Trang Bìa > Đời Sống & Đức Tin > Bạn Đọc Hỏi Đáp > Đức Chúa Trời có linh hồn không? Thân vị của Ngài?  


Câu hỏi:
Đức Chúa Trời có linh hồn không? Nếu Ngài có linh hồn thi thân vị của Ngài có bị giới hạn không? Giữa Holy Ghost và Divine có khác không?

Trả lời:
Trước hết, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng vượt ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Ngài chẳng là người như chúng ta và cũng không bị giới hạn bởi những quy luật bất di bất dịch của thế giới thọ tạo này. Vì vậy, khi suy nghĩ về Đức Chúa Trời, khi suy gẫm về Ngài và thân vị của Ngài, chúng ta cần ghi nhớ một điều rằng: Chúng ta nên cất bỏ đi những khuôn mẫu trong tâm trí của chúng ta. Cũng giống như khi ở trên mặt đất này chúng ta biết rằng mọi vật gì hễ buông xuống thì nó phải rơi xuống mặt đất vì mọi vật trên trái đất nầy đều ở dưới định luật vạn vật hấp dẫn bởi sức quay của trái đất. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng các phi hành gia khi đi ra khỏi bầu khí quyển này thì khi uống nước hay đánh răng cũng là chuyện không đơn giản vì mọi sự đều lơ lửng không trọng lượng! Thế thì chúng ta hiểu rằng cũng tương tự như vậy, Đức Chúa Trời không thuộc thế giới con người của chúng ta nên Ngài không phải bị giới hạn trong những quy luật của chúng ta. Trong khi con người của chúng ta có bắt đầu và kết thúc, Đức Chúa Trời là Đấng vô hạn đời đời, "Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng nên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời." (Thi Thiên 90:2). Con người chúng ta bị giới hạn bởi không gian và thời gian thì Đức Chúa Trời là vô sỡ bất tại, có nghĩa là Ngày ở khắp mọi nơi, "Đức Giê-hô-va phán: Có người nào có thể giấu mình trong các nơi kín cho ta đừng thấy chăng? Đức Giê-hô-va phán: Há chẳng phải ta đầy dẫy các từng trời và đất sao?" (Giêrêmi 23:24). Con người chúng ta phải được ai đó tạo ra thì Đức Chúa Trời là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có nghĩa là Ngài tự có và còn mãi, "Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; rồi Ngài lại rằng: Hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Đấng Tự Hữu đã sai ta đến cùng các ngươi" (Xuất 3:14).

Đức Chúa Trời đẹp lòng bày tỏ chính mình Ngài cho chúng ta được biết qua Kinh Thánh. Chúng ta tra xem Kinh Thánh và tìm hiểu về một Đức Chúa Trời vô hạn vĩ đại hơn khả năng hiểu biết của chúng ta. Chúng ta cũng nên biết rằng những gì Kinh Thánh cho chúng ta biết về Đức Chúa Trời là những gì Đức Chúa Trời đẹp lòng bày tỏ cho chúng ta về Ngài, ngoài ra, còn những điều gì khác nữa về Ngài, có lẽ chúng ta cần phải chờ đợi đến khi gặp Ngài mới hiểu biết được trọn vẹn. Với tinh thần đó, chúng tôi xin được trả lời với bạn những gì chúng ta tìm thấy được từ Kinh Thánh về Đức Chúa Trời, còn chính Đức Chúa Trời với trọn vẹn sự oai nghi siêu việt của Ngài có lẽ không trí tuệ nào của chúng ta có thể dò lường được.

Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy, "Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy" (Giăng 4:24). Kinh Thánh không có câu nào nói rõ về vấn đề bạn nêu lên là Đức Chúa Trời có linh hồn hay không. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khái niệm linh hồn theo chúng ta hiểu về con người là con người gồm thể xác và hồn linh thì không áp dụng cho Đức Chúa Trời được. Đức Chúa Trời hoàn toàn là thần, là linh. Ngài không mang thân thể hữu hạn như con người của chúng ta. Ngài không giống như chúng ta có linh hồn và thể xác để rồi khi thể xác này hư nát đi thì linh hồn còn sống động.

Đức Chúa Trời có nhiều thần tánh như:
- Không thấy được, "Nguyền xin sự tôn quí, vinh hiển đời đời vô cùng về nơi Vua muôn đời, không hề hư nát, không thấy được, tức là Đức Chúa Trời có một mà thôi! A-men." (1Timôthê 1:17).
- Không trí tuệ nào thấu hiểu được, "Ơi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!" (Rôma 11:33).
- Tồn tại đời đời, "Bây giờ, hãy xem ta là Đức Chúa Trời, Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác. Ta khiến cho chết và cho sống lại, Làm cho bị thương và chữa cho lành, Chẳng có ai giải cứu khỏi tay ta được. Vì ta giơ tay chỉ trời Mà thề rằng: Ta quả thật hằng sống đời đời" (Phục truyền 32:39-40).
- Toàn năng (có quyền năng làm bất cứ điều gì), "Ta đã hiện ra cùng Áp-ra-ham, cùng Y-sác, và cùng Gia-cốp, tỏ mình là Đức Chúa Trời toàn năng; song về danh ta là Giê-hô-va, thì ta chưa hề tỏ cho họ biết." (Xuất Êdíptô ký 6:3).
- Toàn tri (biết hết mọi sự), "Ta sẽ đánh chết con cái nó; và mọi Hội thánh sẽ rõ ta là Đấng dò biết lòng dạ loài người; và ta sẽ tùy công việc của mỗi người trong các ngươi mà báo lại." (Khải huyền 2:23).
- Toàn tại (ở khắp mọi nơi), "Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa? Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó, Ví tôi nằm dưới âm-phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó. Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông, bay qua ở tại cuối cùng biển, tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi, tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi. Nếu tôi nói: Sự tối tăm chắc sẽ che khuất tôi, ánh sáng chung quanh tôi trở nên đêm tối, thì chính sự tối tăm không thể giấu chi khỏi Chúa, ban đêm soi sáng như ban ngày, và sự tối tăm cũng như ánh sáng cho Chúa." (Thi Thiên 139:7-12).
- Không hề thay đổi, "Đức Chúa Jêsus Christ hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi." (Hêbơrơ 13:8).

Với tất cả những thần tánh trên chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không bị bất kỳ một giới hạn nào cả.

Về câu hỏi của bạn giữa "Holy Ghost" và "Divine" có khác nhau không, có lẽ chúng tôi cần được bạn trình bày rõ hơn mới có thể trả lời cho tận tường được. Tại đây, chúng tôi chỉ xin được trả lời trên phương diện thuần túy chữ nghĩa. Chữ "Holy Ghost" dùng trong Kinh Thánh để chỉ về Đức Thánh Linh. Chữ "Divine" có nghĩa là "Thần" "Thần Linh" "Thần Thánh". Chúng tôi tra xem trong bản Kinh Thánh King James Version thấy rằng chữ "divine" (không phải là "Divine") được dùng đa số theo các ý nghĩa như sau: động từ "divine" có nghĩa là "bói" (Sáng Thế Ký 44:15, 1Samuên 28:8, Êxêchiên 13:9, 23, 21:29) hoặc "nói tiên tri" (Michê 3:6,11) ; tính từ "divine" có nghĩa là "thuộc về thần linh" "thuộc thần thánh" (Hêbơrơ 9:1) mà một số nơi trong Kinh Thánh tiếng Việt dịch thẳng là "của Đức Chúa Trời" (2Phierơ 1:3,4) "của Chúa" (Châm ngôn 16:10).

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)