Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 36 (Ru-tơ 4:9-10)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI BA MƯƠI SÁU
(Ru-tơ 4:9-10)

Trong bài học rồi chúng ta đã thấy vấn đề được phân xử theo như ý của người bà con kia muốn. Người bà con kia được cho cơ hội làm người chuộc nhưng ông đã từ chối làm điều nầy, rồi ông cởi giày ra để bày tỏ rằng đây là quyết định cuối cùng. Chúng ta đã thấy đây là biểu hiện của sự rủa sả trên ông. Ông là đối tượng cho sự rủa sả vì cớ sự không vâng lời làm người chuộc sản nghiệp. Chúng ta cũng đã học thấy đây là hình ảnh của con người chúng ta.

Chúng ta được bảo phải yêu người đồng loại mình, mong muốn điều tốt nhất cho họ nhưng chúng ta đã từ chối làm điều nầy vì thế chúng ta ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời, dưới cơn thạnh nộ của Ngài. Khi đọc đến câu 9,10 chúng ta thấy Bô-ô tuyên bố rằng ông sẵn sàng cưới Ru-tơ và chuộc sản nghiệp lại cho gia đình Ê-li-mê-léc, "Bấy giờ, Bô-ô nói cùng các trưởng lão và cả dân sự rằng: Ngày nay, các ông chứng kiến rằng tôi mua nơi tay Na-ô-mi mọi tài sản thuộc về Ê-li-mê-léc, về Ki-lôn, và về Mạc-lôn, và cũng lấy* Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi, đặng nối danh kẻ chết cho sản nghiệp người; hầu cho danh kẻ chết không mất khỏi giữa anh em mình và khỏi dân sự của thành người; ngày nay các ông làm chứng về điều đó".

Đây là giây phút đáng ghi nhớ cho Ru-tơ và Na-ô-mi, chắc chắn là họ đứng đó để xem sự việc tiến hành như thế nào. Người bà con kia được ban cho cơ hội nhưng ông đã từ chối cơ hội đó. Ông đã không vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ, đó là, cung cấp dòng dõi cho người anh em mình bằng cách cưới người đàn bà góa là vợ của người đã chết. Bây giờ thì Bô-ô thực hiện lời hứa của ông với Ru-tơ. Khi người bà con kia từ chối thì Bô-ô nói chắc chắn bằng lời thề rằng ông sẽ cưới Ru-tơ. Không một phút ngần ngại, ông hứa với những người trưởng lão và những người chứng kiến rằng ông sẽ cưới nàng. Một điều thú vị là chúng ta cứ thấy lặp đi lặp lại: "Ru-tơ người Mô-áp". Ông vừa mới nói với người bà con kia rằng: "phải mua luôn bởi Ru-tơ, người Mô-áp" trong câu 5. Chúng ta đoán là vì ông muốn cưới Ru-tơ cho nên ông nhấn mạnh nàng là "người Mô-áp", bị rủa sả.

Tất nhiên ai cũng biết việc nầy, thành Bết-lê-hem là một thành nhỏ, người bà con kia và Bô-ô bà con rất gần với Na-ô-mi và Ru-tơ cho nên không lý do gì cho ông phải nói "người Mô-áp". Ngay cả khi ông nói với người bà con kia trong câu 5 ông cứ chêm câu nầy vào "Ru-tơ, người Mô-áp". Tất cả mọi người đều biết Ru-tơ người Mô-áp tại sao lại phải chêm câu nầy vào hoài? Như chúng ta đã thấy trong những bài học trước, họ dùng ngôn ngữ như vậy không phải tại vì họ muốn nhưng Đức Thánh Linh hướng dẫn họ nói để chép lại trong Kinh Thánh qua đó Đức Chúa Trời ban cho chúng ta bài học thuộc linh.

Ru-tơ người Mô-áp là hoàn cảnh của chúng ta trước khi được cứu, chúng ta bị rủa sả! Câu chuyện lịch sử nhấn mạnh tình yêu rất cao cả về phía Bô-ô: "Hơn nữa, Ru-tơ người Mô-áp tôi sẽ lấy* nàng làm vợ". Đây là lời xưng nhận của Bô-ô với những người trưởng lão. Tôi sẵn sàng lập gia đình với một người đàn bà bị rủa sả, người không được vào nhà hội đến mười đời. Nếu các ông quyết định rằng tôi sẽ bị rủa sả, tôi không thể vào nhà hội, hay bất cứ các ông quyết định thế nào. Có lẽ đối với các ông nàng không đáng thương, nàng không có sản nghiệp, gia đình nàng cũng vậy, trừ khi tôi cưới nàng. Bởi vì tôi yêu nàng nên tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả, vì tình yêu của tôi đối với nàng.

Thật là một tình yêu cao đẹp! Tôi tin rằng trong Kinh Thánh không chỗ nào diễn tả tình yêu đẹp như thế nầy. Rằng Bô-ô sẽ cưới người đàn bà bị rủa sả và phải gánh chịu tất cả mọi hậu quả, rằng Bô-ô cưới người ngoại bang thấp hèn chỉ vì tình yêu? Vâng, Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bằng tình yêu của Ngài, Ngài đã cung cấp sự cứu rỗi cho chúng ta. Ngài yêu chúng ta đang khi chúng ta bị rủa sả. Ngài yêu chúng ta đang khi chúng ta ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Để cưới chúng ta Ngài phải bị rủa sả, có phải vậy không? Để cho chúng ta được làm vợ của Ngài, điều cần thiết Ngài phải hạ mình xuống, từ bỏ vinh hiển như chúng ta đọc trong Phi-líp 2:8 "Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự".

Ngài đã trở nên giống như con người tội lỗi của chúng ta trừ ra Ngài không có tội. Ngài chấp nhận để cho con người đánh đập, nhổ vào mặt. Vâng, những người nhổ vào mặt không nhận biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời tối cao, họ xem Ngài như bị Đức Chúa Trời rủa sả cho nên họ nhổ vào mặt, đánh đập, vu oan, tố cáo Ngài. Thật không dễ dàng cho Chúa Giê-xu trở thành người bà con, người chuộc, người cưới chúng ta. Về phía Chúa Giê-xu vấn đề thật không đơn giản trong giai đoạn nầy, nhưng đó chỉ là mới bắt đầu.

Khi Chúa Giê-xu bị con người khinh khi, xem như bị Đức Chúa Trời rủa sả, còn hơn thế nữa, chính Ngài đã bị Đức Chúa Trời rủa sả. Khi Ngài có ý định cưới chúng ta thì Ngài phải gánh lấy sự rủa sả của chúng ta. Vì bị rủa sả chúng ta không được vào nhà hội đến mười đời. Nói theo thuộc linh có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ đến với sự hiện diện thánh của Đức Chúa Trời. Chúng ta phải ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đời đời. Nhưng Chúa Giê-xu đã gánh lấy sự rủa sả đó để Đức Chúa Trời trút cơn thạnh nộ của Ngài ra trên Chúa Giê-xu tương đương với sự hình phạt trong địa ngục đời đời. Tình yêu đó thật cao cả tuyệt vời làm sao!

Chúng ta không thể tìm được lời lẽ nào để diễn tả tình yêu lạ lùng của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đó là tình yêu của Chúa Giê-xu hầu cho chúng ta được sự sống đời đời. Làm sao chúng ta có thể sống một đời sống biết ơn Ngài? Làm sao chúng ta tạ ơn Ngài cho đủ về sự cứu rỗi tuyệt vời như vậy? Mỗi buổi sáng chúng ta nên thức dậy sớm với tấm lòng rộn rả vui mừng: Tôi đã được cứu, tôi là vợ hứa của Chúa Cứu Thế Giê-xu, tôi sẽ có được sự nghiệp, tôi đã bị rủa sả nhưng giờ đây tôi có sự sống đời đời. Chúa ôi, con yêu Ngài nhiều lắm! Vì con yêu Ngài nên con muốn vâng theo lời Ngài.

Điều chứa đựng chính trong lời cầu nguyện của chúng ta phải là: Xin Chúa giúp con vâng theo lời Ngài. Xin Chúa giúp con sống một đời sống trung tín với Ngài để xứng đáng với những điều Ngài đã làm cho con, rằng Ngài phải gánh lấy sự rủa sả của con, Ngài phải ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, Ngài đã gánh lấy hình phạt mà đáng lý ra con phải chịu... Tình yêu của Ngài thật cao cả vô cùng. Đây là điều Đức Chúa Trời dạy chúng ta trong câu 9,10 nầy. Chú ý ông nói trong câu 9: "Bấy giờ, Bô-ô nói cùng các trưởng lão và cả dân sự rằng: Ngày nay, các ông chứng kiến rằng tôi mua nơi tay Na-ô-mi mọi tài sản thuộc về Ê-li-mê-léc, về Ki-lôn, và về Mạc-lôn".

Bạn thấy không? Tất cả những gì Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn, Ki-li-ôn có đã bán đi rồi. Ông mua lại bởi tay Na-ô-mi, có nghĩa là theo ý muốn của Na-ô-mi. Trong Kinh Thánh chữ "tay" đồng nghĩa với "ý muốn". Khi Kinh Thánh chép "tay của Đức Chúa Trời", dĩ nhiên, Đức Chúa Trời là thần, Ngài không có tay, "tay của Đức Chúa Trời" có nghĩa là ý muốn của Đức Chúa Trời. Ý của Na-ô-mi muốn việc mua nầy được thực hiện, nếu không bà sẽ không có sản nghiệp. Bà là bà góa nói thay cho gia đình người chết. Bô-ô đã mua tất cả những gì thuộc về gia đình đó, thêm nữa ông cũng mua Ru-tơ, người Mô-áp.

Việc mua ruộng đất bằng tiền bạc thì có lý nhưng việc mua vợ là ngôn ngữ thật buồn cười. Theo sự kiện lịch sử ông chỉ đơn giản nói: Thêm nữa, về Ru-tơ vợ Mạc-lôn tôi đồng ý cưới nàng để duy trì dòng dõi cho người anh em tôi đã chết. Nhưng ở đây nói: "và cũng lấy* Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của Mạc-lôn, làm vợ tôi". Ngôn ngữ nầy cũng được cẩn thận lựa chọn bởi Đức Thánh Linh của Chúa và được chép lại cho chúng ta. Chúng ta cần phải được mua mới có thể trở nên vợ của Chúa Cứu Thế. Kinh Thánh tuyên bố: "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết" (Rô-ma 6:23). Nói cách khác, giá phải trả cho tội lỗi của chúng ta là hình phạt đời đời trong địa ngục. Cách duy nhất để chúng ta có thể thoát khỏi trách nhiệm trả nợ đó là có ai đó phải trả món nợ nầy. Nghĩa là người đó phải chịu hình phạt đời đời dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

Khi Chúa cứu chúng ta Ngài phải mua chúng ta, Ngài trả nợ cho chúng ta bằng chính huyết của Ngài. Kinh Thánh chép, "Ngài phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người" (Ma-thi-ơ 22:28). Chúng ta được mua bằng giá của chính huyết Ngài, Kinh Thánh tuyên bố như vậy, vì thế, chúng ta thuộc về Ngài, là vật sở hữu của Ngài. Chúng ta là vợ, là con cái của Ngài đời đời vì Ngài đã mua chúng ta. Bạn có thể thấy được trong sách Ru-tơ, sách đã được chép 1.100 năm trước khi Chúa Giê-xu ra đời, Đức Chúa Trời đã hé mở kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Ngài viết sách nầy gần giống như một sách trong Tân ước. Toàn bộ kế hoạch cứu rỗi cho thế gian đã được bày ra đây trước mắt chúng ta trong sách Ru-tơ. Vì tình yêu của Ngài đối với thế gian cho nên Ngài đã chuộc nó để qua đó Ngài sẽ cung cấp sự cứu chuộc cho những người đến với Ngài bằng tấm lòng nhu mì, hạ mình, đau thương thống hối như Ru-tơ người Mô-áp đã đến với Bô-ô. Chúng ta hãy xem lại lần nữa để thấy được vẻ đẹp của hình bóng mà Đức Chúa Trời thiết lập ở đây.

Trong gia đình của Ê-li-mê-léc chúng ta thấy sự chết: Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn, Chi-li-ôn chết; chúng ta thấy góa bụa: Na-ô-mi và Ru-tơ góa bụa. Tất cả những người trong gia đình đó là hình bóng về bạn và tôi. Chúng ta bị phá sản về thuộc linh khi chúng ta đứng trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta chết trong tội lỗi mình, bị cắt đứt khỏi Đức Chúa Trời, "Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình" (Ê-phê-sô 2:1). Chúng ta chết, góa bụa, không chồng, không ai có thể cung cấp sản nghiệp cho chúng ta, đời sống của chúng ta chấm dứt. Khi Bô-ô cưới Ru-tơ, ông cung cấp cho nàng một người chồng, cung cấp sản nghiệp cho Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn, Na-ô-mi và dĩ nhiên là cho Ru-tơ. Đây là hình ảnh về sự cứu rỗi của chúng ta. Chúa Cứu Thế cưới chúng ta, chúng ta là vợ Ngài, chúng ta được sanh lại, vì thế chúng ta có được sản nghiệp, vì thế chúng ta không còn bị chết về thuộc linh nữa.

Có một câu chúng ta cần chú ý đến là câu 11: "Cả dân sự hiện ở nơi cửa, và các trưởng lão, đều đáp rằng: Chúng tôi làm chứng điều đó." Bạn có nhớ là có bao nhiêu người trưởng lão ở cổng thành không? Trong Ru-tơ 4:2 chúng ta đọc: "Bô-ô bèn chọn mười người trong các trưởng lão của thành, mà rằng: Các ông hãy ngồi đây. Các trưởng lão bèn ngồi." Họ là những người sẽ làm chứng cho diễn tiến nầy. Số mười là số biểu hiện cho sự hoàn tất như chúng ta thấy nhiều lần được dùng trong Kinh Thánh: mười đồng bạc mất, một trăm con chiên, ngàn đời, nhưng số mười có ý nghĩa gì ở đây? Trước hết chúng ta thấy rằng họ là những người làm chứng, họ thấy những gì xảy ra.

Một điều thú vị là trong Tân-ước chúng ta tìm thấy số mười được dùng cách tương tự như vậy. Vâng, dù chúng ta không đọc thấy số mười nhưng số mười được làm hình bóng ở đây. Trong Giăng 20, các môn đồ được Chúa Giê-xu chào sau khi Ngài sống lại là mười người. Giu-đa không có ở đó vì ông đã phản bội Chúa, Thô-ma cũng không có ở đó khi Chúa Giê-xu đến với họ vì vậy chỉ có mười môn đồ. Ngài nói với họ trong câu 21, "Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy." Các môn đồ được sai đi để làm gì? Họ được sai ra để làm chứng cho những gì họ thấy. Kinh Thánh chép: "Còn các ngươi cũng sẽ làm chứng về ta, vì các ngươi đã ở cùng ta từ lúc ban đầu vậy" (Giăng 15:27). Mười môn đồ là hình bóng về sự hoàn tất kế hoạch của Đức Chúa Trời sai hội thánh đi ra để làm chứng về Tin Lành. Ngài hà hơi trên họ và nói, "Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh". Nhận lãnh Đức Thánh Linh ở đây có nghĩa là được giao cho nhiệm vụ rao giảng Tin Lành.

ười người trưởng lão tại cổng là hình bóng về những tín hữu trên thế giới làm chứng về những gì Chúa Giê-xu đã làm cho mình. Chúng ta có thể đi khắp thế giới tuyên bố: "Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian", Ngài quá yêu thế gian nên Ngài đã đến để chuộc nó lại qua con Một của Ngài. Rồi Ngài tuyên bố rằng: "hầu cho hễ ai tin", nghĩa là, hầu cho hễ ai đến với Ngài một cách khiêm nhường như Ru-tơ thì họ sẽ biết được tình yêu của Đức Chúa Trời như Ru-tơ biết được tình yêu của Bô-ô.

ài học tới chúng ta sẽ tìm hiểu xem Đức Chúa Trời muốn nói gì trong ngôn ngữ nầy: "Nguyện Đức Giê-hô-va làm cho người nữ vào nhà ngươi giống như Ra-chên và Lê-a, là hai người đã dựng nên nhà Y-sơ-ra-ên!" Điều nầy liên hệ gì đến Tin Lành cứu rỗi?

* Nguyên văn: "mua".

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)