Trang Bìa > Đời Sống & Đức Tin > Bạn Đọc Hỏi Đáp > Có nên cầu nguyện xin Chúa báo trả kẻ thù nghịch như trong Thi Thiên 83?  


Câu hỏi:
Chúng ta có nên cầu nguyện xin Chúa báo trả kẻ thù nghịch như trong Thi Thiên 83 hay Thi Thiên 94 không?

Trả lời:
Chúng tôi đã xem lại cả hai Thi Thiên 83 và 94. Chúng tôi thấy rằng nội dung của cả hai thi thiên này là lời cầu nguyện xin Đức Chúa Trời báo ứng cho kẻ thù nghịch. Điều nầy dường như mâu thuẩn trong lời dạy của Chúa Giêxu phải không? "Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi" (Mathiơ 5:44). Chúa Giêxu cũng dạy rằng: "Song ta bảo các ngươi, đừng chống cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn; nếu ai muốn kiện ngươi đặng lột cái áo vắn, hãy để họ lấy luôn cái áo dài nữa; nếu ai muốn bắt ngươi đi một dặm đường, hãy đi hai dặm với họ. Ai xin của ngươi, hãy cho, ai muốn mượn của ngươi, thì đừng trớ." (Mathi ơ 5:39), và trong Rôma 12:20 có chép: "Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người." Như vậy theo lời Chúa, chúng ta là con cái Chúa thì sẽ không thù ghét bất cứ ai trên đất nầy dù cho có người cố tình làm hại, xúc phạm hay gây tổn thương cho chúng ta. Bổn phận của chúng ta là nhịn nhục, giao thác mọi sự trong tay Chúa và cầu nguyện cho họ. Tại sao chúng ta lại cầu nguyện cho người cố tình làm hại chúng ta? Câu trả lời rất đơn giản và dễ hiểu: Nếu chúng ta thật là con cái Chúa, chúng ta sống theo lời dạy của Ngài mà có người tự nhiên vô cớ ghen ghét chúng ta và cố tình làm hại chúng ta thì hành động đó chứng tỏ là người đó chưa được cứu. Vì tình yêu thương linh hồn của người hư mất mà Chúa đặt để trong chúng ta thì chúng ta sẽ cầu nguyện cho người đó để họ cũng được cứu như chúng ta. Điều nầy nói thì dễ nhưng rất khó làm nếu không nhờ sự thêm sức của Chúa. Khi chúng ta tin cậy và muốn vâng theo lời của Chúa thì chính Ngài sẽ thêm sức cho chúng ta để chúng ta có thể làm được những điều Ngài dạy. Như vậy thì chúng tasẽ hiểu những Thi Thiên như Thi Thiên 83 và 94 như thế nào?

Tại đây chúng ta sẽ xem Thi Thiên 83 mà thôi vì Kinh Thánh không cho biết rõ tác giả Thi Thiên 94 nên chúng ta không tiện phân tích. Tuy nhiên, về cơ bản hai thi thiên này mang cùng một ý. Thi Thiên 83 là bài hát hay bài Thi Thiên của Asáp làm. Asáp là một người đồng thời với Đavít. Đavít giao cho Asáp nhiệm vụ hát xướng trong đền của Chúa trước hòm giao ước "Vậy, Đa-vít đặt A-sáp và anh em người tại đó, trước hòm giao ước của Đức Giê-hô-va, hầu cho mỗi ngày phục sự luôn luôn ở trước hòm, làm việc ngày nào theo ngày nấy." (1Sửký 16:37), "Các người ấy đều ở dưới quyền cai quản của cha mình là A-sáp, Giê-đu-thun, và Hê-man, để ca-xướng trong đền Đức Giê-hô-va với chập chỏa, đờn sắt, đờn cầm, và phục sự tại đền của Đức Chúa Trời, theo mạng lịnh của vua." (1Sửký 25:6). Chúng ta đọc trong Thi Thiên 83 thì thấy tác giả kêu xin Chúa báo thù kẻ thù nghịch giống như những lời rủa sả. Nhưng nếu để ý kỷ thì chúng ta sẽ thấy rằng tác giả nói đến kẻ thù nghịch của Chúa chớ không phải kẻ thù nghịch của mình dù kẻ thù nghịch nầy muốn làm hại dân sự của Chúa. Tác giả cầu xin Chúa tiêu diệt kẻ thù nghịch không phải vì lòng căm tức nhưng vì cớ danh Chúa. Chúng ta ngày nay cũng vậy, khi chúng ta bị người khác làm hại chúng ta không nên căm tức mà cầu xin Chúa rủa sả họ. Chúng ta hãy trao phó điều đó cho Chúa. Chúa là Đấng sẽ báo thù bởi vì người nào muốn làm hại con cái của Chúa thì Chúa xem như đụng đến Ngài, chống cự và thù nghịch cùng Ngài như lời Chúa trong 2:8 chép: "Vì Đức Giê-hô-va vạn quân phán rằng: Sau sự vinh hiển, rồi Ngài sai ta đến cùng các nước cướp bóc các ngươi; vì ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt Ngài." Biết vậy rồi thì chúng ta sẽ an tâm mà không oán giận, thù ghét ai. Tuy nhiên ngày nay chúng ta còn có một kẻ thù rất lớn, đó là ma quỉ. Ma quỉ như sư tử rống đi xung quanh chúng ta để tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được. Chúng ta có thể cầu xin Chúa ngăn trở nó làm hại chúng ta hoặc người khác. Chúng ta có thể cầu nguyện xin Chúa làm bại mưu của ma quỉ muốn lôi kéo người khác xa cách Chúa. Ma quỉ có thể dùng con người để làm công việc nầy, chúng ta không nên ghét những người đó vì họ cũng là con người có điều là họ làm tôi mọi cho ma quỉ, chúng ta cần cầu nguyện cho họ.

Trở lại với lời cầu nguyện của Asáp, chắc hẳn Asáp đã viết ra những thi thiên này trong bối cảnh các dân tộc ngoại bang hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên và kêu cầu Đức Chúa Trời bởi cánh tay năng quyền Ngài báo trả điều đó. Dân Y-sơ-ra-ên là hình bóng về hội thánh, về con cái Chúa, còn dân ngoại là hình bóng về những người không được cứu, của thế gian tội lỗi. Trong ý nghĩa đó, lời kêu xin Đức Chúa Trời báo ứng những kẻ ác để báo đáp cho những sự bức hại của họ đã đối cùng con cái Ngài là một điều thích hiệp. Chúng ta nhớ trong Khải Huyền 6:9-10 cũng trình bày một ý tương tự : "Khi Chiên Con mở ấn thứ năm, tôi thấy dưới bàn thờ có những linh hồn của kẻ đã chịu giết vì đạo Đức Chúa Trời và vì lời chứng họ đã làm. Chúng đều kêu lên lớn tiếng rằng: Lạy Chúa là Đấng thánh và chơn thật, Chúa trì hưỡn xét đoán và chẳng vì huyết chúng tôi báo thù những kẻ ở trên đất cho đến chừng nào?" Tuy nhiên, cũng trong các câu này cho chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ báo ứng nhưng trong thời điểm nào là một vấn đề khác. Trong trường hợp các thánh tuận đạo này, chúng ta thấy Đức Chúa Trời vẫn "trì hưỡn" chưa báo ứng dù chắc chắn Ngài sẽ làm điều đó TRONG THỜI ĐIỂM CỦA NGÀI VÀ TRONG CÁCH CỦA NGÀI. Chúng tôi tin rằng Đức Chúa Trời cũng có thể báo ứng trong những ngày trên đất. Tuy nhiên, trong khá nhiều trường hợp dường như chúng ta chưa thấy sự báo ứng của Đức Chúa Trời được thực hiện trên đất này và nếu có thì dường như cũng chưa thỏa đáng. Thực tế chúng ta vẫn thấy nhiều kẻ ác được thịnh vượng. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng có nói nhiều về sự suy bại chắc chắn của kẻ ác. Vậy chúng ta sẽ giải thích điều này ra sao? Chúng ta tin rằng sự báo ứng tối hậu của Đức Chúa Trời cho kẻ ác là trong ngày cuối cùng khi Chúa trở lại. "Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến đỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy." (Truyền Đạo 12:14)

Chúng tôi hiểu những điều chúng tôi trình bày với bạn là nói thì dễ mà làm thì rất khó. Thật ra, không phải trong lĩnh vực này mà trong mọi lĩnh vực của đời sống con cái Chúa, làm theo Lời Chúa thì lúc nào cũng rất khó cả, thậm chí khó đến nỗi chúng ta không thể nào làm được tự mình và chúng ta cần sự tha thứ của Chúa luôn vì ai trong chúng ta có thể làm trọn những điều Kinh Thánh ghi chép dù đã tin nhận Chúa? Ai trong chúng ta không một lần phạm tội ghen ghét hay rủa thầm người khác trong lòng mình? Thế mà Kinh Thánh cho rằng tội ghét người khác cũng giống như tội giết người vậy! Chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều hoàn cảnh mà trong đó chúng ta thấy phải làm theo lời Chúa là dại dột thiệt thòi vì dường như Đức Chúa Trời vẫn im lặng trước những bất công! Tại sao chúng ta cứ phải làm theo Lời Chúa trong khi nhiều người khác cứ mặc sức làm theo ý riêng họ và gây quá nhiều thương tổn thiệt thòi cho chúng ta? Tại sao Đức Chúa Trời vẫn im lặng? Đây cũng là một thử thách cho đức tin chúng ta? Liệu chúng ta có tin Chúa đủ để làm theo lời Chúa trong khi mình bị quá nhiều thiệt thòi thương tổn không? Tuy nhiên, Đức Chúa Trời hứa sẽ báo ứng và sự báo ứng tối hậu tuyệt đối là còn chờ đợi cho đến khi Ngài đến. Chính vì vậy mà trong đời sống này, con cái Chúa dường như bị thiệt thòi khi phải vâng theo Lời Chúa. Đây là một thực tế chớ không phải là một cảm giác. Chính Kinh Thánh cũng khẳng định điều đó: 1Côrinhtô 15:19 "Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết."

Chúng tôi xin được gởi đến bạn đoạn Kinh Thánh sau đây, ước ao nó góp phần yên ủi bạn và cũng là sự yên ủi cho tất cả những con cái Chúa trong đời tạm này: "Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta... Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay; không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy. Vì chúng ta được cứu trong sự trông cậy, nhưng khi người ta đã thấy điều mình trông cậy rồi, ấy không phải là trông nữa: mình thấy rồi, sao còn trông làm chi? Song nếu chúng ta trông điều mình không thấy, ấy là chúng ta chờ đợi điều đó cách nhịn nhục. Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta. (Rô-ma 8:18-27)

Như có lần chúng tôi đã trình bày với bạn trong đề tài cầu nguyện: Chúng ta cầu nguyện cùng Chúa như con đối với cha vậy, yêu thương gần gũi, tin cậy nhưng cũng không thiếu tôn kính. Chúng ta có thể giãi bày hết cho Cha nỗi thương tổn của chúng ta do những người khác gây nên nhưng phải với lòng khiêm nhường tôn kính, tin rằng Cha công bình khôn ngoan tuyệt đối và Ngài biết làm gì và sẽ làm điều công bình trong ý muốn của Ngài. Chúng ta hãy nhường sự báo ứng cho Chúa và giữ mình khỏi trách Chúa khi Ngài chưa hành động theo sự trông đợi của chúng ta.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)