ĐAVÍT THA MẠNG CHO SAULƠ
(1Samuên 24)
Tháng Hai 2006
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Đavít đã thoát khỏi Saulơ và trốn đến đồng vắng Ênghêđi. Chúng ta còn nhớ trong bài học trước, ở cuối đoạn 23, Đavít đã ở trong tình trạng nguy ngập suýt bị bắt và chắc hẳn đã bị xử tử bởi tay Saulơ rồi. Ông sắp bị vây lấy. Thế nhưng Đức Chúa Trời đã tể trị can thiệp và bảo vệ Đavít bằng cách sai sứ giả đến cùng Saulơ báo tin dân Philitin tấn công: Saulơ buộc phải bỏ về thôi không theo đuổi Đavít nữa ít nhất là tạm thời trong thời điểm đó. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta thấy cuộc tấn công của người Philitin được trình bày hầu như là một sự chi phối cho Saulơ hầu tạo nên một sự phiền phức cần thiết. Những người Philitin lôi Saulơ ra khỏi cuộc truy đuổi chính yếu của ông. Thật ra trách nhiệm chính của Saulơ là bảo vệ đất nước Ysơraên nhưng ông đã bị cuốn hút vào cuộc truy đuổi Đavít. Lòng Saulơ chỉ chuyên chú vào việc giết được Đavít vì ông sợ rằng Đavít sẽ chiếm lấy ngôi nước ông. Sau khi đuổi được người Philitin, ông lập tức tiếp tục công cuộc đang bỏ dở của mình. Phần Kinh Thánh ngay sau đó cho chúng ta biết Saulơ tiếp tục cuộc truy đuổi ấy.
Đoạn 24 giới thiệu cho chúng ta một sự thay đổi trong cốt truyện. Giờ đây không phải Saulơ người đang truy đuổi đang chiếm ưu thế. Không! Chúng ta thấy vị trí đã đảo ngược. Đavít trở nên người có quyền sinh tử trên Saulơ. Lần này tôi muốn chúng ta cùng suy gẫm những sự kiện trong đoạn Kinh Thánh này và nhìn thấy thể nào Đavít đã dừng tay mình lại, qua đó, chúng ta thấy được sự nhân từ của Đavít đối cùng Saulơ. Từ đó, chúng ta cũng nhìn thấy sự nhẫn nhục, nhân từ và bàn tay vô tội của Đấng Christ là Đấng mà Đavít làm hình bóng cho Ngài.
Kinh Thánh cho chúng ta biết Saulơ được báo cho biết rằng Đavít đang ở Ênghêđi. Một lần nữa chúng ta thấy Đavít bị phản bội. Ai đó đã báo cho Saulơ biết chỗ của Đavít. Địa danh bày tỏ sự ghồ ghề hiểm hóc của nơi đóng đồn của Đavít. Địa danh đó cho thấy rằng nơi này chỉ thích hợp cho đôi chân lanh lẹ của những con dê rừng. Địa điểm này ở tại bờ biển phía Tây Nam của biển Chết. Đây là nơi mà Đavít đã chọn để trốn khỏi Saulơ. Tuy nhiên, Saulơ được báo cho biết và tiếp tục cuộc truy tìm của mình với số ba ngàn quân tuyển lựa của Ysơraên. Ba ngàn quân lính để đánh bại sáu trăm người đi theo Đavít là một nhóm người đang hoảng sợ. Xem lại đoạn 22 chúng ta biết nhóm người đó bao gồm những người sầu khổ đối chọi cùng ba ngàn binh lính của Saulơ.
Giữa câu chuyện chúng ta thấy Saulơ bước vào hang. Khi bước vào hang, Saulơ không có ý định tìm kiếm Đavít tại nơi đó. Ông không bước vào đó vì biết rằng Đavít đang trốn trong nơi ngóc ngách của hang đó. Ông không hề cho rằng Đavít ở gần. Saulơ hoàn toàn vô tình khi bước vào hang đá này. Thành ngữ tiếng Hêbơrơ tại đây cho thấy Saulơ bước vào hang đá này để đi tiện. Chúng ta có thể cho rằng Saulơ bước vào hang đá này không mảy may nghĩ rằng có điều gì không ổn tại nơi này. Ông không hề biết Đavít và những người theo Đavít đang trốn đàng sau ông. Ông hoàn toàn không ý thức được sự nguy hiểm cho chính mình. Chúng ta có thể nói rằng Saulơ bị tấn công hết sức bất ngờ. Thật là một cơ hội cho Đavít. Kẻ thù ông đến gần quá mà lại không hề ý thức hay phòng bị gì. Chỉ cần một nhát gươm thôi thì mọi việc xem như xong. Đavít có thể làm vua. Saulơ gian ác có lẽ đã tiêu mạng. Hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng Đavít có thể xử công bằng con người gian ác này, người đã giết hại những thầy tế lễ tại Nóp. Nếu đọc đoạn Kinh Thánh này lần đầu, chắc chúng ta sẽ trông đợi sự việc diễn ra như thế. Đavít ở đàng sau hang đá, Saulơ thì không trang bị phòng vệ gì. Quả là một cơ hội tốt! Đây cũng là điều mà những người theo Đavít trông đợi. Chắc chắn rằng những người theo Đavít hết sức nhiệt tình khi nhìn thấy Saulơ được đưa đến ngay trước mắt họ. Họ bảo Đavít: "Ông hãy hành động ngay đi! Cơ hội đến tay ông đó! Hãy khử kẻ theo đuổi day dẳng này đi. Chắc chắn đây là công việc của tay Đức Chúa Trời. Ngài đã phó Saulơ vào tay ông. Ông chẳng thấy thế sao? Hãy làm theo ý ông thấy là phải. Hãy làm nhanh đi khi cơ hội còn đó."
Nếu chúng ta ở cạnh Đavít trong tình huống này, chắc hẳn chúng ta cũng đã thúc đẩy Đavít hành động như thế. Dù sao đi nữa, Saulơ đã chẳng đối đãi tử tế cùng Đavít. Những người theo Đavít khá chủ quan. Họ cho rằng cơ hội đồng nghĩa với sự hợp lẽ. Họ cho rằng chỉ vì Saulơ có mặt ở đó nên Đavít có quyền hành động cất mạng sống của vua Ysơraên đi. Nhưng chúng ta biết rằng lý luận sai lầm này cũng là lý luận của Saulơ trong đoạn 23. Chúng ta còn nhớ khi Đavít trong thành Kêila, khi nghe tin Đavít đang ở trong thành này, Saulơ cho rằng họ có thể bắt được Đavít như người ta bắt một con thú trong chuồng bởi Đavít ở trong thành có cửa và then. Chắc chắn rằng Đức Chúa Trời đã phó Đavít vào tay ông. Chắc thật tay Đức Chúa Trời ban cho ông cơ hội ấy. Chắc chắn chúng ta sẽ nói với Saulơ rằng chẳng phải chỉ vì cơ hội mở ra đó mà Saulơ có phép tìm giết Đavít. Thế nhưng những người theo Đavít sai trật ở điểm nào? Chẳng phải chính Saulơ đang hành động một cách không công bình sao? Chẳng phải chính Saulơ truy tìm Đavít sao? Đavít vô tội còn Saulơ có tội. Chính Saulơ là người tìm giết Đavít. Giết Saulơ thật sự chỉ là hành động tự vệ của Đavít mà thôi. Làm sao việc đó lại sai? Việc đó không chỉ là tự vệ mà còn là sự báo trả công bình của Đức Chúa Trời nghịch cùng vị vua đã hành động cách bất công trong việc xử tử các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Vị vua này đã nhiều lần làm ô uế ý muốn của Đức Chúa Trời. Chẳng lẽ Đavít giết Saulơ lại là không công bằng hay không hợp lẽ hơn là việc Saulơ tìm giết Đavít sao? Dĩ nhiên Đavít có nhiều lý do để giết Saulơ hơn.
Thế thì chúng ta ngồi đó trong hang đá cùng với những người theo Đavít chờ đợi xem Đavít sẽ làm gì. Đavít sẽ phản ứng ra sao? Chúng ta nín thở chờ đợi khi Đavít băng qua những ghềnh đá trong hang và tiến gần đến chỗ Saulơ. Tôi tin chắc rằng khi Đavít tiến gần Saulơ, những người theo ông phải nín thở. Thế nhưng Đavít chẳng làm điều họ trông đợi. Họ tưởng rằng trong giây lát con dao trên tay Đavít sẽ đâm vào ngực Saulơ nhưng thay vào đó, con dao chỉ cắt một miếng vải trên áo Saulơ mà thôi. Saulơ không bị hại gì. Đavít trở về với những người theo mình mang theo mảnh vải nhỏ trong tay. "Đavít này, ông đã làm gì vậy? Ông phải tận dụng cơ hội của mình chớ!" Đavít trở về chỉ với một mảnh vải nhỏ. Chẳng phải chỉ vì có phương tiện và cơ hội mà ông có phép giết người được Đức Chúa Trời xức dầu. Đavít biết rằng Đức Chúa Trời trong thời điểm của Ngài sẽ thi hành sự công bình trên Saulơ. Đức Chúa Trời đã chẳng giao cho Đavít trách nhiệm đó. Ngài đã chẳng sai Đavít thi hành điều đó. Đavít biết rằng sự báo thù thuộc về Đức Giêhôva. Đức Chúa Trời sẽ báo ứng.
Có người thắc mắc rằng điều này xảy ra thế nào? Hoặc Saulơ chỉ ở trong hang đá trong chốc lát và hoàn toàn tỉnh táo. Hoặc Saulơ ngủ quên trong hang đá và vì vậy mà Đavít có cơ hội lấy được áo Saulơ. Có người cho rằng chắc Saulơ đã cởi áo ra để một bên nên Đavít có thể lấy áo được trước khi Saulơ nhặt áo lên. Tuy nhiên Kinh Thánh cho chúng ta biết chắc rằng bằng cách nào đó Đavít lấy được áo Saulơ cho thấy rằng Đavít ở gần Saulơ đủ để giết được Saulơ. Tuy nhiên ý của đoạn Kinh Thánh tại đây là Đavít phải chờ đợi Đức Chúa Trời và chờ đợi thời điểm phán xét của Ngài mà không tự mình ra tay. Điều thú vị là Kinh Thánh cho chúng ta biết lương tâm Đavít bị cắt rứt bởi hành động của mình. Ông cắn rứt bởi mình đã cắt chéo áo Saulơ. Ông đã có cơ hội giết Saulơ nhưng ông đã dừng tay mình lại không làm điều đó. Ông đã có cơ hội lấy đi mạng sống Saulơ nhưng ông chỉ lấy đi cái chéo áo. Dầu vậy, dầu ông chỉ cắt đi cái chéo áo, lòng ông vẫn cắn rứt.
Chúng ta có thể nói gì về Đavít đây? Có phải ông có một lương tâm cực kỳ nhân hậu không? Ông chỉ lấy có một mảnh vải nhỏ thôi mà cũng cảm thấy cắn rứt lương tâm. Chúng ta phải hiểu tầm quan trọng của cái áo mà Đavít cắt đi. Rõ ràng sách Samuên cho chúng ta thấy tầm quan trọng của chiếc áo. Trong 1Samuên 15, Samuên gặp Saulơ, rủa sả ông và nói rằng nước sẽ bị xé khỏi ông. Saulơ nắm lấy vạt áo tơi Samuên, áo liền rách, chỉ ra rằng nước Ysơraên sẽ bị xé khỏi Saulơ như vậy. 1Samuên 18 cũng nói rằng Giônathan trao áo mình cho Đavít. Bởi đó, Giônathan không chỉ trao cho Đavít một món trang phục mà ông đang nói với Đavít rằng ông nhường lại cho Đavít quyền nhận lãnh ngôi nước Ysơraên. Áo này cho thấy rằng Đavít có thể nhận lấy địa vị của Giônathan. Đavít đã được ban cho cương vị đó. Chiếc áo bày tỏ cương vị chính thức trên ngai của ông. Thế thì khi Đavít lấy đi một mảnh nhỏ trên áo Saulơ, điều đó bày tỏ ý nghĩa như vậy. Nó nói với Saulơ rằng vương quốc của ông sẽ bị xé khỏi ông và cuối cùng ban cho Đavít. Thế nên hành động của Đavít ít nhiều khiến ông cắn rứt lương tâm. Lòng ông không yên bởi ông thấy mình có lỗi. Tôi tin rằng ông bị Đức Chúa Trời cáo trách. Ông bị định tội rằng dù chỉ là một việc làm mang tính cách hình bóng trong tình huống này cũng đã là tự phụ rồi. Đây cũng là một sự sỉ nhục đối với người được Đức Chúa Trời xức dầu. Đavít phải cẩn thận về điều đó. Bởi lòng không yên ông không hành động gì hiểm ác với Saulơ. Ông phải thuyết phục những người theo mình dừng tay lại đối với người được Đức Chúa Trời xức dầu. Họ không được hành động gì xa hơn.
1Samuên 24 cho thấy Saulơ rời khỏi hang đá và Đavít đi theo ngay. Đavít gọi Saulơ. Chúng ta cảm kích tính cách của Đavít một lần nữa bởi khi gọi Saulơ, Đavít gọi bằng "Hỡi vua, chúa tôi". Bất chấp mọi sự Saulơ đã đối xử cùng Đavít, Đavít vẫn nghĩ đến Saulơ với thẩm quyền đúng đắn mà Đức Chúa Trời đã ban cho Saulơ. Đavít quỳ gối trước Saulơ. Không những thế, trong phần sau, Đavít còn gọi Saulơ bằng "cha". Trên một khía cạnh nào đó, điều này là chính xác vì Micanh là con gái Saulơ nên Saulơ là cha vợ của Đavít. Chúng ta thấy mối quan hệ gia đình này cho thấy dù sao đi nữa vẫn có một sự nhìn nhận từ phía Đavít về một sự gần gũi trong gia đình đối với Saulơ. Sau đó Đavít tự biện hộ cho mình. Ông lên tiếng binh vực mình. Ông không tìm cách giết hại Saulơ. Ông đã có cơ hội cất mạng Saulơ đi nhưng đã chẳng nắm lấy cơ hội đó. Đức Chúa Trời đã cho Đavít cơ hội đó nhưng ông đã không tìm cách bất tuân ý muốn Đức Chúa Trời mà chiếm lấy ngai vàng. Ông cho Saulơ biết rằng thậm chí những người theo ông khích lệ ông giết Saulơ đi nhưng ông ngăn họ không làm điều đó. Ông khước từ cám dỗ của việc tự tay mình hành động chiếm lấy ngai vàng bằng cách giết Saulơ. Dù bị áp lực, Đavít vẫn thương xót Saulơ, người theo đuổi ông, căm ghét ông và tìm cách giết ông.
Chúng ta thấy xuyên suốt sự kiện này, cung cách của Đavít nêu bật sự công chính của ông. Chúng ta không tìm thấy chút tính cơ hội nào nơi Đavít. Ông không hề tìm cách tôn vinh hiển cho mình. Chúng ta nhìn thấy nơi Đavít một người đầy lòng thương xót, tử tế, kiên nhẫn. Chúng ta nhìn thấy Đavít là người đáng được khen ngợi bởi thái độ thuận phục của ông dù trong hoàn cảnh khổ sở. 1Phierơ 2 kêu gọi chúng ta thuận phục đối với những người mà Đức Chúa Trời đặt để có quyền trên chúng ta ngay cả khi phải chịu khổ. Đavít làm tấm gương sáng ngời về điều này. Bởi đó, ông phản ánh tính cách của Đấng Christ, là Đấng, như Đavít, sẵn sàng chịu phục những người tìm giết Ngài dù Ngài có quyền cất mạng sống họ đi. Trước một vị vua không công bình như Saulơ, sự vinh hiển của Đavít càng được nâng cao. Sự vô tội của ông càng rõ ràng hơn. Tính cách ông càng sáng ngời hơn bởi nó trái ngược với Saulơ.
Đồng thời chúng ta thấy sự gian ác của Saulơ được bày tỏ càng kinh khiếp hơn. Đavít bị xử bất công. Ông kêu nài Đức Chúa Trời phán xét cho ông. Đức Chúa Trời là Đấng báo trả. Đavít sẽ chờ đợi Đức Chúa Trời. Ông kêu xin Đức Chúa Trời phán xét giữa ông và Saulơ. Trong câu 14, ông hàm ý rằng ông không hề là mối hiểm họa cho Saulơ. Ông chẳng đáng sợ hơn một con chó chết hay một con bọ chét! Ông không thể hiểu tại sao Saulơ lại mang ba ngàn quân theo đuổi ông. Suy cho cùng, ông không có khả năng làm hại Saulơ hơn là một con chó chết hay một con bọ chét. Thế thì sự vô tội, công bình và thương xót của Đavít không có gì phải thắc mắc cả. Nó được nâng cao lên. Lời kêu nài của Đavít cùng Saulơ rất giống với lời Giônathan với Saulơ trong đoạn 19.
Chúng ta nhìn thấy Đavít giống như Đấng Christ. Đấng Christ cũng chịu khổ một cách bất công. Ngài bị kết án trên thập tự giá một cách bất công. Ngài là Đấng chẳng làm điều gì sai trật, vô tội trong mọi đàng lại bị kết án xử tử. Ngài đến thế gian này như một tôi tớ nhưng Ngài bị người ta ghen ghét và khước từ. Khi Ngài bị phản bội, chúng ta nhớ Phierơ đứng lên rút gươm chém đứt tai một tôi tớ, ngay trong giây phút đó, Ngài lấy tai đó gắn lại cho người tôi tớ và quay về phía Phierơ, Ngài bảo ông rằng Ngài có thể sai mười hai đạo thiên sứ đến bảo vệ Ngài. Chắc chắn rằng Chúa Giêxu không phải là không có khả năng tự vệ. Ngài có lẽ đã có thể hành động cách công bình nghịch cùng những người nổi lên nghịch cùng Ngài. Chắc chắn Ngài không buộc phải lên thập tự giá hay chịu khổ nhiều hơn. Chắc chắn Ngài có thể nâng cao ngôi nước Ngài ngay trong lúc đó và hủy diệt những kẻ hành động không công bình và đem họ vào sự phán xét và thạnh nộ đời đời của Đức Chúa Trời. Thế nhưng Chúa Giêxu đã chẳng hành động như thế. Ngài dừng tay mình lại. Ngài biết rằng sự công bình sẽ được tỏ ra nhưng nó sẽ được tỏ ra trong thời điểm của Đức Chúa Trời. Thế nhưng hiện nay là ngày cứu rỗi. Hiện nay là ngày bày tỏ sự thương xót hầu những kẻ trông thấy sự thương xót có thể ăn năn và cúi mình trước mặt Vị Vua chân thật. Sự sẵn sàng chịu khổ của Đấng Christ làm nổi bật sự công bình của Ngài. Nó cũng làm nổi bật sự bất công của những kẻ cứ giơ tay chống đối Ngài.
Chúng ta nhìn thấy phản ứng của Saulơ: Ông hoàn toàn chết lặng đi khi nhìn thấy Đavít. Đavít đứng trước mặt ông với mảnh áo của Saulơ trong tay. Ông kinh ngạc quá đỗi. Chúng ta cũng kinh ngạc khi nhìn thấy phản ứng của Saulơ. Ông gọi Đavít là "con ta". Sau mọi điều ông đã đối cùng Đavít, giờ đây ông gọi Đavít là "con ta". Chúng ta thấy Saulơ khóc. Chúng ta tự hỏi "Liệu nước mắt của Saulơ có chân thật không? Liệu giờ đây ông có thật sự nhìn thấy cung cách ghê tởm của mình, cung cách tội lỗi của mình trước mặt Đức Chúa Trời và xưng tội mình trước mặt Đức Chúa Trời, ăn năn tội quỳ gối trước Đavít, vị vua thật của Ysơraên không?" Chúng ta còn ngạc nhiên hơn bởi ông sẵn sàng xưng nhận tội mình và tuyên bố sự công bình của Đavít và công bố rằng Đavít thật sự vô tội trước những lời buộc tội ông. Saulơ nói: "Con thật công bình hơn cha". Ông nhận ra tội lỗi mình khi đứng trước Đavít công bình. Ông còn nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời ở cùng Đavít. Rồi chúng ta bước đến sự kinh ngạc lớn nhất, ấy là lần đầu tiên Đavít nghe từ miệng Saulơ rằng Saulơ biết Đavít sẽ là vua. Saulơ biết rằng ngôi nước sẽ được vững lập trong tay Đavít. Đã biết thế tại sao ông còn khăng khăng theo đuổi sự gian ác mình? Ông biết rằng Đavít sẽ làm vua. Ông biết rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho tay Đavít. Saulơ có vẻ ăn năn. Ông kêu xin sự thương xót của Đavít. Ông kêu xin Đavít chớ hủy diệt dòng dõi ông. Đavít hứa rằng ông sẽ chẳng hủy diệt dòng dõi Saulơ. Ông lập lời thề cùng Saulơ.
Chúng ta nhìn thấy điều gì từ câu chuyện này? Chúng ta cần hiểu rằng hiện nay là ngày cứu rỗi. Chúng ta phải đầu phục Đấng ngồi trên ngai Đavít hầu chúng ta không phải bị hủy diệt. Chúng ta phải hiểu rằng sự công chính, cánh tay Ngài, sự thạnh nộ Ngài chờ đợi trong một lúc nhưng thật sự nó sẽ hành động. Giờ đây cánh tay Ngài còn dừng lại. Ngài kiên nhẫn chờ đợi hầu không ai phải hư mất (2Phierơ 3). Chắc chắn Đức Chúa Trời muốn nhìn thấy người ta trở lại cùng Ngài với tấm lòng ăn năn chân thật. Theo khúc Kinh Thánh nầy chắc chắn rằng Saulơ đã được ban cho cơ hội quỳ gối xuống trước mặt Đavít nhưng chúng ta sẽ đọc thấy rằng sự ăn năn của Saulơ là không chân thật. Sự ăn năn của ông hết sức ngắn ngủi mà thôi. Rồi ông sẽ lại cầm gươm nghịch cùng Đavít. Thưa dân sự Đức Chúa Trời, xin cho sự ăn năn của chúng ta không giống như Saulơ. Xin cho chúng ta ăn năn chân thật khi chúng ta nhìn nhận và chứng kiến sự nhân từ của Đức Chúa Trời trong sự ban cho chúng ta một vị vua, là Đấng tỏ bày lòng nhân từ cùng chúng ta. Amen.
Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì chúng con nhìn thấy sự thương xót Ngài thể hiện qua tôi tớ Ngài là Đavít. Chúng con có thể thấy rằng khi Đavít thể hiện lòng thương xót đối với Saulơ, Đức Chúa Trời thi hành sự công bình Ngài ngay trong giây phút đó nhưng cũng bày tỏ lòng thương xót Ngài mà kêu gọi Saulơ ăn năn. Chúng con cầu xin rằng ngày nay khi chúng con được kêu gọi ăn năn, chúng con cũng quỳ gối xuống trước Đấng Christ, hầu việc Ngài như Vị Vua chân thật duy nhất của chúng con. Xin cho chúng con ăn năn thật, nhìn nhận tội lỗi chống nghịch của chúng con đối cùng Ngài. Xin cho chúng con quỳ gối trước Tôi Tớ trung tín Ngài là Chúa Giêxu Christ. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)