Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 19 (Ru-tơ 2:22-3:1)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI MƯỜI CHÍN
(Ru-tơ 2:22-3:1)

Chúng ta đã đến Ru-tơ 2:21 trong bài học vừa rồi và thấy Ru-tơ nói với Na-ô-mi về Bô-ô đã rất rộng lượng đối với nàng, khuyến khích nàng ở lại với đầy tớ của ông cho đến cuối mùa gặt. Câu 22: "Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ, dâu mình, rằng: Hỡi con gái ta, lấy làm phải cho con đi với các tớ gái người, chớ cho người ta gặp con trong một ruộng khác." Lúc nầy Na-ô-mi bày tỏ sự quan tâm của một người mẹ đối với Ru-tơ, bà lặp lại những gì Bô-ô đã nói. Bà muốn nói rằng ý kiến đó hay lắm, không tốt cho con đi vào ruộng của người khác, bởi vì có thể có người sẽ gạ gẫm con, con có thể gặp nhiều rắc rối ở đó. Ở lại với tớ gái, thợ gặt của ông thì con sẽ được quan tâm chăm sóc bởi Bô-ô. Dĩ nhiên, có lẽ thật thuộc linh ở đây mà Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta.

Khi được cứu, chúng ta trở nên một phần trong thân thể của Chúa Cứu Thế, chúng ta phải gắn liền với một giáo hội rao giảng trung tín lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời. Đang khi chúng ta ở trong giáo hội nầy, chúng ta sẽ nghe nói về một giáo hội khác có nhiều việc lạ xảy ra, một "tin lành" khác có vẻ thú vị lắm. Nhưng chúng ta đã gắn liền với Tin Lành tin rằng chỉ có Kinh Thánh và toàn bộ Kinh Thánh là Tin Lành thật, hãy ở đó. Đừng đi vào ruộng khác, sẽ có người gài bẫy để chúng ta dần dần đi xa khỏi Tin Lành thật. Đức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta và bảo chúng ta rằng, không nên đi ra để mời gọi sự cám dỗ đến. Ngài muốn chúng ta ở chung với những tín hữu là những người trung tín giữ lời Chúa.

Trong câu 23 chúng ta đọc: "Vậy, nàng ở cùng các tớ gái của Bô-ô, đặng mót cho đến hết mùa gặt lúa mạch và mùa gặt lúa mì; nàng ở nhà của bà gia mình." Bạn thấy không? Chúng ta phải tiếp tục làm thợ gặt cho Đức Chúa Trời đến ngày cuối cùng. Câu "nàng... mót cho đến hết mùa gặt lúa mạch và mùa gặt lúa mì" liên quan đến ngày Chúa Giê-xu trở lại. Khi mùa gặt chấm dứt, Chúa Cứu Thế sẽ trở lại trong đám mây vinh hiển để cứu tất cả những người đã được cứu. Nhưng chúng ta phải làm việc cho đến khi Ngài trở lại, phải "đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người". Chúng ta phải sử dụng tất cả những sức lực để những người được chọn sẽ được cứu khi chúng ta rao giảng Tin Lành.

Ma-thi-ơ 24:14, "Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến". Đó là một cách nói để chỉ rằng chúng ta phải trung tín rao giảng Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho đến ngày cuối cùng. Dĩ nhiên, nếu Chúa không đem chúng ta về với Ngài trước một cách cá nhân qua sự chết, điều nầy có thể xảy ra và người còn ở lại, là một phần trong thân thể của Chúa Cứu Thế sẽ tiếp tục gặt khi chúng ta đã về với Chúa rồi. Ru-tơ ở đây là hình bóng về những người được cứu, là người bị rủa sả nhưng được Chúa Cứu Thế mua chuộc và đã trở thành con gặt trong đồng ruộng của Chúa, trung tín cho đến ngày cuối cùng.

Khi xem câu 1 của chương 3, một lần nữa chúng ta thấy ngôn ngữ thật kỳ cục. Đây là câu chuyện tình rất đẹp về tình yêu của Bô-ô đối với Ru-tơ cũng là cho Na-ô-mi, và tình thương của Na-ô-mi dành cho Ru-tơ cũng như của Ru-tơ đối với Na-ô-mi. Có nhiều yếu tố mà chúng ta muốn theo dõi, nhưng rải rác đó đây chúng ta thấy có những ngôn ngữ, những câu rất kỳ cục làm như không xứng hợp trong câu chuyện tình rất hay nầy. Chúng ta đã khám phá lý do cho những điều đó, Đức Chúa Trời đã chọn những câu được nói bởi Na-ô-mi, Ru-tơ hay Bô-ô để dạy về lẽ thật thuộc linh.

Cũng vậy, trong câu nầy chúng ta xem thấy sự kỳ cục, "Na-ô-mi, bà gia Ru-tơ, nói cùng nàng rằng: Hỡi con gái ta, mẹ phải lo cho con một chỗ an thân*, làm cho con được phước hạnh". Bình thường chắc Na-ô-mi sẽ không dùng loại ngôn ngữ như thế nầy, chúng ta sẽ mong đợi bà nói rằng: "Hỡi con gái ta, mẹ sẽ tìm cho con một mái gia đình, hay một người chồng cho con, làm cho con được phước hạnh", nhưng nói rằng: "Mẹ phải lo cho con một chỗ an thân*" thì không phải là ngôn ngữ bình thường được dùng trong thời đó hay thời bây giờ. Đức Chúa Trời đã hướng dẫn Na-ô-mi nói và chép lại cho chúng ta bởi vì có một lẽ thật thuộc linh sâu sắc trong câu nầy.

Ở đây, Na-ô-mi nói theo thực tế lịch sử, bà đang tìm kiếm sự khá giả cho nàng dâu của mình là Ru-tơ. Lúc nầy là cuối mùa gặt, Ru-tơ và Na-ô-mi đã sống nhờ vào những lúa mà Ru-tơ mót từng ngày. Họ khám phá ra Bô-ô là bà con gần với họ, Ru-tơ đã vào mót trong ruộng của ông, ông đã đối xử rất rộng rãi với nàng. Bây giờ là cuối mùa gặt, làm gì bây giờ? Họ vẫn là hai người đàn bà góa bụa, không có sản nghiệp gì cả, họ vẫn cô đơn trên thế gian nầy, phải có điều gì tồn tại lâu dài hơn cho Ru-tơ.

Na-ô-mi là người đã lớn tuổi, không cách nào bà có thể lập gia đình được nữa, nhưng Ru-tơ tương đối còn trẻ. Nàng lập gia đình chỉ trong thời gian ngắn và góa bụa cho nên có thể nói nàng tương đối còn trẻ, nàng có thể tái giá. Mong muốn của Na-ô-mi là nàng sẽ tìm gặp một người chồng để nàng có thể nghỉ ngơi, sẽ được phước hạnh, vì vậy bà sắp sửa đề nghị một kế hoạch rất táo bạo. Đó là bà muốn Ru-tơ tìm cách lập gia đình với Bô-ô, chúng ta sẽ tìm hiểu bà làm việc nầy như thế nào.

Chúng ta sắp đọc ngôn ngữ ở đây với trí óc xác thịt của chúng ta, nếu chúng ta có trí óc khiêu dâm, nghĩa là tư tưởng của chúng ta chạy theo những ham muốn tội lỗi về tình dục bậy bạ, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu sai về sự đề nghị chép trong chương 3. Chúng ta đọc thấy sau khi Bô-ô ngủ trong sân đạp lúa thì Ru-tơ sẽ đi vào, dỡ mền của Bô-ô và nằm ngủ ở đó trọn cả đêm. Đủ thứ loại suy nghĩ xác thịt tội lỗi có thể tràn ngập trí óc của chúng ta, nhưng xin cho tôi nói điều nầy trước khi chúng ta học chương 3. Không có chuyện thuộc về bản chất xác thịt được chép ở đây, điều nầy không nằm trong suy nghĩ của Na-ô-mi hay của Ru-tơ, cũng không nằm trong những câu nầy.

Xem câu 11 chúng ta sẽ không vướng vào suy nghĩ sai lầm, sống sượng, nhưng nếu chúng ta suy nghĩ theo cách không trong sạch sẽ có sự chói tai ở đây. Câu 11, Bô-ô nói: "Vậy bây giờ, hỡi con gái ta, chớ sợ chi: ta sẽ làm cho nàng mọi điều nàng sẽ nói; vì cả dân sự trong thành ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền đức**". Đây là tiếng tốt của Ru-tơ sau khi nàng gần gũi với họ vài tháng bởi cách sống của nàng, bởi mối liên hệ của nàng với những người tớ trai trẻ ở đó, bởi mối liên hệ của nàng với Bô-ô. Nàng là một ngưòi đàn bà đức hạnh, không có sự nhạy cảm ham muốn xấu xa ở nơi nàng hay Na-ô-mi.

Chúng ta hãy xem xét những gì chép trong chương 3 một cách thật cẩn thận để tìm thấy điều thật sự muốn nói ở đây là gì. Bắt đầu với câu 1, trong vài bài tới chúng ta sẽ đi sâu hơn, tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh: Đừng nghĩ theo cách thời bây giờ, nghĩa là chúng ta đang đến đoạn nóng bỏng của câu chuyện. Không! ý đó hoàn toàn không có ở đây, những gì có ở đây là cao quí, tinh khiết và trong sạch, khi đi sâu vào chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng. Điểm nổi bật bây giờ là Na-ô-mi quan tâm rằng Ru-tơ sẽ được an thân và được phước.

Khi học qua sách Ru-tơ chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã dùng câu chuyện nầy để cho chúng ta khía cạnh tự nhiên của sự cứu rỗi. Chúng ta đã nhìn thấy Ru-tơ trong địa vị bị rủa sả, tội nhân bắt đầu vào ruộng để mót lúa và sau đó được nhận diện là một trong những người thợ gặt, nàng đã trở nên giống như những người đã được cứu. Chúng ta đã thấy sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế thể hiện qua bữa ăn trưa mà Bô-ô đưa cho Ru-tơ trong chương 2, và cũng sẽ thấy Bô-ô càng ngày sẽ làm hình bóng cho Chúa Cứu Thế Giê-xu nhiều hơn.

Bạn biết không? Đức Chúa Trời nói về sự nghỉ ngơi trong Hê-bơ-rơ cũng như trong Ru-tơ 3:1. Hê-bơ-rơ 4:1-3, "Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ của Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng. Vì Tin Lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ; những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình. Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên nghỉ, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Nầy là lời thề ta đã lập trong cơn thạnh nộ: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta!... Dầu vậy, công việc của Ngài đã xong rồi từ buổi sáng thế", Đức Chúa Trời đang nói về dân Do Thái đã không vào sự yên nghỉ bởi vì họ không tin. Sự yên nghỉ mà Đức Chúa Trời muốn nói là sự cứu rỗi.

Trước khi được cứu, bất cứ ai chưa được tái sanh, theo lối suy nghĩ riêng của mình, nghĩ rằng có những yêu cầu cần thiết có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Người đó làm việc siêng năng để cố gắng vào sự yên nghỉ của Chúa, dù công việc chỉ như áo nhớp mà thôi. Người đó làm đủ mọi cách để có thể vào thiên đàng, cố gắng hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Người đó làm vậy vì nghĩ rằng những việc tốt của mình đủ làm cho Đức Chúa Trời chú ý đến và sẽ đối xử tử tế với họ, dù rằng những việc xấu xa thì nhiều hơn.

Đây là trường hợp chung của nhân loại, con người tìm kiếm đến Đức Chúa Trời bằng hàng trăm cách khác nhau. Có thể họ được nghe về giáo lý của tôn giáo nào đó hay của "tin lành", nhưng không phải là Tin Lành thật. Rằng, họ phải làm việc thật sốt sắng, làm chứng cho tôn giáo hay "tin lành" đó, trở thành nhà tuận đạo, vì nghĩ rằng bằng cách nầy họ sẽ được xưng công bình bởi Đức Chúa Trời. Con người, trong đường lối riêng của mình bằng cách nầy hay bằng cách khác cố gắng vào sự yên nghỉ của Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời bảo với chúng ta cách nào có thể vào được sự yên nghỉ.

Cách để vào sự yên nghỉ đó là hãy ngừng làm việc. Nghĩa là chúng ta phó thác mình vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhìn nhận rằng công việc của chúng ta sẽ không đưa chúng ta vào thiên đàng. Chúng ta theo kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời có nghĩa là ngừng làm việc, nhìn nhận mình là tội nhân và cầu xin Chúa ban cho chúng ta đức tin để chúng ta có thể tin. Hoàn toàn ủy thác đời mình vào chương trình cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã sắp đặt, nghĩa là chỉ qua Chúa Cứu Thế chúng ta mới có thể được cứu. Đó là cách mà chúng ta vào sự yên nghỉ của Chúa. Thỉnh thoảng, Đức Chúa Trời dùng Na-ô-mi làm hình bóng cho người chưa được cứu, đôi khi là hình bóng cho người đã được cứu, trong chương 3 Ru-tơ là hình bóng cho người chưa được cứu. Điều mà Na-ô-mi quan tâm là nàng sẽ tìm được sự yên nghỉ, nói về thuộc linh nghĩa là yên nghỉ trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Dĩ nhiên bà không có ý nầy trong đầu của bà, nhưng đây là ý của Đức Chúa Trời qua cuộc đối thoại giữa Na-ô-mi và Ru-tơ.

Khi chưa được cứu, đây là sự yên nghỉ chúng ta tìm kiếm, chúng ta không nghỉ ngơi, chúng ta cố gắng làm việc để tìm cho ra câu trả lời, tìm cho ra lẽ thật. Nhưng vì chúng ta là nô lệ cho tội lỗi, là tôi mọi của Sa-tan nên không có sự yên nghỉ cho chúng ta. Chúng ta tìm được sự yên nghỉ trong Chúa Cứu Thế Giê-xu khi chúng ta ngừng sự cố gắng làm việc để nhận sự cứu rỗi. Tôi hi vọng đây là sự yên nghỉ mà bạn tìm được trong Chúa Giê-xu, khi tiếp tục học sách Ru-tơ bạn sẽ thấy tính chất tuyệt vời của sự cứu rỗi. Nếu bạn chưa được cứu, bạn được khuyến khích phó thác đời của bạn cho Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Chú ý phần hai của câu, "... mẹ phải lo cho con một chỗ an thân*". Đây là sự yên nghỉ mà chúng ta tìm kiếm cho những người thân yêu của chúng ta, yên nghỉ trong sự cứu rỗi. Để "làm cho con được phước hạnh", chữ phước hạnh ở đây là chữ được dùng nhiều lần trong Kinh Thánh nói về tính chất tự nhiên của sự cứu rỗi. Thí dụ, trong Phục-truyền-luật-lệ-ký 5:29, "ồ! chớ chi dân nầy thường có một lòng kính sợ ta, hằng giữ theo các điều răn ta như thế, để chúng nó và con cháu chúng nó được phước đời đời." Cách duy nhất để câu nầy được ứng nghiệm là được cứu, chỉ cách đó chúng ta sẽ bắt đầu giữ điều răn của Đức Chúa Trời theo cách Ngài vui lòng. Chúng ta làm việc lành bởi vì chúng ta đã nhận được sự sống lại của linh hồn, chúng ta được thúc đẩy bởi chính Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chúng ta đã được bao phủ bởi sự công bình của Chúa Cứu Thế cho nên Đức Chúa Trời nhìn chúng ta như thể chúng ta chưa hề phạm tội. Để được phước của Chúa nghĩa là tội lỗi của chúng ta được đền trả. Không còn sự thù hằn giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, nghĩa là chúng ta sẽ có mối liên hệ tốt đẹp với Đức Chúa Trời, đây là sản phẩm của sự cứu rỗi.

Trở lại chương 3, chúng ta thấy Na-ô-mi có một kế hoạch. Bà nhận ra Bô-ô là bà con và chắc chắn bà cũng nhận biết Ru-tơ hiện đang được Bô-ô yêu mến. Bởi vì bà là bà con gần của Bô-ô nên chắc chắn bà thấy được sự tríu mến của ông hơn là sự ưa thích bình thường. Vì vậy, bà nghĩ ra một kế hoạch qua đó bà sẽ giúp Ru-tơ bày tỏ cho Bô-ô biết rằng Ru-tơ mong muốn ông đóng vai làm người chuộc sản nghiệp, hay ít nhất ông sẽ yêu mến cô và cưới cô. Nếu tiếp tục học sách Ru-tơ chúng ta sẽ thấy là đúng, Na-ô-mi thật sự hi vọng Bô-ô sẽ trở thành người chuộc sản nghiệp cho gia đình của Ê-li-mê-léc và cũng cưới Ru-tơ nữa.

Tôi không biết tại sao bà chọn kế hoạch đặc biệt nầy, theo một ý nghĩa nào đó đây là một kế hoạch kỳ cục, táo bạo. Khi nhìn sự việc nầy chúng ta sẽ nhận ra bà chọn kế hoạch nầy bởi vì qua đó Đức Chúa Trời dạy chúng ta về lẽ thật thuộc linh. Tôi nghĩ rằng đây không phải là loại kế hoạch mà nhiều người khác sẽ nghĩ đến, nhưng Na-ô-mi phác họa kế hoạch nầy và đối với bà rất là có lý. Bài học tới chúng ta sẽ xem xét kế hoạch nầy để xem bà có ý định gì trong trí của bà.

"Hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên."

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)