Câu hỏi:
Câu hỏi: Tại sao trong Mười Điều Răn nói rõ rằng chúng ta phải giữ ngày Sabát là ngày thứ bảy mà ngày nay chúng ta lại giữ ngày Chúa Nhật. Chúng ta không thấy trong Kinh Thánh chỗ nào Đức Chúa Trời nói phải bỏ ngày Sabát. Ngay cả Chúa Giêxu và các môn đồ Ngài cũng giữ một cách nghiêm túc ngày Sabát.
Trả lời:
Bạn thắc mắc rất có cơ sở khi đưa ra vấn đề tại sao ngày nay chúng ta không giữ ngày thứ bảy mà lại giữ ngày Chúa Nhật. Như thế chúng ta có vi phạm điều răn Đức Chúa Trời không? Bạn cũng nhận xét rất đúng là chính Chúa Giêxu và các môn đồ Ngài giữ ngày Sabát là ngày thứ bảy. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng thời điểm Chúa Giêxu đang ở tại thế mà chưa lên thập tự giá vẫn được xem là thời Cựu Ước. Cái mốc phân biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước không phải là khi Chúa Giêxu sanh ra mà là từ khi Ngài chết và sống lại, từ đó mở ra kỷ nguyên mới của sự cứu rỗi bởi ân điển với sự mặc khải trọn vẹn về chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Con Ngài. Chúng ta quan sát thấy Chúa Giêxu luôn làm trọn những điều luật của Cựu Ước "Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn. (Mathio 5:17). Luca 4:16 "Đức Chúa Jêsus đến thành Na-xa-rét, là nơi dưỡng dục Ngài. Theo thói quen, nhằm ngày Sa-bát, Ngài vào nhà hội, đứng dậy và đọc." Chúng ta cùng đồng ý tại điểm này là Chúa Giêxu cũng giữ ngày Sabát là ngày thứ bảy. Thế thì ngày Sabát bắt đầu đổi thành ngày Chúa Nhật từ khi nào?
Trong các phần Kinh Thánh kể lại câu chuyện Chúa Giêxu phục sinh có ghi chép rằng "sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc tưng tưng sáng, có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ. (Mathiơ 28:1). Rất tiếc hầu hết các bản dịch đều dịch sai chỗ nầy kể cả những bản dịch tiếng Anh. Điều đáng mừng là chúng ta còn có được nguyên bản tiếng Hy Lạp. Nếu tra xem trong bản Kinh Thánh gốc tiếng Hy Lạp, chúng ta sẽ thấy rằng chữ "ngày Sabát" ở đây viết ở số nhiều, đúng ra phải dịch là "sau những ngày Sabát". Chữ "tuần lễ" ở đây trong nguyên ngữ là cùng một chữ với chữ "những ngày Sabát" phía trước nó. Đây là một chữ dùng ở số nhiều. Như thế, chúng ta có thể dịch lại là "sau những ngày Sabát, vào ngày (Sabát) thứ nhất của những ngày Sabát", chúng ta sẽ phát hiện ra một ý tưởng lý thú ẩn sau câu đơn giản này. Chúng ta nhớ chính Chúa là Đấng mặc khải cho những người chép Kinh Thánh để chép lại. Sau đây, chúng ta sẽ cùng phân tích ý tưởng này.
Thứ nhất, chúng ta nhận ra có hai kỷ nguyên của ngày Sabát khác nhau: tạm gọi là kỷ nguyên Sabát thứ nhất và kỷ nguyên Sabát thứ hai. Vì vậy mà mới có "sau những ngày Sabát" (của kỷ nguyên Sabát thứ nhất), rồi đến "ngày (Sabát) thứ nhất của những ngày Sabát (của kỷ nguyên Sabát thứ nhì). Hai kỷ nguyên Sabát này được phân định ra bởi sự chết của Chúa Giêxu và ngày Chúa Nhật khi Chúa Giêxu sống lại đánh dấu ngày Sabát thứ nhất của những ngày Sabát của kỷ nguyên Sabát thứ nhì. Thế thì kỷ nguyên Sabát thứ nhất là gì? Đó là kỷ nguyên Sabát của luật pháp Môise của thời Cựu Ước. Với kỷ nguyên này, ngày Sabát là hình bóng cho sự yên nghỉ, "Ấy vậy, dân Y-sơ-ra-ên sẽ giữ ngày sa-bát trải các đời của họ, như một giao ước đời đời. Ấy là một dấu đời đời cho ta cùng dân Y-sơ-ra-ên, vì Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời và đất trong sáu ngày, qua ngày thứ bảy Ngài nghỉ và lấy sức lại." (Xuất Êdíptô Ký 31:16-17)
"Khá nhớ rằng ngươi đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi dùng tay quyền năng giơ thẳng ra đem ngươi ra khỏi đó; bởi cớ ấy cho nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có dặn biểu ngươi phải giữ ngày nghỉ. (Phục Truyền 5:15)
Với những câu Kinh Thánh trên, chúng ta thấy rằng ngày Sabát trong kỷ nguyên thứ nhất này liên hệ với sự yên nghỉ của dân sự Đức Chúa Trời và sự giải cứu của Đức Chúa Trời trên dân sự Ngài hầu họ được sự yên nghỉ nơi đất hứa. Chúng ta để ý Kinh Thánh hay nói đến sự cư ngụ của dân Y-sơ-ra-ên trong xứ Canaan là sự yên nghỉ của họ. Kinh Thánh cũng nhiều lần cho chúng ta thấy rằng sự cứu rỗi của dân Y-sơ-ra-ên, sự họ đi đến đất hứa là hình bóng chỉ về sự cứu rỗi tối hậu trong chính Chúa Giêxu cho con cái Chúa tìm đến nước Thiên Đàng. Hình ảnh dân Y-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời giải cứu khỏi sự nô lệ tại Ai cập là hình bóng của con cái Chúa được Ngài giải cứu khỏi sự nô lệ của tội lỗi để bước vào sự cứu rỗi, yên nghỉ trong Chúa Giêxu. Thế thì, Chúa Giêxu đã đến và làm trọn mọi nghi lễ đó trong chính Ngài. Đức Chúa Trời đưa ra những luật lệ rất nghiêm nhặt trong Cựu Ước về ngày Sabát (và cả những ngày lễ khác nữa) rằng người ta không được phép là bất cứ việc gì trong ngày Sabát, thậm chí một người đi lượm củi cũng bị xử tử, hầu chỉ về sự cứu rỗi trọn vẹn, yên nghỉ trọn vẹn trong ân điển cứu rỗi của Chúa Giêxu mà không bởi chút việc làm nào của chúng ta. Chúa Giêxu đến đã hoàn tất mọi sự đó trong chính công tác cứu chuộc của Ngài. Kinh Thánh Tân Ước khẳng định ý tưởng trên "Vì vậy, chớ có ai đoán xét anh em về của ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày mặt trăng mới, hoặc ngày Sa-bát, ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ. (Côlôse 2:16-17) Trên cơ sở đó, con cái Chúa thời Tân Ước không bị ràng buộc phải tuân thủ theo những luật pháp về những nghi thức, ngày lễ, ngày Sabát, ăn uống... của thời Cựu Ước nữa vì mọi điều đó đã được thể hiện ra trong chính Chúa Giêxu rồi nên những hình bóng của nó không còn cần thiết nữa.
Kỷ nguyên Sabát thứ hai không giữ theo ngày thứ bảy mà là ngày Chúa Nhật. Tại sao? Chúng ta biết Chúa Giêxu chết nằm trong mộ và "sau ngày Sabát" (nghĩa là ngày thứ bảy), lúc sáng sớm thì Ngài sống lại (tức là ngày Chúa Nhật). Trong câu Kinh Thánh ở Mathiơ 28:1 và các câu ở Mác 16:2, Luca 24:1, Giăng 20:1 cũng nhắc lại những chữ "ngày (Sabát) đầu tiên trong những ngày Sabát" để chỉ về ngày Chúa Nhật khi Chúa phục sinh. Ngày Chúa Nhật này đánh dấu ngày Sabát đầu tiên của kỷ nguyên Sabát thứ hai. Liên tục sau đó, nếu bạn tra xem trong Kinh Thánh sẽ thấy một mô hình mới cho sự nhóm họp học hỏi lời Chúa của các sứ đồ và hội thánh vào ngày Chúa Nhật mà không phải là ngày thứ bảy (Giăng 20:10,26, Công vụ 20:7; 1Côrinhtô 16:1,2). Thỉnh thoảng sự giảng dạy vào ngày thứ bảy vẫn xuất hiện trong bối cảnh tại các nhà hội của người Do Thái vì thói quen đi vào nhà hội vào ngày thứ bảy của các sứ đồ hay cũng có thể các sứ đồ tận dụng cơ hội nhóm hiệp của dân Do thái để rao giảng về Chúa Giêxu cho họ. Sự kiện rất quan trọng là Thánh Linh giáng lâm cũng xảy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần, tức là năm mươi ngày sau ngày Sabát của Lễ Vượt Qua, tính ra là vào ngày Chúa Nhật. Chúng ta thấy sau khi Chúa Giêxu sống lại, mọi sự kiện đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày Chúa Nhật. Các thánh đồ đầu tiên dường như hiểu rõ vấn đề của kỷ nguyên Sabát thứ hai của ngày Chúa Nhật này nên họ hiển nhiên giữ theo và những sự kiện đó được ghi chép lại một cách bình thường trong Kinh Thánh dù Kinh Thánh không có sự giải thích rõ ràng nào về điều này. Dầu vậy, khi quan sát kỷ, chúng ta cảm nhận rằng các sứ đồ và hội thánh đầu tiên nắm được ý muốn này của Đức Chúa Trời và làm theo. Với kỷ nguyên Sabát thứ hai, trọng tâm không phải là sự nghỉ ngơi những việc phần xác nữa mà là sự thờ phượng Đức Chúa Trời, nghỉ ngơi những công việc đời thường để tập trung vào những công việc tâm linh. Như chúng ta thấy trong những dẫn chứng ở trên, các thánh đồ nhóm họp vào ngày Chúa Nhật, các sứ đồ giảng dạy vào ngày Chúa Nhật. Chúng ta không còn phải giữ theo từng chấm từng nét của những luật lệ Sabát Cựu Uớc vì những hình bóng đó đã qua rồi. Ngày nay chúng ta giữ ngày Sabát Chúa Nhật theo ý nghĩa mới của kỷ nguyên thứ hai: ngày Sabát dành cho Chúa vì "Con Người là Chúa ngày Sabát" (Mathiơ 12:8).
Cầu xin Chúa cho bạn tìm thấy được phước hạnh khi bạn đặt lòng tin vào lời Chúa để học hỏi và làm theo.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)