Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Mục Tiêu Chính Của Chúng Ta - 6/2001  


Mục Tiêu Chính Của Chúng Ta
(Ê-phê-sô 1:12)

"Hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi khen."

Kính thưa Hội thánh trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Câu hỏi số một trong những câu hỏi đáp của bản xưng nhận tín lý Westminster Confession of Faith, câu hỏi mà tất cả chúng ta đều khắc ghi trong tâm khảm là "Mục tiêu chính của con người là gì?". Câu trả lời rất rõ ràng, "Mục tiêu chính của con người là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và vui thỏa trong Ngài mãi mãi". Thật vậy khi chúng ta xem xét câu trả lời nầy trong bản xưng nhận tín lý đó, chúng ta sẽ thấy lẽ thật nầy được tìm thấy từ trong Thánh Kinh. Đặc biệt khi đọc Thi thiên, chúng ta thấy sách nầy lặp đi lặp lại nhiều lần lời kêu gọi chúng ta phải thờ phượng và ngợi khen Đức Chúa Trời toàn năng.

Từ thuở khai sinh của con người trong vườn Ê-đen, như trong sách Sáng-thế-ký chép, con người được dựng nên với mục đích đem lại vinh hiển cho Đấng Tạo hóa. Đức Chúa Trời dựng nên con người là tốt lành để quy vinh hiển danh Ngài. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hết trong lời ngợi khen phát ra từ môi miệng của con người, là vật thọ tạo đặc biệt của Ngài và sự vinh hiển Ngài còn đến đời đời. Đặc biệt ngay cả tại ngôi của Chiên Con như chúng ta thấy trong sách Khải huyền khi đám đông quây quần xung quanh ngôi Chúa Cứu Thế và hát với nhau, "Chiên Con đã chịu giết đáng được quyền phép, giàu có, khôn ngoan, năng lực, tôn quí, vinh hiển và ngợi khen!". Sự vinh hiển cứ được dâng lên không thôi cho Đấng đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi.

Khi nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta thấy khái niệm về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời nhận được từ sự tôn vinh của con người điểm chủ yếu là bởi sự cứu rỗi mà chúng ta được ban cho qua Chúa Cứu Thế. Đức Chúa Trời được vinh hiển bởi chúng ta do nơi sự cứu rỗi mà Ngài ban cho chúng ta trong Chúa Giê-xu. Chính là trong sự cứu rỗi của dân Ngài mà sự vinh hiển Ngài được con người nhìn thấy rõ ràng hơn hết. Sự ngợi khen tột đỉnh của dân sự Chúa là kết quả của sự cứu rỗi của dân sự Ngài. Dân sự Ngài dâng vinh hiển cho Ngài không chỉ trong hiện tại mà còn trong cõi tương lai nữa. Sự cứu rỗi con người là đề tài chính trong câu 3-14 của đoạn thứ nhất nầy của sách Ê-phê-sô.

Chúng ta đã đọc qua nhiều câu và cho đến thời điểm nầy chúng ta đã thấy có một điều lặp đi lặp lại, đó là ý định của chúng ta là muốn nhấn mạnh vào quyền tối cao của Đức Chúa Trời trong kế hoạch cứu rỗi. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta xem phần Kinh Thánh nầy trong sự chiêm ngưỡng ân điển Ngài. Phần Kinh Thánh này nhiều lần kêu gọi chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời và dâng vinh hiển cho Ngài. Câu 6, "để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!", câu 12, "hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Đấng Christ trước nhứt mà được ngợi khen.", câu 14, "Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài.".

Lần nữa, rồi lần nữa, phần Kinh Thánh nầy kêu gọi chúng ta nhìn nhận sự vinh hiển của Đức Chúa Trời tỏ ra trong sự cứu rỗi của chúng ta để chúng ta dâng lên Đức Chúa Trời sự tôn kính, vinh hiển xứng đáng cho danh Ngài và cũng là kết quả của ân điển Ngài. Hôm nay chúng ta sẽ suy nghĩ về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong sự cứu chuộc của chúng ta và sự cứu chuộc đó khiến chúng ta phải đáp lại bằng lời ngợi khen. Hôm nay tôi muốn tập trung vào ba điểm đặc biệt: 1. AI là người được nói đến trong câu nầy? 2. TẠI SAO chúng ta phải dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời? 3. Chúng ta sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời về sự vinh hiển của ân điển Ngài như THẾ NÀO?

Có nhiều ý kiến tranh luận trong câu hỏi AI, đặc biệt là chữ AI. Ai là người được nói đến ở đây? Ai là người trước nhứt trông cậy trong Đấng Christ? Trong lịch sử Hội thánh, có nhiều ý kiến tranh luận về ý nghĩa câu nầy liên quan đến đối tượng được đề cập ở đây. Vài ý kiến tranh luận đặc biệt xoay quanh chữ "chúng ta". Ai là người được nói đến? Ai là người trước nhứt trông cậy? Câu hỏi trở nên phức hợp khi trong câu 13 và 14 đại danh từ "chúng ta" lại đổi thành chữ "anh em". Vì sự khác biệt nầy nên nhiều người cố gợi ý rằng có hai nhóm người khác nhau được nói đến ở đây, chữ "chúng ta" nói đến một nhóm người, còn chữ "anh em" nói đến một nhóm người khác. Một đề nghị phổ biến nhất cho rằng "những người trước nhứt trông cậy" trong câu 12 là nói đến dân tộc Y-sơ-ra-ên, còn chữ "anh em" mà Phao-lô nói là chỉ về người ngoại bang ở Ê-phê-sô.

Đối với tôi, tôi nhận thấy sự phân biệt như thế là mâu thuẫn với phần còn lại của phần Kinh Thánh. Chữ "chúng ta" không chỉ đề cập đến đặc biệt một nhóm người nào, Giu-đa hay dân ngoại, mà đề cập đến tất cả những tín hữu. Để giữ sự hài hòa cho phần còn lại của phần Kinh Thánh nầy, tôi tin rằng chúng ta phải giải thích chữ nầy là bao gồm tất cả những ai tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giêxu. Nếu chúng ta giải thích theo cách khác thì cách giải thích đó sẽ không nhất quán với chữ "chúng ta" được dùng ở những chỗ khác. Chữ nầy bao gồm tất cả những tín hữu, tôi nghĩ điều nầy cũng rất quan trọng bởi vì chúng ta phải hiểu rằng, không chỉ người Giu-đa mới ngợi khen sự vinh hiển Ngài nhưng rõ ràng tất cả chúng ta đều được bao gồm trong lời kêu gọi đến sự ngợi khen. Người Giu-đa không bị loại trừ trong việc nhận lãnh Đức Thánh Linh trong câu 13 và 14. Cũng thế, chữ "anh em" ở đó nói đến tất cả những tín hữu, cả người Giu-đa lẫn dân ngoại. Khi phân biệt hai chữ nầy chỉ dẫn đến việc hiểu lầm phần Kinh Thánh nầy mà thôi. Vì thế, khi xem phần Kinh Thánh nầy chúng ta phải hiểu tất cả chúng ta, đối tượng được đề cập đến, là hết thảy những ai tin cậy và đặt đức tin mình nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Câu nầy nói đến tất cả những người có cùng chung một lẽ thật.

Câu hỏi thứ hai mà chúng ta phải nêu lên đó là: TẠI SAO? Tại sao chúng ta phải ngợi khen Đức Chúa Trời về sự vinh hiển Ngài? Tôi nghĩ tự câu này là câu trả lời rõ ràng. Chúng ta tôn vinh Ngài trong ân điển mà Ngài bày tỏ ra cho chúng ta trong câu trước. Khi học qua phần Kinh Thánh nầy chúng ta đã thấy sự lạ lùng trong ân điển của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra. Câu 4, chúng ta hiểu rằng sự cứu rỗi của chúng ta được mua chuộc bởi Chúa Cứu Thế nhưng chúng ta đã được chọn trước khi sáng thế. Đức Chúa Trời chọn chúng ta ra giữa thế gian để làm con cái của Ngài. Chúng ta thấy sự vinh hiển và lạ lùng của ân điển Ngài càng thêm lên trong thực sự rằng chúng ta được nhận làm con nuôi để được làm con bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta được làm người kế tự trong vương quốc và được làm con cái của Đức Chúa Trời.

Sứ đồ Giăng trong 1Giăng đoạn 3 lấy làm lạ và ngạc nhiên kêu lên: "Hãy xem Đức Chúa Cha đã tỏ cho chúng ta sự yêu thương dường nào, mà cho chúng ta được xưng là con cái Đức Chúa Trời". Thực tế, Đức Chúa Trời nhận chúng ta làm con nuôi, chăm sóc, và cung cấp cho chúng ta như con cái Ngài là một lẽ thật vinh hiển tuyệt vời được tỏ ra cho chúng ta trong phần Kinh Thánh nầy. Khi chúng ta nhìn xem thập tự giá, chúng ta thấy rằng chúng ta được mua chuộc bởi một giá rất cao trong Chúa Cứu Thế. Chúng ta được mua bởi huyết của Chúa Cứu Thế. Chúa Giê-xu phải lên thập tự giá, chịu đau đớn, rồi chết dù Ngài không đáng phải chết. Ngài chết trên thập tự giá, chịu khổ và đối diện với sự từ bỏ của Đức Chúa Trời đến nỗi Ngài phải kêu lên: "Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?". Ngài chết thế chỗ cho chúng ta.

Khi học phần Kinh Thánh nầy chúng ta thấy ân điển của Đức Chúa Trời tỏ ra cho chúng ta thêm nữa trong sự tha thứ tội lỗi mà chúng ta có được trong Chúa Cứu Thế. Chúng ta được ban cho sự công bình của Chúa Cứu Thế Giê-xu và được Ngài gánh lấy tội lỗi của chúng ta trên vai Ngài. Chúng ta thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời thêm lên trong sự khải thị mà Ngài ban cho chúng ta trong thực sự rằng Ngài mở mắt chúng ta đặng nhìn thấy lẽ thật cứu rỗi. Nếu Đức Chúa Trời không làm việc trong chúng ta thì lẽ mầu nhiệm của sự cứu rỗi vẫn còn kín giấu. Chỉ khi nào Thánh Linh của Đức Chúa Trời mở mắt của chúng ta thì chúng ta mới hiểu được lẽ thật của sự cứu rỗi.

Sau hết trong Ê-phê-sô đoạn 1 nầy, như chúng ta học trong bài học rồi, là điều vẫn khiến chúng ta phấn khởi về lời hứa của Đức Chúa Trời ban cơ nghiệp cho chúng ta là dân sự của Ngài. Cơ nghiệp đó không gì có thể cất khỏi, cơ nghiệp đó được ban cho những người được Đức Chúa Trời chọn lựa để nhận lãnh những điều nầy. Đây là quà tặng của Đức Chúa Trời và chúng tạo thành sự vinh hiển Ngài được tỏ ra trong sự cứu rỗi mà Ngài ban cho chúng ta. Khi học từ câu 3 đến câu 14 nầy chúng ta thấy Đức Chúa Trời là Đấng ban sự cứu rỗi cho chúng ta. Ngài là Đấng bắt đầu và làm trọn. Ở đây ý muốn nói Đức Chúa Trời làm tất cả mọi sự. Đức Chúa Trời là Đấng ban tất cả những gì cần có hầu cho chúng ta được cứu. Không phải ân điển của Đức Chúa Trời cộng với việc làm của con người để cứu chúng ta. Sự cứu rỗi của chúng ta là ân điển của Đức Chúa Trời, là quà tặng của Ngài. Điều nầy thật rõ ràng và giản dị.

Không có sự ngợi khen nào dành cho con người, không một sự ngợi khen nào ban cho quí vị vì cớ quí vị đã khôn ngoan lựa chọn Đức Chúa Trời. Không! Chính Đức Chúa Trời là Đấng ban cho quí vị đức tin. Đức Chúa Trời thay đổi lòng của quí vị. Chúng ta không thể nói gì để làm phai mờ vinh hiển của Đức Chúa Trời, là vinh hiển về sự cứu rỗi của chúng ta đã được làm trọn bởi ân điển Ngài. Đại ý của cả sách Ê-phê-sô là: "Quyền tối cao của ân điển Đức Chúa Trời giữ vai trò then chốt trong sự cứu rỗi của chúng ta". Đức Chúa Trời là Đấng cứu tội nhân vì tội nhân không có khả năng và bất lực không thể tự cứu mình. Vì vậy khi chúng ta hỏi câu hỏi: Tại sao chúng ta hát ngợi khen Đức Chúa Trời? Tại sao chúng ta hát ngợi khen sự vinh hiển Ngài? Điểm kết luận đó là, chúng ta được cứu bởi ân điển Ngài. Chúng ta được cứu bởi công việc Ngài.

Khi nói đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, chúng ta nói đến công việc Ngài trong sự cứu rỗi, trong sự cứu chuộc, trong sự cung cấp cho chúng ta một cơ nghiệp trên trời với Ngài, là cơ nghiệp không gì có thể lấy mất đi. Chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời về công việc Ngài làm thay cho chúng ta. Là dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta được kêu gọi phải ngợi khen Ngài. Trong phần Kinh Thánh này tất cả chúng ta đã thấy ân điển của Chúa Cứu Thế Giê-xu đã mua lấy sự cứu rỗi cho chúng ta.

Vậy thì, chúng ta sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời về sự vinh hiển của Ngài như THẾ NÀO? Ngợi khen là một phần trong chúng ta, là những người được chuộc của Đức Chúa Trời. Vì chúng ta là dân sự của Đức Chúa Trời, lẽ tự nhiên chúng ta là sự ngợi khen về sự vinh hiển Ngài. Việc chúng ta ở trong gia đình của Đức Chúa Trời tự nó mang vinh hiển cho Đấng đã làm trọn sự cứu rỗi. Thật ra, chỉ trong sự cứu rỗi, chỉ trong việc Ngài lựa chọn một số người cũng làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Ngay cả dù không có sự ngợi khen của chúng ta trong khi thờ phượng, ngay cả không có lời hát ra từ môi miệng của chúng ta thì Đức Chúa Trời vẫn được vinh hiển vì Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời đã chuộc một số người để làm chứng về tình yêu thương, lòng thương xót và lòng trắc ẩn của Ngài. Thật vậy, Đức Chúa Trời chọn ra từ giữa thế gian một số tội nhân, những người chống nghịch lại Ngài để làm chứng về sự vinh hiển Ngài và sự tuyệt vời trong sự cứu rỗi.

Khi nhìn xem cả thế gian, nhìn xem sự phản loạn, chống nghịch của con người, "Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời", "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết" thì Đức Chúa Trời không có trách nhiệm phải cứu bất cứ ai. Nhưng Đức Chúa Trời trong tình yêu thương của Ngài, trong sự thương xót và lòng trắc ẩn Ngài, đã tỏ ra sự vinh hiển Ngài bởi chọn lựa và cứu chuộc một số người để trở thành dân sự Ngài, một số người trở thành con cái Ngài, một số người để sống trong sự hiện diện Ngài trong cõi đời đời. Con cái của Đức Chúa Trời là biểu tượng cho ân điển của Đức Chúa Trời. Bởi vì khi họ được chuộc điều đó bày tỏ ra lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, họ phô bày ra bản tính vĩ đại của Ngài với tình yêu thương tuyệt vời và lòng thương xót của Ngài. Sự đắc thắng của Đức Chúa Trời được tỏ ra trong sự cứu rỗi của dân Ngài.

Chúng ta cũng đã xem thấy sự ngợi khen vinh hiển của Đức Chúa Trời không chỉ hạn chế ở phần thuộc con người chúng ta mà còn được tìm thấy nơi lời ngợi khen của môi miệng chúng ta. Chúng ta được kêu gọi phải ngợi khen Đức Chúa Trời trong Ê-phê-sô đoạn 1 vì đã xem thấy kế hoạch cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã thực hiện. Một khi nhìn thấy được điều nầy thì lời ngợi khen Đức Chúa Trời phải ở trên môi miệng chúng ta. Chúng ta không thể nín lặng. Nếu quí vị thật sự hiểu được sứ điệp về ân điển của Đức Chúa Trời, quí vị sẽ được kêu gọi hát ngợi khen Đức Chúa Trời. Từ sâu tận trong đáy lòng quí vị sẽ khát khao được tán mỹ Đức Chúa Trời bằng những bài hát ngợi khen. Là dân sự của Đức Chúa Trời, một khi đã nếm biết sự nhân từ Ngài về sự cứu chuộc mà chúng ta có được qua huyết của Chúa Cứu Thế, chúng ta chỉ muốn quì gối xuống mà cầu nguyện, để làm chứng về ân điển của Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện, để cảm tạ Ngài về ân điển đó. Nếu chúng ta thật sự hiểu được sự mầu nhiệm trong ý muốn của Đức Chúa Trời được bày tỏ ra trong Thánh Kinh thì làm sao chúng ta có thể không đến đây vào ngày Chúa nhật để thờ phượng Ngài để diễn tả sự vui mừng trong lòng của chúng ta? Khi đã nếm biết được sự nhân từ của Đức Chúa Trời thì làm sao chúng ta có thể ngậm miệng lại mà không ca hát? Chúng ta không thể im lặng được.

Nếu chúng ta được ân điển của Đức Chúa Trời đụng đến, nếu chúng ta hiểu được lẽ thật của phần Kinh Thánh nầy, chúng ta sẽ thờ phượng Đức Chúa Trời bằng hết cả tấm lòng, hết linh hồn, hết trí của mình. Lòng chúng ta sẽ trào dâng một khao khát muốn ngợi khen Đức Chúa Trời toàn năng. Những gì chúng ta làm ở đây không đơn giản chỉ là trên môi miệng, bởi những lời lẽ sáo rỗng. Chúng ta hội họp lại đây không phải vì truyền thống cha mẹ chúng ta để lại mà chúng ta hội họp lại đây vì chúng ta đã xem thấy Chúa Giê-xu và công việc Ngài đã làm trọn. Chúng ta đã nghe Tin lành của Chúa Cứu Thế được bày tỏ ra trong Lời Ngài. Chúng ta đã nếm biết được sự tuyệt vời của sự cứu rỗi trong Chúa Cứu Thế cho nên chúng ta muốn đến đây.

Chúng ta muốn ngợi khen Đức Chúa Trời không chỉ ở đây hay tại nơi học Kinh Thánh mà thôi nhưng mỗi ngày. Mỗi ngày, thưa dân sự của Đức Chúa Trời, chúng ta nên đọc Lời Đức Chúa Trời và suy gẫm về lẽ thật trong lời ấy, về sự cứu rỗi mà chúng ta có được trong Chúa Cứu Thế. Làm như vậy lòng quí vị sẽ tràn đầy sự yêu mến đối với Đấng tạo nên chúng ta, và để đáp lại sự cứu rỗi Ngài, chúng ta sẽ ngợi khen Ngài bằng sự cầu nguyện. Mỗi ngày chúng ta nên quì gối cảm tạ Chúa về sự cứu rỗi của chúng ta. Mỗi ngày, lời ngợi khen nên ở trên môi chúng ta. Chúng ta không đợi đến ngày Chúa nhật để đến đây, nhưng mỗi ngày chúng ta cần phải cảm tạ Chúa. Chúng ta hiểu rằng sự chúng ta thờ phượng Chúa tại đây phản ảnh sự thờ phượng khi chúng ta sống với Ngài trên thiên đàng. Ở nơi đó, cùng với các thánh đồ đã đến trước, chúng ta cùng nhau hát ngợi khen: "Chúc cho Đấng ngồi trên ngôi cùng Chiên Con được ngợi khen, tôn quí vinh hiển và quyền phép cho đến đời đời!", "Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân!. Chúng ta sẽ không bao giờ thôi ngợi khen Đức Chúa Trời. Ngày và đêm chúng ta hầu việc Ngài. Ngày và đêm chúng ta thờ lạy Ngài.

Sự thờ phượng mà chúng ta có hiện nay là hình ảnh về một sự thờ phượng hoàn hảo mà chúng ta sẽ có khi chúng ta đứng trước sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Chúng ta không nên nghĩ rằng sự ngợi khen Chúa chỉ bao gồm sự hát ngợi khen và cầu nguyện với Đức Chúa Trời mà chúng ta còn phải nghĩ đến cách sống của chúng ta. Chúng ta mang vinh hiển cho Đức Chúa Trời không chỉ trong những gì chúng ta nói nhưng cũng trong cách mà chúng ta làm nữa. Kinh Thánh dạy chúng ta, "Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm" (1Cô-rinh-tô 10:31). Mỗi khía cạnh trong đời sống của chúng ta từ lúc chúng ta thức dậy vào buổi sáng cho đến khi lên giường ngủ vào buổi tối đều được làm trong sự hầu việc và vinh hiển của Đức Chúa Trời. Cả đời sống chúng ta, cách sống của chúng ta đều nhằm mục đích ngợi khen Đức Chúa Trời. Tất cả mọi thứ, từ phim ảnh mà chúng ta xem, nhạc chúng ta nghe, quan hệ bạn bè của chúng ta, lời ăn tiếng nói của chúng ta với cha mẹ, với anh chị em... Nếu chúng ta sống một đời sống không tôn kính Đức Chúa Trời thì làm sao chúng ta có thể nói đời sống ấy là một của lễ sống và thánh đẹp lòng Đức Chúa Trời, dâng sự vinh hiển cho Ngài như Ngài đáng phải nhận lãnh?

Chúng ta thấy đó, cách sống của chúng ta mang vinh hiển cho Chúa rất rõ ràng vì vậy khi chúng ta được kêu gọi phải ngợi khen Chúa về sự cứu rỗi mà chúng ta có được trong Chúa Cứu Thế, chúng ta nên suy nghĩ đến việc vâng phục và hầu việc Ngài. Mỗi ngày và mỗi giờ trong đời sống, chúng ta cố gắng trong sự giúp đỡ của Thánh Linh để làm mọi việc vì vinh hiển Ngài. Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, khi xem phần Kinh Thánh trong Ê-phê-sô đoạn 1 nầy, tôi cầu xin rằng quí vị sẽ thấy được ân điển và vinh hiển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Trời là Đấng ban sự cứu rỗi cho quí vị. Ngài là tác giả, Đấng thực hiện và hoàn tất sự cứu rỗi của quí vị. Quí vị không góp một phần nào trong việc đó. Sự cứu rỗi của quí vị quy vinh hiển cho Đức Chúa Trời và hết thảy vinh hiển của sự cứu rỗi của quí vị đều thuộc về Ngài. Quí vị không được ăn cắp dù chỉ một phần nhỏ sự vinh hiển Ngài. Bởi vì Đức Chúa Trời cứu quí vị từ đầu chí cuối, nếu quí vị là người tin nhận Chúa Cứu Thế. Đức Chúa Trời là Đấng đáng được nhận lãnh tất cả sự vinh hiển và sự ngợi khen vì sự vinh hiển và ân điển Ngài đã bày tỏ ra cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế Giêxu.

Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúa ôi, chúng con đã thấy ân điển Ngài được bày tỏ ra rất rõ ràng trong phần Kinh Thánh nầy. Chúng con đã thấy sự lạ lùng trong sự cứu rỗi, chúng con đã nếm biết được sự nhân từ của Chúa Cứu Thế, chúng con thấy Ngài đã phó mạng sống Ngài cho chúng con.

Chúa ôi, chúng con thấy sự vinh hiển Ngài trong sự cứu rỗi vì trong sự cứu rỗi đó Ngài đã chọn chúng con trước khi sáng thế. Chúng con thấy sự vinh hiển của sự cứu rỗi được bày tỏ ra trong thực sự rằng Ngài đã mở mắt chúng con để hiểu được lẽ mầu nhiệm của sự cứu rỗi. Chúng con thấy sự vinh hiển của sự cứu rỗi trong thực sự rằng chúng con được nhận làm con nuôi, trở thành con trai, con gái của Ngài. Chúng con thấy được sự tuyệt vời của sự cứu rỗi trong cơ nghiệp đang chờ đợi những ai tin nhận Ngài được dành sẵn trên trời cho chúng con.

Chúa ôi, chúng con đã nhìn thấy những điều tuyệt vời nầy và chúng con tin cậy vào lời hứa Ngài đã bày tỏ ra. Chúng con đã thấy sự vinh hiển trong kế hoạch cứu chuộc. Chúa ôi, chúng con đáp lại bằng lời ngợi khen dâng lên cho Ngài. Chúng con ngợi khen Ngài về sự vinh hiển mà Ngài đã tỏ ra trong sự cứu rỗi của chúng con. Ngài đã ban cho chúng con mọi sự chúng con cần để được cứu.

Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con hiểu được lẽ thật nầy để chúng con cúi xuống trước Ngài, kính sợ Ngài, không chỉ khi chúng con tụ họp lại đây, là một cộng đồng của những người tin nhận Ngài, nhưng Chúa ôi, đặc biệt hơn nữa, khi chúng con lìa chỗ nầy và sống cuộc đời mình trong tuần tới, nguyện xin lời ngợi khen Ngài luôn ở trên môi miệng chúng con. Không chỉ bằng lời nói của chúng con, không chỉ trong lời cầu nguyện, hay bài hát nhưng cũng trong cách sống của chúng con. Chúa ôi, xin cho mỗi một đời sống của chúng con đều mang vinh hiển và tôn quí đến cho Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Cứu Thế Giê-xu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)