LẮNG NGHE VỊ TIÊN TRI CUỐI CÙNG
"Giăng đã tới, trong đồng vắng vừa làm vừa giảng phép báp-tem ăn năn, cho được tha tội. Cả xứ Giu-đê và hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người, xưng tội mình và chịu người làm phép báp tem dưới sông Giô-đanh. Giăng mặc áo lông lạc đà, buộc dây lưng da ngang hông; ăn những châu chấu và mật ong rừng. Người giảng dạy rằng: Có Đấng quyền phép hơn ta đến sau ta; ta không đáng cúi xuống mở dây giày Ngài. Ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; nhưng Ngài sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh-Linh." (Mác 1:4-8)
GIỚI THIỆU
Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu.
a. Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay chúng ta được giới thiệu về Giăng Báptít. Mặc dù sự giới thiệu về ông cho chúng ta thật ít ỏi và giới hạn, nhưng vai trò của ông trong lịch sử cứu chuộc thì rất quan trọng. Vì vậy cho nên ông xuất hiện trong tất cả bốn sách Phúc âm, ở đó các chi tiết về đời sống và chức vụ của ông được bổ sung vào sự đề cập ngắn gọn ở đây. Mác thì không tường thuật về câu chuyện sinh ra của Giăng như Phúc âm Luca đã ghi lại. Mác cũng không kể chi tiết sứ điệp mà Giăng giảng dạy như Mathiơ đã kể. Hoặc nói một cách hùng biện về tính chất thần học của Giăng Báptít như được tìm thấy trong sách Phúc âm Giăng. Lời giới thiệu của Mác về Giăng thật ngắn ngủi và đơn giản. Mác đề cập ngay đến điểm mà ông muốn nói và nhanh chóng chuyển sang câu chuyện khác. Đó là tính chất của Phúc âm Mác. Một trong những chữ được dùng thường xuyên khi chuyển sang diễn tiến khác trong Phúc âm Mác đó là chữ "tức thì". Đây là câu chuyện kể nhanh từ đầu cho đến cuối.
b. Nhưng sự giới thiệu vắn tắt về Giăng không hàm ý Giăng Báptít là một nhân vật không quan trọng. Thực tế khi chúng ta xem phân đoạn Kinh Thánh nầy thì ngược lại. Giăng đã đóng vai trò then chốt trong lịch sử của sự cứu chuộc. Ông xuất hiện trước khi Đấng Christ đến, thông báo sự đến của Ngài vào trong thế gian là một bước ngoặc quan trọng trong lịch sử. Giăng là người đầu tiên loan báo tin mừng về Phúc âm của Chúa Giêxu Christ, Con Đức Chúa Trời. Ấy là Giăng trước hết làm ứng nghiệm lời tiên tri của các tiên tri thời Cựu ước, đến như là một sứ giả trong đồng vắng dọn đường cho Đấng Christ. Ấy là Giăng Báptít mà tiếng kêu của ông phá tan bốn trăm năm yên lặng thiếu lời tiên tri. Trong đồng vắng, đầy tớ trung thành nầy của Đức Chúa Trời mang sứ điệp của sự cứu rỗi, kêu gọi mọi người đến sự ăn năn trước khi sự đến của Chúa.
c. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Chúng ta có đang lắng nghe không? Chúng ta có đang lắng nghe Mác thuật cho chúng ta về con người mang tên Giăng Báptít không? Chúng ta có đang lắng nghe Giăng Báptít khi ông dọn đường cho Chúa không? Chúng ta có nghe những gì ông kể cho chúng ta về Chúa Giêxu Christ, Con của Đức Chúa Trời không? Hay là Giăng Báptít không hấp dẫn chúng ta? Sứ điệp của ông không cảm động chúng ta phải không? Có phải chúng ta tự mãn để làm ngơ tiếng của sứ giả kêu lên trong đồng vắng?
d. Hôm nay chúng ta muốn lắng nghe tiếng của vị tiên tri là sứ giả của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ làm những việc sau:
1. Trước hết hãy xem Giăng Báptít là ai.
2. Kế đến xem thế nào ông tự tương phản chính ông với Đấng Christ trên hai phương diện.
a. Địa vị của ông tương phản với địa vị của Đấng Christ và
b. Phép báp tem của ông so sánh với phép báp tem của Đấng Christ.
I. THÂN THẾ CỦA GIĂNG BÁPTÍT
A. Chúng ta đã thảo luận về thân thế của Giăng Báptít trong Phúc âm Mác bắt đầu trong kỳ rồi khi chúng ta nghiên cứu câu 2 và 3. Giăng Báptít được mô tả trong những câu nầy như là một người thi hành chức năng báo trước về sự đến của Chúa. Ông được kêu gọi mang lời thông báo trước nầy vào trong thế gian hầu cho thế gian sửa soạn cho sự đến của Chúa sắp đến.
B. Nhưng phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta tiếp tục kể thêm về thân thế của Giăng Báptít, bày tỏ nhiều hơn về ông. Chúng ta đọc phân đoạn nầy rằng Giăng mặc áo bằng lông lạc đà, thắt lưng bằng da. Đồ ăn của ông bao gồm châu chấu và mật ong rừng. Sự mô tả về Giăng ở đây không có ý tuyên bố thời trang hay đề nghị rằng bữa ăn trưa nay của chúng ta được nấu dọn bằng những con châu chấu ngon và mật ong rừng. Đúng hơn những dữ kiện nầy cung cấp cho chúng ta để kể cho chúng ta biết về Giăng là ai. Mác kéo sự chú ý của chúng ta đến đồ ăn và đồ mặc của Giăng tương tự như một tiên tri nổi tiếng khác trong lịch sử của dân Ysơraên - đó là Êli. Chúng ta đọc trong 2Các Vua 1:8 và Xachari 13:4 thấy rằng đây là cách mà các tiên tri của Ysơraên sống. Sứ điệp có thể khó thấy cho chúng ta nhưng sẽ được nhận ra ngay tức thì đối với những người sống trong thời đó. Giăng Báptít là một tiên tri. Là một tiên tri dĩ nhiên có nghĩa là ông đến để truyền cho dân chúng sứ điệp từ chính Đức Chúa Trời. Giăng được sai đến bởi Đức Chúa Trời và lời của ông là lời của Đức Chúa Trời. Dân chúng phải lắng nghe lời ông.
C. Nhưng Giăng Báptít không chỉ là tiên tri bình thường. Sự liên kết của phân đoạn Kinh Thánh nầy với 2Các Vua 1:8 cho thấy ông là một tiên tri giống như Êli. Êli là tiên tri lớn đầu tiên của dân Ysơraên. Giăng là tiên tri cuối cùng. Điểm tương tự của ông với tiên tri Êli cũng được Chúa Giêxu nhấn mạnh sau nầy trong Phúc âm Mác chương 9 cău 13 chỗ mà Ngài nói cho các môn đồ Ngài sau khi Giăng đã bị giết bởi vua Hêrốt, rằng Êli đã đến và họ đãi ông theo ý họ muốn như lời đã được chép về ông. Sự đồng nhất Giăng với Êli rất đầy ý nghĩa bởi vì nó ứng nghiệm lời tiên tri trong Malachi 4:5 và sự mong đợi của dân Giuđa rằng sự đến của Êli xảy ra trước khi sự đến của Đấng Mêsi. Giăng Báptít đến trong tinh thần của Êli. Mục vụ của ông lặp lại mục vụ của Êli. Ông kêu gọi dân sự đến với sự ăn năn và đức tin mạnh mẽ như vị tiên tri tiền bối đã làm. Giăng là vị tiên tri cuối cùng của dân Ysơraên. (Mathiơ 11) Ông là tiên tri cuối cùng thông báo ngày đến của Chúa bởi vì với sự đến của Đấng Christ, ngày đó đã đến rồi. Sự đến của Giăng, trong tinh thần của Êli, là sự ứng nghiệm lời tiên tri. Không giống những tiên tri trước ông, chỉ có vai trò tiên tri của Giăng mới được nói tiên tri trước. Chúng ta có lời tiên tri đã được kiểm chứng.
D. Chức vụ tiên tri của Giăng rất quan trọng. Các tiên tri của Ysơraên có một trách nhiệm quan trọng là nói ra lời của Đức Chúa Trời cho dân sự. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng các tiên tri trong Cựu ước đã được sai đến với dân sự chủ yếu trong những thời kỳ khủng hoảng về thuộc linh. Họ đến để loan báo về sự phán xét của Đức Chúa Trời sắp đến nếu dân Ysơraên từ chối ăn năn tội lỗi và quay khỏi con đường gian ác của họ. Đây cũng là trường hợp của Êli trong sách tiên tri Malachi. Ông đến trước ngày thạnh nộ kinh khủng của Chúa để đem lòng của con dân Đức Chúa Trời trở lại cùng Ngài. Cùng với sự ngăm dọa công chính của Đức Chúa Trời là lời hứa phước hạnh đến với dân còn sót lại mà từ dân đó Đấng Mêsi sẽ đến. Bởi vì Giăng được công nhận là tiên tri của Đức Chúa Trời theo Mác 11:32, người ta có thể hiểu tại sao dân chúng đổ xô vào đồng vắng để ăn năn và chịu phép báp tem. Họ đã hiểu ít nhất một phần nào những ẩn ý trong sự đến của một nhà tiên tri. Họ biết rằng Đức Chúa Trời vui lòng ngự giữa dân sự Ngài và thiết lập vương quốc Ngài bằng sự công chính nhưng họ cũng biết rằng ngày của Chúa thật khủng khiếp cho những kẻ ác là những người ở dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời. Vai trò tiên tri của Giăng là nói cho dân sự biết ngày của Chúa đến trên họ. Chúa Giêxu đến để chuộc dân Ngài nhưng Ngài cũng đến để phán xét những ai không chịu ăn năn mà cứ miệt mài trong tội lỗi.
E. Quí vị có thấy những ẩn ý trong thân thế của Giăng là vị tiên tri cuối cùng không? Ông là người thông báo sự đến của Chúa. Chúng ta phải lắng nghe vị tiên tri nầy. Đấng Mêsi đã đến để thiết lập vương quốc của Ngài. Những ai tin nhận Đấng Christ và ăn năn tội lỗi của mình thì không sợ chi cả. Đối với họ, tội lỗi của họ đã được tha thứ trong Đấng Christ. Sự bảo đảm phước hạnh của Đức Chúa Trời là của họ. Nhưng những ai không lắng nghe lời của vị tiên tri mà cứ miệt mài sống trong tội lỗi là đối tượng cho cơn thạnh nộ của Đấng Christ bởi vì Ngài cũng đến để phán xét kẻ ác. Sự đến của Vua các vua là một sự vui mừng cho những công dân của vương quốc nhưng là sự kinh hãi cho kẻ thù của Ngài. Lời thông báo tiên tri của Giăng là lời không nên coi thường hay làm ngơ.
II. SỰ TƯƠNG PHẢN VỚI ĐẤNG CHRIST
A. Giăng Báptít đã đóng một vai trò thật quan trọng trong lịch sử của sự cứu chuộc, và vai trò tiên tri của ông được chấp nhận một cách rộng rãi trong dân Ysơraên vào thời đó. Những đám dân đông đã đi ra để nghe ông. Sau nầy trong sách Mác chúng ta đọc thấy chính những nhà cầm quyền không dám ám chỉ rằng Giăng không được sai đến bởi Đức Chúa Trời vì họ sợ dân chúng là những người công nhận điều đó. Nhưng bất chấp sự nổi tiếng bên ngoài của ông và sự chấp nhận đầu tiên của dân chúng, Giăng đã không để cảm nghĩ nầy trong đầu của ông. Ông nhận biết địa vị của ông, thân phận của ông là người đến trước Chúa. Ông không mong muốn là tâm điểm của sự chú ý. Sứ điệp của ông là về Đấng Christ và cuộc đời của ông đã được ủy thác để cầm chắc rằng danh Giêxu, không phải tên ông, được tôn cao.
B. Giăng kéo sự chú ý của chúng ta đến với Chúa Giêxu. Người dọn đường đứng qua một bên khỏi Đấng mà ông giới thiệu và ông nhìn nhận điều nầy. Ông nói cho dân sự biết rằng Đấng đang đến vĩ đại hơn ông nhiều. Thực tế không có sự so sánh giữa ông và Chúa Giêxu. Đấng Christ vĩ đại hơn nhiều và là Đấng đáng được tôn kính. Chúa Giêxu vĩ đại hơn. Ngài là Emanuên, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Giăng chỉ là một người bình thường, là một vật thọ tạo không hơn không kém. Chúa Giêxu đến để cứu dân Ngài. Giăng không có quyền năng để cứu. Chúa Giêxu là thẩm phán của thế gian. Giăng không thể phán xét hay thi hành sự phán xét. Giăng có vai trò loan báo về Đấng Mêsi đến. Ông hiểu rằng một khi Ngài đến ông sẽ trở nên nhỏ bởi sự vĩ đại của Đấng mà ông phục vụ. Một khi Vua của các vua bước vào phòng thì các đầy tớ của Ngài mất đi vẻ rực rỡ của họ. Họ giống như những vì sao vào ban ngày mà ánh sáng bị che lấp bởi ánh sáng của mặt trời.
C. Giăng không bao giờ quên vai trò và thân phận của ông trước Đấng Christ. Chúa Giêxu là Đấng vĩ đại. Giăng chỉ là một đầy tớ hèn mọn - nô lệ của Ngài. Giăng là một môn đồ của Chúa Giêxu và đầy tớ thì không lớn hơn chủ. Giăng không xứng đáng ngay cả việc mở dây giày của Chúa Giêxu. Hình ảnh mà Giăng dùng ở đây mô tả một nô lệ thấp nhất. Đó là một công việc nhục nhã dành cho những người có vị thế thấp nhất trong xã hội. Những nô lệ, là những người không có địa vị, bị để lại để lấy những đôi giày dơ bẩn, hôi hám của chủ và khách rồi rửa chân cho họ. Đây là vai trò thấp nhất trong mọi vai trò, nhưng là một vai trò quá cao cho Giăng đứng trước sự hiện diện của Đấng Christ. Có câu nói thời xưa rằng một môn đệ là người đi theo người khác và được đòi hỏi phải vâng lời thầy mình trong mọi việc nhưng không bị đòi hỏi phải mở giày của thầy mình. Đây là vai trò của một nô lệ. Giăng nói cho chúng ta rằng thân phận của ông trước Đấng Christ còn thấp hơn một người nô lệ. Sự vĩ đại của Chúa Giêxu lộng lẫy hơn thân phận của Giăng nhiều. Ông kéo sự chú ý của quần chúng khỏi ông để hướng về Đấng đang đến. Hãy nhìn xem Chúa Giêxu. Ngài là Đấng mang đến sự cứu rỗi. Ngài sẽ khiến quí vị hòa thuận lại cùng Đức Chúa Trời.
D. Thái độ của Giăng trong khúc Kinh Thánh của chúng ta là một sự biểu lộ của một môn đồ thật và cũng là đại ý trong sách Phúc âm nầy. Chúng ta được cho thấy chúng ta phải sống thế nào khi làm môn đồ của Chúa Giêxu Christ, Con của Đức Chúa Trời. Dẫu sao, chúng ta cũng đừng quên một điểm quan trọng, đó là, vai trò môn đồ của Giăng đơn giản làm theo gương của chính Đức Chúa Giêxu. Chúa Giêxu là một môn đồ tuyệt vời. Ngài là Đấng đã đến để phục vụ. Thí dụ điển hình nhất được thấy trong thực tế rằng chính Chúa Giêxu mở dây giày và rửa chân cho các môn đồ của Ngài. Ngài trở nên một đầy tớ, thấp hơn hết trong các nô lệ để phục vụ dân Ngài. Trong Philíp đoạn 2 chúng ta được cho biết Ngài hạ mình xuống, tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ, dù Ngài là Đức Chúa Trời đành mang lấy xác thịt con người tự hạ mình xuống ngay cả chết trên cây thập tự. Đấng mà Giăng không xứng đáng để mở dây giày, lại đi cởi giày của Giăng và các môn đồ của Giăng rồi rửa chân cho họ. Chúa Giêxu, cao cả hơn Giăng, vua lớn trên toàn trái đất lại là một đầy tớ hèn mọn của dân Ngài. Ngài đem chúng ta lên các nơi thiên đàng.
E. Đặc tính của môn đồ thật được nhìn thấy qua sự khiêm nhường và một tự nguyện phục vụ. Nó được minh họa hay nhất trong sự phục vụ của Đấng Christ là Đấng không chỉ rửa chân mà rửa luôn sự dơ bẩn của tấm lòng chúng ta khi Ngài phục vụ nhu cầu của dân Ngài. Như Đấng Christ đã phục vụ, chúng ta cũng được kêu gọi để phục vụ Đấng Christ, tôn cao danh Ngài chớ không phải danh của chúng ta. Chúng ta không làm cho mình nổi danh. Giống như Giăng, chúng ta không xứng đáng mở dây giày của chân của Đấng Christ. Ngài phi thường và vĩ đại hơn chúng ta. Phúc âm không phải về chúng ta nhưng về Đấng Christ. Chúng ta phục vụ Ngài và tôn cao danh Ngài. Cái nhìn nầy về vai trò của môn đồ thường bị đánh mất trong hội thánh. Chúng ta mong đợi được phục vụ chớ không phục vụ. Chúng ta không hiểu sự kêu gọi làm đầy tớ của Đấng Christ. Chúng ta không tôn cao danh của Đấng Christ nhưng tôn cao danh của mình. Vai trò thật của môn đồ bao gồm bước đi theo dấu chân của Đấng Christ, không làm cho mình nổi danh, tự bỏ chính mình, hạ mình xuống, vác thập tự giá và bước theo Chúa Giêxu. Bạn có phải là một môn đồ của Đấng Christ không?
III. PHÉP BÁP TEM CỦA GIĂNG TƯƠNG PHẢN VỚI PHÉP BÁP TEM CỦA ĐẤNG CHRIST
A. Giăng minh họa thêm sự thấp hèn của ông đối với Đấng Christ bởi đối chiếu báp tem của ông và báp tem mà Chúa Giêxu đem đến. Giăng làm phép báp tem bằng nước. Chúa Giêxu làm phép báp tem bằng Đức Thánh Linh. Rõ ràng báp tem là một phần quan trọng trong chức vụ của Giăng Báptít. Chính tên của ông nói lên điều đó. Ông là Báptít. Nó định nghĩa đặc tính công việc của ông. Ông kêu gọi người ta ăn năn rồi làm phép báp tem cho những người xưng nhận tội mình. Phép báp tem của ông là biểu tượng rửa sạch và thanh tẩy người được nhận báp tem. Chức vụ của ông chú trọng vào sự ăn năn. Xây khỏi và không chấp nhận đời sống tội lỗi. Ông kêu gọi cho một sự thay đổi của tấm lòng để sửa soạn cho Đấng Christ đến. Sứ điệp của ông rất giống sứ điệp của các tiên tri lặp lại sự kêu gọi dân Ysơraên ăn năn. Cảnh cáo họ về sự phán xét sẽ đến nếu họ cứ tiếp tục trong sự không vâng phục. Lòng của họ cần được thanh tẩy trước mặt Đức Chúa Trời. Sự kêu gọi ăn năn là một kêu gọi vô cùng quan trọng không nên làm ngơ ngay cả chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta phải nhìn nhận và xưng tội lỗi mình trước mặt Chúa và lòng của chúng ta cần được thanh tẩy bởi huyết của Đấng Christ.
B. Nhưng phép báp tem của Giăng thì thấp kém hơn so với của Đấng Christ. Giăng làm báp tem bằng nước. Chúa Giêxu làm báp tem bằng Đức Thánh Linh. Phép báp tem của Chúa Giêxu vượt xa những gì bề ngoài, đụng đến tấm lòng. Khi đặt ngang hàng phép báp tem của Chúa Giêxu với sự đến của Đức Chúa Trời Giăng nói với chúng ta điều gì đó quan trọng về Chúa Giêxu. Một lần nữa ông chỉ ra rằng Đấng Christ là sự ứng nghiệm của lời tiên tri Cựu ước. Sự đến của Đức Chúa Trời được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Cựu ước. Trong các khúc Kinh Thánh như Êsai 32:15, Êxêchiên 36:14, 25-27 và Giôên 2:28-29. Lời hứa trong các khúc Kinh Thánh đó cho biết Đức Chúa Trời sẽ sai Thánh Linh Ngài vào trong thế gian để làm mới lại dân sự Ngài. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đến với năng quyền. Không chỉ kêu gọi dân sự ăn năn, nhưng Ngài vào ngự chính trong lòng của họ. Ngài thật sự chuộc họ khỏi tội lỗi của họ và khiến họ sống trung tín trước mặt Chúa. Chúa Giêxu đến làm phép báp tem bằng Đức Thánh Linh. Cuối cùng đã ứng nghiệm vào ngày lễ Ngũ Tuần. Nhờ Thánh Linh tâm trí của con dân Đức Chúa Trời được mở ra cho sứ điệp của Phúc âm và được ban cho sự hiểu biết về sự mầu nhiệm của Tin lành. Đức Thánh Linh tạo nên trong lòng họ một mong muốn sống và phục vụ Chúa Giêxu. Báp tem của Giăng không có quyền năng để cứu nhưng báp tem của Đấng Christ cứu chuộc những người mà Ngài đã báp tem. Bởi chưng chỉ một mình Đức Chúa Trời có thể sai Thánh Linh Ngài nhưng trong Cựu ước, Giăng cho biết rõ ràng Đấng Christ là Đức Chúa Trời. Ngài ban Đức Thánh Linh cho những ai thuộc về Ngài.
C. Bạn có Đức Thánh Linh nầy không? Quyền năng biến đổi. Hãy cầu nguyện.
KẾT LUẬN
Thưa dân sự của Đức Chúa Trời. Ngày của Chúa đã đến. Hãy lắng nghe vị tiên tri. Ăn năn. Đấng vĩ đại hơn hết đang ở đây. Hãy trở nên môn đồ Ngài. Ngài đến với Đức Thánh Linh để mở mắt thuộc linh nhìn biết lẽ thật. Hãy tin nhận Ngài. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)