Trang Bìa > Đời Sống & Đức Tin > Bạn Đọc Hỏi Đáp > Đặc tính của đời sống chưa được cứu (1Côrinhtô 6:9-10)  


Câu hỏi:
Xin giải thích phần Kinh Thánh 1Côrinhtô 6:9-10. Đặc biệt xin giải thích ý nghĩa "kẻ hà tiện" "kẻ chắt bóp" trong thực tế nghĩa là gì?

Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gởi cho chúng tôi thắc mắc. Sau đây chúng tôi xin được trả lời như sau:

Phần Kinh Thánh 1Côrinhtô 6:9-10 liệt kê ra những loại tội lỗi chính yếu đặc trưng trong cách sống của những người chưa được cứu. Những người chưa được cứu, và vì thế cứ sống trong những tội lỗi liệt kê tại đây, "không được hưởng nước Đức Chúa Trời."

"Nước Đức Chúa Trời" nói lên vương quốc dành cho những ai thuộc về Đức Chúa Trời trong đức tin. Đức Chúa Trời là vua cai trị vương quốc ấy. Cơ Đốc Nhân khi tiếp nhận Đức Chúa Trời trong đời này đã bước vào vương quốc đó nhưng vẫn còn chờ đợi sự đến của vương quốc đó một cách trọn vẹn trong tương lai khi chúng ta thật sự được đối mặt với Đức Chúa Trời. Dù Cơ Đốc Nhân thật vẫn còn phạm phải những tội lỗi liệt kê trong hai câu này nhưng đó không phải là lối sống thường trực của họ. Họ vẫn phạm tội, ăn năn và hết lòng muốn đắc thắng tội lỗi chứ không cứ miệt mài trong tội lỗi.

"Kẻ tà dâm": những người chìu theo những sự đồi bại về tình dục, đặt vấn đề tình dục là trước hết bất chấp đạo lý luân thường.
"Kẻ thờ hình tượng": những người thờ phượng những thần tượng hay đi theo những tôn giáo sai lạc. Thờ hình tượng còn có một ý nghĩa khác đó là chúng ta xem điều gì đó quan trọng hơn, ưu tiên hơn Chúa: tiền bạc, của cải vật chất, danh vọng, thú vui, gia đình, con cái...
"Kẻ ngoại tình": những người đã lập gia đình có những quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Còn có ý nghĩa nữa là: Khi chúng ta được cứu thì đã "hứa hôn" với Chúa, vì Chúa đã chuộc mua chúng ta khỏi tội lỗi, chúng ta phải giữ lòng chung thủy với Chúa cho đến khi gặp mặt Ngài, có nghĩa là không phạm tội nữa. Nếu chúng ta phạm tội có nghĩa là chúng ta đã phạm tội ngoại tình.
"Kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc": những người bỏ đi quan hệ tình dục tự nhiên giữa người nam và người nữ mà chọn lấy quan hệ tình dục khác thường như đồng tính luyến ái, người nam muốn ăn mặc cung cách như người nữ hay ngược lại...
"Kẻ trộm cướp": Những người đoạt lấy tài sản của người khác một cách không chính đáng, lấy đi những gì không thuộc về mình thí dụ đi làm tranh thủ giờ của sở để làm việc riêng. Không dâng lại cho Chúa những gì Chúa ban cho mình cũng gọi là ăn trộm.
"Kẻ say sưa": Những người sống trong sự bê tha rượu chè, đam mê hay nghiện ngập một thứ gì đó.
"Kẻ chưởi rủa": Những người muốn gây thương tổn người khác bằng lời nói của mình.
"Kẻ hà tiện" "Kẻ chắt bóp":
Cả hai chữ bạn hỏi đặc biệt này "kẻ hà tiện" và "kẻ chắt bóp" căn bản đều chỉ về tội tham lam. Chúng tôi tra xem chữ "kẻ hà tiện" trong các bản Kinh Thánh tiếng Anh là chữ "covetous" dịch sát là "kẻ tham lam". Nhưng cho dù là tham lam hay hà tiện thì ý nghĩa về cơ bản cũng khá tương đồng nếu chúng ta giải thích rõ ràng và chính xác. Tiếng Việt chúng ta thường dùng lẫn lộn hai chữ "hà tiện" và "tiết kiệm" nhưng thật ra chúng tôi nghĩ hai chữ này khác nhau. Người tiết kiệm là người biết sử dụng tiền bạc một cách hợp lý, có hiệu quả, không phung phí không đúng chỗ. Thế thì tiết kiệm là điều tốt và nên làm. Tuy nhiên người hà tiện là người yêu mến tiền bạc quá đáng đến nỗi đặt nó lên làm thần tượng trên đời sống mình, không dám tiêu xài tiền vì sợ nó hao hớt đi. Dù bên ngoài chúng ta khó phân biệt được ai là người hà tiện ai là người tiết kiệm nhưng động cơ trong lòng mỗi người sẽ phân biệt người đó là hà tiện hay tiết kiệm. Nếu người đó tính toán chi tiêu vì muốn sử dụng tiền bạc mình một cách ích lợi, cắt bỏ những khoản không cần để dùng vào những việc ích lợi khác thì đó là tiết kiệm. Nhưng nếu người đó tính toán chi tiêu vì muốn trong túi mình lúc nào cũng đầy tiền thì người ấy là người hà tiện và phạm tội tham lam tiền bạc. "Kẻ chắt bóp" ở đây nói đến những người cố "vắt" "moi" ra tiền bằng mọi cách dù có thiệt thòi cho người khác. Như thế chung qui người này cũng mắc tội tham lam. Lòng tham là cốt lõi của vấn đề "hà tiện" và "chắc bóp" tại đây.

Chúng tôi không thể đưa ra cho bạn một tiêu chuẩn cụ thể thế nào là "hà tiện" "chắt bóp" trong đời sống thực tế vì thực tế cuộc sống rất đa dạng và hoàn cảnh sống mỗi nơi mỗi khác. Hơn nữa, như chúng tôi có trình bày ở trên, vấn đề là ở động cơ trong lòng mà quyết định đó có phải là "hà tiện" "chắt bóp" hay không. Dù là tội nào đi nữa, đọc tiếp câu 11 chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta trước đây ai cũng có phần trong những tội lỗi đó, và thậm chí sau khi tin Chúa chúng ta vẫn còn vấp phải. Tuy nhiên điều khác biệt lớn là đã tin Chúa, chúng ta không cứ miệt mài sống trong những tội lỗi đó một cách nghiễm nhiên xem như không có chuyện gì phải suy nghĩ. Chúng ta vẫn phạm tội nhưng chúng ta ăn năn và muốn từ bỏ tội. Còn những ai cứ sống trong những tội lỗi đó như cách sống bình thường của mình thì chắc chắn là người chưa tin Chúa và vì thế không được hưởng nước Đức Chúa Trời.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)