Câu hỏi:
Bà Mari có đồng trinh trọn đời không?
Trả lời:
Thứ nhất, chúng tôi xin nói rằng thật ra đối với các giáo hội Tin Lành, việc bà Mari có đồng trinh trọn đời hay không là không quan trọng. Chúng tôi cũng không hiểu xuất phát từ đâu mà khi nói đến sự khác biệt giữa Tin Lành và Thiên Chúa Giáo thì mọi người hay cho rằng "Tin Lành không tin đức mẹ đồng trinh". Thật ra theo Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng bà Mari hoài thai Chúa Giêxu trong sự đồng trinh của bà, "Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt trên là Em-ma-nu-ên." (Êsai 7:14), "Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta." (Mathiơ 1:23). Chúng tôi tin rằng bà Mari đồng trinh cho đến khi sanh Chúa Giêxu ra nhưng sau đó thì bà cũng sống như những người phụ nữ có chồng khác tuy nhiên chúng tôi không cho rằng đây là điểm khác nhau cơ bản và quan trọng nhất giữa Tin Lành và Công Giáo. Để tham khảo thêm về đề tài sự khác biệt giữa Công Giáo và Tin Lành theo cái nhìn của Tin Lành, xin bạn vui lòng tham khảo câu hỏi "Tin Lành và Thiên Chúa Giáo: Điểm khác biệt - Lịch Sử Giáo hội" trong phần "Bạn Đọc Hỏi Đáp" của chúng tôi. Về lý do vì sao chúng tôi không tin bà Mari đồng trinh trọn đời chúng tôi sẽ giải đáp ở phần sau này.
Thứ hai, vấn đề quan trọng đối với Tin Lành liên quan đến bà Mari là vấn đề có tôn thờ bà Mari hay không. Khác với Thiên Chúa Giáo, dù Tin Lành rất kính trọng bà Mari, nhìn nhận rằng bà Mari là một người nữ tin kính và đầu phục Đức Chúa Trời trọn vẹn đến nỗi bà chấp nhận chương trình của Đức Chúa Trời cho Chúa Giêxu hoài thai trong lòng bà khi bà đã hứa hôn, chưa chính thức lập gia đình. Điều đó là một thử thách đức tin quá lớn đối với một người nữ. Thêm nữa theo luật pháp của Cựu ước, vì lúc bà sống vẫn còn trong giai đoạn Cựu ước, thì bà phải bị ném đá chết. Thế nhưng bà Mari đã nói: "Tôi đây là tôi tớ Chúa; xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!" (Luca 1:38). Khi bà nhận lãnh công tác hoài thai và sanh Chúa Giêxu ra thì bà cũng đã chấp nhận cái chết đến với bà tuy nhiên vì đức tin của bà nơi Chúa bà kể sự ấy là một phước lớn. Kinh Thánh cũng cho biết bà Mari là người "được ơn trước mặt Đức Chúa Trời" (Luca 1:30) và trong lời nói của bà cũng cho chúng ta thấy rằng bà là một người khiêm nhường, "Ma-ri bèn nói rằng: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi. Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là có phước; Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh, Và Ngài thương xót kẻ kính sợ Ngài từ đời nầy sang đời kia" (Luca 1:46-50). Chúng ta để ý ở đây việc Chúa dùng bà sanh ra Chúa Giêxu là một ân huệ đối với bà vì Chúa đã đoái đến bà và làm các việc lớn cho bà. Xin đừng hiểu lầm rằng chúng tôi không tôn trọng bà Mari. Tuy nhiên, chúng tôi tôn kính bà Mari trong phạm vi của một con người mà không phải là thánh thần hay một người mẹ của Chúa và có quyền như Chúa vì bà chỉ là một công cụ Chúa dùng để sanh ra Chúa Giêxu mà thôi. Đó là điểm khác biệt với Thiên Chúa Giáo. Niềm tin Tin Lành dựa trên cơ sở lời Kinh Thánh rằng: "Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không" (Rôma 3:10). Vì thế, dù là bà Mari, hay các sứ đồ thời xưa đã từng thấy Chúa, đã chết vì Chúa, hay thậm chí nhà cải chánh Martin Luther là người thành lập giáo hội Cải Chánh, cũng đều là con người. Mà đã là con người thì Kinh Thánh cho biết đều đã phạm tội, đều có những lỗi lầm riêng của mình. Chúng ta không thể nhờ bất kỳ một con người nào dù thiện hảo nhất để tìm kiếm sự cứu rỗi của chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta biết: "Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu." (Công vụ 4:12), nghĩa là ngoài Chúa Giêxu không có con người nào ban cho chúng ta sự cứu rỗi được. Vì thế, giả sử bà Mari có thật sự đồng trinh trọn đời, nghĩa là bà không hề gần gũi người nam nào trọn đời mình, thì vai trò của bà trong niềm tin Tin Lành vẫn không thay đổi. Sự hoài thai ra Chúa Giêxu trong sự đồng trinh là công việc diệu kỳ của Đức Chúa Trời chớ không phải của chính bà Mari (Luca 1:35) dù như chúng tôi có trình bày ở trên, bà nêu một gương sáng cho chúng ta về sự thuận phục và tin cậy Đức Chúa Trời.
Thứ ba, vấn đề bà Mari có đồng trinh trọn đời hay không. Như bạn có đề cập với chúng tôi, Mathiơ 12:46 chép: "Khi Đức Chúa Jêsus còn phán cùng dân chúng, thì mẹ và anh em Ngài đến đứng ngoài, muốn nói cùng Ngài." Chúng tôi có xem phần trình bày của bạn về vấn đề người thời đó hay đặt tên theo dòng họ và có thể đây là bà Mari khác. Tuy nhiên, nếu Kinh Thánh ở đây chép rằng "... thì bà Mari và các con bà đến đứng ngoài..." thì có thể lý giải theo cách của bạn được, đàng này Kinh Thánh ghi rất rõ "mẹ và anh em Ngài đến đứng ngoài". Tại đây không đề cập đến tên Mari nào mà chỉ nói rằng mẹ và anh em Ngài. Những câu tiếp theo đó cũng nói đến mẹ và anh chị em Chúa nữa. Vâng, đối với người cùng làng cùng thời lúc đó thì bà Mari và các con khác của bà là mẹ và anh em của Chúa Giêxu nhưng Chúa Giêxu muốn dùng cơ hội nầy để nói cho họ biết rằng việc quan hệ ruột thịt đó không có gì là quan trọng. Ngài chỉ tạm thời sanh ra và lớn lên trong gia đình đó qua chương trình của Đức Chúa Trời chớ thật ra Ngài là Con của Đức Chúa Trời vì vậy những người nào tin Chúa thật và được cứu thì có sự quan hệ ruột thịt với Ngài. Chúng tôi xin lỗi nếu chúng tôi chưa hiểu rõ ý bạn muốn nói, nếu vậy, xin bạn vui lòng trình bày lại cho chúng tôi. Ngoài ra, chúng ta còn tìm thấy một bằng chứng nữa về việc bà Mari còn có con nữa sau khi sanh Chúa Giêxu. Galati 1:19 chép: "Nhưng tôi không thấy một sứ đồ nào khác, trừ ra Gia-cơ là anh em của Chúa." Như vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Giêxu có một người em (vì Chúa Giêxu là con đầu lòng của bà Mari) tên là Giacơ. Chúng tôi xác nhận sự thật là bà Mari đồng trinh cho đến khi sanh Chúa Giêxu: "Khi Giô-sép thức dậy rồi, thì làm y như lời thiên sứ của Chúa đã dặn, mà đem vợ về với mình; song không hề ăn ở với cho đến khi người sanh một trai, thì đặt tên là Jêsus." (Mathiơ 1:24-25). Chúng ta chú ý đến mấy chữ đặc biệt ở đây: "cho đến khi" (trong nguyên văn chỉ là một chữ). Khi đọc câu nầy thì chúng ta hiểu như thế nào? Chữ "cho đến khi" giải thích cho chúng ta vấn đề nầy. Chữ nầy cho chúng ta hiểu rằng một việc không xảy ra cho tới một thời điểm nào đó rồi xảy ra. Khi chữ "cho đến khi" được dùng trong một câu thì thường không cần có vế thứ hai, "Họ đến kiếm các thầy tế lễ cả và các trưởng lão mà rằng: Chúng tôi đã thề với nhau rằng chẳng ăn chi hết cho đến lúc giết được Phao-lô" (Công vụ 23:14), khi đọc câu nầy chúng ta hiểu ngay là những người nầy không ăn chi hết cho đến lúc giết được Phao-lô, dù trong câu đó không nói rằng họ sẽ ăn lại nhưng chúng ta hiểu rằng họ sẽ ăn lại vì nếu không họ sẽ chết đói hết. Theo ý nghĩa đó, ông Giôsép và bà Mari không có quan hệ vợ chồng "cho đến khi" sanh Chúa Giêxu ra, rồi sau khi đó thì ông bà cũng là vợ chồng như bao nhiêu vợ chồng khác vì ông bà vẫn sống chung với nhau cho đến khi Chúa Giêxu lớn lên. Chúng ta đọc thấy câu chuyện họ đi lên đền thờ lúc Chúa Giêxu mười hai tuổi. Chữ "cho đến khi" hay "cho đến" nầy được dùng nhiều lần trong Tân ước để chỉ về một việc gì đó không xảy ra cho đến một thời điểm nào đó rồi xảy ra. Một câu Kinh Thánh nữa mà chúng ta cần chú ý, "Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở." (Luca 2:7). Nếu bà Mari đồng trinh trọn đời không có con nữa thì chắc câu nầy nên chép là: "Người sanh con trai một của mình..." nhưng câu nầy nói rất rõ "con trai đầu lòng" có nghĩa là bà còn có con nữa và Chúa Giêxu là con đầu lòng của bà. Chúng ta biết rằng sách Luca chép một thời gian lâu sau khi Chúa Giêxu về trời cho nên không có sự nhầm lẫn vì không biết trước ở đây. Chúng tôi tin rằng sau khi sanh Chúa Giêxu, bà tiếp tục sống với chồng và sanh thêm những con cái khác như mọi người phụ nữ khác.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)