SỨ GIẢ KÊU GỌI CHO SỰ CHUẨN BỊ
"Như đã chép trong sách tiên tri Êsai rằng: Nầy, ta sai sứ ta đến trước mặt ngươi, Người sẽ dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong đồng vắng rằng: Hãy dọn đường Chúa, Ban bằng các nẻo Ngài" (Mác 1:2-3)
Kính thưa hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Cứu Thế Giêxu.
a. Như tôi đã đề cập trong lần trước khi giới thiệu về Phúc âm Mác: Phúc âm bắt đầu bằng cách cho chúng ta biết rằng sự vào đời của Đấng Christ đem đến một bắt đầu mới. Một bắt đầu mới đánh dấu sự chấm dứt của thời đại trước. Bắt đầu mới nầy không tách rời khỏi thời đại trước nhưng nó được thời đại trước tiên báo. Người ta có thể nói rằng cả Cựu ước nghiêng về phía trước trong sự trông đợi về ngày được thông báo bởi Mác trong những câu mở đầu của ông. Sứ đồ Phierơ nói với chúng ta gần như ông tuyên bố rằng các đấng tiên trì đã tìm tòi suy xét một cách cẩn thận về sự cứu rỗi và ân điển được bày tỏ cho chúng ta trong Chúa Cứu Thế Giêxu. Họ nôn nóng tìm ra thời điểm khi nào những lời tiên tri của họ liên quan đến sự chịu khổ của Đấng Christ sẽ được ứng nghiệm. Lòng họ reo vui khi nó được ứng nghiệm. Họ trông đợi nó. Nhưng nó không được bày tỏ cho họ biết.
b. Rất rõ ràng trong những lời tiên tri của họ, họ hiểu rằng những lời hứa của Đức Chúa Trời chưa đến thời điểm xảy ra. Họ thấy rằng trong hoàn cảnh hiện tại của họ đòi hỏi có điều gì đó khác nữa. Họ nhận biết sự kém cỏi của dân sự của Đức Chúa Trời trong thời kỳ của họ. Các vua và các nhà lãnh đạo của họ đều thiếu sót, không cai trị trong sự công bình và chính trực. Dân sự đều yếu đuối. Họ ưa thích đời sống tội lỗi và phản loạn của họ. Vương quốc Ysơraên thật yếu đuối. Nó bị đánh bại, phu tù và đồi trụy. Bởi những tội lỗi và sự hư hỏng không ngừng của họ, dân Ysơraên liên tục là đối tượng cho sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Họ cần có ai đó dẫn dắt họ ra khỏi sự tình trạng sa lầy nầy và chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể làm điều đó. Trong những lời tiên tri được linh ứng các tiên tri được bảo đảm rằng Đức Chúa Trời sẽ làm điều đó. Những điều mà họ trông đợi đã được bày tỏ ra cho chúng ta. Chúng ta đã thấy được sự ứng nghiệm của Cựu ước trong đời sống và chức vụ của Đấng Christ. Chúng ta có được những lời tiên tri đã được xác nhận.
c. Mục đích của câu thứ nhì và thứ ba của sách Phúc âm Mác là nhấn mạnh thực thế rằng sự vào đời của Đấng Christ ứng nghiệm lời hứa với dân Ysơraên. Phúc âm nầy là sự thông báo về sự đến của một Đấng trong lịch sử sẽ dẫn dắt dân Ysơraên như một vị vua chánh trực thật sự. Đấng ấy sẽ giải phóng dân Ngài khỏi tội lỗi và khốn khổ. Ngài sẽ dẫn dắt họ vào vương quốc đời đời thoát khỏi những kẻ thù của họ và thoát khỏi sự khốn khổ của họ do hậu quả của sự rủa sả. Giăng Báptít, sứ giả mà có tiếng kêu trong đồng vắng là người đã kêu để cảnh giác mọi người về sự giá lâm của một vị vua sắp đến.
d. Hôm nay chúng ta phải nhận biết rằng chúng ta gắn liền với dân Ysơraên. Tội lỗi của chúng ta khiến chúng ta trở nên đối tượng của sự thạnh nộ và rủa sả của Đức Chúa Trời. Chúng ta không có hi vọng nhận được phước hạnh của Đức Chúa Trời nếu không có sự đến của Chúa Cứu Thế Giêxu. Như sự thông báo nầy của vị sứ giả đã làm cho các tín nhân Ysơraên vui thích, nó cũng là cho chúng ta vui mừng. Vị vua lớn của Ysơraên đang đến. Thật vậy, vua lớn của chúng ta đã đến rồi. Đây là sứ điệp của Mác.
e. Hôm nay khi chúng ta xem những lời tiên tri được trích ra bởi Mác chúng ta sẽ nói đến ba điều:
i. Thứ nhất, chúng ta sẽ xem xét về bối cảnh nơi mà sứ điệp nầy được thông báo - trong đồng vắng.
ii. Thứ hai, chúng ta sẽ xem xét vị sứ giả là người thông báo sự đến của Chúa.
iii. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét về sứ điệp mà ông mang đến.
I. BỐI CẢNH
A. Khi chúng ta nhìn vào bối cảnh mà sứ điệp nầy được loan báo, chúng ta làm đúng khi trước hết xem xét nguồn gốc của những chữ nầy được trích từ trong Cựu ước bởi Mác trong phân đoạn Kinh Thánh. Mặc dù nhiều nguyên bản cũ nhận diện những câu trích ra đây từ sách tiên tri Êsai, phân đoạn Kinh Thánh nầy thật sự liên hợp một vài phân đoạn khác nhau trong Cựu ước và kết lại thành một sứ điệp. Có ba phân đoạn được ám chỉ trong những câu nầy. Phân đoạn thứ nhất được tìm thấy trong Xuất Êdíptô Ký 23:20, chép rằng: "Đây nầy, ta sai một thiên sứ (cũng được dịch là sứ giả) đi trước mặt ngươi, đặng phù hộ trong lúc đi đường, và đưa ngươi vào nơi ta đã dự bị". Phân đoạn thứ nhì được tìm thấy trong Malachi 3:1, chép rằng: "Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta". Cuối cùng, Êsai 40:3 chép: "Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Đức Chúa Trời chúng ta!"
B. Theo ngữ cảnh của Xuất Êdíptô Ký 23, dĩ nhiên là dân Ysơraên ra khỏi xứ Êdíptô. Dân Ysơraên trong đồng vắng trên đường đến đất hứa được bảo rằng Đức Chúa Trời sai thiên sứ để dẫn dắt họ trên đường. Trong Êsai đoạn 40, khi vua Êxêchia vừa chỉ cho các sứ thần của Babylôn xem về sự giàu có của ông thì Êsai quở trách Êxêchia cho sự dại dột của ông và nói tiên tri rằng vì hậu quả của điều đó dân Ysơraên sẽ bị bắt đi làm phu tù bởi dân Babylôn. Đoạn 40 cũng bảo đảm với dân Ysơraên về sự trở về xuyên qua đồng vắng - một sự ra đi khác từ Babylôn (xin xem thêm 48:2). Trong Malachi đoạn 3, dân Ysơraên lần nữa sa vào tội lỗi và là đối tượng cho sự rủa sả của Đức Chúa Trời và lần nữa cần được giải cứu.
C. Những phân đoạn vừa rồi cho thấy đồng vắng không phải là một sự kiện ngẫu nhiên. Chúng ta được thấy đồng vắng liên quan đến sự ra đi của dân Ysơraên khỏi nhà nô lệ đến đất hứa. Hiển nhiên, khung cảnh nơi tiếng kêu thông báo sự đến của Chúa Giêxu ở trong đồng vắng. Những người nghe được sứ điệp nầy cũng ở trong đồng vắng với sứ giả.
D. Khi chúng ta xem xét hành trình của dân Ysơraên trong đồng vắng nó thể hiện hai việc. Nó là thời gian thử thách và gian nan dữ dội cho dân Ysơraên. Đức tin của họ nơi Đức Chúa Trời được thử thách không ngừng. Họ sa ngã nhiều lần và hậu quả sự sa ngã của họ là lưu lạc trong đồng vắng bốn mươi năm. Người ta có thể thấy thời gian trong đồng vắng liên quan với hay là hậu quả tội lỗi của dân Ysơraên. Cùng thời điểm đó là thời điểm mà Đức Chúa Trời gìn giữ và cung cấp cho dân sự Ngài - ban cho họ bánh từ trời và nước từ vầng đá. Nó cũng có thể được hiểu rằng đây là thời điểm của sự biến đổi. Dân Ysơraên đã được giải thoát khỏi vòng nô lệ và được ban cho sự bảo đảm về cơ nghiệp trong đất hứa đang khi họ vẫn còn trên đường. Sự trọn vẹn trong những lời hứa của Đức Chúa Trời được thấy rõ trong sự tiếp nhận phần đất Canaan.
E. Một chú thích cuối cùng về đồng vắng rất cần thiết ở đây. Sự khô khan của đồng vắng, thiếu rau cải và nước, sự hoang vắng của nó và sức nóng không chịu nỗi ám chỉ sự vắng bóng của ân huệ và phước hạnh của Đức Chúa Trời. Trong các sách tiên tri, đồng vắng thường được liên đới đến sự rủa sả. Những phần đất trở thành đồng vắng là hậu quả tội lỗi của họ. Vào những thời điểm như trong Giôên 2:3, đồng vắng tương phản với vườn Êđen. Điều đó ám chỉ rằng Ađam và Êva bị đuổi ra khỏi vườn Êđen vào trong đồng vắng. Đồng vắng là thế gian nầy cùng với tội lỗi và sự khốn khổ. Thế gian đầy những sự đau khổ và than khóc. Thử thách và vất vả. Nó là một đất chết về thuộc linh. Một sa mạc trống không. Một nơi sự chết là cầm chắc. Một chỗ hoang tàn thuộc linh. Không có gì ở ngoài kia. Không gì có thể ban cho chúng ta sự hi vọng. Không gì có thể giải thoát chúng ta khỏi sự rủa sả, cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời mà chúng ta đáng phải chịu. Trong đồng vắng thuộc linh nầy, không có hi vọng gì cho đời sống xa cách khỏi sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Ấy là đồng vắng mà chúng ta đang sống ngày hôm nay. Từ đồng vắng nầy chúng ta cần được giải cứu e rằng chúng ta chết trong đó dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phải dẫn chúng ta đi ngang khỏi nó.
F. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy chúng ta nghe tiếng kêu. Tiếng kêu của một người trong đồng vắng. Tiếng kêu của người bảo chúng ta rằng Đấng giải cứu đã đến. Đấng đó sẽ dẫn dắt chúng ta ra khỏi cảnh hoang tàn nầy. Đấng đó sẽ gìn giữ chúng ta trong chuyến du hành ngang qua đồng vắng để vào đất hứa. Đức Chúa Trời đã không bỏ rơi chúng ta trong sa mạc hoang vu.
G. Hãy tưởng tượng quí vị là dân Ysơraên trong đồng vắng, nghe rằng Môise sẽ dẫn dắt quí vị ra khỏi đó để đi vào đất hứa. Quí vị sẽ muốn ôm choàng vị sứ giả đó. Trong sách Mác, vị sứ giả đã đến loan báo chính điều đó. Đức Chúa Trời đã cung cấp cho chúng ta Đấng sẽ dẫn chúng ta vào đất hứa.
II. SỨ GIẢ
A. Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta cho chúng ta biết về vị sứ giả được sai đến bởi Đức Chúa Trời để loan báo sự vào đời của Đấng Christ. Giăng Báptít là người mang sứ điệp nầy. Ông là vị sứ giả mang đến tin tức về sự đến của vua Ysơraên và là Đấng giải cứu. Giăng loan báo Ngài đang đến. Đây nầy, ông bảo chúng ta, Hãy nhìn, Ngài đang đến.
B. Giăng Báptít thực hiện chức năng của vị sứ giả. Công việc của ông là loan báo về sự đến của Đấng rất quan trọng. Ngài là Đấng đến trước mặt ông. Vai trò của sứ giả được biết rất rõ vào thời đó. Sự giá lâm của những vua lớn hay những nhà lãnh đạo lớn thường được thông báo nhiều lần trước khi họ thực sự đến hầu cho dân chúng có đủ thời gian để chuẩn bị cho sự giá lâm. Ngay cả ngày hôm nay những thông báo như vậy thường được loan ra cho những nhân vật quan trọng. Thí dụ, một sứ giả loan báo sự đến của tổng thống vào những dịp quan trọng trước khi ông bước vào phòng.
C. Thực tế rằng phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta nói cho chúng ta về vị sứ giả mà vai trò của người đó là người báo trước tỏ ra sự đến của một Đấng nổi bật nhất. Người ta không thể hình dung được Đấng Christ vào đời mà không có người dọn đường. Vua của muôn vua và Chúa của muôn chúa đến để gặp dân Ngài trong đồng vắng. Chính mình Đức Chúa Trời, trong xác thịt đến để dẫn dân Ngài vào trong đất hứa. Chúa Giêxu, Đấng phó mạng sống mình cho dân Ngài để giải cứu họ ra khỏi tội lỗi và khốn khổ. Thưa dân sự của Đức Chúa Trời, kìa vua của quí vị đã đến trong Chúa Giêxu Christ. Vị sứ giả, Giăng Báptít, nói cho chúng ta sự đến của vua chúng ta sắp xảy đến. Chúng ta hãy ráng sức chú ý đến lời của sứ giả này.
D. Mục đích của vị sứ giả là sửa soạn lòng người cho sự đến của Chúa Giêxu. Ông dọn đường trước mặt Chúa. Vai trò của ông không chỉ nói với họ Ngài đang đến mà bảo họ sửa soạn nghênh tiếp Ngài. Nói cách khác, vị sứ giả đến không chỉ đơn giản thông báo thực tế về sự đến của Chúa Giêxu nhưng ông đến để kêu gọi người ta vào hành động. Nó không chỉ là kiến thức về sự đến của Ngài mà ông muốn truyền đạt, nó là một sự kêu gọi khẩn cấp để chuẩn bị. Điều nầy dẫn chúng ta đến điểm chót liên quan đến sứ điệp mà vị sứ giả được kêu gọi truyền đạt.
III. SỨ ĐIỆP
A. Tiếng của sứ giả loan báo sứ điệp đến dân sự: "Hãy dọn đường cho Chúa; ban bằng các nẻo Ngài."
B. Điều đầu tiên nổi bật trong sứ điệp nầy liên quan đến Đấng đang đến. Đó là Chúa. Sứ điệp nầy không loan báo về việc giá lâm của một vị vua trần gian. Sứ điệp nầy loan báo sự giáng lâm của Chúa. Đức Chúa Trời đang đến để gặp dân sự Ngài trong đồng vắng. Chúa là Đức Chúa Trời của dân Ysơraên đã đến trong xác thịt để dẫn dân sự Ngài ra khỏi đồng vắng. Thực tế, dĩ nhiên, nhấn mạnh sự chuẩn bị là cần thiết. Giăng không loan báo điều gì đó bình thường, ông loan báo chuyện khác thường nổi bật. Giêxu là Chúa. Ngài là Đấng mà Giăng không xứng đáng mở dây giày. Đó là một cái tin tuyệt vời bởi vì chúng ta biết Ngài đã đến để cứu chúng ta.
C. Sứ điệp cũng là một sự kêu gọi khẩn cấp để chuẩn bị. Dân sự tiếp nhận sứ điệp được kêu gọi đáp lại sự thông báo ấy bằng cách chuẩn bị sẵn sàng bởi ban bằng các nẻo Ngài. Câu hỏi phát sinh tự nhiên là: Chúng ta chuẩn bị cho sự đến của Chúa thế nào, chúng ta chào đón Đấng quan trọng nầy như thế nào?
D. Về một khía cạnh, câu trả lời cho câu hỏi nầy thì rất rõ ràng. Nếu tôi có thể nói với quí vị một cách chắc chắn rằng cuối ngày nay, quí vị sẽ chết và quí vị sẽ đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời tối nay, quí vị sẽ đáp lại như thế nào? Tôi tưởng rằng nhận thức đó sẽ khích lệ quí vị chuẩn bị. Nhận thức rằng quí vị sẽ đứng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời khiến cho quí vị xưng tội mình và ăn năn. Tất nhiên khi tôi nói với những người sắp chết, nhận thức sẽ bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời tập trung tâm trí họ vào thái độ đối với tội lỗi của họ. Nó là sứ điệp của sự ăn năn chuẩn bị cho sự đến của Đấng Christ mà Giăng Báptít mang đến cho dân sự. Đức Chúa Trời đang đến trong xác thịt. Hãy chuẩn bị tấm lòng của quí vị cho sự đến của Ngài. Đây cũng là cách mà chúng ta ban bằng các lối Ngài. Nó bao gồm cất đi những chướng ngại vật ngăn cản sự đến của Ngài, chắc chắn tội lỗi và sự chống nghịch của chúng ta là một trong những chướng ngại vật. Sự phản loạn liên tục và tội lỗi của dân Ysơraên trong đồng vắng đã có ảnh hưởng trái ngược. Thay vì đi con đường thẳng, dân Ysơraên lưu lạc vu vơ trong đồng vắng suốt bốn mươi năm.
E. Sứ điệp chuẩn bị nầy đang kêu gọi tất cả những ai đọc sách Phúc âm nầy. Chúa đã đến và chúng ta phải chuẩn bị tấm lòng của chúng ta cho Ngài bởi đến cùng Ngài, xưng tội chúng ta ra và ăn năn từ bỏ nó. Sứ điệp mà chúng ta được ban cho là quay khỏi tội lỗi và sự chống nghịch của chúng ta để đến với tấm lòng ăn năn trước Chúa. Chúng ta đến với Ngài với ao ước rằng tội lỗi của chúng ta sẽ được tha thứ.
KẾT LUẬN:
Thưa dân sự của Đức Chúa Trời. Sứ điệp nầy cũng cho chúng ta nữa. Sự loan báo đến với đồng vắng thuộc linh của thế gian nầy rằng Chúa Giêxu đã đến để giải cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi của chúng ta. Đây là tin tuyệt vời. Như dân Ysơraên được kêu gọi chuẩn bị tấm lòng của họ cho sự đến của Ngài, chúng ta cũng được gọi đến sự ăn năn vào trong đức tin. Hãy lắng nghe sứ điệp của vị sứ giả nầy. Amen.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)