Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Êphêsô > Tăng Trưởng - 9/2003  


TĂNG TRƯỞNG
(Êphêsô 4:15)

Tháng Chín 2003

"Nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ."

Kính thưa hội thánh yêu dấu trong Cứu Chúa Giêxu Christ. Chúng ta đã để mấy tuần qua xem xét vai trò của những người mang chức vụ trong câu 11, chức vụ sứ đồ, tiên tri, thầy giảng, mục sư và giáo sư. Chúng ta đã học hỏi về những chức vụ còn tiếp tục của hội thánh Cơ Đốc. Chúng ta đã thấy rằng Đấng Christ đã ban cho hội thánh những con người như thế hầu cho thân thể được tăng trưởng về tâm linh. Sự tăng trưởng tâm linh bao hàm sự lớn lên trong sự hiểu biết về ân điển Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Sự tăng trưởng tâm linh dẫn đến sự ăn năn, đức tin và sự vâng phục có giao ước với Đấng Christ.

Nếu đọc kỷ chúng ta sẽ thấy mục tiêu đặt trước chúng ta là sự trọn vẹn. Mục tiêu của chức vụ họ là sự trọn vẹn. Trọn vẹn trong sự hiểu biết, trong sự hiệp một trong đức tin nơi Đấng Christ hầu hội thánh có thể được nên thánh, trọn vẹn trong đời sống, để chúng ta có thể là những người bắt chước Đấng Christ. Đây là mục tiêu của chức vụ, mục tiêu của những người mang chức vụ này, dù mục tiêu đó có thể còn chưa đạt được khi chúng ta còn ở trên đất này, thế nhưng, đó vẫn là mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Ấy là điều hội thánh Cơ Đốc phấn đấu đạt đến hầu chúng ta có thể là một dân tộc thiên thượng ngay trong hiện tại. Mục tiêu này có thể ít nhiều là lý tưởng vì chúng ta thảy đều nhận thức rõ tình trạng tội lỗi của mình. Mục tiêu của hội thánh là thế nhưng tội lỗi thường ảnh hưởng trên sự hiểu biết của chúng ta. Sự kiêu ngạo của chúng ta đôi khi cũng từ chối sự sửa dạy của người khác. Sự biếng nhác của chúng ta khiến chúng ta không học hỏi Lời Chúa cách chuyên cần hay chịu khó tìm tòi lẽ thật. Tuy nhiên, hy vọng và ao ước của chúng ta cho Đức Chúa Trời và hội thánh Ngài là được hiệp một trong tín lý và trong sự trọn vẹn của đời sống Cơ Đốc. Sự giảng dạy Lời Chúa nhắm vào mục tiêu là thúc đẩy sự hiệp một và tăng trưởng đó, là sự tăng trưởng trong lẽ thật của Tin Lành hầu chúng ta không còn bị day động như gió hay sóng biển hoặc bởi những tín lý và Tin Lành lầm lạc nhưng hội thánh Chúa chúng ta phải đứng vững trong Tin Lành, ấy chính là mục tiêu của chúng ta.

Khi nhìn vấn đề theo ánh sáng này, chúng ta thấy rằng mọi cuộc tranh luận về thần học đều có một mục tiêu là thống nhất nhiều hơn trong lẽ thật hầu chúng ta có thể phản ánh lẽ thật của Đức Chúa Trời một cách rõ ràng hơn cho thế gian. Mục tiêu của sự khải đạo, sửa trị, bẻ trách của chúng ta là để khích lệ người khác được trở nên giống Đấng Christ hơn, hầu chúng ta ngày càng giống một dân tộc thiên thượng như Chúa kêu gọi chúng ta vậy. Tôi tin rằng đây chính là điều mà phần Kinh Thánh trong Êphêsô đoạn 4 tại đây muốn nói đến, nghĩa là, hội thánh Đấng Christ chúng ta khi lắng nghe sự rao giảng Tin Lành cách trung tín có thể phản chiếu càng nhiều hơn ảnh tượng của thiên đàng.

Trọng tâm của phần Kinh Thánh chúng ta là phần tiếp theo của chủ đề này: nó nói đến vấn đề thế nào lẽ thật này, sự hiểu biết này, nhiệm vụ này phải được hoàn tất. Vì thế hôm nay tôi muốn chúng ta xem xét hai điểm: Trước tiên, tôi muốn xem việc "lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật" nghĩa là gì, thứ hai, tôi muốn xem ý nghĩa của việc "được thêm lên trong Đấng Christ".

Điều đầu tiên chúng ta nhận thấy trong phần Kinh Thánh hôm nay là cụm từ đầu tiên, rằng chúng ta được kêu gọi "lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật". Lẽ thật phải được truyền đạt với tinh thần và thái độ yêu thương. Thế nhưng nhiều lần câu này được sử dụng để biện minh cho sự hòa hợp những khác biệt. Một số người cho rằng tất cả những mối bất hòa đều là thiếu tình yêu thương là ngăn trở sự hiệp một của thân thể. Vì thế khi một số người xem phần Kinh Thánh này, "lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật", họ tin rằng Kinh Thánh dạy chúng ta phải im lặng, rằng chúng ta phải sống với nhau trong tình yêu thương, cố vượt qua những khác biệt, làm ngơ như chúng chẳng tồn tại. Thế nhưng nếu xem xét phần Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ thấy rõ ràng điều đó ngược hẳn với tinh thần của Kinh Thánh tại đây. Điều đó khước từ rằng lẽ thật có thể được nói ra bằng tình yêu thương. Về căn bản nó bỏ mất phần sau của câu Kinh Thánh, nó nói đến tình yêu thương nhưng lại khước từ lẽ chơn thật. Đôi khi chúng ta thấy rằng tình yêu thương đòi hỏi chúng ta phải đối diện và sửa sai một cách can đảm.

Một trường hợp chúng ta có thể thấy là đối với những người bị vướng vào tội nghiện rượu. Thay vì cứ để họ đắm chìm trong tội lỗi đó, chúng ta cần nhận diện vấn đề, đối diện với họ và muốn họ nhận ra tội lỗi của mình. Nhưng chúng ta không thể chỉ chăm chú vào tội lỗi của người đó vì chính chúng ta đôi khi cũng cần được đối diện trong tình yêu thương và sửa dạy bởi lẽ thật của Lời Chúa. Chúng ta không thể yêu thương bất chấp lẽ thật. Phần Kinh Thánh của chúng ta chỉ ra rằng tình yêu thương và lẽ thật phải đi song song và đồng công trong sự tăng trưởng của hội thánh. Kinh Thánh dạy chúng ta nói ra lẽ chơn thật nhưng phải nói trong tình yêu thương.

Để làm được điều đó, chúng ta phải tra xét lòng mình. Nhiều khi chúng ta phải tra xét lòng mình khi thảo luận về Tin Lành với người khác. Rất thường xuyên rằng mối quan tâm của chúng ta cho lẽ thật chỉ là vì muốn thắng lý người khác. Rất thường xuyên rằng ao ước truyền đạt lẽ thật của chúng ta thật ích kỷ mà chú tâm vào việc tôn vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Nhiều khi chúng ta muốn cho người khác thấy chúng ta thật thông thái và hiểu biết Kinh Thánh cách sâu rộng. Hay chúng ta muốn người khác cùng bắt tay với chúng ta trong một chương trình hay vấn đề ưa thích nào đó của chúng ta, để khiến người ta nên giống chúng ta chớ không phải giống với Tin Lành Đấng Christ.

Chúng ta thấy rằng khi nghĩ đến việc nói ra lẽ chơn thật bằng tình yêu thương, chúng ta phải nghĩ đến nhu cầu của người anh em mà chúng ta đang nói với. Tôi cho rằng lấy tình yêu thương nói ra lẽ chơn thật bao gồm hai điều: trước tiên, nó bao gồm việc nói ra lẽ chơn thật trong tình yêu thương đối với Chúa chúng ta, rằng chúng ta nói ra lẽ chơn thật là vì chúng ta yêu mến Chúa, và ao ước của chúng ta là khi chúng ta nói ra lẽ chơn thật trong sự chia sẻ Tin Lành của Đấng Christ, chúng ta có thể tôn vinh hiển cho Ngài. Nói ra lẽ chơn thật trong tình yêu thương đặt trọng tâm nơi tình yêu đối với Chúa và một ao ước tôn vinh hiển danh Ngài chớ không phải là chúng ta. Nói ra lẽ chơn thật không bao giờ được thực hiện cách ích kỷ mà phải vì Chúa mà thôi.

Thế nhưng nói ra lẽ chơn thật không chỉ bởi tình yêu với Chúa mà còn vì tình yêu đối với người lân cận mình. Là những tín hữu chân thật của Đấng Christ, ao ước của chúng ta là làm cho tấn tới sự nghiệp của Phúc Âm để khiến đời sống chúng ta càng ngày càng giống Đấng Christ hơn. Nói ra lẽ chơn thật trong tình yêu thương bao gồm tấm lòng quan tâm tới tình trạng và hiểu biết của người lân cận mình. Nói ra lẽ chơn thật cũng bao gồm việc nói ra sự thật nữa. Tôi hiểu nói như vậy nghe có vẻ thừa tuy nhiên điều này rất quan trọng. Khi chúng ta lấy tình yêu thương nói ra lẽ chơn thật, khi chúng ta lấy tình yêu thương mà nói, chúng ta không tránh né sự thật. Và khi nói ra lẽ chơn thật, chúng ta phải hiểu được sự thật đó là gì. Khi chúng ta lấy tình yêu thương nói ra lẽ chơn thật, chúng ta không được nói cách không hiểu biết mà phải có nền tảng nơi Kinh Thánh hầu cho những gì chúng ta nói về Tin Lành Đấng Christ và Kinh Thánh không dựa trên ý riêng hay chương trình riêng của chúng ta nhưng đặt nền trên thẩm quyền của Kinh Thánh. Lẽ thật được tìm thấy tại đây chớ không phải tại nơi chúng ta hay ý kiến riêng của chúng ta. Vì thế khi chúng ta lấy tình yêu thương nói ra lẽ chơn thật, chúng ta phải cẩn thận để biết chắc rằng những gì chúng ta đang nói đó là lẽ thật.

Khi chúng ta nói ra lẽ thật, chúng ta phải nói ra trong sự mềm mại và tôn trọng. Kinh Thánh nói rõ ràng về điều đó khi chúng ta trò chuyện với những người chưa tin. Trong 1Phierơ 3:15, "nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hoà và kính sợ, phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành." Chúng ta thấy rằng khi chúng ta công bố Tin Lành của Đấng Christ, khi chúng ta nói ra lẽ thật cho người lân cận mình, chúng ta phải nói với sự hiền hòa và tôn trọng. Chúng ta không nên nói cách ngạo mạn. Khi xem phần đầu của 1Phierơ đoạn 3, chúng ta sẽ thấy đây cũng là cách một người vợ cư xử với người chồng chưa tin, nghĩa là cư xử một cách mềm mại hầu cho chính mình được tôn trọng trong cách cư xử với chồng. Khi chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, chúng ta phải làm với thái độ tôn trọng với người khác. Chúng ta không cầm Kinh Thánh mà nói như tạt vào mặt người ta. Chúng ta không ra vẻ bề trên như thể chúng ta là quan trọng hơn người khác. Chúng ta không nói ra với thái độ cao ngạo có ý rằng "tôi tốt hơn anh". Nhưng chúng ta phải nói với thái độ khiêm nhường và tin tưởng nơi lẽ thật của Tin Lành.

Khi chúng ta lấy tình yêu thương nói ra lẽ thật, tôi tin rằng chúng ta cũng nói ra với tinh thần sẵn sàng lắng nghe lẽ thật cho chính mình, nhận rằng chính chúng ta cũng là tội nhân, rằng mình có thể cũng cần được sửa sai và sự hiểu biết của chúng ta cũng cần được tăng trưởng. Vì thế chúng ta phải sẵn sàng lắng nghe lẽ thật Tin Lành hầu chúng ta cũng được lớn lên trong sự hiểu biết của mình. Thế thì hội thánh của Đấng Christ đặc biệt là những người được kêu gọi công bố Lời Đức Chúa Trời rất cần phải nói ra lẽ thật, tin vững vàng vào Kinh Thánh và hiểu biết Kinh Thánh nói gì nhưng họ cũng cần nói ra những điều đó bằng tình yêu thương, bằng tình yêu đối với Chúa và đối với người khác để người khác cũng được nên giống như Chúa.

Điều thứ hai cần được chú ý là không chỉ chúng ta phải lấy tình yêu thương nói ra lẽ chơn thật nhưng chúng ta còn được kêu gọi lớn lên trong đời sống Cơ Đốc. Câu 15 nói, "để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ." Hội thánh cần được lớn lên trong Đấng Christ. Ý tưởng này được triển khai dựa trên ý tưởng trong câu 13 và 14 rằng chúng ta có thể lớn lên từ sự hiểu biết và đường lối trẻ con dẫn đến sự lầm lạc. Hội thánh của Đấng Christ phải tiếp tục tăng trưởng đến bậc thành nhân được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ. Câu 14 có nói rằng chúng ta không nên cứ làm con trẻ bởi những con trẻ dễ bị lầm lạc trong đức tin, dễ bị lay động dời đổi. Kinh Thánh kêu gọi chúng ta cứ tăng trưởng luôn trong sự hiểu biết Tin Lành.

Như trước đây tôi có nói, đời sống Cơ Đốc là một đời sống tăng trưởng. Chúng ta phải tăng trưởng không ngừng và không được giậm chân tại chỗ qua nhiều năm tháng. Chúng tôi tin rằng một trong những trách nhiệm của các trưởng lão chúng tôi là đến thăm nhà quý vị mỗi năm để biết xem quý vị có được lớn lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời và sự cứu chuộc của mình, và có được lớn lên trong sự nên thánh hay không. Ấy là một phần rất quan trọng trong công tác của chúng tôi bởi hội thánh không được rơi vào tình trạng ngưng trệ lờ đờ, giậm chân tại chỗ. Kinh Thánh kêu gọi chúng ta cứ tiếp tục lớn lên cùng với thời gian, một sự tăng trưởng trong sự hiểu biết Tin Lành. Chúng ta với tư cách cá nhân cũng như tập thể hội thánh phải học hỏi Lời Chúa luôn luôn hầu lớn lên trong sự hiểu biết về Đức Chúa Trời, về lẽ đạo chân thật theo Kinh Thánh, về những ơn phước mà chúng ta có được trong Đấng Christ.

Thế nhưng chúng ta không nên nhìn thấy sự tăng trưởng chỉ trong phương diện tâm trí. Chúng ta phải nhìn thấy sự tăng trưởng trong sự nên thánh nữa. Cùng với thời gian, chúng ta phải được tăng trưởng trong sự nên thánh và đắc thắng trên tội lỗi. Chúng ta không nên cứ tranh chiến với cùng một tội lỗi mãi hết năm này qua tháng nọ nhưng chúng ta hy vọng được tiến lên khi chúng ta tiếp tục trưởng thành trong đức tin. Nhiều lần chúng ta nhìn thấy sự tăng trưởng nhảy vọt nơi những người mới tin Chúa khi lần đầu tiên được hiểu biết Tin Lành, họ đã bắt đầu tiếp thu. Có lẽ khi họ mới đến hội thánh nghe giảng, họ không hiểu gì và cũng không hiểu được hết sứ điệp nhưng khi họ đến dự nhóm, lắng nghe sự giảng dạy của Tin Lành, họ bắt đầu tiếp thu và hiểu được. Nhưng dường như sau một thời gian chúng ta thường đứng lại không tiếp tục lớn lên trong sự hiểu biết Đấng Christ được.

Chúng ta thấy rằng đời sống Cơ Đốc là một đời sống liên tục tăng trưởng. Chúng ta phải tăng trưởng trong Đấng Christ, một sự tăng trưởng không bao giờ kết thúc vì chúng ta cứ bươn theo sự trọn vẹn của Đấng Christ hầu có thể học theo Ngài. Ai trong chúng ta có thể nói rằng mình đã đạt đến đích? Không ai cả! Chúng ta cứ tiếp tục lớn lên trong sự nên thánh và hiểu biết vì chúng ta được hiệp một với Đấng Christ. Chúng ta được kêu gọi học theo Ngài. Mục tiêu của chúng ta là phản ánh sự công bình của Ngài, trở nên giống như Ngài. Đấng Christ là Đầu của chúng ta và như Đầu hướng dẫn thân thể, chúng ta muốn học theo và làm theo Đầu của mình. Mọi sự tăng trưởng dẫn chúng ta đến Đấng Christ. Ngài là Đấng làm cho chúng ta nên trọn vẹn và cứ khiến chúng ta tăng trưởng luôn. Chúng ta được kêu gọi trở nên giống như Đầu bởi Ngài là Đầu của chúng ta.

Một lần nữa, Kinh Thánh dạy chúng ta rằng sự tăng trưởng này là công việc của Đức Chúa Trời. Trong 1Côrinhtô đoạn 3 câu 6 và 7, Phaolô nói về công việc của Abôlô, "Tôi đã trồng, Abôlô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên." Tại đây muốn nói rằng dù sứ đồ Phaolô và Abôlô được Đức Chúa Trời sử dụng để rao truyền Tin Lành của Đấng Christ, để trung tín hầu việc, nhưng chính Đức Chúa Trời làm cho hội thánh lớn lên. Ấy chính là công việc của Đức Chúa Trời làm cho lớn lên, hầu chúng ta không cứ đứng một chỗ mà có sự tiến triển trong đời sống Cơ Đốc. Ý tưởng đó cũng được nhắc lại trong Côlôse đoạn 2 câu 19 dùng nhiều từ tương tự như Êphêsô đoạn 4, "không liên lạc với đầu, là nhờ đầu đó mà cả thân thể xếp đặt kết hiệp bởi các lắt léo, và được sự sanh trưởng từ Đức Chúa Trời đến." Hội thánh Đức Chúa Trời được Ngài ban cho sự sanh trưởng. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những tôi tớ Ngài để rao giảng và dạy dỗ Lời Ngài nhưng ấy chính Ngài ban cho sự tăng trưởng, chính Ngài làm cho chúng ta lớn lên. Thế thì hội thánh chúng ta phải cầu xin điều đó, cầu xin Chúa tiếp tục cho chúng ta lớn lên hầu chúng ta có thể học theo gương Đấng Christ.

Chúng ta thấy rằng điều này ảnh hưởng rõ ràng cách sống của chúng ta. Trong một mức độ nào đó chúng ta có thể nói rằng sự tăng trưởng mà hội thánh Đấng Christ chúng ta đang kinh nghiệm hay cần phải kinh nghiệm này là một sự tăng trưởng hướng đến ngày cuối cùng. Nó trông đợi sự cuối cùng. Mục tiêu của chúng ta là sự trọn vẹn. Mục tiêu của chúng ta là sự phản ánh trọn vẹn hội thánh trên trời. Trong khi chúng ta còn chưa đạt đến điều đó trên đất này, rõ ràng đó là mục tiêu của chúng ta. Chúng ta bắt chước theo tấm lòng và đời sống Đấng Christ. Đôi khi chúng ta gặp phải trường hợp không biết cách xử lý rõ ràng và người ta đưa ra câu hỏi: Liệu Chúa Giêxu sẽ làm gì trong trường hợp này? Thường khi hỏi câu này sẽ dẫn đến kiểu đạo lý mới hay cố đặt ra những luật lệ mới, đoán xem Chúa Giêxu sẽ làm gì. Tuy nhiên tôi cho rằng chúng ta cũng cần nên suy nghĩ ít nhiều theo hướng đó vì Kinh Thánh kêu gọi chúng ta phải có đồng tâm tình như Đấng Christ, nhìn mọi sự theo cách của Ngài, vâng phục như Ngài. Chúng ta thấy rằng sự tăng trưởng Cơ Đốc bao gồm việc tận dụng những cơ hội để lớn lên hầu được giống như Đấng Christ và học theo Ngài. Và vì thế, theo cách nào đó chúng ta rất cần sống và hành động theo gương Đấng Christ. Sứ đồ Phaolô dạy rằng, "Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy." Tôi tin rằng ở đây ông cũng muốn theo đuổi ý này.

Ý tưởng về sự tăng trưởng Cơ Đốc cũng hàm ý rằng chúng ta có thể sử dụng hết những cơ hội để tăng trưởng. Chúng ta phải sử dụng những ân tứ mà Đức Chúa Trời ban cho hội thánh Ngài hầu khích lệ sự tăng trưởng, hiểu biết và trung tín trong hội thánh. Vì thế chúng ta rất cần đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật để lắng nghe Lời Đức Chúa Trời được rao giảng, để tận dụng những buổi học Kinh Thánh tổ chức ra cho chúng ta, để thảo luận với nhau về Tin Lành hầu chúng ta có thể cứ lớn lên trong sự hiểu biết, để cầu thay cho nhau hầu thân thể của Đấng Christ có thể cùng nhau càng trở nên giống như Cứu Chúa của mình cách trọn vẹn hơn. Một lần nữa, mục tiêu của chúng ta trong mọi điều này là vì tình yêu Đấng Christ và tình yêu anh em hầu nhìn thấy họ cũng được cùng với chúng ta nên thích hiệp như ý muốn Đức Chúa Trời, nghĩa là chúng ta sẽ phản chiếu và bắt chước Đấng Christ. Amen.

Lạy Cha thiên thượng của chúng con. Một lần nữa chúng con cảm tạ Ngài vì cơ hội Ngài cho chúng con được học Lời Ngài. Con cầu xin Chúa cho chúng con có thể lấy tình yêu thương nói ra lẽ chơn thật hầu cho Tin Lành của Đấng Christ được trình bày rõ ràng và những người đang sống trong tội lỗi có thể ý thức rõ ràng thực trạng của mình mà ăn năn tội lỗi và sự chống nghịch của mình. Xin cho chúng con nhận ra rằng việc khích lệ nhau bước đi trong đức tin là một việc làm của tình yêu thương. Con cũng cầu xin Ngài cho chúng con dẹp bỏ sự ích kỷ cùng những ao ước vị kỷ của mình, mà chỉ ước ao mang vinh hiển cho Ngài khi chúng con nói ra lẽ thật.

Lạy Chúa, chúng con cầu xin Chúa cho hội thánh Ngài cứ được tăng trưởng hầu chúng con không là con trẻ bị day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc mà được vững lập trong Lời Kinh Thánh và lẽ thật của Lời Ngài. Chúng con cũng xin Ngài cho đời sống chúng con được bắt chước Cứu Chúa Giêxu Christ của chúng con. Cầu xin Chúa cho chúng con được tấn tới trong sự nên thánh và càng trở nên giống như hình ảnh của Đấng Christ hơn. Xin Chúa đổ đầy Thánh Linh Ngài trên chúng con hầu chúng con có khả năng làm điều đó. Xin Chúa cũng cho chúng con lớn lên trong sự hiểu biết Lời Ngài, cho chúng con không bao giờ mõi mệt trong sự học hỏi Lời Ngài hầu chúng con có thể tìm thấy sự sâu nhiệm của Thánh Kinh, hầu thân thể của Đấng Christ chúng con có thể đạt đến sự hiệp một trong sự hiểu biết Lời Ngài. Xin Ngài giúp chúng con làm một dân tộc thiên thượng. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)