Trang Bìa > Đời Sống & Đức Tin > Bạn Đọc Hỏi Đáp > Công Giáo có phép rửa tội, Tin Lành có tin không?  


Câu hỏi:
Công Giáo có phép rửa tội, Tin Lành có tin không? Tại sao? Tin Lành tin những phép nào?

Trả lời:
Chúng tôi tin rằng bí tích rửa tội mà bạn nói đến của giáo hội Công Giáo hay được so sánh với thánh lễ báp têm của Tin Lành. Sỡ dĩ hai bí tích này có thể được so sánh với nhau vì hình thức tương tự của nó, nghĩa là có sử dụng nước. Các giáo phái Tin Lành cũng có khác nhau về thánh lễ báp têm này. Căn bản có thể chia làm hai loại: báp têm theo kiểu dìm mình trong nước và kiểu rảy nước. Hai hình thức này không chỉ khác nhau về mặt hình thức mà quan trọng hơn là hoàn toàn khác nhau về ý nghĩa đàng sau nó. Một số giáo phái Tin Lành làm phép báp têm cho tín hữu bằng cách dìm mình, nghĩa là người tín hữu phải hoàn toàn dìm mình trong nước (hồ, sông). Phép báp têm này mang ý nghĩa rằng khi người đó chìm xuống nước là người đó chết đi con người cũ của mình khi chưa tin Chúa và khi bước lên khỏi nước là sống lại với con người mới trong Đấng Christ. Phép báp têm này thường được thực hiện cho những tín hữu mới tin Chúa, sau khi đã học lớp giáo lý căn bản, và quyết định công xưng đức tin của mình trước hội thánh, hoặc cho các con em tín hữu lớn lên trong hội thánh ở độ tuổi 14-15 là tuổi có thể hiểu biết và quyết định công xưng đức tin cá nhân mình. Phép báp têm này tóm lại mang ý nghĩa "đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ". Một số giáo phái Tin Lành khác làm phép báp têm bằng cách rảy nước: nghĩa là mục sư rảy một ít nước lên đầu của người được làm báp têm. Phép báp têm này mang ý nghĩa hoàn toàn khác với phép báp têm đã trình bày ở trên. Nó tương đương với phép cắt bì của dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước. Phép báp têm rảy nước này thường được thực hiện cho các trẻ sơ sinh trong hội thánh, hoặc những người mới tin nhận Chúa và luôn cả con cái của họ. Ý nghĩa của nó là sự nhìn nhận những người đó và con cái của họ vào tập thể cộng đồng tín hữu, giống như những con trai của dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa khi sanh ra đến ngày thứ tám được làm phép báp têm để làm dấu hiệu rằng chúng nó thuộc dân tộc thánh của Đức Chúa Trời, dù chúng nó chưa hề có sự hiểu biết ý thức về đức tin cá nhân mình. Phép báp têm này được làm cho con trẻ trên cơ sở đức tin của cha mẹ đứa trẻ nhìn nhận con mình được sanh ra hoặc nuôi dưỡng trong cộng đồng các thánh đồ và sự cam kết của ba mẹ sẽ nuôi nấng dưỡng dục con mình trong sự hiểu biết và kính sợ Đức Chúa Trời.

Tuy nhiên, dù là hình thức dìm mình hay rảy nước, phép báp têm của Tin Lành chỉ mang giá trị là dấu hiệu bên ngoài. Nó làm hình bóng về tội lỗi được rửa sạch bởi huyết báu của Chúa Giêxu. Các giáo phái Tin Lành không tin rằng nước của lễ báp têm có quyền rửa thật sự tội hoặc bí tích báp têm có hiệu lực gì cho sự cứu rỗi. Tuy nhiên cũng có một số người tưởng lầm và tin rằng khi một người nhận lễ báp têm rồi thì người đó sẽ được cứu vì họ dựa vào câu Kinh Thánh Giăng 3:5, "Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời." Sự hiểu lầm nầy rất nguy hại vì có nhiều người đinh ninh rằng họ đã được cứu rồi nhưng khi đến ngày cuối cùng thì họ mới nhận ra rằng họ phải đứng trước ngôi phán xét của Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh có nhiều chữ ám chỉ đến nghĩa bóng chớ không phải nghĩa đen cũng giống như khi Chúa dạy Ngài hay dùng thí dụ, ẩn dụ, "Ấy bởi nhiều lời thí dụ như cách ấy mà Ngài giảng đạo cho họ, tùy theo sức họ nghe được. Ngài chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí dụ; nhưng, khi ở riêng, Ngài cắt nghĩa hết cho môn đồ mình" (Mác 4:33-34). Chữ nước ở câu Kinh Thánh ở trên có nghĩa là lẽ đạo cứu rỗi của Chúa chớ không phải nước mà con người dùng để làm lễ báp tem hay trong phép rửa tội, "Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi; nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó, văng ra cho đến sự sống đời đời." (Giăng 4:13-14), "Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy." (Giăng 7:38). Chúng ta thấy đó, Chúa Giêxu dùng nước làm hình bóng cho cứu rỗi mà Ngài ban cho chúng ta. Cho nên nước mà con người dùng trong lễ báp tem hay phép rửa tội không có hiệu lực thực tế gì cả vì chúng ta biết rằng không có một hành động nào của con người có thể cứu rỗi được người ta và cũng không có ai trên đất nầy có quyền tha tội. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền tha tội, "Sao người nầy nói như vậy? Người nói phạm thượng đó! Ngoài một mình Đức Chúa Trời, còn có ai tha tội được chăng?" (Mác 2:7). Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời cho nên Ngài cũng có quyền tha tội qua sự chết chuộc tội của Ngài, "Vả, để cho các ngươi biết rằng Con người ở thế gian có quyền tha tội..." (Mác 2:10). Chúng ta được tha tội, được cứu qua lời của Chúa, qua lẽ đạo cứu rỗi của Ngài chớ không phải qua nước của các thánh lễ.

Ngoài thánh lễ báp têm, Tin Lành còn một bí tích nữa là tiệc thánh. Tiệc thánh này được thực hiện theo bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêxu với môn đồ Ngài khi Chúa Giêxu bẻ bánh và lấy chén trao cho môn đồ mà nói "Này là thân thể ta... Nầy là huyết ta..." (1Côrinhtô 11:23-29). Ý nghĩa của tiệc thánh này là nhắc nhở về sự chết của Chúa Giêxu cho chúng ta và nhắc nhở mỗi người xét mình sống xứng đáng với sự hy sinh của Ngài đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta rao giảng về Chúa cho người khác, "Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến." (1Côrinhtô 11:26). Bánh và chén của tiệc thánh theo quan niệm của các giáo phái Tin Lành đều mang ý nghĩa tượng trưng mà hoàn toàn không có điều gì năng quyền siêu nhiên thật sự. Tin Lành không tin bánh và chén đó thật sự biến thành thân và huyết Chúa Giêxu hay Chúa Giêxu thật sự hiện diện trong bánh và chén đó.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)