GIÔNATHAN ĐỐI CHẤT VỚI SAULƠ
(1Samuên 19:1-10)
Tháng Mười Một 2005
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Những lần trước chúng ta đã được học về mối liên hệ giữa Saulơ và Đavít. Mối quan hệ đó cứ ngày một xấu đi. Cái khởi đầu khi Saulơ yêu mến chàng trai trẻ chăn chiên từ làng Bếtlêhem giờ đây đã trở nên những thủ đoạn vô liêm sỉ hòng cất mạng Đavít đi. Chúng ta rất cần biết sự sa sút trong quan hệ giữa Saulơ và Đavít là sự sa sút từ một phía. Đây là điều được lặp lại rõ ràng trong đoạn Kinh Thánh 1Samuên 19 của chúng ta hôm nay. Đavít không làm gì gây thù oán hay trêu tức Saulơ cả. Ông là một tôi tớ trung thành lý tưởng. Ông chẳng làm gì trêu chọc Saulơ cả. Ông đã giành chiến thắng cho Saulơ. Ông đã chẳng làm gì khiến Saulơ phải căm ghét ông. Tuy nhiên lòng căm ghét của Saulơ đối với Đavít ngày càng gia tăng xuyên suốt những đoạn Kinh Thánh này và sự hận thù của ông đối với Đavít tiếp tục gia tăng theo sự nhận biết được rằng Đavít là người được Đức Chúa Trời xức dầu và là người sau cùng sẽ nhận lãnh ngôi nước của Saulơ. Đavít là người Đức Chúa Trời đã chọn lựa để thay thế Saulơ. Càng ý thức được sự thật này Saulơ càng căm ghét Đavít hơn. Saulơ chẳng hề tỏ ra mảy may gì rằng ông sẵn sàng để mất ngai vàng mà đầu phục vị vua mà Đức Chúa Trời đã chọn lựa thay thế mình. Thay vào đó, chúng ta được biết ngày càng hơn về sự cứng lòng của Saulơ đối cùng Đức Chúa Trời và người được Ngài xức dầu.
Khi nhìn vào Saulơ, chúng ta thấy một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với con trai ông là Giônathan. Khi Giônathan ngày càng nhận rõ vị trí của Đavít, thay vì chống nghịch thẩm quyền của Đức Chúa Trời, ông sẵn lòng quỳ gối xuống trước ý chỉ của Đức Chúa Trời mà từ bỏ quyền nối ngôi của mình. Chúng ta nhìn thấy điều này trong đoạn 18 khi Giônathan trao cho Đavít áo, gươm và cung mình. Ông sẵn sàng mặc nhận cương vị làm vua của Đavít. Phản ứng của ông hoàn toàn trái ngược với cha mình. Lòng yêu mến của ông đối với Đavít càng gia tăng khi ông ngày càng nhận thấy sự làm việc của Đức Chúa Trời trên tôi tớ Ngài là Đavít.
Bước vào đoạn 19, Saulơ và Giônathan là hai nhân vật chính. Họ là trung tâm của câu chuyện. Vấn đề tại đây là mối tương quan giữa Saulơ và Đavít. Giônathan muốn một lần nữa hàn gắn đôi bên. Ông muốn mang đến sự hòa giải cho mối quan hệ đã bị phân rẽ bởi hành động của Saulơ. Ngay từ đầu đoạn 19, chúng ta nhìn thấy một sự thay đổi trong thái độ của Saulơ đối với Đavít. Lòng căm tức và ước muốn giết Đavít trong Saulơ đã trở nên khá công khai. Những sự kiện diễn ra trong những đoạn trước có thể được lý giải theo cách khác: Khi Saulơ phóng giáo vô vách, ông làm thế vì đang trong cơn sốt hoảng. Ông còn có thể lấy cớ là vì mình đang bị buồn bực hay bị ác thần khuấy khuất. Hay trong âm mưu giết Đavít thực hiện trong cuộc hôn nhân giữa Đavít và Micanh, điều đó cũng được thực hiện cách kín dấu bởi chính tay Saulơ mà không bởi sự hỗ trợ của người khác. Saulơ còn che dấu ước muốn giết Đavít mà hy vọng rằng cuối cùng người Philitin sẽ thực hiện hành vi đê tiện này thay cho ông. Tuy nhiên khi đến đoạn 19, chúng ta thấy sự việc không như thế nữa. Saulơ công khai thẳng thừng về ao ước muốn giết Đavít của mình. Ông không còn giữ kín ý muốn đó mà tỏ rõ ra. Saulơ cũng tranh thủ được sự hỗ trợ của người khác. Ông muốn Đavít chết đi và sẵn sàng bằng mọi giá đạt được điều đó. Saulơ thậm chí còn tranh thủ sự hỗ trợ của Giônathan. Có lẽ ông cho rằng Giônathan cũng giống ông, nghĩa là muốn giữ lấy quyền nối ngôi, ngôi vị hoàng tử, mà cuối cùng sẽ nhận lấy ngôi nước Ysơraên. Hoặc giả ông cho rằng Giônathan sẽ ưng thuận vì đây là ao ước của cha mình, rằng Giônathan sẽ chọn lựa vâng lời cha mình hơn là tình bạn thân mến với Đavít. Saulơ tin cậy vào sự trung thành của Giônathan đối cùng mình.
Dù sự thật là thế nào đi nữa, Giônathan thật sự rối lòng về tiến triển gần đây của cha mình. Như chúng ta đã đọc trong những phần Kinh Thánh trước, Giônathan yêu mến Đavít. Ông không muốn thấy kế hoạch của cha mình thành công. Ông muốn Đavít trốn đi. Chúng ta thấy sự tương phản giữa Saulơ và Đavít trong đoạn Kinh Thánh này, nhấn mạnh trong câu 1. Kinh Thánh cho chúng ta biết Giônathan "rất thương yêu Đavít". Tại đây trong nguyên ngữ Hy bá lai cũng dùng một từ như trong 1Samuên 18:22 khi Saulơ bảo các tôi tớ mình nói với Đavít rằng "vua lấy làm đẹp lòng ngươi." Chúng ta thấy có sự chơi chữ tại đây giữa hai đoạn Kinh Thánh này. Trong lời lẽ, Saulơ nói rằng mình đẹp lòng Đavít mâu thuẫn với tham vọng thầm kín của ông và hành động của ông. Thế nhưng lời nói không thành lời của Giônathan được tỏ ra rõ ràng trong tình thương mến tỏ tường của ông dành cho Đavít và bởi hành động của Giônathan đối cùng Đavít. Giônathan thật sự thương yêu Đavít. Saulơ không hề yêu thương Đavít.
Đoạn Kinh Thánh cũng nhấn mạnh mối tương quan quen thuộc giữa Giônathan và Saulơ thu hút sự chú ý của độc giả vào điểm này. Đọc đến đoạn 19, chúng ta không thấy có điều gì mới mẻ về Saulơ và Giônathan. Chúng ta đã biết Giônathan là con trai Saulơ. Không cần nhắc lại điều đó cho chúng ta. Tuy nhiên chúng ta thấy mối quan hệ quen thuộc này được nhấn mạnh lại nhiều lần. Trong 4 câu, mối quan hệ cha con giữa Saulơ và Giônathan được đề cập đến 6 lần. Câu 1: "Saulơ bàn tính cùng Giônathan, con trai mình" "nhưng Giônathan, con trai của Saulơ, rất thương yêu Đavít". Câu 2: "Saulơ, cha tôi, tìm giết anh... Tôi sẽ đi ra đứng gần bên cha tôi nơi ruộng anh sẽ ẩn, và nói về anh cùng cha tôi." Câu 4: "Giônathan nói binh Đavít cùng Saulơ, cha mình." Chúng ta ai nấy đều biết mối quan hệ này nhưng tại sao người chép đoạn Kinh Thánh này lại nhấn mạnh điều đó? Mối quan hệ này nhấn mạnh Giônathan đang ở trong sự ràng buộc khi ông đứng giữa hai người Saulơ và Đavít. Giônathan bị đứng trong cái thế phải chọn lựa giữa cha mình và bạn yêu dấu mình, cũng là người được Đức Chúa Trời xức dầu, là Đavít. Giônathan phải làm gì trong tình huống đó? Rõ ràng là Saulơ trông đợi mối quan hệ cha con này dẫn đến sự hiệp nhất và trung thành của con trai mình. Giônathan biết rõ cha mình sai, rằng hành động của Saulơ đối cùng Đavít rõ ràng là tội lỗi. Giônathan bị giằng xé giữa tình thương đối với cha và tình thương đối với Đavít. Hy vọng duy nhất của ông là nhìn thấy đôi bên giảng hòa với nhau. Xuyên suốt đoạn Kinh Thánh này khi bị giằng xé giữa mối quan hệ với cha và với Đavít, lòng trung kiên chân thật và sâu sắc nhất của Giônathan đối cùng Đavít thể hiện thật rõ rệt. Đọc đoạn Kinh Thánh này, chúng ta có cảm giác rằng nếu cần ông sẽ từ bỏ cha mình, bỏ đi ngai vàng để bảo vệ Đavít khỏi tay cha mình.
Tại đây rất thích hợp cho chúng ta chỉ rõ ra rằng Đavít là hình bóng của Đấng Christ và đây cũng là điều mà Đấng Christ trông đợi ở dân sự Ngài. Mathiơ 10:34-39 chép: "Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo. Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình. Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta; ai không vác thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được." Chúng ta thấy trong cuộc đời của Giônathan, câu nói này của Chúa Giêxu được làm trọn một cách trọn vẹn. Giônathan và Micanh về cơ bản phải khước từ cha mình vì Saulơ khước từ Đavít là người được Đức Chúa Trời xức dầu. Giônathan phải đặt người được Đức Chúa Trời xức dầu lên cao nhất trên đời sống mình. Ông phải đặt sự cam kết mình với Đức Chúa Trời lên trên sự cam kết của ông đối với cha mình. Chúng ta thấy ông thể hiện ra điều đó trước Đavít. Đây cũng là thái độ cần có của chúng ta trong mối tương giao với Đấng Christ. Đấng Christ là trước tiên và trên hết.
Giônathan đi ra với Đavít và cảnh báo Đavít về sự đe dọa của cha mình trên mạng sống Đavít. Ông cảnh báo Đavít về mối đe dọa này đặc biệt là cho đến sáng. Điều đó cũng hàm ý rằng Saulơ đã có sẵn một âm mưu giết hại Đavít ngay đêm hôm đó. Việc đó khiến Giônathan phải đi ra bảo Đavít chạy trốn. Chắc chắn Saulơ nhìn thấy việc cảnh báo cho Đavít này là hành động phản quốc. Tại đây Giônathan đang hẹn gặp và tiếp tay với kẻ thù của vua bằng cách bảo vệ kẻ thù đó khỏi bị cha mình giết chết. Chúng ta thấy rõ rằng Giônathan không hề có chút ác ý với cha mình. Ông không hề thể hiện sự giận dữ nào. Thay vào đó, ông ao ước rằng Saulơ và Đavít giảng hòa với nhau. Ông sắp đặt một kế hoạch với mục đích đó. Ông bảo Đavít đi trốn trong đồng ruộng tại một nơi kín đáo. Ông bảo rằng khi đó ông sẽ đưa cha mình ra nơi ruộng và đứng cạnh đó. Nếu dừng lại tại đây, chúng ta có thể cảm giác rằng đây là đoạn khởi đầu của một âm mưu ám hại vua. Và có lẽ như thế cũng thích đáng bởi Đavít là người bị Saulơ tìm giết, Đavít chẳng có quyền tự vệ bằng cách giết đối thủ mình sao? Tuy nhiên sự việc không phải thế. Ông không hề muốn ám sát vua. Đavít thật sự có cùng ao ước như Giônathan là được giảng hòa với vua Saulơ. Giônathan rõ ràng không mong muốn cha mình bị diệt. Ông chỉ muốn hòa bình. Đó là mục tiêu của cả Đavít và Giônathan. Giônathan muốn Đavít có mặt tại đó để quan sát phản ứng của cha mình khi Giônathan nói chuyện với Saulơ về Đavít.
Trong câu 4 chúng ta được thuật lại về cuộc đối thoại trong đồng ruộng đó vào ngày hôm sau, trước mặt Đavít đang ẩn mình. Giônathan nói chuyện với cha mình về Đavít. Điều này rõ ràng là một chuyện khác thường vì chúng ta thấy xuyên suốt sách Samuên, Giônathan được mô tả như là một người không hay trò chuyện với Saulơ. Không phải là Giônathan không bao giờ nói chuyện với Saulơ nhưng khi chúng ta đọc qua những phân đoạn Kinh Thánh, chúng ta thấy có một sự tránh né giữa Giônathan và Saulơ. Trong suốt đoạn 14 và 15, Giônathan không trò chuyện với Saulơ và điều đó được làm rõ trong suốt những đoạn Kinh Thánh đó. Thế nhưng tại đây Giônathan lên tiếng hầu làm trung gian giữa Saulơ và Đavít.
Giônathan lên tiếng như lời quở trách yêu thương đối với cha mình. Chúng ta thấy chữ "phạm tội" được lặp lại ba lần trong câu 4, hai lần khi nói đến hành động của Saulơ đối với Đavít và một lần nói rằng Đavít không phạm tội gì. Sự trái ngược giữa Đavít và Saulơ được đưa ra rất rõ ràng trong suốt đoạn Kinh Thánh này. Cả phần đầu và cuối lời nói của Giônathan, Saulơ được nêu lên như là kẻ phạm tội, còn ở giữa chúng ta thấy Đavít được đề cập đến như một người không phạm tội gì, không làm điều gì sai quấy. Đoạn Kinh Thánh muốn nhấn mạnh rằng Đavít vô tội. Giônathan chỉ cho Saulơ thấy hành động của Saulơ như thế là phạm tội. Giônathan bảo Saulơ rằng giết Đavít như vậy là giết người vô tội, là một chuyện trái công lý, làm ô danh Đức Chúa Trời. "Điều cha muốn làm đó là hoàn toàn sai trật. Xin cha đừng thực hiện hành động gian ác là giết Đavít nữa." Giônathan cáo trách Saulơ, kêu gọi Saulơ ăn năn và hướng đến giảng hòa. Hơn nữa, Giônathan cũng nói rằng hành động đó là không công bình bởi Đavít chưa bao giờ phạm tội cùng Saulơ.
Thật ra, khi nhìn vào đời sống phục vụ của Đavít, chúng ta không thể nói gì khác hơn là Saulơ đã được Đavít đối đãi tử tế. Đavít đã chẳng làm gì sai. Không những thế, ông còn làm mọi việc phải lẽ nữa. Ông đã giải cứu dân Ysơraên khỏi Gôlíat bởi năng quyền và ơn phước của Đức Chúa Trời. Rõ ràng Đức Chúa Trời ở cùng Đavít và giải cứu ông khỏi sự hủy diệt chắc chắn. Tại sao Saulơ, cha Giônathan, lại mong muốn cất đi mạng sống của một người đã cư xử thật tốt với ông, người đã phục vụ ông rất tận tụy và không hề phạm tội gì? Giônathan trình bày với Saulơ rằng cơn giận của ông đối với Đavít là không có lý. Đavít đã chẳng làm gì sai quấy cả. Hơn nữa, Đavít luôn làm đúng. Saulơ phải đối diện với một lập luận mạnh mẽ. Saulơ còn nói được gì đây để đáp lại lời đó? Liệu Saulơ có thể chối bỏ sự tốt lành của Đavít không? Liệu ông có thể chỉ ra điều gì sai quấy của Đavít không? Không hề! Liệu Saulơ có thể nói rằng Đức Chúa Trời không ở cùng Đavít không? Không! Ông không thể! Liệu ông có thể nói Đavít đã làm quấy đối với ông trong việc cố giành ngôi của ông hoặc xử sai trật với ông trong điều gì không? Không! Đavít không hề phạm lỗi gì. Kết án tử cho Đavít là việc hết sức bất công. Saulơ bị con mình đối chất mà không thể đáp lại. Saulơ còn nói được gì nữa? Ông chỉ có thể đáp rằng ý muốn giết Đavít của ông đơn giản chỉ là để phục vụ chính bản thân mình, là ích kỷ để bảo vệ ngôi báu của mình khỏi rơi vào tay một người thậm chí chưa bao giờ tỏ ra ý muốn theo đuổi điều đó. Saulơ có thể đáp lời sao đây với con trai Giônathan của mình ngoại trừ nhìn nhận rằng mình đang chống nghịch Đức Chúa Trời và người được Ngài xức dầu? Ông sẽ chẳng chấp nhận điều đó với Giônathan đâu!
Lập luận của Giônathan cho Đavít cũng có thể được áp dụng cho Đấng Christ. Chúng ta có thể gãi đầu bứt tóc tự hỏi tại sao thế gian lại căm ghét Đấng Christ đến thế? Tại sao những người Pharisi lại muốn kéo Ngài đến tòa án và ném Ngài vào ngục? Tại sao họ lại muốn Ngài chết đi? Chẳng phải Chúa Giêxu đã giải cứu nhiều người ngay giữa vòng họ sao? Chẳng phải Ngài đã làm mọi điều tốt đẹp sao? Chẳng phải Ngài đã chữa lành nhiều người bệnh, mở mắt kẻ mù, kêu kẻ chết sống lại sao? Người Pharisi tìm thấy điều gì sai quấy ở Ngài? Ngài đã làm điều gì gọi là phạm tội cùng họ chăng? Ngài thậm chí cũng không màng đến việc lấy đi tước vị của họ. Thế mà người Pharisi căm ghét Chúa Giêxu và muốn Ngài chết đi.
Ngày nay cũng thế, nhiều người cũng ghét Đấng Christ. Người ta ghét Đấng Christ bởi họ biết họ phải đầu phục Ngài trọn vẹn. Đấng Christ đã chẳng làm gì sai trật cả. Thật ra, như Giônathan lập luận, mọi điều Ngài làm đều là đúng cả. Ngài đã làm mọi sự phải lẽ. Ngài đã mang sự cứu rỗi cho chúng ta. Ngài đã giải cứu chúng ta. Ngài đã cứu chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi. Liệu chúng ta có lý cớ nào để nói rằng chúng ta muốn Ngài ra khỏi cuộc đời chúng ta? Đấng Christ là Đấng giải cứu chúng ta. Chúng ta phải yêu mến Ngài.
Giônathan lập luận với cha mình với ao ước mang lại sự giảng hòa giữa đôi bên. Khi xem xét vai trò trung gian của Giônathan, tôi tin rằng vai trò đó tương tự với vai trò của chúng ta là chứng nhân Tin Lành của Đấng Christ ngày nay. Ngày nay khi đi ra làm chứng chúng ta nhắm vào mục tiêu gì? Chúng ta nhắm vào mục tiêu là mang lại sự giảng hòa giữa hai bên đã bị xa cách: một bên bị căm ghét một cách vô lý bởi bên kia, một bên hoàn toàn có lỗi. Chúng ta sẽ làm gì khi đến với người ta và nói rằng họ đang sống trong tội lỗi và rằng họ không có lý do nào chống nghịch Đức Chúa Trời bởi Ngài đã giải cứu họ? Thay vì tức giận và muốn Đấng Christ chết đi, họ nên ao ước yêu mến Ngài và hầu việc Ngài. Đây là mục tiêu của chúng ta khi đi ra làm người trung gian giữa những người cha, người mẹ, người anh em, người đồng nghiệp chưa tin và Đấng Christ. Chúng ta nhắm vào mục tiêu là mang lại sự giảng hòa giữa Đấng Christ và những người khước từ Ngài. Khi xem xét sự trung gian của Giônathan, trên nhiều phương diện chúng ta đang xem xét vai trò mà chúng ta được kêu gọi thực hiện ngày nay khi làm chứng cho Đấng Christ.
Câu 6 cho thấy Saulơ nói với Giônathan rằng Giônathan nói phải. Về cơ bản, Saulơ lắng nghe lời Giônathan. Ông không thể đáp lại gì. Ông phải nín lặng. Ông còn phải lập luận gì nghịch cùng Đavít nữa? Ông nói cùng Giônathan rằng "Ta chỉ Đức Giêhôva hằng sống mà thề, Đavít sẽ chẳng chết!" Câu nói này thật thú vị bởi nó rất tương tự với một lời thề mới đây của Saulơ về mạng sống của Giônathan trong 1Samuên 14: 39 rằng: "Ta chỉ Đức Giêhôva hằng sống, là Đấng giải cứu Ysơraên, mà thề rằng kẻ đã phạm tội, dẫu chính là Giônathan, con trai ta, cũng phải chết đi." Chúng ta đã biết Giônathan đã nếm mật, và theo lời thề của Saulơ ngày hôm đó, Giônathan có thể đã mất mạng. Saulơ đã nói ra lời thề đó trên cơ sở "Đức Giêhôva hằng sống." Trong đoạn 14, Saulơ chỉ mạng Đức Chúa Trời mà thề rằng Giônathan sẽ chết nhưng trong đoạn 19, ông cũng chỉ mạng Đức Chúa Trời mà thề rằng ông sẽ để Đavít sống. Trong cả hai trường hợp, chúng ta thấy Saulơ đều vi phạm lời thề của mình. Trong đoạn 14, ông vi phạm lời thề vì cớ dân sự. Trong đoạn 19, chỉ ba câu sau, chúng ta thấy ông ném giáo muốn đâm Đavít. Rõ ràng là sự sống của Đức Chúa Trời chẳng có ý nghĩa gì nhiều đối với Saulơ. Thật ra, khi liên hệ sự sống của Đức Chúa Trời với sự sống của Đavít, có lẽ chúng ta được cho thấy rằng khi Saulơ giơ giáo mình lên, ông mong muốn sự chết của cả hai: không chỉ là Đavít mà cả chính Đức Chúa Trời nữa.
Câu 8 và 9 cho chúng ta thấy không có sự biến chuyển gì. Saulơ đã chẳng thật sự ăn năn về hành động tội lỗi của mình đối cùng Đavít. Đavít vẫn còn trong mối đe dọa của lòng căm tức và thạnh nộ của Saulơ. Đavít đã hành động trong khả năng của mình như là người giải cứu cho dân Ysơraên một lần nữa. Đavít đã khẳng định lại điều Giônathan đã nói với Saulơ trước đó rằng ông đã chẳng làm gì đáng phải chịu sự thạnh nộ của Saulơ. Một lần nữa ông đối diện với kẻ thù của Ysơraên. Ông đã giáng một đòn dữ dội cho dân Philitin. Sau câu 8, đáng lẽ Saulơ phải đầy lòng biết ơn mà rằng: "Vâng, Giônathan, con nói đúng đó. Cha đã thấy Đavít là một người hoàn toàn tốt, chỉ làm những điều phải lẽ cho dân sự. Cha thấy rằng con thật là đúng khi cảnh tỉnh cha đừng giết Đavít." Tuy nhiên, liệu Saulơ có quan tâm đến số phận của dân Ysơraên hay kẻ thù của dân Ysơraên không? Không hề! Ông chỉ quan tâm đến kẻ thù của cá nhân mình và người đó chính là Đavít. Một lần nữa, ông tìm cách giết Đavít bởi một đòn dữ dội của chính tay mình. Cuối cùng Saulơ và Đavít vẫn không giảng hòa được bất chấp sự trung gian của Giônathan.
Tôi chắc rằng Giônathan đã phải thất vọng lắm. Chắc hẳn lòng Giônathan bối rối lắm. Chúng ta sẽ thấy điều đó ở phần sau khi một lần nữa Giônathan thể hiện lòng trung thành với Đavít trong đoạn 20. Khi xem chín câu Kinh Thánh này chúng ta cho rằng vai trò trung gian của Giônathan không thành công bởi cuối cùng ông không mang lại được sự giảng hòa giữa Saulơ và Đavít. Dầu vậy, việc làm của Giônathan trong phần Kinh Thánh này chắc chắn là đáng khen ngợi.
Công việc của hội thánh ngày nay cũng vậy, chúng ta không ao ước cho kẻ ác bị diệt vong và bị Đức Chúa Trời định tội. Chúng ta ao ước mang lại sự giảng hòa giữa Đức Chúa Trời và con người, sự giảng hòa chỉ có thể xảy ra khi con người quỳ gối xuống trước mặt Đấng Christ. Chúng ta ao ước mang người khác đến với Đấng Christ. Rõ ràng rằng suy cho cùng là việc làm của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chúng ta, những chứng nhân cho Đấng Christ, tìm cách rao giảng sứ điệp, tìm cách chia sẻ với người khác về sự nhân từ lớn lao của Đức Chúa Trời tỏ ra trong chính Đấng Christ, Chúa Cứu Thế của chúng ta. Ngài đã chẳng làm điều chi trái phép. Ngài đã làm mọi điều phải lẽ. Chúng ta đã được lợi ích từ đời sống của Đấng Christ. Vì thế chúng ta cần làm môn đệ Ngài. Đây là sứ điệp chúng ta mang ra cho thế gian hư mất. Chúng ta nhắc nhở họ rằng nếu họ còn chống nghịch Đấng Christ thì họ đang sống trong tội lỗi. Chúng ta nhắc nhở họ về ích lợi mà chúng ta có được bởi sự ban cho của Đấng Christ. Cuối cùng họ có đáp ứng với Ngài hay không, họ phải đáp lại Ngài bằng cách hoặc yêu mến Ngài hoặc căm ghét Ngài. Không có sự lựa chọn phân đôi, như đoạn Kinh Thánh hôm nay của chúng ta đã chỉ rõ: Hoặc chúng ta yêu mến Ngài, hoặc chúng ta căm ghét Ngài. Lòng hy vọng chân thành của chúng ta với tư cách là hội thánh và người trung gian rao giảng sứ điệp là nhìn thấy người khác được đến đầu phục Đức Chúa Trời và nhìn nhận công việc của Đấng chịu xức dầu Ngài. Amen.
Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cầu xin rằng như Giônathan làm trung gian cho Saulơ và Đavít, ao ước của ông là nhìn thấy sự giảng hòa giữa cha ông và người chịu xức dầu của Ngài, xin cho chúng con cũng đứng vững làm người chứng cho Tin Lành của Đấng Christ, nhắc nhở người khác về sự tốt lành của Đấng Christ, rằng Đấng Christ đã giải cứu chúng con khỏi tội lỗi và sự thống khổ, rằng Đấng Christ đã chiến thắng kẻ thù là sự chết. Xin cho chúng con, trong sự bày tỏ về sự thương xót của Đấng Christ, trong sự bày tỏ rằng căm ghét Đấng Christ là còn sống trong tội lỗi và cuối cùng phải chịu phán xét, có thể tìm gặp những tấm lòng sẵn sàng tiếp nhận, những tấm lòng được Ngài biến cải. Xin Ngài cũng mở mắt họ. Một lần nữa, chúng con cảm tạ Ngài vì cơ hội chúng con được học hỏi lời Ngài hôm nay mà bởi đó chúng con được học hỏi nhiều hơn về Đấng Christ và vương quốc Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)