Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Ân Tứ Cho Mỗi Người - 5/2003  


ÂN TỨ CHO MỖI NGƯỜI
(Êphêsô 4:7)

Tháng Năm 2003

"Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ."

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Nếu quý vị có mặt những tuần trước, chắc quý vị đã biết rằng mấy tuần rồi chúng ta đã học những bài học về ý nghĩa của sự hiệp một trong thân thể Đấng Christ, chúng ta vừa nghiên cứu chủ đề Sự hiệp một Cơ Đốc. Khi đọc từ câu 4 đến câu 6 của Êphêsô đoạn 4, chúng ta thấy sứ đồ Phaolô liên tục liệt kê ra 7 yếu tố tạo ra chất keo kết nối chúng ta lại với nhau như là một thân thể của Đấng Christ. Sự hiệp một của chúng ta là công việc của ba ngôi Đức Chúa Trời như chúng ta đã thấy. Chính Đức Chúa Trời ba ngôi làm việc trong đời sống chúng ta một cách mầu nhiệm hầu ứng dụng Tin Lành cứu rỗi vào dân sự của Ngài. Ấy là một sự gắn bó không chia cắt được giữa những tín hữu thuộc mọi dân tộc từ mọi thời đại là những người hình thành nên tập thể hội thánh thật của Đức Chúa Trời. Khi nhìn vào nguyên tắc của sự hiệp một Cơ Đốc trong phần Kinh Thánh này, chúng ta thấy nó hết sức quan trọng cho sự sống của hội thánh. Nó được thực hiện theo khuôn mẫu của chính Đức Chúa Trời là Đấng ba ngôi hiệp một. Chúng ta được hiệp một với Ngài.

Sự hiệp một là một nét quan trọng của hội thánh Đức Chúa Trời. Nhưng giờ đây chúng ta bước đến câu 7. Khi bước sang câu này, chúng ta nhận thấy có một sự chuyển đổi trong cách nhìn. Và sự thay đổi trong góc nhìn đó được báo hiệu bằng một từ ngắn ngủi bắt đầu câu 7 là từ "nhưng". Với chữ đó và câu tiếp theo sau, câu 7 nhằm mục đích điều chỉnh một sự hiểu lầm có thể xảy ra về ý nghĩa của sự hiệp một của một tập thể tín hữu. Chúng ta thấy Kinh Thánh trình bày rằng việc hiệp một với nhau không có nghĩa là tất cả tín hữu chúng ta đều đồng nhất giống như nhau. Chúng ta không phải đều giống như nhau. Chỉ nhìn chung quanh, chúng ta cũng có thể thấy điều này rõ ràng. Kinh Thánh cũng chỉ ra rất rõ ràng. Dù chúng ta hiệp một, điều đó không loại bỏ đặc tính cá nhân của từng thành viên trong thân thể Đấng Christ. Dù từng thành viên đều cùng chia sẻ một sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời, vẫn có rất nhiều sự khác biệt giữa những thành viên trong vai trò và ân tứ ban cho họ trong hội thánh. Ấy chính sự khác nhau nhưng hiệp một này, trong sự linh cảm của Đức Chúa Trời vị sứ đồ khởi sự trình bày cho chúng ta trong câu 7 này mà hôm nay chúng ta muốn cùng xem xét một cách chi tiết hơn.

Trước tiên chúng ta muốn xem xét bản chất của sự khác nhau trong sự hiệp một này. Thứ hai, chúng ta sẽ xem xét nguồn gốc của nó và cuối cùng chúng ta sẽ cùng xem tác dụng của nó trong hội thánh.

Sự biến chuyển trong dòng suy nghĩ tại điểm này trong thư tín Êphêsô từ sự dạy dỗ về hiệp một sang thực tế của sự khác nhau trong hội thánh của Đấng Christ được báo hiệu bởi từ ngữ ngắn ngủi "nhưng" mở đầu câu 7 và cả những chữ theo ngay sau nó nữa. Sau khi trình bày rất hùng hồn về sự hiệp một của các tín hữu: chúng ta là một thân thể, một đức tin, cùng một Thánh Linh, một sự trông cậy, một Cha, một Chúa. Sau khi trình bày một cách hết sức hùng hồn về sự hiệp một của chúng ta, giờ đây sứ đồ Phaolô nói đến chúng ta với tư cách là "mỗi một người". Những chữ đó nhấn mạnh và theo sau một ý niệm rằng có những đặc tính cá nhân và đặc thù trong từng người trong thân thể Đấng Christ. Chúng ta không phải ai cũng giống y như nhau.

Trên hết, chúng ta thấy rằng ân tứ của Đấng Christ ban cho những thành viên hội thánh Ngài không được ban cho một cách giống hệt như nhau cho từng thành viên. Câu 7 nói đến thể nào từng thành viên nhận lãnh ân điển nhưng ân điển đó đến với từng người theo lượng ban cho khác nhau. Ân tứ của Đấng Christ không được ban cho bằng nhau cho tất cả mọi người. Chúng ta cần hiểu rằng tại đây tôi không hề có ý nói rằng có những mức độ khác nhau trong ơn cứu rỗi. Điều đó chắc chắn là sai. Không có những mức độ khác nhau trong ơn cứu rỗi theo như nhu cầu từng cá nhân tỏ ra rằng một số người xấu hơn những người khác nên cần ơn cứu rỗi lớn hơn. Ngược lại, khi tra xem Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng mỗi chúng ta đều cần có ơn cứu rỗi của Chúa Giêxu như nhau. Chúng ta thảy đều cần được ơn cứu rỗi đó như nhau. Không có ơn cứu rỗi ấy, hết thảy chúng ta đều rơi vào sự thạnh nộ và định tội của Đức Chúa Trời như Kinh Thánh dạy rằng chúng ta thảy đều "thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời", "Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không." Chúng ta thấy rằng trước mắt Chúa, mọi người trong chúng ta đều cần được ơn cứu rỗi của Ngài như nhau. Nhu cầu được cứu của chúng ta là như nhau và ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời cần có để làm sống lại linh hồn chết mất của mỗi chúng ta đều như nhau trong năng quyền của nó. Trong vấn đề đó, chúng ta là một.

Tuy nhiên tôi tin rằng ân điển được nói đến tại đây không phải là ân điển cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Trong Êphêsô đoạn 4 câu 7, ân điển được nói đến có ý cụ thể hơn, nó chỉ về ân điển ban cho chúng ta bởi Đấng Christ hầu được sử dụng bởi Đức Chúa Trời và Đấng Christ trong hội thánh Ngài. Ấy là ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho từng thành viên hầu trang bị họ cho sự phục vụ trong thân thể. Điều này không xa lạ với ý tưởng đang được dạy dỗ trong sách Êphêsô. Thật ra, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta xem lại trong Êphêsô đoạn 3, chúng ta sẽ thấy rằng vị sứ đồ cũng dùng một từ ngữ đó với hàm ý đó nhiều lần. Trong đoạn 3 câu 2, "Vả, anh em có nghe Đức Chúa Trời ban chức cho tôi, là ân điển mà Ngài vì anh em phó cho tôi." Câu 7 và 8, "còn tôi đã trở nên kẻ giúp việc Tin Lành ấy cứ sự ban cho của ân điển Đức Chúa Trời, là ân điển đã ban cho tôi bởi công hiệu của quyền phép Ngài. Phải, ân điển đó đã ban cho tôi, là kẻ hèn hơn hết mọi thánh đồ, để rao truyền cho dân ngoại sự giàu có không dò được của Đấng Christ".

Khi sứ đồ Phaolô nói về mục vụ của mình và sự trang bị cho mục vụ của Tin Lành Đấng Christ, ông nói đến nó như là một ân tứ rộng lượng của Đức Chúa Trời. Đây là điều Đức Chúa Trời ban cho ông dù ông không xứng đáng, nó được ban cho ông cách nhưng không bởi Đấng Christ hầu mở mang vương quốc Ngài. Vì thế tôi cho rằng khi chúng ta đọc đến đoạn 4 câu 7, ân điển được nói đến tại đây chính là ân tứ mà Đấng Christ ban cho hầu sử dụng trong thân thể của Ngài. Tại đây, sứ đồ Phaolô muốn nhắc lại điều được trình bày trong nhiều nơi khác nhau trong Thánh Kinh. Xin chúng ta cùng mở ra trong Rôma đoạn 12 từ câu 3, "Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm tình tầm thường, y theo lượng đức tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người. Vả, như trong một thân chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không làm một việc giống nhau, thì cũng vậy, chúng ta là nhiều người mà hiệp nên một thân trong Đấng Christ, và hết thảy chúng ta đều là các phần chi thể của nhau. Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin..." Cũng thế, khi vị sứ đồ nói đến những ân tứ trong 1Côrinhtô đoạn 12 từ câu 4, "Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người. Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung. Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức." Nếu có thời gian quý vị có thể tự đọc hết đoạn 12, chúng ta sẽ thấy rằng phần Kinh Thánh trình bày sự hiệp một của hội thánh Đấng Christ và cả sự khác nhau trong những ân tứ được ban cho hội thánh. Và chúng ta thấy rằng trong ngữ cảnh đó, từ "ân điển" được dùng để chỉ thể nào Đấng Christ trang bị cho các thánh đồ Ngài hầu gây dựng hội thánh. Chúng ta đều thuộc về một thân thể. Mỗi phần Kinh Thánh trên cho thấy là một thân thể trong Đấng Christ, mỗi chúng ta đã được ban cho ân tứ một cách đặc biệt để hầu việc cả thân thể. Chúng ta đã được Đức Chúa Trời và Đấng Christ ban cho ân điển hầu sử dụng những ân tứ Ngài ban để phục vụ cho sự tấn tới của thân thể Đấng Christ.

Tại đây có nói "theo lượng sự ban cho của Đấng Christ." Tôi tin rằng chúng ta ít nhiều có thể thấy phần này liên hệ đến ví dụ về các talâng. Trong câu chuyện này mỗi người được ban cho số talâng khác nhau để sử dụng trong hội thánh và mỗi người được kêu gọi sử dụng những ân tứ đó hết khả năng của mình. Vì thế khi xem Êphêsô đoạn 4 câu 7, chúng ta thấy rằng dù chúng ta hiệp một trong một thân thể, chúng ta được Đấng Christ ban cho những ân tứ để sử dụng trong sự hầu việc của dân sự Ngài. Nguồn ban những ân tứ riêng cho từng thành viên trong thân thể Đấng Christ rõ ràng là chính Đấng Christ. Không có lối giải thích nào khác trong phần cuối khi chúng ta đọc trong đoạn 4 câu 7: ấy là ân tứ của Đấng Christ. Ngài ban những ân tứ cho từng cá nhân trong thân thể Đấng Christ. Tôi nghĩ chúng ta rất cần hiểu rằng chính Đấng Christ, Đầu của thân thể, quản lý những ân tứ ban cho từng cá nhân trong hội thánh. Ngài là Đấng xây dựng và củng cố hội thánh Ngài. Ngài không ở tận đâu đâu xa cách hội thánh Ngài mà dự phần một cách mật thiết vào từng chi tiết. Ngài ban ân tứ cho những thành viên của hội thánh.

Khi liên hệ với những phần Kinh Thánh đã đọc trong 1Côrinhtô 12 và Rôma 12, chúng ta sẽ thấy điều này là rất quan trọng là vì, khi nhận ra những ân tứ mà mình nhận lãnh là từ nơi Chúa, chúng ta không thể khoe mình, chúng ta không thể cho mình là trọng hơn người khác khi chúng ta được ban cho một số ân tứ nào đó. Đúng ra khi đọc trong 1Côrinhtô 12, chúng ta sẽ thấy rằng sự khoe mình như thế là vô ích bởi chúng ta phụ thuộc lẫn nhau. Con mắt không thể khoe mình mà nói rằng nó quan trọng hơn ngón tay. Từng chi thể trong thân thể đều quan trọng cả. Và những gì chúng ta nhận lãnh được đều là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Chúng ta không thể khoe mình về những ân tứ mà Chúa đã ban cho chúng ta bởi chúng đến từ Đức Chúa Trời. Ấy chính Đức Chúa Trời đang thực hiện những điều này qua chúng ta. Tôi tin rằng nguyên tắc này cũng được dạy dỗ trong Êphêsô đoạn 2, "Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Giêxu Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo." Chính Đức Chúa Trời là Đấng thực hiện những ân tứ này trong đời sống chúng ta. Ấy chính là công việc của Đấng Christ chớ không phải của riêng chúng ta. Thế thì chúng ta không khoe mình về những ân tứ được ban cho chúng ta để hầu việc hội thánh Đức Chúa Trời và chúng ta cũng không thể phàn nàn về những ân tứ mình có. Chúng ta không thể nói rằng mình muốn được những ân tứ khác vì chúng ta không thỏa lòng với điều mà Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta làm trong hội thánh Ngài và lằm bằm phàn nàn về cách Chúa đã đặc biệt ban cho chúng ta một ân tứ cho một công tác nào đó.

Chúng ta cũng thấy rằng Đấng Christ đã đặt để chúng ta một cách đặc biệt trong thân thể cho sự hầu việc Ngài. Đọc trong 1Côrinhtô 12 chúng ta sẽ thấy điều này rất rõ. Chúng ta là một chi thể trong thân thể. Chúng ta đã được kêu gọi một cách đặc biệt đến vị trí đó cho sự hầu việc Ngài. Và một lần nữa, vì chính Đấng Christ là Đấng ban cho những ân tứ này, chúng ta không thể phàn nàn, ganh tị với ân tứ của người khác hay ước ao có được những ân tứ khác hơn những gì chúng ta đã được ban cho. Trái lại, là con cái Chúa, chúng ta được kêu gọi sử dụng những gì mình được ban cho. Đây là những ân tứ của Đấng Christ để chúng ta sử dụng hầu gây dựng thân thể Đấng Christ là nơi Ngài đã đặt để chúng ta.

Đức Chúa Trời đã ban ân điển này cho chúng ta. Ngài đã ban ân điển đó cho từng người, đây cũng là một điểm quan trọng trong phần Kinh Thánh này. Không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình không có ân tứ nào cả, rằng tôi không ích chi cho hội thánh Đức Chúa Trời cả, tôi không có công tác nào để hầu việc, không có lợi ích gì cho thân thể. Đấng Christ đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Ngài. Không ai bị bỏ quên. Ai nấy đều quan trọng và phục vụ trong một chức năng quan trọng trong đời sống của hội thánh. Những ân tứ khác nhau được ban cho hội thánh hiệp một, là thân thể Đấng Christ, còn mang giá trị thực tiển rất lớn cho sự sống của hội thánh nữa. Khi nhìn vào sự sống của hội thánh, nhìn vào toàn thể hội thánh, chúng ta thấy rằng không một cá nhân nào có thể một mình gánh vác gánh nặng công việc hội thánh. Cũng không ai có ý định lập nên một người để điều hành và sử dụng những ân tứ của mình mà không cần ai khác.

Trong thân thể Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã trang bị mỗi một người trong chúng ta. Mỗi một người trong chúng ta đã được ban cho một lượng ân điển để phục vụ người khác. Chúng ta không phải ai cũng được ban cho những ân tứ như nhau trong mọi lãnh vực. Mỗi người đóng một vai trò quan trọng trong thân thể. Điều này thật rõ ràng nếu chúng ta nhìn vào đời sống của bất kỳ hội thánh nào. Chúng ta sẽ thấy rằng có người được ban cho ân tứ trong lời nói chẳng hạn trong khi những người khác không thể làm điều đó. Người khác lại có ơn ca hát trong khi có người lại không thể hát được một nốt nhạc dù cố gắng. Có nhiều ân tứ khác nhau được ban cho những thành viên của hội thánh. Mỗi người đều được ban cho hầu gây dựng hội thánh. Mỗi người đều đóng một vai trò quan trọng. Nhưng không ai được trang bị để mang lấy trách nhiệm một mình. Đức Chúa Trời không có ý định cho hội thánh Ngài được hoạt động theo cách đó. Rõ ràng có một số người được ban cho ân tứ giữ những chức vụ trong hội thánh. Câu 11 và 12 cho thấy ân tứ đặc biệt ban cho những người được kêu gọi mang lấy chức vụ. Thế nhưng họ không phải là những người duy nhất được ban cho ân tứ và đó cũng không phải là lãnh vực duy nhất để chúng ta được sử dụng cho sự gây dựng hội thánh. Đức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta mỗi người một cách khác nhau với những ưu điểm và khuyết điểm riêng. Ngài đã trang bị chúng ta hầu chúng ta có thể được sử dụng.

Có một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta và điều đó cũng hiệp một chúng ta lại với nhau. Có một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những thành viên của một thân thể. Sự phụ thuộc đó được nhấn mạnh trong 1Côrinhtô 12. Chúng ta cần có nhau và cần những ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho từng người vì lợi ích của cả thân thể. Tôi muốn chúng ta nghĩ đến điều này khi suy nghĩ về những ân tứ ban cho hội thánh Đấng Christ và suy nghĩ nghiêm túc về cách chúng ta sử dụng ân tứ của mình trong hội thánh. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng mỗi một người trong chúng ta đã được ban cho ân điển theo lượng sự ban cho của Đấng Christ. Chúng ta đang được sử dụng như thế nào trong hội thánh? Tôi cho rằng chúng ta và những người trẻ trong hội thánh rất cần suy nghĩ đôi chút về vấn đề này. Đức Chúa Trời đã tạo nên mỗi một người trong chúng ta một cách đặc biệt. Nếu chúng ta tin Chúa, Ngài đã ban cho chúng ta ân điển Ngài. Chúng ta đang sử dụng ân điển đó ra sao tại hội thánh? Chúng ta có đang khích lệ và làm gương tốt cho bạn bè trong nhóm thiếu niên của chúng ta không? Chúng ta có là người giúp đỡ khích lệ những ai đang phải tranh chiến? Chúng ta có hay chia sẻ với anh em trong giờ học Kinh Thánh về ý nghĩa của một đoạn Kinh Thánh và dùng đó để gây dựng lẫn nhau trong ban thiếu niên không? Chúng ta hãy nghĩ đến những điều đó và thể nào Đức Chúa Trời đặt để chúng ta vào một bối cảnh nào đó để hầu việc Ngài. Kinh Thánh dạy rằng chúng ta thảy đều có những ân tứ dù chúng ta còn ở trong ban thiếu niên. Dù còn nhỏ, chúng ta cũng phải nghĩ đến điều đó.

Những người trưởng thành cũng thế: Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta được sử dụng như thế nào? Có thể Ngài đã kêu gọi một số người trong chúng ta bước vào những chức vụ khác nhau trong hội thánh và điều đó là rất tốt. Thế nhưng chúng ta đang được Chúa sử dụng như thế nào để khích lệ và mang phước hạnh cho hội thánh Đức Chúa Trời? Chúng ta đang sử dụng ân điển được ban cho chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ như thế nào? Chúng ta có đang là sự khích lệ cho nhau không? Chúng ta có chăm chỉ cầu thay cho nhau không? Chúng ta có khích lệ nhau trong công việc hay chịu trách nhiệm trước nhau không? Đó là những cách khác nhau mà Đức Chúa Trời có thể sử dụng chúng ta trong hội thánh hầu gây dựng nhau trong Chúa. Hôm nay chúng ta rất cần suy nghĩ đến thể nào Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một lượng ân điển để hầu việc Ngài mà không phải để giữ cho riêng mình trong sự sống của hội thánh. Đối với một mục sư chủ tọa, tôi thấy thật tuyệt vời khi nhìn thấy nhiều người khác nhau cùng nhóm nhau trong hội thánh. Tôi thấy thật phước hạnh khi nghe cách Đức Chúa Trời làm việc một cách khác nhau khi các tín hữu đến với hội thánh trong những năm gần đây bày tỏ đức tin của mình và nhìn xem thế nào Đức Chúa Trời làm việc theo nhiều cách khác nhau. Dù Ngài có một công tác cứu chuộc duy nhất nhưng Ngài làm việc theo nhiều cách khác nhau. Ngài cung cấp cho hội thánh chúng ta những cá nhân đặc biệt khác nhau và Ngài đặt để mỗi chúng ta tại đây với một nguyên nhân nào đó. Chúng ta được hiệp một, hiệp một chung quanh Tin Lành của Đấng Christ. Thế nhưng chính giữa chúng ta, giữa cả tập thể hội thánh khắp nơi, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta nhiều sự đa dạng khác nhau hầu trang bị mỗi người trong chúng ta. Mỗi người trong chúng ta được ban cho một vai trò trong sự sống của hội thánh. Thế thì ân tứ Đấng Christ ban cho bạn là gì? Ngài đã ban cho bạn ân tứ thế nào trong sự sống của hội thánh? Bạn có đang sử dụng những ân tứ đó để hầu việc và làm vinh hiển danh Ngài không? Ngày hôm nay, bạn hãy tự hỏi rằng mình có đang sử dụng tối đa ân tứ đó và phát triển nó như Chúa muốn bạn không? Chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã tạo ra chúng ta như một thân thể: người này phụ thuộc vào người kia, hiệp một, nhưng khác nhau vì sự gây dựng dân sự Ngài. Amen.

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Ngài vì ân điển Ngài ban cho chúng con là ân tứ của Đấng Christ đã ban cho chúng con. Con cầu xin Ngài cho chúng con thấy được chính xác điều gì Ngài kêu gọi chúng con phải làm trong vương quốc Ngài, công tác nào mà Ngài muốn chúng con làm. Cầu xin Ngài ban cho chúng con tấm lòng và tâm trí chăm chỉ tìm kiếm cách mà Ngài muốn sử dụng chúng con. Chúng con cũng cầu nguyện rằng bởi ân tứ mà Đấng Christ ban cho chúng con, chúng con có thể được sử dụng làm một phước hạnh cho thân thể Đấng Christ. Xin Chúa cho sứ điệp ngày hôm nay ghi khắc trong lòng chúng con và chúng con sẽ được lớn lên đáp lại sứ điệp đó. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)