Trang Bìa > Đời Sống & Đức Tin > Bạn Đọc Hỏi Đáp > Tin Lành và Thiên Chúa Giáo: Điểm khác biệt - Lịch sử giáo hội  


Câu hỏi:
Xin cho tôi được biết nhiều hơn về đạo Tin Lành và Thiên Chúa Giáo. Giữa hai đạo Tin Lành và Thiên Chúa Giáo có gì khác biệt với nguồn gốc lịch sử hình thành?

Trả lời:
Cảm ơn bạn viếng thăm website của chúng tôi. Chúng tôi đã nhận được thắc mắc của bạn và xin được trả lời như sau:

Trước hết, chúng tôi xin được trình bày với bạn những điểm căn bản nhất của niềm tin Tin Lành để từ đó có thể đưa ra sự khác biệt giữa Công Giáo và Tin Lành. Niềm Tin Tin Lành tin vào Đức Chúa Trời theo như Kinh Thánh bày tỏ. Kinh Thánh Sáng Thế Ký 1:1 cũng cho chúng ta biết "Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất." Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo vũ trụ này, tạo ra bạn và tôi và là Đấng tối cao toàn quyền điều khiển mọi sự trên thế giới thọ tạo của Ngài. Đức Chúa Trời là Đấng rất nhân từ yêu thương nhưng cũng hết sức thánh khiết, Ngài không chấp nhận tội lỗi. Xuất Êdíptôký 34:6-7 Đức Chúa Trời nói về mình rằng "Giêhôva! Giêhôva! Là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ơn huệ và thành thực, ban ơn đến ngàn đời, xá đều gian ác, tội trọng và tội lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội làvô tội và nhơn tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba bốn đời..."

Bởi đức thánh khiết của Ngài, Ngài không chấp nhận một tội lỗi nào dù chỉ trong tư tưởng, lời nói. Tiêu chuẩn công chính của Chúa được trình bày trong Kinh Thánh. Nếu bạn đọc sẽ rõ những tiêu chuẩn đó thật cao quá so với khả năng "làm lành" của bất kỳ một con người nào thiện hảo nhất. Ví dụ Chúa dạy chúng ta phải hết lòng yêu kính Chúa, Chúa dạy chúng ta nếu ai chỉ ghét người khác thì phạm tội cũng như tội giết người, Chúa dạy phải yêu thương kẻ thù nghịch mình, Chúa dạy phải hạ mình coi người khác tôn trọng hơn mình... và còn nhiều tiêu chuẩn khác nữa của Ngài mà khi nghiêm túc xét mình trước những tiêu chuẩn đó thì chúng ta sẽ phải nhận ra rằng chúng ta có quá nhiều tội. Không ai trong chúng ta, dù tốt lành đến đâu, có thể được kể là "không có tội trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta không tài nào cố gắng nổ lực để được chấp nhận trong mắt Đức Chúa Trời và đáng phải nhận hình phạt nơi hỏa ngục vì tội lỗi mình. Không có con đường nào cho chúng ta, ngoại trừ một con đường duy nhất mở ra bởi tình thương của Đức Chúa Trời: Vì tình yêu thương, Đức Chúa Trời không muốn bỏ mặc con người trong hình phạt tội lỗi nên đã thực hiện một chương trình cứu rỗi cho con người: Đức Chúa Trời đã sai Chúa Giêxu, cũng là Đức Chúa Trời, đến thế gian làm con người và chịu chết trên thập tự giá, chịu hình phạt thay cho con người, "Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết" (Rôma 5:8). Cũng giống như một người phạm một tội gì đó phải chịu án tù. Luật pháp không thể "tha trắng án" người đó được nhưng có một người khác "vô tội" chịu đứng ra nhận án phạt cho người đó thì người đó có thể được trắng án. Chúa Giêxu là Đấng hoàn toàn không có tội, nhưng Ngài đã chấp nhận đứng vào chỗ chúng ta để chịu án thay cho chúng ta để tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời được thỏa đáng mà con người cũng thoát khỏi hình phạt đời đời nơi hỏa ngục. Thế thì tình trạng bế tắc kể trên của con người chỉ được giải quyết bằng một giải pháp duy nhất là TIN NHẬN ƠN CỨU CHUỘC CỦA CHÚA GIÊXU CHO MÌNH. Con người không thể cố gắng làm lành để được cứu vì dù làm lành mấy thì lấy gì bù vào cho những tội đã phạm? Chỉ có một cách là một Đấng không hề có tội chịu thay án phạt cho con người mà thôi và con người chỉ có thể bởi lòng tin nhận lấy công lao của Ngài cho mình để mình được cứu. Thế thì Chúa Giêxu mà chắc hẳn bạn thường nghe nhắc đến khi nói đến đạo Tin Lành là Đức Chúa Trời xuống thế gian làm người cách đây hơn 2000 năm, để chết thay cho loài người. Ngài đã sống lại sau ba ngày và về trời.

Theo hiểu biết của chúng tôi, vấn đề khác biệt lớn nhất giữa niềm tin Thiên Chúa Giáo và niềm tin Tin Lành là vấn đề con người có nhờ công đức mà được sự cứu rỗi hay không. Niềm tin Tin Lành tin rằng con người được cứu hoàn toàn bởi đức tin nơi sự cứu chuộc của Chúa Giêxu mà không nhờ một chút nào vào công đức của bản thân người đó, nghĩa là một người được cứu chỉ bởi nhận mình có tội và nhận lấy công lao cứu chuộc của Chúa Giêxu cho mình mà thôi. Ở điểm này, niềm tin Công Giáo cho rằng sự cứu rỗi của con người có sự góp phần của công đức của người đó nữa, rằng bởi mình tin và cố gắng làm lành thì mình được cứu chớ chẳng phải do tin Chúa chết thay mình mà thôi. Dù rằng Thiên Chúa Giáo cũng tin Chúa Giêxu chết thay cho tội lỗi con người, nhưng để được cứu, con người còn phải làm điều thiện nữa.

Niềm tin Tin Lành dựa trên nền tảng Kinh Thánh Êphêsô 2:8,9 nói "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời, ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình." Kinh Thánh cũng dạy chúng ta làm điều tốt, Galati 6:9 nói "Chớ mệt nhọc về sự làm lành." Tuy nhiên, vấn đề là thứ tự của nó: nghĩa là chúng ta phải TIN ĐỂ ĐƯỢC CỨU, rồi bởi là Con Chúa, chúng ta LÀM LÀNH BỞI MUỐN LÀM THEO LỜI CHÚA. Chúng ta không cố gắng làm lành để có công mà được cứu vì công trạng của chúng ta không thể cứu chúng ta.

Một vấn đề khác biệt nữa giữa niềm tin Công Giáo và Tin Lành là việc cầu xin qua trung gian bà Mari và các thánh. Giáo hội Công Giáo cho phép tín hữu cầu nguyện với Đức Chúa Trời qua trung gian là đức mẹ Mari và các thánh. Niềm tin Tin Lành chỉ cầu nguyện với Đức Chúa Trời qua một mình Chúa Giêxu mà thôi vì tin rằng mọi người khác dù tốt lành đến đâu cũng chỉ là con người với những tội lỗi của mình và đều cần được cứu, chỉ có Chúa Giêxu là Đức Chúa Trời làm người, là Đấng trọn vẹn không tội lỗi. Kinh Thánh dạy trong 2Timôthê 2:5, "Vì chỉ có một Đức Chúa Trời, và chỉ có một Đấng Trung bảo ở giữa Đức Chúa Trời và loài người, tức là Đức Chúa Giêxu Christ, là người." Theo đó, chúng ta chỉ có thể cầu nguyện thông qua (hay "trong danh") Chúa Giêxu mà thôi.

Về mặt lịch sử giáo hội, từ ban đầu chỉ có một giáo hội mà thôi. Từ khi Chúa Giêxu sống lại, về trời trong thế kỷ thứ nhất, các môn đồ Ngài vâng lời Ngài đi ra rao giảng đạo Chúa khắp nơi và có nhiều người tin theo Chúa. Những người này họp nhau học lời Chúa, cầu nguyện, thờ phượng Chúa... và được gọi là "Christian" nghĩa là người theo Đấng Christ hay người theo Chúa Cơ Đốc, mà ngày nay gọi ngắn lại là Cơ Đốc Nhân. Vậy ban đầu chỉ có Cơ Đốc Giáo mà thôi. Tuy nhiên cùng với thời gian, Cơ Đốc Giáo phát triển lan rộng, có quy cũ tổ chức hẳn hoi. Cùng với sự phát triển đó cũng có những sự lệch lạc trong cách giảng dạy và giải thích Kinh Thánh, những nghi thức tôn giáo do con người đặt ra xen vào giáo hội. Vì vậy mà càng lúc giáo hội Cơ đốc càng đi xa khỏi sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Đến thế kỷ 16, Martin Luther, một tu sĩ trong dòng tu Cơ Đốc, đã đứng ra kêu gọi giáo hội sửa đổi những sai trật để đi đúng lại với niềm tin ban đầu của Kinh Thánh. Vấn đề chính ông đưa ra là sự cứu rỗi chỉ bởi đức tin mà thôi mà không bởi chút công trạng nào của con người. Con người không thể dùng tiền bạc hay công trạng nào của mình để mua lấy sự cứu rỗi. Ông cũng đề nghị bỏ đi một số hình thức tôn giáo mê tín sai lạc của giáo hội lúc bấy giờ. Giáo hội lúc ấy đã bác bỏ đề nghị của Martin Luther và vì thế mà Luther cùng với một số người khác đã lập nên giáo hội Cải Chánh mà ngày nay tiếng Việt gọi là giáo hội Tin Lành. Như đã trình bày ở trên, vấn đề khác biệt lớn nhất đưa đến sự thành lập giáo hội Tin Lành là vấn đề con người được cứu chỉ bởi đức tin nơi sự cứu chuộc của Chúa Giêxu mà thôi mà hoàn toàn không bởi chút công đức nào.

Thật ra vấn đề bạn nêu lên là một đề tài lớn. Trong giới hạn cho phép, chúng tôi xin được trình bày như trên. Ước mong câu trả lời của chúng tôi giúp ích cho sự tìm hiểu của bạn.

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)