Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Chúng Ta Là Thân Thể - 10/2003  


CHÚNG TA LÀ THÂN THỂ
(Êphêsô 4:16)

Tháng Mười 2003

"Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương."

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Kinh Thánh Tân Ước dùng nhiều hình ảnh hay ẩn dụ khác nhau để mô tả hội thánh và mối tương giao của hội thánh với Đấng Christ. Êphêsô đoạn 5 so sánh quan hệ đó như là vợ chồng. Đôi khi chúng ta thấy hội thánh được so sánh với đền thờ của Cựu Ước, như trong Êphêsô đoạn 2 câu 21, 1Phierơ đoạn 2. Ở chỗ khác, chúng ta thấy nó được so sánh như là Vị Vua với đoàn quân của mình: hội thánh là những người lính chiến của Đức Chúa Trời như trong Êphêsô đoạn 6 khi nói đến sự trang bị của người lính. Trong những đoạn Kinh Thánh khác chẳng hạn như Khải Huyền đoạn 19 chúng ta cũng thấy những sự mô tả đó. Thế thì có nhiều cách khác nhau mà Đức Chúa Trời dùng để mô tả hội thánh Ngài trong mối quan hệ với chính mình Ngài. Tôi tin rằng điều này rất quan trọng bởi nó cho chúng ta những cách nhìn thú vị về mối tương quan của chúng ta với Chúa. Không một ẩn dụ duy nhất nào đủ sức bao hàm hết ý nghĩa của việc làm thành viên của hội thánh Đấng Christ. Vì thế Đức Chúa Trời dùng nhiều hình ảnh khác nhau. Thế nhưng có lẽ nếu chúng ta xem đặc biệt trong Tân Ước, hình ảnh ẩn dụ phổ biến nhất, đặc biệt trong các thơ tín của Phaolô, là hình ảnh hội thánh là thân thể của Đấng Christ. Hội thánh là thân và Đấng Christ là đầu.

Chúng ta nhìn thấy hình ảnh này về Đấng Christ với hội thánh như là đầu và thân trong các phân đoạn Kinh Thánh như: Rôma đoạn 12 câu 4 đến 8, 1Côrinhtô đoạn 12 trong các câu đầu, Êphêsô đoạn 1 câu 22 và 23, Côlôse đoạn 1 câu 24 và trong phần Kinh Thánh tương đương trong Côlôse đoạn 2. Xin chúng ta cùng xem phần Kinh Thánh tương đương đó trong Côlôse đoạn 2 từ câu 19. Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều điểm trùng nhau trong ý nghĩa của phần này với Êphêsô đoạn 4, "không liên lạc với đầu, là nhờ đầu đó mà cả thân thể xếp đặt kết hiệp bởi các lắt léo, và được sự sanh trưởng từ Đức Chúa Trời đến." Chúng ta thấy nhiều chủ đề chung được nhắc đến trong Côlôse đoạn 2 câu 19. Tuy nhiên có nhiều đoạn Kinh Thánh trong các thơ tín Tân Ước của sứ đồ Phaolô nói đến mối tương quan của Đấng Christ với hội thánh như là đầu và thân thể. Như tôi đã nói, mỗi ẩn dụ đóng góp một khía cạnh riêng của nó trong sự hiểu biết của chúng ta về mối tương giao của Đấng Christ và hội thánh. Hình ảnh về đầu và thân nhấn mạnh sự hiệp một của thân thể Đấng Christ cùng với sự khác nhau của nó với ý nghĩa rằng từng phần của thân thể cùng hiệp tác với nhau cho một mục tiêu chung. Vì thế chúng ta thấy chỗ này hoàn toàn thích hiệp.

Nếu theo dõi suốt Êphêsô đoạn 4, chúng ta sẽ thấy đây chính là ý mà Phaolô muốn nói, rằng có một sự thống nhất hiệp một chúng ta lại trong thân thể nhưng cũng có một sự khác nhau bởi Đức Chúa Trời đã ban ân tứ cho chúng ta theo những cách khác nhau. Mối quan hệ, phụ thuộc và hiệp tác với nhau trong thân thể là một minh họa sống động cho vị trí của chúng ta trong hội thánh của Chúa Giêxu Christ. Điều thú vị là khi sự hiểu biết về cơ thể con người được phát triển qua nhiều phát minh trong y học hiện đại, nó chưa bao giờ làm giảm nhẹ giá trị của hình ảnh này. Nhưng càng học hỏi về cơ thể con người, chúng ta thấy nó càng làm gia tăng chiều rộng và chiều sâu trong sự hiểu biết của chúng ta về những phần khác nhau trong thân thể cùng hợp tác vì một mục tiêu chung.

Hôm nay chúng ta muốn cùng học xem hình ảnh này được sử dụng ra sao trong câu 16. Trong một khía cạnh nào đó, câu 16 thật thú vị vì vị sứ đồ dường như sắp đặt hết cụm từ này chồng lên cụm từ kia để mô tả thân thể. Trong Hy văn chúng ta sẽ thấy chỗ này đọc nghe hơi lạ, ngay cả trong tiếng Anh cũng ít nhiều như thế. Chúng ta thấy rằng khi đọc qua câu này, những cụm từ cứ được thêm vào để mở ra cho chúng ta ý nghĩa thật của phần Kinh Thánh này. Sứ đồ Phaolô trong sự linh cảm của Đức Chúa Trời muốn chúng ta nắm bắt được trọn vẹn sứ điệp mà ông đang truyền đạt tại đây về sự hiệp một của hội thánh Đức Chúa Trời và sự khác nhau trong các ân tứ trong hội thánh hầu phục vụ cho sự gây dựng hội thánh. Bài học của chúng ta hôm nay sẽ tập trung vào trước hết là chủ đề Đấng Christ làm đầu hội thánh, là điều rất quan trọng cho chúng ta hiểu được mối tương quan trong thân thể, thứ hai, chúng ta muốn cùng học về sự hiệp tác trong thân thể và cuối cùng, chúng ta sẽ cùng học về mục tiêu của sự hiệp tác đó.

Trước tiên, chúng ta phải để ý sự mô tả về thân thể Đấng Christ trong phần Kinh Thánh của chúng ta bắt đầu với sự hiểu biết về Đấng Christ là đầu của thân thể Ngài. Chúng ta không bao giờ nên xem nhẹ thực sự đó. Việc Đấng Christ làm đầu hội thánh không chỉ được nhấn mạnh trong câu này mà còn trong nhiều chỗ khác nữa. Dễ thấy nhất là trong Êphêsô đoạn 1 câu 22 và 23, chúng ta sẽ thấy rằng nó mở ra ý nghĩa của việc Đấng Christ làm đầu hội thánh: "Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chơn Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội Thánh, Hội thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài." Tại đây chúng ta thấy rằng trọng tâm của việc Đấng Christ làm đầu hội thánh là việc Ngài cai trị trên cả thân thể. Chính Đấng Christ lãnh đạo và hướng dẫn thân thể. Ngài điều khiển mọi chức năng của các phần khác nhau. Ngài là Đấng làm cho các chi thể hiệp tác với nhau như một thân. Chính Đấng Christ xác định mục tiêu của thân thể. Chính Đấng Christ bố trí cho thân thể hướng đến mục tiêu của nó vì Ngài là đầu. Cả thân thể phục vụ cho ý muốn Ngài.

Nói cách khác, một chi thể không được phép nghịch lại với đầu. Cánh tay không thể nói với đầu rằng "Tôi không muốn làm điều anh muốn" và rồi làm theo ý riêng của nó bất chấp ý muốn của đầu. Ngược lại, cánh tay phải trung tín làm theo ý muốn của đầu và hoàn tất mục tiêu của nó. Khi suy nghĩ theo cách đó, chúng ta thấy rằng hội thánh cũng phải ăn ở theo mục tiêu và ý muốn Đấng Christ. Hội thánh cũng không được chống nghịch ý muốn của Đầu và khước từ ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Nhưng thân thể Đấng Christ được kêu gọi vâng theo mạng lịnh Ngài, đầu phục ý muốn Ngài, đi theo ý chỉ của Ngài. Thế thì hội thánh không được phép giơ tay lên nghịch cùng Đức Chúa Trời mà nói rằng "Tôi sẽ làm theo ý riêng mình". Đấng Christ theo sự mặc khải của Ngài trong Kinh Thánh, đã mở ra cho chúng ta ý muốn của Ngài cho đời sống chúng ta. Hội thánh Đức Chúa Trời chúng ta, dưới thẩm quyền của Đầu, sẵn sàng vâng phục và hầu việc Ngài.

Một điều nữa chúng ta để ý về đầu là không những đầu điều khiển thân thể mà đầu còn là nguồn của sự sống cho thân thể nữa. Thử đoán xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cắt bỏ đầu đi? Chắc không ai có thể sống mà không có đầu. Đầu là nguồn sự sống cho hội thánh. Nó cung cấp cho thân thể những gì cần thiết để sống động. Thế thì nếu chúng ta muốn hiểu đúng vị trí của chúng ta trong thân thể Đấng Christ, trước tiên chúng ta phải hiểu được vị trí của mình trong mối tương quan với Đấng Christ. Chúng ta là những môn đệ Ngài. Chúng ta cũng nhận lấy sự sống từ Ngài. Ngài là Đấng ban cho chúng ta sức mạnh và khả năng để hoàn tất mục tiêu của Ngài mà những mục tiêu đó đều quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Đấng Christ là Đầu của chúng ta. Ngài là nguồn sự sống của chúng ta. Ngài là Đấng cai trị những mục tiêu của chúng ta va hướng dẫn chúng ta theo ý muốn của Ngài. Chúng ta là những chi thể trong thân thể Ngài. Chúng ta bước đi nhịp nhàng với Đầu. Vì thế chúng ta lúc nào cũng phải nhận ra tầm quan trọng của Đấng Christ.

Yếu tố quan trọng thứ hai trong hình ảnh so sánh của thân thể trình bày trong phần Kinh Thánh của chúng ta ở đây là mối tương giao của chúng ta với Đầu không xảy ra một cách cá nhân độc lập mà chúng ta phải xem mình như là một phần trong một tập thể là thân thể chúng ta. Hình ảnh thân thể được dạy dỗ ở đây nói đến tầm quan trọng của sự hiệp tác trong thân thể Đấng Christ với mọi chi thể khác nhau của nó. Chúng ta thấy rằng điều này thật trái ngược với tính cá nhân chủ nghĩa của xã hội chúng ta. Thậm chí trong hội thánh đôi khi vẫn còn quan niệm rằng điều duy nhất quan trọng là mối tương giao giữa "tôi" với Đức Chúa Trời còn "tôi" với những tín hữu khác thế nào là không quan hệ gì. Tôi không muốn đánh giá thấp mối tương giao cá nhân của từng người với Đấng Christ. Mỗi chúng ta rất cần biết Ngài một cách cá nhân và được hiệp một với Ngài. Đời sống cá nhân của chúng ta không thể diễn ra mà không có mối tương giao đó với Đấng Christ nếu chúng ta là người tin Chúa. Chúng ta muốn có mối tương giao cá nhân với Chúa. Nhưng chúng ta không bao giờ nên nhìn nhận vai trò tín hữu của mình tách rời khỏi những tín hữu khác. Chính vì lý do này mà chúng ta nhóm họp với nhau thành hội thánh. Anh em tín hữu chúng ta nhóm nhau trong Chúa. Chúng ta không chỉ rút vào gia đình riêng mình và thờ phượng Ngài riêng tư tại nhà mình mà không tiếp xúc hay hiệp một với thân thể lớn hơn. Đấng Christ đã kêu gọi chúng ta hiệp một với nhau, hiệp tác với nhau hướng đến một mục tiêu chung. Vì thế chúng ta rất cần hiệp một với hội thánh của Chúa Giêxu Christ. Nếu một phần của thân thể bị tách rời khỏi thân, thường thì nó sẽ chết. Thân thể Đấng Christ bao gồm những chi thể liên kết ràng buộc với nhau chớ không chia cách nhau. Chúng ta thấy rằng nguyên tắc hiệp một Cơ Đốc được nhấn mạnh trong sự hiểu biết của chúng ta về thân thể. Có một mối dây thông công mà chúng ta cùng chia sẻ khi chúng ta cùng hiệp một trong Đấng Christ thành một thân thể đan kết với nhau. Nếu chúng ta để ý đến sự đan, chẳng hạn như đan áo, chúng ta thấy mỗi miếng được nối liền với nhau. Cũng vậy, chúng ta được ràng buộc với nhau. Có một sự liên kết bên trong giữa từng bộ phận của thân thể mà không thể bị phân rẽ. Đức Chúa Trời muốn hội thánh Ngài được hiệp một như thế, hiệp một chung quanh Tin Lành của Chúa Giêxu, trở nên một thân thể.

Chúa cũng nói đến sự liên hệ nội tại này của những phần khác nhau là để cung cấp những nhu cầu khác nhau của hội thánh, "ràng buộc vững vàng bởi những cái lắt léo". Chúng ta rất cần hiểu được rằng điều đó đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta xem trong Côlôse đoạn 2 câu 19 "và được sự sanh trưởng từ Đức Chúa Trời đến." Thế thì sự ràng buộc đó đến từ Đức Chúa Trời và là sự ban cho của Ngài cho chúng ta. Khi chúng ta đọc qua sách Êphêsô đến điểm này, chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã cung ứng mọi nhu cầu cho hội thánh Ngài hầu được lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Sự lớn lên và trưởng thành đó xoay xung quanh tâm điểm là Tin Lành của Chúa Giêxu. Ấy chính là Tin Lành của Chúa Giêxu và chính Ngài nuôi dưỡng hội thánh. Chúng ta dự phần trong thân và huyết Ngài và được thêm đức tin. Thế thì chính Tin Lành của Đấng Christ là trọng tâm của sự nuôi dưỡng dân sự Đức Chúa Trời.

Tôi tin rằng trong cụm từ "bởi những cái lắt léo" cũng có nghĩa rằng từng bộ phận trong thân thể khích lệ lẫn nhau trong đức tin. Chúng ta khích lệ và nhắc nhở nhau về ân điển mà chúng ta có được trong Đấng Christ, rằng chúng ta nói về Tin Lành của Đấng Christ, nhắc nhở nhau và khích lệ nhau trong đức tin, đối diện với những sai trái v.v... hầu chúng ta khích lệ và nuôi dưỡng nhau trong đức tin. Một lần nữa, sự nuôi dưỡng đó không đến từ chúng ta. Ấy chính là sứ điệp của Đấng Christ mà chúng ta cùng chia sẻ với nhau khiến chúng ta được lớn lên, và chúng ta cũng truyền đạt cho nhau khi hiệp một với nhau. Tôi cho rằng chúng ta rất cần hiểu điểm này và ý nghĩa của nó khi chúng ta thảo luận với nhau. Nếu chúng ta hiểu về mình với những khả năng đó, chúng ta sẽ không chỉ tán chuyện về thời tiết, về công việc làm... mà chúng ta thực hiện trách nhiệm mình được kêu gọi đến theo câu Kinh Thánh hôm nay. Nghĩa là chúng ta sẽ cầu thay cho nhau, chúng ta nói về đức tin, khích lệ những ai yếu đuối và đang trong cơn tranh chiến, chúng ta giang tay ra yên ủi và chia sẻ với họ niềm hy vọng của Tin Lành, chúng ta khích lệ họ tiến tới hầu họ được nuôi dưỡng không phải bởi ý riêng của chúng ta mà bởi Tin Lành Đấng Christ. Sự nuôi dưỡng cần cho thân thể Đấng Christ là Tin Lành và mỗi thành viên của thân thể khích lệ người lân cận mình và bởi sự khích lệ đó mà chúng ta cùng nhau lớn lên.

Câu Kinh Thánh của chúng ta có nói đến một sự kêu gọi, "khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần". Trước đây khi học câu 7, chúng ta có nói rằng ân điển được ban cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ và từng người trong chúng ta được ban cho ân tứ để được Đức Chúa Trời sử dụng hầu nuôi dưỡng hội thánh. Chúng ta khích lệ nhau. Công việc đòi hỏi từng phần trong cơ thể. Câu Kinh Thánh hôm nay nói "tùy lượng sức mạnh của từng phần". Không có một tế bào nào trong cơ thể sống tách riêng một cách vô ích thừa thãi. Mọi phần trong thân thể Đấng Christ, mọi thành viên trong hội thánh Trinity Orthodox Presbyterian tại đây đều phải được Chúa sử dụng để khích lệ và sử dụng ân tứ của họ cho sự phát triển vương quốc Đức Chúa Trời. Không ai được ngồi thong dong trên những hàng băng trong nhà thờ mà nói rằng "Tôi không có việc gì phải làm cho hội thánh này. Tôi không có trách nhiệm gì để được Chúa sử dụng". Câu 7 cho chúng ta thấy rằng mỗi một người đều đã được ban cho ân điển. Mọi người đều được kêu gọi sử dụng những ân tứ của mình nhằm đóng góp cho sự thạnh vượng của hội thánh. Thế thì hôm nay khi nghĩ về điều này, chúng ta rất cần suy gẫm về những ân tứ mà Đức Chúa Trời đã ban cho mình để đóng góp vào sự sống của hội thánh. Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn hầu việc như thế nào? Vị trí của bạn trong thân thể là gì? Bạn đang gây dựng người lân cận mình như thế nào? Bạn có vai trò gì trong thân thể Đấng Christ? Chúng ta thấy rằng mỗi chúng ta có mặt ở đây vì một mục đích. Chúng ta rất cần nắm bắt được mục đích đó là gì. Chức năng của chúng ta trong thân thể Đấng Christ là gì?

Tôi muốn nhấn mạnh điều này khi nghĩ về mục đích của chúng ta trong hội thánh Chúa. Đôi khi chúng ta hay có khuynh hướng rằng chúng ta chỉ có mục đích trong hội thánh Đấng Christ nếu chúng ta có trách nhiệm lãnh đạo hay làm điều gì đó đặc biệt không ai làm được. Chúng ta thấy rằng điều này là không đúng. Đức Chúa Trời dùng chúng ta trong nhiều cách khác nhau. Có thể quí vị có ơn khích lệ người khác khi có ai đó nãn lòng, có thể chỉ là chia sẻ giúp cho một người anh em không hiểu được một đoạn Kinh Thánh chẳng hạn, có thể là tham dự những buổi học Kinh Thánh và đóng góp ý kiến giúp người khác tiến lên trong sự hiểu biết về Tin Lành của Đấng Christ, có thể là cầu thay cho nhu cầu các tín hữu ngay trong phòng riêng mình. Không có một giới hạn tuổi tác nào cho việc đó cả: một em bé hay một người cao tuổi cũng luôn cầu thay được. Thế thì chúng ta thấy có rất nhiều cách chúng ta có thể được kêu gọi để phục vụ Đấng Christ trong thân thể Ngài.

Vậy mục đích của thân thể là gì? Mục tiêu mà Đức Chúa Trời đặt ra cho chúng ta trong câu Kinh Thánh này là gì? Ấy là chúng ta "tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương" Chúng ta thấy rằng khi chúng ta sử dụng những ân tứ của mình tại hội thánh, mục tiêu của nó là để khích lệ sự tăng trưởng của thân thể. Xem ngược về thượng văn câu Kinh Thánh này, chúng ta thấy rằng sự tăng trưởng trong câu 14 và sự trưởng thành trong câu 13 nói đến sự lớn lên về tâm linh, nghĩa là chúng ta tiếp tục lớn lên trong sự hiểu biết Đấng Christ và Đức Chúa Trời, cho đến chừng chúng ta đạt đến sự trưởng thành tâm linh trong Đấng Christ, phản chiếu trọn vẹn ảnh tượng của Ngài. Tôi tin rằng sự lớn lên tại đây chính yếu là nói đến sự lớn lên về tâm linh, một sự trưởng thành đưa chúng ta đến chỗ được nên giống như hội thánh trên trời một cách trọn vẹn và hội thánh trên trời tất nhiên là sự phản chiếu trọn vẹn ảnh tượng của Đấng Christ. Tôi tin rằng sự lớn lên này không chỉ là như thế mà thôi dù rằng ý chính vẫn là sự lớn lên tâm linh. Tuy nhiên nó không loại bỏ khía cạnh mang người khác vào ràng chiên của hội thánh hầu họ cũng trở thành chi thể trong thân thể Đấng Christ hầu cho có sự tăng trưởng không chỉ trong vòng chúng ta mà giữa vòng những người khác được tiếp nhận vào hội thánh, được trở nên một phần của thân thể Ngài. Chúng ta thấy theo như sự dạy dỗ Đấng Christ là Đầu chúng ta, trách nhiệm của hội thánh là gây dựng lẫn nhau, khích lệ nhau trong đức tin. Chúng ta đều cần những điều đó trong sự sống của hội thánh. Dĩ nhiên những điều này phải được thực hiện trong tinh thần yêu thương nhau. Khi phải sửa sai hay bẻ trách, khích lệ, chia sẻ Tin Lành, ao ước của chúng ta là muốn thấy người khác được dự phần trong tình yêu thương của Đấng Christ và sự cứu chuộc tội lỗi mình. Chúng ta phải lấy tình yêu thương mà nói ra, theo như bài học lần trước của chúng ta. Chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật và chúng ta làm điều đó với ao ước rằng họ sẽ được gây dựng và khích lệ trong đức tin trong Đấng Christ.

Hôm nay khi cùng học đoạn Kinh Thánh này, tôi muốn truyền đạt tới quý vị Lời Đức Chúa Trời rằng quý vị là thân thể Đấng Christ. Chúng ta không chỉ là một sự tập họp của những cá nhân sống trong thế gian này, tách biệt không liên can gì với nhau ngoài ra việc nhóm họp nhau vào ngày Chúa Nhật. Không, chúng ta là một thân thể của Đấng Christ, hiệp một thành một thân. Chúng ta có sự hiệp một chung quanh Tin Lành của Chúa Giêxu Christ và Đấng Christ là Đầu chúng ta. Chúng ta, là hội thánh, là thân thể Đấng Christ, phải làm theo Ngài và ý muốn Ngài với ước muốn tối hậu là mang vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Một lần nữa, con cầu xin Ngài cho chúng con hiểu được vai trò của chúng con trong hội thánh của Đấng Christ, rằng chúng con là một phần của thân thể Đấng Christ, chúng con đã được ban ơn hầu có thể gây dựng nhau trong tình yêu thương và khích lệ sự tăng trưởng của dân sự Ngài. Chúng con cũng cầu xin Ngài cho hội thánh được lớn lên trong sự hiểu biết về Ngài và về Tin Lành Ngài. Cầu xin Ngài cho hội thánh Ngài lớn lên khi người khác được thêm vào ràng của hội thánh. Cầu xin Ngài cho hội thánh được bước đi nhịp nhàng với Đầu chúng con là Đấng Christ hầu chúng con sẽ ăn ở trong sự vâng phục trung tín và không bao giờ chống nghịch lại ý muốn của Đầu chúng con. Chúng con ca ngợi Ngài vì Ngài là nguồn sự sống chúng con và chúng con được nuôi dưỡng trong Ngài. Cầu xin Ngài cho chúng con cứ khích lệ nhau trong thân thể Ngài, hiệp một nhau chung quanh một mục tiêu hầu Ngài sẽ được mọi sự vinh hiển dâng lên từ lòng chúng con. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)