Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Đavít: Kẻ Phản Bội? - 5/2006  


ĐAVÍT: KẺ PHẢN BỘI?
(1Samuên 26)

Tháng Năm 2006

Kính thưa hội thánh yêu dấu của Cứu Chúa Giêxu. Chúng ta đã theo dõi câu chuyện Đavít từ lúc ông được Samuên xức dầu cho đến thời điểm nầy. Chúng ta đã thấy cuộc đời không mấy dễ dàng của Đavít . Ông luôn luôn bị đe dọa trong thời gian phục vụ trong nhà Saulơ. Cuối cùng ông bị đuổi khỏi nhà mình, khỏi vợ mình là Micanh do bị đe dọa tính mạng bởi tay Saulơ. Chúng ta thấy từ đó cuộc sống của ông lúc nào cũng phải chạy trốn. Ông không còn nơi nào nương thân hay ẩn mình. Ông bị đuổi ra khỏi những thành, thậm chí là những thành đã được chính ông giải cứu khỏi người Philitin. Ông bị đuổi ra khỏi những thành nầy bởi sự đe dọa của Saulơ. Ông bị những người trong chính chi phái của ông, là chi phái Giuđa, phản bội. Ông bị rượt đuổi từ đồng vắng nầy đến đồng vắng khác. Những người đa được ông giúp đỡ không tỏ lòng biết ơn ông. Mặc dù ông đã vài lần thương xót Saulơ nhưng sự thương xót của ông không được đền đáp. Ông là người được Chúa xức dầu, là người có tấm lòng làm theo Lời Chúa nhưng khi đọc qua những đoạn Kinh Thánh trong 2Samuên, chúng ta thấy Đavít lại bị dân mình khinh dể và từ bỏ.

Cuộc sống của Đavít phản ảnh Đấng sau này sẽ ngồi trên ngôi ông là chính Chúa Cứu Thế Giêxu: cuộc sống được Chúa Giêxu mô tả: "Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu" (Mathiơ 8:20). Đó cũng là điều Đavít trải qua. Ông là người không nhà. Không nơi nào an toàn cho ông. Bởi ông là hình bóng của Cứu Chúa Giêxu nên chúng ta đi theo Đavít. Chúng ta nhận ra ông là vua thật của Ysơraên. Chúng ta nhận biết ông là người giải cứu dân Ysơraên. Thật vậy, cuối cùng dân Ysơraên được Đavít giải cứu. Chúng ta tin vào Đavít. Phần Kinh Thánh nhắc chúng ta điều đó. Chúng ta đã trở nên những người theo Chúa trung tín. Học phần Kinh Thánh này chúng ta thấy rất rõ rằng Đức Chúa Trời hành động qua Đavít. Chúng ta đứng về phía Đavít là người trung tín. Có thể nói rằng chúng ta cùng đi với ông. Chúng ta biết khi đi theo Chúa Giêxu, chúng ta cũng được kêu gọi vác thập tự giá mình mà đi theo Ngài. Chúng ta làm điều đó cách tự nguyện, vui lòng bởi biết chắc vương quốc của Đức Chúa Trời thuộc về Ngài. Chúng ta biết sự đắc thắng cuối cùng của Ngài đã được bảo đảm và không ai có thể cướp lấy được. Vương quốc của Đức Chúa Trời sẽ không lìa khỏi dòng dõi Đavít. Chúng ta biết điều đó là thật. Dù nhiều lúc phải trải qua lắm thử thách, khổ nạn nhưng chúng ta yên lòng bởi biết mình đang bước theo Đấng đắc thắng. Ngài là Đấng đã đắc thắng và sẽ toàn thắng.

Đavít giống Cứu Chúa Giêxu. Đến thời điểm này cung cách phục vụ của ông chứng tỏ ông là người công bình. Ông là người làm điều thiện trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể thấy điều này trong sự chờ đợi kiên nhẫn của ông. Ông không tự mình giải quyết. Ông không tìm thế giết Saulơ trước thời điểm. Ông tôn trọng Saulơ là người được xức dầu. Chúng ta thấy thế nào ông chờ đợi sự hướng dẫn, bảo vệ của Đức Chúa Trời và tin cậy Ngài. Chúng ta khâm phục sự công bình của ông ngay cả trước cám dỗ muốn tự mình giải quyết, là điều dường như dễ làm nhất. Chúng ta yêu mến Đavít càng hơn bởi sự công bình của ông. Chúng ta đã chứng kiến sự chờ đợi của ông. Chúng ta thấy sự phục vụ tự nguyện của ông. Chúng ta thấy ông bênh vực những người yếu đuối không khả năng tự bảo vệ. Ông xứng đáng được khen ngợi. Nhiều lần trong những phần Kinh Thánh trước chúng ta thấy ông bênh vực sự vô tội của mình đặc biệt là đối với Saulơ. Ông không có ác tâm hay phạm lỗi gì. Nhiều lần ông đã làm điều nầy và Saulơ đã phải công nhận Đavít thật sự công bình, rằng Đavít không làm điều gì gian ác, rằng mọi sự Đavít làm đều là tốt lành. Một lần nữa chúng ta thấy Đavít làm hình bóng của Chúa Cứu Thế. Chúng ta thấy Đavít đóng vai trò nầy rất chuẩn.

Giờ đây chúng ta đến đoạn 27 và tại đây Đavít khiến chúng ta phải kinh ngạc: Đavít đã rời khỏi Ysơraên. Đavít đi đến Akích là người Philitin. Ông xin được phục vụ Akích. Ông đi vào thành Gát. Chúng ta không tránh khỏi một câu hỏi: "Đavít, ông đang làm gì ở đó? Có phải Đavít, vua Ysơraên, người chịu xức dầu của Ysơraên, đã bán rẻ dân sự mình? Có phải ông đã phản bội mà chống lại dân sự của ông là dân sự của Đức Chúa Trời?" Đã bước theo Đavít cho đến thời điểm nầy chúng ta có nên rời bỏ Đavít và sáu trăm người của ông và bảo rằng họ đang đi đến một nơi mà chúng ta không thể đi theo được không? Là dân sự của Đức Chúa Trời chúng ta có nên quở trách Đavít tại đây về sự thiếu đức tin của ông nơi Đức Chúa Trời không? Đavít đã kinh nghiệm thực tế về sự bảo vệ và chu cấp của Đức Chúa Trời trong những ngày tháng đã qua, giờ đây chẳng lẽ Chúa không bảo vệ ông an toàn sao mà ông phải tìm đến cách duy nhất của mình là đi đến dân Philitin? Giờ đây chúng ta có nên nhìn Đavít như một kẻ phản bội dân sự của Đức Chúa Trời khi ông đi đến dân Philitin là kẻ thù của họ?

Nhiều nhà chú giải phê bình Đavít ở thời điểm nầy về sự kiện xảy ra. Họ cho rằng Đavít tin cậy vào Akích và việc làm của mình thay vì tin cậy vào Đức Chúa Trời là Đấng đã giải cứu ông. Họ chê trách ông về con đường phản bội mà ông đã chọn khi ông đi đến Akích. Có thể nói rằng những nhà chú giải nầy không đi theo Đavít đến Gát mà nói rằng họ tin cậy vào Đức Chúa Trời cho nên họ sẽ ở lại Ysơraên. Còn quí vị thì sao? Quí vị sẽ đi theo Đavít đến Gát không? Có phải giờ đây Đavít hành động dại dột mà không vâng lời Đức Chúa Trời?

Kinh Thánh không nói gì về vấn đề Chúa vui lòng hay không về việc làm nầy của Đavít. Thật ra chúng ta không thấy danh Chúa xuất hiện trong phần nầy. Tuy nhiên Kinh Thánh hướng dẫn thế nào chúng ta cần nhìn về sự việc nầy trong cuộc sống của Đavít. Nó bảo đảm cho chúng ta rằng ngay thời điểm này chúng ta có thể đi theo ông vì ông vẫn đang đi theo bước chân Chúa Giêxu. Tôi muốn nói rõ ở đây rằng chúng ta không đi theo Đavít một cách mù quáng. Mặc dù Đavít làm hình bóng về Đấng Christ nhưng ông vẫn là tội nhân. Ông không phải là Chúa Cứu Thế. Ông cũng đã từng phạm tội và khi ấy chúng ta phải phân cách khỏi ông khi liên quan đến hành động tội lỗi của ông. Chúng ta thấy rất rõ trong tội ông phạm cùng Bátsêba. Chúng ta thấy trong tội lỗi nầy ông đã hành động chống nghịch lại ý Chúa. Chúng ta thấy ngay cả trong đoạn trước khi ông chuẩn bị trả thù nhà Nabanh nhưng cuối cùng không thực hiện nhờ sự xuất hiện của Abigain. Nhưng câu chuyện hôm nay không giống như những lần đó.

Trong phần Kinh Thánh của chúng ta Đavít bắt đầu nghĩ thầm rằng có lẽ ông sẽ mất mạng bởi tay Saulơ. Ông sợ rằng mình sẽ chết nếu cứ lưu lại chỗ cũ. Mặc dù Saulơ nói sẽ không đuổi theo Đavít nữa nhưng thực tế ông vẫn theo đuổi Đavít cho đến khi nào Đavít chết mới thôi. Đavít sợ rằng nếu cứ tiếp tục ở trong xứ Giuđa ông sẽ không được an toàn. Ông đi đến kết luận rằng chỗ an toàn nhất cho ông ấy là trong xứ Philitin, là kẻ thù của dân Ysơraên. Nếu Đavít trốn tại đó, có lẽ Saulơ sẽ quên và bỏ mặc ông bởi ông không còn ở trên đất của Ysơraên nữa. Quí vị có thể sẽ đặt câu hỏi ở đây rằng có phải như thế là nghi ngờ Đức Chúa Trời không. Phải chăng giờ đây Đavít nghi ngờ không biết Chúa có còn chăm sóc gìn giữ ông? Có thể là thế mặc dù Kinh Thánh không nói rõ như vậy. Tôi có thể nói với quí vị rằng vấn đề không nhất thiết phải được hiểu theo hướng đó. Đavít cần phải hành động một cách hợp lý. Ngay cả khi ông tin cậy vào quyền tể trị của Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ chăm sóc ông, tuy nhiên ông cũng phải nhận rằng ông không dại dột đặt mình vào chỗ bị đe dọa. Chúng ta đã thấy Đavít đã hành động để lẩn trốn Saulơ trong những phần Kinh Thánh trước. Ông làm điều đó dưới sự bao bọc và trể trị của Đức Chúa Trời ở trên ông. Chúng ta có thể nhìn sự kiện trong phần Kinh Thánh nầy như một hành động tự vệ của Đavít. Trong những phần Kinh Thánh trước chúng ta thấy Đavít không thể hành động chống lại Saulơ. Ông không thể vung mũi giáo đâm Saulơ vì vậy mà ông phải ở trong một vị trí bất lợi. Dù một mặt ông có Đức Chúa Tròi ở về phía mình nhưng ông ở thế rất bất lợi để tự vệ. Vì vậy ông có thể tin cậy nơi Đức Chúa Trời, nơi sự tể trị của Ngài nhưng đồng thời ông cũng phải lo tưởng đến nhu cầu của ông và những người theo ông. Khi cho rằng Đavít không tin vào sự tể trị của Đức Chúa Trời nghĩa là sẵn sàng cho rằng hành động nầy của ông là khác với những hành động trước. Chúng ta có thể thấy Đavít từ truớc đế nay luôn tin cậy Chúa và sự hướng dẫn của Ngài. Tôi không nói rằng ông không thể vấp ngã, nhưng nếu nói thế thì đi ngược lại với bản tính của ông cho tới thời điểm nầy. Ông phải thận trọng trước lời nói và hành động của Saulơ.

Thêm nữa chúng ta có thể thấy việc Đavít chạy trốn đến Gát có thể là đúng khi áp dụng điều đó trên Saulơ. Đây là ý định trong đoạn 26 câu 19 khi Đavít nói chuyện với Saulơ, "Bây giờ, xin vua hãy lắng nghe lời của tôi tớ vua. Nếu Đức Giê-hô-va xui giục vua hại tôi, nguyện Ngài nhậm mùi thơm của lễ, nhưng nếu là loài người, nguyện chúng bị rủa sả trước mặt Đức Giê-hô-va; vì ngày nay chúng đuổi tôi đi khỏi chỗ dành cho tôi trong sản nghiệp của Đức Giê-hô-va, và chúng nói rằng: Hãy đi, thờ tà thần." Sự rủa sả trong câu Kinh Thánh nầy đổ trên người nào xui giục Saulơ chống lại Đavít. Ai xui giục lòng của Saulơ chống lại Đavít? Rõ ràng là chính Saulơ! Chính Saulơ giục lòng mình chống lại Đavít, chống lại người được Chúa xức dầu. Ấy chính là Saulơ đuổi Đavít đi khỏi xứ của sản nghiệp mình. Saulơ chính là người phạm tội đuổi Đavít ra khỏi xứ. Câu Kinh Thánh cho chúng ta biết bước kế tiếp của Đavít nhưng quan trọng hơn, theo tôi, là việc Saulơ là người ở dưới sự rủa sả của Đavít trong thời điểm đó. Sự rủa sả đó sau hết là sự rủa sả của Đức Chúa Trời bởi điều Saulơ làm đã đuổi ra khỏi xứ một trong những người chân thật của Đức Chúa Trời, một đầy tớ của Ngài. Saulơ ở dưới sự rủa sả và phán xét của Đức Chúa Trời là rất đúng bởi tội lỗi ông nghịch cùng Đavít. Việc Đavít chạy trốn đến Gát không phải là hậu quả tội lỗi của Đavít mà là hậu quả tội lỗi của Saulơ phạm cùng Đavít và Saulơ bị rủa sả là phải lẽ. Vì thế chúng ta không nhìn vào tội của Đavít mà nhìn vào sự rủa sả đổ trên Saulơ, là điều sẽ xảy ra trong những chương sẽ đến.

Chúng ta cũng thấy trong phần Kinh Thánh nầy rằng Đavít không trở lòng nghịch cùng dân sự của Đức Chúa Trời. Điều này rất quan trọng. Chúng ta không bắt đầu nghi ngờ tấm lòng của Đavít. Là vua Ysơraên, nếu ông đưa gươm giáo ra chống nghịch dân sự của chính mình thì chúng ta có thiếu công bằng không khi nói rằng ông không xứng đáng là vua Ysơraên? Nếu Đavít theo phe kẻ thù của Ysơraên và chiến đấu chống lại dân sự của Đức Chúa Trời, làm sao ông có thể làm vua Ysơraên được? Thế nhưng Đavít đã không trở lòng theo kẻ thù. Trong thời gian sống trong vòng dân ngoại, vị vua của Ysơraên vẫn theo đuổi trách nhiệm của vua. Đavít đã không an cư hưởng lạc tại Gát. Ông không tìm kiếm đời sống vương giả trong vòng người Philitin. Ông đã không tìm kiếm chức vị vua của Gát hay của Philitin. Ông không tham gia vào hoàng gia của Gát. Ông không phải là một trong hai vua của cùng một thành.

Đavít yêu cầu Akích ban cho ông một thành riêng. Rồi Akích ban cho ông Xiếclác. Xiếclác là một thành phố thuộc bên trong địa phận của Giuđa. Nếu đọc sách Giôsuê quí vị sẽ tìm thấy trong phần chia sản nghiệp rằng Xiếclác là một thành được chia cho chi phái Giuđa. Theo khúc Kinh Thánh của chúng ta rõ ràng Xiếclác đã bị dân Philitin cướp lấy khỏi dân Giuđa. Nhưng bây giờ thành nầy được trả lại cho Đavít. Đavít bắt đầu có chỗ đứng tại thành đó và như câu Kinh Thánh nầy chép: "Xiếclác thuộc về vua Giuđa cho đến ngày nay". Quí vị có thể cho rằng điểm nầy có lẽ không đáng kể. Nhưng khi nhìn vào câu Kinh Thánh nầy và thành nầy được ban cho ông, chúng ta có thể nói rằng dưới thời Đavít vương quốc của Đức Chúa Trời được mở rộng. Đavít là vua và vua Đavít thừa hưởng đất nầy. Rõ ràng Đavít tiếp tục đánh trận cho dân Ysơraên mỗi lần ra trận. Một lần nữa ông được mô tả là người tiếp tục mở rộng nước Ysơraên. Đavít tiếp tục mở rộng vương quốc Ysơraên khi ông đánh dân Ghêsurít, dân Ghiệtxít, và dân Amaléc. Những dân nầy là kẻ thù của dân Ysơraên. Chúng ta để ý rằng những dân nầy đã ở tại đây lâu đời. Chúng ta còn nhớ rằng công việc của dân Ysơraên trong sách Giôsuê là dọn sạch xứ nầy, đuổi khỏi xứ những dân đã ở trước đây, sau đó dân Ysơraên sẽ vào ở xứ đó. Chúng ta đã thấy dân Ysơraên đạt được một số thành công nơi chiến trận và chúng ta cũng biết họ đã không trung tín trọn vẹn trong trách nhiệm dọn sạch khỏi xứ những dân gian ác trước đây đã ở trong xứ. Đavít đang làm trọn trách nhiệm đó với vai trò là vua của Ysơraên. Ông tấn công dân Ghêsurít, Ghiệtxít và dân Amaléc và bởi đó ông thi hành trách nhiệm của dân sự Đức Chúa Trời. Dân Amaléc được chép đến ở đây nhắc chúng ta nhớ một sự việc trong 1Samuên 2. Khi đánh dân Amaléc, Saulơ được Chúa bảo là phải hủy diệt hết thảy không chừa một ai: đàn bà, trẻ con đều phải tuyệt diệt. Nhưng Saulơ tự quyết định tha mạng vua Aga. Hậu quả của việc đó là vương quốc bị xé khỏi tay Saulơ như Samuên đã nói. Ông đã bị Đức Chúa Trời rủa sả. Điều cốt lõi mà chúng ta thấy trong phần Kinh Thánh nầy là: Đavít đã làm điều mà Saulơ không làm được. Ông thi hành trách nhiệm của vị vua Ysơraên. Saulơ đã thất bại trong quá khứ. Đavít bày tỏ ra, ngay giữa vòng dân Philitin, rằng ông là một vua thật của Đức Chúa Trời.

Chúng ta thấy Đavít đang dọn sạch khỏi xứ kẻ thù của dân Ysơraên. Đavít không chiến trận nghịch cùng dân sự của Đức Chúa Trời. Ông không đánh trận nghịch cùng dân Ysơraên dù Akích tin rằng Đavít tấn công vào dân Ysơraên và bởi đó Đavít làm cho chính dân sự của ông gớm ghiếc ông. Chữ "gớm ghiếc" trong nguyên văn tiếng Hêbơrơ có nghĩa là "hôi thối". Ông là sự "hôi thối" đối với dân Ysơraên, họ muốn tránh xa ông. Ông ghê tởm quá. Akích tin rằng bởi hành động của Đavít ông sẽ tự làm cho mình ra gớm ghiếc đối với dân sự mình. Nhưng Đavít không bao giờ chống lại dân sự mình. Ông không bao giờ đánh trận nghịch cùng dân sự mình. Ông chỉ đánh những kẻ thù của Đức Chúa Trời, kẻ thù của dân Ysơraên. Akích có thể tin ngược lại. Akích tin rằng Đavít là đầy tớ của ông và phục vụ ông nhưng rõ ràng trong khúc Kinh Thánh nầy Đavít cao tay hơn. Đavít không phải là tôi tớ của Akích. Ông vẫn là vua của Ysơraên.

Khi học đến phần đầu của đoạn 28 chúng ta tự hỏi liệu Đavít sẽ đánh dân Ysơraên không. Chúng ta sẽ tìm thấy kết luận cho điều nầy không phải trong đoạn 28 mà đoạn 29. Chúng ta rơi vào tâm trạng hoang mang tự hỏi liệu giờ đây Đavít sẽ vi phạm trách nhiệm làm vua của ông hay không. Thế nhưng ngay cả trong đoạn 28:1-2 khi Akích có vẻ khích lệ Đavít ra đi đánh dân Ysơraên, ông nói: "Ngươi phải biết rằng ngươi và những kẻ theo ngươi sẽ đi ra trận cùng ta". Đavít đã không trả lời trực tiếp rằng "Vâng, tôi sẽ đi". Ông nói: "Vua sẽ thấy điều tôi tớ vua có thể làm". Chúng ta thấy Đavít hàm ý tại đó điều mà ông không thể làm là đánh trận nghịch cùng dân sự mình. Đavít không thể đánh chính dân sự mình. Ông là vua của Ysơraên. Akích tin cậy Đavít hoàn toàn. Ông giao cho Đavít giữ chức vụ trưởng thị vệ của ông. Theo nguyên văn tiếng Hêbơrơ là "người canh giữ đầu" của ông. Nói cách khác, Đavít là người Akích tin tưởng nhất. Akích nghĩ rằng ông có thể dùng Đavít nhưng rõ ràng khi đọc hết đoạn, chúng ta thấy Akích tự lừa dối mình. Đây không phải là lần duy nhất chúng ta đọc về Akích. Akích cũng là người mà trước mặt người đó Đavít giả vờ điên. Khi đọc về Akích vua Philitin chúng ta thấy trong ông có một sự dại dột, đặc biệt là trong mối tương quan với Đavít. Đavít không thuộc phe Akích bởi Đavít là vua Ysơraên. Chúng ta thấy ngay cả trong phần Kinh Thánh này rằng Đavít tiếp tục hành động thay cho dân sự của Đức Chúa Trời. Đavít không phản bội họ. Đavít không trở lòng nghịch cùng họ nhưng ông sẽ đánh trận cho họ. Ông mưu cầu mở rộng vương quốc của Đức Chúa Trời. Đavít đã không quên Đức Chúa Trời. Ông đã không quên sự kêu gọi của ông. Ông không phản bội dân sự của ông. Ông vẫn đóng vai người giải cứu họ, người cứu họ khỏi tay kẻ thù. Ông buộc phải sống với người ngoại một thời gian nhưng ông vẫn trung tín.

Chúng ta thấy Đavít làm hình bóng cho Chúa Cứu Thế. Giống như Đavít, Chúa Cứu Thế bị dân mình khinh bỏ. Dù bị thế gian khước từ, Ngài vẫn luôn luôn trung tín. Ngài là vua thật và công bình. Quí vị có nhớ rằng ngay cả chính Chúa Cứu Thế cũng phải trốn khỏi xứ mình đến Êdíptô. Tuy nhiên Ngài trở về làm vua thật của Ysơraên. Chúa Giêxu là Đấng chiến đấu cho dân sự Ngài, là Đấng cuối cùng sẽ chiến thắng, là Đấng phán xét kẻ gian ác. Ngài ngồi trên ngôi Đavít đời đời. Chúa Giêxu không bao giờ từ bỏ vai trò của mình là người bảo vệ và chu cấp cho dân sự Ngài. Trên nhiều phương diện Ngài giống như Đavít nhưng Ngài trung tín và vĩ đại hơn Đavít. Vì vậy khi xem phần Kinh Thánh nầy chúng ta được khích lệ bước theo Vị Vua trung tín. Ngài sẽ không bao giờ phụ lòng tin của chúng ta. Ngài là Đấng giải cứu chúng ta. Ngài sẽ ban cho chúng ta sự đắc thắng trên hết thảy kẻ thù của chúng ta. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con cầu xin rằng chúng con sẽ nối gót những người theo Đavít, đi theo vua mình trong mọi hoàn cảnh, qua nhiều thử thách và chịu khổ mặc dù họ không có chỗ gối đầu. Chúa ôi, chúng con biết cuộc sống mà chúng con đang sống đây cũng tựa như vậy. Chúng con sẽ chịu đựng thử thách, khốn khổ, đau đớn, khổ sở bởi vì chúng con đi theo Vị Vua thật nhưng chúng con sẽ cứ theo Ngài. Chúng con theo Ngài vì chúng con biết Ngài: Ngài là Vị Vua trung nghĩa và thành tín luôn hành động thay cho dân sự Ngài bởi Ngài yêu thương và quan tâm đến họ. Chúa ôi, chúng con cám ơn Ngài về huyết của Chúa Cứu Thế Giêxu, huyết đã giải cứu chúng con khỏi tội lỗi mình. Chúa ôi chúng con thấy nơi Vua của chúng con một Vị Vua thành tín, là Đấng mà chúng con yêu mến. Chúng con sẽ đi đến đầu cùng đất để theo Ngài. Chúng con cầu xin Ngài ở cùng chúng con, bảo vệ chúng con khỏi ma quỉ, khỏi những người chống nghịch chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)