Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 24 (Ru-tơ 3:8)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI HAI MƯƠI BỐN
(Ru-tơ 3:8)

Chúng ta đã thấy Ru-tơ đi vào sân đạp lúa vào ban đêm, nàng đã để ý xem Bô-ô sẽ nằm ngủ nơi nào sau khi ông xong một ngày làm việc và ăn tối. Rồi thì nàng sẽ đến đó một cách bí mật, dỡ tấm đậy chân của Bô-ô ra và nằm xuống nơi chân của Bô-ô. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra, Ru-tơ 3:8, "Nửa đêm, Bô-ô sợ hãi nghiêng mình qua, kìa thấy có một người nữ nằm tại dưới chơn mình." Câu nầy nằm trong câu chuyện tình thì có lý lắm. ễ đây Bô-ô đang nằm ngủ, thỏa lòng sau một ngày làm việc, nằm kế bên đống lúa mạch, đắp mền, cởi giày ra để cảm thấy thoải mái hơn. Vào nửa đêm, ông nghĩ là ông ở đây chỉ một mình, nhưng ông khám phá ra có một người khác đang nằm tại dưới chân ông. Một thoáng sợ hãi đến với ông: Ai đây? Có chuyện gì đang xảy ra? Vì trời tối không thấy rõ, nên ông hỏi: "Ngươi là ai? Nàng đáp: Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông". Tất cả sự việc nầy đã xảy ra và Đức Chúa Trời đã chép lại bởi vì có một lẽ thật thuộc linh sâu sắc mà Đức Chúa Trời muốn mở ra cho chúng ta xem.

Trước hết chúng ta xem chữ "nửa đêm". Chúng ta đã thấy lặp lại nhiều lần, Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu trong sự chuộc tội. Chúng ta đã thấy Bô-ô ăn và uống có nghĩa Chúa Giê-xu làm theo ý muốn của Cha và uống chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì tội lỗi của chúng ta. Ông nằm xuống là hình bóng về Chúa Giê-xu chịu đựng địa ngục thay cho chúng ta. Khi Ru-tơ lột trần chân Bô-ô ra là hình bóng về Chúa Giê-xu bị lõa lồ thuộc linh thay cho những người được cứu bởi Ngài, Ngài mang gánh lấy hết tội lỗi của chúng ta và Đức Chúa Trời đã hình phạt Ngài. Ngài bị phơi bày, bị lõa lồ về tất cả những tội lỗi nầy trước mặt Đức Chúa Trời.

Bây giờ chúng ta thấy Chúa tiếp tục lẽ thật thuộc linh trong chữ "nửa đêm". Bạn có nhớ khi Đức Chúa Trời giết con trai đầu lòng của người Ai-cập không? Trong Xuất-ê-díp-tô-ký 12:29-30, "Vả, khi giữa đêm, Đức Giê-hô-va hành hại mọi con đầu lòng tại xứ Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả người bị tù, và hết thảy con đầu lòng của súc vật. Đương lúc ban đêm, Pha-ra-ôn, quần thần cùng hết thảy người Ê-díp-tô đều chờ dậy; có tiếng kêu la inh ỏi trong xứ Ê-díp-tô, vì chẳng một nhà nào là không có người chết".

Người Y-sơ-ra-ên đã bôi huyết của chiên con lên mày cửa, khi Đức Giê-hô-va trải qua trong đêm đó thì Ngài sẽ vượt qua nhà của người Y-sơ-ra-ên vì họ được bảo vệ bởi huyết của chiên con. Chiên con là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong Kinh Thánh Ngài được gọi là Lễ Vượt qua của chúng ta. Sự chết con đầu lòng của người Ê-díp-tô là hình bóng về sự hình phạt đời đời sẽ đến với những người không được cứu. Lúc thiên sứ của sự chết đến là vào lúc nửa đêm.

Vào lúc nửa đêm đó, Đức Chúa Trời đã giáng cơn thạnh nộ của Ngài trên người Ê-díp-tô là hình bóng về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên những người không được cứu trên. Đó cũng là cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên Chúa Cứu Thế Giê-xu vì cớ tội lỗi của chúng ta, để Ngài có thể trở nên Lễ Vượt qua của chúng ta, để Ngài có thể che đậy tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, "nửa đêm" có liên quan đến cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, liên quan đến ngày phán xét và địa ngục, cũng giống bức tranh mà chúng ta vừa học. Khi Bô-ô nằm xuống là hình ảnh về địa ngục, "nửa đêm" là hình ảnh về thời điểm của cơn thạnh nộ Đức Chúa Trời. Ngài đã trở nên tội lỗi vì chúng ta và bây giờ cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đến trên Chúa Giê-xu.

Theo sự kiện lịch sử chỉ đơn giản vào lúc nửa đêm nhưng theo ý nghĩa thuộc linh là thời điểm mà cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đổ ra trên Chúa Giê-xu vì tội của chúng ta. Chúng ta không ngạc nhiên khi đọc thấy rằng "Bô-ô sợ hãi", chữ 'sợ hãi' cũng có nghĩa là 'run hãi'. Run hãi vì Ngài đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời toàn năng. Trong Xuất-ê-díp-tô-ký 19:16, "Qua sáng ngày thứ ba, có sấm vang chớp nhoáng, một áng mây mịt mịt ở trên núi, và tiếng kèn thổi rất vang động; cả dân sự ở trong trại quân đều run hãi". Chữ 'run hãi' cùng một chữ với 'sợ hãi' trong Ru-tơ 3:8. Dân Y-sơ-ra-ên run hãi vì quyền năng kinh khiếp của Đức Chúa Trời hiện ra tại núi Si-nai.

Dĩ nhiên, khi Chúa Giê-xu lên thập tự giá Ngài phải đối diện với cơn thạnh nộ khủng khiếp của Đức Chúa Trời. Chúa Cứu Thế đứng trước mặt Đức Chúa Trời khi cơn thạnh nộ của Ngài đổ ra để Ngài có thể đền trả hoàn toàn cho tất cả tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ 5:7, "Khi Đấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết". Khi Ngài ở trên thập tự giá đã kêu lớn tiếng: "Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi?" (Mathiơ 27:46). Đây là thực tế của địa ngục khi Ngài đứng trước Đức Chúa Trời phẫn nộ. Đức Chúa Trời đã từ bỏ Chúa Cứu Thế về thể xác, cách thực tế, cách khủng khiếp và có tính cách đời đời bởi vì Ngài đang trả cho tội lỗi của chúng ta. Trong ý nghĩa đó, Chúa Cứu Thế sợ hãi cũng như khi Ngài ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê "Cha ôi, nếu có thể được xin cho chén nầy lìa khỏi con!" (Mathiơ 26:39).

Nếu bạn chưa được cứu. Nếu bạn chưa giao thác ý riêng của bạn cho Chúa Cứu Thế Giê-xu giống như Ru-tơ sắp sửa vâng theo Bô-ô. Nếu bạn không sẵn sàng hạ mình xuống để nhìn lên Chúa Cứu Thế như là Chúa và Cứu Chúa của mình. Khi ngày phán xét đến, bạn sẽ đứng trước cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Trong Cựu Ước, thỉnh thoảng Đức Chúa Trời hình phạt những người không vâng theo Ngài để chứng tỏ cho chúng ta biết rằng cơn thạnh nộ của Ngài đổ trên những người không được cứu. Ngày nay chúng ta đi sâu vào tội lỗi mình và nghĩ rằng không cần lo sợ Đức Chúa Trời. Ngài là một Đấng yêu thương ở trên trời cao kia. Ngài yêu thương nhiều lắm, thông cảm nhiều lắm, cách nầy hay cách khác Ngài sẽ đối xử với chúng ta một cách tử tế. Không! sự việc không phải như vậy đâu, chúng ta chỉ tự đánh lừa mình mà thôi.

Theo một ý nghĩa, Đức Chúa Trời rất kiên nhẫn, nhưng khi ngày phán xét đến, chúng ta sẽ không còn nhìn thấy Ngài như là một người cha nhân từ hay là một người bạn tốt đồng cảnh ngộ hiểu tất cả tội lỗi của chúng ta. Chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài là một Đức Chúa Trời thánh khiết. Chúng ta sẽ thấy Ngài trong oai nghi phẫn nộ, khi Ngài đổ sự hình phạt của Ngài ra trên chúng ta, Ngài sẽ đưa chúng ta vào địa ngục vì cớ tội lỗi của chúng ta. Đây là những điều sẽ xảy đến cho những ai không được cứu.

Bô-ô sợ hãi là hình ảnh về Chúa Cứu Thế, cũng vậy chúng ta cũng sẽ run hãi khi chúng ta đứng trước ngôi phán xét của Đức Chúa Trời, nếu tội lỗi của chúng ta không được che phủ bởi huyết của Ngài. Chúng ta đọc trong Khải huyền 6:15, khi Chúa Cứu Thế đến trên đám mây, "các vua ở trên đất, các quan lớn, các tướng quân, các kẻ giàu, các kẻ quyền thế, các kẻ tôi mọi, các người tự chủ đều ẩn mình trong hang hố cùng hòn đá lớn trên núi, chúng nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?" Đó là cơn thạnh nộ đáng sợ của Đức Chúa Trời chống lại những ai không được cứu.

Xin bạn đừng ngần ngại đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu, đừng hỏi vặn Đức Chúa Trời, hãy vâng phục. Có lời hứa rằng, nếu bạn tin nhận Chúa Giê-xu, nếu bạn giao thác đời bạn cho Ngài, tin cậy Ngài thì bạn sẽ được cứu. Trở lại, chúng ta đọc, "Nửa đêm, Bô-ô sợ hãi, nghiêng mình qua". Lần nữa, chữ dùng ở đây được lựa chọn rất cẩn thận vì Đức Chúa Trời sắp dạy về một lẽ thật thuộc linh. Ngài chọn chữ 'nghiêng mình'. Đây là chữ trong tiếng Hê-bơ-rơ được dùng chỉ một đôi lần, một chỗ rất đầy ý nghĩa được tìm thấy trong Các-quan-xét 16:29, trong câu nầy không được dịch là 'nghiêng mình' mà được dịch là 'với lấy', chúng ta sẽ xem thấy mối liên hệ nầy một cách nhanh chóng.

Trong Các-quan-xét chép về Sam-sôn là một trong các quan xét trên dân Y-sơ-ra-ên, cuối cùng Sam-sôn phạm tội cùng Đức Chúa Trời và nói với Đa-li-la về nguồn gốc sức mạnh của ông. Dĩ nhiên, nguồn gốc sức mạnh của ông từ sự vâng theo Lời của Đức Chúa Trời chớ không phải do tóc ông dài. Vì ông không vâng theo Đức Chúa Trời cho nên người Phi-li-tin cắt tóc của ông làm cho ông mất đi sức mạnh. Họ móc mắt của ông và nhốt ông vào trong ngục.

Trong vòng 20 năm, Sam-sôn là một cái gai trước mắt của họ vì nhiều lần ông đã chống phá họ, không có cách nào họ có thể bắt giữ ông được vì sức mạnh phi thường của ông, vì Đức Chúa Trời ở cùng ông. Bây giờ họ đang ở trong một cái đền rất lớn để kỷ niệm lễ lớn cho thần của họ. Các quan xét 16:27-30, "Vả, đền đầy những người nam người nữ, và hết thảy các quan trưởng Phi-li-tin đều ở đó; tại trên sân mái đền cũng có độ ba ngàn người nam và nữ xem Sam-sôn làm trò. Bấy giờ Sam-sôn kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va mà rằng: Chúa Giê-hô-va ôi! xin Ngài nhớ lại tôi. Hỡi Đức Chúa Trời! xin ban sức lực cho tôi chỉ lần nầy mà thôi, hầu cho tôi báo thù dân Phi-li-tin về sự mất hai con mắt tôi. Sam-sôn với lấy hai cây cột ở chính giữa..." Chữ 'với lấy' trong nguyên văn là cùng một chữ với chữ 'nghiêng mình qua' trong Ru-tơ 3:8.

Điều gì đã xảy ra khi Sam-sôn với lấy hai cây cột đền? "Sam-sôn với lấy hai cây cột ở chính giữa đỡ chịu cái đền, một cây ở bên hữu và một cây ở bên tả, nhận vào, mà rằng: Nguyện tôi chết chung với dân Phi-li-tin! Đoạn người ráng hết sức, xô hai cây cột, đền đổ xuống trên các quan trưởng và cả dân sự ở đó. Ấy vậy, trong lúc chết, Sam-sôn giết nhiều người hơn là giết trong khi còn sống." Bạn thấy ở đây Sam-sôn là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu chết để đem sự cứu rỗi đến cho chúng ta, nhưng trong sự chết của Ngài, Ngài cũng đem lại sự hình phạt đời đời cho những ai chống nghịch lại Ngài. Khi Chúa Giê-xu lên thập tự giá, Ngài mang sự sống đến cho những người tin nhận nơi Ngài, nhưng đó cũng là nơi bảo đảm sự chết đến với những người không được cứu. Kinh Thánh chép trong Hêbơrơ 2:14 "Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Đức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ". Ma quỉ là kẻ cầm quyền trên những người không được cứu, và bởi vì ma quỉ bị hủy diệt tại thập tự giá nên tất cả những người không được cứu chắc chắn sẽ bị xét đoán.

Có ai ở tại thập tự giá nữa? Một người nữ, đó là Ru-tơ, làm hình bóng về những tín hữu được sanh lại, là những người ở dưới sự cai trị của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bởi vì chúng ta đã trở nên được cứu, vì quyền lợi của chúng ta mà Chúa phải sợ hãi lúc nửa đêm. Vì ích lợi cho chúng ta mà sự chết đã đến với Ngài. Chúng ta nằm đó tại nơi chân của Ngài.

Câu 9, "Bô-ô hỏi: Ngươi là ai?" đây là một câu hỏi hợp lý để hỏi Ru-tơ trong trường hợp nầy vì ông không biết chuyện gì đang xảy ra. Bô-ô đang ngủ, giật mình thức dậy lúc nửa đêm, nghiêng mình qua và thấy một người nữ đang ở đó nên hỏi rằng: "Ngươi là ai?" Về thuộc linh, một câu hỏi có thể hỏi là: Chúng ta là ai mà dám đến nơi thập tự giá để tìm Chúa Giê-xu? Kinh Thánh cho biết chúng ta là ai khi chúng ta ở ngoài Chúa Cứu Thế? Vâng, chúng ta được dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời và Ngài yêu thương chúng ta theo ý nghĩa đó, vì là một phần trong công cuộc sáng tạo. Nhưng Kinh Thánh cũng chép rằng, chúng ta bị truất khỏi, giống như nói về kẻ ác, không ai còn nhớ đến nữa.

Chúng ta không có sản nghiệp, chúng ta là khách lạ đối với Chúa. Chúng ta không ra gì cả. Kinh Thánh dùng ngôn ngữ nầy: Chúng ta là giòi bọ dưới cái nhìn của Đức Chúa Trời. Làm sao chúng ta dám đến cùng Chúa Giê-xu? Ngươi là ai mà dám đến cùng ta? Đây là câu hỏi mà Bô-ô đang hỏi Ru-tơ. Chúng ta là ai mà dám đến cùng Chúa Cứu Thế? Chúng ta không xứng đáng với sự cứu rỗi bằng cách nầy hay cách khác.

Nhưng thực tế, Bô-ô là con đường duy nhất mà Ru-tơ có thể có được sản nghiệp cho Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn. Ông là người bà con gần, nàng phải đến với ông. Chúng ta sẽ thấy trong câu trả lời của nàng cho Bô-ô. Cũng vậy, khi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế, chúng ta chỉ đến với hai bàn tay trắng. Chúa Giê-xu phán rằng: "Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha" (Giăng 14:6). Chúng ta chỉ có thể đến cùng Đức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngay cả chúng ta không ra gì cả, ngay cả chúng ta không xứng đáng với sự cứu rỗi, chúng ta cũng dám đến nơi chân thập tự giá một cách khiêm nhường để kêu xin sự thương xót nơi Đức Chúa Trời. "Lạy Chúa, xin thương xót con!"

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)