Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Phierơ > Chỉ Trong Ít Lâu - 4/2007  


CHỈ TRONG ÍT LÂU
(1Phierơ 1:6-7)

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Khi xem qua những trang sử giáo hội Cơ đốc, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều tín hữu đã chịu khổ rất nhiều vì đức tin nơi Chúa Giêxu Christ. Nhiều người hi sinh những tiện nghi và thú vui của đời này vì lòng yêu mến Tin Lành của Đấng Christ. Bắt đầu từ những sứ đồ. Giacơ bị xử trảm. Sứ đồ Phierơ, theo lời truyền khẩu, bị đóng đinh ngược đầu. Sứ đồ Giăng, người viết sách Khải Huyền, bị đày ra đảo Bát-mô. Hội thánh đầu tiên chịu khổ dữ dội bằng nhiều cách. Họ gặp gỡ ở hầm mộ để trốn tránh những người La mã cai trị đang tìm cách tàn hại họ. Những người bị bắt trở thành mồi sống cho sư tử ở đại hí trường La mã. Athanasius, người bảo vệ cho lẽ đạo Ba Ngôi chính thống, cất tiếng nói cô độc trên thế gian, đứng vững cho lẽ thật về Đức Chúa Trời ba ngôi. Người ta nói về Athanasus rằng ông là người duy nhất đứng lên nghịch cùng cả thế giới. Luther và Calvin của thời Cải Chính, không nhất thiết phải bị tuận đạo, chịu hi sinh nghề luật đầy hứa hẹn của mình và đời sống dễ chịu ở xứ mình, chịu bỏ mọi sự đó mà đứng lên cho cuộc cải chính cho hội thánh Đấng Christ. Họ làm thế mà chính mình chịu trả giá đắt, thậm chí ảnh hưởng đến sự bình yên và an toàn của bản thân. Họ làm việc không mệt mõi chống trả phe đối lập để bảo vệ niềm tin của mình. Chỉ cần đọc cuộc đời Luther hay Calvin chúng ta sẽ thấy họ đã chịu khổ thể nào vì Tin Lành của Đức Chúa Giêxu Christ. Một số trong chúng ta quen thuộc với Hugh Latimer và tiến sĩ Ridley mà cuộc đời và sự chết của họ đã được ghi lại trong sách về những thánh tuận đạo. Hai người này chịu chết trên giàn hỏa để mang sự cải chánh đến nước Anh. Họ bị thiêu sống cạnh nhau và trước khi chết Latimer nói với Ridley: "Thầy Ridley ơi, hãy được yên ủi và can đảm. Ngày nay, bởi ơn Chúa, chúng ta thắp lên ngọn nến tại nước Anh mà tôi tin rằng sẽ không bao giờ bị dập tắt."

Thật vậy, cái chết của họ công bố lẽ thật Tin Lành mạnh mẽ không kém gì bất kỳ lời nói nào họ đã từng nói ra. Có rất nhiều ví dụ về sự chịu khổ, hi sinh trong đời sống của biết bao Cơ Đốc nhân đã mang thập tự giá mình mà theo Đấng Christ. Đời sống Cơ Đốc nhân không nên được xem như là không có khổ đau. Khổ đau, dù vì bị bắt bớ như chúng ta vừa đề cập ở trên, hay vì bịnh tật hoặc bất cứ hoàn cảnh nào của đời sống hằng ngày là thực tế cho mọi tín hữu. Những người nói rằng khi trở thành Cơ Đốc nhân thì hễ bắt tay vào việc gì thì cũng được thạnh lợi, hứa hẹn cho chúng ta sự giàu có khoẻ mạnh là không có cơ sở Thánh Kinh. 1Phierơ đoạn 4 câu 12 nói với chúng ta rằng chúng ta không nên nhìn thấy những thử thách này là điều lạ lùng mà phải vui mừng vì chúng ta đang dự phần trong sự chịu khổ của Đấng Christ. Sự chịu khổ là một thực tế của đời sống Cơ Đốc. Hôm nay chúng ta muốn xem xét sự chịu khổ của Cơ Đốc nhân ở ba điểm cụ thể. Trước hết, chúng ta sẽ xem xét sự kêu gọi Cơ Đốc nhân hãy vui mừng hớn hở dù trong thử thách. Thứ hai, chúng ta muốn xem xét thực chất của những thử thách khác nhau mà Cơ Đốc nhân phải đối diện. Thứ ba, chúng ta muốn xem xét mục đích của những thử thách đó.

Lời kêu gọi hãy vui mừng thật ra không giống một lời kêu gọi lắm mà đúng hơn là một lời nhận định thực tế về kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân. Đó là một lời nhận định bày tỏ tấm lòng của một Cơ Đốc nhân thật. Một Cơ Đốc nhân thật vui mừng trong Đức Chúa Trời. Nó phản ánh kinh nghiệm của những người được Chúa động đến tấm lòng. 1Phierơ đoạn 1 câu 6 chép rằng: "Anh em vui mừng về điều đó..." Có người đặt câu hỏi rằng "điều đó" là gì, chúng ta vui mừng về điều gì? Có người cho rằng "điều đó" chỉ về điều mới đề cập đến trong câu 5 là "kỳ sau rốt." Họ cho rằng sự vui mừng của chúng ta được giới hạn trong suy nghĩ của chúng ta về ngày phán xét, ngày mà người công bình sẽ được mang về ở với Đức Chúa Trời, ngày mà chúng ta sẽ hưởng trọn vẹn niềm vui cứu rỗi của chúng ta. Sự vui mừng là một thực tế của Cơ Đốc nhân trong tương lai, rằng nó nhìn về một tương lai chưa xảy đến. Một số khác dịch lại phần đầu câu 6 là "Anh em vui mừng về Đấng đó" thay vì là "Anh em vui mừng về điều đó" mà cách dịch này cũng hợp lý theo nguyên ngữ Hy Lạp. Theo đó, chữ "Đấng đó" chỉ về Đức Chúa Cha trong câu 3. Ấy là trong Ngài mà chúng ta vui mừng hớn hở. Theo tôi, chữ "điều đó" chỉ về những điều chúng ta mới đề cập đến và cả những điều ở đoạn giữa nữa, nghĩa là mọi điều từ câu 3 đến câu 5. Chúng ta vui mừng vì sự thương xót của Cha chúng ta. Chúng ta vui mừng vì công việc của Đức Chúa Cha trong sự lựa chọn chúng ta làm con Ngài. Chúng ta vui mừng vì công việc của Chúa Giêxu chết trên thập tự giá để đền trả tội lỗi cho chúng ta, Đấng đã tỏ ra sự thương xót Ngài bằng cách hi sinh chính mình Ngài. Chúng ta vui mừng vì Chúa Giêxu không cứ ở trong phần mộ mà sống lại với sự sống mới hầu chúng ta, những người ở trong Đấng Christ, cũng có thể được sống lại với Ngài. Chúng ta vui mừng vì chúng ta có được niềm hy vọng chắc chắn bởi Đức Chúa Trời đã dự bị cho chúng ta một cơ nghiệp không ô uế, không suy tàn, còn lại đến đời đời. Chúng ta vui mừng vì được giữ gìn bởi quyền năng của Đức Chúa Trời qua những giây phút thử thách này. Chúng ta được Đức Chúa Trời gìn giữ cho đến ngày cứu rỗi vào ngày cuối cùng.

Thế thì chúng ta vui mừng hớn hở vì toàn bộ sứ điệp của Tin Lành. Toàn bộ sứ điệp Tin Lành này làm chúng ta tràn đầy sự vui mừng, khiến chúng ta có thể dâng lời cảm tạ và vui mừng trong Đấng Christ. Chúng ta vui mừng vì biết tình yêu thương của Đấng Christ quý báu hơn vàng. Ấy là toàn bộ sứ điệp của hy vọng và bình an của Tin Lành làm tràn đầy lòng Cơ Đốc nhân với niềm vui. Nếu chúng ta tin Chúa, nếu chúng ta biết Chúa Giêxu Christ, nếu chúng ta từng trải sự cứu rỗi, nếu chúng ta có sự bảo đảm về sự sống đời đời, chúng ta chắc chắn phải đầy sự vui mừng về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Tấm lòng Cơ Đốc nhân tràn đầy sự cảm tạ và ca ngợi Đức Chúa Trời, Đấng khiến và chọn chúng ta làm dân sự yêu dấu của Ngài. Chúng ta là vợ hứa của Ngài. Ngài là chàng rể của chúng ta. Niềm vui của chúng ta châm rễ trong lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống đời đời, sự sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, sự sống nơi không có tội lỗi và sự khổ sở, sự sống trên thiên đàng. Đó là niềm vui đang có trong chính hiện tại. Dù đang sống trong thế giới đầy tội lỗi và khổ đau này, chúng ta vẫn có được sự vui mừng đó. Đây không phải là niềm vui thể hiện trong những nụ cười gượng gạo. Nó không phải là một sự giả tạo. Nó không phải là những tiếng cười không đúng chỗ. Nó không giả tạo bên ngoài mặt mà có sâu kín vững chắc, bắt nguồn từ tấm lòng của mỗi người tín hữu. Đó là một niềm vui tâm linh sâu sắc. Từ ngữ trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp mang cho chúng ta một ý nghĩa về một điều gì đó tiếp diễn không ngừng, luôn theo sát người tin Chúa. Họ vui mừng trong sự trông cậy về sự cứu rỗi từ lời hứa của Đức Chúa Trời. Thực tế của thiên đàng phải là từng trải trong cuộc sống thường ngày của Cơ Đốc nhân.

Sự vui mừng không bị rúng động bởi những khó khăn, chịu khổ không chỉ tìm thấy trong sách Phierơ nhưng cũng tìm thấy trong sách Giacơ đoạn 1 câu 2 nữa, "Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn". Vì vậy ngay trong lúc chúng ta chịu khổ, ngay trong lúc chúng ta gặp tai họa hãy nịt lưng đời sống chúng ta bằng tinh thần vui mừng. Ngay cả trong tang chế là điều mà chúng ta buồn khổ nhất nhưng chúng ta cũng được cho biết là chúng ta không buồn rầu giống như người thế gian bởi vì họ buồn khổ mà không có hi vọng nhưng chúng ta thì không giống vậy. Ngay cả sự chết cũng không làm rúng động sự vui mừng của sự cứu rỗi mà chúng ta có bởi lời hứa của Đức Chúa Trời. Tôi biết có một gia đình bày tỏ điều đó rất rõ ràng. Trong một tai nạn xe trên đường về nhà từ trường gia đình nầy mất cùng một lúc ba trong bốn đứa con của họ. Có một người hàng xóm không tin Chúa đến với họ sau đám tang và hỏi nguyên nhân nào mà họ có được sự hi vọng ở trong họ như vậy. Đây là bằng chứng rất rõ ràng về sự thương xót của Đức Chúa Trời trong lúc bị thử thách đó cho nên ngay cả trong cái chết họ vẫn có sự vui mừng và bình an vì họ biết sự cứu rỗi mà họ có trong Đấng Christ. Cho nên sự vui mừng phải là một phần trong từng trải của Cơ Đốc nhân.

Quí vị có biết sự vui mừng đó một cách cá nhân không? Quí vị có từng trải điều đó không? Chỉ những ai tin nhận Chúa Cứu Thế mới có được kinh nghiệm đó, mới biết được sự vui mừng của sự cứu rỗi. Không có sự vui mừng hay hi vọng giống như vậy cho người không tin Chúa. Khi đứng bên cạnh phần mộ của người qua đời ở ngoài Chúa quí vị có sự hi vọng cho họ không? Có sự vui mừng nào mà họ có được trong hoàn cảnh đau buồn đó? Sự vui mừng và bình an chỉ tìm thấy được trong lòng của người tin Chúa mà thôi. Đó là sự bình an, đó là sự nhận biết rằng chúng ta được Chúa gìn giữ, đó là sự vui mừng của tấm lòng đầy tràn sự biết ơn Chúa, đó là tấm lòng ngợi khen Chúa cho sự hi vọng của sự cứu rỗi. Sự vui mừng đó đã được nếm trước rồi nhưng sẽ được đầy trọn khi chúng ta đứng trước mặt Cứu Chúa của chúng ta, mặt đối mặt. Sự vui mừng đó luôn luôn còn dù trong đời nầy chúng ta phải trải qua sự đau khổ.

Thánh Kinh không né tránh nói đến sự thử thách trong đời sống Cơ Đốc nhân. Bây giờ chúng ta tập trung nói đến tính chất của sự thử thách trong đời sống Cơ Đốc nhân. Chúng ta xem trong câu 6. Câu nầy cho biết chúng ta là Cơ Đốc nhân sẽ từng trải trong đời sống nầy, hiện nay, sự thử thách trăm bề. Có nghĩa là đủ mọi thứ thử thách. Sứ đồ được Đức Chúa Trời cảm ứng viết khúc Kinh Thánh nầy không hạn chế sự thử thách riêng nào mà chúng ta đối diện trong đời nầy. Ông viết cho một số người lưu lạc, là những người trong chuyến du hành của chính mình. Những trận chiến và đấu tranh của mỗi người đều khác nhau. Khúc Kinh Thánh nầy chép rằng sự thử thách nầy Cơ Đốc nhân phải trải qua suốt. Chúng ta chú ý những câu nầy nói rất rõ ràng rằng không phải ngày nào chúng ta cũng bị thử thách như nhau. Trong những ngày chúng ta chịu thử thách, có ngày chúng ta bị thử thách rất căng. Chúng ta không cần tìm kiếm sự thử thách, chính nó sẽ đến với chúng ta và Đức Chúa Trời dùng nó có ích cho chúng ta.

Loại thử thách nào mà Phierơ nói đến ởi đây khi ông nói đến nhiều loại thử thách? Khi chúng ta nghĩ đến sự thử thách mà Cơ Đốc nhân phải trải qua trong đời nầy trước hết chúng ta có thể nghĩ đến những sự chịu khổ thông thường. Những cái khổ đó đến với mọi người dù là người tin hay là không tin Chúa. Sự chết của người thân là một từng trải của sự đau khổ. Sự đau khổ của nó thật là nặng nề khi nhìn thấy người mà chúng ta hết sức yêu thương bị đau đớn vì bệnh tật. Sự đau khổ nhiều khi là thử thách trong hôn nhân, thử thách trong việc nuôi dạy con cái, khi con cái lớn lên không nhìn biết Chúa khiến cho chúng ta đau khổ. Nhiều khi chúng ta gặp thử thách nơi chỗ làm, bị sa thải hay là sức ép từ trong công việc làm. Sự thử thách đôi khi là sự đấu tranh trong chính con người của chúng ta, đấu tranh chống lại tội lỗi và sự cám dỗ. Đây là những điều mà chúng ta từng trải mỗi ngày trong chuyến hành trình hướng về cơ nghiệp của chúng ta. Những điều nầy là thực tế, nó là những khó khăn và đấu tranh hằng ngày có thể gây ra cho chúng ta nhiều đau buồn và khó khăn trong chuyến hành trình của chúng ta. Khi nhìn khúc Kinh Thánh nầy chúng ta không chỉ nhìn về những sự vật lộn và thử thách hằng ngày đó dù cũng bao gồm những điều đó nữa. Sự thử thách mà sứ đồ Phierơ viết ở đây là sự bắt bớ đối với hội thánh và Cơ Đốc nhân là những người bị ghen ghét và khinh dễ vì cớ Tin Lành.

Khi đọc xuyên suốt sách nầy, thư mà sứ đồ được Chúa cảm ứng viết lại, chúng ta thấy trong trường hợp nầy có những thử thách mà những người đó đã trải qua liên quan đến sự bắt bớ. Họ bị khinh dể bởi thế gian vì cớ họ liên kết với Đấng Christ. Thực tế nầy không chỉ ở trong phạm vi của hội thánh thời bấy giờ nhưng cũng xảy ra đối với hội thánh trong suốt mọi thời đại, trong thời kỳ cải cách giáo hội và cũng là thực tế mà hội thánh đối diện ngay cả trong thời nầy. Vẫn còn có nhiều người trên thế giới của chúng ta bị giết vì đức tin của họ bởi vì họ làm chứng về lẽ thật của Tin Lành. Có người cho rằng thời kỳ nầy là một trong những thời kỳ mà Cơ Đốc nhân bị giết nhiều. Trong khi sự bắt bớ về thể xác không ảnh hưởng nhiều trong xã hội tây phương nhưng Cơ Đốc nhân thường cũng bị phỉ báng, bị bắt bớ vì đức tin của họ. Tôi nghĩ chúng ta cần hiểu điều đó vì nhiều khi chúng ta nghĩ chúng ta không có chịu khổ vì cớ Tin Lành bởi vì chúng ta không thấy rõ cách mà hội thánh bị tấn công trong thế giới ngày nay. Có lẽ về thể xác nó không biểu lộ ra trong đất nước của chúng ta dầu sao đi nữa nó cũng lan tràn khắp nơi. Nếu chúng ta đi vào trong những trường đại học, học viện trên đất nước của chúng ta ngày nay chúng ta sẽ nhận thấy rằng Cơ Đốc nhân không được nhiều người kính trọng hay yêu mến. Có nhiều người bị thách thức về tri thức bởi những giảng viên vì cớ niềm tin của họ nơi Tin Lành. Những ai không chấp nhận sự giảng dạy về thuyết tiến hóa thường bị từ chối trong sự đề bạt hay bị cười nhạo vì đức tin Cơ Đốc giáo của họ. Họ bị tách rời khỏi xã hội, họ bị giới thông tin xem là những người tự cao. Họ bị ghen ghét vì cớ sự liên quan của họ với Đấng Christ, vì cớ họ là chứng nhân trung tín trong thế giới sa ngã nầy. Khi gần đến ngày cuối cùng thì những điều nầy càng tăng lên cho đến khi Chúa trở lại.

Chúng ta có thể nói rằng sự chịu khổ của những người tin Chúa là thực tế ở phía bên nầy của thiên đàng. Sự chịu khổ chắc sẽ đến với chúng ta nhưng chúng ta được khích lệ rằng nó sẽ không kéo dài lâu như khúc Kinh Thánh nầy chép: "vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu." Đây không phải là điều sẽ kéo dài mãi mãi không chấm dứt nhưng nó ngắn lắm đặc biệt khi so sánh với sự sống đời đời đã được mua chuộc cho chúng ta bởi Đức Chúa Giêxu. Vì vậy khi sự khổ mà chúng ta phải chịu dầu chịu khổ tự nhiên hay bị bắt bớ đều chỉ trong thời gian ngắn.

Nhưng mục đích của sự chịu khổ đó là gì? Khúc Kinh Thánh nầy cho chúng ta biết lý do gì mà chúng ta phải chịu khổ? Là người tin Chúa, chúng ta có trông mong nơi sự bảo vệ của Chúa giúp chúng ta tránh khỏi những đau khổ không? Chúng ta có nên trông mong rằng Chúa sẽ ban phước cho chúng ta trên mọi mặt để chúng ta sống một đời sống bình an, hài hòa và sung túc? Đó không phải là điều Thánh Kinh bảo chúng ta. Thánh Kinh bảo rằng chúng ta phải trải qua sự đau khổ vì cớ quyền lợi của chính chúng ta và vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Khúc Kinh Thánh nầy nhắc đến hai lý do trong câu 7. Lý do thứ nhất để thử thách đức tin của những người tin vào Tin Lành, lý do thứ hai, sanh ra sự ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển khi Đức Chúa Giêxu hiện ra.

Trước hết chúng ta sẽ xem xét vấn đề "thử thách đức tin". Ở đây so sánh với việc vàng thử trong lửa. Khi đưa vàng vào lửa không phải có ý định đốt cháy vàng làm tiêu mất đi nhưng để làm cho vàng thêm tinh sạch và khi tinh sạch thì trở nên đẹp đẽ, đáng yêu hơn. Tương tự như vậy, khi chúng ta được Chúa thử thách đức tin thì sẽ tỏ ra đức tin thật. Chúng ta không từ bỏ đức tin của mình khi chúng ta gặp khó khăn, chúng ta không quay lưng lại để đi theo con đường của thế gian. Chúng ta nên hiểu mục đích của sự thử thách là để chúng ta tin cậy vào nơi Chúa hơn chớ không phải tin vào chính mình. Xin chúng ta suy nghĩ điều nầy: trong thời gian bị thử thách, nhiều lần chúng ta nhận ra rằng chúng ta không thể chịu đựng sự thử thách một mình. Khi có nhiều điều xảy ra trong đời sống nầy vượt ngoài khả năng xoay sở của chúng ta và khi chúng ta bị mang đến điểm để nhận ra rằng chỉ có một Đấng duy nhất mà chúng ta có thể chạy đến để nương nhờ sự giúp đỡ, để có sự hi vọng, để đem chúng ta vượt qua. Chúng ta chạy đến với Chúa. Chúng ta bắt buộc phải nương cậy vào nơi Ngài, tin cậy vào lời hứa của Ngài.

Khi suy nghĩ đến sự thử thách trong đời nầy chúng ta nhớ đến sự thử thách của Ápraham trong Cựu Ước. Khi Đức Chúa Trời bảo Ápraham đem con của mình là Ysác lên xứ Môria để dâng con mình trên bàn thờ. Ápraham nhận biết rất rõ Đức Chúa Trời hứa với ông rằng qua con của ông sẽ ra một dân tộc lớn mà cả thế gian sẽ nhờ đó mà được phước. Ông biết và tin vào lời hứa của Đức Chúa Trời rằng những điều đó sẽ ứng nghiệm. Ông tin cậy vào lời hứa của Đức Chúa Trời cho nên ông mạnh dạn đi đến xứ Môria và lên trên núi. Ông trói con mình, để lên bàn thờ và chuẩn bị để giết con mình nếu thiên sứ của Chúa không gọi và ngăn cản ông kịp lúc. Quí vị thấy không, sự thử thách như vậy tẩy khỏi chúng ta sự tin tưởng vào chính mình và khiến chúng ta nhìn xem và trông đợi nơi Chúa. Tin tưởng vào lời hứa của Ngài và sự hi vọng mà Ngài ban cho chúng ta. Chúng ta không nên là những người tự tin vào chính mình trong tất cả mọi vấn đề. Sự chịu khổ kéo chúng ta đến gần Chúa.

Một mục đích khác nữa cho việc chịu khổ theo Thánh Kinh đó là sanh ra sự ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển khi Đức Chúa Giêxu Christ hiện ra. Có người cho rằng sự ngợi khen, tôn trọng và vinh hiển này người tin Chúa sẽ nhận được từ nơi Đức Chúa Trời. Ý kiến nầy không xa lạ gì với Thánh Kinh như trong Rôma 2:10 và 1Côrinhtô 4:3-5. Những khúc Kinh Thánh đó chép về sự ngợi khen được ban cho những người tin Chúa nhưng ở trong khúc Kinh Thánh nầy hình như nói đến sự vinh hiển mà Đấng Christ nhận được là kết quả của sự thử thách của chúng ta. Chúng ta thấy Chúa được ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển khi Ngài đến bởi vì Ngài đã giải cứu chúng ta khỏi sự khốn khổ nầy để bước vào sự sống đời đời. Nhờ Đấng Christ mà sự đau khổ chúng ta chịu trong đời nầy chỉ là ngắn ngủi, không tồn tại lâu. Đấng Christ sẽ nhận được sự ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển bởi vì qua thời gian trên đất nầy Đấng Christ đã gìn giữ chúng ta, khiến chúng ta bền chí cho đến cuối cùng. Chịu khổ qua thử thách làm vinh hiển Đấng Christ. Điều nầy rất đúng trong trường hợp của những nhà tuận đạo phải không? Khi tôi nhắc đến Latimer and tiến sĩ Ridley bị đốt, sự chết của họ dự phần trong sự cải cách giáo hội trong nước Anh. Đời sống của họ là lời chứng cho lẽ thật của Tin Lành và mang vinh hiển đến cho Đức Chúa Trời. Kết quả của sự chết của họ là mang vinh hiển đến cho Đức Chúa Trời, là làm chứng về sự trông cậy của họ nơi Đức Chúa Trời cho nên họ dám mạnh dạn dâng mạng sống mình vì Chúa. Có lẽ chúng ta cũng nên xem sự thử thách của ông Gióp. Trong Gióp đoạn 1, Đức Chúa Trời chỉ cho Satan thấy đầy tớ của Ngài là Gióp. Satan nhìn Gióp và nói rằng Gióp trung tín bởi vì Chúa gìn giữ ông, ban phước cho ông, ông không chịu đựng một điều gì khổ cho nên ông mới đi theo Chúa. Vì vậy Đức Chúa Trời cho phép Satan thử thách Gióp để xem thử công việc của Đức Chúa Trời trong ông có tồn tại không, để thử xem ông có thật sự trung tín cho đến cuối cùng hay không. Satan đem công việc của Đức Chúa Trời ra thử. Ông Gióp đứng vững, ông được Đức Chúa Trời gìn giữ. Dầu ông chịu khổ rất nhiều nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết ông không phạm tội. Ai được ngợi khen ở đây? Có phải ông Gióp không? Không. Đức Chúa Trời được ngợi khen vì công việc của Ngài cứu chuộc ông Gióp, ấy là Đức Chúa Trời đã gìn giữ ông qua cơn khốn khổ, ấy là Đức Chúa Trời đã ban cho ông nhiều hơn những gì ông có trước khi thử thách xảy ra.

Xin chúng ta suy nghĩ về điều nầy: Làm sao chúng ta có thể có được sự vui mừng trong khi chịu khổ? Làm sao chúng ta vui được khi đời sống chúng ta quá quen thuộc với những điều bất hạnh? Quí vị có thể có sự vui mừng nếu quí vị tin vào Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giêxu. Những người không tin Chúa thì không có sự vui mừng giống như vậy. Họ không có được sự bảo đảm của sự cứu rỗi, họ không có niềm tin nơi Chúa Cứu Thế. Nếu quí vị muốn có được sự vui mừng, yên nghỉ, bình an thì quí vị phải tin nơi Chúa Cứu Thế. Chúng ta cũng phải nhận ra rằng sự thử thách mà chúng ta có trong đời sống nầy là ngắn ngủi nếu so sánh với sự sống đời đời trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúng ta được Thánh Kinh cho biết rằng sự chịu khổ là có mục đích và có ý nghĩa. Tôi thường nói chuyện với nhiều người đến với tôi khi gặp những tai họa. Làm sao một Đức Chúa Trời nhân lành lại để cho điều khổ sở xảy ra trên thế gian nầy? Tạo sao Chúa cho phép nó xảy đến mà không thay đổi tình huống? Mặt nào đó đây là những câu hỏi khó, nhưng đối với những người không tin Chúa lại càng khó trả lời hơn. Khi chúng ta nhìn xem sự đau đớn, thống khổ, khổ sở và nói rằng nó không có ý nghĩa, không mục đích gì thì nó mang đến sự đau buồn càng hơn. Khi chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời có thể dùng sự chịu khổ của chúng ta cho sự vinh hiển của Ngài và thể nào Ngài dùng nó để đem chúng ta đến gần Ngài hơn, để thử thách đức tin của chúng ta và làm vinh hiển Đức Chúa Trời mặc dầu chúng ta không hiểu hết được mục đích nhưng chắc chắn chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời có thể dùng nó cho sự vinh hiển, ngợi khen và có ích lợi cho chúng ta. Chúng ta hãy vui mừng trong Chúa ngay bây giờ dầu chúng ta phải trải qua nhiều sự thử thách. Chúng ta vui mừng vì biết rằng Đức Chúa Trời sẽ gìn giữ chúng ta. Chúng ta được gìn giữ ở trong tay của Ngài. Amen.

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con cám ơn Ngài về sự bảo đảm, sự bình an và vui mừng mà chúng con có trong sự cứu rỗi được ban cho trong Đức Chúa Giêxu Christ. Chúa ơi, chúng con cầu xin Ngài giúp chúng con tin cậy nơi Ngài chớ không tin vào chính mình để trong thời gian mà chúng con chịu khổ và đau buồn chúng con không tự mình tìm ra giải pháp nhưng chúng con trông đợi nơi Ngài là Đấng đem chúng con qua khỏi và gìn giữ chúng con. Chúa ơi, chúng con cầu xin Ngài cho chúng con thấy sự thử thách của đời sống nầy là ngắn ngủi khi so sánh với sự sống đời đời hầu cho chúng con nhìn xem Chúa, bám vào lời hứa mà Ngài ban cho chúng con trong lời của Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Rev. Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)