Câu hỏi:
Tôi là một tín hữu mới tin Chúa. Tôi nhận thấy một số tín hữu đi truyền giảng cho người khác tin Chúa xong rồi thì không có ai tiếp tục dẫn dắt họ, nói cho họ nghe về Lời Chúa nữa. Điều đó dẫn đến sự vấp phạm và châm chọc của một số người đã bước lên tiếp nhận Chúa. Khi được hỏi, những tín hữu đã truyền giảng nói rằng việc "sống" hay "chết" của một người là trong tay Chúa. Họ giải thích như vậy có đúng không?
Ví dụ về bốn thứ đất có dạy chúng ta là chúng ta nên "chọn đất mà gieo" kẻo hao phí giống của Chúa không? Hay chúng ta cứ gieo còn việc lớn lên thế nào là trong tay Chúa?
Trả lời:
Chúng tôi cảm ơn bạn một lần nữa trình bày với chúng tôi thắc mắc của bạn. Chúng tôi rất hiểu điều bạn trình bày về bạn là người mới tiếp nhận Chúa chớ không phải từ trong gia đình. Tuy nhiên, những thắc mắc bạn nêu lên không chỉ là vì bạn mới tin Chúa nên mới thắc mắc. Chúng tôi sanh ra trong gia đình tin Chúa nhưng như nhiều lần chúng tôi có chia sẻ với bạn, có rất nhiều điều bạn thắc mắc cũng đã từng là thắc mắc của chúng tôi. Chúng tôi cũng đồng ý rằng tốt hơn là chúng ta mạnh dạn trình bày thắc mắc để được giải tỏa còn hơn cứ yên lặng mà không an lòng. Thái độ tìm hiểu chân thành và nghiêm túc luôn là điều chúng tôi trân trọng. Vì thư của bạn nêu lên nhiều thắc mắc trên nhiều lãnh vực, chúng tôi xin được trình bày từng vấn đề một.
Thứ nhất, vấn đề con cái Chúa rao giảng lời Chúa rồi không tiếp tục gây dựng đời sống tâm linh của các tín hữu là đúng hay sai. Khi đọc thư bạn chúng tôi không rõ vấn đề bạn nói đến xảy ra trong trường hợp nào nên chúng tôi không thể nói đúng hai sai được. Tuy nhiên chúng tôi sẽ trình bày một cách tổng quát để bạn thấy rõ được vấn đề và bạn có thể áp dụng vào trường hợp mà bạn thấy đó để biết là đúng hay sai.
Có một việc làm không hợp lý trong giới Cơ Đốc ngày nay là sau bài giảng của buổi truyền giảng thì những người truyền giảng kêu gọi thúc giục thân hữu bước lên tòa giảng để cầu nguyện tin Chúa. Có lẽ bạn rất ngạc nhiên khi nghe chúng tôi nói như vậy. Tuy nhiên, nếu bạn đã hiểu và chấp nhận tín lý là Chúa chọn con cái Chúa từ buổi sáng thế và việc một người tin Chúa hoàn toàn là công việc của sự chọn lựa và biến cải của Chúa trong tấm lòng người đó thì từ đó bạn sẽ nhận thấy đây là một cách thức chưa đúng. Thật ra trong suốt 18 thế kỷ đầu tiên sau khi Cơ Đốc Giáo ra đời không có cách làm này sau một buổi rao giảng Tin Lành. Cách làm này chỉ mới xuất hiện và phát triển cách nay khoảng hơn 150 năm mà thôi. Vấn đề chính dẫn đến việc làm không đúng nầy là vì chúng ta chưa hiểu được "tin Chúa thật" và "được cứu rỗi" là như thế nào. Theo lời Chúa chúng ta biết bổn phận của con cái Chúa là "Hãy đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người", "rao sự chết của Chúa ra cho tới lúc Ngài đến" Khi làm chứng hay truyền giảng chúng ta có thể nói tổng quát để cho người chưa tin hiểu được rằng thế giới nầy và con người chúng ta do Chúa dựng nên, việc con người phạm tội, hậu quả của tội lỗi, chương trình cứu chuộc của Chúa qua Chúa Giêxu Christ, lời hứa của Chúa và điều sẽ xảy đến cho nhân loại và thế giới nầy trong tương lai theo lời của Chúa. Bổn phận chính của chúng ta là đem lời Chúa đến cho người chưa được cứu chớ không phải tự sức chúng ta đi "cứu " người đó. Công việc cứu người đó là công việc của Chúa và Đức Thánh Linh. Chính Chúa sẽ hành động qua lời của Ngài khi chúng ta chia sẻ những lời đó với người chưa tin. Nếu Chúa muốn cứu ai đó theo sự lựa chọn của Ngài thì chính Ngài sẽ làm cho người đó được "sanh lại" trong thời điểm của Ngài. Lời cầu nguyện trên tòa giảng hay lời lặp lại bài cầu nguyện mà người truyền giảng hướng dẫn nơi nào đó không thể tái sanh đời sống một người và không thể khiến một người trở nên con cái Chúa thật nếu Chúa chưa hành động trong lòng người đó. Nhiều tín hữu chúng ta thường hiểu lầm rằng khi chúng ta nhiệt tình thúc giục ai đó bước lên cầu nguyện tin Chúa thì bởi đó mà cứu được linh hồn người đó nên tín hữu Tin Lành thường không ngần ngại tận dụng bất kỳ cách thức lời nói nào thuyết phục nhất vì nghĩ rằng nếu việc làm của mình kết quả cho một linh hồn được cứu thì mình không phải tiếc gì, mà ngược lại còn hối tiếc nếu mình không làm mà người kia phải hư mất. Nhiều tín hữu Tin Lành và cả diễn giả cũng vì quá "háo hức" với "kết quả" của buổi truyền giảng, nghĩa là số lượng những người bước lên đồng ý cầu nguyện tin Chúa, mà thúc đẩy các thân hữu được nghe truyền giảng đến quá mức. Cách làm chưa đúng này đưa đến hậu quả tất nhiên là nhiều người bước lên nói lời cầu nguyện tin Chúa mà trong lòng thật sự chưa tin Chúa bởi việc người đó bước lên cầu nguyện không phải là bởi sự thúc giục và biến cải của Đức Thánh Linh trong lòng người đó mà chỉ bởi sự thuyết phục của những tín hữu khác. Và bởi người đó đã cầu nguyện tin Chúa không phải vì Chúa gọi mà vì con người kêu gọi nên người đó dễ bị vấp phạm khi những người trước đây đã hết sức nhiệt tình kêu gọi mình sao giờ đây chẳng còn chút nhiệt tình gì nữa. Tất nhiên, tại đây chúng tôi không hề phản đối việc các tín hữu cần có thái độ ân cần nhiệt tình hướng dẫn cho những người chưa biết Chúa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta hãy để việc cứu linh hồn người khác cho Chúa làm và đừng nổ lực không đúng cách gây nhọc mệt và thất vọng cho cả đôi bên: Bởi với những người cầu nguyện tin Chúa mà lòng chưa có Chúa thì chính họ cũng thấy nặng nề vì sự "gia nhập đạo Tin Lành" của mình, và với những tín hữu chịu trách nhiệm chăm sóc những người mới tiếp nhận Chúa cũng cảm thấy nãn lòng vì số lượng những "tân tín hữu" quá đông mà số người thật sự lớn lên trong Chúa sao thấy quá ít ỏi. Một thực tế nhìn thấy ở nhiều nơi là danh sách những người bước lên nói lời cầu nguyện tin Chúa ở các nơi đều rất nhiều nhưng số lượng tín hữu gia tăng thật sự ở các hội thánh thì không đáng kể. Vấn đề là nếu các tân tín hữu thật sự tin Chúa vì tấm lòng họ được Chúa cảm động, họ sẽ bị chính Ngài thuyết phục và tìm kiếm Ngài như chính lẽ sống của đời mình. Họ sẽ thấy Chúa là quan trọng và tự họ muốn học hỏi thờ phượng Ngài. Tại đây chúng tôi không có ý miễn trừ trách nhiệm chăm sóc tân tín hữu, nghĩa là hội thánh có trách nhiệm ân cần hướng dẫn những điều có thể được để một tín hữu mới có điều kiện tham gia thờ phượng Chúa tại hội thánh địa phương cũng như tiếp tục học hỏi Lời Chúa. Tuy nhiên nếu chúng ta làm đúng cách thì công việc chăm sóc sẽ tránh khỏi những nhọc mệt và nãn lòng không cần thiết phải có. Một số nơi khác thì sa đà vào một thái cực khác: cho rằng mình đã rao giảng rồi, người khác đã "tin Chúa rồi" là làm xong trách nhiệm và không cần chăm sóc gì cả như trường hợp bạn đưa ra hay có khi vì nhân lực trong nhà thờ không đủ sức làm công việc nầy vì số lượng "tân tín hữu" đông quá (nhưng thật ra là vì trong số đó có nhiều người chưa bao giờ thật sự là tín hữu thật của Chúa vì họ chưa được Chúa biến đổi), vì vậy cho nên mới xảy ra vấn đề phiền lòng của "tân tín hữu".
Chúng ta có thể tổ chức truyền giảng, chúng ta có thể làm chứng cho những người chưa tin, chúng ta có thể mời thân hữu đến nhà thờ dự truyền giảng nhưng chúng ta phải nhưỡng công việc "bắt phục" lại cho Chúa. Người truyền giảng hay người làm chứng có thể trình bày những gì Kinh Thánh chép liên quan đến tội lỗi, sự hư mất của con người và chương trình cứu chuộc của Chúa theo cơ hội, khả năng mà mình có được, còn việc thân hữu có tin Chúa hay không là công việc của Chúa làm. Chúa có thể làm công việc nầy trong đêm đó, qua ngày sau, tháng sau hay năm sau, không ai có thể biết được. Chỉ có Chúa mới biết ai là người mà Ngài dự định sẽ cứu. Trong trường hợp sau khi nghe có người vẫn còn nhiều thắc mắc và muốn tìm hiểu thêm thì chúng ta là những người đã theo Chúa lâu năm có thể dùng lời Chúa để hướng dẫn họ, chúng ta không cần bảo họ "cầu nguyện tin Chúa đi". Nếu những người thật sự được Chúa cứu tự đáy lòng họ sẽ kêu xin cùng Chúa tha thứ tội lỗi cho họ, họ sẽ bắt đầu ham thích lời của Chúa, muốn học hỏi và làm theo. Họ sẽ trở lại nhà thờ để nghe giảng hay đến những buổi học Kinh Thánh để học hỏi thêm về lời của Chúa. Cho dù chúng ta không mời ép họ thì họ vẫn làm điều đó vì lời Chúa hành động trong lòng họ. Tuy nhiên vì bản tánh người Việt chúng ta hay rụt rè cho nên nếu chúng ta thấy người nào có lòng tìm hiểu thì chúng ta có thể khích lệ và mời họ cùng học Kinh Thánh với chúng ta. Chúng ta không cần dùng vận dụng khả năng ăn nói để mời gọi hay thúc ép ai cả, nếu họ vui lòng tự nguyện đi với chúng ta thì chúng ta nên tìm mọi cách để giúp họ có cơ hội tiếp cận lời của Chúa để lời của Chúa dạy họ về ý chỉ của Ngài hầu cho họ biết mà vâng theo, "Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế." (Mathiơ 28:19-20). Khi một người nghe được lời Chúa mà thật lòng muốn làm theo trên tất cả mọi phương diện trong đời sống thì chúng ta có thể xem đó là dấu hiệu của một người đã được sanh lại, "Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người." (Giăng 14:23).
Về vấn đề mà bạn nêu lên, việc "sống" hay "chết" là trong tay Chúa là sự thật. Phaolô nói về công việc truyền giảng của mình và công việc chăm sóc của Abôlô rằng "Tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên." (1 Corinhto 3:6-7) Chúng tôi có trình bày vấn đề tương tự như vấn đề này trong một câu trả lời cho những bạn đọc khác. Xin bạn đọc thêm hai đề tài "Thế Nào Là Một Chứng Nhân Hiệu Quả?" và "Đức Tin Hay Việc Làm?" trong mục "Bạn Đọc Hỏi Đáp" trên website tinlanh.com. Trong hai câu trả lời trên mà chúng tôi đề nghị bạn tham khảo, chúng tôi cũng có đề cập đến ví dụ về bốn thứ đất, bạn đọc sẽ hiểu thêm. Tại đây chúng tôi chỉ xin nói thêm vài ý rằng "hạt giống" tại đây là Lời Chúa, là Tin Lành về sự cứu rỗi của Chúa Giêxu chớ không phải là tiền bạc hay bất kỳ điều gì khác nên chúng ta cứ đi ra "gieo" mà không sợ hao phí gì. Chúng ta "đã được lãnh không thì hãy cho không" (Mathiơ 10:8b), có nghĩa là chúng ta đã nhận được sự cứu rỗi được ban cho một cách nhưng không, không phải trả giá hay bởi công sức gì thì chúng ta cũng chia sẻ điều đó cho người chưa tin. Hơn nữa Chúa có phán về Lời Ngài rằng "thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó." (Êsai 55:11 ) nghĩa là Lời Chúa có năng quyền khác với lời bình thường của chúng ta, có khả năng mang lại hiệu quả trong ý muốn của Ngài. Chúng ta cũng không thể lựa chọn đất tốt để gieo vì đất ở đây là tấm lòng con người. Nào ai biết được điều gì trong lòng một con người? Kinh Thánh có cho chúng ta câu chuyện về tên cướp bị đóng đinh cạnh Chúa Giêxu đã mở lòng ra tiếp nhận Chúa trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời (Luca 23:39-43). Có ai trong chúng ta tự nghĩ ra rằng tấm lòng tên cướp đó lại là "đất tốt"? Vì vậy chúng ta cứ ra đi rao giảng và trao phó kết quả trong tay Chúa.
Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành
Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)