Trang Bìa > Tìm Hiểu Tin Lành > Đức Tin Cứu Rỗi  


ĐỨC TIN CỨU RỖI

Câu chìa khóa nói về mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa Cứu Thế Giê-xu là tin nhận nơi Ngài.

Giăng 3:16 tuyên bố, "Hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất." Người cai ngục ở thành Phi-líp hỏi, "Tôi phải làm chi để được cứu?" và câu trả lời của Đức Chúa Trời qua sứ đồ Phao-lô là, "Hãy tin Đức Chúa Giê-xu, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi.

Tin Đức Chúa Giê-xu có nghĩa gì? Trong Lu-ca 8:13 chúng ta đọc về những người tin trong một lúc rồi sau đó tháo lui bởi không có rễ. Trong Gia-cơ 2:19 chúng ta đọc, "Ma quỉ cũng tin và run sợ." Trong Công-vụ các Sứ-đồ chúng ta đọc về những người Sa-ma-ri đã tin khi Phi-líp giảng dạy những điều liên quan đến nước Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta biết rằng vào thời điểm đó họ chưa được cứu vì họ chưa nhận lãnh Đức Thánh Linh, Rô-ma 8:9 dạy chúng ta rằng, nếu chúng ta không có Thánh Linh của Ngài, chúng ta không thuộc về Ngài. Cũng giống vậy, trong Công-vụ 19, chúng ta đọc về mười hai người Ê-phê-sô đã tin, nhưng vào thời điểm đó họ chưa được cứu bởi vì họ chưa nhận được Đức Thánh Linh.

Như vậy tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu có nghĩa gì? Làm sao có thể được khi một mặt Đức Chúa Trời bảo chúng ta tin vào Chúa Cứu Thế, mặt khác Đức Chúa Trời nói với chúng ta rằng có những người đã tin nhưng vẫn chưa được cứu. Chắc chắn rằng Ma quỉ cũng tin nhưng không được cứu.

Những điều xem có vẻ mâu thuẩn nầy dạy chúng ta phải xem xét chữ "tin nhận" một cách kỹ lưỡng hơn. Tin nhận có nghĩa xa hơn là chỉ nhận biết rằng Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa, rằng Ngài đã đến trên thế gian trong thân xác của con người, rằng Ngài đền trả cho tội lỗi của những người được cứu, rồi Ngài đã sống lại, chiến thắng sự chết hoàn toàn. Ma quỉ cũng biết những điều nầy, nhưng nó không được cứu. Đáng buồn thay, có nhiều người trong giáo hội ngày hôm nay biết những điều nầy và vẫn chưa được cứu.

Bạn thấy đó, có một sự khác biệt lớn lao giữa tin nhận bằng lý trí, ngay cả bằng cảm xúc với sự tin nhận bằng toàn bộ con người của chúng ta. Để tin rằng tôi đang trên con đường dẫn đến sự cứu rỗi có nghĩa là tôi đã và đang giao phó toàn bộ đời sống của tôi vào Chúa Cứu Thế. Tôi ủy thác trọn đời của tôi vào nơi Ngài. Ý muốn của tôi hoàn toàn đầu phục Ngài.

Tôi được biết cách nay hơn một trăm năm có một người tên là Blandin. Người đó đã thật sự căng một sợi dây thừng ngang qua thác Niagara, và trước sự hiện diện của Edwar VII, người mà sau đó trở thành hoàng tử của xứ Wales, đã biểu diễn những ngón điêu luyện lạ thường trên sợi dây đó.

Giả sử rằng bạn cũng có mặt tại thác Niagara và tại đó cũng có một người có khả năng như vậy với đầy đủ dụng cụ định biểu diễn tài nghệ điêu luyện nhu thế. Bạn nhìn xem ông ta và những người phụ tá trên hẽm núi của bờ phía bên kia căng sợi dây dài hơn 300 mét ngang qua dòng thác vĩ đại nầy một cách thích thú. Rồi sự thích thú của bạn biến thành sự say mê khâm phục khi bạn nhìn xem người bạn mới của bạn đi bộ trên dòng thác chỉ cầm trong tay một cây gậy giữ thăng bằng. Chỉ cần sẩy một bước chân thì sự chết thình lình sẽ đến với ông, chắc chắn ông sẽ rơi vào những tảng đá hoặc những dòng nước đang nổi sóng sâu hơn 50 thước bên dưới. Nhưng ông ta có đủ khả năng, khéo léo và đầy kinh nghiệm nên hình như việc té xuống là chuyện không thể xảy ra được cho ông khi ông vượt qua đoạn giữa của sợi dây đang nhảy múa.

Cuối cùng ông vào đến bờ và nói với bạn: "Bạn nghĩ gì về sự trình diễn của tôi?" Bạn sẽ trả lời một cách thành thật nhất rằng: "Tôi nghĩ ông thật phi thường. Tôi chưa từng thấy ai có khả năng lạ thường có thể giữ thăng bằng một cách tuyệt đẹp trong hoàn cảnh hiểm nghèo như vậy." Rồi ông ta hỏi: "Bạn có nghĩ rằng tôi có thể biểu diễn giống như vậy với một người ngồi trên vai tôi không?" Bạn trả lời ngay, một lần nữa rất thành thật: "Tôi tin rằng ông có thể làm điều đó không một chút khó khăn. Ông là một người đi bộ trên dây một cách khéo léo vượt bực." Nhìn sự tin tưởng nhiệt tình của bạn vào ông ta, rồi ông đề nghị: "Hãy nhìn xem. Đám đông đã tập trung lại rồi, chúng ta hãy chứng minh cho họ thấy. Bạn hãy leo lên vai tôi, chúng ta sẽ tỏ cho họ thấy rằng tôi có thể làm được điều nầy."

Giây phút của sự thật đã đến. Bạn mới vừa quả quyết với ông ta rằng ông có thể tiến hành biểu diễn với một người ngồi trên vai ông. Bạn hoàn toàn công nhận ông có thể làm được điều đó, nhưng bây giờ ông ta yêu cầu bạn ủy thác cuộc đời của bạn vào tay ông. Nếu ông thất bại, chắc chắn cả hai sẽ lao vào sự chết bên dưới. Thình lình bạn nhận ra rằng sự sống quan trọng hơn trò thể dục phiêu lưu nầy. Sự tin cậy mà bạn đặt vào ông ta chỉ là cảm xúc bởi vì sự thích thú và nhiệt tình của bạn nhìn xem sự biểu diễn bất chấp cái chết của ông giờ đây biến mất như hơi nước. Sự tin tưởng của bạn nơi ông khi bạn nghĩ rằng không ai hơn ông trong khả năng nầy mờ đi. Bạn nhận ra hết sức rõ ràng rằng bạn chưa sẵn sàng tin vào ông đến mứcphó thác sự sống của bạn vào sự chăm sóc của ông, và câu trả lời của bạn với ông ta có lẽ do dự nhưng chắc chắn là một cảm nghĩ sâu sắc: "Tôi tin rằng ông có thể đi bộ trên sợi dây đó với một người trên vai ông, nhưng tôi chắc rằng tôi không phải là người làm việc đó với ông. Tôi phải thú nhận rằng tôi không tin tưởng vào ông nhiều đến mức độ như vậy."

Có lẽ sự minh họa nghèo nàn trên sẽ giúp mô tả đặc tính của sự tin nhận thịnh hành ngày nay. Nhiều người bị cuốn lôi theo cảm xúc để tin nhận vào Chúa Cứu Thế bởi những kích động về tâm linh! Nhiều người sẵn sằng chấp nhận theo lý trí tất cả những điều gì tuyệt vời liên quan đến Chúa Cứu Thế Giê-xu! Nhiều người trong số nầy được thuyết phục rằng họ được cứu bởi vì họ tin vào những điều nầy theo cảm xúc hay lý trí, nhưng họ chưa bao giờ đạt đến mức có thể giao phó đời họ cho Ngài, chưa bao giờ đạt đến mức phó thác cả đời họ nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Lòng tin để được cứu vào nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu thật sự bao gồm hành động tự từ bỏ mình. Chúa Giê-xu tuyên bố trong Ma-thi-ơ 16:24-25: "Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mà mất sự sống thì sẽ được lại."

Sự tự từ chối mình là bằng chứng thực tế rằng chúng ta tha thiết mong muốn đóng đinh xác thịt và sự ham muốn của nó. Chúng ta muốn Chúa Giê-xu ngự trên ngôi của cuộc đời chúng ta với tất cả ý muốn của chúng ta đặt dưới quyền của Ngài. Sự tự từ bỏ mình được diễn tả bằng cách khác trong ngôn ngữ của I Giăng 2:3-4.

Bởi vì chúng ta đã được cứu, và kết quả của đức tin cứu rỗi đó là trong đời sống của chúng ta vì thế sẽ không ngừng tìm thấy sự tha thiết mong muốn vâng phục Ngài. Sự vâng phục nầy không phải vì mong muốn được phần thưởng hay bất cứ công trạng gì, nhưng nó là kết quả thực tế rằng chúng ta đã được sanh lại. Là một cá nhân được sanh lại chúng ta có một tình yêu không bao giờ dứt đối với Đức Chúa Trời.

Sự tin cậy nầy vào Chúa, đức tin dẫn đến sự cứu rỗi, sẽ là loại đức tin có thể trụ lại qua sự thử nghiệm nơi thế giới bị rủa sả và đầy tội lỗi nầy. Chúa Giê-xu phán trong Lu-ca 14:26-27: "Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta. Còn ai không vác thập tự giá mình mà theo ta, cũng không được làm môn đồ ta."

Từ một cái nhìn khác Ngài nói trong I Giăng 3:13: "Hỡi anh em, nếu thế gian ghen ghét anh em, thì chớ lấy làm lạ."

Bạn thấy đó, tin nhận vào Chúa Cứu Thế Giê-xu có nghĩa rằng bởi ân điển chúng ta đồng ý đứng với Ngài từ giờ trở đi cho đến đời đời. Chúng ta muốn Ngài là Chúa của đời sống của chúng ta bất chấp những hoàn cảnh trong tương lai.

Nhưng làm sao tôi có thể tin theo cách nầy được? Nếu tôi nhìn vào đời sống của tôi một cách thành thật, tôi đang phản loạn chống nghịch lại Ngài. Tôi muốn đi theo đường riêng của tôi. Tôi muốn tôi làm chủ chính tôi. Tôi muốn làm việc của riêng tôi. Làm sao tôi có thể đầu phục ý chí của tôi cho người nào khác theo cách đó?

Tuyệt vời thay, ngay cả khả năng tin nhận nơi Chúa Cứu Thế cũng là quà tặng của Đức Chúa Trời. Trong khi sự tin nhận như thế ngược lại với bản tính của con người chúng ta, nếu chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta sự tin cậy như thế và nài xin Ngài rằng chúng ta mong muốn ý riêng của chúng ta được thuận phục Ngài thì trong sự thương xót siêu phàm của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ ban cho chúng ta đức tin đó. Nhưng chúng ta phải cầu xin điều nầy một cách thành thật. Tin nhận nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là giây phút của sự chân thành. Đó là khi chúng ta nhận ra rằng tất cả những con đường khác để thoát khỏi tội lỗi chúng ta và khỏi cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời đã bị đóng lại. Chúa Cứu Thế là câu trả lời duy nhất. Sự ban tặng tuyệt vời của sự cứu rỗi vẫn còn vang lên tuyên bố rằng nếu chúng ta tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta sẽ được cứu.

Bạn đã phó thác đời mình vào nơi Ngài chưa? Bạn có phó cả đời bạn vào trong sự chăm sóc của Ngài không? Bạn có nhìn nhận rằng trong chính con người bạn, bạn đã bị phá sản về thuộc linh và vì thế đáng phải vào địa ngục để đền trả cho tội lỗi của bạn? Bạn có đạt đến chỗ nhận ra rằng chỉ trong Chúa Cứu Thế mới có câu trả lời cho tội lỗi của bạn? Chúa của chúng ta thật nhân từ đến nỗi chúng ta vẫn có thể đến với Ngài trong sự phản loạn của chúng ta để nài xin Ngài ban cho chúng ta đức tin cứu rỗi đó, là đức tin dẫn đến sự sống đời đời.

Harold Camping

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)