Câu hỏi:
Xin giải thích câu nói của Chúa Giêxu trong Giăng 2:19 "Hãy phá đền thờ này đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại."
Trả lời:
Đây là một câu Kinh Thánh quen thuộc mà chúng ta có thể tìm được lời giải cho nó trong chính đoạn Kinh Thánh này, ở phần thượng văn và hạ văn. Nếu đọc hết cả phần Kinh Thánh này Giăng 2: 13-22, chúng ta sẽ hiểu được chính xác điều Chúa Giêxu muốn dạy môn đồ ngày xưa và chúng ta ngày nay. Trong phần thượng văn, chúng ta thấy Chúa Giêxu vừa mới dẹp sạch đền thờ, Ngài phá đổ bàn của những người buôn bán và đổi bạc trong đền thờ Đức Chúa Trời. Vì vậy, những người Giuđa mới chất vấn Ngài "Thầy làm như vậy thì cho chúng tôi xem thấy phép lạ chi?" Câu này trong bản Kinh Thánh tiếng Việt không rõ nghĩa lắm nhưng trong các bản Kinh Thánh tiếng Anh sẽ cho chúng ta thấy câu hỏi đó cụ thể hơn là "Thầy có phép lạ gì để cho chúng tôi xem thấy mà thầy lại làm những việc như thế?" Điều này có nghĩa là những người Giuđa chất vấn Chúa Giêxu rằng Ngài có dấu kỳ phép lạ nào để chứng minh thẩm quyền của Ngài để bởi đó mà Ngài cho mình có quyền làm cái việc phá đổ bàn thờ của những người buôn bán kia. Chúa Giêxu đáp lại câu hỏi của họ bằng câu Kinh Thánh mà bạn đề nghị chúng tôi giải thích "Hãy phá đền thờ này đi, trong ba ngày ta sẽ dựng lại."
Với câu trả lời này, Chúa Giêxu nói đến phép lạ lớn nhất của Ngài là sự chết và sự sống lại của Ngài sau ba ngày. Trong Mathiơ 12:39-40, Chúa cũng đáp lời những người xin dấu lạ tương tự như vậy "Ngài đáp rằng: Dòng dõi hung ác gian dâm này xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ khác ngoài dấu lạ của đấng tiên tri Giô-na.
Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm." Trở lại với đoạn Kinh Thánh của chúng ta, Kinh Thánh giải thích cho chúng ta rất rõ trong câu 21-22 "Nhưng Ngài nói về đền thờ của thân thể mình. Vậy, sau khi Ngài được từ kẻ chết sống lại rồi, môn đồ gẫm Ngài có nói lời đó, thì tin Kinh Thánh và lời Đức Chúa Jêsus đã phán."
Thứ nhất, "đền thờ" trong ý nghĩa của Chúa Giêxu nói là chính thân thể Ngài: thân thể Ngài phải bị tan vỡ ra, Ngài phải chết đi để rồi Ngài sẽ sống lại với thân thể mới trong ba ngày. Tuy nhiên, trong thời điểm đó, các môn đồ không hiểu được hàm ý của Chúa Giêxu. Họ chỉ nhận ra điều đó sau khi Ngài sống lại. Chúng ta tin rằng, trong thời điểm Chúa Giêxu nói lời này, chương trình cứu rỗi qua sự chết của Ngài chưa được hoàn tất bởi Chúa Giêxu chưa lên thập tự. Vì thế, Ngài không muốn bày tỏ điều đó ra cho những người chẳng tin. Dù Ngài trả lời chính xác điều họ nói, nghĩa là Ngài đáp lời họ rằng phép lạ lớn nhất chính là sự chết và sống lại kỳ diệu của Ngài, tức là sự đắc thắng trên sự chết chỉ có được nơi Đức Chúa Trời mà thôi, dầu vậy, Ngài chưa muốn bày tỏ chương trình đó cho những người không tin kia nên đã trả lời bằng cách nói ẩn dụ đó. Tuy nhiên, với những môn đồ Ngài, sau khi Ngài đã chết và sống lại thì lẽ thật đó trở nên rõ ràng cho họ và bởi đó họ được củng cố đức tin hơn.
Thứ hai, sự chết và sống lại của Chúa Giêxu cũng đánh dấu sự kết thúc của thời Cựu Ước. Cùng với nó là sự kết thúc của sự thờ phượng và nghi thức dâng tế lễ tại đền thờ bằng gỗ đá mà thay vào đó là sự thờ phượng nơi đền thờ "lòng": 1Côrinhtô 6:19 chép "Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em...?"; Một tập thể con cái Chúa cũng gọi là đền thờ: "Anh em đã được dựng nên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà, cả cái nhà đã dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa." (Êphêsô 2:20-21), "Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ." (Mathiơ 18:20). Sự thờ phượng và dâng tế lễ bằng con sinh của Cựu Ước bị bỏ đi bởi tất cả mọi sự đó đều là hình bóng về Đấng Christ và sự thờ phượng bằng tấm lòng trong thời Tân Ước. Sự thờ phượng của thời Tân Ước là sự làm trọn vẹn hơn những nghi thức của Cựu Ước như Chúa Giêxu có nói "Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn." (Mathiơ 5:17). Như thế, thực tế "đền thờ" của Cựu Ước đã bị "phá" và được "dựng lại" một cách trọn vẹn hơn qua sự đắc thắng của Chúa Giêxu trên sự chết "trong ba ngày".
Hi vọng sự giải thích nầy sẽ giúp bạn phần nào trong thắc mắc của bạn.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)