KHÔNG CÓ VUA TRONG DÂN YSƠRAÊN
(Các quan xét 21)
Tháng Mười Hai 2003
Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một loạt bài mới trong sách 1Samuên. Tuy nhiên, chúng ta sẽ bắt đầu từ sách Các Quan Xét để có được một nền tảng hầu hiểu được diễn biến trong sách 1Samuên. Đoạn cuối của sách Các Quan Xét rất cần xem xét trước khi bước vào học sách 1Samuên. Chúng ta sẽ cùng xem Các Quan Xét 21. Bài học ngày hôm nay sẽ tập trung vào sự kiện diễn ra trong Các Quan Xét từ đoạn 19 đến đoạn 21, tuy nhiên chúng ta sẽ tập trung vào đoạn 21 đặc biệt là câu cuối.
Kính thưa hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu những bài học trong sách 1Samuên bằng cách quan sát bối cảnh đạo đức, chính trị, văn hóa và tôn giáo làm nền tảng dẫn đến sự kiện chọn lựa một vua trên dân Ysơraên. Trên nhiều phương diện sách Các Quan Xét có liên quan mật thiết đến những sự kiện xảy ra trong sách 1Samuên. Lý do chính dẫn đến việc dân Ysơraên tìm kiếm một vua bắt nguồn từ sự hụt hẫng mà chúng ta có thể nhận thấy nơi dân Ysơraên lúc bấy giờ. "Đương lúc đó, không có vua trong Ysơraên; ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải." Đó là nan đề trong lịch sử dân Ysơraên vào thời Các Quan Xét. Vì thế hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu phần học hỏi về sách 1Samuên bằng cách xem xét tổng quát sự dạy dỗ của sách Các Quan Xét. Chúng ta sẽ tập trung chủ yếu vào những đoạn cuối.
Sách Các Quan Xét đề cập đến tình hình dân Ysơraên từ thời điểm Giôsuê qua đời đến thời điểm Samuên ra đời và sự thiết lập vương quốc Ysơraên dưới quyền cai trị của một vua. Điều chúng ta nhận thấy khi học sách này là một dân tộc đã trở nên phóng túng về đạo đức, đánh mất cam kết của mình với giao ước và với Đức Chúa Trời mà sa vào một tình trạng suy đồi đạo đức nghiêm trọng. Đọc đoạn cuối của sách Giôsuê, chúng ta sẽ thấy một điều thú vị là dân sự đã tuyên bố với Giôsuê một cách nhiệt tình như thế nào, rằng họ sẽ đi theo Đức Giêhôva ra sao. Nhưng thật nhanh chóng, chỉ trong vòng một thế hệ, họ đã quên đi. Sách Các Quan Xét ghi lại một sự xuống cấp đều đặn liên tục theo đường xoắn ốc khi sự thất tín của dân Ysơraên trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trong sách này chúng ta thấy chu kỳ của sự suy đồi đạo đức và nó đi theo một khuôn mẫu rất quen thuộc: dân Ysơraên phạm tội cùng Đức Chúa Trời, một dân tộc ngoại bang đến áp bức họ vì tội lỗi họ như là sứ giả của sự đoán phạt từ Đức Chúa Trời, rồi sau đó dân Ysơraên trong chừng mực nào đó ăn năn kêu cầu Đức Chúa Trời và Ngài đáp lời họ bởi một quan xét xuất hiện như một vị cứu tinh cho dân sự. Chu kỳ hay khuôn mẫu này cứ lặp đi lặp lại xuyên suốt giai đoạn này trong dòng lịch sử dân Ysơraên và tiếp tục mãi đến cuối sách. Ở cuối sách chúng ta không thấy một dân tộc ngoại bang nào đóng vai trò sứ giả đoán phạt của Đức Chúa Trời mà giờ đây dân Ysơraên đứng lên nghịch cùng một chi phái của mình, là chi phái Bêngiamin.
Đến thời điểm cuối sách Các Quan Xét, chúng ta thấy dân Ysơraên đã rơi vào một tình trạng hết sức chống nghịch với Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy trong Các Quan Xét đoạn 17 một chức vụ tế lễ với tấm lòng hướng về vật chất đã bán rẽ linh hồn mình cho điều ao ước của dân Ysơraên mà hầu việc những thần tượng lầm lạc. Chúng ta nhìn thấy sự suy đồi của dân Ysơraên trong câu chuyện giết người đàn bà hết sức là tàn ác. Đỉnh điểm của sách Các Quan Xét tập trung vào câu chuyện giết người đồi bại kinh khiếp này. Nó thật sự minh họa cho chúng ta mức độ suy đồi và gian ác của dân Ysơraên.
Trong câu chuyện bắt đầu được trình bày trong đoạn 19 này, chúng ta thấy một người Lêvi đang hầu việc trong chi phái Épraim. Người này có một vợ bé. Rõ ràng đây là một điều vô đạo đức trước mặt Chúa khi có vợ bé. Vợ bé của người này quê ở Bếtlêhem. Khi người vợ bé này trở về nhà cha mình ở Bếtlêhem, người Lêvi đi theo và tìm gặp vợ bé tại nhà cha. Ông lưu lại đó vài ngày. Ông và cha vợ dường như có sự quan hệ thân thiết, cha vợ chìu chuộng tiếp đãi ông một ngày và cứ khích lệ ông lưu lại lâu hơn nữa. Cuối cùng người Lêvi bảo cha vợ rằng mình phải đi và rồi ông mang vợ bé mình đi vào lúc xế chiều. Và vì đã trễ rồi, ông quyết định nghỉ qua đêm tại Ghibêa thay vì ở Giêrusalem. Ông phải chọn lựa giữa hai thành phố này. Giêrusalem lúc bấy giờ do người Giêbusít chiếm giữ và không phải là một thành thuộc dân Ysơraên trong khi đó Ghibêa lại là một thành của dân Ysơraên. Vì thế, người Lêvi hi vọng rằng khi vào thành Ghibêa chắc ông sẽ được tiếp đón tử tế hơn là vào thành dân Giêbusít vì tại đó ông chỉ là một người ngoại quốc. Ghibêa thuộc Ysơraên ông chắc phải được đối đãi tử tế. Thế nên người Lêvi và vợ bé người quyết định nghỉ đêm tại nhà một ông già trong thành Ghibêa.
Chẳng bao lâu những người trong thành Ghibêa hay được rằng có một người đang tá túc tại nhà của ông già này. Họ bèn đến vây nhà ông già này và bảo ông đưa người Lêvi ra hầu họ có thể cưởng bức tình dục người. Chủ nhà từ chối không chịu nộp người Lêvi và thay vào đó ông hiến cho họ con gái mình và vợ bé của người Lêvi. Chúng ta thấy được sự suy đồi đạo đức của dân chúng trong một đòi hỏi kinh khủng như thế. Đến sáng người vợ bé đã bị hãm hiếp lăng nhục lết về ngạch cửa nhà và chết ở đó. Người Lêvi mang xác cô ta về, chặt ra và gởi từng phần cho mười hai chi phái Ysơraên. Người này làm thế hầu tìm kiếm sự trả thù đối với thành đó về sự gian ác gớm ghiếc họ đối với ông và vợ bé mình.
Câu chuyện này cho thấy dân Ysơraên, hay ít ra là chi phái Bêngiamin, lúc bấy giờ còn xấu xa hơn cả thành Sôđôm và Gômôrơ khi họ bị Chúa đoán phạt. Bởi trong thời Sôđôm và Gômôrơ, chúng ta nhớ câu chuyện Lót tiếp đón hai thiên sứ thăm viếng ông và bảo vệ họ khỏi những người trong thành đang muốn hành hung họ, Lót cũng hiến con gái mình cho những người đó. Nhưng ở đây dân Ysơraên còn tệ hơn bởi họ làm nhục con gái người chủ nhà và người vợ bé đến nỗi cuối cùng cô vợ bé phải chết. Tất nhiên chúng ta có thể hiểu rằng những người này đáng chịu sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời, đáng bị tận diệt bởi sự thất tín của họ với giao ước và hành động đê tiện của họ. Dân Ysơraên nổi lên nghịch cùng người Bêngiamin. Họ đòi xử công bằng những kẻ gian tà đã gây ra hành động đau buồn này. Chúng ta chắc cho rằng chi phái Bêngiamin chắc phải đồng ý rằng những người đó cần phải bị hình phạt vì tội lỗi mình. Thế nhưng người Bêngiamin lại từ chối không chịu giao nộp những kẻ gian tà đó. Và thế là chiến tranh xảy ra. Dân Ysơraên nổi lên nghịch cùng một chi phái của chính mình. Sau nhiều trận nghịch cùng thành Ghibêa, thành này bị chinh phục, toàn bộ chi phái Bêngiamin bị tiêu diệt kể cả đàn bà và trẻ em.
Một điều thú vị mà chúng ta nhận thấy trong chính phần Kinh Thánh của chúng ta ở đây là họ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chữ được dùng để chỉ sự tiêu diệt hoàn toàn này giống như chữ dùng khi nói đến việc dân Ysơraên phải tiêu diệt hoàn toàn dân Canaan là một dân tộc không thuộc về Đức Chúa Trời. Họ phải tận diệt hết thảy đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ khỏi mặt đất. Dân Ysơraên nổi lên nghịch cùng chi phái Bêngiamin, đặt họ dưới sự đoán xét và rủa sả. Họ gần như bị xóa sổ. Một chi phái sẽ bị xóa tên nếu như không có một sự can thiệp nào đó.
Khi nhìn vào khung cảnh cuộc chiến trong Các Quan Xét đoạn 20, chúng ta thấy có một sự tương đồng với cuộc chiến thành Ahi được chép trong Giôsuê. Dân Ysơraên thắng trận với một chiến thuật rất giống nhau. Dân Ysơraên tiến tới từ phía trước rồi rút lui và rồi dân sự tiến vào thành từ phía sau mà diệt hết đàn bà và trẻ nhỏ. Điều đó dẫn đến một ý tưởng rằng người Bêngiamin, cụ thể là thành Ghibêa, bị quét sạch chung với dân Canaan hay ít ra là bị so sánh như dân Canaan và tội lỗi của họ.
Trên nhiều phương diện, dân Ysơraên cũng sai trật chớ không chỉ chi phái Bêngiamin. Dân Ysơraên buông ra lời thề nguyện rất vội vàng. Họ thề không gả con gái cho người Bêngiamin. Sau khi đã lập lời thề, họ nhận ra rằng chi phái Bêngiamin sẽ không còn nữa trừ khi có cách nào để cứu lấy chi phái này. Trước tình hình đó dân Ysơraên xoay về thành Giabe ở xứ Galaát. Dân Giabe ở xứ Galaát và cả dân sự đã thề nguyện sẽ nhóm nhau tại Míchba. Và vì họ không giữ được lời thề đó, họ cũng phải đồng chung số phận. Tất cả đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ của họ đều bị giết ngoại trừ bốn trăm con gái đồng trinh. Bốn trăm gái đồng trinh này được tha là để dành cho những người Bêngiamin. Nhưng đọc trong phần Kinh Thánh này chúng ta thấy rằng số bốn trăm đó cũng không đủ để làm vợ cho hết thảy những người nam trong chi phái Bêngiamin còn sống sót. Thế nên những trưởng lão trong dân khích lệ những người nam của chi phái Bêngiamin bắt cóc những người nữ đi thờ phượng Đức Chúa Trời tại Silô trong một kỳ lễ mà dân sự nhóm hiệp lại.
Khi nhìn vào toàn bộ sự kiện từ đoạn 19 đến 21, chúng ta thấy toàn bộ câu chuyện nói lên một sự suy thoái về đạo đức, một sự phá sản về tâm linh trong dân Ysơraên lúc bấy giờ. Họ chẳng để tâm mấy đến ý chỉ và luật pháp của Đức Chúa Trời. Chúng ta cần nhìn vào những đoạn này của sách Các Quan Xét với một sự gớm ghiếc không chỉ vì tình trạng và câu chuyện hành hung của người Bêngiamin mà còn vì sự cẩu thả và thiếu kém trong sự tìm kiếm Đức Chúa Trời trong những vấn đề quan trọng này. Tình trạng suy thoái kinh khiếp mà chúng ta đọc thấy trong Các Quan Xét này được quy cho nguyên nhân là dân Ysơraên không có một vua. Chúng ta thấy điều này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những đoạn cuối của sách Các Quan Xét.
Các Quan Xét 17 câu 6 chép, "Trong lúc đó, không có vua nơi Ysơraên, mọi người cứ làm theo ý mình tưởng là phải." Đoạn 18 câu 1, "Đương lúc đó, chẳng có vua nơi Ysơraên." Đoạn 19 câu 1, "Nhằm lúc không có vua trong Ysơraên, có một người Lêvi..." Và rồi ở tận cuối sách, "Đương lúc đó, không có vua trong Ysơraên, ai nấy làm theo ý mình thấy làm phải." Chúng ta thấy rằng sự yếu kém của dân Ysơraên ít ra phần nào là bởi họ không có một vua. Việc không có vua đóng góp vào sự thiếu hợp nhất và thiếu trung tín của dân sự. Thay vì là một dân tộc được cai trị trong sự công bình, chân thật theo luật pháp của Đức Chúa Trời, dân sự ai nấy làm theo ý mình thấy là phải. "Điều tôi thấy hài lòng" là tiêu chuẩn phán xét phải trái. Đó là cách dễ nhất để thỏa mãn dục vọng tội lỗi của mình. Họ đã xóa hẳn trong tâm trí mình giao ước với Đức Chúa Trời và mọi ý niệm hay ao ước làm theo ý muốn Ngài.
Sách Các Quan Xét nói đến nhu cầu của dân Ysơraên cần có một vua, một vị lãnh đạo tin kính để dẫn dắt dân sự trong lẽ thật và mang lại sự công bằng và bình an cho họ. Họ cần một người có thể thống nhất vương quốc nầy, vương quốc của Đức Chúa Trời, và dẫn dắt nó trong sự phục sự Ngài. Ai sẽ đứng vào chỗ trống đó? Sách Các Quan Xét gợi ý ai sẽ thỏa đáp nhu cầu to lớn này cho dân Ysơraên. Sách Các Quan Xét cũng có gợi ý rằng vị vua đó là ai. Trong Các Quan Xét đoạn 1 chúng ta thấy có ngụ ý về chi phái Giuđa. Chính chi phái Giuđa dẫn đầu cuộc tấn công và đánh bại dân Canaan. Trong Các Quan Xét 20 câu 18 khi nói về trận chiến với người Bêngiamin, "Ai trong chúng tôi phải lên trước đặng giao chiến cùng người Bêngiamin? Đức Giêhôva đáp: Giuđa sẽ đi lên trước." Chi phái Giuđa là chi phái được Đức Chúa Trời chọn lựa để dẫn đầu dân Ysơraên đi ra giao chiến. Chúng ta thấy trong Các Quan Xét rằng chi phái Bêngiamin là chi phái bị Đức Chúa Trời đoán phạt. Chi phái Bêngiamin chống nghịch Đức Chúa Trời một cách hết sức đáng buồn.
Trong sách 1Samuên, chúng ta thấy rằng vua Saulơ thuộc chi phái Bêngiamin. Thật ra không những ông là người Bêngiamin mà quê quán của ông còn ở thành Ghibêa chính là thành mà tại đó người đàn bà này bị lăng nhục. Chúng ta có thể đoán rằng ông là con cháu của một trong những người ở Ghibêa, là những người đã đánh cắp những người nữ làm vợ mình từ một chi phái khác. Chúng ta cũng đọc thấy rằng Đavít thuộc chi phái Giuđa. Thế thì khi đọc sách Các Quan Xét chúng ta đã có được manh mối ngay từ đây rằng ai sẽ ngồi trên ngôi làm một vua công bình của dân Ysơraên. Dân Ysơraên cần một vua công bình để dẫn dắt mình.
Sách Các Quan Xét chỉ rõ điều này, vâng, họ phải đi theo Đức Chúa Trời là vua của họ nhưng sách Xuất Êdíptô ký và Phục Truyền Luật Lệ ký đã tiên tri rằng họ sẽ có một vua cho dân Ysơraên tại trong xứ mình. Họ cần có một vua để dẫn dắt họ trong đường lối Đức Chúa Trời, một vua công bình. Không có vua, như đã gợi ý, họ sẽ càng sa ngã vào sự xuống dốc về đạo đức, rơi vào tình trạng suy đồi tệ hại hơn và lún sâu hơn vào sự thạnh nộ và đoán phạt của Đức Chúa Trời. 1Samuên cuối cùng đưa ra lời đáp cho vấn đề đó bằng sự cai trị của vua Đavít. Ông là vị vua tin kính sẽ dẫn dân Ysơraên trong sự công chính. Thế thì 1Samuên đưa ra cho chúng ta vị vua công chính mà Các Quan Xét mong đợi.
Chúng ta phải tự hỏi khi đọc lịch sử dân Ysơraên: Liệu những điều này có gì liên quan đến chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể nhìn vào đoạn Kinh Thánh này và áp dụng vào tình huống của chúng ta? Trước tiên, tôi tin rằng nó dạy dỗ chúng ta vì nó nói về chính tấm lòng chúng ta. Chúng ta cũng là những người có xu hướng về sự gian ác. Kinh Thánh dạy chúng ta về sự đồi bại hoàn toàn và thể nào nếu buông mình theo những dục vọng và ý muốn của riêng mình, chúng ta cũng sẽ luôn làm những điều gian ác. Nếu để tự chúng ta thì sự suy đồi đạo đức mà chúng ta nhìn thấy trong những đoạn cuối của sách Các Quan Xét ở đây cũng sẽ là sự suy đồi trong lòng chúng ta nữa. Sự khước từ Đức Chúa Trời và ý muốn Ngài của những người trong sách Các Quan Xét sẽ là sự khước từ của chúng ta nếu không có sự hành động của Đức Chúa Trời trong chúng ta. Câu chuyện thật sự nói về chúng ta, chính con người thật của chúng ta và về nhu cầu to lớn nhất của chúng ta. Nếu không có một vị vua tin kính dẫn dắt thì chắc chúng ta cũng sẽ làm theo những gì đúng theo mắt mình, chúng ta cũng sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cho chính mình và phải chịu sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Chúng ta đáng phải bị tiêu diệt và chết mất như chi phái Bêngiamin đáng phải bị hình phạt và chết mất. Chúng ta thấy rằng chúng ta cần có một vua. Chúng ta cần một vị vua để dẫn dắt chúng ta trong sự công chính và dẫn lối chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời.
Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một Vị Vua như thế. Ngài ban cho chúng ta Vị Vua ngồi trên ngôi Đavít. Một Vị Vua ngồi trên ngai thuộc chi phái Giuđa, một Vị Vua trung tín, công bằng và công chính, một Vị Vua để dẫn chúng ta vào sự trung tín trong giao ước vì chính Ngài là Đấng công bình và Ngài ban sự công bình cho dân sự Ngài. Vị Vua ấy chính là Đấng Christ, Đấng đầy lòng thương xót với dân sự Ngài.
Trong Tân Ước sách Tin Lành Mathiơ và Mác, Mathiơ đoạn 9 câu 36 và Mác đoạn 6 câu 34, Chúa Giêxu thấy đám dân Ysơraên và Ngài nói rằng họ giống như chiên không có người chăn. Nói cách khác, Ngài nói rằng họ là một dân không có vua, một xứ không có người lãnh đạo. Tại đây trong bối cảnh của những khúc Kinh Thánh này, những người được mang đến cho Chúa Giêxu là những người bệnh hoạn, những người bị dắt dẫn bởi người Pharisi là những người không giảng dạy Tin Lành và lẽ thật. Họ là những người ở dưới sự rủa sả. Họ cần một Đấng Cứu Chuộc, một Cứu Chúa, một Vị Vua.
Chúng ta cũng cần một Vị Vua, một Vị Vua làm điều công chính theo mắt Đức Chúa Trời mà không phải là theo mắt mình. Vị Vua đó sẽ dẫn chúng ta đi trong sự công bình hầu giải cứu chúng ta khỏi sự rủa sả của kẻ áp bức chúng ta. Chúa Giêxu đến như là Đấng chăn chiên thật. Ngài là Đấng lớn hơn Đavít. Ngài là Đấng đến làm Vị Vua vĩ đại và mạnh sức.
Sách Samuên nói lên nhu cầu cần có một lãnh đạo trong dân Ysơraên. Khi đọc sách này, chúng ta cũng thấy rằng Samuên đến như là người dọn đường của Đavít. Ông sanh ra bởi một người đàn bà son sẻ. Ông sanh ra từ chi phái Lêvi. Ông làm tiên tri cho dân Ysơraên. Ông đến làm người xức dầu cho Đavít làm Vua. Trong Tân Ước chúng ta có một sự tương đồng rất rõ ràng. Giăng Báptít đến như là người dọn đường cho Chúa Giêxu. Ông được sanh ra bởi một người đàn bà son sẻ. Ông sanh ra trong chi phái Lêvi và là tiên tri của Đức Chúa Trời tối cao. Và ông xức dầu cho Vị Vua thật của dân Ysơraên mà Đavít chỉ là hình bóng cho Ngài.
Sách 1Samuên tìm kiếm một vua cho dân Ysơraên, tìm kiếm một vị vua sẽ dẫn dắt dân sự mình trong sự công bình. Vị vua đó sau cùng chính là Đấng Christ, Đấng ngồi trên ngai Đavít đời đời. Chúng ta, những người thuộc về Ngài, là công dân của vương quốc ấy. Vậy chúng ta hãy đi theo Vị Vua công chính vĩ đại đó. Amen.
Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cầu xin rằng khi chúng con mở ra sách 1Samuên này, Ngài sẽ dùng nó để mở mắt chúng con nhìn thấy được nhu cầu của chúng con cần có một Vị Vua Cứu Chuộc cho mình.
Lạy Chúa, chúng con nhận ra rằng sự suy đồi đạo đức và ô uế trong lòng dân Ysơraên thật ra không quá xa với tình trạng của tấm lòng chúng con nếu chúng con không có Ngài, rằng nếu để mặc chúng con thì chắc chúng con cũng sa vào sự suy đồi đạo đức và đồi bại đó, và chúng con sẽ phải chịu sự rủa sả và thạnh nộ của Ngài. Nhưng ấy là bởi ân điển mà Ngài đã ban cho chúng con một Vị Vua công bình mà chúng con có thể bước theo, một Vị Vua đã chết trên thập tự giá để đền trả tội lỗi cho chúng con hầu làm phu phỉ sự rủa sả. Ngài là Đấng đã ban sự công bình mình cho chúng con.
Lạy Chúa, xin cho chúng con đi theo Vị Vua vĩ đại đó. Xin cho chúng con làm công dân của vương quốc đời đời của Vua ấy. Nguyện Vua ấy cứ cai trị trên ngôi Ngài mãi mãi. Nguyện chúng con cứ ở trước ngôi ấy mà ca ngợi Vua của chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.
Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)