái tên mà vợ ông gọi ông khi thông đạt với Đavít. Bà nói rằng: "Xin chúa chớ kể đến người hung ác kia, là Nabanh; vì tánh hắn thật hiệp với nghĩa tên hắn, tên hắn là Na-banh, và nơi hắn có sự điên dại." Ngược lại, tên Abigain có nghĩa là "cha tôi vui mừng". Đoạn Kinh Thánh mô tả Abigain là một người rất hiểu biết, khôn ngoan, một người nữ có những tính cách của người nữ trong Châm ngôn 31. Bà không chỉ là người nữ khôn ngoan mà còn là người có hình dung đẹp đẽ.
Nabanh được mô tả là một người cứng cỏi hung ác. Họ là hai người hoàn toàn khác biệt. Câu 17 mô tả Nabanh là "con của Bêlian". Kinh Thánh dịch lại là "dữ quá" nhưng trong nguyên ngữ tiếng Hêbơrơ là "con của Bêlian". Cách dùng từ này khiến chúng ta chú ý bởi trong 1Samuên 2, các con trai Hêli cũng được mô tả với từ ngữ này. Điều này ít nhiều đã dự báo trước điều cuối cùng sẽ xảy đến cho Nabanh. Giống như các con trai Hêli phải chịu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, Nabanh cũng phải chịu chung số phận đó.
Chúng ta cũng đọc thấy rằng Nabanh thuộc dòng Calép. Calép cùng với Giôsuê là hai thám tử trung tín với Đức Chúa Trời. Hai người này sau khi do thám xứ bất đồng với mười thám tử kia là những người cho rằng dân Ysơraên không thể tiến vào xứ được. Calép và Giôsuê nói rằng bởi sức mạnh và năng quyền của Đức Chúa Trời, họ có thể làm được điều đó. Nabanh là dòng dõi Calép. Điều này thật là mỉa mai bởi Calép trung tín còn Nabanh thì phản bội Chúa. Nhiều thế hệ qua đi bây giờ Nabanh đã quay lưng lại với người chịu xức dầu của Chúa.
Đavít đã gởi lời thỉnh cầu cho chính con người giàu có thạnh vượng này, người hoàn toàn có khả năng cung ứng điều Đavít yêu cầu. Chúng ta rất cần hiểu rằng Nabanh là người giàu có. Điều Đavít yêu cầu Nabanh không phải nằm ngoài khả năng của ông mà chắc hẳn là điều mà ông đáng lẽ phải cho đi. Đavít sai tôi tớ mình đi tìm Nabanh trong khi các con chiên của Nabanh đang được hớt lông, chính những con chiên mà Đavít và những người theo ông đã bảo vệ khi ở trong đồng vắng. Thời điểm này cũng giống như mùa gặt của Nabanh vậy. Đây là mùa thạnh lợi của ông. Ông có dư dật để ban cho. Không có lý do nào để Nabanh quay lưng lại trước yêu cầu của Đavít. Trong thời điểm thạnh lợi này, yêu cầu của Đavít đơn giản chỉ là sự hiếu khách mà thôi. Đavít yêu cầu điều đó không những chỉ vì ông cần mà còn trên cơ sở của sự sẵn lòng phục vụ của ông. Ông đã sẵn lòng phục vụ dù Nabanh không yêu cầu. Ông đã bảo vệ săn sóc các kẻ chăn của Nabanh và ngày đêm coi chừng bầy vật của Nabanh như lời các tôi tớ Nabanh nói với Abigain. Đavít nói với Nabanh rằng ông có thể tự do hỏi các tôi tớ mình thể nào Đavít đã giúp đỡ họ, và họ chắc đã làm chứng lại như lời họ đã nói cùng Abigain: "Bao lâu chúng tôi ở gần các người đó, lo chăn bầy chiên chúng tôi, thì ngày và đêm họ dường như tường che cho chúng tôi." Đavít đã đối đãi tử tế cùng Nabanh. Một lần nữa chúng ta nhìn thấy tính cách của Đavít: Ông là người tử tế, ban cho cách nhưng không. Chúng ta thấy Đavít đến với Nabanh, chúc phước cho ông: "Nguyện ông được bình yên, nguyện nhà ông cũng được bình yên; phàm vật gì thuộc về ông đều được bình yên!" (c.6). Đavít cũng đến với Nabanh cách khiêm nhường: "hễ ông tìm thấy vật gì, hãy ban cho các tôi tớ ông, và con ông là Đavít." (c. 8) Với những từ ngữ "tôi tớ ông" "con ông", Đavít tự đặt mình ở vị trí khiêm tốn, ở dưới Nabanh. Điều này là lạ thường bởi chính Đavít đã biết rằng mình đã được xức dầu làm vua Ysơraên nhưng ông vẫn sẵn sàng hạ mình gọi mình là tôi tớ, là con. Điều Đavít hỏi xin nơi Nabanh trong thời điểm thạnh vượng này để được ban cho từ sự dư dật của Nabanh. Đây không phải là sự trả tiền công. Đây không phải như kiểu khi chúng ta đi đâu đó, và ai đó ngừng xe chúng ta lại, chùi kiếng xe rồi bảo chúng ta trả tiền. Đây không phải giống như cách đó. Đây là điều lẽ ra phải thế. Đây là điều lẽ ra phải có đối với những người sống lân cận. Nabanh lẽ ra phải bày tỏ lòng hiếu khách. Nabanh không chỉ phải bày tỏ lòng hiếu khách đối với những ai cần đến mà đây còn là điều Đức Chúa Trời đã phán dạy, rằng chúng ta có trách nhiệm bày tỏ lòng hiếu khách đối với những ai gặp khó khăn, chúng ta phải sẵn lòng cho đi chính mình cách rộng rãi tự nguyện cho những ai cần đến. Đây là điều mà Nabanh lẽ ra phải làm bởi ông là người Ysơraên: sẵn sàng ban cho cách rộng rãi cho những ai gặp khó khăn.
Thế thì chúng ta nhìn thấy trong bối cảnh này rằng những lời công kích củac Nabanh hoàn toàn không biện bạch được. Nó hoàn toàn hằn hộc. Dù không muốn ban cho Đavít chút gì đi nữa, những gì Nabanh nói về Đavít hoàn toàn là lừa dối không biện bạch được. Ông lẽ ra đã có thể từ chối cách lịch sự. Thay vào đó ông buông ra những lời công kích Đavít. Nabanh đáp lời các tôi tớ Đavít rằng: "Ai là Đavít?" Chúng ta có thể nói rằng câu hỏi này là hợp lẽ bởi Nabanh muốn nói rằng "Ngươi đại diện cho ai vậy?". Tuy nhiên khi đọc tiếp chúng ta biết rằng Nabanh biết rất rõ Đavít là ai. Ông không phải là không biết cương vị của Đavít bởi ông nói rằng "Ai là con trai của Ysai?" Đọc tiếp lời Abigain nói về Đavít, chúng ta thấy Abigain biết rằng Đavít đã được chọn làm vua trên Ysơraên. Ông đã được chính Đức Chúa Trời chỉ định làm vua Ysơraên. Ông sẽ làm người cai trị trên dân Ysơraên. Nếu Abigain biết điều đó, chúng ta cũng có thể cho rằng chính Nabanh cũng biết rõ về việc Đavít sẽ lên ngôi vua. Nabanh biết rất rõ Đavít là ai khi ông trốn khỏi Saulơ. Bởi Đavít bị Saulơ đuổi theo nhiều lần, mọi người biết rằng giữa Đavít và Saulơ đang có sự thù nghịch. Chúng ta thấy tấm lòng của Nabanh càng nghịch cùng Đức Chúa Trời, nghịch cùng người được Đức Chúa Trời xức dầu. Khi ông hỏi "Ai là Đavít?", ông muốn hỏi "Đavít có đáng giá gì? Có giá trị gì? Đavít này là ai? Hắn chẳng có nghĩa lý gì đối với ta cả! Hắn chỉ vô ích thôi! Tại sao hắn lại kêu nài ta dường như ta có cần điều gì nơi hắn hoặc cần hắn trông nom bầy chiên cho ta. Đavít con Ysai này là ai mà ta phải ban cho hắn điều gì của ta?" Nabanh còn đi xa hơn. Ông không những nói rằng Đavít không là gì mà còn nói rằng Đavít là những tôi tớ phản chủ, không chỉ là tôi tớ của một chủ mà là những tôi tớ nổi loạn cùng chủ mình mà bỏ trốn đi. Rõ ràng ý ông muốn đề cập đến việc Đavít bị Saulơ đuổi theo. Thế thì trong cái nhìn của Nabanh, Đavít không hơn gì một tôi tớ phản chủ. Đavít hoàn toàn không có giá trị gì, không có chút uy tín hay cảm phục nào cho những gì Đavít đã làm. Không chút lòng biết ơn! Hoàn toàn không! Thái độ của Nabanh đối với Đavít căn bản là "Không! Ta thấy ngươi chẳng là gì cả! Ta chỉ thấy ta là vua mà thôi!"
Chúng ta để ý khi Abigain trở về cùng Nabanh trong câu 36 xem Nabanh đang ăn tiệc thế nào tại nhà mình: "Khi Abigain trở về cùng Nabanh, thì Nabanh đương ăn tiệc trong nhà mình, thật như yến tiệc của vua vậy." Nabanh xem mình như vua vậy. Không cách nào ông có thể hạ mình xuống nhìn nhận Đavít làm vua. Phần đầu đoạn Kinh Thánh này mô tả Nabanh là một người rất giống Saulơ. Ông là người xem thường Đavít, không tỏ chút tôn trọng gì về việc Đavít là vị vua chính đáng của Ysơraên, xem mình là người ít ra xứng đáng dự yến tiệc của vua, ông khước từ không chịu đầu phục hay bày tỏ lòng mến mộ đối với Đavít là người được Đức Chúa Trời xức dầu.
Thế thì chúng ta trở lại xem xét phản ứng của Đavít. Chúng ta thấy rất dễ hiểu tại sao Đavít nổi giận. Cơn giận của Đavít đối với Nabanh có thể được biện hộ. Ông đã bị xem thường, không chỉ xem thường riêng Đavít mà thôi mà còn là xem thường đối với Đức Chúa Trời là Đấng xức dầu cho Đavít. Vì vậy khi Đavít chỗi dậy cách giận dữ, ông làm điều đó cách công bình. Tôi nói thế bởi vì Đức Chúa Trời cũng nhận thấy Nabanh đáng chịu sự đoán phạt. Vào cuối đoạn Kinh Thánh này chúng ta đọc thấy Nabanh chết. Ông chết bởi tội lỗi mình chống nghịch Đức Chúa Trời và nghịch cùng người được Ngài xức dầu. Thi thiên 2 có chép rằng đối cùng những kẻ nhạo báng người được Đức Chúa Trời xức dầu, Đức Chúa Trời sẽ nhạo báng chúng và đoán xét chúng. Đây chắc hẳn là thế. Đavít nổi giận là đúng. Ông sẵn sàng chiến đấu quét sạch nhà Nabanh đi. Ông thề nguyện sẽ quét sạch hết những người nam (bản Kinh Thánh tiếng Việt chỉ nói "chẳng còn để lại vật nhỏ hơn hết") trong nhà Nabanh. Tại đây chúng ta cần hiểu rằng dù Đavít là đúng trong sự giận dữ bất bình của ông đối với Nabanh bởi thái độ xem thường của Nabanh, chúng ta cũng cần hiểu rằng tại đây Đavít phản ứng quá dữ dội. Ông cảm thấy rằng ông có trách nhiệm phải tự mình ra tay. Ông tin rằng mình có trách nhiệm thi hành sự công bình mà Nabanh đáng phải chịu. Về điểm này, ông không đúng. Ông nhất quyết hủy diệt và muốn tự mình thi hành đoán xét. Trong cách làm đó, ông đã rơi vào hiểm họa trở nên gần giống như chính Saulơ. Thế nhưng trong thời điểm này ông không có thẩm quyền gì để thi hành sự công bình trên Nabanh.
Vì lý do đó mà Abigain xuất hiện trong câu chuyện. Abigain đến như là người được Đức Chúa Trời sai phái. Chúng ta rất cần hiểu rằng Abigain không đến với động cơ tự bảo toàn bản thân. Bà đến như được Đức Chúa Trời sai phái. Kinh Thánh cho chúng ta biết đầy tớ đến cùng Abigain cho bà biết điều xảy ra giữa Nabanh và Đavít. Abigain hiểu được lời đáp của chồng mình là nặng nề thể nào và hậu quả tiềm tàng của nó. Bà phản ứng rất nhanh để ngăn chặn trận chiến sắp nổ giữa Đavít nghịch cùng nhà bà. Bà sửa soạn sẵn bữa ăn lớn gồm hai trăm ổ bánh, hai bầu da rượu nho, năm con chiên đực nấu chín, năm đấu hột rang, một trăm bánh nho khô. Bà gởi những thứ này cho Đavít trước và chính bà đến sau cùng. Chúng ta có thể nhớ hình ảnh rất tương tự khi Giacốp trở về xứ Canaan. Giacốp cũng gởi những lễ vật cho Êsau là người ông sắp phải gặp. Ông sợ Êsau và gởi những lễ vật hy vọng làm dịu bớt cơn giận của Êsau. Abigain hành động rất tương tự như thế. Bà cố gắng làm nguôi cơn giận của Đavít hầu ông có thể lắng nghe lời can thiệp của bà. Trước tiên, bà chỉ nói: "Lạy chúa, lỗi về tôi, về tôi!" Xin cho phép con đòi ông nói trước mặt ông; xin hãy nghe các lời của con đòi ông." Bà nhận lỗi về mình, bảo rằng ấy là lỗi mình, đây là điều sai trật của bà dù bà chẳng có mặt ở đó lúc tôi tớ Đavít đến. Bà xin Đavít đừng nổi giận cùng chồng bà mà hãy kể lỗi đó cho chính bà. Chúng ta thấy Abigain hành động phần nào giống như Đấng Christ. Bà can thiệp và nhận lấy lỗi lầm của Nabanh cho mình. Bà không tán đồng hành động của Nabanh. Bà lên án nó. Bà gọi Nabanh là điên dại. Bà đứng làm cầu nối giữa lẽ công bằng mà Đavít muốn thi hành để can thiệp cho nhà mình.
Điều quan trọng nhất trong đoạn Kinh Thánh này là bà quan tâm đến sự công chính của Đavít. Bà được Đức Chúa Trời sai đến bởi bà biết rằng Đavít sẽ làm vua trên Ysơraên. Bà nhìn nhận vương quyền đó. Bà biết sự kêu gọi của Đavít và biết Đavít sẽ là người cai trị trên Ysơraên. Điều đó đóng vai trò chính trong quyết định của bà muốn đến gặp Đavít dường như được Đức Chúa Trời sai phái. Bà nhìn nhận vương quyền đó và không muốn vương quyền đó bị hoen ố bởi hành động không công bình. Đavít phải là một vị vua công bình, thánh khiết trên dân Ysơraên, là người bày tỏ tính cách của Đấng Christ. Ông phải hành động công chính, không nóng nảy và hận thù. Ông phải kiên nhẫn, nhịn nhục. Ông phải như Đấng Christ: chịu đựng khổ nạn cách kiên nhẫn và điềm tĩnh nhận rằng trong thời điểm của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ thi hành sự công bình. Abigain can thiệp ngăn chặn sự đổ máu hầu Đavít sẽ không mang trên mình tội lỗi và máu của người khác. Nabanh chưa hại gì Đavít dù rằng ông có sỉ nhục Đavít. Tuy nhiên vào thời điểm này Đavít chưa chính thức là vua để có thể thi hành sự phán xét trên Nabanh.
Đavít nhìn nhận điều này khi đối diện với Abigain. Ông nói rằng: "Đáng ngợi khen Giêhôva Đức Chúa Trời của Ysơraên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Đáng khen sự khôn ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết và ngăn ta dùng chính tay mình mà báo thù cho mình." Đavít không nên tự mình thi hành sự công bình. Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó trong thời điểm của Ngài.
Abigain trở về cùng chồng mình. Nabanh lúc này quá say nên không thể nghe về chuyện bà đã đi đến Đavít. Bà chờ đến sáng hôm sau và kể lại hết cho chồng. Lòng Nabanh chết đứng. Chừng mười ngày sau, Nabanh chết. Đavít nhận rằng đây chính là cánh tay Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã thi hành sự phán xét trên kẻ chế nhạo người được Ngài xức dầu. Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự công bình. Khi xem xét đoạn 24 và 26, chúng ta thấy rằng đây là một điểm mà Đavít phải học. Khi Đavít đến trước Saulơ, ông không được tự mình ra tay thi hành sự công bình trên Saulơ. Ông phải kiên nhẫn, chờ đợi Đức Chúa Trời. Tại đây là một bài học rõ ràng rằng Đức Chúa Trời sẽ báo đáp, Ngài sẽ thi hành sự công bình trong thời điểm của Ngài. Đavít phải chờ đợi Đức Chúa Trời. Điều xảy ra cho Nabanh trong đoạn Kinh Thánh này cuối cùng cũng sẽ xảy đến cho Saulơ khi Saulơ phải chịu Đức Chúa Trời phán xét. Điều đó phải được thi hành trong thời điểm của Đức Chúa Trời. Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay Đavít cần học rằng ông cần phải có một phản ứng như Đấng Christ trước khổ nạn và phải chờ đợi Đức Chúa Trời. Saulơ giống như Nabanh cuối cùng sẽ phải hư mất. Tuy nhiên điều đó ở trong tay Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy điều quý báu nhất của Nabanh bị tước đi khỏi ông và ban cho Đavít.
Chúng ta nhìn thấy điều giống như vậy trong Đấng Christ. Ngài đã đến thế gian, bị người ta chế nhạo, sỉ nhục, khước từ, mắng nhiếc. Tuy nhiên Ngài không thi hành sự công bình ngay lập tức. Dù Ngài đúng khi nổi giận trước những sự mắng nhiếc chế nhạo đó, Ngài vẫn kiên nhẫn không muốn ai hư mất. Ngài tin cậy rằng đến lúc Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự công bình. Trên một phương diện nào đó, đoạn Kinh Thánh 1Samuên 25 này là sự triển khai của 1Phierơ 2 rằng ai đang chịu khổ phải chờ đợi Đức Chúa Trời và chịu khổ cách nhẫn nại. Chúng ta không giơ gươm và tìm cách thi hành sự công bình cho chính chúng ta. Chúng ta cần phải như Đấng Christ trong sự chịu khổ và Đavít cần phải học bài học này. Thật ra Đavít học được điều này và chúng ta sẽ thấy sau này trong sách 2Samuên, Đavít bị Simêi chế nhạo, quân lính của Đavít sẵn sàng giết Simêi nhưng Đavít ngăn cản họ. Đavít không muốn tự mình phán xét cho mình. Ông để cho Đức Chúa Trời thi hành điều đó.
Một số người trong chính thời đại của chúng ta muốn tự mình thi hành sự phán xét nghịch cùng kẻ ác trong thời điểm của mình. Trong lịch sử của giáo hội OPC của chúng ta, chúng ta có một người trước đây là tôi tớ Chúa, mục sư Paul Hill ở Florida, tự mình nhận lấy trách nhiệm giết đi một bác sĩ phá thai, cho rằng ông đang làm theo ý muốn Đức Chúa Trời trong việc thi hành sự công chính trên một người làm điều gian ác kinh khiếp. Làm thế ông đã khước từ không chờ đợi Đức Chúa Trời. Đây là đặc quyền của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ báo trả. Đức Chúa Trời phán rằng sự báo thù thuộc về Ngài.
Khi chúng ta bị chế nhạo, sỉ vả vì tin Chúa, chúng ta phải kiên nhẫn, chịu đựng tin rằng Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự công bình đối cùng những kẻ ghét Ngài, ghét Đấng chịu xức dầu của Ngài và những ai liên hệ với Ngài. Nabanh, giống như Saulơ, bị hình phạt. Những ai khước từ không chịu cúi xuống trước Vị Vua thật của Ysơraên là Chúa Giêxu cũng sẽ bị hư mất. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy Đavít được bảo toàn hầu cho một vị vua công chính, người theo lòng Đức Chúa Trời, được ngăn lại không phải mắc tội làm đổ máu nhà Nabanh. Bởi đó ông cũng học được trong cách ông đối cùng Saulơ rằng sự đoán phạt đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng học được rằng kẻ ác không nên cứ ngồi an nhiên trên thế gian này bởi họ cần biết rằng, như Thánh Kinh dạy, những kẻ tỏ ra khinh thường đối với Đức Chúa Trời và Đấng chịu xức dầu của Ngài, sẽ bị phán xét. Tôi cầu xin cho không ai trong chúng ta khước từ Đấng Christ như thế và hết thảy đều nhìn nhận Ngài làm Vua mình, phục sự và theo Ngài, chờ đợi Đức Chúa Trời thi hành sự công bình Ngài. Amen.
Lạy Cha quyền năng thiên thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì đoạn Kinh Thánh hôm nay nhắc nhở chúng con về sự chăm sóc của Ngài trên chúng con dù đôi lúc chúng con gặp thử thách, đi trong sa mạc, xin cho chúng con kiên nhẫn chờ đợi Ngài, biết rằng cuối cùng Ngài sẽ thi hành sự công bình. Xin cho chúng con đừng tự mình ra tay thi hành sự công bình mà chờ đợi Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)