Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Ycabốt Sự Vinh Hiển Đã Mất - 8/2004  


YCABỐT - SỰ VINH HIỂN ĐÃ MẤT
(1Samuên 4:1b-22)

Tháng Tám 2004

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Theo sứ điệp trong 1Samuên đoạn 3 câu 11, sự kiện trong đoạn 4 là một sự kiện khiến ai nghe đến lỗ tai phải lùng bùng. Thế thì chúng ta vừa đọc qua đoạn 4, lỗ tai chúng ta có lùng bùng không? Câu chuyện này có phải chỉ là một câu chuyện trong số nhiều câu chuyện khác trong Kinh Thánh không? Chắc chắn đối với dân Ysơraên, việc hòm giao ước bị dân Philitin cướp lấy là một sự kiện thất kinh khủng khiếp. Không điều gì đáng sợ hơn thế. Thế thì việc gì đã xảy ra? Tại sao mọi việc lại tệ hại đến thế? Giờ đây hòm của sự hiện diện Đức Chúa Trời đang rơi vào tay một trong những kẻ thù hung tợn nhất của dân Ysơraên. Đối với dân Ysơraên, đây là một cú sốc khiếp hãi. Sự trầm trọng của sự kiện này làm kinh động dân sự đến nỗi cụ giàHêli, đang sốt ruột ngồi gần bên cửa trông tin tức nơi chiến trận, dù ông không lay động khi nghe tin hai con mình qua đời nhưng lại kinh hoàng đến ngã chết khi nghe tin hòm giao ước bị cướp lấy. Điều gì trong câu chuyện này khiến cho lỗ tai ai nghe đến cũng phải lùng bùng? Chúng ta hãy cùng tìm xem.

Điều đầu tiên chúng ta cần nhận ra là những sự kiện trong đoạn 4 được xây dựng trên cơ sở những gì chúng ta đã thấy trong đoạn 3. Trong đoạn 3, chúng ta đọc thấy về việc Đức Chúa Trời kêu gọi Samuên. Ngài gọi Samuên ba lần giữa đêm, đến lần thứ tư, Ngài báo cho Samuên về kết thúc cuối cùng của gia đình Hêli, người cố vấn của Samuên. Sứ điệp nhắc lại lời đe dọa của vị tiên tri với chính Hêli trong đoạn 2. Trong đoạn 4, những lời đe dọa và phán xét cho gia đình Hêli cuối cùng thành hiện thực. Vì Hêli đã nhân nhượng với sự gian ác của hai con trai mình trong nhà Đức Chúa Trời, giờ đây cả gia đình phải chịu sự rủa sả. Chúng ta thấy Hêli là một lãnh đạo thất bại. Ông đã khước từ giao ước của Đức Chúa Trời. Các con trai ông đã dẫn dắt dân sự trong tội lỗi và sự chống nghịch Đức Chúa Trời và vì thế, họ đang chịu đoán phạt.

Thế nhưng khi đọc đến đoạn 4, chúng ta thấy vấn đề còn trầm trọng hơn là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời trên một gia đình tội lỗi. Một sự kiện đã xảy ra trong dân Ysơraên. Sự việc ban đầu xảy ra rất thình lình và giờ đây nó sắp tát thẳng vào mặt ông. Trong bài học lần trước, chúng ta có nói rằng chủ đề của đoạn 3 tập trung vào Lời Đức Chúa Trời, rằng Lời Ngài thật hiếm hoi trong thời Hêli đến nỗi Samuên và Hêli, vị cố vấn của Samuên, cũng không nhận ra được khi cuối cùng Lời Ngài lại đến với Samuên. Họ không còn nhận ra tiếng của Đức Chúa Trời. Sự thiếu vắng Lời Đức Chúa Trời gợi ý rằng Đức Chúa Trời xa cách dân sự Ngài bởi đôi bên không có sự thông đạt thật. Đức Chúa Trời xa cách dân sự Ngài. Sự xa cách giữa Đức Chúa Trời và dân sự Ngài không được mọi người nhận ra ngay. Lúc bấy giờ dân sự không nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã xa cách họ bởi Lời Ngài không còn được nghe thấy giữa họ nữa. Chúng ta thấy rằng tâm trí họ bị che khuất đến nỗi không nhận ra sự thiếu vắng Đức Chúa Trời và Lời Ngài. Họ không nhận ra rằng họ không còn nghe tiếng Ngài nữa.

Chúng ta bước vào đoạn 4. Dân Ysơraên đang trong trận chiến nghịch cùng dân Philitin, một kẻ thù mà họ đã tranh chiến nhiều lần như có chép trong sách Các Quan Xét. Đây là một dân tộc ở phía nam, phía đông nam Canaan, hay gây rắc rối cho dân Ysơraên. Họ đã nhiều lần tấn công dân Ysơraên. Và giờ đây một lần nữa dân Ysơraên sắp chinh chiến cùng họ. Chúng ta không được biết về tình huống của trận chiến này, rằng tại sao họ lại chọn thời điểm này, nhưng chúng ta được biết rằng họ đã đứng lên nghịch cùng dân Philitin. Chúng ta đọc trong đoạn Kinh Thánh này thấy hai trận chiến. Hai trận chiến được sắp đặt trong câu chuyện một cách bắt chéo nhau. Tôi không biết chúng ta có quen thuộc với thuật bắt chéo không. Sự bắt chéo này là một nghệ thuật văn chương trong đó có những đoạn tương tự với nhau và phần giữa đoạn văn là phần nổi bật nhất. Trong trường hợp này, khi đọc đoạn 4 chúng ta sẽ nhìn thấy một sự bắt chéo xuất hiện rất rõ ràng từ câu 1 đến 10. Câu 1 và 2 mô tả trận chiến thứ nhất của dân Ysơraên với dân Philitin. Phần cuối của đoạn bắt chéo trong câu 10 và 11 mô tả trận chiến thứ hai giữa họ. Thế thì phần đầu và cuối của đoạn bắt chéo tập trung vào trận chiến giữa dân Ysơraên và dân Philitin. Bên trong ranh giới đó, câu 3 và 4 chúng ta thấy các trưởng lão trong dân sự trò chuyện về kế hoạch cuộc chiến. Phần tương tự với nó được tìm thấy trong câu 6 đến 9, tại đây những trưởng lão trong dân Philitin thảo luận về cách thức thể nào để chiến đấu với dân Ysơraên. Một lần nữa chúng ta thấy hai phần tương tự nhau. Sau đó nếu chúng ta xem phần giữa của đoạn bắt chéo, trong câu 5, "Khi hòm giao ước của Đức Giêhôva vào trại quân, cả Ysơraên đều reo tiếng vui mừng lớn, đến nỗi đất phải rúng động." Hòm giao ước của Đức Chúa Trời là tâm điểm của đoạn bắt chéo. Hòm giao ước của Đức Giêhôva vào trại quân dân Ysơraên. Thế thì chúng ta biết rằng câu chuyện này xoay quanh hòm giao ước và ý nghĩa của nó.

Khi chúng ta xem phần đầu của đợt tấn công quân Philitin, chúng ta thấy dân Ysơraên bị đánh bại phải lui quân. Bốn ngàn người đã ngã chết. Họ trở về trại quân và bối rối tự hỏi, "Tại sao sự việc lại diễn ra như thế? Tại sao Đức Chúa Trời lại để dân Philitin đánh bại chúng ta?" Họ biết rõ lời hứa của Đức Chúa Trời về việc chinh phạt những kẻ thù của dân Ysơraên rằng Đức Chúa Trời sẽ chiến cự cho họ, rằng Ngài sẽ ban cho họ chiến thắng trên đất Canaan. Thế nhưng Đức Chúa Trời đâu rồi? Những trưởng lão trong dân nói rằng thay vì chiến đấu cho dân sự Ngài, dường như Đức Chúa Trời đang chiến trận nghịch cùng họ.

Câu 3 nói rằng, "Cớ sao ngày nay Đức Giêhôva để cho dân Philitin đánh bại chúng ta?" Họ nhận rằng chính Đức Chúa Trời không cho họ chiến thắng, rằng Đức Chúa Trời chiến cự nghịch cùng họ. Tại đây hơi phi lý khi họ quyết định mang hòm giao ước vào trại quân. Họ muốn mang chính Đức Chúa Trời vào trận chiến. Họ muốn ép buộc Ngài hành động vì cho rằng khi có Ngài ở giữa họ thì chắc chắn họ sẽ giành phần thắng bởi ai thắng nỗi hòm giao ước của Đức Chúa Trời? Thế nhưng chúng ta hãy thử suy nghĩ: Nếu chính Đức Chúa Trời đã để cho dân Philitin đánh bại họ theo như lời những trưởng lão, chẳng phải là vô lý sao nếu mang Đức Chúa Trời đến gần họ hơn trong trại quân vì điều đó chỉ dẫn đến sự thất bại ê chề hơn mà thôi? Thế là hòm giao ước được mang đến bởi không ai khác hơn là hai con trai gian ác của Hêli đi hàng đầu trong trại quân Ysơraên. Chúng ta có cảm nhận được là rắc rối đang đến gần không?

Dân Ysơraên không nhận ra được điều đó. Họ không hề ý thức được vấn nạn mà họ vừa mang vào trại quân mình. Họ tưởng làm như thế là tuyệt lắm! Điều đó sẽ làm tinh thần binh sĩ thêm phấn chấn! Dân Philitin chắn hẳn sẽ không thể chiến cự cùng Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên trời và đất. Họ rất tin tưởng, thậm chí là tin tưởng quá đáng. Chúng ta hãy nhớ ý nghĩa mà hòm giao ước tượng trưng cho. Câu 4 nói rằng, "...hòm giao ước của Đức Giêhôva vạn quân, là Đấng ngự giữa các chêrubim." Ấy là nơi Đức Chúa Trời ngự: ở giữa những thiên sứ. Nó biểu tượng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nó là một nơi rất thánh giữa dân sự đến nỗi chỉ có thầy tế lễ mới được phép khiêng, còn nếu ai khác động vào hòm thì người đó phải chết. Như chúng ta xem trong đoạn 6 khi hòm được trả về cho dân Ysơraên và dân ở Bếtsêmết nhìn vào hòm và bị chết ngay tức khắc. Chính hòm giao ước này đã rẽ nước sông Giôđanh cho dân sự đi ngang như đi trên đất khô. Ấy chính hòm của Đức Giêhôva đã lãnh đạo dân sự chiếm xứ Canaan. Chính hòm của Đức Giêhôva đã dẫn dắt dân sự trong trận chiến đầu tiên của họ trong xứ Canaan chung quanh thành Giêricô bảy lần và bảy lần nữa trong ngày thứ bảy trước khi tường thành ngã xuống. Chắc chắn hòm này, hòm của Đức Giêhôva vạn quân, sự hiện diện của Đức Chúa Trời, sẽ dẫn dắt họ đến chiến thắng một lần nữa. Chắc chắn họ tin tưởng rằng Đức Chúa Trời đang ở với họ.

Dân Philitin thoạt tiên hoảng sợ bởi Đức Chúa Trời đã vào trại quân. Dù họ hiểu biết Đức Chúa Trời theo cách của dân ngoại, họ xem Ngài như là một thần trong số nhiều thần khác, thần đã dẫn dân Ysơraên ra khỏi Êdíptô, thần đã mang những tai vạ trên dân Êdíptô, họ vẫn kinh sợ Đức Chúa Trời của dân Ysơraên. Họ sợ rằng giờ đây họ sẽ trở thành nô lệ của dân Ysơraên. Họ không làm gì được. Thế thì họ giục lòng mình mạnh mẽ mà chiến đấu. Họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoại trừ cứ chiến đấu. Họ chiến đấu nghịch cùng dân Ysơraên và chúng ta thấy trong trận chiến thứ hai, ba mươi ngàn người Ysơraên ngã chết. Hópni và Phinêa, hai con trai của Hêli, cũng trong số đó và hòm giao ước bị dân Philitin cướp lấy. Thế thì chúng ta thắc mắc, "tại sao vậy?", "điều gì xảy ra?" Làm sao hòm giao ước của Đức Chúa Trời, giao ước mà Đức Chúa Trời lập cùng dân sự Ngài, cuối cùng lại rơi vào tay kẻ thù? Câu 12 đến 22 giải thích cho chúng ta sự kiện mà chúng ta vừa đọc.

Ngữ cảnh chuyển về Silô. Tại đó chúng ta nhìn thấy một ông già ngồi ở ngoài thành sốt ruột trông tin nơi chiến trận. Chắc chúng ta cho rằng tâm trí Hêli không ngừng nghĩ đến hai con mình đang ra trận. Tuy nhiên tâm trí ông không lo lắng về hai con mình trong cái ngày đen tối này của lịch sử dân Ysơraên. Trong thâm tâm ông đang lo lắng về hòm giao ước của Đức Chúa Trời. Hòm của Đức Giêhôva là điều đang khiến ông run rẩy. Hêli đã mù. Ông không thể nhìn thấy những gì đang xảy ra nhưng ông còn nghe được tiếng kêu la của thành. Tương tự như lúc ban đầu dân Philitin nghe tiếng reo vui mừng, giờ đây Hêli nghe tiếng kêu la của thành Silô. Ông biết rằng đã có tin báo. Ấy không phải là tiếng reo vui mừng như trong câu 6. Ấy là tiếng kêu la đau buồn, tiếng kêu la bồn chồn trong đáy lòng của dân sự.

Người báo tin đến tường trình sự thật về tin tức chiến trận cho Hêli. Khung cảnh rõ ràng thể hiện một con người đau khổ, một người thuộc chi phái Bêngiamin, quần áo rách, đầu đóng bụi cát. Cả hai điều này là biểu hiện cho sự đau thương khóc lóc lớn, là dấu hiện của sự tang chế trước mặt Đức Chúa Trời. Người đó báo cho Hêli về sự thất trận của dân Ysơraên. Hêli không phản ứng gì. Người đó tiếp tục thông báo cho Hêli về cái chết của hai con trai ông. Hêli vẫn không phản ứng. Người đó nói đến việc hòm giao ước bị cướp lấy và bất ngờ Hêli ngã khỏi ghế, gãy cổ mà chết. Nhà Hêli đã bị đoán phạt. Một lần nữa, hòm giao ước là trung tâm của câu chuyện.

Tại sao hòm giao ước này lại quan trọng đến thế trong câu chuyện này? Tai chúng ta có lùng bùng chưa? Điểm nút nằm ở vài câu cuối của đoạn 4. Vợ Phinêa, đương có thai gần sanh khi bất ngờ bà nghe tin chồng và cha chồng mình qua đời, nghe tin hòm giao ước bị cướp lấy, thì đau đẻ và sanh một con trai. Thế nhưng bà đã làm gì với đứa trẻ này? Chúng ta đọc thấy rằng bà chối bỏ đứa trẻ. Bà sắp qua đời nhưng cũng không muốn nhìn đến nó. Bà thậm chí không nhìn đứa trẻ bà đã sanh ra. Trước lúc qua đời, bà đặt tên cho đứa trẻ. Đứa trẻ phải được gọi là Ycabốt, cái tên có nghĩa là "vinh hiển đã mất". Vinh hiển đã mất khỏi dân Ysơraên. Cũng như bà không thể nhìn đứa con trai mình, Đức Chúa Trời trên một phương diện nào đó cũng đã xoay lưng khỏi con trai mình là dân Ysơraên vì tội lỗi và sự ngang nghịch của họ. Sự vinh hiển đã lìa khỏi dân Ysơraên. Đức Chúa Trời đã lìa khỏi họ. Sự hiện diện Ngài không còn ở giữa họ nữa. Hòm của Đức Giêhôva biểu tượng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời đã bị cất đi khỏi họ.

Chúng ta thấy rằng đây là làn sóng đánh mạnh vào dân Ysơraên vang dội khắp cả xứ: Đức Chúa Trời không còn ở giữa chúng ta nữa. Ngài ở với dân Philitin. Điều đã được gợi ý trong đoạn 3 bởi thực sự rằng Lời Đức Chúa Trời là hiếm hoi giữa họ giờ đây đánh mạnh vào mặt họ. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi họ. Ngày đoán phạt của Đức Chúa Trời nghịch cùng dân Ysơraên đã đến. Giờ đây Đức Chúa Trời không còn ở với họ nữa. Chúng ta thử tưởng tượng sự bồn chồn lo sợ của họ: Tại đây là một dân tộc mà chính sự tồn tại của họ phụ thuộc nơi Đức Chúa Trời, vậy mà giờ đây họ bị bỏ. Làm sao có thể được? Họ đã chống nghịch cùng Đức Chúa Trời. Sự chống nghịch của họ đã được so sánh minh họa và đại diện bởi tội lỗi của Hópni và Phinêa. Giờ đây chính họ đã bị Đức Chúa Trời phán xét. Sự hiện diện của Đức Chúa Trời không còn ở giữa họ nữa. Không có Đức Chúa Trời, họ sẽ ra sao? Giờ đây đến lượt dân Ysơraên kinh hoảng. Tội lỗi và sự ngang nghịch của họ đã dẫn đến hậu quả là Đức Chúa Trời lìa bỏ họ. Chúng ta cần hiểu rằng đây không phải là lần duy nhất điều này xảy ra trong lịch sử dân Ysơraên. Chúng ta có thể nhìn xa hơn đến thời của tiên tri Êxêchiên. Trong thời này chúng ta thấy một lần nữa dân Ysơraên đặt lòng tin nơi sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong thành Giêrusalem. Họ tin rằng vì đền thờ của Đức Chúa Trời ở đó, vì hòm giao ước Ngài đặt trong đền thờ đó, vì sự hiện diện của Đức Chúa Trời được đại diện tại đó, nên Babylôn không thể nào đánh bại Giêrusalem được. Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ miễn thứ dân sự Ngài. Chúng ta đọc thấy trong Êxêchiên đoạn 10 rằng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi núi Ôlive. Tại đó chúng ta cũng thấy rằng dân Ysơraên phải chịu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời mà bị lưu đày.

Thế thì hôm nay chúng ta đặt câu hỏi rằng điều này có liên quan gì đến chúng ta? Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời ngự giữa chúng ta. Giăng đoạn 1 câu 14 chép, "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật. Chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển Ngài, thật như vinh hiển của Con Một đến từ nơi Cha." Chúng ta thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời không còn được đại diện bằng hòm giao ước mà được đại diện bằng chính Chúa Giêxu Christ. Ngài là Đức Chúa Trời trong xác thịt ngự giữa chúng ta. Ngài là Đấng mà trong Ngài tiếng của Đức Chúa Trời được phản ảnh một cách rõ ràng. Đấng Christ là sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong lòng của những ai tin nơi Ngài qua Thánh Linh Ngài. Đấng Christ là đền thờ của Tân Ước. Ngài là sự hiện diện của Đức Chúa Trời giữa chúng ta.

Chúng ta không được xem nhẹ điều này. Khi nghĩ về sự hiện diện của Đấng Christ giữa chúng ta, chúng ta không nên cho rằng chúng ta có Ngài ở giữa bởi chúng ta có những đồ lễ phục bên ngoài của đức tin, rằng Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta vì chúng ta đi nhà thờ hai lần vào ngày Chúa Nhật, vì thỉnh thoảng chúng ta đọc Kinh Thánh, thỉnh thoảng chúng ta quỳ gối cầu nguyện. Chúng ta không thể xem nhẹ việc Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta. Nếu chúng ta đang sống đời sống ngang nghịch tội lỗi, chắc chúng ta sẽ phải ngạc nhiên trong ngày phán xét rằng sự vinh hiển Đức Chúa Trời đã lìa khỏi chúng ta, rằng chúng ta không có trong số những người được cứu. Đó quả là một sự thức tỉnh đột ngột khi những người kêu "Chúa! Chúa!" nhận ra rằng Ngài không hề biết họ!

Chúng ta thấy rằng sự khước từ Đức Chúa Trời, đời sống chống nghịch Ngài dẫn đến sự thiếu vắng sự hiện diện Ngài. Chỉ những ai tin cậy Đức Chúa Trời, những ai được Thánh Linh tác động trong lòng mới có thể tin chắc rằng sự hiện diện của Đức Chúa Trời không bao giờ lìa khỏi họ. Nhưng những ai sống trong sự phá vỡ giao ước và chống nghịch không thể nương cậy nơi những hình thức bên ngoài của đức tin mà phải nương cậy nơi lẽ thật của đức tin, tức là Đức Chúa Trời ngự giữa chúng ta.

Chính là sự khước từ Đức Chúa Trời, sự thiếu vắng Đức Chúa Trời khiến lỗ tai ai cũng phải lùng bùng trong ngày cuối cùng, ngày phán xét. Những ai không đi theo Đức Chúa Trời, dù tự lừa dối mình rằng mình thuộc về Ngài, sẽ phải ngỡ ngàng. Người công bình sẽ được cứu. Những ai ở trong Đấng Christ sẽ được chuộc và sự hiện diện của Đức Chúa Trời sẽ không rời khỏi họ còn kẻ ác sẽ bị hư mất. Thế thì lời kêu gọi của đoạn Kinh Thánh hôm nay nhắc chúng ta rằng chúng ta chắc chắn không đi lạc lối khỏi Đức Chúa Trời, rằng chúng ta tin nơi Đức Chúa Giêxu Christ, rằng chúng ta có Ngài ngự giữa chúng ta qua Thánh Linh Ngài, rằng chúng ta cứ ở trong sự hiện diện Ngài, học hỏi Lời Ngài, cầu nguyện cùng Ngài, tương giao luôn với Ngài. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể chiến thắng trận chiến trước mặt chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới bảo đảm về sự giải cứu của chúng ta. Chỉ trong Đấng Christ mà thôi. Amen.

Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì sự dạy dỗ này của Thánh Kinh. Xin cho chúng con đừng xem nhẹ sự hiện diện của Ngài trong chúng con, rằng chúng con sẽ thật sự biết Cứu Chúa phục sinh của chúng con hầu Ngài có thể ngự trong lòng chúng con. Chúng con xin Ngài chớ lìa bỏ chúng con như Ngài đã hứa trong Lời Ngài.

Chúng con cũng xin cho những người bị lừa dối, những người đang sống trong sự bội nghịch, những người vẫn dự phần vào những hình thức bên ngoài của đức tin nhưng chưa thật sự đặt tấm lòng mình vào đó, cầu xin Ngài thức tỉnh họ để họ nhận ra tội lỗi mình, khiến họ đến sự ăn năn và đức tin chân thật. Xin cho chúng con lắng nghe sứ điệp mà Ngài đã công bố cho chúng con ngày hôm nay một cách thận trọng. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)