Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Ban Các Ơn Cho Loài Người - 6/2003  


BAN CÁC ƠN CHO LOÀI NGƯỜI
(Êphêsô 4:8-10)

Tháng Sáu 2003

"Vậy nên có chép rằng: Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù, Và ban các ơn cho loài người. Vả, những chữ "Ngài đã lên" có nghĩa gì, há chẳng phải là Ngài cũng đã xuống trong các miền thấp ở dưới đất sao? Đấng đã xuống tức là Đấng đã lên trên hết các từng trời, để làm cho đầy dẫy mọi sự"

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Thời gian qua chúng ta đã cùng nhau học hỏi sách Êphêsô và đi theo cấu trúc của sách, chúng ta thấy rằng trong ba đoạn đầu của sách, vị sứ đồ Phaolô đã trình bày về ân điển của Đức Chúa Trời, về những gì Đức Chúa Trời đã thực thi cho hội thánh Ngài thông qua công việc của Chúa Giêxu Christ chúng ta. Nó bày ra cho chúng ta lẽ thật vĩ đại của Tin Lành mà bởi đó chúng ta đã được sự cứu rỗi. Nó nhắc lại cho chúng ta nhớ những gì chúng ta có được trong Đấng Christ. Thế nhưng đoạn 4 lại bắt đầu trình bày về đời sống Cơ Đốc, đời sống đáp lại lẽ thật được trình bày từ đoạn 1 đến đoạn 3.

Đoạn 4 bắt đầu với sự nhấn mạnh về sự hiệp một của hội thánh Đức Chúa Trời. Chúng ta đã để mấy tuần qua tập trung vào chủ đề sự hiệp một đó: thể nào chúng ta được hiệp một bởi một Thánh Linh, một Chúa, một Đức Chúa Trời là Cha của mọi người, chúng ta cũng là một thân thể nữa. Tuần rồi chúng ta bắt đầu xem thấy rằng dù chúng ta hiệp một làm một thân trong Tin Lành của Chúa Giêxu, tuy nhiên chúng ta không rập khuôn như nhau, nghĩa là chúng ta không phải ai cũng giống như nhau. Lần trước chúng ta đã nhấn mạnh rằng mỗi người nam và người nữ trong hội thánh được Đức Chúa Trời ban cho ân tứ như là bông trái của ân điển mà người đó nhận lãnh từ Chúa Giêxu. Chúa Giêxu là Đấng ban những ân tứ lớn lao này cho hội thánh Ngài. Chúng ta cũng nói thể nào chúng ta rất cần suy nghĩ về những ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho mình và sử dụng những ân tứ đó hầu gây dựng và củng cố thân thể Đấng Christ, khích lệ lẫn nhau hầu ân tứ của chúng ta có thể được sử dụng để gây dựng lẫn nhau.

Hôm nay, phần Kinh Thánh từ câu 8 đến câu 10 đưa ra và trả lời câu hỏi: Những ân tứ này được phân phát cho hội thánh như thế nào? Nguồn gốc của những ân tứ đó đến từ đâu? Đấng Christ đã ban quyền năng cho dân sự Ngài để phô bày những ân tứ đó ra sao? Sứ đồ Phaolô thấy việc trình bày cho chúng ta rằng Đấng Christ đã ban cho chúng ta những ân tứ này là chưa đủ. Ông tiến tới trình bày cho chúng ta biết THỂ NÀO, BẰNG CÁCH NÀO mà Ngài đã thực hiện điều đó. Ông cũng cho chúng ta biết rằng chúng ta nhận lãnh những ân tứ này từ Đấng đắc thắng và giải cứu vĩ đại của hội thánh.

Hôm nay khi chúng ta cùng học Êphêsô đoạn 4 từ câu 8 đến câu 10, chúng ta sẽ cùng học, trước tiên, về Đấng Christ là Đấng đắc thắng thiên thượng, rằng Ngài đã giành chiến thắng và bởi chiến thắng của Ngài trên gian ác và tội lỗi mà giờ đây Ngài ban ân tứ cho hội thánh Ngài. Trong phần này, sứ đồ Phaolô trích dẫn Thi Thiên 68 câu 18. Tại đây Kinh Thánh mô tả Đức Giêhôva bước ra chiến trận dẹp tan kẻ thù của dân sự Ngài. Ấy chính Yaweh, Đức Chúa Trời của dân Ysơraên, đang tranh chiến cho dân sự Ngài, thi hành sự phán xét trên kẻ ác. Kinh Thánh hay nói về sự tranh chiến của hội thánh dưới dạng một cuộc chiến. Có lần tôi đã trình bày rằng chúng ta cần hiểu đời sống trong hội thánh như là một cuộc tranh chiến, một cuộc chiến chống lại ma quỷ và sự thống trị nó. Chúng ta thấy rằng nó còn hơn cả một trận chiến cội nguồn giữa cái đúng và cái sai diễn ra trên thế gian này từ khi con người sa ngã trong tội lỗi. Nó còn là một cuộc chiến xảy ra giữa vương quốc của Đức Chúa Trời và vương quốc của ma quỷ. Cuộc chiến này được nhắc đến xuyên suốt Thánh Kinh. Cuộc chiến này cứ tiếp diễn xuyên suốt trong nhiều phân đoạn trong Cựu Ước.

Trong Cựu Ước, chiến trận này thường là sự xung đột khi dân Ysơraên phát triển nước Đức Chúa Trời, họ đánh những trận chiến thật để giành lấy đất hứa. Họ dự phần vào trận chiến của vương quốc. Trong Tân Ước, cuộc tranh chiến tiếp diễn nhưng nó là một cuộc chiến thuộc linh. Trong Cựu Ước, nó cũng là một cuộc chiến thuộc linh theo nghĩa rằng nó là một trận chiến thuộc linh chống lại những thế lực nghịch cùng dân sự của Đức Chúa Trời. Đây không phải là một trận chiến tưởng tượng. Trận chiến mà hội thánh đã dự phần từ ban đầu ngay từ khi con người rơi vào tội lỗi là một trận chiến có thật. Chúng ta đọc trang cuối của tờ chương trình trong phần nan đề cầu nguyện cho những người trong đài Family Radio ở Êthiôpi đang truyền giảng Tin Lành và thấy rằng thái độ thù nghịch cùng Tin Lành thật của Chúa Giêxu cứ tiếp tục lan tràn. Ấy là một trận chiến thuộc linh mà chúng ta đang đối diện tại trong đất nước chúng ta khi chúng ta nhìn thấy Cơ Đốc Giáo đứng lên chống lại nhiều vấn đề trong nền văn hóa của chúng ta đối nghịch với Cơ Đốc Giáo và để làm yếu đi hội thánh của Đấng Christ. Chúng ta nhìn thấy cuộc chiến này diễn ra trong chính đời sống chúng ta khi chúng ta tranh chiến với tội lỗi và sự thống khổ, và chúng ta cứ hằng ngày tranh chiến để làm theo những điều đẹp lòng và vinh hiển danh Chúa. Cuộc chiến này diễn ra nghịch cùng Satan và sự thống trị nó cũng như tất cả những ai lên mình kiêu ngạo muốn chống nghịch cùng Đức Chúa Trời.

Thánh Kinh dạy chúng ta rằng trong trận chiến này chúng ta cần hiểu rằng Đức Chúa Trời là Đấng đắc thắng, rằng Đấng Christ, ứng nghiệm của những gì ghi lại trong Cựu Ước, là Đấng cuối cùng sẽ đắc thắng trong cuộc chiến vinh hiển và vĩ đại này. Khi chúng ta xem trong sách Phục Truyền của Cựu Ước, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đi trước dân sự Ngài để chiến đấu cho họ. Ngài ban cho họ sự đắc thắng. Ngay cả trước khi họ bước chân vào xứ, Đức Chúa Trời đã phán rằng xứ thuộc về họ. Cũng vậy, khi chúng ta hướng về Đấng Christ, Ngài là vị lãnh đạo của đoàn quân Ngài. Chúa Giêxu là Đấng đắc thắng vĩ đại theo cái nhìn của Thánh Kinh. Theo như sách Khải Huyền mô tả, Ngài là Đấng đánh trận, ma quỷ và cả sự thống trị của nó bị đánh bại. Trong 1Côrinhtô đoạn 15 chúng ta đọc thấy về sự chết và thể nào sự chết cũng đã bị Đấng Christ đánh bại, rằng sự chết, tội lỗi và hết thảy những hậu quả của nó đều đã bị loại trừ khỏi những người được chọn của Đức Chúa Trời. Đấng Christ là Đấng đắc thắng. Ngài là Vua trên muôn vua là Đấng xông ra trận tiền cách khải hoàn.

Xem trong phần Kinh Thánh hôm nay của chúng ta trong Êphêsô đoạn 4, chúng ta thấy rằng trận chiến này, sự hoàn tất này của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ được làm xong qua sự Ngài xuống thế gian. Chúng ta thấy rằng Thi Thiên 68 câu 18 nói về sự Ngài đã lên. Tuy nhiên để có thể lên, vị sứ đồ viết rằng Đấng Christ trước hết phải xuống và vì thế, cuộc chiến của Ngài diễn ra khi Ngài xuống thế gian. Một số người giải nghĩa câu 9 giải thích việc Chúa Giêxu xuống các miền thấp ở đất nghĩa là Ngài xuống địa ngục. Thật ra khi đọc bài Tín Điều Các Sứ Đồ, chúng ta thường xưng nhận rằng 'Ngài xuống âm phủ'. Có nhiều cách giải thích câu đó trong Bài Tín Điều Các Sứ Đồ. Một cách giải thích tiêu biểu theo quan điểm Cải Cách là Đấng Christ nếm trải địa ngục tại thập tự giá. Khi Ngài qua đời, Ngài nếm trải trọn vẹn sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời và bởi đó làm thỏa mãn sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời nghịch cùng tội lỗi. Giáo hội Công Giáo La Mã giải thích cách khác về câu đó và phần Kinh Thánh này nữa. Họ hiểu việc Ngài xuống địa ngục này theo nghĩa đen. Ngài xuống nơi âm phủ là nơi mà một số người trong tình trạng lưng chừng: đây là số người mà họ giải thích rằng đang ở một nơi gọi là Sheol, một nơi trung dung, chờ đợi sự đến của Đấng Christ; mọi người qua đời trong thời Cựu Ước đều chờ đợi tại chốn Sheol này và khi Đấng Christ dẫn muôn vàn kẻ phu tù, Ngài xuống nơi đó và dẫn họ lên thiên đàng.

Giáo hội Cải Cách không giảng dạy quan điểm đó. Và tôi tin rằng sứ đồ Phaolô cũng không có ý đó tại đây. Tôi tin rằng ông muốn nói đến Ngài xuống thế gian và cả xuống phần mộ là nơi mà từ đó Ngài được phục sinh. Chúng ta thấy ở nhiều phần Kinh Thánh khác nói về sự Ngài xuống, thể nào Đấng Christ đã xuống. Chúng ta cùng xem trong Philíp đoạn 2 chẳng hạn, "Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự." Đấng Christ ngự trong các nơi trên trời, rồi Ngài xuống thế gian. Sự giảng dạy này được nhắc lại nhiều lần trong sách Tin Lành Giăng. Trong Giăng đoạn 3 câu 13 "Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời." Đấng Christ xuống thế gian. Cuối cùng Ngài xuống nơi phần mộ vì dân sự Ngài. Việc Đấng Christ xuống thế gian là điều cần phải có trước việc Ngài lên trời. Sau hết, khi chúng ta nghĩ đến Đấng Christ đã xuống, chúng ta nghĩ đến việc Ngài xuống thế gian, đến cuộc đời của Ngài tại thế gian này, đến sự chịu khổ và chết thay của Ngài cho dân mình. Không có sự cứu rỗi nếu trước tiên Đấng Christ không xuống thế gian ở giữa chúng ta. Người tin Chúa không thể lên thiên đàng với Đấng Christ nếu như trước hết Đấng Christ không vào mồ mả để trả thay tội lỗi chúng ta. Chúa Giêxu phải xuống thế gian hầu sự cứu rỗi của chúng ta có thể được hoàn tất.

Thế nhưng sau sự giáng thế đó, rõ ràng Ngài đã lên trời khi được cất lên. Trước tiên Ngài được cất lên bởi sự phục sinh khỏi sự chết Ngài về phần xác, sau đó Ngài được cất lên cách vinh hiển tột cùng nơi thiên đàng. Trong Công vụ đoạn 1, Ngài thăng thiên giữa những đám mây mà về trời. Philíp đoạn 2 cũng trình bày rõ sự cất lên này, "Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Giêxu, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất thảy đều quỳ xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Giêxu Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha." Thế thì Chúa Giêxu đã xuống thế gian để trả thay tội lỗi chúng ta. Ngài đã lên để chúng ta cũng có thể được cất lên với Ngài đến các nơi trên trời.

Phần Kinh Thánh của chúng ta tại đây chép rằng Ngài "dẫn muôn vàn kẻ phu tù". Có nhiều ý kiến tranh luận về ý nghĩa của câu này. Ai là muôn vàn phu tù mà Ngài dẫn dắt đó? Tôi tin rằng câu Kinh Thánh chỉ ra rằng ấy chính là Satan, cả sự thống trị nó, cùng tội lỗi và sự suy bại chính là những gì bị Đức Chúa Trời bắt giữ làm phu tù. Chúng ta thấy rằng trong thời Cựu Ước, khi một vua chinh phục một xứ nào đó, vua ấy sẽ bắt dẫn vua xứ đó và quân lính làm phu tù vào thành họ như là biểu hiệu rằng vua ấy đã chiến thắng. Tôi tin rằng ý tưởng ở đây cũng thế vì nó cũng tương tự với điều được trình bày trong Côlôse đoạn 2 câu 15 "Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ." Đức Chúa Trời đã nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ các quyền cai trị cùng các thế lực và như chúng ta đã thấy trước đó rằng những quyền cai trị và thế lực này chính là ma quỷ. Đấng Christ đã chiến thắng sự chết. Ngài đã chiến thắng quyền thống trị của Satan. Đấng Christ đã giải phóng dân sự Ngài khỏi sự thống trị của chúng. Đấng Christ là Đấng đắc thắng thiên thượng. Chúng ta thấy Ngài tiến ra trận tiền như là người thắng cuộc và những kẻ nghịch cùng Ngài phải bị bắt làm phu tù cách hổ thẹn.

Người thắng trận được phần các chiến lợi phẩm của trận chiến đó. Đấng Christ đã giành chiến thắng. Ngài phân phát chiến lợi phẩm cho dân Ngài. Trận chiến đã đắc thắng. Đấng Christ đã đắc thắng dù chúng ta vẫn còn chờ đợi sự hoàn tất trọn vẹn của nó. Chúng ta thuộc về đoàn quân chiến thắng của Chúa. Và bởi ân điển Ngài, Đức Chúa Trời đã phân phát những tặng phẩm của trận chiến cho chúng ta. Ngài đã ban những tặng phẩm cho hội thánh Ngài đang khi chúng ta còn trên thế gian này. Khi xem trong Thi Thiên 68, chúng ta thấy rằng Thi Thiên này áp dụng cho Đức Chúa Cha là Đấng đắc thắng trên trận mạc nhưng nó cũng chỉ về Đấng Christ nữa. Việc Đức Chúa Trời giải cứu dân sự Ngài khỏi Êdíptô và những kẻ thù nghịch họ trong Cựu Ước chỉ về sự đắc thắng cuối cùng của vương quốc Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giêxu Christ. Và cũng như Đức Chúa Trời ban cho dân sự Ngài miền đất hứa và những phước hạnh cặp theo, Ngài cũng ban cho hội thánh Ngài trong thời Tân Ước những gì hội thánh cần.

Trong Êphêsô đoạn 4 câu 8 nói rằng Đấng Christ ban các ơn cho loài người. Chúng ta thấy thật thú vị ở chỗ này khi chúng ta đọc trong Thi Thiên 68 câu 18, thay vì nói "Ngài đã lên nơi cao, dẫn muôn vàn kẻ phu tù, và ban các ơn cho loài người", theo Thi Thiên tiếng Hybálai thì lại chép rằng "...Chúa đã nhận lễ vật giữa loài người." Chúng ta phải giải thích chỗ này ra sao? Có phải là Phaolô đã trích dẫn sai Thi Thiên này không? Hay ông bị nhầm lẫn? Rõ ràng là không. Chúng ta tin nơi sự vô ngộ của Kinh Thánh. Kinh Thánh không hề sai trật. Tôi tin rằng sứ đồ Phaolô dùng chữ 'ban cho' thay vì chữ 'nhận' vì hai chữ này bện chặt vào nhau. Đấng Christ nhận những lễ vật này hầu có thể ban cho. Đấng Christ đã nhận lãnh những điều này từ Đức Chúa Cha hầu có thể ban cho hội thánh Ngài. Chúng ta sẽ nhìn thấy điều này dễ dàng hơn khi đọc trong Giăng đoạn 16 câu 14, 15 chép rằng "Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi. Mọi sự Cha có, đều là của ta; nên ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuôc về ta mà rao bảo cho các ngươi vậy." Chúng ta thấy vì Đấng Christ đã chịu chết trên thập tự giá, đã hoàn tất công tác cứu rỗi, nên Ngài nhận lãnh phần thưởng từ nơi Cha mà giờ đây Ngài phân phát cho dân sự Ngài.

Giăng đoạn 14 chỉ ra cụ thể hơn quà tặng đó là gì. Quà tặng mà Đấng Christ nói đến chính là sự ban Đức Thánh Linh cho hội thánh Ngài. Ấy là quà tặng vĩ đại mà chúng ta được Đức Chúa Trời ban cho. Chúng ta thấy sự ban cho Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ Tuần. Một lần nữa trong Công vụ đoạn 2 câu 33 "Vậy, sau khi Ngài đã được đem lên bên hữu Đức Chúa Trời, và từ nơi Cha đã nhận lấy Đức Thánh Linh mà Cha đã hứa ban cho, thì Ngài đổ Đức Thánh Linh ra, như các ngươi đương thấy và nghe." Ngài đã nhận lãnh từ nơi Cha lời hứa ban cho Thánh Linh và giờ đây Đấng Christ, hoàn tất lời hứa của Ngài cho các môn đồ, ban quà tặng là Đức Thánh Linh cho hội thánh Ngài. Sự ban cho của Đấng Christ chỉ về ngày lễ Ngũ Tuần và sự ban Thánh Linh. Thế thì mọi điều này có nghĩa gì đối với hội thánh? Đấng Christ đã thăng thiên về trời, và vì Ngài đã đi lên, chúng ta giờ đây được nhận lãnh sự ban cho của Ngài, sự ban Thánh Linh.

Thế thì những quà tặng mà chúng ta nhận lãnh từ Thánh Linh cụ thể là gì? Tôi tin rằng Kinh Thánh có cho chúng ta biết công việc của Thánh Linh là gì? Khi nghĩ đến công việc của Thánh Linh, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là ân cứu rỗi. Rõ ràng quà tặng này được ban cho tất cả những ai tin nhận. Thế nhưng nó là quà tặng của Thánh Linh. Ấy chính là sự ban cho của Đức Chúa Trời qua Thánh Linh Ngài đã mở mắt chúng ta hầu nhìn thấy lẽ thật của Tin Lành. Không có sự ban cho đó, không ai trong chúng ta được cứu. Ấy chính Đấng Christ đã hứa ban quà tặng đó cho các môn đồ Ngài và cho những ai theo Ngài. Tôi tin rằng ấy là nhờ sự ban cho vĩ đại nhất của Thánh Linh mà bởi Đấng Christ chúng ta được giải phóng khỏi tội lỗi và sự khốn khổ của chúng ta. Thánh Linh nhắc lại cho chúng ta nhớ công việc của Đấng Christ. Ngài đặt đức tin trong chúng ta. Ấy là một trong những ân tứ vĩ đại nhất của Thánh Linh Đức Chúa Trời.

Thế nhưng tôi tin rằng sự ban cho của Thánh Linh Đức Chúa Trời còn xa hơn thế nữa. Chúng ta có nói về điều đó khi học trong Êphêsô đoạn 1 câu 13 và 14 rằng Thánh Linh là sự bảo đảm cho sự cứu rỗi của chúng ta. Ngài là khởi đầu của số tiền trả trước cho thiên đàng. Thế thì từ Thánh Linh của Đức Chúa Trời, chúng ta nhận lãnh những trái đầu mùa của thiên đàng, trái đầu mùa của một đời sống tự do khỏi tội lỗi. Điều đó chưa được hoàn tất trọn vẹn trong đời này nhưng chắc chắn chúng ta đã được Thánh Linh ban cho trái của Thánh Linh mà bởi đó chúng ta bắt đầu sống một cuộc đời làm sáng danh Đức Chúa Trời, cất bỏ con người cũ và nâng cao con người mới. Trái của Thánh Linh: ấy là tình yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ. Đây cũng là những ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh Ngài. Đây không phải là điều chúng ta có thể đạt được một mình bằng sức riêng của chúng ta. Đây là điều mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Đấng Christ đã cung ứng cho chúng ta với tư cách là những người đã được Ngài chuộc lấy, những người đã được ban cho Thánh Linh. Thế thì chúng ta bắt đầu sống một cuộc đời hưởng trước sự sống nơi thiên đàng, nghĩa là cất bỏ bản chất tội lỗi của chúng ta và sống theo trái của Thánh Linh.

Nhưng tôi tin rằng khi nói về ân tứ, chúng ta không chỉ nói đến những trái Thánh Linh. Chúng ta không chỉ nói đến ân cứu rỗi vĩ đại. Chúng ta cũng nói đến những ân tứ thuộc linh khác nhau mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh Ngài. Theo bài học lần trước của chúng ta, Đấng Christ đã ban cho mỗi một người trong chúng ta một ân tứ. Từng thành viên trong hội thánh đã được ban cho những ân tứ hầu gây dựng thân thể Đấng Christ. Đôi khi khi nghĩ đến những ân tứ thuộc linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh, chúng ta hay nghĩ đến những điều to lớn hoặc những gì hữu hình. Nghĩa là để sử dụng những ân tứ thuộc linh của chúng ta, chúng ta phải là giáo sư, thầy giảng, trưởng lão hay chấp sự. Thế nhưng điều này không đúng. Khi Kinh Thánh nói đến những ân tứ khác nhau ban cho hội thánh, Kinh Thánh nói đến nhiều sự ban cho. Chúng ta có thể được Đức Chúa Trời ban cho ân tứ với những nhu cầu khác nhau của hội thánh. Chúng ta có thể được Chúa ban cho ân tứ cầu thay. Chúng ta có thể được Thánh Linh ban cho ân tứ khích lệ người khác. Chúng ta có thể được Thánh Linh ban cho ân tứ trong sự giải nghĩa Kinh Thánh để giúp người khác hiểu được Lời Chúa. Chúng ta có thể được Đức Chúa Trời sử dụng theo rất nhiều cách khác nhau: khích lệ những ai nãn lòng, làm một phước hạnh cho người khác... bất kỳ điều gì bạn có thể làm được để hầu việc với dân sự Đức Chúa Trời. Đây là những ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho hội thánh Ngài hầu ban phước cho hội thánh.

Chúng ta phải hiểu rằng những ơn phước mà chúng ta nhận lãnh với tư cách là hội thánh của Đức Chúa Trời, những ân tứ mà chúng ta đã nhận lãnh qua Đấng Christ đã không đến với chúng ta một cách dễ dàng. Những ân tứ đó được đến với chúng ta qua việc Đấng Christ xuống thế gian, hy sinh trên thập tự giá, và qua việc Ngài lên trời mà bởi đó Ngài đã được ban cho và phân phát Thánh Linh Đức Chúa Trời cho tất cả những ai tin nhận. Tất cả chúng ta đều phải sử dụng những ân tứ của Đức Chúa Trời như là thành viên của đoàn quân chiến thắng, thành viên của vương quốc Đức Chúa Trời, sử dụng những tặng vật mà chúng ta đã được nhận lãnh, những chiến lợi phẩm của cuộc chiến hầu gây dựng và củng cố hội thánh mà chúng ta đang dự phần đó. Amen.

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Ngài vì Ngài sẵn sàng xuống thế gian trong ngôi vị của Đấng Christ để chết trên thập tự giá hầu đền trả tội lỗi cho chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài vì khi Ngài đã xuống các miền thấp ở dưới đất, Ngài cũng đã lên trên các nơi trên trời và giờ đây đang ngự ở nơi cao trên cả các từng trời. Ngài cũng đổ đầy Thánh Linh Ngài trên chúng con và ngự giữa chúng con. Chúng con cảm tạ Ngài rằng chúng con không bị bỏ mặc một mình khi đối diện với thế gian tội lỗi này nhưng Ngài đã ban ân tứ Ngài cho hội thánh hầu có thể đứng vững trước sự cám dỗ của ma quỷ, hầu chúng con cũng có thể đứng trong đoàn quân chiến thắng của Đức Chúa Trời. Lạy Chúa, chúng con cầu xin Ngài ở cùng hội thánh Ngài. Cầu xin Ngài ban cho mỗi người những ân tứ hầu sử dụng cho sự gây dựng hội thánh. Cầu xin Ngài giúp chúng con làm sự khích lệ và ơn phước cho dân sự Ngài. Chúng con cảm tạ Ngài vì Lời Ngài là Lời khích lệ và nhắc nhở chúng con về Đấng Christ đắc thắng mà chúng con đang hầu việc. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)