Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Hãy Cho Chúng Tôi Một Vua - 11/2004  


HÃY CHO CHÚNG TÔI MỘT VUA!
(1Samuên 8:1-22)

Tháng Mười Một 2004

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Với đoạn 8 chúng ta bắt đầu một phần mới trong sách 1Samuên. Phần 1 bao gồm những đoạn từ 1 đến 7 như chúng ta đã học. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu phần thứ 2 bao gồm các đoạn từ đoạn 8 đến đoạn 12. Chủ đề của phần này là việc xin một vua và sự ban vị vua đầu tiên cho dân Ysơraên.

Trong đoạn 7, chúng ta thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời đã trở lại cùng dân sự và thể nào Ngài hành động như Vị Vua trên dân Ysơraên mà ban cho họ chiến thắng trên dân Philitin. Ngài là Vị Vua toàn quyền tể trị của họ và Ngài hành động bày tỏ rằng Ngài thật sự là Vua của họ. Thế mà chẳng bao lâu sau dân Ysơraên bắt đầu kêu ca đòi một vua để cai trị họ, một vị vua cầm quân ra chiến đấu hầu họ cũng được giống như những dân tộc khác.

Phần Kinh Thánh từ đoạn 8 đến 12 này từ lâu đã làm cho những nhà giải kinh phải lúng túng. Nhiều nhà giải kinh cho rằng phần Kinh Thánh này chứa đựng những sứ điệp lẫn lộn . Điều này có nghĩa là trong những đoạn Kinh Thánh này có những phần dường như có xu hướng ủng hộ việc có vua trong dân Ysơraên, bên cạnh đó, nó cũng cho thấy một ý tưởng chống lại việc có vua rất rõ. Một số nhà giải kinh còn đi đến phân chia những đoạn này thành những thành phần nhỏ khác nhau, cho rằng có hai tác giả viết phần này: một người rất ủng hộ việc có vua và một người phản đối.

Điều này có thật vậy không? Phải chăng thật sự có một sự chia rẽ trong phần Kinh Thánh này đến nỗi không thể nhất trí với nhau được hay người ta chỉ tưởng tượng ra thế thôi? Có điều gì không ổn trong việc dân Ysơraên xin một vua đến nỗi khó giải quyết đến thế? Có điều gì tội lỗi trong đó đến nỗi họ phải bị quở trách nặng đến mức đó? Tại sao Đức Chúa Trời đã quở trách họ đến thế nhưng cuối cùng vẫn ban cho họ điều họ xin là một vua? Không có lý do nào hữu lý cho dân Ysơraên để muốn và xin Đức Chúa Trời ban cho họ một vua sao?

Hãy suy nghĩ trong chốc lát. Hãy nghĩ xem những lý do khả dĩ nào khiến dân Ysơraên muốn có một vua. Lý do đầu tiên thật rõ ràng khi chúng ta đọc những câu đầu của đoạn 8. Chúng ta có thể chỉ ra ngay nguyên nhân là hai con trai Samuên, Giô-ên và A-bi-gia. Thật ra khi dân Ysơraên đến trước Samuên xin một vua, họ đưa ra lý do này. Câu 5 nói, "Kìa, ông đã già yếu, còn các con trai ông lại chẳng noi theo gương của ông." Họ đưa ra cách sống tội lỗi của hai con trai Samuên làm một trong những lý do khiến họ muốn có vua. Kinh Thánh nói hai con trai này "xiêu lòng tham của, nhậm lấy hối lộ và trái lệch sự công bình." Vì thế họ không thích hợp cho chức vụ quan xét như Samuên đã làm. Hai người này, mang tên Giô-ên -nghĩa là Giêhôva là Đức Chúa Trời- và A-bi-gia -nghĩa là Đức Chúa Trời là Cha tôi- không sống đúng như tên của mình. Họ không đi theo Đức Chúa Trời. Họ làm mọi sự trái ngược với cái tên của mình. Họ không xứng đáng giữ chức vụ quan xét. Điều đáng chú ý ở đây là sự tương đồng rất rõ rệt giữa Samuên với hai con trai ông và Hêli cùng hai con trai Hêli. Tôi tin rằng Kinh Thánh ghi lại điều này một cách có chủ ý. Nếu thế thì các trưởng lão trong dân Ysơraên không có phép đến cùng Samuên nói rằng họ không muốn quay lại tình trạng của thời Hêli và hậu quả của một chức vụ tế lễ bại hoại sao? Đó chẳng phải là lý do hợp lý khiến dân sự muốn có một vua sao?

Chúng ta cũng có thể nêu ra Các Quan Xét đoạn 21 mà chúng ta đã học trước khi bước vào 1Samuên, câu 25 tóm tắt chủ đề của các đoạn cuối sách Các Quan Xét rằng, "Đương lúc đó, không có vua trong Ysơraên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải." Điều đó không hàm ý rằng việc có vua trong dân Ysơraên chẳng phải là điều tệ hại mà trái lại là điều tốt hay sao? Chẳng phải việc dân Ysơraên xin một vua dường như thông qua vấn đề được nhìn nhận trong sách Các Quan Xét sao? Chúng ta cũng có thể đi ngược về Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 17, trong lần đọc luật pháp lần thứ hai trước khi dân Ysơraên vào đất hứa, có dạy dỗ rõ ràng về vua của dân Ysơraên. Thế thì chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng chẳng phải mầm mống của việc dân Ysơraên có vua đã tìm thấy ngay từ trong sách luật pháp sao? Dân Ysơraên chẳng nên trông đợi một vua sao nếu Đức Chúa Trời đã lập một điều khoản như thế cho chức vụ này trong luật pháp Ngài? Chúng ta có thể tra xem trong những chỗ khác trong Kinh Thánh dường như cũng bày tỏ một ý tương tự như thế. Nếu chúng ta đi ngược về lời tiên tri của Đức Chúa Trời về Giuđa và cây phủ việt ban cho Giuđa, chúng ta thấy rằng cuối cùng trong lịch sử dân Ysơraên sẽ có một vua. Thế thì dân Ysơraên chẳng thể nói rằng Đức Chúa Trời đã định trước dân Ysơraên sẽ có một vua sao? Cuối cùng chúng ta có thể đưa ra một câu hỏi "Tại sao Đức Chúa Trời không đẹp lòng về yêu cầu này nếu đó là một phần của kế hoạch toàn quyền tể trị của Ngài cho sự cứu rỗi?"

Chúng ta thấy diễn tiến trong phần tiếp của câu chuyện rằng Đức Chúa Trời ban cho họ điều họ xin. Không những thế, trong đoạn 9, chúng ta còn thấy Đức Chúa Trời lựa chọn một vua cho họ. Hơn thế nữa, chúng ta còn thấy rằng rõ ràng Đức Chúa Trời dùng chức vụ của vua Ysơraên để thiết lập một vương quốc đời đời, một vương quốc tìm thấy sự vĩnh cửu của nó trong chính Chúa Giêxu là Đấng làm Vua đời đời trên ngôi Đavít. Nếu việc thiết lập một vương quốc từ Ysơraên và lập một vua là một phần trong kế hoạch cứu rỗi toàn quyền của Ngài thì tại sao việc dân Ysơraên xin một vua lại bị xem là quá ương ngạnh và tội lỗi đến thế? Ít ra trong Kinh Thánh chẳng phải dường như có những lý do đúng đắn cho dân Ysơraên ao ước có một vua sao? Tại sao việc đó lại bị quở trách nặng nề đến thế?

Rõ ràng trong phần Kinh Thánh hôm nay của chúng ta và trong những phần khác nữa từ đây đến đoạn 12 rằng Đức Chúa Trời và cả Samuên đều không đẹp lòng yêu cầu của họ. Trong đoạn 8 câu 7, Đức Chúa Trời nói cùng Samuên rằng: "ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa." Trong đoạn 10 câu 19, Samuên nhắc lại sự không đẹp lòng của Đức Chúa Trời rằng: "Ngày nay các ngươi từ chối Đức Chúa Trời của các ngươi, là Đấng đã giải cứu các ngươi khỏi mọi sự hoạn nạn và nguy hiểm; các ngươi đã thưa cùng Ngài rằng: Xin hãy lập một vua quản trị chúng tôi! Vậy bây giờ, hãy ứng hầu trước mặt Đức Giêhôva từ chi phái và từ hằng ngàn người." Đọc tiếp đến đoạn 12, chúng ta sẽ thấy dân Ysơraên một lần nữa bị đối chất về sự gian ác mình. Đoạn 12 câu 20 chép, "Samuên đáp cùng dân sự rằng: Chớ sợ chi. Thật các ngươi có làm mọi điều ác nầy; song chớ xây bỏ Đức Giêhôva, phải hết lòng phục sự Ngài." Họ đã phạm một sự gian ác lớn.

Làm thế nào chúng ta có thể hóa giải được hai tư tưởng này? Ít ra thì có vẻ như ao ước có một vua là một việc tin kính. Tuy nhiên, trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta nhìn thấy một sự trái ngược: họ bị quở trách vì muốn có một vua. Làm thế nào chúng ta có thể kết hợp hai điều này với nhau mà không cho rằng Kinh Thánh cần phải bị chia rẻ ra, không cho rằng Kinh Thánh được viết ra bởi hai tác giả với hai quan điểm khác nhau về vấn đề này? Không, chắc chắn không phải thế!

Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ rằng Đức Chúa Trời không đẹp lòng với đòi hỏi này. Rất có thể rằng chính Samuên cũng cảm thấy bị coi thường trước đòi hỏi này bởi nó là một sự sỉ nhục trực tiếp đánh vào sự lãnh đạo của ông. Vì thế cá nhân ông bị xúc phạm và ông không vui lòng về nó. Ý tưởng này có thể chính xác phần nào khi chúng ta thấy Đức Chúa Trời bảo đảm với ông rằng dân Ysơraên không phải khước từ ông mà họ đang khước từ chính Đức Chúa Trời. Ngài nói điều đó hai lần từ câu 6 đến câu 9.

Thế nhưng sự không đẹp lòng và kết án đối cùng yêu cầu của dân Ysơraên còn trầm trọng hơn nhiều. Đức Chúa Trời phán rằng: "Ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó". Sự đòi hỏi của họ căn bản không phải là vấn đề đối với cá nhân Samuên mà là một sự xúc phạm đến chính Đức Chúa Trời. Samuên đại diện Đức Chúa Trời trước dân sự Ngài và đại diện cho dân sự trước mặt Đức Chúa Trời. Chính ngữ cảnh đoạn Kinh Thánh thể hiện điều này rất rõ. Chúng ta thấy cung cách thông đạt tại đây: dân sự đến với Samuên trước, rồi Samuên đi ra từ dân sự mà đến cùng Đức Chúa Trời. Ông thưa chuyện cùng Đức Chúa Trời rồi trở lại với dân sự mang theo lời Đức Chúa Trời truyền cho họ. Chúng ta thấy có sự dàn xếp trung gian hai chiều giữa Đức Chúa Trời và con người. Chúng ta thấy điều này thể hiện hai lần trong ngữ cảnh của chúng ta: từ câu 4 đến 18 và từ câu 19 đến 22. Samuên là người đại diện cho Đức Chúa Trời trước mặt dân sự Ngài nên khi khước từ sự lãnh đạo của Samuên, họ đang khước từ sự lãnh đạo của Đức Chúa Trời. Rõ ràng là họ không hài lòng với việc Đức Chúa Trời làm vua họ. Đức Chúa Trời đã làm mọi sự mà họ mong nơi một vua làm cho họ. Chúng ta hãy suy nghĩ những gì Đức Chúa Trời đã làm, từ khi Ngài giải cứu họ khỏi xứ Êdíptô đến hiện tại trong xứ Ca-na-an, dân Ysơraên luôn được phước bởi sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ngài đã chiến trận cho họ. Ngài đã dẫn lối họ. Vậy mà họ vẫn không thỏa mãn. Họ muốn có một vua.

Điểm cốt lõi để hiểu được sự không đẹp lòng của Đức Chúa Trời đối cùng yêu cầu của dân sự là gì? Trước tiên chúng ta phải hiểu rằng vấn đề không phải là nơi chính lời yêu cầu đó. Như đã trình bày ở trên, có vua là một điều đáng ao ước. Đó là một điều tốt. Đó là điều mà chính Đức Chúa Trời đã dự liệu trước. Đức Chúa Trời đã định sẵn điều đó cho dân sự Ngài. Thế thì vấn đề tội lỗi và gian ác không phải ở chỗ có vua. Vấn đề là ở chỗ động cơ đàng sau của dân Ysơraên và những gì họ trông đợi nơi vua mình là đáng bị quở trách. Những trông đợi, đòi hỏi, yêu cầu của họ hoàn toàn tập trung vào những lợi ích đời này của một vị vua. Thử để ý xem họ muốn một vua như thế nào. Họ có ao ước có một vua theo lòng Đức Chúa Trời không? Họ có tìm kiếm một vị vua phục vụ như một đầy tớ không? Không, đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta thấy: "Xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, y như các dân tộc khác đã có rồi." Chúng ta thấy họ chăm xem dân tộc lân cận mình. Dân tộc này có vua hùng mạnh cầm đầu đoàn binh ra trận. Họ nhìn thấy và lên tiếng rằng họ cũng muốn có một vua như thế. Họ không mong đợi một vua nổi bật trong sự hầu việc Đức Chúa Trời. Mối quan tâm của họ không phải là có một vua để dẫn dắt mình trong sự công chính. Đó là vấn đề nêu lên trong sách Các Quan Xét, "Đương lúc đó, không có vua trong Ysơraên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải." Tư tưởng của Sách Các Quan Xét hướng về một vua dẫn dắt dân sự trong sự công chính. Tuy nhiên điều đó có phải là mối quan tâm trong lòng dân sự khi họ đến trước Samuên xin một vua không? Dù họ không muốn hai con trai bại hoại của Samuên đoán xét họ, họ không thể hiện ao ước có một vua dẫn dắt họ trong sự công bình, cai trị họ cách công chính trong đường lối Đức Chúa Trời, giữ họ trung tín với giao ước. Đó không phải là điều họ ao ước. Tuy nhiên rõ ràng họ không muốn những người bại hoại như con trai Samuên đoán xét họ. Họ muốn có vua như các dân tộc khác. Mối quan tâm của họ không phải là có một người lãnh đạo để dẫn dắt họ và trung tín trong giao ước. Mối quan tâm của họ là có một người lãnh đạo để dẫn dắt họ nơi trận mạc, một người để mở mang lãnh thổ và bảo vệ họ được an toàn.

Chúng ta thấy bởi đó họ đang cướp đi những gì Đức Chúa Trời đã làm cho mình trong những năm tháng qua. Họ muốn một con người thay thế cho Đức Chúa Trời. Đây là điều Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ cách rõ ràng trong đoạn 7 rằng chính Ngài có thể và sẽ làm cho họ. Chúng ta thấy họ đã rời mắt khỏi Vị Vua thiên thượng của mình, khỏi Đức Chúa Trời mà nói rằng: "Chúng tôi muốn một con người mà chúng tôi có thể nhìn thấy, một người lãnh đạo chúng tôi nơi chiến trận. Chúng tôi muốn một vua trên đất này." Chính thái độ không thỏa lòng khi có Đức Chúa Trời làm vua của họ sỉ nhục Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời cũng ban cho họ một lãnh đạo dưới đất này. Học tiếp trong đoạn 9 và 10, chúng ta thấy Đức Chúa Trời ban cho họ đúng như điều lòng họ ao ước: một thanh niên mạnh mẽ, đẹp trai, cao hơn cả dân sự từ vai trở lên, một dáng vóc gây ấn tượng trước mắt con người, một hình dáng nổi bật cho một vua như những vua của các dân tộc khác chung quanh họ. Trái ngược với bản chất của vị vua mà Đức Chúa Trời dự định cho họ: Ngài dự định cho họ một vị vua phục vụ như một tôi tớ, một người dẫn dắt họ trong sự công chính, một người theo lòng Đức Chúa Trời. Khi nhìn sự trái ngược giữa Saulơ và Đavít mà chúng ta sẽ thấy rõ hơn sau này, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời thực hiện dự định đó khi lựa chọn Đavít làm vua. Đavít là một vua với tinh thần phục vụ như đầy tớ. Ông là con út. Không ai ngờ rằng ông có thể làm vua bởi ông là con út trong nhà, người yếu ớt nhất trong gia đình. Thế nhưng đây chính là một người theo lòng Đức Chúa Trời, một vị vua công bình tin kính. Chúng ta thấy yêu cầu này của dân Ysơraên rõ ràng là ương ngạnh và tội lỗi bởi chỉ xoay quanh những ước muốn của đời này.

Tội lỗi này cứ lặp lại, trong Tân Ước Giăng đoạn 6 câu 15, dân chúng cũng giống như dân Ysơraên thời Samuên, họ cảm nhận rằng Chúa Giêxu là một tiên tri, thấy Ngài có năng quyền lạ lùng, họ muốn nắm lấy Ngài và ép Ngài làm vua. Họ muốn Ngài làm vua. Tại sao vậy? Có phải vì họ muốn hầu việc Đức Chúa Trời không? Có phải vì họ nhận ra Ngài là Đức Chúa Trời không? Không! Họ muốn một vua trên đất này. Họ muốn bẻ gãy ách ràng buộc của đế quốc La Mã để lại được làm một vương quốc hùng mạnh, để bảo đảm một vương quốc mới của đời này. Chúa Giêxu bày tỏ mình là một vua hoàn toàn khác khi Ngài chết trên thập tự giá. Một bảng được gắn phía trên đầu Ngài ghi rằng "Vua dân Giuđa". Người Giuđa khước từ địa vị làm vua của Ngài. Một số người kêu nài Philát đừng nói Ngài là vua dân Giuđa mà chỉ nói: người này nói:Ta là Vua dân Giuđa. Cũng chính những người này khước từ Đấng Christ, khước từ chức vị của Ngài. Họ yêu cầu bảng ghi đó phải được điều chỉnh. Thế thì họ không muốn điều gì? Họ không muốn một vị vua theo lòng Đức Chúa Trời. Họ không quan tâm đến sự hầu việc và đi theo Đức Chúa Trời. Không! Mắt họ chỉ chuyên chú vào những gì của thế gian này.

Ngày nay khi suy nghĩ về vấn đề này, chúng ta thấy vấn nạn đó vẫn tồn tại trong hội thánh. Một số người trong những giáo hội chánh giáo cũng đang theo đuổi điều đó: theo đuổi một vị vua ở đời này, một vua ban cho họ nhiều phước hạnh của đời này. Có những người theo Chúa hầu được lành bịnh. Có người theo Chúa bởi khi dâng cho công việc hầu việc Chúa, họ có thể nhận lại gấp mười, hai mươi lần.

Chúng ta thấy động cơ sai khiến họ là ích kỷ. Bên cạnh sự ích kỷ, họ còn có rất nhiều sự ham mê đời này. Họ không ao ước một vị vua giúp họ sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Họ không ao ước một vị vua dẫn dắt họ trong sự công bình. Họ không muốn một vị vua để họ phải sống trong sự phục sự và vâng lời. Họ không muốn một vị vua buộc họ mang lấy thập tự giá và chịu khổ cho đến ngày chung cuộc của thế gian này. Họ không muốn một vị vua hiền lành khiêm nhường, một đầy tớ cho dân sự Đức Chúa Trời. Họ muốn một vua theo đời này. Một vua mạnh sức, một vua cung ứng những ao ước đời này của họ chớ không phải một vua hướng họ về Vua Thiên Thượng. Đây chính là trọng điểm của sự quở trách của Đức Chúa Trời. Họ đã xây mắt khỏi Đức Chúa Trời mà chăm vào chính mình.

Samuên cảnh cáo họ về những đòi hỏi của một vua đời này. Đoạn Kinh Thánh này liệt kê ra nhiều đòi hỏi. Đòi hỏi đầu tiên của vua là vua sẽ bắt con trai trong dân sự để dùng nơi trận mạc, để làm tôi tớ v.v... Không chỉ vua sẽ bắt con trai họ, vua còn sẽ bắt con gái họ. Hơn thế nữa, vua còn sẽ lấy của cải họ, ruộng vườn, mùa màng, tôi tớ của họ nữa. Đức Chúa Trời muốn nói rằng một vua của đời này sẽ biến họ thành tôi mọi. Họ sẽ phải chịu cay đắng bởi những đòi hỏi của một vua đời này. Điều này hoàn toàn trái ngược với bản tính của Vị Vua là chính Đức Chúa Trời của họ. Thử nghĩ những gì Đức Chúa Trời làm cho dân sự Ngài. Ngài không là một Vua hay đòi hỏi và lấy đi của họ. Ngài là Vị Vua phục vụ dân sự Ngài. Ngài là một Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài mọi sự. Sự bày tỏ vĩ đại nhất của điều đó thể hiện trong Vua Giêxu, với ân điển và sự nhân từ Ngài: Ngài đã đến thế gian như một tôi tớ, sẵn sàng hy sinh chính mình Ngài và sự sống Ngài cho dân sự mình. Một vua đời này chỉ chuyên chú cho bản thân mình và quyền lực mình. Nhưng Vị Vua mà chúng ta hầu việc trong Đấng Christ quan tâm đến sự sống của dân sự mình, phục vụ họ và hy sinh cho họ.

Thế thì hôm nay khi học đoạn Kinh Thánh này, chúng ta nhìn thấy vấn đề không ổn trong lòng dân Ysơraên. Vấn đề là ở thái độ và động cơ của họ. Điều khiến họ muốn có một vua không phải là một ao ước tin kính hướng về một vị vua tin kính mà là một ước muốn ích kỷ hướng về một vị vua đời này. Hôm nay khi học đoạn Kinh Thánh này, chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta có đang muốn có một vua để dẫn dắt chúng ta không? Chúng ta đang tìm kiếm một vị vua như thế nào? Chúng ta có đang ao ước một vua của đời này để cung ứng cho chúng ta mọi nhu cầu của đời này và thỏa mãn những ước muốn ích kỷ của chúng ta không? Hay chúng ta đang tìm kiếm một vua khác hơn thế: Một vua theo mắt Đức Chúa Trời, một tôi tớ chịu khổ, một vua sẽ dẫn dắt chúng ta trong sự công bình? Thật ra, Ngài đã ban cho chúng ta chính sự công bình Ngài hầu chúng ta có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta có đang tìm kiếm một vua để dẫn dắt chúng ta trong sự hầu việc Chúa? Chúng ta có đang tìm kiếm một vua sẽ giành thắng lợi cuối cùng và vương quốc Ngài còn mãi mãi? Nếu chúng ta đang tìm kiếm điều đó, hãy hướng về Đấng Christ là Đấng có đầy đủ những tiêu chuẩn của một Vua tin kính! Hãy bước theo Ngài! Amen.

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Chúng con xưng nhận rằng đôi khi chúng con bị mờ mắt bởi những tham muốn đời này, bởi dục vọng và ước muốn xác thịt của chúng con. Chúng con biết rằng Ngài là Đấng ban cho chúng con mọi nhu cầu. Ngài là Vua của chúng con. Dù không nhìn thấy Ngài, chúng con biết Ngài ở cạnh chúng con, quan tâm chăm sóc và cung ứng cho chúng con. Chúng con hướng về Chúa Giêxu và nhìn thấy trong Ngài một Vị Vua chết thay cho dân sự mình, yêu chúng con và ban cho chúng con sự cứu rỗi, khiến chúng con dự phần trong một vương quốc đời đời không hề tàn héo. Xin cho chúng con luôn ước muốn Ngài làm Vua của chúng con. Xin cho chúng con đi theo Đấng Christ và sự công bình Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)