ĐAVÍT VÀ GÔLIÁT
(1Samuên 17:1-58)
Tháng Chín 2005
Kính thưa quí hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Chắc ai trong chúng ta cũng nhận rằng đây là một trong những câu chuyện được yêu thích nhất trong Kinh Thánh. Thật là thú vị khi đọc câu chuyện của Đavít và Gôliát, về chiến thắng của Đavít trên con người giềnh giàng kinh khủng này. Câu chuyện lôi cuốn chúng ta từ đầu chí cuối. Đây chắc hẳn là một trong những câu chuyện quen thuộc nhất của Kinh Thánh. Chúng ta biết có nhiều người không thuộc trong nhà thờ vẫn có thể quen thuộc với phần Kinh Thánh này. Nó đã trở thành câu chuyện về nổ lực của một anh chàng nhỏ bé chiến đấu cùng những người to khỏe hơn mình. Nhiều người cho rằng ý tưởng đạo đức của câu chuyện này là: đôi khi những người nhỏ bé cũng chiến thắng, đôi khi những người có vẻ như không có cơ may nào chiến thắng cũng có thể giành được phần thắng nếu anh ta có đủ đức tin. Một cách giải thích thường thấy về phần Kinh Thánh 1Samuên 17 về cuộc chiến giữa Đavít và Gôliát là: cũng như Đavít chiến đấu và giết được Gôliát của mình vì ông có đủ đức tin, chúng ta, nếu có đủ đức tin, cũng có thể diệt được Gôliát của chúng ta, nghĩa là vượt qua được những tranh chiến của riêng chúng ta.
Chúng ta thấy cách hiểu này và cả cách hiểu của thế gian về phần Kinh Thánh này đã đánh mất đi sứ điệp trọng tâm mà phần Kinh Thánh này muốn mang đến cho chúng ta. Sứ điệp này vĩ đại hơn vấn đề người yếu đắc thắng kẻ mạnh. Nó lớn hơn vấn đề chúng ta tìm kiếm một bài học đạo đức để đắc thắng những thách thức của đời sống bởi đức tin nơi Đức Chúa Trời dù ý tưởng đó không hoàn toàn ngoài lề trong đoạn Kinh Thánh này nhưng nó vẫn không là ý chính. Câu chuyện này không tập trung vào tấm gương đức tin của Đavít mà vào sự cung ứng của Đức Chúa Trời ban cho một vị cứu tinh cho dân Ysơraên, một vị cứu tinh để giải cứu dân sự Ngài khỏi sự giam cầm, một vị cứu tinh tiêu diệt kẻ thù của dân sự Ngài và dẫn dắt họ đến sự phục sự Đức Chúa Trời cách trung tín. Vị cứu tinh mà chúng ta đọc thấy trong 1Samuên 17 sẽ không giống như những vua của đời này. Vị cứu tinh đó hoàn toàn khác biệt với họ. Vị cứu tinh đó sẽ không phải là một vua như mọi vua khác mà là một vua theo lòng Đức Chúa Trời. Vị vua này sẽ là vị vua báo trước cho sự đến của một Vua vĩ đại hơn: Vị Vua, Đấng Cứu Tinh vĩ đại nhất, là chính Chúa Giêxu. Vì thế, đoạn Kinh Thánh cuối cùng dẫn dắt chúng ta đến con vua Đavít, cuối cùng là chính Chúa Giêxu. Chúng ta sẽ xem xét đoạn Kinh Thánh này và câu chuyện của Đavít và Gôliát trong ánh sáng đó.
Đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta có thể chỉ ra nhiều điểm thú vị. Tôi sẽ nhấn mạnh một số điểm nhưng ngoài ra còn nhiều điểm khác đáng cho chúng ta học hỏi và là những chi tiết thú vị đóng góp vào ý tổng quát của sứ điệp. Chúng ta thấy trong đoạn Kinh Thánh này là hai quân đội dàn trận sẵn sàng chiến đấu. Hai quân đội này đang tập họp trên hai ngọn núi, bên này là quân Ysơraên và bên kia là quân Philitin còn ở giữa là một thung lũng. Thung lũng này có thể gọi là vành đai trắng chia cách giữa hai đạo quân đông đảo đang sẵn sàng giao chiến này. Trận chiến sắp diễn ra này nghịch cùng một trong những kẻ thù khét tiếng của dân Ysơraên: dân Philitin. Thật thú vị khi để ý mối tương quan giữa đoạn Kinh Thánh này và đoạn 14. Đoạn 14 cũng ghi lại một cuộc chiến tương tự như thế với cùng kẻ thù này: cuộc chiến giữa Saulơ và quân Philitin. Khi ấy quân của Saulơ chỉ còn vỏn vẹn sáu trăm người. Saulơ cứ ở trên đồi, quá sợ hãi không dám chiến đấu. Giônathan và người vác binh khí của mình đã đi lên chiến cự cùng quân Philitin. Họ nhận ra rằng đây là những người không chịu cắt bì, không thuộc trong giao ước và Đức Chúa Trời sẽ đánh bại chúng. Đức Chúa Trời không quan tâm đến việc chúng ta có một đội quân đông đảo hay không! Đức Chúa Trời sẽ đắc thắng! Thế thì câu chuyện này ít nhiều nhắc lại câu chuyện mà chúng ta đã đọc trước đây. Họ đang chiến đấu với cùng một kẻ thù và khung cảnh tại đây xem chừng cũng không kém phần ảm đạm.
Khi mới đọc 3 câu đầu, chúng ta không có ấn tượng rằng câu chuyện này sẽ có gì đặc biệt. Dường như có hai đội quân tương đối ngang sức dàn trận nghịch với nhau. Cho đến câu 4, chúng ta đọc thấy một dũng sĩ bước lên trước một đội quân thách thức đội quân kia cử ra một người đại diện nào đó để chiến cự. Hai người đại diện này sẽ chiến đấu và bất kể thành bại thế nào thì đội quân hai bên phải chấp nhận kết quả đó cho bên mình. Thế thì từ hàng ngũ quân Philitin bước ra một người giềnh giàng này. Người này cao sáu thước một gang, nghĩa là khoảng chín feet chín inch (gần ba mét). Đó là một người cao lớn đường bệ. Ai trong chúng ta khi đứng trước một người như thế cũng cảm thấy người đó thật oai nghi quá. Chỉ vóc dáng thôi cũng đủ khiến Gôliát trông oai nghi rồi. Thế mà đoạn Kinh Thánh còn nhấn mạnh cho chúng ta rằng hắn lại còn là một người mạnh sức. Hắn không chỉ đơn thuần là một người cao to mà dễ bị đánh ngã. Chúng ta nhìn thấy sức lực của hắn qua những quân trang của hắn. Cả người hắn mặc quân trang bằng kim loại. Sức nặng của những quân trang đó cũng đủ đè bẹp bất kỳ một người nào nhỏ bé hơn. Hắn trang bị đầy đủ quân trang nặng trịch. Tôi thấy rằng tại đây Gôliát được mô tả như là một thiết giáp biết đi vậy! Tay hắn cầm một cây lao dài như cây trục của thợ dệt cửi và mũi của nó nặng sáu trăm siếc-lơ. Đây cũng là một vũ khí rất nặng, rất bệ vệ trước mắt người ta. Đi cùng với hắn là người vác binh khí. Thế thì Gôliát không ra trận một mình. Hắn có một người đứng cạnh vác khiên cho hắn. Đây là người mà quân Philitin sai phái hầu thách thức dân Ysơraên tìm một người bình thường trong số mình dám ra chiến cự cùng hắn. Gôliát bước ra khu vực vành đai trắng và bắt đầu thách thức dân Ysơraên ra đấu tay đôi.
Điều đầu tiên chúng ta nhận thấy là chủ đề trong đoạn 16 được nhắc lại. Chủ đề được đề cập đến trong đoạn 16 là: "Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giêhôva chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giêhôva nhìn thấy trong lòng." Khi chúng ta nhìn thấy Gôliát tại đây, hắn trông thật đường bệ, hình vóc cao lớn và sức mạnh phi thường. Tuy nhiên chúng ta không nên nhìn vào điều đó. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng chúng ta phải nhìn vào bên trong. Gôliát này sẽ sa bại vì hắn dấy lên nghịch cùng Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho chúng ta thấy vấn đề không giống như dáng vẻ bên ngoài của nó. Gôliát có vẻ đường bệ, vĩ đại. Tuy nhiên vóc dáng của hắn như tiêu tan hết khi hắn đứng cạnh một người ở về phía Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy hình ảnh của người khổng lồ Gôliát bị đảo ngược lại khi ra tay chiến đấu cùng một người có Đức Chúa Trời ở bên. Thế thì cuộc giao chiến không phải là nghịch cùng người khổng lồ Gôliát nữa mà Đavít là người có Đức Chúa Trời ở bên cuối cùng mới chính là "người khổng lồ" vì Đức Chúa Trời ở cùng ông.
Tuy nhiên, Gôliát tin rằng mình có được một lợi thế đặc biệt trong trận chiến này giữa dân Ysơraên và Philitin. Gôliát bước ra chế nhạo đội quân Saulơ. Hắn còn đưa ra điều kiện cho cuộc chiến sắp diễn ra, rằng kẻ thắng cuộc trong cuộc giao chiến giữa hắn và địch thủ sẽ có quyền bắt phu tù đội quân bên bại. Nói cách khác, trừ khi dân Ysơraên có thể tìm ra được người nào chiến thắng được Gôliát, Saulơ và đội quân của ông sẽ trở nên nô lệ của người Phillitin. Thế có nghĩa là dân Ysơraên sẽ bị trói buộc trong ách nô lệ. Điều này cũng giống như dân Ysơraên phải trở lại Êdíptô, xứ sở nô lệ giam cầm, nếu thất bại trước người Philitin. Câu 11 cho chúng ta thấy rằng Saulơ và đội quân của ông đang chùn bước sợ hãi. Họ không tin mình có thể cự địch và chiến thắng nổi nhân vật này. Họ không thể chiến thắng một người được mô tả là có dáng vóc hết sức mạnh mẽ. Một điều thú vị là đoạn Kinh Thánh này luôn mô tả Saulơ bên cạnh đội quân mình bởi Saulơ là đại diện của đội quân này. Ông là vua. Ông và bất kỳ người nào trong hàng ngũ Ysơraên phải đứng ra trước hàng ngũ mình sẵn sàng chiến đấu nhân danh quân đội mình để bảo vệ đạo binh của Đức Giêhôva chống cự cùng kẻ sỉ nhục đạo binh, không phải đạo binh của Saulơ, mà là của Đức Chúa Trời, như cách nói rất đúng của Đavít. Saulơ, với tư cách là người được xức dầu, phải đứng ra bảo vệ dân Ysơraên nhưng ông cùng với đội ngũ mình co rút lại đàng sau. Tại đây chúng ta tự hỏi: Ai sẽ đứng ra giải cứu dân Ysơraên? Chúng ta biết chắc một điều là người đó không phải là Saulơ!
Câu 12 một lần nữa giới thiệu cho chúng ta về Đavít và chúng ta có cảm giác ông sẽ là người hùng trong đoạn Kinh Thánh này. Ông là người sẽ xuất hiện như vị cứu tinh cho dân Ysơraên. Đây là người mà Samuên đã xức dầu làm vua dân Ysơraên. Chúng ta biết điều này rất rõ khi đọc qua sách Samuên và về sự xức dầu cho Đavít. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết cha ông đã cao tuổi không chiến đấu được nữa nhưng ba con trai lớn của ông thì đang có mặt nơi trận tiền với Saulơ. Điều thú vị là ba con trai này cũng là ba con trai được đề cập trong đoạn 16: ba con trai mà Samuên bởi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời bỏ qua mà khiến Đavít làm vua Ysơraên. Đoạn Kinh Thánh cho thấy rõ tại đây Đavít chỉ là một cậu bé chạy việc vặt đi tới lui ngoài mặt trận tiếp tế lương thực cho các anh và mang tin chiến trận về cho cha. Đavít chỉ là một cậu bé chạy việc vặt còn lúc không làm công việc đó Đavít chỉ là một cậu bé chăn chiên ngoài đồng. Đavít không xuất hiện như một chiến sĩ như chúng ta có thể trông đợi nơi một người giải cứu dân Ysơraên. Đavít chỉ là một cậu thiếu niên mà thôi. Cha Đavít chỉ sai ông ra nơi trận mạc mang theo bánh mì và bánh sữa. Một điều thú vị nữa là ở cách chơi chữ tại đây: Đavít đi từ thành Bếtlêhem. Bếtlêhem theo tiếng Hêbơrơ "bết" nghĩa là "nhà" và "lêhem" nghĩa là "bánh". Thế thì từ "nhà bánh" mang đến bánh để nuôi các anh Đavít. Điều này cũng thú vị khi liên hệ với Đấng Christ là Đấng ra từ Bếtlêhem gọi mình là "bánh hằng sống" cho chúng ta. Ngài là Đấng làm thỏa mãn sự đói khát của chúng ta.
Trong đoạn Kinh Thánh này Đavít đi đến các anh đặng mang bánh cho họ. Ông thấy quân Philitin và Ysơraên đang giữ khoảng cách bốn mươi ngày rồi. Suốt bốn mươi ngày buổi sáng và buổi chiều Gôliát cứ kêu la nhạo báng dân Ysơraên, thách thức họ cử được ai ra tranh chiến với hắn. Suốt bốn mươi ngày liền, Đức Chúa Trời đã bị nhạo báng trước mặt dân Ysơraên. Chúng ta tìm thấy khoảng thời gian bốn mươi ngày được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Kinh Thánh. Con số bốn mươi thường mang mối liên hệ với một giai đoạn thử thách. Chúng ta có bốn mươi năm dân Ysơraên ở trong đồng vắng, bốn mươi ngày mưa trong trận đại hồng thủy, bốn mươi ngày Chúa Giêxu ở trong đồng vắng trước khi chịu cám dỗ khi chính Ngài phải đối diện với ma quỷ và cuối cùng đắc thắng. Con số bốn mươi thường liên hệ với ý nghĩa của một giai đoạn thử thách và dân Ysơraên đã chịu đựng thử thách này bốn mươi ngày nay. Thế thì Đavít đến nơi tiền tuyến và tại đó ông nghe thấy những lời chế nhạo của tên khổng lồ. Đavít nghe thể nào Gôliát đang chế nhạo đạo binh của Đức Giêhôva. Ông nghe những lời công kích phát ra từ miệng Gôliát. Ông cũng nhìn thấy sự nhát sợ của dân sự mình khi đối diện với con người to lớn này. Không ai sẵn sàng đứng ra đối chọi với con người này. Đavít đã phản ứng như Giônathan trong đoạn 14. Câu trả lời của Đavít đối với dân Ysơraên có hai ý nghĩa. Ông nói rằng người Philitin này là người không chịu phép cắt bì. Qua đó, Đavít muốn nói rằng Gôliát không có mối tương quan trong giao ước với Đức Chúa Trời (câu 26). Ông nhận ra rằng sự việc sâu xa hơn nhiều điều mà những người khác trong dân Ysơraên đang suy tưởng. Ông nhìn thấy rằng có điều gì đó đang diễn ra tại đây vĩ đại hơn nhiều những gì đơn giản đang diễn ra bên ngoài và sức mạnh hiển hiện mà Gôliát này đang biểu dương. Ông nhận ra thế đứng thuộc linh của người khổng lồ này và ông nhận ra rằng người này đang thách thức Đức Chúa Trời của Ysơraên. Gôliát đang thách thức đạo quân của Đức Chúa Trời hằng sống. Làm sao hắn ta có thể làm thế mà không phải đương đầu với đội quân của Đức Chúa Trời được? Ông nhận ra rằng người Philitin không chịu cắt bì này không có Đức Chúa Trời ở cùng. Ông cũng nhận ra rằng dân Ysơraên đứng về phía Đức Giêhôva. Đavít nói với dân sự rằng Gôliát đang sỉ nhục đạo quân, không phải của Saulơ, mà của Đức Chúa Trời hằng sống. Đavít nhìn từ vương quốc trên đất này vào vương quốc thiên thượng. Ông hiểu rằng trận chiến này có ý nghĩa hơn nhiều một trận chiến trên đất thấp này. Ông nhận ra một yếu tố quan trọng mà tôi cho rằng cuối cùng khiến ông có thể giành chiến thắng: Ông nhận ra Đức Chúa Trời đang ở cùng ông. Đức Chúa Trời đứng về phía ông còn người khổng lồ thì đứng phía bên kia. Điều đó không có gì so sánh được.
Chúng ta thấy Êliáp, anh Đavít, xen vào. Êliáp thấy Đavít đi vòng quanh hỏi thăm câu chuyện. Đavít hỏi rằng người chiến thắng được tên khổng lồ Gôliát sẽ được gì. Êliáp có thể thấy bước ngoặc thật sự của Đavít. Đavít sẽ là người xung phong bước ra chiến đấu. Anh của Đavít xen vào. Có lẽ trước tiên chúng ta cho rằng Êliáp xen vào để bảo vệ đứa em tội nghiệp của mình, cho rằng Đavít còn niên thiếu không đủ sức đánh bại người khổng lồ mà mình muốn ra đối chọi. Có lẽ Đavít còn non trẻ không biết mình đang dấn thân vào điều gì nên Êliáp đang cố gắng bảo vệ đứa em nhỏ ngây thơ của mình. Tuy nhiên tôi không chắc tại đây câu chuyện có phải là như thế không. Êliáp quan tâm nhiều hơn đến cương vị của chính mình hơn là đến Đavít. Ông sợ rằng một ngày nào đó em trai mình sẽ hơn mình. Êliáp trở nên thủ thế mà bảo rằng Đavít không nên can dự vào một cuộc chiến của những người đàn ông trai tráng như ông. "Bọn ta là đàn ông trai tráng còn mầy chỉ là một thằng nhóc. Mầy không biết mầy đang xông vào điều gì. Mầy không nên can thiệp vào." Tuy nhiên, trong sâu thẳm ông đang quan tâm đến vị thế của mình. Như thế ông rất giống như Saulơ là người rất quan tâm đến vị trí của mình và đến sự đánh giá của người khác về mình. Chúng ta có thể nhìn thấy những hình ảnh tương tự như Saulơ ở chỗ khác nữa. Chúng ta còn nhớ trong đoạn 16 và sự chọn lựa Đavít mà không phải là Êliáp, tại đó Êliáp được mô tả như một người có hình vóc cao lớn. Chúng ta cũng biết Saulơ cũng cao lớn hơn mọi người khác trong dân Ysơraên một cái đầu. Chúng ta tự hỏi tại sao những người cao lớn này lại quá sợ hãi một người cao lớn khác như Gôliát. Họ chắc hẳn là cao lớn hơn Đavít rất nhiều.
Đoạn Kinh Thánh cũng cho chúng ta thấy rằng Êliáp tự cho rằng mình biết Đavít nghĩ gì trong lòng. Êliáp nói rằng: "Tao biết tánh kiêu ngạo và sự độc ác của lòng mày. Ấy đặng xem tranh chiến nên mầy mới đến." Êliáp tự cho rằng mình nhìn thấy trong lòng người khác. Nhưng Kinh Thánh nói gì? Kinh Thánh nói rằng: "Đức Giêhôva chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giêhôva nhìn thấy trong lòng." Êliáp có thật sự nhìn vào lòng Đavít và đọc thấy động cơ trong lòng Đavít không? Không, Êliáp không thể! Đó là đặc quyền của Đức Giêhôva. Ngài vừa khẳng định điều đó trong đoạn 16. Thế mà Êliáp đang chiếm lấy vị trí của Đức Chúa Trời. Một lần nữa điều này rất giống cung cách của Saulơ trong những đoạn trước. Ông tự cho rằng mình biết điều mà chỉ Đức Chúa Trời mới biết và tự quyết rằng Đavít ra trận chỉ vì sự vinh hiển của bản thân mình, rằng đó là lý do mà Đavít muốn tranh chiến cùng Gôliát. Đavít hỏi rằng: "Vậy, tôi có làm chi đâu?" "Tôi đã làm gì để khiến anh nghĩ vậy? Tôi đã làm gì tỏ ra sự kiêu ngạo và độc ác trong lòng tôi? Tôi có đi ra trận mạc vì sự vinh hiển của tôi chăng? Không, tôi đến đây để mang bánh cho các anh. Tôi đã làm gì khiến anh lý giải hành động của tôi như thế?"
Điểm cuối cùng tôi muốn nói về Êliáp và ba anh của Đavít mà tôi cho rằng thể hiện tấm lòng của họ được tìm thấy trong phần trước của đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay. Chúng ta tìm thấy tên Êliáp, Abinađáp và Sama trong câu 14, "Ba con trai cả của Ysai đã theo Saulơ." Điều này rất quan trọng bởi trong đoạn 16, chúng ta biết rằng cả ba người này đều có mặt khi Đavít được xức dầu làm vua. Thay vì đi theo Đavít và nhìn nhận chức vụ của ông, Êliáp, Sama và Abinađáp lại theo Saulơ. Tôi cho rằng điều đó ít ra cũng thể hiện tấm lòng của của họ tại thời điểm này: Họ đứng về phía Saulơ có lẽ vì chính họ bị Samuên bỏ qua và sự vinh hiển được ban cho em út của họ. Cũng có thể lòng kiêu ngạo ngăn trở họ không đầu phục vị vua thật của Ysơraên.
Sau đó Đavít được mang đến gặp Saulơ. Đavít công bố với Saulơ rằng ông sẵn sàng chiến đấu. Tôi đã nói trước đây rằng đáng lẽ Saulơ phải ra tay chiến đấu nhưng giờ đây đứng trước mặt Saulơ là một chàng thiếu niên. Saulơ nghi ngờ khả năng của Đavít. Ông nghi ngờ rằng Đavít không thể chiến đấu bởi Đavít không phải là một chiến sĩ mà chỉ là một chàng thiếu niên. Trong khi đó Gôliát lại lớn tuổi hơn và đã là chiến sĩ từ nhỏ. Làm thế nào Đavít lại mong chiến thắng được trận này? Thật ra Saulơ là người lẽ ra phải bước ra chiến đấu. Ông là một chiến sĩ. Ông đã chiến đấu từ nhỏ. Ông là người phải ra chiến đấu cùng Gôliát. Thế mà ông lại sẵn sàng sai Đavít ra chiến đấu. Saulơ nghe lập luận của Đavít. Đavít lập luận về khả năng của mình. Ông công bố đức tin của mình nơi Đức Chúa Trời. Đavít nói rằng ông đã chiến đấu với những thú dữ khi chúng đến đe dọa ăn thịt các con chiên. Đavít đã chiến đấu cùng gấu và sư tử và chiến thắng chúng. Đavít cho rằng kẻ thù này của dân sự Đức Chúa Trời cũng chẳng khác gì. Ông chẳng sợ hãi kẻ thù này hơn là những thú dữ. Ngoài ra, quan trọng hơn, ông nhận ra rằng chính Đức Chúa Trời, Đấng đã giải cứu ông ra khỏi móng vuốt sư tử, cũng sẽ giải cứu ông khỏi tay người Philitin này. Đavít đặt lòng tin nơi Đức Chúa Trời.
Saulơ hơi chán nãn khi nói đến tin cậy Đức Chúa Trời mà thôi, liền cho Đavít vào trại mặc giáp trụ của mình. Một lần nữa, điều Saulơ làm là tin cậy vào những quân trang mà ông mang ra trận chiến. Thế nhưng Đavít không cần những quân trang đó. Vấn đề chính xuyên suốt đoạn Kinh Thánh này là Đavít không giống như các vua của các dân tộc khác. Ông chẳng giống các vua của các dân tộc khác là những người mang lấy những quân trang, đặt lòng tin vào những ngựa, vua chúa và cỗ xe. Đavít không cần những sự đó bởi trận chiến của ông là nghịch cùng kẻ thù của Đức Giêhôva và Đavít có Đức Chúa Trời đứng về phía mình. Những quân trang quân cụ là những thứ bên ngoài mà thôi. Đức Chúa Trời không nhìn bề ngoài, Ngài nhìn xem bề trong và Đavít có điều đó. Đavít có tấm lòng theo Đức Chúa Trời. Đavít nói rằng: "Đức Giêhôva không giải cứu bằng gươm hoặc bằng giáo". Ngài sẽ giải cứu bằng cách khác.
Một điều thú vị là Đavít cứ liên tục so sánh Gôliát với những dã thú, những gấu và sư tử. Khi cuối cùng Gôliát hỏi Đavít: "Ta há là một con chó nên ngươi cầm gậy đến cùng ta?" Câu trả lời của Đavít ngầm ý một lời đáp rằng "Phải, ngươi hẳn là một con chó. Ngươi sẽ chết." Vì thế, sau khi Gôliát đe dọa sẽ cho thịt Đavít cho dã thú ăn, Đavít đáp lời lại rằng chẳng phải Đavít mà là Gôliát và đạo quân của hắn sẽ bị chim trời và thú vật ăn thịt. Gôliát trả lời bằng cách lấy danh thần mình rủa sả Đavít. Đavít lấy danh Đức Chúa Trời mình rủa sả Gôliát. Thần nào sẽ thắng? Đức Chúa Trời sẽ phán xét Gôliát vì Gôliát sỉ nhục Ngài. Đoạn Kinh Thánh khẳng định rằng cuộc chiến này là của Đức Chúa Trời. Trận chiến này không phải là của Đavít, không phải xoay quanh chính mình Đavít và đức tin lớn của ông mà là trận chiến của Đức Giêhôva. Kẻ nào sỉ nhục Đức Chúa Trời, sỉ nhục hội thánh Ngài, rủa sả đạo quân Ngài chắc chắn sẽ phải ngã gục. Đavít biết rằng có một cuộc chiến cao hơn đang diễn ra giữa Đức Chúa Trời và kẻ thù Ngài. Ông biết rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu dân sự Ngài. Đức Chúa Trời sẽ đến lấp vào sự chênh lệch và chiến cự cho ông. Đavít tin cậy Đức Chúa Trời. Trên phương diện này chúng ta tin rằng Đavít là hình bóng của Đấng Christ. Trận chiến này của Đavít tương tự như cuộc tranh chiến của Đấng Christ. Đây là cuộc tranh chiến không phải nghịch cùng thịt và huyết bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, là cuộc chiến giữa Đấng Christ và vương quốc Satan. Cuộc chiến đó được hình dung nên trong đoạn Kinh Thánh này: Cuộc chiến giữa Đavít với Gôliát, đại diện cho vương quốc mờ tối và thế lực của nó. Chúng ta có thể thấy cuộc chiến đó được phô bày ra đặc biệt trong sách Khải Huyền khi Satan và đạo quân của nó sỉ nhục, chế nhạo dân sự Đức Chúa Trời, khi chúng tìm cách hủy diệt dân sự Đức Chúa Trời để cầm buộc họ trong vòng nô lệ một lần nữa. Satan và thế lực nó sẽ không chiến thắng được.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)