ĂN Ở CÁCH HIỆP MỘT (tiếp theo)
(Êphêsô 4:6)
Tháng Tư 2003
"Chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người."
Kính thưa quý hội thánh của Cứu Chúa Giêxu Christ. Hôm nay chúng ta sẽ kết thúc loạt bài gồm ba phần liên tục với chủ đề "Sự hiệp một Cơ Đốc". Chúng ta còn nhớ bài học về Sự hiệp một Cơ Đốc đã bắt đầu từ câu 3 với mạng lịnh dành cho hội thánh của Chúa Giêxu Christ phải gìn giữ sự hiệp một của Thánh Linh. Và rồi nó tiến tới liệt kê ra 7 điều hiệp chúng ta lại làm một như là một tập thể của những tín hữu. Những điều đó là một thân thể, một Thánh Linh, một sự trông cậy, một Chúa, một đức tin, một phép báp têm và điểm cuối cùng mà hôm nay chúng ta sẽ cùng học hỏi kỷ lưởng hơn là sự hiệp một mà chúng ta có được trong "một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người."
Để ôn lại chúng ta cần ghi nhớ vài điều. Trước tiên chúng ta cần nhớ rằng sự hiệp một Cơ Đốc không phải là một sự gượng ép một cách giả tạo trên chúng ta. Nó là một phần xác nhận chúng ta là ai. Nó là một phần nói lên chúng ta là ai bởi chính bản chất của chúng ta trong Chúa Giêxu Christ. Chúng ta được hiệp một bởi chính Tin Lành của Chúa Giêxu Christ, cùng chia sẻ danh xưng đó.
Thứ hai, chúng ta phải ghi nhớ rằng sự hiệp một của chúng ta có được không bởi những việc làm của chúng ta. Ngược lại nó bắt nguồn và đặt nền tảng trên công việc của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Điều tuyệt vời khi chúng ta học hỏi phần Kinh Thánh này ở nhiều góc độ khác nhau là sự hiệp một ấy được ban cho chúng ta một cách siêu nhiên. Đây là công việc của Đức Chúa Trời. Chúng ta là một gia đình không phải vì cùng huyết thống mà là vì chúng ta đã được nhận làm con nuôi vào trong gia đình của Đức Chúa Trời bởi quyền năng Ngài. Chúng ta được hiệp một bởi công việc đã hoàn tất của Đức Chúa Trời trong những người tin nhận. Ấy chính công việc Ngài đã đem chúng ta lại với nhau.
Thứ ba, chúng ta thấy rằng sự hiệp một của chúng ta phản ánh sự hiệp một của Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Trong các bài trước chúng ta có nói rằng cả ba ngôi Đức Chúa Trời đều được nhắc đến trong phần Kinh Thánh ngắn ngủi này. Chúng ta đã thấy rằng chúng ta được hiệp một bởi một Thánh Linh, bởi một Chúa. Chúng ta cũng đã thảo luận rằng chữ "Chúa" đó rõ ràng chỉ về Chúa Giêxu. Và chúng ta có nói đến một Đức Chúa Trời là Cha. Sự hiệp một của chúng ta phản ánh sự hiệp một giữa Chúa Giêxu và Đức Chúa Trời được tìm thấy trong Giăng đoạn 17 khi Chúa Giêxu cầu nguyện cho chúng ta cũng hiệp làm một như Cha và Con là một. Dĩ nhiên nếu chúng ta tin Đức Chúa Trời ba ngôi thì Thánh Linh cũng đương nhiên được bao gồm ở đây.
Trong phần Kinh Thánh này chúng ta có thể nói đến hành động của ba ngôi Đức Chúa Trời được xuất hiện trong phần này. Chúng ta thấy rằng phần Kinh Thánh này bắt đầu với Thánh Linh của Đức Chúa Trời với vai trò ứng dụng công việc của Đấng Christ vào lòng chúng ta. Công việc của Ngài theo như sách Tin Lành Giăng là hướng chúng ta đến Đấng Christ, nhắc lại cho chúng ta nhớ công việc Đấng Christ và mở mắt chúng ta để hiểu được công việc của Đấng Christ. Công việc của Thánh Linh không phải là mặc khải cho chúng ta những điều hoàn toàn mới mà là nhắc nhở cho chúng ta về công việc đã hoàn tất của Cứu Chúa Giêxu. Kế đến phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta đây cũng tiến đến Đấng Christ, đến công việc của Ngài là khiến chúng ta được làm hòa cùng Cha Thiên Thượng. Và công việc Ngài là mặc khải về Đức Chúa Cha cho chúng ta theo như Giăng đoạn 1 câu 18. Một trong những công tác chính của Chúa Giêxu là mặc khải về Đức Chúa Cha là Đấng mà chúng ta chưa nhìn thấy mà Chúa Giêxu trình bày cho chúng ta. Qua Chúa Giêxu chúng ta nhận thấy rằng Đức Chúa Cha được vinh hiển bởi Ngài. Cuối cùng đoạn Kinh Thánh gút lại với Đức Chúa Cha là Đấng đã chọn lựa chúng ta từ trước khi sáng thế như trong Êphêsô đoạn 1 câu 4, là Đấng toàn quyền thi hành chương trình cứu rỗi của Ngài mà bởi đó chúng ta giờ đây được phục hòa cùng Ngài.
Thứ tư, nhắc đến sự hiệp một, chúng ta phải nghĩ đến sự hiệp một của hội thánh Đấng Christ trong ý nghĩa của những sự sẽ đến vào ngày cuối cùng vì sự hiệp một được trình bày tại đây là nói đến sự hiệp một mà chúng ta có được trong Đấng Christ, là điều sẽ được nên trọn vẹn vào ngày cuối cùng khi Đấng Christ trở lại. Chúng ta thấy điều này cũng được xác nhận trong câu 13 "cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhơn, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ." Tại đây có ý rằng chúng ta đang hoàn thiện và tiếp tục hoàn thiện sự hiệp một của chúng ta trong Đấng Christ là điều sẽ được nhìn thấy cách trọn vẹn khi hết thảy chúng ta sẽ cùng nhóm nhau chung quanh ngai Ngài trên trời. Sự hiệp một mà dân sự Đức Chúa Trời có được ngày hôm nay báo trước sự hiệp một trọn vẹn đang chờ đợi chúng ta.
Khi nghĩ đến sự hiệp một của chúng ta, vấn đề chính yếu không phải tại nơi chúng ta mà là ở tại công việc của Đức Chúa Trời trong chúng ta. Chẳng phải nhờ vào công việc của chúng ta mà nhờ vào sự biến cải của Đức Chúa Trời trong chúng ta. Ấy chính Tin Lành của Chúa Giêxu đã hiệp một chúng ta. Việc xây dựng sự hiệp một trong hội thánh Cơ Đốc không xảy ra nhờ những lớp huấn luyện cách thức thế nào chúng ta có thể chịu đựng lẫn nhau, tử tế với nhau hơn hay vỗ vai tán thưởng nhau... nhưng bởi nơi hết thảy chúng ta đều hiểu được ý nghĩa của niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giêxu, của sự cứu chuộc khỏi tội lỗi và sự thống khổ của chúng ta, và chúng ta được hiệp một với nhau như một dân tộc dưới sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời. Nó cũng nói với chúng ta rằng nếu sự hiệp một trong hội thánh buộc phải bị gãy đổ, thì ấy phải là vì cớ Tin Lành của Đấng Christ đang bị đe dọa. Chúng ta không phá vỡ sự hiệp một của hội thánh Đức Chúa Trời vì lý do khác biệt trong cá tính, ý thích. Khi chúng ta nghĩ đến việc tách rời khỏi sự thông công với một giáo hội nào, chúng ta buộc phải nghĩ đến điều đó chỉ với lý do là vì Tin Lành của Đấng Christ đang bị đe dọa, bởi Tin Lành Ngài đang bị thương tổn. Bởi lẽ sự hiệp một của tín hữu xoay quanh tâm điểm là Tin Lành của Đấng Christ nên chính Tin Lành đó hiệp một chúng ta lại với nhau.
Hôm nay chúng ta muốn cùng học trong đoạn 4 câu 6 và trọng tâm ngày hôm nay là ở sự hiệp một có được bởi có cùng một Đức Chúa Trời, một Cha. Điều đầu tiên chúng ta có thể thấy trong nguyên tắc hiệp một này là sự hiệp một trong sự thờ phượng một Đức Chúa Trời duy nhất. Theo đó, điều này nhắc lại lời xưng nhận đức tin "Shima" của người Do Thái. Shima theo bản xưng nhận tín lý của người Do Thái là điều được trích dẫn từ Phục Truyền đoạn 6 câu 4 "Hỡi Ysơraên! hãy nghe: Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta là Giêhôva có một không hai". Đức Chúa Trời của chúng ta không phải là vô số các thần. Chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng chúng ta thờ phượng. Đức Chúa Trời đó tất nhiên là Đấng dựng nên trời đất, là Đức Chúa Trời trên mọi loài. Không có Đức Chúa Trời nào khác. Ấy là để giữ theo điều răn thứ nhất mà chúng ta không được có bất cứ thần nào khác trước mặt Đức Chúa Trời. Vì vậy là hội thánh Đức Chúa Trời chúng ta được kêu gọi phải thờ phượng một Đức Chúa Trời có một và thật đó và không thờ phượng một thần nào khác. Tôi cũng đã có lần trình bày rằng chính trong hội thánh đã từng có nhiều người đề nghị rằng chúng ta nên mở rộng ra hay khoan dung chấp nhận cho những cách thức đến với Chúa khác. Họ cho rằng có lẽ ý tưởng rằng chỉ có một Đức Chúa Trời và một con đường duy nhất để được làm hòa cùng Đức Chúa Trời là hẹp hòi quá. Nhưng Kinh Thánh trình bày rất rõ ràng rằng chỉ có một con đường đến cùng Đức Chúa Trời và chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi. Và ấy chính là điều hiệp một chúng ta lại với nhau. Mọi thần tượng khác mà người ta thờ phượng đều bất năng. Chúng là sản phẩm của con người và chắc chắn không thể tiếp đỡ hay an ủi khi cần cũng như không thể đem lại sự giảng hòa cho chúng ta với Đức Chúa Trời có một và thật. Thế thì hiệp một trong một Đức Chúa Trời này nghĩa là chúng ta tin nơi một Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời của Kinh Thánh.
Niềm tin nơi một Đức Chúa Trời cũng khẳng định niềm tin nơi sự hiệp một của ba ngôi Đức Chúa Trời. Chúng ta không thờ phượng ba Đức Chúa Trời riêng biệt. Khi chúng ta nghĩ đến Đức Chúa Trời mà chúng ta thờ phượng, chúng ta thờ phượng một Đức Chúa Trời. Chắc chắn rằng đây là một sự huyền nhiệm cho chúng ta vì chúng ta không thể hiểu thể nào Đức Chúa Trời có thể là ba ngôi hiệp một. Tuy nhiên đó là sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Kinh Thánh dạy rất rõ ràng về điểm này. Chúng ta tin vào một Đức Chúa Trời này và vì vậy chúng ta không thể thờ phượng và hiệp một với người Do Thái Giáo là những người tuyên bố rằng họ thờ phượng Đức Chúa Trời của Cựu Ước. Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời của Cựu Ước và cả Đức Chúa Trời của Tân Ước cũng đều là một Đức Chúa Trời ba ngôi. Và vì vậy mà chúng ta không thể nói rằng chúng ta thờ phượng cùng một Đức Chúa Trời như người Do Thái Giáo vì họ khước từ ba ngôi Đức Chúa Trời. Họ khước từ không công nhận Chúa Giêxu cũng bình đẳng với Đức Chúa Trời và cũng là Đức Chúa Trời. Họ cũng khước từ việc Đức Thánh Linh là một ngôi riêng biệt của ba ngôi Đức Chúa Trời. Vì thế họ không xưng nhận một Đức Chúa Trời như chúng ta và chúng ta không hiệp một với họ được.
Cũng vậy, khi chúng ta suy nghĩ đến Đức Chúa Trời của những người Mormon là những người cũng muốn nhìn nhận Đức Chúa Trời của họ giống như là Đức Chúa Trời của Cơ Đốc Giáo và họ có thể nói rằng họ cũng là anh em tín hữu với chúng ta. Chúng ta phải nói với họ rằng điều đó là không chính xác. Bởi lẽ chúng ta thấy sự giảng dạy của những người Mormon về Đức Chúa Trời của họ không phải là đức tin nơi một Đức Chúa Trời mà là ba Đức Chúa Trời riêng rẽ. Họ không tin nơi ba ngôi Đức Chúa Trời. Một lần nọ một người Mormon đến nhà ông gia tôi và anh ta nói rằng "Vâng, chúng tôi tin ba ngôi Đức Chúa Trời." Nhưng khi chúng ta hỏi họ về định nghĩa của ba ngôi Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy rằng họ tin vào ba thể yếu riêng biệt mà không tin vào ba ngôi hiệp một. Vì thế chúng ta phải thận trọng về cách người ta định nghĩa về lẽ đạo ba ngôi. Vì họ không tin ba ngôi hiệp một của Đức Chúa Trời, thật ra họ còn tin rằng chúng ta cuối cùng có thể trở thành Đức Chúa Trời, họ không tin nơi cùng một Đức Chúa Trời mà chúng ta tin nhận. Cũng vậy giáo hội Chứng Nhân Giêhôva là giáo hội khước từ thần tánh của Đấng Christ và nhiều giáo hội phóng khoáng cũng khước từ như thế. Họ không cùng tin tưởng hay chia sẻ với chúng ta niềm tin nơi một Đức Chúa Trời của Kinh Thánh. Ấy chính là một Đức Chúa Trời này, Đức Chúa Trời đã mặc khải chính mình Ngài trong Thánh Kinh: Cha, Con và Thánh Linh đã gắn bó chúng ta lại làm một. Ấy là điều hiệp chúng ta lại làm một như là một thân thể của những tín hữu. Chúng ta xưng nhận như trong bản xưng nhận đức tin Nicene rằng chúng ta tin nơi một Đức Chúa Trời là Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh.
Dù phần Kinh Thánh của chúng ta nói đến một Đức Chúa Trời và chúng ta khẳng định rằng một Đức Chúa Trời đó bao gồm cả ba ngôi Đức Chúa Trời, trọng tâm của chúng ta hôm nay nhằm vào ngôi thứ nhất trong ba ngôi, tức là Đức Chúa Cha. Đức Chúa Trời là Cha cũng là điều khiến chúng ta hiệp một. Đức Chúa Trời là Cha chúng ta bởi chúng ta đã được Ngài nhận làm con. Xin chúng ta cùng mở ra trong Rôma đoạn 8 từ câu 14, chúng ta thấy một phân đoạn Kinh Thánh rất quen thuộc trình bày việc chúng ta được Đức Chúa Trời nhận vào gia đình của Ngài: "Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắc dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời. Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài." Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời nhận chúng ta làm con để được làm thành viên của gia đình thiên thượng và rằng việc Đức Chúa Trời là Cha chúng ta là có một không hai đối với những ai tin nhận Ngài mà thôi. Không phải ai cũng có thể nói rằng Đức Chúa Trời là Cha của mình. Những người không xưng nhận Đấng Christ là Chúa, là những người chưa được Đức Chúa Trời làm việc trong lòng, không được Kinh Thánh gọi là con cái Đức Chúa Trời mà gọi là con cái của ma quỷ. Chúa Giêxu có lần cũng nói đến những người Do Thái không theo Ngài rằng cha họ là ma quỷ. Và tất cả những ai chưa được Đức Chúa Trời nhận làm con cũng đều là con của ma quỷ. Một lần nữa sự hiệp một giữa những tín hữu trong một Cha là một công việc siêu nhiên.
Chúng ta thấy rằng chúng ta là con cái trong gia đình của Đức Chúa Trời như trong Giăng đoạn 1 câu 13 "là kẻ chẳng phải sanh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy." Chúng ta thấy rằng chúng ta được sanh lại vào trong gia đình của Đức Chúa Trời. Chúng ta là một gia đình và chúng ta phải nghĩ về mình theo cách đó bởi chúng ta đã được nhận làm con vào trong gia đình của Đức Chúa Trời và cũng là gia đình của chúng ta. Mối dây gắn bó mà chúng ta có được trong Đức Chúa Trời và trong Cha còn mật thiết hơn mối ràng buộc trong gia đình phần xác của chúng ta trên đất này. Những anh chị em trong Chúa của chúng ta là những người gọi Đức Chúa Trời là Cha vượt xa khỏi bốn bức tường của ngôi nhà thờ nhỏ hẹp tại Bothell, Washington này. Chúng ta chia sẻ danh Đức Chúa Trời là Cha chúng ta với những ai xưng nhận Chúa Giêxu Christ trên cả thế giới này xuyên suốt mọi thời đại. Một Cha này là Đấng đã chọn lựa chúng ta từ trước buổi sáng thế theo như Êphêsô đoạn 1 câu 4. Ngài chuộc chúng ta bằng cách sai chính Con Ngài trong đoạn 2 câu 4. Ngài nhận chúng ta làm con, Ngài ban cho chúng ta danh xưng của Ngài. Những ai xưng danh đó trên cả thế giới đều là anh chị em của chúng ta trong Đấng Christ. Thế thì khi anh Tim đi Urganda, anh vẫn là một người anh em của chúng ta và anh thờ phượng Chúa với những anh chị em ở đó là những người xưng nhận cùng một danh Đức Chúa Trời. Một người khác đang phục vụ tại Trung Quốc cũng đang thờ phượng Chúa cùng với những anh chị em trong Chúa khác. Sứ đồ Phaolô, người hầu việc Chúa cách đây rất lâu cũng thờ phượng một Đức Chúa Trời như là một người anh em trong Chúa của chúng ta. Chúng ta được kết liên với nhau, hiệp một với nhau bởi một Cha. Chúng ta có cùng một Cha trên trời.
Câu 6 này tiếp tục mô tả Đức Chúa Trời. Ngài được mô tả không chỉ là một Đức Chúa Trời, là một Cha, mà còn là Đấng trên cả mọi nguời, giữa mọi người và ở trong mọi người. Khi chúng ta đọc lời mô tả đó, điều trước tiên chúng ta cần hiểu được là ý Đức Chúa Trời muốn nói trong ngữ cảnh này với chữ "mọi". Chữ ngắn ngủi đó có ý nghĩa gì? Có phải chữ "mọi" đó chỉ về mọi loài thọ tạo không? Rằng Đức Chúa Trời ở trên mọi loài mà Ngài đã tạo dựng. Hay cụ thể hơn nó có ý rằng Đức Chúa Trời ở trên hết cả nhân loại? Hoặc thu hẹp hơn chỉ bao gồm những tín hữu mà thôi? Tôi tin rằng phần Kinh Thánh này buộc chúng ta chọn lựa cách giải thích sau chót, nghĩa là chữ "mọi" nhằm chỉ những người tin nhận Chúa. Có nhiều lý do ủng hộ cho ý kiến này. Có lẽ nhiều người trong chúng ta nếu chưa được tiếp cận với Hy văn có thể không nhìn thấy được rõ. Chữ "mọi" ở đây trong tiếng Hy lạp dùng trong giống đực, nếu chữ "mọi" là chỉ về một đối tượng rộng hơn, thì người ta thường thấy nó phải được dùng ở giống trung thay vì là giống đực. Đó là một lý do tại sao nó thể hiện một ý khác tại đây và trọng tâm tại đây là cụ thể hơn. Lý do thứ hai là vì tại đây Đức Chúa Trời là "ở trong mọi người" theo như phần cuối của câu 6. Việc Đức Chúa Trời ở trong mọi người chỉ có thể được nói đến một cách hợp thức khi chỉ về mọi người tin Chúa. Đức Chúa Trời không ngự trong lòng những người không thuộc về Ngài. Khi chúng ta học sách Êphêsô, một trong những điều quan trọng mà chúng ta nhìn thấy là việc có Đức Chúa Trời ngự trong lòng là một đặc quyền chỉ ban cho những ai tin nhận vào Tin Lành của Chúa Giêxu Christ. Ấy là điều chỉ dành riêng cho những người tin Chúa. Vì thế tôi cho rằng bản văn buộc chúng ta phải hiểu rằng chữ "mọi" tại đây là chỉ về những người tin Chúa mà thôi. Rõ ràng trong ngữ cảnh này sứ đồ Phaolô nói rằng ông đang viết cho đối tượng là những người xưng nhận đức tin nơi Đức Chúa Trời. Tôi nghĩ chữ "mọi" tóm tắt câu 7 tiếp theo sau nó "Nhưng đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta..." Nhóm từ "mỗi một người trong chúng ta" cho chúng ta nghĩa của chữ "mọi" trong câu trước. Vì thế tôi nghĩ có nhiều yếu tố trong ngữ cảnh này và trong thần học buộc chúng ta phải hiểu chữ "mọi" được giới hạn trong phạm vi những người tin Chúa.
Tôi tin rằng một điều chúng ta cần giải nghĩa nhiều bản văn Kinh Thánh rằng chúng ta cần lưu ý cẩn thận ngữ cảnh của những từ ngữ mà chúng ta đọc. Bởi rất nhiều lần những người đọc chữ "mọi" và chữ "thế gian" trong nhiều câu Kinh Thánh đã áp dụng sai và hiểu lầm những câu này và cuối cùng dẫn đến quan niệm phổ thông thuyết là chủ thuyết được đặt tên theo như điều người ta tin tưởng rằng mọi người đều sẽ được cứu dù họ có tin Chúa hay không. Rõ ràng đó không phải là điều Kinh Thánh dạy. Vì thế khi chúng ta xem những từ này, chúng ta cần xem xét ngữ cảnh của nó hầu hiểu được đúng phạm vi giới hạn của nó. Khi tôi nói đến "mọi người", có thể tôi ý muốn nói đến "mọi người trong quý vị" hay "mọi người ở nước Mỹ" hoặc "mọi người trên thế giới này". Tuy nhiên ngữ cảnh sẽ cho quý vị biết được đối tượng nào đang được nói đến. Và nhiều lúc khi chúng ta không xét đến ngữ cảnh, chúng ta có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng về thần học. Tôi tin rằng trong trường hợp chữ "mọi" tại đây cũng thế nếu chúng ta không giải thích nó theo nghĩa là "mọi tín đồ".
Câu Kinh Thánh nói rằng Cha ở trên mọi người. Trước tiên, chắc chắn chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời ở trên mọi loài thọ tạo. Ngài tể trị trên mọi sự cả hội thánh và cả mọi vật thọ tạo nữa. Tuy nhiên trọng tâm của ngữ cảnh này thì giới hạn hơn nhiều. Như tôi có trình bày trước đây, Đức Chúa Trời ở trên mọi người, tại đây câu Kinh Thánh muốn nói đến Ngài ở trên mọi người thuộc về Ngài. Chúng ta thấy rằng, là hội thánh của Đấng Christ, chúng ta đầu phục Đức Chúa Cha. Chúng ta cúi đầu trước mặt Ngài. Bởi đó chúng ta cũng được hiệp một nữa. Như một phần của những yếu tố kết liên chúng ta lại với nhau, chúng ta được hiệp một trong sự hầu việc Ngài. Đức Chúa Trời ở trên chúng ta. Chúng ta nhìn nhận điều đó. Chúng ta nhìn nhận rằng mình yếu đuối mỏng manh trước mặt Ngài. Chúng ta nhìn nhận sự ưu việt của Ngài và chúng ta cùng nhau hầu việc Ngài như những tôi tớ Ngài. Như một số chỗ khác trong Kinh Thánh gọi chúng ta là nô lệ của Ngài. Chúng ta tự nguyện thuộc về Ngài nhưng chúng ta cũng được gọi để hầu việc Ngài. Ngài là Chủ và là Chúa của chúng ta. Ngài ở trên chúng ta. Chúng ta được kêu gọi thuận phục Ngài. Việc Đức Chúa Trời ở trên mọi người cũng nói lên sự toàn quyền tể trị của Ngài. Tất nhiên Ngài toàn quyền trên mọi sự. Như chúng ta đã nói, Ngài tể trị trên mọi sự. Êphêsô đoạn 1 câu 4 trình bày rõ ràng rằng trước buổi sáng thế Ngài đã định trước cho chúng ta, rằng sự cứu rỗi của chúng ta là ở trong tay Đức Chúa Trời. Ngài ở trên mọi người và ấy chính Ngài quyết định ai thuộc về Ngài. Ấy chính Ngài kêu gọi chúng ta để làm của riêng Ngài. Và điều đó cũng là một phước hạnh cho hội thánh. Đức Chúa Trời ở trên chúng ta. Ngài cai trị trên hội thánh Ngài. Chúng ta đầu phục Ngài.
Khi chúng ta nói đến Đức Chúa Trời ở giữa mọi người, tôi tin rằng ý muốn nói trong ngữ cảnh này là Đức Chúa Trời là Đấng đang hoàn tất công việc Ngài giữa chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy ý này trong Êphêsô đoạn 2 rằng công việc chúng ta đang làm được thực hiện và hoàn tất bởi Đức Chúa Trời. Chính sự cứu rỗi của chúng ta cũng là quyền năng của Đức Chúa Trời đã khiến chúng ta sống lại từ trong kẻ chết. Ấy chính quyền năng của Đức Chúa Trời đã thay đổi tấm lòng chúng ta. Ngài cũng làm việc qua Thánh Linh nữa. Ấy chính Đức Chúa Trời ban sự sống cho hội thánh Ngài. Êphêsô đoạn 2 nói đến năng quyền của Đức Chúa Trời khiến chúng ta sống lại từ trong kẻ chết. Năng lực, sức mạnh và năng quyền mà chúng ta được ban cho để sống cho Ngài và hầu việc Ngài đến từ Đức Chúa Trời là Cha chúng ta. Ấy chính Đức Chúa Trời làm việc giữa chúng ta. Như Philíp đoạn 1 câu 6 nói rằng chính Đức Chúa Trời sẽ làm trọn hết công việc Ngài đã khởi làm trong chúng ta. Ấy chính Đức Chúa Trời là Đấng thực hiện sự cứu rỗi của Ngài giữa chúng ta là những tôi tớ Ngài.
Và cuối cùng chúng ta có thể nói một cách chính xác về Đức Chúa Trời rằng Ngài là Đấng cũng ở trong chúng ta. Như tôi mới đề cập đến, một trong những chủ đề chính của sách Êphêsô là phước hạnh của chúng ta rằng Đức Chúa Trời ngự giữa chúng ta. Êphêsô đoạn 2 kết thúc với lời khẳng định rằng chúng ta là những khối đá xây dựng nên đền thờ. Và đền thờ trong thời Cựu Ước là nơi ngự của Đức Chúa Trời. Theo Êphêsô đoạn 2 câu 18, chúng ta được ban cho đặc quyền đến gần Đức Chúa Cha đồng trong một Thánh Linh. Êphêsô đoạn 3 cũng có đề cập đến Đức Chúa Trời ngự giữa chúng ta. Thế thì xuyên suốt nhiều đoạn Kinh Thánh tại đây đều nhấn mạnh một trọng tâm rằng Đức Chúa Trời không phải là một Đức Chúa Trời ở cõi xa xăm nào đó cách biệt khỏi chúng ta nhưng Ngài ngự giữa chúng ta. Đức Chúa Trời hiện diện giữa chúng ta. Ấy chính Chúa Giêxu đã cho chúng ta quyền được đến gần nơi ngai Đức Chúa Cha cách dạn dĩ.
Chúng ta thấy rằng sự hiệp một của chúng ta được nổi bật khi chúng ta nghĩ rằng đó là bởi công việc của Cha là Đấng ở trên chúng ta, làm việc giữa chúng ta, là Đấng trên cả mọi người và cũng ở trong tất cả mọi người chúng ta. Với hội thánh của Đấng Christ, sự hiệp một là điều hệ trọng. Sứ đồ Phaolô với sự linh cảm của Đức Chúa Trời muốn nhấn mạnh điều đó cho chúng ta, rằng sự hiệp một mà ông trình bày là sự hiệp một mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta. Khi chúng ta nghĩ đến sự hiệp một của hội thánh, chúng ta phải nghĩ đến những gì chúng ta cùng chia sẻ với nhau. Chúng ta cùng chia sẻ công việc siêu nhiên của Đức Chúa Trời trong việc khiến chúng ta sống lại từ trong kẻ chết, trong việc khiến chúng ta lại sanh vào gia đình của Ngài. Chúng ta cùng chia sẻ một thực tại rằng chúng ta cùng thuộc về một gia đình được mua chuộc bởi dòng huyết của Chúa Giêxu, tội lỗi chúng ta đã được trả thay. Chúng ta là những người có thể nói rằng chúng ta chỉ có một Cha mà thôi. Chúng ta bươn theo sự hiệp một bởi chúng ta vốn là một bởi bản chất chúng ta.
Chúng ta thấy thể nào sự hiệp một của hội thánh Đức Chúa Trời được diễn ra trong sự sống của hội thánh. Vì chúng ta được hiệp một bởi 7 yếu tố được trình bày trong đoạn 4 từ câu 4 đến câu 6, khi chúng ta cần được yên ủi, hội thánh Đức Chúa Trời không tìm kiếm những nơi nào khác, nhưng chúng ta cùng nhóm lại một nơi và tìm kiếm sự yên ủi nơi một nguồn yên ủi. Khi chúng ta hỏi rằng "Sự vui mừng của chúng ta là ở đâu? Điều gì khiến chúng ta hớn hở?" Sự vui mừng và hớn hở của chúng ta được tìm thấy tại một nơi và chúng ta cùng chia sẻ sự vui mừng đó. Ấy là niềm vui rằng chúng ta đã được uống nước giếng của sự cứu rỗi, rằng chúng ta đã được nếm biết sự tốt đẹp của Chúa. Ấy chính là điều gắn bó chúng ta lại với nhau và là hạnh phúc thật của chúng ta hiệp chúng ta lại làm một với nhau. Khi chúng ta cần sự tiếp trợ trong lúc khó khăn, chúng ta tìm đến đâu? Là thân thể của những tín hữu, chúng ta không cùng nhau xoay qua hết thần này đến thần khác hay con người nào khác. Không, chúng ta cùng nhóm nhau trong nhu cầu của mình vì chúng ta nhận ra rằng chỉ có một Đức Chúa Trời ở trên mọi người. Chúng ta thấy rằng sự hiệp một của chúng ta kéo chúng ta lại với nhau. Bởi những gì Đức Chúa Trời đã làm trong lòng chúng ta mà chúng ta hiệp một với nhau trong mục tiêu và niềm tin bởi một Tin Lành là Tin Lành ban cho chúng ta sự vui mừng. Amen.
Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì sự hiệp một mà Ngài ban cho hội thánh Ngài, sự hiệp một báo trước về sự hiệp một trọn vẹn hơn khi xiềng xích của tội lỗi sẽ được bẻ gãy hoàn toàn và chúng con sẽ được nhóm họp xung quanh ngai Ngài. Lạy Chúa xin giúp chúng con sống trong sự trông đợi ngày đó hầu hiệp một chung quanh một Tin Lành của Đấng Christ, chung quanh một sự trông cậy của chúng con, rằng chúng con có thể hiệp một với nhau bởi công việc mà Ngài đã thực hiện trong chúng con. Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng để những cá tánh, những ý thích cá nhân ngăn trở sự hiệp một gắn bó chúng con lại với nhau, là sự hiệp một của Tin Lành của Đấng Christ. Xin cho chúng con được thúc đẩy bởi cùng một mục đích, một mục tiêu, một ao ước, ấy là hầu việc Ngài, là Đức Chúa Trời Đấng ở trên mọi người, ở giữa mọi người và ở trong mọi người trong chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.
Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)