Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Saulơ Khởi Sự Sa Sút - 5/2005  


SAULƠ KHỞI SỰ SA SÚT
(1Samuên 13:1-23)

Tháng Năm 2005

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Nếu chia sách 1Samuên thành những phần nhỏ hơn thì đoạn 13 này bắt đầu một phần mới. Chúng ta đã học xong mười hai đoạn đầu. Phần đầu này tập trung vào giai đoạn chuyển tiếp giữa thời dân Ysơraên dưới sự cai trị của các quan xét và thời điểm hiện tại khi dân sự đã có vua. Ở cuối đoạn 12, Saulơ đã được lập nên làm vua đầu tiên của dân Ysơraên: vương triều được chính thức lập nên vào cuối đoạn 12 với lời cảnh cáo của Samuên đối với cả vua và dân sự rằng họ phải trung tín với điều răn Đức Chúa Trời bởi nếu sống cách gian ác thì cả vua và tôi đều sẽ bị tiêu diệt. Phần đầu này kết thúc tại đó.

Đoạn 13 bắt đầu bởi một công thức quen thuộc tìm thấy thường xuyên trong Kinh Thánh đặc biệt là trong sách Các Vua: công thức của các vua được đăng quang. Công thức này nói lên rằng tiếp theo sau đó là phần tóm tắt về thời kỳ cai trị của người này. Nó kể lại cho chúng ta thể nào những người này bước đi trong mối quan hệ với Đức Chúa Trời của dân Ysơraên : Liệu vua sẽ thành công và vâng phục trong mắt Đức Chúa Trời hay sẽ được kể trong số những người vi phạm giao ước và bởi đó phải chịu sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Một câu hỏi bắt đầu mỗi đoạn ghi chép về một triều vua mà chúng ta đọc trong những sách đó là: "Họ sẽ là những vua như thế nào?" Đoạn 12 nêu lên cho chúng ta câu hỏi về Saulơ: Liệu Saulơ sẽ làm một vua như thế nào? Liệu ông sẽ là một vua trung tín được Đức Chúa Trời ban phước hay phải ở dưới sự thạnh nộ của Ngài? Ngay tức khắc chúng ta tự hỏi: "Liệu ông sẽ trung tín hay sẽ thất bại đây?" Chẳng mấy chốc chúng ta tìm thấy câu trả lời khi đến đoạn 13 bởi đoạn này ghi lại bước đầu sa bại của Saulơ khi ông bất tuân lời Đức Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh bắt đầu bằng việc mô tả tầm cỡ quân đội của Saulơ. 1 Samuên 13:2 cho thấy quân đội ông bao gồm ba ngàn người. Ba ngàn người vỏn vẹn làm thành số quân thường trực của Saulơ: Hai ngàn người trực tiếp dưới sự điều khiển của ông và một ngàn người kia ở dưới con trai ông là Giônathan. Số còn lại được cho về nhà vào trong trại mình. Đọc phần Kinh Thánh này chúng ta thấy có sự tương đồng giữa sự kiện này và sự kiện dưới thời Ghiđêôn. Chúng ta nhớ rằng dưới thời Ghiđêôn, người Mađian cũng rất mạnh trong xứ Ysơraên. Ghiđêôn được truyền phải giảm số quân xuống chỉ còn ba trăm: ba trăm người chiến cự cùng những ngựa vô số của người Mađian và cuối cùng giành chiến thắng. Sự kiện đó trong lịch sử dân Ysơraên nhằm nhân mạnh cho dân sự rằng họ không cần gì khác hơn bởi Đức Chúa Trời là Đấng Giải Cứu họ, họ có thể tin cậy nơi Ngài. Không có quân đội nào dù đông đảo đến đâu có thể sánh với năng quyền của Đức Chúa Trời toàn năng. Cuối cùng chính người Mađian phải kinh sợ người Ysơraên. Đức Chúa Trời không cần một đoàn quân đông mới chiến thắng được. Ý tưởng này cũng xuyên suốt đoạn Kinh Thánh hôm nay nữa. Tuy nhiên tôi tin rằng khi đọc tiếp chúng ta sẽ thấy Saulơ trở nên một hình ảnh ngược với Ghiđêôn. Ghiđêôn tin cậy Đức Chúa Trời và chiến đấu trong khi Saulơ thì ngược lại. Mặt khác, Giônathan so ra lại gần với Ghiđêôn hơn.

Chúng ta cảm nhận rằng dân Ysơraên đang bị rắc rối lớn trong giai đoạn này. Quân địch đông hơn họ gấp bội. Câu 5 nói "Khi ấy, dân Philitin hiêp lại đặng đánh Ysơraên: chúng có ba vạn cỗ xe, sáu ngàn lính kỵ, và quân lính đông như cát trên bờ biển." Ba vạn cỗ xe địch cùng một đoàn quân không có xe cộ gì, giống như mang ba mươi ngàn xe tăng đi đánh một nước không có xe tăng nào. Số lính kỵ ít nhất cũng gấp đôi quân số ban đầu của Saulơ. Trong giai đoạn cuối Saulơ chỉ còn có sáu trăm quân. Dân Ysơraên ít ỏi hơn quân địch rất nhiều. Ngoài ra, dân Philitin còn có quân lính đông như cát bờ biển. Thế thì tại đây chúng ta có một quân đội Ysơraên nhỏ bé: ba ngàn người cự địch lại cùng một lực lượng hùng hậu của dân Philitin.

Câu 3 cho chúng ta biết Giônathan đánh đồn Philitin. Chữ "đồn" có thể có nghĩa là "đồn" hoặc "trưởng của đồn" đó. Cả hai đều đúng theo bản văn ở đây vì vậy chúng ta không hoàn toàn chắc chắn rằng Giônathan đã tấn công cá nhân một người hay toàn bộ đồn Philitin tại Ghêba. Tuy nhiên chúng ta biết rằng ông đã làm điều gì đó chọc quân Philitin nổi lên nghịch cùng dân Ysơraên. Chúng ta không tìm thấy lý do tại sao nhưng rõ ràng Giônathan đã làm điều đó với sự tán đồng của Saulơ bởi câu 4 nói rằng "Vậy cả Ysơraên đều hay rằng Saulơ đã đánh đồn Philitin..." Rõ ràng là Saulơ và Giônathan cùng nhau tấn công đồn Philitin vì vậy dân Philitin có cớ chiến đấu cùng dân Ysơraên. Chúng ta không được biết lý do tại sao lúc ấy Saulơ tấn công đồn Philitin. Tuy nhiên sau khi tấn công, Saulơ bắt đầu kêu gọi dân sự, bảo họ rằng giờ đây dân sự khắp mọi nơi phải hiệp lại chiến đấu.

Điều này rất giống với sự kiện trong đoạn 11 khi Saulơ gởi đi con bò xả làm mười hai miếng và bảo dân sự phải đến chiến cự cùng dân Ammôn. Nhưng lần này dân sự đáp ứng yếu hơn. Họ không nhiệt tình nhóm lại theo lệnh vua Saulơ trong lúc này. Tuy nhiên chúng ta thấy thú vị với chữ "dân Hêbơrơ" tại đây. Xuyên suốt sách 1Samuên và 2Samuên chúng ta không thấy dùng chữ "dân Hêbơrơ" để chỉ về dân Ysơraên mà thường dùng những chữ "người Ysơraên" hay "dân Ysơraên". Có lẽ tại đây Saulơ cố ý dùng chữ "dân Hêbơrơ" để nhắc nhở họ về thời kỳ nô lệ của họ tại Êdíptô bởi trong thời kỳ đó người Êdíptô gọi họ là người Hêbơrơ, những kẻ nô lệ. Thế thì Saulơ rao sứ điệp cho dân Hêbơrơ rằng giờ đây một lần nữa họ đang ở dưới ách nô lệ của người Philitin và họ cần phải bẻ gãy ách áp bức đó bởi họ đã trở nên sự kinh tởm cho người Philitin. Dân sự đang sợ hãi người Philitin. Điều này không có gì lạ cả khi chúng ta đọc phần Kinh Thánh hôm nay, thể nào quân số họ quá ít. Dân Ysơraên nhìn thấy mối hiểm họa: họ nhìn thấy số quân đông đảo đó và thay vì nhóm hiệp lại với Saulơ ở Ghinhganh họ lại đi trốn chạy khắp nơi trong núi, trong hang đá, gành đá, hầm hố, một số còn bỏ trốn qua bên kia sông Giôđanh để tránh khỏi cái chết đang gần kề. Chỉ cần nhìn vào quân lực của dân Philitin với ba mươi ngàn cỗ xe, chúng ta có thể hiểu tại sao dân Ysơraên kinh sợ.

Khi nhìn cấu trúc đoạn 13, chúng ta thấy phần mở đầu từ câu 1 đến câu 7 tập trung so sánh quân đội của Saulơ và quân đội Philitin, cho chúng ta mường tượng được kẻ thù to lớn mà Saulơ phải đối diện; Đại ý đó cũng là trọng tâm của đoạn cuối từ câu 16 trở đi rằng bản chất đồ sộ của quân đội Philitin trái ngược hẳn với dân Ysơraên; Phần giữa là sự quở trách đối với Saulơ và cũng là phần trọng điểm của đoạn 13.

Chúng ta không thể không thấy rằng dân Ysơraên là số ít quá vào cuối đoạn Kinh Thánh này. Giônathan đã chọc vào tổ ong khi tấn công đồn Philitin. Dân sự đang bỏ Saulơ mà đi, họ đi qua bên kia sông. Tuy nhiên tại đây chúng ta đọc thấy rằng Saulơ đang đứng vững. Ông không đi đâu cả mà cứ ở lại Ghinhganh. Chúng ta có thể thấy rằng Saulơ đang chọn một thế đứng rất can đảm. Ông cứ ở lại Ghinhganh dù quân thù đang vây bọc. Ông cứ ở đó dù mọi người ở cùng ông đang sợ hãi. Saulơ không nao núng. Ông cứ chờ đợi. Ông không lui khỏi vị trí. Saulơ đang rơi vào một tình huống rất ảm đạm vì dân Philitin đang lấn chiếm càng thêm. Ông cứ đứng yên không hành động gì mà chờ đợi Samuên. Kinh Thánh muốn chúng ta hiểu được tình huống ảm đạm tột cùng tại đây và tình trạng này cũng tiếp diễn từ câu 16 trở đi nữa khi chúng ta đọc thấy rằng những toán cướp người Philitin đang chiếm giữ nhiều con đường ra vào địa phận Ghinhganh. Khắp chung quanh Saulơ, người Philitin đang chiếm giữ những con đường đi lại. Nói cách khác chúng ta thấy Saulơ bị kẹt ở chỗ này. Vấn đề không chỉ là vì những toán cướp nói đến từ câu 16 đến 18 mà còn vì quân đội của Saulơ không được trang bị đầy đủ như phần cuối đoạn cho chúng ta biết. Họ phụ thuộc vào kẻ thù mình về vũ khí và về việc gặt hái. Dân Ysơraên phải trả tiền để có lưỡi cày, lưỡi hái hoặc mài liềm bởi không có thợ rèn trong xứ Ysơraên. Sự sinh nhai của họ phải phụ thuộc vào kẻ thù mình. Không ai trong dân Ysơraên được trang bị ngoại trừ Saulơ và Giônathan. Không ai có một cây gươm hay giáo gì. Có lẽ họ có những vũ khí khác nhưng họ không có gì đáng để so sánh với những khí giới của dân Philitin và người Philitin đã cố tình như thế. Họ không muốn dân Hêbơrơ rèn gươm giáo kẻo dân này trở nên mạnh hoặc nổi lên chống lại họ.

Thế thì đoạn Kinh Thánh này thể hiện một dân Ysơraên yếu ớt nhất là bất lực trước kẻ thù. Mọi sự cho chúng ta thấy rằng tình cảnh của họ thật tuyệt vọng. Sự việc đã đóng lại. Theo cách nhìn của con người, không còn cách nào cho dân Ysơraên nổi lên chạm trán cùng dân Philitin và giành được chiến thắng. Saulơ đang ở giữa một hoàn cảnh như thế. Chúng ta thấy bất chấp mọi tình huống đó, Saulơ đang giữ một thế đứng quả cảm. Ông đang ở Ghinhganh, không bỏ trốn như mọi người khác, đứng đó chờ đợi Samuên, chờ đợi suốt bảy ngày bất chấp rằng mọi sự xung quanh ông xem dường như đã nắm chắc phần thất bại. Chúng ta có thể tưởng tượng bảy ngày dài đằng đẳng cho một quân đội nhỏ bé bị kẻ thù vây bọc mà phải ngồi chờ đợi suốt bảy ngày. Quân đội Philitin cứ mạnh thêm trong khi quân của Saulơ cứ giảm thiểu dần. Tôi chắc rằng mỗi đêm qua khi điểm quân lại mất thêm một số người trong hàng ngũ của Saulơ vì họ bỏ trốn qua bên kia sông để được an toàn. Họ không dại dột gì bởi đã nhìn thấy kẻ thù gần kề. Cuối câu 15 cho chúng ta thấy Saulơ chỉ còn lại một số rất ít người là sáu trăm. Số đó chỉ là một phần năm quân số ban đầu bởi số kia đã sợ hãi bỏ trốn.

Saulơ đã chờ đợi suốt bảy ngày và trong ngày thứ bảy đó, chúng ta có thể tưởng tượng hình ảnh Saulơ đi vào đi ra chờ đợi Samuên. Samuên đã nói trong đoạn 10 đây là dấu thứ ba rằng Samuên sẽ đến trong ngày thứ bảy và Saulơ phải chờ Samuên đến mới dâng của tế lễ. Chúng ta hãy tưởng tượng sáng ngày thứ bảy hôm đó Saulơ thức dậy trông ngóng Samuên nhưng hết cả buổi sáng vẫn không thấy Samuên đến, chắc Saulơ sẽ tự nhủ rằng chiều nay Samuên sẽ đến dâng tế lễ và họ có thể ra quân. Thế nhưng buổi chiều qua và tối đến vẫn không thấy Samuên đâu cả. Chúng ta có thể tưởng tượng Saulơ nóng lòng như thế nào bởi chẳng thấy Samuên đến. "Làm sao tôi có thể ra trận mà chưa dâng của tế lễ? Nhưng nếu tôi đợi một ngày nữa thì không biết tôi còn được bao nhiêu người? Bởi tôi đã nói với họ rằng ngày thứ bảy Samuên sẽ đến nhưng giờ này vẫn không thấy Samuên!" Thế thì chắc chắn Saulơ sợ sẽ mất luôn số người còn lại và không còn ai ở lại với ông để chiến đấu. Ông không muốn ra trận mà không làm vui lòng Đức Chúa Trời. Ông không muốn ra trận mà không dâng của tế lễ. Ông muốn được ơn trước mặt Đức Chúa Trời. Sau này ông nói với Samuên rằng ông cảm thấy mình buộc phải tự dâng của lễ. Khi đọc phần Kinh Thánh này chúng ta có thể thấy áp lực nặng nề mà Saulơ phải đối diện: quân thù vây bọc, dân sự bỏ trốn, ông biết mình cần Đức Chúa Trời vùa giúp nhưng Samuên không đến. "Tôi biết làm gì đây?" Có lẽ Saulơ tự nghĩ thế. Vì vậy, Saulơ tự mình hành động. Ông bảo dân sự hãy đem đến cho ông của lễ thiêu và của lễ thù ân để ông dâng tế lễ. Saulơ đã làm điều ông không được phép làm. Ông đã thay Samuên dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời.

Chúng ta không hiểu tại sao ông phải hành động như thế sao? Chúng ta không hiểu được áp lực mà ông phải chịu sao? Tại sao việc làm của ông lại là sai trật đến nỗi giờ đây Samuên đến quở trách ông hết sức nặng nề? Ông đã chờ đợi, bất chấp mọi sự đối nghịch, trong suốt bảy ngày và ông cảm nhận được áp lực trên mình. Chẳng lẽ chúng ta không hiểu được vì sao ông tự mình dâng của lễ sao? Samuên đã bảo ông phải đợi bảy ngày trọn và đó là dấu hiệu thứ ba theo đoạn 10. Saulơ phải tin cậy Đức Chúa Trời. Ông không thể dâng của tế lễ. Ông không giữ chức vụ thầy tế lễ và không có quyền thay thế người trung bảo trong dân Ysơraên. Đó là vị trí của Samuên. Samuên là thầy tế lễ, là người đứng giữa Đức Chúa Trời và dân sự.

Trong đoạn Kinh Thánh này Saulơ bị thử thách: Liệu ông sẽ tin cậy vào bản thân mình hay vào Đức Chúa Trời? Liệu ông có thể chờ đợi Đức Chúa Trời được không? Saulơ đã không làm được điều đó. Ông đã không chờ đợi Đức Chúa Trời được, không chờ đợi tiên tri Samuên được. Ông lo không biết điều gì sẽ xảy ra nên đã bất tuân mạng lịnh của Đức Chúa Trời dù mới trong đoạn 12 đây ông được cảnh cáo rằng sự bất tuân sẽ dẫn đến ông bị tiêu diệt. Ông đã không vâng lời Đức Chúa Trời. Ông không được phép làm thế cho dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa, cho dù sự việc có ảm đạm ra sao. Ông có sáu trăm người, chỉ vỏn vẹn có sáu trăm nghịch cùng ngựa của người Philitin nhưng số đó vẫn nhiều hơn số quân của Ghiđêôn đến ba trăm người. Saulơ không cần phải sợ hãi dù ông đã tỏ ra can đảm đến giây phút đó, ông không cần phải sợ dù Samuên có đợi đến ngày hôm sau mới đến, dù có nhiều người hơn chạy trốn vào rừng nhưng Đức Chúa Trời có thể chiến thắng, Ngài sẽ giải cứu vua trung tín của Ngài nếu như Saulơ đã trung tín. Đức Chúa Trời có thể giải cứu bất chấp tình cảnh ảm đạm nhất. Thế nhưng Saulơ đã không tin cậy Đức Chúa Trời giải cứu mình. Ông tự mình hành động. Lẽ ra ông nên để việc đó cho người trung bảo trong dân Ysơraên.
Chúng ta thấy thế giới này đầy dẫy những câu chuyện như thế. Biết bao người đang trong tình trạng khó khăn tuyệt vọng. Họ nhận ra tội lỗi mình trước Đức Chúa Trời nhưng lại không chờ đợi Đấng Trung Bảo của mình. Họ đặt lòng tin cậy vào chính mình, vào chính việc làm của mình mà không tin cậy nơi Chúa. Có khi họ bất tuân Đức Chúa Trời mà lại nghĩ rằng mình đang làm đẹp lòng Ngài. Có rất nhiều người trên thế giới ngày hôm nay đặt lòng tin cậy nơi việc làm của mình để giải cứu mình khỏi tình trạng tuyệt vọng. Họ là những người nhận ra mình là tội nhân trước mắt Đức Chúa Trời nhưng lại hết lòng chăm chỉ cố gắng để tìm kiếm sự giải cứu của riêng mình và làm vui lòng Đức Chúa Trời bằng chính công việc của mình, của tế lễ của mình hơn là tin cậy chờ đợi công việc trung bảo của Chúa Giêxu Christ. Có nhiều người làm thế, không tin rằng công việc của Chúa Giêxu cuối cùng sẽ làm trọn sự đắc thắng vì thế họ đặt lòng tin cậy nơi chính bản thân mình.

Kinh Thánh tại đây và những chỗ khác nữa cho chúng ta biết rằng chúng ta được dạy dỗ phải chờ đợi Đức Chúa Trời: Trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ giải cứu. Trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ sai Chúa Cứu Thế Giêxu vào thế gian chết thay dân sự Ngài. Trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ đánh bại kẻ thù của dân sự Ngài. Trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ báo thù kẻ ác. Chúng ta được bảo phải chờ đợi. Đức Chúa Trời phán rằng: "Sự trả thù thuộc về ta, ta sẽ báo ứng." Tuy nhiên Ngài sẽ báo trả trong thời điểm của Ngài. Những thánh tuận đạo dưới bàn thờ trong sách Khải Huyền được bảo phải chờ đợi Đức Chúa Trời bởi trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ đến giải cứu. Trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ giải cứu nước Ngài qua Cứu Chúa Giêxu của chúng ta. Điều sai trật trong hành động của Saulơ là ông không vâng lời Đức Chúa Trời được. Ông không vâng theo mạng lịnh Đức Chúa Trời. Ông cũng thiếu lòng tin cậy rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu ông. Hậu quả của sự gian ác và thiếu đức tin của ông là vương quốc ông bị dứt ra khỏi ông. Ông không còn là vị vua ngồi trên ngai Ysơraên đời đời bởi ông đã bất chấp ý muốn Đức Chúa Trời và bất tuân mạng lịnh Ngài.

Đức Chúa Trời sẽ chọn lấy một người theo lòng Ngài thay chỗ cho ông, một người sẽ đặt lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, một người sẽ chờ đợi Đức Chúa Trời và thời điểm của Ngài. Chúng ta thật sự nhìn thấy điều đó nơi Đavít. Đavít không cố hành động cách vội vàng để giành lấy vương quốc khỏi tay Saulơ. Đavít đặt lòng tin nơi Đức Chúa Trời bất chấp kẻ thù có to lớn đến đâu khi ông chiến đấu cùng Gôlíat. Đavít thể hiện rõ là một người tin cậy Đức Chúa Trời và chờ đợi Ngài. Saulơ không thể làm vua Ysơraên. Ông không vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời được và vì thế nước ông bị lấy đi khỏi ông.

Phần Kinh Thánh này cuối cùng hướng chúng ta đến với Chúa Giêxu Christ. Chúng ta được bảo phải chờ đợi Ngài. Ngài sẽ dâng tế lễ cho dân sự Ngài. Ngài là Đấng Trung Bảo giữa chúng ta và Đức Chúa Trời. Của tế lễ của Ngài sẽ làm vui lòng Đức Chúa Trời. Ngài sẽ giải cứu chúng ta khỏi kẻ thù chúng ta. Kính thưa dân sự Đức Chúa Trời, chúng ta đừng đặt lòng tin cậy nơi bản thân mình, nơi công việc của tay mình hay vào của tế lễ hy sinh của chính mình bởi Đức Chúa Trời chẳng đẹp lòng của tế lễ mà chúng ta dâng lên. Ấy chính của lễ của Đấng Trung Bảo trọn vẹn Ngài đã trả hết mọi sự rồi. Amen.

Lạy Cha Thiên Thượng Toàn Năng của chúng con. Chúng con cầu xin Ngài cho chúng con nhìn về Ngài, tin cậy Ngài trong mọi sự hầu chúng con có thể chờ đợi Ngài tin cậy rằng trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ giải cứu dân sự Ngài. Trong thời điểm của Ngài, Ngài sẽ sai một Đấng Cứu Chuộc. Ngài đã sai Đấng Cứu Chuộc đến thế gian hầu trả thay tội lỗi chúng con. Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn về Đấng Christ, chờ đợi Ngài hầu đến ngày cuối cùng Ngài trở lại trong sự vinh hiển chúng con có thể đắc thắng trên mọi sự. Xin cho chúng con tin cậy Ngài bất chấp hoàn cảnh, thử thách hay hoạn nạn nào mà chúng ta phải đối diện. Xin cho chúng con chờ đợi Ngài cách nhẫn nại. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)