NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
BÀI SÁU
(Ru-tơ 1:19-2:2)
Trong bài học rồi chúng ta xem xét quyết định của Ru-tơ và ọt-ba đứng trước Na-ô-mi, Na-ô-mi đang chuẩn bị trở về quê hương của bà là nước Do Thái, nơi mà bà nhận biết có một Đức Chúa Trời thật. Ru-tơ và ọt-ba là công dân của một xứ bị rủa sả là xứ Mô-áp. Đó là hình ảnh của những người trên thế gian ngày hôm nay, những người chưa được cứu, những người đang ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy rằng ọt-ba đã trở lại quê hương của nàng giống như nhiều người ngày hôm nay khi họ đối diện với Tin Lành. Họ nhận ra rằng nếu muốn được cứu thì họ phải ăn năn tội lỗi của họ, có nghĩa là họ phải thay đổi lối sống, nghĩa là mục đích, kế hoạch của đời họ phải đổi mới. Họ quyết định: "Không! tôi phải trở lại đời sống cũ của tôi, tôi không muốn loại Tin Lành đó. Nếu tôi có "tin lành" nào thoải mái, cho phép tôi sống gần giống như tôi sống trước kia, thêm vào đó tôi được nhìn nhận bởi Chúa Giê-xu, tôi sẽ rất vui với loại "tin lành" như vậy, nhưng tôi không muốn loại Tin Lành nào đòi hỏi tôi phải thay đổi về vật chất nầy trong mục đích, kế hoạch của đời sống tôi."
Mặt khác, chúng ta thấy Ru-tơ bám theo Na-ô-mi, cô sẵn sàng gắn bó cuộc đời còn lại của cô với bà, bất chấp điều gì xảy đến cho cô, giống như là một đức tin mù quáng, không biết gì cả về những gì sẽ xảy đến cho cô ở tại xứ Y-sơ-ra-ên. Đó là một hình ảnh đẹp về những tín hữu được sanh lại đang trên đường dẫn đến sự cứu rỗi. Chúng ta sẵn sàng giao thác đời sống của chúng ta cho Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta chuẩn bị bước một bước thật xa bởi đức tin, tin vào những gì Kinh Thánh nói, ngay cả chúng ta không thể thấy sự sống đời đời, thấy thiên đàng hay thấy Chúa Giê-xu bằng đôi mắt xác thịt nầy. Chúng ta đọc về Đức Chúa Trời, về thiên đàng trong Kinh Thánh và chúng ta sẵn sàng tin tưởng tất cả những điều đó là chân thật và chính xác.
Bây giờ chúng ta thấy Na-ô-mi và Ru-tơ trở về từ Mô-áp là một xứ bị rủa sả để đến Bết-lê-hem, là Nhà bánh, nơi mà Tin Lành thật có thể tìm thấy được. Câu 19-21: "Vậy hai người đi đến Bết-lê-hem. Khi hai người đến cả thành đều cảm động. Các người nữ hỏi rằng: Ấy có phải Na-ô-mi chăng? Người đáp: Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra, vì Đấng Toàn năng đã đãi tôi cách cay đắng lắm. Tôi đi ra được đầy dẫy, nhưng Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không. Đức Giê-hô-va đã giáng họa cho tôi, và Đấng Toàn năng khiến tôi bị khốn khổ, vậy còn gọi tôi là Na-ô-mi làm chi?" Chúng ta nhớ, tên Na-ô-mi có nghĩa Chúa tôi là ngọt ngào, Na-ô-mi đã từng sống tại Bết-lê-hem, nơi dân tộc của bà, nơi có sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Có cơn đói kém xảy ra trong xứ, bà cùng với chồng và hai con đã đến xứ Mô-áp, ở đó họ đã quay lưng lại với Đức Chúa Trời nên Ngài đã cất đi hết tất cả, làm cho Na-ô-mi bị trắng tay. Đức Chúa Trời khiến vậy để cho bà nhận ra bà bị phá sản, không còn gì cả. Bà bảo đừng gọi tôi là Na-ô-mi, nghĩa là Chúa tôi ngọt ngào, gọi tôi là Ma-ra, là cay đắng! Bà đã đạt đến chỗ nhận biết rằng vì hành động của bà, vì lối sống của bà cho nên Đấng Toàn năng đã đãi bà một cách cay đắng.
Đây là hình bóng của những gì sẽ xảy ra khi chúng ta quay khỏi Chúa. Trước hết, khi chúng ta bắt đầu đi theo đường lối riêng của chúng ta, chúng ta tiến đến sự hủy diệt, vì bản chất của tội lỗi là hủy diệt. Có thể chúng ta không thấy điều nầy ngay tức thì, nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ thấy những điều đó trong ngày phán xét, "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết" (Rô-ma 6:23). Điều mà chúng ta có thể thấy ngay tức thì là Chúa sẽ giữ lại những ơn phước của Ngài, những sự việc sẽ không xảy ra giống như khi ta sống gần với Chúa.
Trước khi chúng ta sẵn sàng ủy thác chúng ta cho Chúa, trước khi chúng ta gieo mình vào tay Chúa như là Na-ô-mi cùng với Ru-tơ sắp sửa làm, thì Chúa phải hạ chúng ta xuống. Kinh Thánh chép trong Thi Thiên 54:17 "Của lễ đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là tâm thần đau thương: Đức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu". Vì Chúa sửa phạt những ai mà Ngài yêu và nhận làm con (Hê-bơ-rơ 12:6). Ngài đưa chúng ta đến chỗ để chúng ta sẽ nhận ra rằng mình không còn sức lực gì nữa cả, đến khi chúng ta nhìn nhận rằng nếu để tự chúng ta, chúng ta sẽ không có cách nào trở lại cùng Cha được. Những việc lành của chúng ta không có một chút giá trị, những động cơ thúc đẩy của chính chúng ta không có nghĩa lý gì trước mặt Chúa. Cho đến khi chúng ta đạt đến điểm đó, chúng ta chưa sẵn sàng để được Chúa nhận, chúng ta chưa sẵn sàng để được cứu. Chúng ta đến với Chúa giống như Na-ô-mi và Ru-tơ đã đến Bết-lê-hem, chúng ta nhận ra rằng vì cớ tội lỗi của chúng ta, Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta khốn khổ. Na-ô-mi nói: "Đức Giê-hô-va dắt tôi về tay không". Đó là cách chúng ta đến với Chúa, chúng ta trống không trước mặt Chúa và Ngài là Đấng sẽ đổ đầy chúng ta bằng Thánh Linh của Ngài, đây là con đường dẫn đến sự cứu rỗi.
Chúng ta đọc câu 22: "Na-ô-mi và Ru-tơ, người Mô-áp..." Một điều rất đáng chú ý trong sách Ru-tơ, đó là chúng ta liên tục đọc thấy mấy chữ nầy: "Ru-tơ, người Mô-áp". Trong câu nầy chúng ta không chỉ đọc thấy: "Ru-tơ, người Mô-áp" nhưng chúng ta cũng đọc: "từ ở xứ Mô-áp trở về". Khi đến đoạn 2 chúng ta sẽ thấy "Ru-tơ, người Mô-áp" được lặp đi lặp lại nhiều lần nữa. Điều nầy có ý nghĩa gì? ễ đây Đức Chúa Trời nhấn mạnh rằng: Ru-tơ, người Mô-áp, là một người bị rủa sả. Dân Mô-áp là dân tộc bị rủa sả, việc họ vào trong xứ của Y-sơ-ra-ên là điều chưa bao giờ nghe nói đến trước kia, bởi vì họ là dân tộc ở dưới sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Chúa không muốn chúng ta quên, nên Ngài cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây là một điều lạ trong câu chuyện tình, bạn có thể nghĩ rằng người viết sẽ không nhấn mạnh điểm nầy thêm nữa, chúng ta đã biết rồi, tại sao phải nhắc đi nhắc lại rằng cô là người bị rủa sả, là dân Mô-áp?
Nhưng chúng ta thấy Chúa có lẽ thật thuộc linh ở đây: Ru-tơ là thí dụ về bạn và tôi trước khi chúng ta được cứu. Nhân loại bị rủa sả bởi Đức Chúa Trời, nhân loại không xứng đáng để được cứu rỗi. Chúng ta không có gì dính líu đến Bết-lê-hem, chúng ta không có thể tự mình đến cùng Đức Chúa Trời được, bởi vì chúng ta đã bị rủa sả, "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết". Đức Chúa Trời có thể bỏ tất cả chúng ta vào trong địa ngục, không một ai trong chúng ta xứng đáng với sự cứu rỗi, không một ai trong chúng ta có thể nhìn lên Chúa mà nói rằng: Ngài phải thương xót tôi. Không có hoàn cảnh nào bắt buộc Đức Chúa Trời phải cứu chúng ta, tất cả chúng ta đều là tội nhân chống nghịch lại cùng Chúa, chúng ta phải chịu tất cả mọi hình phạt cho tội lỗi của chúng ta. Chúng ta bị rủa sả giống như "Ru-tơ, người Mô-áp", chúng ta ở trong xứ Mô-áp, ở trong thế gian bị rủa sả. Bất cứ điều gì xảy ra cho Ru-tơ là chỉ bởi ân điển mà thôi, cô không xứng đáng, cô thuộc về một dân tộc bị rủa sả, là dân Mô-áp. Chúa không muốn chúng ta quên đi rằng, cô không xứng đáng gì, cũng như chúng ta hay là tất cả nhân loại trên thế gian nầy không có ai xứng đáng.
Chú ý câu nầy: "Hai người đến Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch". Đó là một câu lạ phải không? Tại sao Chúa lại đặt trong câu chuyện tình nầy? Điều đó có ý nghĩa gì? Theo dữ kiện của câu chuyện tình thuộc về lịch sử nầy, chúng ta có thể nói Ru-tơ thật sự hứa hôn với Bô-ô vào cuối mùa gặt. Khi mùa gặt bắt đầu là mùa xuân, trải qua suốt mùa hạ, và đến mùa thu là cuối mùa gặt, cho nên thời gian tìm hiểu giữa Bô-ô và Ru-tơ có thể kéo dài 4, 5 tháng. Chúng ta có thể kết luận như vậy qua câu: "Hai người đến Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch". Nhưng khi chúng ta học sách Ru-tơ, chúng ta tìm thấy rằng mỗi câu đều có ý nghĩa đặc biệt. Đức Chúa Trời không viết những câu nầy như là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay tình cờ.
Đức Chúa Trời muốn nói gì khi Kinh Thánh chép: "Hai người đến Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch?" Người Do thái có một ngày lễ khi bắt đầu mùa gặt, đó là ngày lễ Ngũ tuần. Họ có ngày lễ khác nữa là lễ Lều tạm, còn gọi là lễ Mùa màng, kỷ niệm vào mùa thu và là cuối mùa gặt (Nê-hê-mi 8:13-18, Giăng 7:2). Nhưng bắt đầu mùa gặt, khi gặt bông lúa đầu tiên thì họ kỷ niệm ngày lễ Ngũ tuần (Phục 16:9-12, Công vụ 2:1). Có điều gì quan trọng về ngày lễ Ngũ tuần? Chúng ta nhớ lại, vào ngày lễ Ngũ tuần năm 33, sau khi Chúa Giê-xu gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời, Ngài sống lại và về trời thì Đức Thánh Linh giáng xuống. Ngày lễ Ngũ tuần đó Đức Chúa Trời bắt đầu chương trình truyền giảng Tin Lành cho thế giới, lúc đó Hội thánh Tân ước đầu tiên được thành lập, và Tin Lành bắt đầu đi ra khắp thế gian. Vào ngày lễ đó, Phi-e-rơ giảng một bài giảng có 3.000 người được cứu.
Chúng ta có một bức tranh ở đây, Ru-tơ và Na-ô-mi về Bết-lê-hem nhằm đầu mùa gặt lúa mạch. Khi chúng ta tiếp tục học trong Đoạn 2, chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời dùng Ru-tơ là hình ảnh của người tin Chúa Giê-xu. Chúng ta đã bắt đầu thấy điều nầy khi nàng quyết định theo Na-ô-mi, khi cô rời bỏ xứ sở bị rủa sả của cô và đến Bết-lê-hem, là Nhà bánh. Thật là đầy ý nghĩa khi Chúa gắn liền sự việc nầy vào đầu mùa gặt. Ru-tơ là hình ảnh của tất cả những người sẽ được cứu trên thế gian qua chương trình truyền bá phúc âm của Ngài. Sự cứu rỗi ban cho những người nầy thật sự bắt đầu từ ngày lễ Ngũ tuần, là ngày mà Chúa đổ Đức Thánh Linh xuống.
Chúng ta đã biết về Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn và Ki-li-ôn, chúng ta cũng đã gặp Ru-tơ, ọt-ba là hai dâu của Na-ô-mi, bây giờ chỉ còn lại Na-ô-mi và Ru-tơ. Bắt đầu đoạn 2 chúng ta được giới thiệu về một người mới, người bà con gần của Na-ô-mi. "Na-ô-mi có một người bà con bên chồng, người có quyền thế và giàu, về họ hàng Ê-li-mê-léc, tên người là Bô-ô." (Câu 1). Chúng ta sẽ đọc nhiều thêm về Bô-ô và sẽ thấy Bô-ô là hình bóng về Chúa Giê-xu. Ông là một trong những người bà con gần nhất của Na-ô-mi, có lẽ là anh em họ hay là chú. Trong tiếng Hê-bơ-rơ chữ "người cứu chuộc" cũng có nghĩa "người bà con". Đức Chúa Trời không chỉ ra Bô-ô là hình bóng về Chúa Giê-xu Christ trong chữ nầy, Ngài chỉ đơn giản giới thiệu về một sự kiện lịch sữ rằng Bô-ô là người bà con gần của Na-ô-mi. Có một điều thú vị khi nói rằng ông là người quyền thế và giàu. Chúa Giê-xu là người cứu chuộc của chúng ta, Ngài cũng là người bà con khi Ngài trở nên giống như chúng ta. Ngài mang lấy thân xác con người, từ bỏ mọi vinh hiển của Ngài để gắn liền với chúng ta, trong ý nghĩa đó Ngài là người bà con của chúng ta. Điều đó không có nghĩa là Ngài trở nên rất nghèo, trong thực chất Ngài vẫn là Đức Chúa Trời toàn năng, là Đấng cai quản cả thế gian. Điều nầy được làm kiểu mẫu bởi Bô-ô ở đây, ông là người quyền thế và giàu có.
Bây giờ chúng ta đọc: "Ru-tơ, người Mô-áp...", chú ý chỗ nầy chép "Ru-tơ, người Mô-áp" thêm một lần nữa, Ru-tơ thuộc về dân tộc bị rủa sả, "...thưa cùng Na-ô-mi rằng: Xin để cho con đi ra ngoài ruộng, đặng mót gié lúa theo sau kẻ sẵn lòng cho con mót. Na-ô-mi đáp: Hỡi con, hãy đi đi. Vậy, Ru-tơ đi theo sau các con gặt mà mót trong một ruộng kia. Té ra may cho nàng gặp sở đất của Bô-ô, về họ hàng Ê-li-mê-léc" (Câu 2). Chúng ta thấy một hình ảnh ở đây, dĩ nhiên, theo bối cảnh lịch sử Na-ô-mi và Ru-tơ thì nghèo, họ góa bụa, họ không có của cải vật chất, họ bị mất tất cả. Nhưng họ phải sống, cho nên Ru-tơ đi ra mót lúa trong ruộng cũng như một người ăn mày. Theo luật lệ thời bấy giờ, những người gặt không được gặt kỹ quá, nếu có bông lúa nào sót thì không được lượm lại, họ phải để những bông lúa nầy cho những người nghèo trong xứ lượm lấy. ễ đây, Ru-rơ là một người ăn mày, một trong những người nghèo nhất trong xứ đi vào ruộng mót lúa để có đồ ăn mà sống.
Chúng ta thấy ở đây là hình ảnh của người bắt đầu tìm kiếm thức ăn thuộc linh, chúng ta không bắt đầu tìm kiếm sự sống đời đời trong sự kiêu ngạo của chúng ta bằng cách đến với những người sẽ tôn trọng ta, chúng ta không đến bằng sức mình, chúng ta đến như là người nghèo khó. Hãy nhớ Chúa Giê-xu nói: "Phước cho kẻ có lòng khó khăn... Phước cho những kẻ than khóc." Bạn thấy không? Đó là hình ảnh của những ai thật sự tìm kiếm ân điển của Đức Chúa Trời, tìm kiếm bánh thuộc linh, tìm kiếm sự cứu rỗi. Những ai nhận ra rằng tự mình không ra gì, đời sống thuộc linh bị phá sản, chỉ còn một điều là tha thiết muốn được cứu.
Dĩ nhiên, trong câu chuyện lịch sử Ru-tơ chỉ tìm đồ ăn cung cấp cho sự sống về thể xác, nhưng trong ý nghĩa thuộc linh ở đây, chúng ta thấy cô là hình ảnh của những người tìm kiếm đồ ăn thuộc linh mà có thể ban cho họ sự sống đời đời. Chú ý Ru-tơ nói: "Xin để cho con đi ra ngoài ruộng, đặng mót gié lúa theo sau kẻ sẵn lòng cho con mót.*" Ân huệ hay ân điển là một sự ban cho mà người nhận không xứng đáng. Ru-tơ không xứng đáng, bất cứ thứ gì cô tìm gặp trong cánh đồng nầy đều không do cô làm ra. Cô không trồng, không chăm sóc, không làm lụng trên cánh đồng nầy. Đi đến đó để mót lúa đơn giản là hưởng lấy ân huệ của người khác ban cho, ban cho bởi ân điển. Đó là hoàn cảnh khi chúng ta được cứu, khi chúng ta đến với Chúa Giê-xu chúng ta không làm ra bất cứ điều gì mà chúng ta nhận được, tất cả là bởi ân điển, chúng ta không xứng đáng gì cả.
* Nguyên văn "theo sau kẻ mà con có thể thấy ân huệ (ân điển)."
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)