Trang Bìa > Đời Sống & Đức Tin > Bạn Đọc Hỏi Đáp > Ngày nay Chúa có còn phán trực tiếp với chúng ta không?  



Ý kiến:
Tôi có đọc trong phần Chúa chỉ phán với chúng ta qua Kinh Thánh. Tôi có ý kiến vì trong Kinh Thánh không nói rằng ngày nay Chúa chỉ phán qua Kinh Thánh. Người trả lời câu hỏi đó cho rằng không có việc Chúa phán hay khải tượng cho ai đó ngày nay. Điều này là không đúng. Vì Chúa Jesus có phán : "Con người sống không phải chỉ nhờ bánh nhưng cũng nhờ mọi Lời phán của Đức Chúa Trời." Cũng có câu Kinh Thánh chép : "Đức tin đến bởi sự người ta nghe, và người ta nghe Lời phán của Chúa." Tôi không nhớ rõ địa chỉ và câu Kinh Thánh thứ 2 tôi chỉ nhớ ý mà thôi xin thông cảm. 2 câu trên và còn rất nhiều câu khác nữa..v..v. Nói về Lời Chúa. Nhưng khi ta tra xem bản Kinh Thánh gốc tiếng Hy bá lai ta sẽ thấy từ "Lời" đó không chỉ về Lời đã chép. Nhưng chỉ về Lời mặc khải, Lời phán trực tiếp. Nguyên ngữ là "Rhema". Còn câu : "Cả Kinh Thánh là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn..." thì chữ Lời ở đó mới dịch là "Lời đã phán". Đây là một trong những điểm khác biệt giữa ngôn ngữ nên cần phân biệt. Và còn một ví dụ nữa như vậy: Tôi muốn biết Ý Chúa trong việc mua xe, cưới vợ... Thì Kinh Thánh đâu có chỗ nào Chúa Phán về điều đó. VD: Con phải lấy Lan làm vợ chẳng hạn... Lúc đó tôi cần Lời Rhema của Chúa. Không phải bởi cảm giác hay ảo giác. Bèn là Lời sống, Chân Thật và Rõ Ràng đến độ mình biết một cách không nghi ngờ về Chúa. Vì Cha đã dựng chúng ta và Ngài không để lại cho chúng ta một chuỗi những Lời phán đã ghi trong Kinh Thánh rồi chỉ dùng những Lời đó để phán thôi. Vì như vậy hệt như một con robot vậy.

Trả lời:
Cám ơn bạn đã viếng thăm tinlanh.com và đưa ra ý kiến của bạn về câu trả lời của chúng tôi trên website. Thật ra trên website http://tinlanh.com có những bài viết rất phong phú, mạch lạc về đề tài nầy, nếu bạn chịu khó tham khảo thì sẽ thấy vấn đề rất rõ ràng. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy rằng ý kiến của bạn là một trong những ý kiến rất phổ biến ngày hôm nay cho nên chúng tôi dành thời gian nghiên cứu để trả lời cho bạn rõ. Chúng tôi cũng muốn dùng cơ hội nầy để đăng tải lên cho nhiều người khác có cơ hội tham khảo. Vì vấn đề bạn đưa ra là một vấn đề lớn, có liên quan đến nhiều chỗ trong Kinh Thánh cho nên xin bạn kiên nhẫn, chậm rãi xem những gì chúng tôi trích ra từ trong Kinh Thánh để thấy rõ vấn đề.

Nói về lời phán của Đức Chúa Trời thì chúng ta được biết rằng ngày xưa, khi Kinh Thánh chưa hoàn tất thì Đức Chúa Trời phán với con người bằng nhiều cách khác nhau như bằng tiếng phán của Ngài cách trực tiếp ở núi Sinai, qua các tiên tri, qua giấc mơ, qua khải tượng... Qua sự tể trị thần hựu của Đức Chúa Trời những điều đó được chép lại để dùng làm luật lệ khuôn thước cho con người noi theo. Nhưng khi Kinh Thánh sắp được hoàn tất thì Đức Chúa Trời cho biết rằng Ngài không còn phán trực tiếp nữa, tất cả ý muốn của Ngài cho con người Ngài đã phán ra và được ghi chép lại rồi, không ai được thêm vào hay bớt ra trong những lời đó, Ngài kết luận điều nầy trong Khải huyền 22:18-19, "Tôi ngỏ cho kẻ nào nghe lời tiên tri trong sách nầy: nếu ai thêm vào sách tiên tri nầy điều gì, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm cho người ấy tai nạn đã ghi chép trong sách nầy. Và kẻ nào bớt điều gì trong những lời ở sách tiên tri nầy, thì Đức Chúa Trời sẽ cất lấy phần họ về cây sự sống và thành thánh, mà đã chép ra trong sách nầy." Các sứ đồ, môn đồ, các tín hữu đầu tiên và xuyên suốt các thời đại hiểu được điều nầy nên không ai tìm kiếm lời phán trực tiếp của Chúa nữa cho đến thời đại của chúng ta. Khoảng mấy mươi năm trước đây có một phong trào mới bắt đầu với quan điểm rằng Đức Chúa Trời còn phán trực tiếp với con người, phong trào nầy phát triển rất nhanh bởi đáp ứng được tâm lý chung con người chúng ta là bị thu hút với những sự mới lạ, siêu nhiên, thú vị. Vấn đề lời rhema mà bạn đưa ra là lập luận của phong trào nầy, chúng ta sẽ tạm gọi làphong trào "ân tứ", để minh chứng cho quan điểm của mình. Khi giải thích là Chúa vẫn còn phán với con người cách trực tiếp thì có nghĩa là Chúa vẫn còn ban những khải tượng, dấu lạ... cho nên những ai theo phong trào nầy rất chú trọng vào việc tìm kiếm ân tứ, khải tượng, tiếng lạ, dấu lạ. Chúng ta sẽ bàn về những vấn đề trong việc tìm kiếm những ân tứ nầy trong phần sau.

Chúng ta biết rằng việc Đức Chúa Trời phán trực tiếp với con người không phải là một việc tầm thường, không phải là chuyện nhỏ. Ngày xưa khi Chúa phán trực tiếp với dân Ysơraên thì họ run rẩy và sợ hãi. Họ xin Chúa chỉ phán với Môise rồi ông sẽ truyền lại cho họ để họ làm theo vì nếu Chúa phán trực tiếp với họ thì họ sợ rằng họ phải chết, "Kìa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi đã tỏ ra sự vinh hiển và sự oai nghiêm Ngài cho chúng tôi, và chúng tôi có nghe tiếng Ngài từ giữa lửa phán ra; ngày nay chúng tôi thấy rằng Đức Chúa Trời có phán cùng loài người và loài người vẫn còn sống. Nhưng bây giờ, cớ sao chúng tôi phải chết? vì đám lửa lớn nầy sẽ tiêu diệt chúng tôi hết. Ví bằng chúng tôi còn có nghe tiếng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi, thì chúng tôi phải chết. Vì trong loài người, có ai đã nghe tiếng Đức Chúa Trời sanh hoạt từ giữa lửa phán ra, như chúng tôi mà vẫn còn sống? Vậy, ông hãy đi đến gần, nghe mọi điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi sẽ phán, rồi hãy truyền lại cho chúng tôi mọi điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi sẽ nghe và làm theo." (Phục 5:24-27). Điều dân Ysơraên sợ rất đúng vì con người tội lỗi không thể đối diện với Đức Chúa Trời thánh khiết và công bình. Từ đó Đức Chúa Trời thường ban mạng lệnh, ý muốn của Ngài qua các tiên tri. Có một số rất ít trường hợp Chúa phán trực tiếp cụ thể cho một cá nhân nào đó nhưng những trường hợp đó hay những người đó là rất cá biệt. Thường thì Chúa muốn dân sự của Chúa dựa vào luật pháp của Chúa đã chép ra như chúng ta đọc thấy luật pháp Chúa ban cho dân sự tại Sinai để sống theo ý của Ngài. Ngay cả trong thời Giôsuê là thời Chúa còn phán trực tiếp với con người vì Kinh Thánh chưa hoàn tất, dù Chúa phán trực tiếp với Giôsuê nhiều lần nhưng Chúa vẫn bảo ông rằng: "Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước" (Giôsuê 1:8). Quyển sách luật pháp của Chúa lúc đó có thể chỉ là năm sách ngũ kinh mà thôi.

Vua Đavít là một người rất gần gũi tương giao với Chúa, Chúa thường có những mạng lệnh trực tiếp cho ông và qua các tiên tri nhưng ông đã đặt lời của Chúa, là lời đã chép, lên trên hết. Ông đọc và suy gẫm lời ấy ngày và đêm vì đối với ông lời của Chúa là quý báu và ngọt ngào. Có nhiều câu trong Thi Thiên nói về điều nầy chúng tôi chỉ trích một ít câu: "Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan. Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa. Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả. Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng; Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong. Các điều ấy dạy cho kẻ tôi tớ Chúa được thông hiểu; Ai gìn giữ lấy, được phầ thưởng lớn thay" (Thi Thiên 19:7-11). Dù trong thời Đavít và Salômôn thỉnh thoảng Chúa cũng còn phán trực tiếp cho con người nhưng trước khi qua đời Đavít căn dặn Salômôn là người lên ngôi làm vua thay ông rằng: "Hãy giữ điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn con giữ, để đi trong đường lối Ngài, gìn giữ những luật pháp, điều răn, mạng lịnh, và sự dạy dỗ của Ngài, y như đã chép trong luật pháp của Môi-se, hầu cho con làm điều chi hay là đi nơi nào cũng đều được thành công" (1Các Vua 2:3).

Trong thời vua Giôsia khi người ta tìm được quyển luập pháp đã bị lạc mất từ lâu trong đền thờ, sau khi vua nghe đọc những lời trong sách luật pháp ấy thì run sợ xé áo mình vì thấy rằng đời sống của vua và dân sự không làm theo những điều đã chép trong đó, vua bảo thầy tế lễ Hinh-kia rằng: "Hãy đi cầu vấn Đức Giê-hô-va cho ta, cho dân sự, và cho cả Giu-đa, về các lời của sách mới tìm được. Vì cơn giận của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng chúng ta thật là lớn lao, tại tổ phụ chúng ta không có nghe theo các lời của sách này, và không làm theo điều đã đã truyền phán cho chúng ta" (2Các vua 22:13). Chúng ta thấy luật pháp của Chúa trong Kinh Thánh rất quan trọng dù trong thời nầy Chúa vẫn còn phán trực tiếp qua các tiên tri (2Các vua 22:15,16).

Khi Chúa Giêxu khi kể câu chuyện về người giàu và Laxarơ Ngài nói sao? "Song Áp-ra-ham rằng: Nếu không nghe Môi-se và các đấng tiên tri, thì dầu có ai từ kẻ chết sống lại, chúng nó cũng chẳng tin vậy" (Luca 16:31). Môise và các đấng tiên tri ở đây có nghĩa là những lời đã chép trong Kinh Thánh: Môise đại diện cho các sách Luật Pháp nghĩa là các sách Ngũ Kinh, còn các tiên tri đại diện cho các sách tiên tri Cựu Ước. Chúng ta thấy đó, Chúa cứ lặp đi lặp lại rằng lời dạy của Ngài là quan trọng -lời dạy của Chúa thường được nhắc đến như là: mạng lệnh, điều răn, chứng cớ, luật lệ, giềng mối- vì trong đó chứa đựng ý muốn của Chúa cho đời sống chúng ta. Những mạng lệnh, điều răn đó là những lời được các tôi tớ Ngài chép và truyền lại cho dân sự Ngài. Vì Đức Chúa Trời là Đấng hằng sống, là Đấng đã dựng nên vũ trụ nầy bằng lời phán của Ngài nên những lời của Ngài phán ra không bao giờ mất giá trị theo thời gian. Có nghĩa là lời đó sống mãi và có hiệu lực trong bất cứ thời đại nào. Dù Kinh Thánh đã hoàn tất gần 2000 năm nay, trải qua nhiều vật đổi sao dời, đối diện với nhiều kẻ thù tìm cách tiêu diệt nó nhưng Đức Chúa Trời đã tể trị gìn giữ nó tồn tại đến ngày nay.

Vấn đề mà bạn đề cập là sự giải thích của phái "ân tứ", cho rằng chúng ta nên phân biệt 2 chữ "lời" trong Kinh Thánh: logos là lời thành văn, đã phán và đã chép ra, rhema là lời phán trực tiếp. Tôi có nghe người ta đưa ra thí dụ như thế nầy: Khi chúng ta đọc Kinh Thánh thấy Chúa Giêxu bảo Phierơ bước xuống nước, Phierơ bước xuống nước thì không bị chìm, bây giờ lời đó đã chép lại rồi nếu chúng ta đọc thấy như vậy và bước xuống nước thì chúng ta sẽ bị chìm. Họ nói rằng lời cho Phierơ lúc bấy giờ là lời rhema, còn lời ấy đối với chúng ta ngày nay là lời logos. Chúng tôi cho rằng cách giải thích nầy sẽ dẫn đến những tác dụng tai hại không lường được khi chúng ta đọc Kinh Thánh theo lăng kính này. Theo cách giải thích nầy nếu chúng ta áp dụng cho những chỗ khác của Kinh Thánh thì chắc là chúng ta không cần làm theo điều gì trong Kinh Thánh dạy cả vì những lời đó chỉ có hiệu lực cho người trực tiếp nghe lời phán đang lúc đó.

Kinh Thánh Cựu ước được chép bằng tiếng Hêbơrơ, Tân ước được chép bằng tiếng Hilạp. Vì chữ rhema là tiếng Hilạp, nên chúng ta sẽ cùng nhau xem chữ "lời" trong Tân ước. Khi tham khảo trong Thánh Kinh Phù Dẫn (Strong"s Concordance) chúng ta thấy hầu hết những chữ "lời" trong Tân ước được dịch ra từ 2 chữ, logos và rhema. Hai chữ nầy được dùng trong các câu xen lẫn với nhau mà không nhất thiết mang ý nghĩa như bạn trình bày trong thư, nghĩa là chữ lời rhema không phải lúc nào cũng có nghĩa là lời sống hay lời trực tiếp và chữ lời logos không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa lời đã chép hay đã phán. Có rất nhiều câu khi chữ logos được dùng trong bối cảnh của lời phán trực tiếp (Mathiơ 8:8, 8:16, Mác 2:2, 7:29, 8:32, 10:24, Luca 1:29, 4:22, 4:32, 4:36, 7:7, 10:39, 24:44, Giăng 4:50). Có nhiều chỗ chữ rhema được dùng trong trường hợp nhắc lại lời của ai đó hoặc lời đã chép (Giăng 3:34, 8:47, 15:17, 17:8, Công vụ 10:37, 13:42, Rôma 10:8, Êphêsô 5:26, 1Phierơ 1:25, Giuđe 1:17). Có nhiều chỗ hai chữ nầy được dùng chung với nhau cho cùng một trường hợp (Mathiơ 26:75 & Luca 22:61, Luca 1:29 & 1:38, Giăng 12:47-48, Giăng 17:8 & 17:14, Công vụ 10:36-37, Công vụ 10:44, 1Phierơ 1:23-25, Hêbơrơ 11:3 & 2Phierơ 3:5-7). Theo Thánh Kinh Phù Dẫn thì gốc của chữ rhema (danh từ) xuất xứ từ chữ rheo (động từ) thường được dịch là phán, nói (spoken), còn chữ logos (danh từ) xuất xứ từ chữ lego (động từ) thường được dịch là phán, nói, bảo, phán cùng, nói cùng (saying, say, saith). Tuy nhiên để hiểu đúng Kinh Thánh chúng ta phải dùng Kinh Thánh để giải thích cho Kinh Thánh. Chúng ta có thể dùng Thánh Kinh Tự Điển, Thánh Kinh Phù Dẫn để tham khảo nhưng không nên dựa vào một định nghĩa nào trong đó rồi cho là ý Kinh Thánh nói như vậy vì những sách đó không phải là Kinh Thánh nên có thể bị sai trật. Cách tốt nhất để hiểu đúng ý nghĩa của một chữ là trích ra tất cả những câu nào có dùng chữ đó để xem nó được dùng trong trường hợp nào.

Điều đáng chú ý là chúng tôi tìm thấy trong thực tế ngược lại với sự giải thích của phong trào "ân tứ". Chữ rheo (là gốc của chữ rhema) thường được dùng cho trường hợp khi trưng dẫn những lời các tiên tri nói ra, còn chữ lego (gốc của chữ logos) thường dùng trong những câu Chúa Giêxu phán trực tiếp trong thì hiện tại lúc bấy giờ. Chúng tôi đã đúc kết tất cả những câu có 2 chữ nầy: rhema, logos. Bạn có thể tự mình tham khảo để thấy rõ được những chữ nầy thường dùng trong những trường hợp nào và tự bạn có thể đi đến kết luận về cách giải thích của phong trào "ân tứ" về vấn đề chữ rhema. Nếu muốn, bạn có thể dùng Thánh Kinh Phù Dẫn (Strong"s Concordance) để tham khảo thêm về chữ rheo và lego.

Nếu chúng ta tin rằng chỉ có lời rhema là mới là "lời sống" có giá trị trực tiếp cho chúng ta làm theo thì chúng ta không thể giải thích được nhiều câu trong Kinh Thánh có chứa đựng chữ nầy hoặc chữ logos, thí dụ như những câu có chữ logos: Mathiơ 7:24, 7:28, 8:8, 19:1, Mác 7:29, 10:22, 16:20, Luca 4:22, 4:32, 4:36, 6:47, 7:7, 8:21, 24:19, 24:44, Giăng 4:39, 4:41, 4:50, 12:48, 15:13, 15:20, 19:8, 19:13, Công vụ 2:22, 7:22, 20:7, 1Côrinhtô 14:19, Côlôse 4:6, Hêbơrơ 2:2, 2Phierơ 3:5-7, Khải 19:9, 21:5-7, và những câu có chữ rhema: Giăng 15:7, 17:8, Công vụ 5:32, 10:37, 13:42, Rôma 10:8, Êphêsô 5:26, 1Phierơ 1:25.

Chúng ta đọc trong Hêbơrơ 4:12, "Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng". Chú ý "lời" ở đây là logos. Nếu chúng ta cho rằng "lời" ở trong câu nầy không phải là lời sống thì chúng ta chưa thật sự tin vào Kinh Thánh. Một vấn nạn lớn trong thế giới "Cơ Đốc" ngày nay là một số người chỉ đưa ra một vài câu trong Kinh Thánh, tách rời những câu đó khỏi toàn bộ Kinh Thánh, để dạy rằng ngày nay Chúa còn phán và bởi đó mà vô tình hay hữu ý hướng mối quan tâm của chúng ta đến tiếng phán trực tiếp để làm theo, dường như những tiếng phán đó là sự dạy dỗ và ý muốn duy nhất chúng ta có thể tìm kiếm nơi Đức Chúa Trời, để rồi chúng ta bỏ quên đi Kinh Thánh là điều đáng lẽ phải được đặt ở vị trí hàng đầu trong sự tìm kiếm của chúng ta. Dân Do Thái ngày xưa được ban cho Kinh Thánh Cựu ước, họ đọc và gìn giữ một số điều trong đó, họ trông đợi Đấng Mêsi ra đời nhưng khi đối diện với Chúa Giêxu họ không tin Ngài vì họ không hiểu và không thật sự tin những gì Kinh Thánh chép cho nên Chúa Giêxu phán với họ rằng: "Vì nếu các ngươi tin Môi-se, cũng sẽ tin ta; bởi ấy là về ta mà người đã chép. Nhưng nếu các ngươi chẳng tin những lời người chép, các ngươi há lại tin lời (rhema) ta sao?" (Giăng 5:46-47). Chúng ta thấy đó, đức tin thật bắt đầu từ Kinh Thánh, chỉ khi nào chúng ta thật sự tin và làm theo những gì Kinh Thánh chép thì chúng ta mới thật sự làm theo ý muốn Chúa vì Kinh Thánh chép về Chúa. Chúa Giêxu cũng phán rằng: "Trời đất sẽ qua đi, song lời (logos) ta không bao giờ qua đâu." (Mác 13:31). Và Kinh Thánh cũng chép rằng: "Vì, Mọi xác thịt vì như cỏ, Mọi sự vinh hiển của nó vì như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời (rhema) Chúa còn lại đời đời. Và lời (rhema) đó là đạo Tin Lành đã giảng ra cho anh em." (1Phierơ 1:24-25). Lời Chúa ở đây là lời của Đức Chúa Trời và Chúa Giêxu đã phán ra và được chép lại cùng với tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh, lời đó còn lại đời đời để ngày nay chúng ta có thể đọc và tìm kiếm ý muốn của Chúa trong lời ấy. "Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh Thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy" (Rôma 15:4). Chính Chúa Giêxu cũng là Lời (logos), Ngài là Lời đến trong xác thịt và là Đấng hằng sống chớ không phải lời đã chép hay đã phán (Giăng 1:1).

Từ xưa tới nay con người thường khước từ lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Điều nầy cũng dễ hiểu vì bản tánh con người chúng ta dễ cảm thấy nhàm chán trước những lời đã chép, cảm thấy nó dường như khô khan, thiếu sống động và thực tế là rất khó làm theo bởi sức riêng của mình. Chúng ta cũng dễ bị "nhụt chí" nãn lòng khi phải tra cứu tìm tòi cả bộ Kinh Thánh "dầy cộm" để tìm biết ý muốn Đức Chúa Trời cho những trường hợp cụ thể trong đời sống mình. Lý trí của con người chúng ta cảm thấy dễ chịu với giải pháp "đơn giản" "rõ ràng" là "Chúa hãy nói một lời đi để con biết ý Ngài" vì dường như đó là "con đường tắt". Nhưng thật ra, ngay cả trong những sự việc cụ thể như "lấy cô Lan hay cô Hồng làm vợ" như bạn có đề cập trong thơ cho chúng tôi thì chúng ta vẫn có thể tìm thấy câu trả lời nếu chúng ta thật sự tìm kiếm nơi Thánh Kinh và chân thành muốn làm theo Kinh Thánh một cách trọn vẹn. Chúng ta thường nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ đưa ra một tiêu chuẩn quá chung chung về vấn đề hôn nhân là "Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin." Thế thì nếu cả hai cô Lan và Hồng đều là thuộc viên hội thánh thì tôi biết chọn ai? Tuy nhiên, vấn đề là bạn có thể tiếp tục cầu nguyện và tìm hiểu xem đời sống tâm linh của hai cô gái này, xem họ có thật sự được Chúa biến cải, là bằng chứng của một người thật sự "tin" chớ chẳng phải chỉ xưng nhận bằng môi miệng bên ngoài. Bạn còn có thể tìm hiểu quan điểm sống của hai cô gái này có thích hợp với sự dạy dỗ của Kinh Thánh về người nữ, người vợ... và rồi với tư cách là người nam, bạn có thấy rằng bạn có thể sống và làm trọn lời dạy của Chúa đối với vợ là "yêu thương vợ" với cô gái nào trong hai cô này... Chúng ta thường lầm tưởng rằng "Lời đã chép" của Chúa là quá tổng quát, không cụ thể cho tôi... nhưng nếu như những điều tổng quát đó đã được ghi chép rõ ràng "nói có sách mách có chứng" mà chúng ta còn không hiểu biết hết tận tường để làm theo cho đúng thì chúng ta có nên vội vàng bôn ba tìm kiếm những điều gọi là cụ thể hơn không?

Con người thường làm ngơ trước những lời dạy trong Kinh Thánh khi những lời đó đi ngược lại ý thích của con người vì bản tánh tội lỗi của con người chỉ muốn làm theo ý riêng. Ngày xưa khi ban luật pháp cho dân Ysơraên Chúa dặn họ rằng họ phải ghi nhớ làm theo và dạy lại cho con cháu họ nhưng dân Ysơraên cứ vi phạm luôn luôn, luật pháp của Chúa rất rõ ràng nhưng người ta không muốn làm theo mà làm theo những điều của những dân tộc xung quanh làm. Ôsê 8:12 chép rằng: "Ta đã chép lệ luật ta cho nó một vạn điều, nhưng nó coi như chẳng can gì đến mình." Con người ngày nay cũng vậy, chúng ta thường không để thời gian và sự quan tâm đủ cho Kinh Thánh, không suy gẫm những lời trong Kinh Thánh để tìm biết ý muốn của Chúa cho đời sống mà có xu hướng làm theo sự dẫn dắt của ý riêng mình, của lý trí mình, tìm kiếm những điều mới mà chẳng để tâm rằng rất nhiều điều trong những điều đó hoàn toàn đi ngược lại với ý muốn Đức Chúa Trời đã được ghi chép rõ ràng trong Thánh Kinh. Có người còn tự đưa ra một tư tưởng riêng của mình rồi cho là lời Chúa phán để làm những việc đi ngược lại lời dạy của Kinh Thánh. Tôi có nghe một người kia bảo rằng anh cầu nguyện và được Chúa cho biết là Chúa cho phép anh ta bỏ vợ mình vì người vợ này ngăn trở cho sự hầu việc Chúa của anh ta, không còn phương cứu chữa nữa. Và vì vậy anh ta bỏ vợ đó và đi cưới một cô gái khác. Thử hỏi việc tự xưng một "sự mặc khải trực tiếp" của Chúa như vậy có đáng tin cậy không nếu như trong Kinh Thánh Chúa đã nói rõ ràng là Chúa không cho phép ly dị và bỏ vợ? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời lại tự mâu thuẩn với Ngài khi đưa ra những "lời tổng quát" đã chép trong Kinh Thánh và "lời trực tiếp" hoàn toàn trái ngược nhau? Nào ai lấy gì kiểm chứng "lời trực tiếp" đó có phải là từ Đức Chúa Trời hay là từ ý riêng của con người đó? Thế thì chẳng phải là nguy hiểm sao nếu chúng ta cứ tìm kiếm sự mặc khải trực tiếp mà bỏ quên sự mặc khải đã thành văn của Thánh Kinh?

Nếu chúng ta cho rằng Chúa còn phán cho chúng ta ngày hôm nay, Chúa vẫn còn làm những dấu kỳ phép lạ. Làm sao chúng ta biết được lời nào là lời của Chúa còn lời nào là lời của ma quỉ? Giả sử có những lời nghe qua rất đạo đức tốt đẹp, làm sao chúng ta biết chắc rằng đó không phải là lời của ma quỉ. Kinh Thánh chép: "Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành chính những người được chọn." (Mathiơ 24:24), "Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên sứ sáng láng. Vậy thì những kẻ giúp việc nó mạo làm kẻ giúp việc công bình cũng chẳng lạ gì; nhưng sự cuối cùng họ sẽ y theo việc làm." (2Côrinhtô 11:14-15) Chúng ta thấy không? Chúa cho phép ma quỉ có thể làm được những dấu kỳ phép lạ trong ngày sau rốt để dỗ dành người khác. Là người tin Chúa thật lúc nào chúng ta cũng xem lời Chúa là quý báu và muốn làm theo. Nếu chúng ta tin rằng ngày nay Chúa còn phán cho cá nhân thì có là nghĩa Chúa còn phán cho một nhóm người, cho một dân tộc hay cho cả thế giới. Xin đưa ra một vài thí dụ: Giả sử có một người nào đó nói Chúa phán với ông ta đêm qua rằng hãy truyền sứ điệp nầy lại cho người Việt để làm theo. Rồi chúng ta nghe ở một nước nào đó có người nhận được một sứ điệp mới cho tất cả tín hữu Tin Lành, rồi ở một chỗ khác có một người thấy được khải tượng trong đó có những lời tiên đoán và khuyên mọi người nên làm theo. Làm sao chúng ta biết được những lời đó, những sứ điệp đó đến từ Chúa hay từ Satan hoặc từ tâm trí tội lỗi của con người? Rồi thì chúng ta sẽ bối rối không biết đâu là thật đâu là giả. Trong trường hợp những "sứ điệp" của những người đó rao ra trái ngược với nhau thì chúng ta biết làm theo ai? Hơn nữa nếu Chúa vẫn còn phán trực tiếp thì chắc là thời gian của suốt cuộc đời chúng ta chỉ dùng để tìm kiếm xem ở đâu có lời phán mới từ nơi Chúa vì chúng ta không muốn thiếu sót trong sự học biết ý muốn của Ngài. Nếu chúng ta chú trọng trong việc tìm kiếm những ân tứ, phép lạ, tiếng lạ, khải tượng, lời phán (rhema) thì chúng ta tự đặt mình vào một vị trí rất là nguy hiểm.

Ma quỉ rất quỉ quyệt và tâm trí của chúng ta thì hữu hạn, cạn cợt bị vấy bẩn bởi tội lỗi. Ma quỉ có thể dẫn dụ chúng ta đi sai lạc ra khỏi điều răn của Chúa là lời đã được chép trong Kinh Thánh khi chúng ta để tâm trí mình tìm kiếm lời phán hay phép lạ, "Tôi có lòng vui mừng lắm mà thấy trong con cái bà có mấy kẻ làm theo lẽ thật, theo điều răn chúng ta đã nhận lãnh nơi Đức Chúa Cha. Hỡi bà được chọn, hiện nay tôi khuyên bà, không phải truyền một điều răn mới, nhưng nhắc lại điều chúng ta đã nhận lãnh từ ban đầu, ấy là chúng ta phải yêu thương nhau. Vả, sự yêu thương là tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo. Trong thế gian đã rải nhiều kẻ dỗ dành, là kẻ chẳng xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà đến: ấy đó thật là kẻ dỗ dành và kẻ địch lại Đấng Christ." (2Giăng 1:4-7). Đức Chúa Trời biết điều gì sẽ xảy ra trong thời kỳ cuối cùng nên Ngài đã cẩn thận không để cho con cái thật của Ngài phải rơi vào hoàn cảnh hỗn độn, hoang mang, bấp bênh. Ngày nay có nhiều giáo phái, giáo hội tự xưng là Cơ đốc giáo nhưng những điều họ tin và sự dạy dỗ của họ khác nhau. Nhờ đâu chúng ta có thể phân biệt được đâu là thật đâu là giả, đâu là đúng đâu là sai? Chỉ nhờ vào Kinh Thánh. Chỉ có Kinh Thánh và toàn bộ Kinh Thánh là thẩm quyền cao nhất và mực thước duy nhất để đo lường sự đúng sai của thần học, của tín lý ngày hôm nay. Nếu chúng ta thật lòng muốn làm theo ý muốn của Chúa thì chúng ta nên đọc lời của Ngài và cầu xin Ngài mở mắt mở tai thuộc linh của chúng ta để hiểu được sự dạy dỗ của Ngài trong Kinh Thánh và làm theo. Chúng ta không nên vội vàng cả tin nghe theo sự dạy dỗ nào dẫn dụ chúng ta xa rời Kinh Thánh, xem thường Kinh Thánh và đặt Kinh Thánh ngang hàng với những sách vỡ tham khảo bình thường khác hoặc những ý tưởng nào đó của con người.

Cầu xin Chúa cho bạn thấy được phước hạnh của lời Ngài chính trong Kinh Thánh.

Xin tham khảo thêm:
http://tinlanh.com/gaydung/timbietychua.html
http://tinlanh.com/gaydung/cambaytrongviectimbietychua.html

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)