Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Cuộc Truy Đuổi Đavít - 01/2006  


CUỘC TRUY ĐUỔI ĐAVÍT
(1Samuên 23)

Tháng Giêng 2006

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Chắc chắn chúng ta hiểu được áp lực đè nặng trên Đavít suốt những ngày tháng ông chạy trốn khỏi Saulơ. Đavít phải liên tục tỉnh táo về sự hiện diện của Saulơ và quân đội Saulơ cứ theo sát Đavít luôn tìm cách diệt ông. Cuộc đời trốn tránh của ông không dễ dàng chút nào. Thật là khó khăn và mệt nhọc. Rõ ràng đây là một giai đoạn gây cho ông nhụt chí bởi cứ phải chạy trốn luôn, không mái nhà nghỉ chân. Trước đây tôi đã đề cập đến, cuộc đời như thế đã được Chúa Giêxu mô tả: "Con cáo có hang, chim trời có tổ, song Con Người không có chỗ gối đầu." Đây là đời sống không chỉ của Con Người mà còn của những ai đi theo Con Người nữa và của những ai đi theo Đavít, là hình bóng của Đấng Christ. Giữa cuộc tranh chiến này, chúng ta được nhắc nhở về sự toàn quyền tể trị của Đức Chúa Trời và sự cung ứng của Ngài cho dân sự Ngài. Chúng ta được bảo đảm về kết cục của cuộc tranh chiến của chúng ta. Chúng ta được bảo đảm rằng chúng ta sẽ đồng trị với Đấng Christ. Sự bảo đảm về sự trông cậy này làm vơi nhẹ đi cuộc tranh chiến mà chúng ta phải chịu đựng trong thời kỳ của chúng ta. Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Ngài sẽ không bỏ chúng ta. Ngài sẽ không bỏ chúng ta trong tay kẻ thù. Thế thì đoạn Kinh Thánh hôm nay cho chúng ta sự bảo đảm về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời cho Đavít và cho chúng ta một sự minh họa sinh động về sự chăm sóc đó.

Trước hết, chúng ta hãy cùng xem câu 14 và 15. Câu 14 và 15 hình thành phần đầu tiên của đoạn Kinh Thánh chúng ta. Đoạn 23 này được sắp xếp theo kiểu bắt chéo. Chúng ta đã nghe về cách viết văn này. Đây là cách sắp xếp các câu có sự tương đồng giữa phần đầu và phần cuối và những chi tiết nhỏ cũng tương đồng với nhau. Nếu chúng ta xem xét những phần chót tận cùng của đoạn bắt chéo là câu 14 và 15, chúng ta sẽ thấy nó trình bày chi tiết chỗ trú ẩn của Đavít. Đavít đang ở trong đồng vắng, trên núi tại đồng vắng Xíp. Câu 15 cho chúng ta biết Đavít đang ở trong đồng vắng Xíp. Chúng ta thấy tên của Đavít và đồng vắng Xíp hình thành cái khung cho đoạn bắt chéo. Trong đoạn bắt chéo, giới hạn bên ngoài kế tiếp là lời nhận xét về việc Saulơ tìm kiếm Đavít. Chúng ta thấy rằng Saulơ tìm kiếm Đavít mỗi ngày và phần tương ứng của nó là trong câu 15: Saulơ kéo ra hại mạng sống Đavít. Sự tìm kiếm của Saulơ hình thành cặp tương đương kế tiếp. Ngay chính giữa là câu nói "nhưng Đức Chúa Trời chẳng phó người vào tay Saulơ." Chúng ta biết rằng với những đoạn văn theo kiểu bắt chéo, phần chính giữa của nó làm thành ý chính. Thế thì ý chính tại đây là cho chúng ta hiểu rằng Đức Chúa Trời không phó Đavít vào tay Saulơ. Điểm trọng yếu ở đây là có một sự kình địch tỏ tường diễn ra tại đây giữa Đavít và Saulơ mà trong đó chúng ta thấy rõ ràng Saulơ là người khiêu khích chính, người chủ động đuổi theo Đavít. Đavít là người bị theo đuổi, là người bị động trong cuộc kình địch này. Tuy nhiên điểm then chốt mà chúng ta cần hiểu được trong vấn đề này là Đức Chúa Trời là Đấng quyết định kết cục của nó. Đức Chúa Trời là Đấng quyết định ai thắng cuộc. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết rõ Đức Chúa Trời đang đứng về phía ai. Kinh Thánh cho chúng ta biết Đavít là người được ơn Đức Chúa Trời. Saulơ có thể tự xưng như trong câu 7: "Đức Chúa Trời phó nó vào tay ta, bởi vì nó đã đi giam mình trong thành có cửa có then." Tuy nhiên sự thật không chứng minh điều ông nói. Sự thật chứng tỏ rằng hành động của Saulơ đã dẫn đến hậu quả là ông bị mất ơn của Đức Chúa Trời.

Lòng căm ghét của Saulơ đối với Đavít đã tăng lên một mức độ khác. Đây không chỉ là lòng căm ghét của Saulơ đối với Đavít. Nó thật sự là lòng căm ghét của Saulơ đối với Đức Chúa Trời và kế hoạch toàn quyền tể trị của Ngài. Câu 14 và 15 nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời sẽ không để cho tôi tớ Ngài bị phó vào tay Saulơ. Khi đọc phần này, chúng ta cần hiểu rằng Kinh Thánh không chỉ đơn thuần nói về những gì xảy ra với Đavít nhưng khi đọc chúng ta được bảo đảm về chính sự bảo vệ dành cho chúng ta. Sự bảo đảm này còn dành cho chúng ta là những người theo Đấng Christ. Tân Ước cho chúng ta biết không gì có thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời: "bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền... chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Giêxu Christ..." (Rôma 8:38-39). Chúng ta đã được Ngài giải cứu. Chúng ta đã được giải cứu khỏi chính sự chết. Satan và vương quốc nó không thể đắc thắng chúng ta. Đức Chúa Trời đã giải cứu chúng ta. Ngài sẽ không phó chúng ta vào tay Satan. Philíp 1:6 cho chúng ta sự bảo đảm, "Đấng đã khởi làm việc làm trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Giêxu Christ." Chúng ta có sự bảo đảm đó, biết rằng Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Một khi đã được chuộc bởi huyết Đấng Christ, chúng ta sẽ không bị giao trả lại, chúng ta không còn sợ mình sẽ sa ngã và bị dẫn dụ vào quyền lực tối tăm. Thế thì đoạn Kinh Thánh hôm nay bảo đảm cho chúng ta rằng chúng ta không nên sợ hãi. Chúng ta không nên lo sợ bởi Satan và vương quốc nó không có quyền trên chúng ta. Đức Chúa Trời sẽ không phó chúng ta vào tay chúng nó. Cuộc tranh chiến có thể quyết liệt. Cuộc đấu tranh chúng ta đang trải qua có thể khiến chúng ta mệt mõi. Nhưng Đức Chúa Trời ở bên chúng ta.

Chúng ta đọc tiếp từ câu 16 đến 18. Đây là phần thứ hai của đoạn Kinh Thánh. Tại đây chúng ta một lần nữa nhìn thấy sự bảo đảm của Đức Chúa Trời cho Đavít. Lần này sự bảo đảm này được ban cho cụ thể và trực tiếp cho Đavít qua bạn thân mến của ông là Giônathan. Chúng ta để ý rằng đây là lần cuối cùng Kinh Thánh ghi lại Giônathan gặp Đavít, lần gặp gỡ cuối cùng giữa hai người bạn thân mến. Sự châm biếm tại đây cũng thật rõ ràng: Chúng ta thấy Giônathan, bạn Đavít, không khó khăn gì tìm ra chỗ Đavít. Ngược lại, Saulơ, kẻ thù của Đavít, không thể tìm thấy Đavít ở đâu cả. Phần này cũng được sắp xếp theo kiểu bắt chéo. Phần ngay chính giữa của phần này cũng là ý chính của đoạn. Giới hạn bên ngoài của đoạn bắt chéo tập trung vào việc Giônathan đến và đi. Câu 16 "Giônathan, con trai của Saulơ, đứng dậy, đi đến cùng Đavít" Câu 18 "Giônathan trở về nhà mình." Việc Giônathan đến và đi đóng khung đoạn bắt chéo. Đoạn tương ứng thứ hai là việc Đavít ở trong rừng "Đavít ở trong rừng" (c.16) và "Đavít ở lại trong rừng" (c.18). Cặp tương đương thứ ba là "vững lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời" và "lập giao ước tại trước mặt Đức Giêhôva". Cặp thứ tư là "Saulơ, cha tôi" và "Sau lơ, cha tôi" ở đầu và cuối câu 17. Chúng ta tìm thấy điều gì ở giữa? "Anh sẽ làm vua Ysơraên, còn tôi sẽ làm tể tướng anh". Thế thì điểm trọng tâm của đoạn viết theo kiểu bắt chéo này là vương quyền của Đavít. Giônathan đến như là người bạn tin cẩn của Đavít. Ông được Đức Chúa Trời sai phái đến để bảo đảm với Đavít về sự làm trọn sau hết của lời hứa Đức Chúa Trời. Ông nói với Đavít rằng Đavít sẽ làm vua Ysơraên. Giônathan không nói ra ý riêng mình. Ông biết điều này là thật bởi sự bày tỏ của Đức Chúa Trời cho Đavít và bởi điều Ngài đã làm tỏ tường ra không chỉ trước mắt ông mà trước mắt những tôi tớ trong dân sự Đức Chúa Trời và người khác rằng Đavít sẽ làm vua Ysơraên. Giônathan đến chỉ để nhắc nhở Đavít về lời hứa của Đức Chúa Trời. Qua đó ông khích lệ Đavít mạnh mẽ trong Đức Chúa Trời. Ông không đến với những lời lẽ khích lệ vu vơ. Ông không đến vỗ vai Đavít mà bảo rằng "Đavít à, cuối cùng mọi việc sẽ ổn thôi. Cứ tiếp tục chiến đấu, chạy trốn khỏi Saulơ." Không, Giônathan đặt nền tảng lời khích lệ của mình trên lời hứa của Đức Chúa Trời. Vì thế, ông đã khích lệ cánh tay Đavít mạnh mẽ trong Đức Chúa Trời một cách đúng đắn, dùng lời Đức Chúa Trời để làm điều đó, dùng lời hứa của Đức Chúa Trời để an ủi và bảo đảm. Thật sự, khi suy gẫm về chính đời sống chúng ta, chẳng phải chính lời Đức Chúa Trời ban sức lực cho chúng ta, khích lệ chúng ta sao? Ấy chẳng phải là những lời an ủi vu vơ mà là sự hiểu biết rằng Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, rằng Ngài đã hứa chăm sóc chúng ta, rằng chúng ta có sự sống đời đời. Một lần nữa, ý chủ đạo của đoạn văn xuất hiện ở chính giữa của đoạn bắt chéo: "Anh sẽ làm vua Ysơraên". Đây là một điều chắc chắn. Đây là điều chắc chắn mà chính Saulơ cũng công nhận. Điều này khá châm biếm khi Saulơ đã nắm được chân lý này mà còn chiến cự cùng Đavít. Dù chúng ta tự hỏi Saulơ có hợp lý không khi tiếp tục đuổi theo Đavít, trong Saulơ vẫn có một sự chấp nhận nào đó rằng cuối cùng việc Đavít lên ngôi vua là không tránh khỏi. Ông nhận rằng dù ông dùng hết sức mình ngăn trở, cuối cùng Đavít sẽ làm vua. Thế mà ông vẫn cứ chiến cự hy vọng rằng bởi một cơ may xa vời nào đó ông có thể ngăn trở chương trình của Đức Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh bảo đảm rằng vương quyền của Đavít sẽ được vững lập. Giônathan chắc chắn về điều này và vì thế ông đứng về phía vua của Ysơraên dù hiện tại Đavít chỉ là một kẻ chạy trốn khỏi quân đội của Saulơ. Giônathan nói rằng mình sẽ làm tể tướng cho Đavít. Giônathan rời cha mình và đứng về phía kẻ thù của cha mình. Việc Saulơ là cha Giônathan chỉ để nhấn mạnh điều ông phải từ bỏ để đứng về phía vị vua thật của Ysơraên. Rõ ràng rằng Giônathan không sống sót để đứng vào chức vị mình trong vương quốc của Đavít. Sau này chúng ta được biết con trai ông là Mêphibôsết còn sống. Giao ước của Đavít với Giônathan đắc thắng trong việc Đavít tiếp rước Mêphibôsết vào nhà mình, ở kề cận mình trong cung. Giônathan bày tỏ tấm lòng sẵn sàng thuận phục Đavít làm vua mình. Ông đặt tình thương mến của mình cho người được Đức Chúa Trời xức dầu. Dù Saulơ là cha ông, ông vẫn đứng về phía Đavít. Dù Saulơ đang làm vua, ông vẫn nhìn nhận Đavít là vua thật của Ysơraên.
Giônathan đến khích lệ Đavít. Khi đọc đoạn Kinh Thánh này có phải chúng ta cũng được khích lệ không? Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta sự bảo đảm về vương quyền của Đấng Christ, rằng Đấng Christ đang và sẽ đắc thắng, rằng Ngài sẽ cai trị trên trời và đất. Như Giônathan cam kết đứng về phía Đavít, chúng ta cũng cam kết đứng về phía Đấng Christ. Chúng ta sẽ đồng trị với Ngài. Là tôi tớ Ngài, chúng ta sẽ đứng vào vị trí của Ngài trong vương quốc đời đời của Ngài. Trong khi còn ở nơi đồng vắng, chúng ta có sự bảo đảm rằng mình sẽ được hưởng nước Đức Chúa Trời với Đấng Christ là Vị Vua đời đời của chúng ta. Chúng ta có sự bảo đảm như Giônathan rằng không điều gì, ngay cả ma quỷ, có thể hạ thấp sự thật vinh hiển này. Đây là sự trông cậy của chúng ta trong thử thách như 1Phierơ có nói. Nó làm cho tay chúng ta mạnh mẽ trong Đức Chúa Trời khi biết lẽ thật rằng chúng ta sẽ đắc thắng và dự phần vào vương quốc của Đấng Christ đời đời.

Phần cuối của 1Samuên 23 là từ câu 19 đến câu 28. Những câu này thử nghiệm những sự thật đã được bày tỏ trong những câu đầu. Chúng ta thấy dân Xíp đến cùng Saulơ sẵn sàng giao nộp Đavít. Họ biết chỗ Đavít trú ẩn bởi ông đang trốn trong đồng vắng của họ. Họ đến nói với Saulơ rằng họ biết chỗ Đavít ở. "Chúng tôi biết kẻ thù tinh nghịch của ông ở đâu. Chúng tôi sẵn sàng dẫn ông đến đó và còn nộp hắn vào tay ông." Chúng ta thấy câu 19 và 20 bày tỏ thái độ của dân Xíp sốt sắng tham gia vào cuộc truy đuổi của Saulơ tìm giết Đavít. Chúng ta không được biết lý do của điều này. Kinh Thánh không nói rõ điều đó. Có thể dân Xíp sợ rằng nếu Đavít ở chỗ họ thì họ cũng phải đối diện với cơn thạnh nộ của Saulơ như các thầy tế lễ ở Nóp vậy. Họ đã bị tuyệt diệt. Hoặc giả họ tìm cách chiếm thiện cảm của Saulơ. Có một lý do nào đó khiến cho họ tìm đến Saulơ và sẵn sàng cho Saulơ điều ông ao ước là mạng sống của Đavít.

Một lần nữa chúng ta tìm thấy chữ chính yếu đã xuất hiện ở phần trên của đoạn 23 là "giao nộp": "chúng tôi chịu lo nộp hắn vào tay vua." Chữ "giao nộp" xuyên suốt đoạn Kinh Thánh này là rất quan trọng. Chữ này đã được nhắc đến trong câu 14: "Đức Chúa Trời chẳng phó người vào tay Saulơ." Câu 7: "Đức Chúa Trời phó nó vào tay ta". Saulơ nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ phó Đavít vào tay ông. Chữ này cũng xuất hiện trong câu 12: "Đavít lại hỏi rằng: Các quan trưởng Kêila sẽ nộp tôi và những kẻ theo tôi vào tay Saulơ chăng? Đức Giêhôva đáp: Chúng nó sẽ nộp các ngươi." Người Kêila có lẽ đã giao nộp Đavít nếu có cơ hội. Nếu Saulơ bao vây Kêila, Đavít có lẽ đã bị giao nộp bởi chính những người mà ông đã cứu giúp. Giờ đây dân Xíp cũng sẵn sàng giao nộp ông nữa. Chúng ta thấy ba nhóm người tìm cách giao nộp Đavít nhưng Đức Chúa Trời không muốn phó Đavít vào tay Saulơ. Ba nhóm này muốn tiêu diệt Đavít cho thấy rằng họ đang mâu thuẩn bất đồng với chính Đức Chúa Trời. Những người muốn giao nộp Đavít đang hành động ngược lại mục tiêu kế hoạch của Ngài, nghịch cùng Ngài và nghịch cùng người được Ngài xức dầu. Người Xíp không đứng về phía Đức Chúa Trời mà đứng về phía Saulơ. Làm thế họ đang khước từ và phản bội Đavít mà bởi đó họ đang khước từ chính Đức Chúa Trời.

Câu 21 một lần nữa giới thiệu cho chúng ta lời lẽ sai trật của Saulơ. Một người nói hai lời không thật lòng muốn nói điều mình thốt ra. Câu 21 cho thấy thể nào Saulơ chúc phước cho người Xíp: "Nguyện Đức Giêhôva ban phước cho các ngươi." Có lẽ chúng ta phải cười thầm "Vua Saulơ này là người thế nào vậy? Một người đối nghịch cùng Đức Chúa Trời, chiến cự cùng Ngài không thôi giờ đây lại chúc phước cho người Xíp vì họ sẽ nộp người được Đức Chúa Trời xức dầu." Thật là một sự phạm thượng và mỉa mai mà Saulơ đã làm tại đây! Ông chúc phước cho dân Xíp trong khi ông hoàn toàn không có thẩm quyền nào để làm điều đó. Thật ra người Xíp không được phước. Họ thuộc trong số những người bị rủa sả là những người đứng về phía Saulơ. Dân Xíp đứng về phía Đôê trong đoạn 22. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó qua cách dùng từ "bởi các ngươi đã có lòng thương xót ta". Chúng ta còn nhớ trong đoạn 22, chúng ta tìm thấy Saulơ ở dưới bóng cây ở Rama than van rên rỉ rằng không ai thương xót ông "cớ sao chẳng cho ta hay rằng con trai ta đã kết giao ước cùng con trai Ysai?" Ông cầu xin sự thương hại của tôi tớ mình mà không nhận được chút gì ngoại trừ Đôê, người Êđôm, là người cuối cùng làm trọn nhiệm vụ giết những thầy tế lễ tại Nóp. Ông tìm được sự thương xót ở Đôê là người tố cáo Ahimêléc. Giờ đây ông tìm được sự thương xót từ nơi dân sự mình là dân Xíp. Họ sẽ không được Đức Chúa Trời ban phước. Cùng với Saulơ, họ sẽ chịu chung sự định tội của Ngài. Saulơ tìm kiếm thông tin từ dân Xíp. Saulơ bảo đảm với họ là ông sẽ truy tìm Đavít trong khắp các chi phái Giuđa một khi họ cho ông biết cụ thể chỗ Đavít đang trú ẩn.

Chúng ta thấy Saulơ thậm chí làm lơ đi điều ông vừa mới yêu cầu dân Xíp: Ngay lập tức dân Xíp chổi dậy đi về Xíp còn Saulơ thì tiếp tục truy tìm Đavít mà không cần chờ họ trả lời. Ông chẳng tôn trọng dân Xíp chút nào. Ông cứ làm theo kế hoạch của mình. Ông lấy thông tin và truy tìm Đavít theo ý mình. Đavít đi tiếp vào đồng vắng Ma-ôn gần đồng vắng Xíp. Ông chạy trốn khỏi Saulơ. Câu 24 và 25 kể lại tình huống khi Đavít và Saulơ tới rất gần nhau. Tại đây Saulơ đã tiến rất gần đến chỗ hoàn thành được ước muốn của mình. Nếu đọc đoạn Kinh Thánh này lần đầu và không biết rằng Đavít sẽ lên ngôi vua Ysơraên, chúng ta sẽ đọc nó với tâm trạng chờ đợi: Tại đây Saulơ đuổi theo Đavít đến đồng vắng Ma-ôn, giữa những ngọn núi. Saulơ đi bên sườn núi bên này, Đavít và những người theo ông bên sườn núi bên kia. Đavít cố gắng chạy trốn khỏi Saulơ trong khi Saulơ và các đầy tớ ông vây phủ Đavít sắp bắt được. Dường như Đavít đã bị bắt rồi.

Tuy nhiên câu kế tiếp cho chúng ta biết sứ giả đến cùng Saulơ báo tin cho Saulơ rằng người Philitin đã xâm phạm xứ và Saulơ phải quay về ngay. Saulơ không thể tiếp tục truy đuổi Đavít mà phải đi ngay. Không có gì lầm lẫn nữa: Ấy chính là bàn tay của Đức Chúa Trời. Không có gì lầm lẫn nữa! Dù Đavít sắp đến hồi bị bắt, bị giết, Đức Chúa Trời đã can thiệp. Sứ giả không tình cờ mà đến. Điều này xảy đến một cách có mục đích. Người Philitin đến xâm phạm xứ và Saulơ buộc phải bỏ cuộc. Đức Chúa Trời đã giải cứu Đavít. Chúng ta nhìn thấy sự toàn quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Ngài không để chân Đavít phải vấp ngã. Đức Chúa Trời sẽ không để tôi tớ Ngài bị Saulơ giết đi. Một hòn đá được lập nên đặt tên là Hòn Đá Phân Rẽ. Hòn đá đó được lập nên như là lời chứng rằng Đức Chúa Trời thật sự đã ban sự giải cứu cho Đavít tại nơi đó.

Điều châm biếm tại đây là dân Philitin được Đức Chúa Trời sử dụng để giải cứu Đavít. Những người Philitin này là kẻ thù của Đavít trong đoạn 23 câu 1 giờ đây là vị cứu tinh cho Đavít ở cuối đoạn. Khi đọc suốt đoạn Kinh Thánh này chúng ta thấy nhiều điều châm biếm: Điều thú vị là kẻ thù của Đavít cuối cùng được Đức Chúa Trời dùng làm người giải cứu Đavít. Chúng ta cũng thấy rằng Đavít được kêu gọi giải cứu người Kêila thay vì là Saulơ. Chúng ta nhìn thấy những vị cứu tinh bất ngờ trong đoạn Kinh Thánh này. Kêila được Đavít giải cứu và điều mỉa mai là người Kêila lại sẵn sàng giao nộp Đavít cho Saulơ. Saulơ hết sức phật lòng về Ahimêléc bởi ông cho rằng Ahimêléc đã ban lời Đức Chúa Trời cho Đavít. Tuy nhiên không có bằng chứng nào trong đoạn Kinh Thánh này cho thấy rằng Đavít đã nhận được lời truyền phán của Đức Chúa Trời từ Ahimêléc. Dầu vậy, trong cơn tức giận của mình, Saulơ đã dẫn Đavít đến sự nhận lãnh lời truyền phán của Đức Chúa Trời thông qua Abiatha. Một điều châm biếm nữa là Saulơ nói rằng Đức Chúa Trời đã phó Đavít vào tay ông nhưng Đức Chúa Trời thật sự đã chẳng phó Đavít vào tay Saulơ. Có rất nhiều những sự châm biếm khác nhau tại đây.

Việc Đavít bị người Xíp phản bội nhắc nhở chúng ta về Đấng Christ bị phản bội trong Tân Ước. Trong Tân Ước Đấng Christ bị Giuđa phản bội. Kẻ thù Ngài cho rằng họ đã đắc thắng Ngài. Đấng Christ bị Giuđa nộp cho những kẻ cầm quyền để giết chết. Thế nhưng họ chẳng đắc thắng Ngài bởi Ngài sống lại và làm vua như lời tiên tri đã báo trước. Một lần nữa chúng ta được dạy dỗ đặt lòng tin và sự trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Chúng ta được dạy bảo đi theo Đấng Christ là Cứu Chúa chúng ta. Chúng ta được kêu gọi đi theo Ngài vượt qua đồng vắng và tranh chiến của đời sống này biết rằng Đức Chúa Trời sẽ giải cứu chúng ta, bảo vệ chúng ta, và chúng ta sẽ được vững lập với Ngài trong nước đời đời. Đoạn Kinh Thánh kêu gọi chúng ta đi theo Đấng Christ, tin cậy Đức Chúa Trời bởi chúng ta đã biết chắc kết cục của mọi sự là thể nào. Thậm chí ma quỷ cũng biết rõ kết cục đó dù nó vẫn tiếp tục chiến cự. Chúng ta có thể phải chịu sự thử thách một lúc nào đó nhưng chúng ta biết chắc rằng vương quốc Ngài thuộc về chúng ta đời đời. Amen.

Lạy Cha thiên thượng quyền năng của chúng con. Chúng con cảm ơn Ngài vì sự thành tín của Ngài. Cảm ơn Ngài về lời Ngài tỏ ra cho chúng con thể nào Ngài đã chẳng phó Đavít vào tay kẻ thù ông. Chúng con được bảo đảm bởi lời hứa Ngài rằng chúng con là những người ở trong Đấng Christ cũng sẽ không bị nộp vào tay kẻ thù. Chúng con được tay Ngài gìn giữ bảo an. Dù trong sự phản bội tìm kiếm hủy diệt chúng con, chúng con biết rằng không gì phân rẽ chúng con khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Chúng con được bảo đảm rằng chúng con thuộc về vương quốc đời đời của Ngài. Chúng con sẽ đồng trị với Đấng Christ đời đời. Chúng con được an ủi khi biết điều đó. Chúng con cảm tạ Ngài vì sự bảo đảm đó. Cảm tạ Ngài về lời hứa của Ngài. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)