Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách Rutơ > Bài 31 (Ru-tơ 3:18)  


NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ

BÀI BA MƯƠI MỐT
(Ru-tơ 3:18)

Sau khi Ru-tơ trở về với Na-ô-mi và kể cho Na-ô-mi tất cả những gì đã xảy ra thì "Na-ô-mi nói rằng: Hỡi con gái ta, hãy ở đây, để đợi xem cho biết công việc xoay thế nào vì nếu ngày nay việc này chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu" (3:18). Trong phần kết luận của bài học vừa rồi chúng ta đã thấy theo sự kiện lịch sử thì không có lý chút nào.

Làm sao Na-ô-mi biết được rằng trong ngày đó Bô-ô sẽ tìm gặp người bà con gần có quyền ưu tiên hơn để tìm hiểu xem có chịu cưới Ru-tơ hay không, rồi ông sẽ cho cả làng biết rằng ông muốn cưới Ru-tơ? Làm hết tất cả những việc nầy trong một ngày thật không có lý, nhưng chúng ta biết rằng điều nầy đã xảy ra. Qua câu nói của Na-ô-mi Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một lẽ thật thuộc linh.

Chúng ta hãy tìm hiểu xem những chữ nầy thật sự có nghĩa gì. Ru-tơ, con hãy yên lòng, tất cả những gì con tìm kiếm sẽ xảy ra cách này hay cách khác. Con không cần phải làm gì để việc nầy sẽ xảy ra. Con hãy "ở" đó và chờ đợi sự việc sẽ xảy ra như thế nào. Đây là bức tranh về loài người. Chúng ta không thể làm gì để làm cho sự cứu rỗi của chúng ta có hiệu lực. Hoặc, khi chúng ta biết sự cứu rỗi của chúng ta đã được bảo đảm thì không cách nào chúng ta có thể gấp rút hoàn tất chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời được. Chúng ta chỉ ở đó chờ đợi Chúa.

Rồi bà nói: "Để đợi xem cho biết công việc xoay thế nào". Chữ "công việc" bằng tiếng Hê-bơ-rơ nầy trong Cựu Ước thường được dịch "lời". Thực tế, chữ nầy được dịch là "công việc" 63 lần nhưng được dịch là "lời" 770 lần. Cho nên chúng ta có thể đọc câu nầy như vầy: Hãy ở đó để xem "lời" được ứng nghiệm như thế nào. Theo ý nghĩa thuộc linh, "lời" gì được hoàn tất để chúng ta có thể biết được đâu là chân lý? Dĩ nhiên đó là "lời" của Đức Chúa Trời phải không? Có một vấn đề ở đây trong câu 18 nầy. Có hai người có thể chuộc Ru-tơ, người kia thì chúng ta chưa gặp và chúng ta cũng chưa quyết định ý nghĩa thuộc linh về người đó là gì nữa.

Chúng ta xem lại câu 12 Bô-ô bảo Ru-tơ: "Song có một người khác lại bà con gần hơn ta", rồi ông nói trong câu 13: "Nếu người kia muốn chuộc sản nghiệp nàng lại, thì người buộc phải làm; còn nếu như người không đẹp lòng chuộc sản nghiệp nàng lại". Đó là vấn đề cần phải được xem xét. Bô-ô đã bảo đảm với Ru-tơ rằng ông sẽ là người chuộc sản nghiệp nàng lại, nhưng có một người khác bà con gần hơn ông, có quyền ưu tiên hơn trong việc chuộc sản nghiệp.

Vấn đề đó cần được quyết định xem ai là người chuộc sản nghiệp. Theo câu 18 có nghĩa là: Hãy xem "lời" được hoàn thành như thế nào. Lời đây là lời của Đức Chúa Trời để phán quyết xem ai sẽ là người chuộc sản nghiệp. Khi học đến chương 4, chúng ta sẽ thấy thế nào điều nầy sẽ ăn khớp một cách chính xác. Chúng ta sẽ không bàn sâu về vấn đề nầy vì chúng ta đang học chương 3 bởi vì chương 4 sẽ mở ra cho chúng ta một cái nhìn rộng hơn. Chúng ta sẽ thấy ai là người chuộc sản nghiệp và lời của Đức Chúa Trời phán quyết vấn đề nầy như thế nào.

Bây giờ thì chúng ta chỉ tìm ra ý nghĩa của câu 18. Hãy ở đây và đợi xem lời của Đức Chúa Trời cho chúng ta biết ai sẽ là người chuộc sản nghiệp cho chúng ta. Có phải người kia là người chuộc sản nghiệp hay Chúa Cứu Thế sẽ là người chuộc sản nghiệp của chúng ta? Có lẽ bạn sẽ thắc mắc làm sao ý nghĩa nầy hài hòa với nhau được. Xin hãy kiên nhẫn, chúng ta sẽ sớm học đến phần nầy.

Rồi chúng ta đọc tiếp "vì nếu ngày nay việc nầy chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu". Một lần nữa theo bối cảnh lịch sử chúng ta đã thấy mong đợi điều nầy nơi Bô-ô là quá đáng. Chỉ trong một ngày sau khi Ru-tơ xin ông cưới nàng thì cả vấn đề sẽ được hoàn tất. Nhưng theo ý nghĩa thuộc linh chúng ta sẽ thấy điều mà Đức Chúa Trời nói ở đây.

Chữ "việc" ở đây là cùng một chữ được dịch là "công việc" trong phần trước của câu nầy. Thêm một lần nữa, chữ "lời" được nhìn thấy ở đây. Cho nên chúng ta có thể đọc câu 18 như thế nầy: Hỡi con gái ta, hãy ở đây, để đợi xem cho biết "lời" sẽ được hoàn thành như thế nào; vì nếu ngày nay "lời" nầy chưa rồi, thì người ấy chẳng nghỉ đâu.

Đức Chúa Trời có một kế hoạch cứu rỗi, và Ngài quyết định rằng kế hoạch cứu rỗi nầy sẽ được thực hiện. Điều nầy đã được hoạch định trong trí của Ngài trước khi sáng thế. Nhưng cho đến khi Chúa Cứu Thế lên thập tự giá để đền trả cho tội lỗi của chúng ta thì chương trình cứu rỗi của Ngài chưa được hoàn thành.

Lời Ngài công bố sự cứu rỗi cho thế giới, cho những người tin nhận nơi Ngài sẽ được hoàn tất khi Chúa Cứu Thế trả xong tội lỗi cho những người được chọn mà Ngài dự dịnh cứu. Cho đến khi chương trình cứu những người được chọn hoàn tất thì Ngài sẽ không nghỉ đâu. Không gì có thể ngăn trở Đức Chúa Trời thực hiện mục đích của Ngài.

Chúng ta đã học xong chương 3, bây giờ sẽ tiếp tục chương 4. Chúng ta sẽ tìm hiểu về người bà con kia. "Bô-ô đi đến cửa thành và ngồi đó." Theo bối cảnh lịch sử, Ru-tơ đã về nhà vào sáng sớm, Bô-ô đã hứa sẽ cưới nàng, không ai biết được điều đó. Bây giờ, cùng trong ngày đó Bô-ô sẽ tìm hiểu nhanh về việc người bà con kia có thích Ru-tơ không. Thật không có lý khi tất cả công việc xảy ra trong một ngày như vậy, nhưng đây là việc đã xảy ra thật và được ghi lại trong lịch sử.

Có lẽ vì Ru-tơ là người Mô-áp, đàn bà bị rủa sả cho nên chuyện người bà con kia cưới nàng là chuyện xa vời. Việc nầy không cần phải suy nghĩ lâu dài. Dù lý do thế nào đi nữa trong việc thực hiện vấn đề nầy nhanh chóng thì cũng nằm trong ý định của Đức Chúa Trời hướng dẫn Bô-ô trong việc nầy.

Khi chúng ta xem xét ý nghĩa thuộc linh của nó thì chúng ta mới bắt đầu thấy được tại sao việc nầy đã xảy ra trong lịch sử và ghi lại cho chúng ta. Ở đây chúng ta đọc: "Bô-ô đi đến cửa thành và ngồi đó." Cửa thành là nơi xét xử việc tranh tụng. Nhiều lần chúng ta đọc thấy vua ngồi tại cửa thành để xử việc nầy việc kia. Đây là nơi những người già cả đến để xét xử những việc liên quan đến thành của họ, việc nầy không có gì là lạ cả, "Bô-ô đi đến cửa thành và ngồi đó". Trong Kinh Thánh chữ ngồi thường chỉ đến việc cai trị hay phán xét vấn đề. Chúa Giê-xu ngồi bên hữu của Đức Chúa Trời để cai trị mọi vật không chỉ thời đại nầy mà thôi thời đại đang đến nữa. Bô-ô đang ngồi để phán đoán và cũng sẽ mời người bà con gần với Ru-tơ hơn Bô-ô.

Chúng ta đọc trong phần sau: "Bấy giờ, người có quyền chuộc sản nghiệp, mà Bô-ô đã nói đến, vừa đi qua; Bô-ô bèn nói rằng: Hỡi anh, hãy lại gần và ngồi đây. Người ấy bèn lại gần và ngồi." Chúng ta có hai người ngồi đây. Một điều lý thú trong ngôn ngữ ở đây là ông không gọi tên người bà con đó. Ông không nói tại sao người kia bà con gần hơn, ông không nói rõ ràng người nầy là ai. Ngôn ngữ nầy thật là lạ, dường như chi tiết nầy bị bỏ qua, không quan trọng, chúng ta ngạc nhiên về vấn đề nầy.

"Bô-ô bèn nói rằng: Hỡi anh, hãy lại gần". Có lẽ người bà con nầy đang đi ra ngoài thành để lại chỗ gặt lúa hay làm gì đó. Nhưng Bô-ô bảo rằng: Chúng ta có một việc quan trọng hơn, xin để công việc anh qua một bên. Đây là vấn đề cần phải làm xong ngày hôm nay, xin ngồi xuống đây để giải quyết việc nầy. Rồi "Bô-ô bèn chọn mười người trong các trưởng lão của thành, mà rằng: Các ông hãy ngồi đây. Các trưởng lão bèn ngồi." Phiên tòa bây giờ đã ổn định.

Bạn thấy ở đây có Bô-ô, người bà con gần và mười người trưởng lão sẽ phán quyết việc nầy, họ sẽ làm chứng sự việc sẽ diễn ra hầu cho mọi việc điều hợp pháp và chính xác. Bô-ô có một câu hỏi rất quan trọng. Ông sẽ bày tỏ rằng ông tự nguyện làm người chuộc sản nghiệp cho Ru-tơ. Nhưng trước tiên ông muốn dành cơ hội chuộc sản nghiệp đó cho người bà con gần hơn. Mười người trưởng lão được mời ngồi xuống để phán quyết diễn tiến nầy.

"Đoạn, Bô-ô nói cùng người có quyền chuộc sản nghiệp rằng: Na-ô-mi ở Mô-áp trở về, rao bán miếng đất của Ê-li-mê-léc, anh chúng ta." Chữ "rao bán" ở đây đúng ra phải dịch là "đã bán". Na-ô-mi lập gia đình với Ê-li-mê-léc, họ bà con với người kia gần hơn với Bô-ô. Trong lúc nghèo khổ vì nạn đói kém xảy ra trong xứ hơn mười năm trước. Họ đã bán tất cả những gì họ có rồi đi đến xứ Mô-áp để tiếp tục sống, ở đó Ê-li-mê-léc qua đời và hai con trai cũng qua đời. Bây giờ bà góa Na-ô-mi vợ của Ê-li-mê-léc, Ru-tơ vợ của Mạc-lôn trở về. Bô-ô kể lại việc nầy cho người bà con kia và cho biết vấn đề khó khăn là thế nào.

Chắc chắn người bà con kia biết rõ Ru-tơ vì là bà con, ông biết rõ việc trở về của Na-ô-mi nhưng Đức Chúa Trời chỉ rõ ra ở đây để đặt nền tảng cho sự việc theo sau. Na-ô-mi đã bán miếng đất của Ê-li-mê-léc là anh của họ. Na-ô-mi là người duy nhất thừa hưởng cơ nghiệp, dĩ nhiên có Ru-tơ trong đó nhưng bà là người đại diện cho gia đình. "Tôi muốn báo cáo cho anh hay và nói rằng: Tại trước mặt những người ngồi đây và trước mặt các trưởng lão của dân sự tôi, xin hãy mua sản nghiệp đó. Nếu anh muốn chuộc sản nghiệp đó lại, thì hãy làm đi; bằng không, thì hãy tỏ ra cho tôi biết. Vì trước anh chẳng ai có quyền chuộc lại, và sau anh, quyền này trở về tôi." Nói ngắn lại, ông dành quyền ưu tiên cho người anh em nầy chuộc lại sản nghiệp.

Theo luật lệ của Kinh Thánh chép trong Lê-vi-ký 25:25 "Nếu anh em ngươi trở nên nghèo, và bán một phần sản nghiệp mình, thì người bà con gần có quyền chuộc lại, phải đến chuộc phần đất anh em người đã bán." Nói cách khác, khi người Do Thái sở hữu miếng đất bị bắt buộc phải bán vì nghèo khổ, thì người bà con gần có quyền chuộc lại thay cho anh em mình hầu cho sản nghiệp đó cứ còn lại trong gia đình. Đó là kế hoạch của Đức Chúa Trời để phần đất đó còn trong gia đình cho đến ngày cuối cùng. Chúng ta sẽ thấy đây là hình ảnh của thế giới nầy khi chúng ta học đến ý nghĩa thuộc linh trong chương 4.

Câu hỏi đầu tiên mà Bô-ô hỏi người bà con đó là: Anh sẽ mua lại miếng đất mà gia đình Na-ô-mi đã bán không hầu cho nó còn lại trong gia đình? "Người đáp: Tôi sẽ chuộc." Ông ta không thấy khó khăn gì trong việc chuộc miếng đất lại. Câu 5, "Bô-ô lại nói: Khi mua ruộng bởi tay Na-ô-mi, anh cũng phải mua luôn bởi Ru-tơ, người Mô-áp, vợ của kẻ chết, để nối danh của kẻ chết cho sản nghiệp người."

Đây là một vấn đề khác hẳn đối với người bà con kia. Việc chuộc lại miếng đất thì không có gì là khó khăn, ông muốn làm chủ miếng đất trước kia thuộc về Ê-li-mê-léc, bây giờ thì thuộc về Na-ô-mi và Ru-tơ. Na-ô-mi và Ru-tơ là góa bụa không con, khi họ chết thì sẽ không còn ai để thừa hưởng sản nghiệp đó. Để giữ miếng đất đó, chắc chắn là ông ta muốn chuộc nó lại.

Nếu chuộc miếng đất mà phải cưới Ru-tơ là một vấn đề khác. Ru-tơ là người Mô-áp, đàn bà bị rủa sả, không phải thuộc dòng máu của người Giu-đa là dòng dõi của Áp-ra-ham. Nàng chỉ là một người ngoại, nàng là loại người mà ông không lấy làm ưa thích. Cho nên chúng ta thấy ông trả lời ngay: "Người có quyền chuộc lại đáp rằng: Nếu vậy, tôi không chuộc lại được, e phải hủy hoại sản nghiệp của mình; xin hãy lấy về cho anh quyền chuộc lại của tôi, vì tôi không thế chuộc được". Ngay tức thì chúng ta thấy ông không muốn làm người chuộc sản nghiệp. Ông không muốn dính líu đến việc cưới Ru-tơ là người đàn bà bị rủa sả. Đó là sự kiện trong lịch sử.

Trong bài học tới chúng ta sẽ trở lại để xem chúng ta có tìm ra được ý nghĩa thuộc linh từ sự việc nầy hay không. Chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta có thể hiểu được Đức Chúa Trời đang dạy gì qua bài học nầy. Chúng ta sẽ thật sự nhìn thật kỹ xem người bà con gần nầy là ai. Có lẽ bạn sẽ tự suy nghĩ xem về thuộc linh người bà con nầy là ai. Kinh Thánh sẽ giúp chúng ta trong việc nầy.

Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu, và Ngài làm cho chúng ta đồng sống lại và đồng ngồi trong các nơi trên trời trong Đức Chúa Jêsus Christ. (Ê-phê-sô 2:4-6)

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)