SAU LƠ - VỊ CỨU TINH CỦA DÂN YSƠRAÊN
(1Samuên 10:26-11:13*)
Tháng Hai 2005
Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Trong bài học lần trước, chúng ta thấy sự đăng quang của vua Saulơ trong dân Y-sơ-ra-ên là một bước tiến triển tiêu cực, rằng tận trong tấm lòng chúng ta, chúng ta cần nên ao ước dân Y-sơ-ra-ên dừng lại đừng tung hô Saulơ làm vua nữa bởi khi làm thế họ đang khước từ chính Đức Giêhôva. Tôi tin rằng đoạn 10 cho chúng ta những bằng chứng rõ rệt rằng việc dân Y-sơ-ra-ên cứ theo đuổi ước muốn có vua của mình là sai trật. Làm như thế, họ đang phạm tội cùng Đức Chúa Trời và chính quá trình chọn lựa Saulơ cũng được thực hiện hầu chọn ra một vua mà dân Y-sơ-ra-ên ao ước: Một vua như các dân tộc khác. Đoạn 10 mô tả Saulơ là một con người trống rỗng, một con người bên ngoài ra vẻ anh kiệt nhưng bên trong lại hèn nhát yếu đuối.
Tuy nhiên đến với bài học hôm nay, chúng ta dường như gặp phải một đoạn Kinh Thánh trái ngược với ý niệm mà chúng ta đã biết trong bài học lần trước. Đoạn 11 mô tả Saulơ như là một anh hùng trong dân sự. Sự lãnh đạo của ông trong đoạn 11 là đáng ghi nhận thậm chí là đáng khen. Dường như Đức Chúa Trời đang đồng công với Saulơ chớ không phải nghịch cùng ông. Saulơ được mô tả như vị cứu tinh của dân Y-sơ-ra-ên. Thế thì làm thế nào chúng ta có thể tiếp cận đoạn 11 mà vẫn kiên định với những gì chúng ta học hỏi trong đoạn 10? Liệu chúng ta có cần thay đổi sự hiểu biết trước đây của chúng ta không? Hay liệu có cách giải thích nào không? Làm thế nào chúng ta có thể giải thích sự mâu thuẩn rõ rệt như thế?
Tôi cho rằng chúng ta không thể giải thích bằng cách khước từ hay tô vẽ thêm cho đoạn 11 điều gì khác hơn là ý tứ thể hiện ở đó. Chúng ta không thể bóp méo đoạn Kinh Thánh mà nói rằng trong thời điểm này Saulơ không hành động như là vị cứu tinh của dân sự . Nhìn chung có ba quan điểm tại đây với vấn đề nan giải rằng liệu việc có vua trong dân Y-sơ-ra-ên là điều tốt hay điều xấu.
Quan điểm thứ nhất rất phổ biến giữa vòng những người theo phái tự do phóng khoáng, những học giả không đề cao vị trí của Thánh Kinh. Để giải quyết vấn đề không nhất quán này, họ cho rằng đó là vì có những tác giả khác nhau viết trong những thời điểm khác nhau trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên và những tác giả này viết với những góc nhìn khác nhau. Có những tác giả rất ủng hộ việc có vua. Đây là những tác giả viết trong những giai đoạn sớm hơn khi các triều vua được xem như là điều tốt đẹp. Thế nhưng cũng có những quan điểm rất phản đối vua, chúng xuất hiện trong dân Y-sơ-ra-ên sau này khi những vua sống cách gian ác và dân sự bị bắt làm phu tù. Những tác giả gọi là "thuộc phái Phục Truyền Luật Lệ Ký" thêm những đoạn có xu hướng chống lại vua vào các sách. Vì thế mà những những người theo phái này cho rằng việc các phần Kinh Thánh có mâu thuẩn với nhau là không có vấn đề gì. Tuy nhiên chúng ta thấy cách nhìn đó thật không ổn phải không? Quan điểm này dẫn đến việc khước từ sự linh ứng của Thánh Kinh! Kinh Thánh không phải do con người viết ra thôi mà chính là Lời Đức Chúa Trời! Chúng ta là dân sự của Đức Chúa Trời sẽ không gán ghép cho Ngài một điều gì khó hiểu hay mâu thuẩn. Đức Chúa Trời không phát biểu bừa bãi trong quan điểm của Ngài về vua. Ngài không đổi ý từ giai đoạn lịch sử này sang giai đoạn lịch sử khác. Không! Ngài có một cái nhìn kiên định khi Ngài hành động trong vấn đề vua dân Y-sơ-ra-ên. Vì thế chúng ta có thể tin tưởng đúng đắn vào cái nhìn đó.
Quan điểm thứ hai là có một tác giả duy nhất, và người này đang ghi lại những sự kiện như một người thuật chuyện, một người thuật lại khách quan những sự kiện trước mắt. Ông là một người quan sát trung dung ghi lại những sự kiện này với ba góc độ khác nhau: khi thì từ góc nhìn của Đức Chúa Trời, khi thì từ góc nhìn của Samuên và khi thì từ góc nhìn của dân sự. Theo quan điểm này thì trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, ao ước có vua trong dân Y-sơ-ra-ên là sai. Tuy nhiên, không giống như Samuên, Đức Chúa Trời dễ dàng tha thứ cho dân sự và ban cho họ điều họ cầu xin: Ngài tích cực tìm kiếm và theo đuổi một vua cho dân Y-sơ-ra-ên. Theo quan điểm này thì góc nhìn của Đức Chúa Trời khác biệt với góc nhìn của tiên tri Ngài là Samuên. Theo quan điểm này, Samuên ít nhiều cay đắng với yêu cầu này bởi nó không chỉ là sự sỉ nhục với Đức Chúa Trời mà đặc biệt là sự sỉ nhục với Samuên. Với Samuên, việc có vua là sai, là sỉ nhục đối với ông cũng như đối với Đức Chúa Trời. Vì thế nếu đọc từ góc nhìn của ông, chúng ta nhìn thấy một con người cay đắng với việc dân Y-sơ-ra-ên có vua. Góc nhìn thứ ba trong quan điểm này là góc nhìn của dân sự, dĩ nhiên, hầu như là ủng hộ việc có vua và ủng hộ Saulơ. Quan điểm này tuy có vẻ thu hút khi xem xét vấn đề này vì nó chấp nhận một tác giả viết phần Kinh Thánh này nhưng lại vướng phải một vấn đề khác: Samuên là tiên tri của Đức Chúa Trời; chúng ta thấy điều này rõ ràng từ đoạn 8 đến đoạn 12. Những gì Samuên nói rõ ràng là từ nơi Đức Chúa Trời. Những gì ông nói ra đều xảy ra đúng như vậy. Ông tỏ ra là một tiên tri thật của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh mô tả Samuên liên hệ gắn bó hết sức rõ ràng với Đức Chúa Trời; Lời ông nói là Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy điều này rõ ràng trong đoạn 10 câu 18 khi Samuên nhấn mạnh rằng ông không nói ý mình mà nói rằng: "Giêhôva Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán như vầy." Vì thế, đặt một hàng rào giả tạo giữa Đức Chúa Trời và tiên tri Ngài là không thích hợp với ngữ cảnh. Góc nhìn của Samuên cũng là góc nhìn của Đức Chúa Trời. Quan điểm của Samuên về vua hoàn toàn không mâu thuẩn với quan điểm của Đức Chúa Trời mà ủng hộ tán đồng với Ngài.
Quan điểm thứ ba mà theo tôi là quan điểm duy nhất đứng nỗi thách đố của giáo lý chính thống là: không có điều gì không nhất quán giữa đoạn Kinh Thánh này và đoạn trước đó và chỉ có một quan điểm thống nhất về việc vua được trình bày trong những đoạn Kinh Thánh này. Quan điểm này không được nhiều học giả ủng hộ và là quan điểm duy nhất đề cao tầm quan trọng của sự linh ứng của Kinh Thánh và xử lý đoạn Kinh Thánh này cách công bằng. Chúng ta đã trình bày khi học đoạn 8 rằng sự Đức Chúa Trời không đẹp lòng dân sự Ngài là bởi vì yêu cầu của họ là họ được "như các dân tộc khác." Ấy chính động cơ khiến họ muốn có một vua là điều mà Đức Chúa Trời không chấp nhận được. Trong ước muốn được như các dân tộc khác, họ đã hoàn toàn khước từ Đức Chúa Trời làm vua họ. Họ đã đánh mất sự kêu gọi của họ làm một dân tộc khác biệt với các dân tộc khác bởi họ là tôi tớ của Vị Vua thiêng thượng trên trời. Sự phản đối của Đức Chúa Trời đối cùng dân Y-sơ-ra-ên là ở nơi ước muốn của họ và điều đó được phản ánh rõ ràng xuyên suốt những đoạn Kinh Thánh này qua tiếng nói của tôi tớ Ngài là Samuên. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng cả Đức Chúa Trời và Samuên đều không phản đối chính việc có vua. Trước đây Đức Chúa Trời đã chỉ rõ trong lời Ngài rằng Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên một vương quốc, rằng sẽ có người ngồi trên ngôi cai trị dân Y-sơ-ra-ên chẳng hạn như trong Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 17, trong lời hứa ban cho Giuđa v.v... Có những lời tiên tri nói trước rằng dân Y-sơ-ra-ên sẽ có một vua. Thế thì không phải là vì chức vụ vua mà chính là vì cái động cơ của ước muốn đã dẫn đến sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời đối cùng dân Y-sơ-ra-ên.
Một khi dân sự đã nhận một vua, họ buộc phải vâng phục vua đó. Sự chọn lựa vua Saulơ được chính Đức Chúa Trời dẫn dắt để dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên về bản chất thật của các vua và cụ thể là vị vua của họ. Saulơ được lựa chọn như là một công cụ để dạy cho dân sự về động cơ tội lỗi của họ nhưng cũng để dạy họ là một vua phải thế nào nếu muốn sống trung tín trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã lựa chọn một vua nơi Saulơ, là người phản ảnh ao ước tội lỗi của dân sự: một vua như các dân tộc khác. Cuối cùng rồi Saulơ cũng sẽ bày tỏ ra chính mình là một vua trống rỗng. Tuy nhiên, Kinh Thánh trong đoạn 11 bắt đầu tích cực hơn nhiều. Đây là điều đoạn Kinh Thánh muốn dạy chúng ta, nghĩa là: mọi việc sẽ thế này đây nếu vua đi theo Đức Chúa Trời. Trong trường hợp cụ thể này, Saulơ đã sống theo điều đó. Có một niềm hy vọng giữa vòng dân sự và thậm chí trong chúng ta nữa khi đọc đoạn Kinh Thánh này rằng Saulơ sẽ bước đi thích hiệp với Đức Chúa Trời và bởi đó mà trở nên vị cứu tinh cho dân sự. Trong đoạn Kinh Thánh này, không có gì chối cãi rằng ông được trình bày như là vị cứu tinh của dân Y-sơ-ra-ên. Nó cũng nhấn mạnh vấn đề của đoạn 12 khi Samuên tiếp tục đề cập đến bản chất của các vua rằng họ phải trung tín và đầu phục Đức Chúa Trời nếu muốn được Ngài ban phước. Đoạn 11 bày tỏ rõ kết quả của một người đi theo Đức Chúa Trời cách trung tín bởi Saulơ đã làm điều đó trong sự kiện ban đầu này. Chúng ta nhìn thấy phần sau câu chuyện rằng trong chức vụ của mình ông đã ngày càng đi sai lạc hơn khỏi khởi điểm này.
Xin chúng ta cùng xem trong phần Kinh Thánh hôm nay (từ đoạn 10 câu 26 đến hết đoạn 11). Phần Kinh Thánh này được sắp xếp theo một kiểu mẫu chớ không phải bừa bãi: nó được sắp xếp theo kiểu bắt chéo. Kiểu bắt chéo là cách viết văn mà trong câu chuyện có những câu đối xứng với nhau với phần ngay chính giữa của câu chuyện là phần chính yếu nhất mà chúng ta cần tập trung. Đoạn Kinh Thánh này được sắp xếp theo thứ tự đó. Chúng ta có thể thấy điều này bắt đầu từ đoạn 10 câu 26 và 27. Trong hai câu này chúng ta thấy có hai thành phần trong dân sự: một bên rất ủng hộ Saulơ và một bên thì đối địch. Kinh Thánh cho chúng ta biết những kẻ phỉ đồ, những kẻ vô tích sự, chống nghịch Saulơ. Ấy là thời điểm mới ban đầu nhưng khi chúng ta đọc tiếp đến đoạn 11 câu 12 và 13, chúng ta lại được nhắc đến về những người này một lần nữa: "Dân sự nói cùng Samuên rằng: Ai đã nói: Saulơ há sẽ trị vì trên chúng ta sao? Hãy phó những người đó cho chúng tôi giết đi. Nhưng Saulơ đáp: Chẳng ai sẽ bị xử tử trong ngày nay; vì ngày nay Đức Giêhôva đã làm sự giải cứu trong Y-sơ-ra-ên." Hai phần trên là giới hạn ngoài cùng của đoạn văn bắt chéo. Phần đối xứng thứ hai xuất hiện ngay sau đó khi Kinh Thánh đề cập đến người Ammôn (đoạn 11 câu 1,2) hình thành tầng thứ hai của đoạn bắt chéo, nó đối xứng với đoạn 11 câu 11 nơi mà dân Ammôn một lần nữa lại được nêu tên. Cặp đối xứng thứ ba được vẽ ra giữa hai phần đề cập đến sứ giả: trong câu 3, sứ giả được sai đến Saulơ và trong câu 10, cũng sứ giả đó được sai đi từ chỗ Saulơ mà đi đến Gia-be trong Ga-la-át. Cặp đối xứng thứ tư xuất hiện ở câu 6 và 7a khi đề cập đến "Thần của Đức Chúa Trời" đối xứng với câu 7b và 8 khi đề cập đến "sự kinh khủng của Đức Giêhôva"; Trong hai phần này đều có đề cập đến Đức Chúa Trời: Thần Đức Chúa Trời cảm động Saulơ hành động và "sự kinh sợ Đức Giêhôva" trên dân sự khiến dân sự hành động. Khi đặt để hai phần này lại với nhau chúng ta đã đi đến phần trung tâm của đoạn bắt chéo. Phần trung tâm cũng ở câu 8 nữa. Câu 8 nói đến sự kêu gọi cấp bách cho dân sự giải cứu anh em mình ở Gia-be trong Ga-la-át khỏi dân Ammôn. Chúng ta rất cần suy nghĩ về phần trung tâm này vì biết rằng lời kêu gọi khẩn cấp này không phải do nơi Saulơ. Chúng ta để ý sứ giả được sai đi với sứ điệp: "Phàm ai không theo Saulơ và Samuên thì các con bò nó tất sẽ bị làm như vậy." Câu này là phần trung tâm của đoạn văn bắt chéo. Chúng ta cũng thấy từ những cặp đối xứng này có những hành động tăng cấp dần lên dẫn đến việc Saulơ ra lệnh triệu tập dân sự, rồi ở nửa sau của đoạn bắt chéo cũng có những hành động tăng cấp dần lên như thế. Có một sự liên kết sâu sắc giữa những cặp đối xứng. Nếu sắp xếp chúng lại chúng ta sẽ thấy chúng hoàn toàn đối nhau. Chẳng hạn như trong câu 1, chúng ta thấy Na-hách hết sức tự hào rồi trong phần đối xứng chúng ta thấy hắn bị đánh bại; Sứ giả đến cùng Saulơ đối lại với việc sứ giả rời khỏi Saulơ; Dân sự buồn bã đối lại với dân sự vui mừng. Có sự đối nhau rất chỉnh khi chúng ta xem xét hai nhóm đối xứng này. Phần trung tâm là điểm chính yếu, là chìa khóa để hiểu cả đoạn.
Chúng ta cần hiểu rằng nguyên do cho thành công của Saulơ là ở mối liên kết của ông với Đức Chúa Trời. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy Saulơ là vua. Chắc chúng ta có thể trông đợi nơi vua Saulơ rằng khi một thành thuộc vương quyền của ông bị tấn công, ông sẽ kêu gọi dân sự ra trận nghịch cùng những kẻ xâm lăng này. Chúng ta có thể trông đợi điều đó nơi vua Saulơ. Nhưng Saulơ không nhân danh riêng mình mà rao sứ điệp. Ông nói rằng đây là sứ điệp của "Saulơ và Samuên". Ông cố tình liên kết với Samuên. Saulơ là vua nhưng ông không tự mình hành động. Ông đang hành động cùng với Vị Vua thiên thượng. Saulơ và Samuên xuất hiện cạnh nhau, hiệp một chống lại kẻ thù của Đức Chúa Trời và của dân sự Ngài. Thần Đức Chúa Trời cảm động Saulơ, sự kinh khủng của Đức Giêhôva thúc đẩy dân sự. Theo Saulơ, chính Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài sự đắc thắng. Ở cuối đoạn Kinh Thánh, Saulơ cũng nói rằng chính Đức Chúa Trời đã làm sự giải cứu trong dân Y-sơ-ra-ên.
Phần Kinh Thánh này đúng ra bắt đầu từ đoạn 10 câu 26, 27, với câu hỏi: "Hắn đó cứu giúp chúng ta được việc chi?" Những người phỉ đồ thiển cận này không tin rằng Đức Chúa Trời sẽ dùng Saulơ để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên. Sự giải cứu lại là điểm cốt lõi của đoạn Kinh Thánh. Chữ này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đoạn 10 câu 27, "Hắn đó cứu giúp chúng ta được việc chi?". Đoạn 11 câu 3, "Nếu không ai giải cứu chúng tôi thì chúng tôi sẽ đi ra hàng đầu". Đoạn 11 câu 9 khi sứ giả đến với người Giabe Ga-la-át rằng: "Đến mai, khi mặt trời đã nắng nóng, thì anh em sẽ được giải cứu." Cuối cùng trong câu 13: "ngày nay Đức Giêhôva đã làm sự cứu trong Y-sơ-ra-ên." Sự giải cứu trong dân Y-sơ-ra-ên là trung tâm trong phần Kinh Thánh này. Thế thì câu hỏi của những người này vẫn còn đó, là liệu Saulơ có cứu giúp dân Y-sơ-ra-ên được không và câu trả lời là một lời khẳng định có cơ sở hẳn hoi. Vâng, Saulơ có thể làm một người có khả năng cứu giúp dân sự nếu như ông sống công bình, đầu phục Vị Vua Thiên Thượng là chính Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng có thể thấy rằng ít ra trong câu chuyện nầy Saulơ đầu phục Đức Chúa Trời làm Vua mình. Thậm chí ở cuối đoạn ông còn nhìn nhận điều đó rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng ban sự giải cứu chớ không phải chính mình ông. Thế nhưng khi chúng ta đi xa hơn khỏi khởi điểm này của Saulơ, chúng ta sẽ thấy ông ngày càng đi xa khỏi ý muốn Đức Chúa Trời.
Thử thách đầu tiên của Saulơ xảy đến trong đoạn 11. Câu 1 cho chúng ta thấy một cuộc khủng hoảng đã diễn ra trong dân Y-sơ-ra-ên. Na-ách, người Ammôn, đã hà hiếp Gia-be trong Ga-la-át. Gia-be trong Ga-la-át không có hy vọng gì. Họ biết thế. Họ biết rằng mình không thể đứng nỗi trước sức mạnh của Na-ách vua Ammôn. Họ chỉ có một lựa chọn duy nhất là kết ước với dân này, hay nói cách khác là đầu hàng kẻo hết thảy dân sự họ sẽ bị Na-ách giết. Câu 2 cho thấy Na-ách bảo rằng "Không! Ta sẽ không chịu kết ước với các ngươi nếu ta không sỉ nhục các ngươi trước. Ta muốn sỉ nhục các ngươi bằng cách móc mắt phải các ngươi và bởi việc đó, ta không chỉ sỉ nhục các ngươi không thôi mà ta còn sỉ nhục cả dân Y-sơ-ra-ên nữa!" Đoạn Kinh Thánh mô tả Na-ách như là một người có tham muốn tàn phá cướp bóc trong đầu, hắn cho rằng không ai có thể giải cứu dân Giabe được. Hắn còn cho thời hạn bảy ngày trì hoãn hầu cho dân Giabe có được tia hy vọng duy nhất cuối cùng, hầu kêu cứu dân Y-sơ-ra-ên xem họ có được cứu giúp không. Chúng ta có thấy dáng vẻ ngạo mạn trong cách nói của Na-ách với dân sự Gia-be trong Ga-la-át không? Họ phải làm gì đây? Họ thưa với Na-ách ý muốn của họ là sai sứ giả đi rao cho cả dân sự hay và được cho phép hầu có thể tìm kiếm ai đó giải cứu họ. Họ được cho thời hạn là bảy ngày để gởi sứ giả đi.
Chúng ta thấy rằng sứ giả không được sai đến khắp nơi trong xứ Y-sơ-ra-ên mà Kinh Thánh cho chúng ta biết những sứ giả đi ngay đến Ghi-bê-a, thành của Saulơ. Họ biết rằng giờ đây dân Y-sơ-ra-ên có một vua. Họ đi thẳng đến Ghi-bê-a, thành của Saulơ, thẳng đến vua của dân Y-sơ-ra-ên, đến người họ hy vọng có thể giải cứu họ. Kinh Thánh không cho thấy gì rằng họ tìm kiếm ai khác nữa. Chúng ta cũng cần nhớ rằng có một mối liên hệ đặc biệt giữa dân sự của Gia-be trong Ga-la-át và dân sự Ghi-bê-a. Chúng ta có thể nhìn thấy mối quan hệ này khi học đoạn cuối của sách Các Quan Xét. Chính tại Ghi-bê-a này mà người vợ bé của một người Lêvi bị làm nhục và giết chết, thi thể bà được gởi đi khắp mười hai chi phái dân Y-sơ-ra-ên và cả dân sự ra chiến trận nghịch cùng dân Ghi-bê-a và người Bêngiamin. Chúng ta có nhớ là cuối cùng người Ghi-bê-a và Bêngiamin gần bị xóa sổ không? Thế thì dân Y-sơ-ra-ên nêu lên câu hỏi là chi phái nào trong dân Y-sơ-ra-ên không sai người ra trận nghịch cùng dân Ghi-bê-a? Chỉ có một thành là Gia-be trong Ga-la-át. Thành Gia-be trong Ga-la-át bởi không gởi người ra trận nghịch cùng dân Ghi-bê-a sau vụ người vợ bé bị giết nên đã bị diệt và bốn trăm người nữ còn đồng trinh của họ được mang về Ghi-bê-a làm vợ cho người nam của chi phái Bên-gia-min. Thế nên có vẻ là có nhiều mối liên hệ giữa hai thành này.
Chúng ta cũng thấy có một điểm tương tự là có mười hai phần được cắt ra và gởi cho mười hai chi phái dân Y-sơ-ra-ên. Khi xem Các Quan Xét đoạn 20 chúng ta nhận thấy rằng mối liên hệ này được nêu lên với một mục đích rõ ràng. Có một sự kết nối giữa 1Samuên 11 và Các Quan Xét 21 nhằm đưa ra sự tương phản chớ không phải sự tương đồng. Trong Các Quan Xét 20 và 21 chúng ta thấy câu chuyện dân Y-sơ-ra-ên chiến cự lẫn nhau nhưng lần này họ đang chiến cự cho nhau. Chúng ta cũng còn nhớ trong thời của câu chuyện người Lêvi và vợ bé mình, Kinh Thánh thường nhấn mạnh rằng: "không có vua trong dân Y-sơ-ra-ên." Tuy nhiên trong phần Kinh Thánh chúng ta hôm nay, tình hình đã thay đổi: Dân Y-sơ-ra-ên giờ đây đã có một vua và dân Y-sơ-ra-ên, đã từng chia rẽ, giờ đây đoàn kết như một người. Khi xem phần Kinh Thánh hôm nay chúng ta thấy có mối tương quan trái ngược với Các Quan Xét, vua Saulơ giờ đây đã giúp cho dân sự hiệp một lại nghịch cùng kẻ thù.
Chúng ta đọc tiếp trong đoạn Kinh Thánh hôm nay thấy rằng việc các sứ giả không đến với Saulơ mà Saulơ nhận được sứ điệp từ những người Ghi-bê-a khác cũng hoàn toàn có chủ ý. Điều đó không làm giảm giá trị ngôi vua của ông mà còn làm tăng giá trị của sự lãnh đạo của ông trong phần Kinh Thánh này. Dân sự nghe tin về Gia-be trong Ga-la-át, họ tuyệt vọng chỉ còn biết khóc. Họ không biết phải làm gì hay tính toán gì để hành động. Thế nhưng khi Saulơ, vị lãnh tụ mới của dân sự, nghe tin, ông liền hành động. Thần Đức Chúa Trời đến trên ông và ông sai sứ giả mang sứ điệp kêu gọi cả dân Y-sơ-ra-ên đến và chiến đấu cho Gia-be trong Ga-la-át. Chúng ta để ý rằng đây là một cuộc tuyển quân hết sức bắt buộc trên những người nam của Y-sơ-ra-ên: Saulơ bảo rằng "Nếu các ngươi không đến thì chúng ta sẽ giết bò các ngươi như ta đã giết con bò của ta vậy!" Hiệu quả thị giác là rất dễ hiểu cho dân sự và họ đáp ứng. Họ không đáp ứng với nỗi sợ hãi kẻ thù mà với sự kinh sợ Đức Giêhôva. Chúng ta thấy sứ điệp của Saulơ được tiếp nhận và đáp ứng. Ba trăm ngàn người sẵn sàng ra trận. Những sứ giả trở về với một sứ điệp đầy hy vọng cho dân Gia-be trong Ga-la-át: "Chúng ta có hy vọng bởi dân Y-sơ-ra-ên đang hiệp lại chiến đấu cho chúng ta." Dân sự Gia-be trong Ga-la-át lấy làm vui mừng. Chúng ta đã cảm nhận được từ lúc ban đầu rằng chiến thắng đã được bảo đảm. Ba trăm ngàn người ra trận. Đoạn Kinh Thánh liệt kê rõ về chi phái Giuđa: họ có ba mươi ngàn người. Chúng ta sẽ tin rằng đây đã là một sự báo trước về một Đấng từ chi phái Giuđa sẽ làm Vua thật trong Y-sơ-ra-ên. Chi phái Giuđa luôn được đề cập cách đặc biệt bởi đó là dòng dõi của Vị Vua thật của Y-sơ-ra-ên.
Kinh Thánh cho chúng ta thấy dân Y-sơ-ra-ên chiến cự cùng dân Ammôn và rõ ràng giành phần thắng. Họ chiến đấu ban ngày và không có người nào trong quân nghịch còn hai người chung nhau. Người Ammôn trước đây từng ra vẻ rất tự tin mạnh mẽ giờ đây thua bại ê chề. Họ bị tản lạc. Chính họ không còn hiệp một nữa.
Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời đang dạy Saulơ và dân sự về bản chất của tước vị vua. Chúng ta đọc tiếp trong đoạn 11 câu 12, 13 nói đến những người chống nghịch Saulơ giờ đây có thể bị giết. Phần này cho thấy sự thương xót của Saulơ và tấm lòng sẵn sàng tha thứ. Sự nhẫn nại của ông rất giống như cách Đức Chúa Trời đối cùng dân sự Ngài. Chúng ta rất cần nhận ra rằng Đức Chúa Trời đang dạy Saulơ về bản chất của tước vị vua trong dân Y-sơ-ra-ên: Vua phải công bình. Vua phải hầu việc và vâng lời Đức Chúa Trời. Điều quan trọng không phải là ở nơi những tính chất hay dáng dấp bên ngoài mà là ở tấm lòng. Trong đoạn 11 chúng ta thấy Saulơ đứng trong một cương vị được mô tả như là hình ảnh của Đấng Christ. Ông là một vua tin kính. Ông tôn kính Vua Thiên Thượng và hành động cùng với Ngài mà không nghịch cùng Ngài. Đây là cách mà vua dân Y-sơ-ra-ên phải hành xử. Và mọi việc sẽ diễn ra như thế nếu một vua chân thành với Đức Chúa Trời hành xử cách trung tín với Ngài. Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho họ. Ngài sẽ ban cho họ chiến thắng ngoài trận mạc. Đức Chúa Trời sẽ cứ làm Vua họ. Tuy nhiên, cuối cùng, sự việc diễn ra là Saulơ không sống theo được chuẩn mực đó.
Như dân sự Gia-be trong Ga-la-át, chúng ta cũng hướng về một Vua. Chúng ta hướng về Vị Vua đã giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự thống khổ của chúng ta. Chúng ta hướng về một Vua trong Chúa Giêxu Christ là Đấng giải cứu chúng ta khỏi sự hủy diệt chắc chắn. Chúng ta hướng về một Vua thật sự công bình, Đấng mà sự công bình Ngài vượt hơn sự công bình của Saulơ bởi chúng ta biết rằng sau này Saulơ sẽ không sống theo được sự kêu gọi cao trọng đó. Ông sẽ không là một vua công bình. Ông sẽ không phải là người mà dân Y-sơ-ra-ên có thể đặt niềm trông cậy về sự giải cứu bởi ông sẽ trật phần ân điển. Ông sẽ không vâng lời Đức Chúa Trời. Ông sẽ tôn chính mình lên chỗ của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trong lúc này, Đức Chúa Trời đang dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên bài học rằng một vua công bình sẽ được ban phước.
Khi đọc phần Kinh Thánh này, chúng ta nên nhìn thấy Đấng Christ và đi theo Ngài. Ngài là Vị Vua thật sự cứu được. Ngài là Vị Vua thật sự công bình mọi đàng. Ngài không bao giờ thất bại. Ngài là Vua mà chúng ta thấy trong Tân Ước, đầu phục Cha mình, luôn tìm kiếm làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy một Vua khi chết trên thập tự giá không kêu xin sự hủy diệt trên những kẻ nhạo báng mình mà kêu xin sự tha thứ. Vâng! Chúa Giêxu Christ là Vua thật của dân Y-sơ-ra-ên. Trong phần Kinh Thánh này, Saulơ chỉ báo trước về Ngài nhưng ông sẽ thất bại như tất cả những vua trần gian này. Chỉ có Đấng Christ là trội hơn. Khi chúng ta trông đợi sự giải cứu từ Đức Chúa Trời thì chúng ta hướng về Đấng Christ. Ngài là sự cứu rỗi của chúng ta. Amen.
*Theo mục sư Marc, sự phân đoạn Kinh Thánh trong chỗ này sẽ hợp lý hơn nếu đoạn Kinh Thánh bắt đầu từ đoạn 10 câu 26 và kết thúc trong đoạn 11 câu 13.
Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)