SAULƠ SUÝT CHẾT LẦN THỨ HAI
(1Samuên 26)
Tháng Tư 2006
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Một lần nữa, Đavít rơi vào một tình huống khó xử. Saulơ lại rượt đuổi Đavít. Ông đang tìm kiếm Đavít để tẩy đi như là một mối hiểm họa cho vương quyền của ông. Ông muốn Đavít chết đi ngay cả vào lúc khuya khoắt này. Khi học tiếp sách 1Samuên, chúng ta bắt đầu nhận thấy một sự chuyển đổi đang diễn ra. Đavít bắt đầu tấn tới trong lòng tin quyết nơi sự tể trị của Đức Chúa Trời và bắt đầu nắm thế chủ động, còn Saulơ thì càng lúc càng đi xuống: người trước đây là kẻ đi săn đuổi đầy thế lực giờ đây trở nên người bị săn đuổi. Đời Saulơ chỉ còn tính từng ngày. Chắc chắn khi đọc sách 1Samuên, đến đây chúng ta có thể cảm nhận được điều này. Cái chết của Saulơ đã được báo trước trong cái chết của Nabanh trong đoạn Kinh Thánh trước. Đức Chúa Trời sẽ phán xét kẻ thù của Đavít như Ngài đã phán xét Nabanh vì cớ sự gian ác của ông nghịch cùng Đavít.
Giờ đây Đavít chỉ phải chờ đợi Đức Chúa Trời cách nhẫn nại. Ông phải kiên nhẫn chờ đợi, không làm hoen ố tay mình bởi huyết của người được Đức Chúa Trời xức dầu mà để cho Đức Chúa Trời thi hành sự công bình Ngài trong thời điểm của Ngài. Ông không được phép tự mình hành động. Một lần nữa chúng ta thấy Đavít bị thử thách. Liệu ông đã học được bài học từ Đức Chúa Trời trong đoạn 25, bài học ông học từ Abigain là người được Đức Chúa Trời sai phái hầu ông thấy rằng mọi việc phải được thực hiện trong thời điểm của Đức Chúa Trời? Hay ông sẽ tự mình ra tay? Liệu ông có tiếp tục cư xử cách công bình hay ông sẽ bị hoen ố bởi tội làm đổ huyết người được Đức Chúa Trời xức dầu?
Một lần nữa chúng ta thấy Saulơ bị đối chất. Ông bị đối chất vì sự dại dột của mình khi khước từ không nhận Đavít làm vua. Ông bị lên án vì tìm giết Đavít. Cuối đoạn này, liệu Saulơ có nhận ra sự dại dột mình và cuối cùng đầu phục người được Đức Chúa Trời xức dầu và là người theo lòng Đức Chúa Trời không hay ông sẽ cứ miệt mài trong sự điên dại mình?
Đoạn Kinh Thánh hôm nay bắt đầu với những người Xíp phản bội. Những người Xíp phản bội xuất hiện lần thứ hai trong sách Samuên, lần thứ hai họ đã phản bội Đavít mà báo cho Saulơ biết nơi Đavít đang lẩn trốn. Những người Xíp này nhắc cho chúng ta câu chuyện trong đoạn 24 khi sự phản bội của họ suýt nữa khiến Đavít phải bị bắt. Tại đó, bởi sự phản bội của họ mà quân đội của Saulơ đã vây bọc Đavít. Đavít và những người theo mình dường như bị mắc bẫy giữa đội quân này. Nếu không có sự can thiệp tể trị của Đức Chúa Trời từ sứ giả mang tin cho Saulơ ngay lúc đó rằng người Philitin đang tấn công, chắc Saulơ đã vây lấy Đavít và những người theo mình chắc hẳn đã bị bắt. Tuy nhiên, tại đây tình huống đã thay đổi phải không? Sự trái ngược giữa hai đoạn này chắc chắn là đáng chú ý lắm. Một lần nữa chúng ta thấy Đavít bị vây bọc bởi quân của Saulơ. Ông bị vây bọc bởi cùng số lượng quân lính là ba ngàn quân giống như trong đoạn 24. Tuy nhiên, lúc này Đavít không hề sợ hãi. Ông bước đi giữa quân lính của Saulơ biết rằng Đức Chúa Trời bởi sự tể trị của Ngài đang gìn giữ ông, rằng cơn mê ngủ từ Đức Chúa Trời đã giáng trên quân lính của Saulơ. Đavít ra đi và chung quanh ông là quân lính của Saulơ nhưng ông hoàn toàn tự do thực hiện ý muốn của mình. Chúng ta thấy rằng ấy chẳng phải là Saulơ đang nắm thế chủ động nữa mà giờ đây chính Đavít đang điều khiển trên vấn đề sinh tử của Saulơ.
Khi học tiếp sách này, chúng ta cần ghi nhớ rằng mỗi câu chuyện được xây dựng bổ túc lên nhau. Từng câu chuyện có những ẩn ý từ câu chuyện xảy ra trước đó. Vấn đề không chỉ đơn thuần là những câu chuyện này được ghi chép lại như thế. Tất nhiên những câu chuyện đó đã thật sự xảy ra trong lịch sử. Chúng đã xảy ra như Kinh Thánh ghi chép lại bởi sự điểu khiển của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên sự ám chỉ về nhiều sự kiện trước làm gia tăng sứ điệp mà câu chuyện này đang nói đến. Tại đây cũng vậy: Có một sự liên hệ thật giữa đoạn 26 này và đoạn 13. Đoạn 13 là đoạn mà Saulơ bị khước từ không được làm vua Ysơraên nữa. Trong đoạn này Samuên đến trễ và Saulơ không chịu chờ đợi mà tự mình dâng tế lễ. Samuên đến với Saulơ báo cho ông rằng ông đã bị khước từ không còn làm vua Ysơraên nữa. Trong đoạn này việc Saulơ bị khước từ tước vị vua được đề cập đến lần đầu bởi ông không chịu chờ đợi Samuên. Vì thế vương quốc bị tước khỏi tay Saulơ. Chúng ta có thể nhìn thấy sự ám chỉ này dưới hình thức số lượng quân lính. Saulơ có ba ngàn quân. Đoạn 13 cho thấy Saulơ có ba ngàn quân với mình và khi quân Philitin đến quân số của ông suy giảm xuống đến số sáu trăm. Con số sáu trăm đó xuất hiện ở đâu? Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta biết rằng Đavít có sáu trăm quân. Từ đoạn 13 đến đoạn 14, cũng còn liên tục trong một câu chuyện, chúng ta đọc thấy có hai người tiến ra trận và cuối cùng chiến thắng. Cũng thế khi đến đoạn 26, chúng ta tìm thấy hai người Đavít và Abisai đi vào giữa kẻ thù. Trong đoạn 14 là Giônathan và người vác binh khí mình. Những sự tương đồng trong số quân thể hiện vài ý sau đây. Thời điểm sắp đến khi vương quốc sẽ giao từ tay Saulơ sang Đavít. Điều Samuên phán với Saulơ trong đoạn 13 giờ đây sắp xảy ra. Điều đó đã đến rất gần bởi Saulơ không chịu chờ đợi và không vâng phục mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Ông đã bị rủa sả. Sự rủa sả đó sắp thành hiện thực. Sáu trăm người can đảm còn ở lại với Saulơ để chiến đấu cùng người Philitin cũng là con số những người theo Đavít. Điều nói lên ở đây là quyền lực thật đã giao từ Saulơ cho Đavít. Những người trung thành, những người sẵn sàng chiến đấu dù phải đối diện với sự chênh lệch quá mức giờ đây đang đứng với Đavít. Đức Chúa Trời sẽ chiến cự cho Đavít như Ngài đã chiến cự cho Giônathan và người vác binh khí mình. Quân số không là vấn đề gì trước mắt Đức Chúa Trời, với hai người Ngài vẫn có thể hoàn tất mục tiêu của Ngài. Tất cả những điều này bày tỏ sự hủy diệt sắp đến của Saulơ. Nó nói lên việc Đavít đang tiến lên ngôi.
Chúng ta thấy Saulơ đi ngay với quân lính mình đến ngay chỗ mà người Xíp báo Đavít đang ở đó. Ông đi đến gò Hakila và đóng trại nghỉ. Chẳng bao lâu hết thảy quân lính của Saulơ chìm vào giấc ngủ say còn Saulơ thì ở ngay giữa họ. Chúng ta thấy cách bố trí trại: Saulơ ở giữa còn quân lính ở chung quanh ông. Saulơ là người được bảo vệ chặt chẽ nhất trong trại quân. Đavít quyết định sẽ đi xuống trại quân Saulơ. Ông hỏi Ahimêléc và Abisai xem ai sẽ xung phong đi với ông. Abisai xung phong. Abisai là con của Xêrugia, chị Đavít, vì thế Abisai là cháu của Đavít. Abisai cũng là anh em với Giôáp là người trở nên tướng đạo binh của Đavít, cũng là cháu Đavít. Các con trai của Xêrugia được biết trong Kinh Thánh là những người nóng tính. Họ hấp tấp thiếu kiên nhẫn. Họ mau chóng xử dụng bạo lực. 2Samuên 3 cho thấy Đavít phàn nàn về các con trai của chị mình rằng họ quá cường bạo cho Đavít. Điều này được ghi lại ngay đầu 2Samuên sau khi họ giết Ápne là điều nghịch lại với ý muốn của Đavít. Thế thì chúng ta nhìn thấy Abisai là một người rất hấp tấp nóng nảy sẵn sàng ra tay tiêu diệt kẻ thù mình.
Đavít và Abisai là hai người len lỏi giữa những người đang nằm ngủ này đến ngay chính giữa là chỗ Saulơ và Ápne đang nằm ngủ say sưa. Ngay trên đầu Saulơ là cây giáo và bình nước của ông. Abisai giành lấy vai trò của những người trong đoạn 24. Những người muốn Đavít giết Saulơ trong đoạn 24 giờ đây được đại diện bởi Abisai khi Abisai khích lệ Đavít rằng đây là ý muốn của Đức Chúa Trời. Một lần nữa Đavít bị thúc đẩy hãy giết Saulơ đi. Thật ra Abisai xung phong ra tay giết Saulơ. Cây giáo để bên đầu Saulơ chắc chắn là làm được việc đó. Chính cây giáo đã từng được dùng để tìm giết Đavít giờ đây có thể được dùng để cất chính mạng Saulơ. Abisai nói với Đavít rằng ông chỉ cần một nhát thôi cũng giết được Saulơ. Điều thú vị là đây chính là cách nói mang tính châm biếm nhắc đến việc Saulơ nhiều lần cũng cùng với cây giáo đó mà không giết được Đavít. Abisai tự tin nói rằng ông sẽ giết được Saulơ chỉ cần đâm một nhát mà thôi. Có lẽ giờ đây cám dỗ đối với Đavít còn mạnh mẽ hơn. Bởi trong đoạn 24 Saulơ đã được cho biết rằng Đavít vô tội. Saulơ đã ăn năn tội mình đuổi theo Đavít vậy mà giờ đây ông lại tiếp tục theo đuổi Đavít.
Đavít đã ngăn Abisai không giết Saulơ. Ông sẽ không phạm sai lầm với Saulơ. Ông sẽ không là người không chịu chờ đợi lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông sẽ không là người vi phạm mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Ông sẽ chờ đợi thời điểm của Đức Chúa Trời. Ông tin rằng mọi sự sẽ xảy ra trong thời điểm của Đức Chúa Trời. Ông yên nghỉ bởi biết điều đã xảy đến cho Nabanh, rằng hoặc Đức Chúa Trời sẽ đánh Saulơ hoặc Saulơ sẽ tự nhiên mà chết hoặc Saulơ sẽ chết ngoài trận mạc. Ông tin tưởng chắc chắn rằng Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét. Đavít sẽ không phạm tội trong cái chết của Saulơ. Ông sẽ không bị trách vì không chờ đợi Đức Chúa Trời. Đavít muốn sống công bình trước mặt Đức Chúa Trời. Ông đã học bài học của Abigain. Ông không chịu hoen ố bởi tội làm đổ máu Saulơ. Chúng ta thấy hành động của Đavít rõ ràng được chính Đức Chúa Trời điều khiển. Từ câu 9 đến 12, Đavít nói với Abisai về ý muốn của Đức Chúa Trời. Đavít được Đức Chúa Trời dẫn dắt bởi thế ông là người theo lòng Đức Chúa Trời.
Thế thì thay vì cất mạng Saulơ đi, ông chỉ lấy đi cây giáo và bình nước rồi rời trại quân. Trong đoạn 24, Đavít cắt chéo áo của Saulơ. Việc cắt đi chéo áo của Saulơ là hình bóng của việc cất ngôi nước khỏi Saulơ. Hình bóng đó được xác nhận trong việc xé áo của Samuên, ám chỉ về việc lấy vương quốc khỏi Saulơ. Nó cũng được bày tỏ trong hành động của Giônathan trao áo mình cho Đavít tỏ ra rằng ông chịu đầu phục Đavít là vị vua duy nhất chân thật. Vì thế việc lấy áo đi mang ý nghĩa hình bóng của nó. Tuy nhiên những vật dụng trong đoạn Kinh Thánh chúng ta hôm nay cũng mang những hình bóng của nó. Cây giáo là biểu tượng cho vương quyền. Nó là phương tiện để diệt kẻ thù hay kẻ không công bình. Bình nước, mặt khác, lại biểu trưng cho sự sống. Chúng ta phải nhớ rằng họ đang ở trong đồng vắng Xíp. Trong đồng vắng thì không có nước. Không có gì nuôi dưỡng mình. Ở nơi đó, chúng ta phải tự mang bình nước theo. Nước là cần thiết cho sự sống. Chúng ta cần phải có nước. Nước là biểu tượng cho sự sống. Việc Đavít lấy đi hai vật này cho chúng ta thấy rằng sự sống chết của Saulơ nằm trong tay Đavít. Quyền lực của Saulơ đã bị tước khỏi tay ông mà ban cho Đavít. Đavít là vị vua thật của Ysơraên. Điều thú vị là ở cuối đoạn này, chúng ta để ý Đavít đề nghị ai đó ra nhận lại cây giáo của Saulơ. Tuy nhiên không thấy đề cập gì đến việc lấy lại bình nước. Chúng ta thấy rằng Saulơ lấy lại được quyền lực mình trong một thời hạn nào đó. Tuy nhiên việc thiếu mất bình nước cho thấy rằng cái chết của Saulơ sẽ đến mau chóng. Ông sẽ không sống được lâu. Việc trả lại cây giáo, công cụ của sự chết, cũng báo trước cái chết của Saulơ nơi trận mạc.
Đavít rời trại quân, đi ra xa một khoảng rồi gọi Saulơ và đội quân của ông. Ông cũng gọi đích danh tên Ápne. Ápne là tướng đạo binh của Saulơ. Dĩ nhiên vì thế ông là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong nhóm người đó. Đavít nêu tên Ápne và trách Ápne bởi không bảo vệ được vua. Vua là người được Đức Chúa Trời xức dầu và trách nhiệm của Ápne là bảo đảm vua được canh gác. Sự an toàn của Saulơ được giao vào tay Ápne. Ápne đã không làm trọn trách nhiệm của mình. Ông đã tỏ ra không đáng tin cậy. Kẻ tôi tớ tin cẩn nhất của Saulơ này, chắc hẳn Saulơ tin tưởng ông mới cắt đặt ông ngủ cạnh Saulơ và là tướng lãnh đạo binh Saulơ, đã chứng tỏ mình không đáng tin cậy. Đavít cho rằng sự chểnh mảng của Ápne trong trách nhiệm của mình là đáng tội chết. Bằng chứng của sự lơ đễnh trong trách nhiệm của ông đang nằm trong tay Đavít. Đavít đang cầm trong tay mình cây giáo và bình nước. Ápne rõ ràng là có lỗi. Tuy nhiên Đavít không chỉ lỗi Ápne chỉ để làm sỉ nhục Ápne. Ông chỉ ra điều đó để chỉ rõ sự công bình và trung thành của mình. Đavít đang chỉ cho Saulơ thấy rằng ông thậm chí còn trung thành hơn chính cánh tay mặt của Saulơ, quan tướng đạo binh tin cẩn nhất của Saulơ, người kề cận Saulơ nữa. Đavít chính là người bảo vệ Saulơ khỏi tay Abisai. Abisai muốn Saulơ chết đi. Đavít đứng giữa bảo vệ Saulơ khỏi mất mạng. Đavít là người trung thành. Ông là người công bình. Ông là người vô tội. Chính Ápne là người bỏ bê trách nhiệm của mình. Chính Ápne là người đáng chết. Chính Đavít là người đáng được nêu danh tôn trọng. Không ai có thể kết tội Đavít là thiếu trung thành với vua. Đavít là người vô tội. Sự công bình của ông được tỏ ra rõ ràng càng hơn giữa thiếu sót của Ápne.
Saulơ lên tiếng: "Hỡi Đavít, con ta, có phải tiếng con chăng?" Đavít đáp lời: "Hỡi vua chúa tôi, ấy là tiếng tôi." Rồi ông tiếp tục quở trách Saulơ. Ông quở trách Saulơ vì không ngừng theo đuổi ông. Cuộc truy đuổi không có lý cớ gì trong suy nghĩ của Đavít. Tôi chắc rằng Đavít tự hỏi không hiểu tại sao Saulơ cứ tìm giết ông bất chấp mọi điều ông đã làm. Đavít hỏi: "Tôi đã làm điều gì, và tay tôi đã phạm tội ác chi?". "Có phải Đức Chúa Trời đã truyền cho vua theo đuổi tôi? Và nếu ấy chính là vì lỗi phạm nào đó của tôi, điều đó chẳng có thể giải quyết được bởi một của tế lễ sao? Điều này chẳng thể nào giải quyết được thay vì vua phải theo đuổi tôi sao?" Điều Đavít muốn nói là ngay từ đầu ông đã công xưng sự vô tội mình và Saulơ không thể đưa ra một lời nào cáo buộc ông nhưng ông nói rằng cho dù là ông có tội đi nữa thì họ hãy giải quyết vấn đề bằng một giải pháp hòa hảo hơn. "Hay có ai đó xúi giục vua theo đuổi tôi hay họ nói dối để giục vua tìm giết tôi? Nếu thế, nguyện họ bị rủa sả bởi họ muốn đuổi tôi ra khỏi sản nghiệp tôi, khỏi xứ Ysơraên, đuổi tôi đi đến cùng những thần khác." Theo sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, những ai làm thế phải bị xử tử. Một lần nữa, Đavít tỏ ra rằng sự công bình phải được thi hành nghịch cùng kẻ nào đó. Ông vô tội. Một lần nữa, Đavít chỉ ra sự vô lý của cuộc truy đuổi của Saulơ. Ông nói rằng ông chẳng làm chi hại Saulơ hơn là một con bọ chét.
Sau đó Saulơ thú nhận mình có tội. Ông đã phạm tội nghịch cùng Đavít. Ông nhìn nhận rằng đường lối ông là dại dột. Lời của ông chẳng ý nghĩa gì mấy. Ba lần trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta, ông gọi Đavít là "con ta". Khác với đoạn 24, khi đó Đavít gọi Saulơ là "cha", tại đây Đavít không còn gọi Saulơ là "cha" nữa. Đavít cũng trở nên ngờ vực nữa. Saulơ nói với Đavít rằng ông sẽ không hại Đavít nữa bởi Đavít thấy mạng sống Saulơ là quý báu. Cuối đoạn 26 ghi lại Đavít không đáp lại theo cách tương tự như thế, rằng ông không tin tưởng Saulơ nữa. Ông nói rằng: "Ngày nay, tôi lấy mạng sống vua làm quý trọng thế nào, thì Đức Giêhôva cũng sẽ lấy mạng sống tôi làm quý trọng thể ấy." Chúng ta trông đợi ông nói rằng "ngày nay tôi lấy mạng sống vua làm quý trọng thế nào, thì vua cũng sẽ lấy mạng sống tôi làm quý trọng thể ấy." Nhưng ông đã không nói thế, ông nói: "Đức Giêhôva cũng sẽ lấy mạng sống tôi làm quý trọn thể ấy." Đavít trao phó sự sống mình trong tay Đức Chúa Trời mà không tin cậy Saulơ về điều đó. Sự sống của Đavít sẽ được giữ gìn quý trọng bởi Đức Chúa Trời mà không phải bởi Saulơ. Đức Chúa Trời là Đấng đáng tin cậy. Saulơ đã chứng tỏ mình không đáng tin cậy. Đức Chúa Trời là Đấng công bình. Saulơ đã chứng tỏ mình không công bình. Đavít biết rằng người công bình sẽ được Đức Chúa Trời ban phước. Sự trông cậy của ông là tại đó, không phải nơi Saulơ mà là nơi Đức Chúa Trời. Ấy là nơi ông tìm kiếm sự tiếp trợ.
Thoạt tiên có vẻ như Đavít thật dại dột. Khi chỉ có hai người mà bước vào trại quân nghịch chẳng phải là dại dột sao? Chẳng phải là dại dột sao khi Đavít đi đến nơi Saulơ nằm ngủ mà chỉ lấy cây giáo và bình nước? Chúng ta chẳng thấy điều đó có vẻ hơi dại dột sao? Tuy nhiên Đavít đã chứng tỏ mình là khôn ngoan bằng cách chờ đợi Đức Chúa Trời. Ông bảo toàn mạng sống Saulơ. Ông chứng tỏ mình là công bình trong vấn đề này mà không phải là dại dột. Tuy nhiên Saulơ phải nhìn nhận mình là dại dột, phạm tội. Không có cách nào tránh né khỏi kết luận đó cả. Ông đã nổi lên nghịch cùng Đức Chúa Trời. Ông đã giơ nắm đấm lên nghịch cùng người được Đức Chúa Trời xức dầu. Bởi đó ông bị chế nhạo. Sự công bình sẽ được thể hiện và Đavít biết rằng mình chỉ phải chờ đợi mà thôi.
Như đã đề cập nhiều lần trước đó liên quan đến Đavít, Đavít là người được xức dầu và qua đó ông cũng là hình bóng của Đấng Christ. Khi nghĩ đến Đấng Christ, chúng ta phải nhớ rằng Đấng Christ từ trời xuống, ra khỏi nơi an toàn của Ngài bước vào một thế gian nghịch thù mà tại nơi đó Ngài bị khinh bỏ, khước từ giữa những người tìm giết Ngài. Chúa Giêxu đến giữa nhân loại. Ngài đến như là Vị Vua thật và công bình. Ngài đến như Nước Hằng Sống. Ngài là Đấng mang lấy hết thảy quyền năng thế lực. Con người có thể cho rằng họ có sức mạnh của ngôi nước nhưng họ bị lừa dối. Năng quyền của sự sống và sự chết ở trong tay Ngài. Ngài sẽ cai trị trên ngôi Đavít. Chúa Giêxu rời đời tạm này với sự sống trong tay Ngài. Ngài được sống lại từ cõi chết. Ngài ban sự sống cho dân sự Ngài. Ngài sống với năng quyền thế lực. Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Trong sự đến lần thứ nhất của Ngài, cánh tay công bình Ngài đã bị cầm giữ lại trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên chúng ta biết rằng sẽ đến lúc Đức Chúa Trời sẽ trở lại trong thời điểm của Ngài. Những ai khước từ Vua sẽ bị đoán phạt dưới sự phán xét và thạnh nộ của Ngài. Đối với thế gian này sự đến của Chúa Giêxu dường như là rồ dại (1Côrinhtô) nhưng chúng ta biết rằng nó bày tỏ chính sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.
Ngài phán từ trên núi hầu chúng ta có thể nhìn thấy sự dại dột của chính chúng ta và ăn năn, hầu chúng ta đối diện với chính những ao ước tội lỗi của chúng ta, ước muốn nắm giữ vương quyền và nhìn thấy sự dại dột của chính nó, hầu chúng ta có thể thật sự ăn năn quỳ gối xuống trước mặt Đấng chịu xức dầu của Đức Chúa Trời mà xây bỏ khỏi quá khứ tội lỗi của mình. Kinh Thánh dạy chúng ta chớ đặt lòng tin cậy vào những gì của thế gian này, vào vua chúa và người ta. Đức Chúa Trời phán rằng chính Ngài chăm nom chúng ta, chính Ngài cung ứng cho chúng ta, bảo vệ chúng ta, là bạn thật trung tín của chúng ta. Ngài bảo chúng ta hãy theo Ngài. Với những kẻ dại dột khước từ Đấng Christ, kết cục của họ là chắc chắn. Đức Chúa Trời sẽ đến phán xét họ. Thế thì câu hỏi dành cho chúng ta ngày hôm nay là: "Liệu chúng ta sẽ cư xử dại dột như Saulơ? Liệu chúng ta sẽ cứ khư khư nắm giữ vương quyền của mình? Liệu chúng ta sẽ khước từ vị vua thật là Đấng sẽ cai trị đời đời, Đấng ngồi trên ngai Đavít? Liệu chúng ta sẽ tiếp tục chiến cự cùng Ngài dù biết rằng sự hủy diệt của chúng ta là chắc chắn? Hay chúng ta sẽ đầu phục Ngài quỳ gối trước mặt Đấng Cứu Chuộc của hết thảy chúng ta và đi theo Ngài?" Thời gian chúng ta lưu lại trong nơi đồng vắng thật ngắn ngủi. Đấng Christ sẽ đến trong thời điểm của Ngài. Ngài sẽ phán xét công bình những kẻ ác. Những ai đã được nên công bình bởi huyết Đấng Christ sẽ đồng trị của Ngài. Amen.
Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Cầu xin Ngài cho chúng ta nhận biết sự dại dột của đời sống xa cách Đấng Christ, biết rằng chiến cự với Ngài và Đấng chịu xức dầu của Ngài là dại dột. Đấng Christ sẽ toàn thắng và là Vị Vua vĩ đại ngồi trên ngai Đavít. Xin cho chúng con khiêm nhường quỳ gối trước mặt Ngài. Xin cho chúng con có thể sống như Đavít, bước đi cách công bình trước mặt Ngài. Xin cho chúng ta được trở nên công bình bởi huyết Đấng Christ hầu chúng con có thể sống đời sống thánh khiết. Xin cho chúng con cúi mình cách khiêm nhường trước Vị Vua chúng con và thờ lạy Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu Christ. Amen.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)