Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Sự Ngạo Mạn Của Saulơ - 7/2005  


SỰ NGẠO MẠN CỦA SAULƠ
(1Samuên 15: 1-35)

Tháng Bảy 2005

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Cứu Chúa Giêxu Christ. Dù Saulơ còn cai trị Y-sơ-ra-ên nhiều năm nữa sau sự kiện tai họa trong đoạn 15 này, sự kiện này thật sự đánh dấu sự chung cuộc của quyền cai trị của Saulơ. Giờ đây Đức Chúa Trời đã khước từ Saulơ bởi sự bất tuân của ông. Chúng ta đã thấy trong đoạn 13 rằng khi Samuên đối chất Saulơ về tội tự mình dâng của tế lễ, khi ấy Đức Chúa Trời đã phán xét Saulơ. Chúng ta để ý là lúc ấy, Saulơ đã bị rủa sả trên phương diện rằng Đức Chúa Trời đã cất đi triều đại của dòng họ ông, nghĩa là vương quyền của ông sẽ không được truyền cho con cháu ông nữa. Tại đó đã công bố rằng con cái ông sẽ không được cai trị trên ngai Y-sơ-ra-ên nữa. Nhưng tại đây chúng ta thấy ngai vàng bị cất khỏi chính Saulơ. Câu 28 nói rằng: "Ấy ngày nay Đức Giêhôva xé nước Y-sơ-ra-ên khỏi ngươi là như vậy đặng ban cho kẻ lân cận ngươi, xứng đáng hơn ngươi." Chúng ta thấy rằng trên một phương diện nào đó đây là sự sa bại của Saulơ, sự cuối cùng của vương quyền của Saulơ hay ít nhất là sự kết thúc của sự chúc phước của Đức Chúa Trời trên chức vụ làm vua đó. Câu 35 cho thấy Samuên xem Saulơ như đã chết.

Khi xem đoạn 15, chúng ta phải đặt câu hỏi rằng đâu là nguyên nhân khiến Saulơ sa bại. Điều gì đã làm buồn lòng Đức Chúa Trời cách nghiêm trọng đến nỗi Ngài xé nước khỏi tay Saulơ và Ngài nói đến việc Ngài ăn năn vì đã lập Saulơ làm vua? Như chúng ta đã xem xét trước đây về Saulơ, vấn đề mấu chốt trong sự làm vua của Saulơ là ở tấm lòng ông. Ấy chính là ở tấm lòng của ông, không chỉ là ở hành động của ông trong đoạn Kinh Thánh hôm nay -nghĩa là sự bất tuân trực tiếp của ông trước ý muốn mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ- mà chính là sự tự phụ ngạo mạn của Saulơ mà bởi đó ông muốn nâng cao chính mình với tư cách là vua dân Y-sơ-ra-ên, ông tìm cách nâng cao bản thân mình đến mức độ xâm phạm thẩm quyền của Vị Vua thiên thượng của Y-sơ-ra-ên. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta thấy ông đang bước vào lĩnh vực của chính Đức Chúa Trời. Ông chẳng còn chút khiêm nhường nào! Ông đã đặt mình vào chỗ của Đức Chúa Trời.

Tôi cảm thấy một điều đáng tiếc rằng khi tra xem các sách giải kinh về cuộc đời của Saulơ, nhiều người cho rằng Saulơ là người đáng được cảm thông, rằng ông là nạn nhân của hoàn cảnh, rằng tội ông phạm khi tự mình dâng của lễ khi Samuên đến trễ là không đến nỗi trầm trọng. Còn trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, ông tha cho Aga và để lại những súc vật, nhưng suy cho cùng ông để lại những súc vật đó để dâng làm của lễ cho Đức Chúa Trời. Liệu ông bị Đức Chúa Trời định tội có công bằng không? Còn về tội lỗi của Đavít phạm cùng Bátsêba, khi ông sai giết Uri, khi ông cho tu bộ dân sự, những tội lỗi này há chẳng lớn hơn tội lỗi của Saulơ sao? Tại sao Saulơ dường như là người bị Đức Chúa Trời phân biệt ra? Điều này có thật sự công bằng không? Tôi tin rằng khi đọc xuyên suốt đoạn Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy vấn đề ở đây là ở tấm lòng của Saulơ. Tấm lòng của Saulơ đặt nơi sự vinh hiển mình. Ông không quan tâm đến sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Ông đã tự nâng mình lên một vị trí không phải của mình. Ông không hề muốn biện hộ cho dân sự mà lại đổ lỗi cho họ. Sự phán xét nghiêm khắc của Đức Chúa Trời trên Saulơ theo như chúng ta thấy cho đến đây thật sự là công bình. Saulơ không phải là vị vua có lòng hướng về Đức Chúa Trời. Ông không phải là người có đức tin như con trai mình là Giônathan như chúng ta thấy trong đoạn 14. Ông là người mà cung cách tự đề cao của ông nhắm vào sự vinh hiển của bản thân mình và điều đó đã dẫn đến sự suy bại của chính ông.

Khi xem đoạn 15, chúng ta thấy trong đó mang những lời nói về tính cách của Saulơ. Đoạn Kinh Thánh bắt đầu bằng mạng lịnh rất rõ ràng cho Saulơ từ câu 1 đến 3. Những mạng lịnh này ban cho ông một cách không nhầm lẫn được. Nó bắt đầu bằng mạng lịnh rằng ông phải tiến hành một cuộc thánh chiến nghịch cùng dân Amaléc. Đây không phải là một cuộc chiến tự vệ, cũng không phải là cuộc chiến tấn công để mở mang lãnh thổ. Cuộc chiến mà dân Y-sơ-ra-ên giờ đây được kêu gọi tiến đến là một cuộc thánh chiến. Đó là một cuộc chiến với mục tiêu là báo trả cho hành động không công bình của người Amaléc trong thời của Môise. Người Amaléc đã tấn công dân Y-sơ-ra-ên, đã phục kích họ trong đồng vắng trên đường đến đất hứa. Dù rằng dân Y-sơ-ra-ên lúc ấy đã đánh bại họ, Môise đã thề nguyện báo thù dân tộc này. Trong Xuất 17:14, ông nói rằng Đức Chúa Trời đã muốn xóa kỷ niệm về dân tộc này ở dưới trời. Thế thì dân Y-sơ-ra-ên phải thực hiện trách nhiệm này khi đã được vào xứ . Thật ra trong Phục Truyền 25:17-19, Môise cũng nhắc lại cho dân sự về trách nhiệm này: Họ phải hủy diệt người Amaléc và phải tận diệt họ. Đây là công việc của sự phán xét của Đức Chúa Trời. Chúng ta thấy dân Amaléc ngoài việc tấn công dân Y-sơ-ra-ên trong thời họ ra khỏi xứ Êdíptô còn tiếp tục tranh chiến với họ trong thời Các Quan Xét. Chúng ta thấy họ xuất hiện lại trong sách Samuên. Người Amaléc là kẻ thù của dân sự Đức Chúa Trời. Họ đại diện cho tất cả những ai tranh chiến cùng dân sự Đức Chúa Trời. Họ đại diện cho kẻ thù của chính Đức Chúa Trời. Chính vì vậy mà họ buộc phải chịu sự thạnh nộ công bình của Đức Chúa Trời. Vì họ đứng lên nghịch cùng dân sự Đức Chúa Trời, họ phải ở dưới sự phán xét công bình của Ngài và đáng phải bị Đức Chúa Trời tận diệt. Tại đây Đức Chúa Trời ra mạng lịnh rõ ràng về vấn đề này: Ngài đòi Saulơ phải tận diệt kẻ thù này. Ý muốn của Đức Chúa Trời được nhấn mạnh rõ ràng trong mạng lịnh này.

Chúng ta có thể thấy kết cấu quyền hạn được xác lập trong bối cảnh này, nâng cao Đức Chúa Trời lên địa vị làm Vua. Câu 1 chép: "Sa-mu-ên nói cùng Sau-lơ rằng: Đức Giê-hô-va đã sai ta xức dầu cho ngươi, lập làm vua dân Y-sơ-ra-ên của Ngài." Ấy là do thẩm quyền của Đức Chúa Trời mà Saulơ được lập làm vua. Đức Chúa Trời là Vị Vua thiên thượng. Ngài đứng thay chỗ cho cả dân sự Đức Chúa Trời kể cả Saulơ. Trong sự tể trị của Ngài, Ngài lập Saulơ làm vua. Với tư cách là vua được chỉ định, ông phải vâng phục Vị Vua thiên thượng. Vì thế mà Kinh Thánh nói tiếp: "Vậy bây giờ, hãy nghe lời phán của Đức Giê-hô-va." Đây không phải là lời của Samuên cho Saulơ. Đây không phải là một mạng lịnh hay ý muốn đơn thuần có ích lợi cho Đức Chúa Trời. Đây là tiếng của lời Đức Chúa Trời. "Saulơ! Ngươi đã được Đức Chúa Trời ban chức. Ngươi phải lắng nghe những lời này." Tương tự, chúng ta thấy lời trong câu 2, dường như lời trong câu 1 là chưa đủ: "Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy". Tại đây là cách nói của những tiên tri. Nếu chúng ta xem trong các sách tiên tri chúng ta sẽ thấy nhiều tiên tri bắt đầu sứ điệp của mình như thế. Tại đây cũng thế sứ điệp tiên tri cho Saulơ cũng bắt đầu rằng: "Đức Giêhôva vạn quân phán vậy". Tại đây việc gọi Đức Chúa Trời là Đức Giêhôva vạn quân là thích hợp bởi Ngài là Vị Thống Soái của đạo binh Đức Giêhôva. Dân Y-sơ-ra-ên thuộc trong đạo binh của Đức Giêhôva. Thế thì khi đọc phần Kinh Thánh này chúng ta không thể tránh né sự thật rằng trận chiến nghịch cùng người Amaléc tại đây là trận chiến của Đức Giêhôva và đây là điều Đức Chúa Trời muốn Saulơ thi hành, rằng đây là sự thi hành công việc đoán xét công bình thiên thượng của Ngài. Chúng ta thấy thể nào Đức Chúa Trời xem tội lỗi của dân Amaléc như là sự xúc phạm đến chính Ngài, "Ta nhớ lại điều Amaléc làm cho Y-sơ-ra-ên." Đức Chúa Trời đang đứng ra bảo vệ dân sự Ngài. Ngài lắng nghe tiếng khóc của những người lính thiệt mạng nơi chiến trận với dân Amaléc. Giờ đây Ngài đứng lên binh vực dân sự Ngài và thi hành sự phán xét thiên thượng nghịch cùng những kẻ tội ác kia. Ngài phán với Saulơ rằng ông phải là công cụ để Ngài thi hành sự báo ứng cho dân Amaléc gian ác này. Họ phải bị tận diệt.

Cách nói này là quen thuộc với chúng ta. Chúng ta đã học trong Phục Truyền Luật Lệ Ký, trong nguyên ngữ Hy-bá-lai gọi là "charam", nghĩa là hủy diệt hoàn toàn, rằng mọi vật sống phải bị gươm giết, không còn một người đàn ông, đàn bà, con trẻ hay súc vật nào còn sống. Đức Chúa Trời đang đòi sự tận diệt để bày tỏ sự thạnh nộ Ngài đối cùng dân tộc tội lỗi này. Cả dân tộc này phải chịu sự rủa sả của Đức Chúa Trời bởi tội lỗi họ nghịch cùng Đức Chúa Trời và dân sự Ngài. Thế nên khi đến với đoạn Kinh Thánh này, câu 1 đến 3 cho chúng ta thấy rất rõ ràng: mạng lịnh của Đức Chúa Trời không thể bị hiểu lầm! Sứ điệp nầy hết sức rành mạch. Việc Saulơ không thi hành theo mạng lịnh này không phải là do hiểu lầm. Ông hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời. Nhưng sự không thi hành đó theo câu 9 là do nơi một tấm lòng không muốn làm theo.

Saulơ chiến đấu cùng dân Amaléc như Đức Chúa Trời truyền dạy. Từ câu 4 về sau cho chúng ta thấy ông ra trận, tập họp một quân đội khoảng hai trăm mười ngàn binh sĩ và ông dễ dàng giành được chiến thắng. Vấn đề ở đây không phải là ông không đủ khả năng giành chiến thắng. Không, ông chiến thắng dễ dàng. Tuy nhiên, thay vì tiến hành cuộc chiến theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, Saulơ xen vào bằng tiêu chuẩn của chính mình. Ông đã đề cao thẩm quyền của mình. Chúng ta đã nhìn thấy điều này trong câu 6 khi Saulơ tự mình quyết định tha cho dân Kênít. Ít ra người Kênít trước đây đã đối xử tử tế với dân Y-sơ-ra-ên và ủng hộ cho họ. Thế nên tỏ sự thương xót cùng họ như thế ắt không phải là quá mức cho phép. Tuy nhiên việc tha cho người Kênít là bởi tự ý Saulơ mà không phải bởi mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Có lẽ trong những hoàn cảnh khác, việc này có thể chấp nhận được. Nhưng tại đây lại là chuyện khác: Những người Kênít này rõ ràng đã liên kết với người Amaléc. Họ đang sát cánh với người Amaléc. Không có chỗ nào cho thấy rằng Saulơ được bảo phải tha cho họ cả. Đây là một sự ngạo mạn của Saulơ. Ông đã nâng mình lên vị trí của Đức Chúa Trời là Đấng có thể thương xót ai Ngài muốn thương xót. Saulơ không được ban cho cương vị đó. Thật ra nếu xem trong nguyên ngữ, chúng ta sẽ thấy rằng lời nói của Saulơ khi bày tỏ sự tử tế đối cùng người Kênít lập lại lời của Đức Chúa Trời trong những phần Kinh Thánh khác, bởi đó từ cách nói của ông, chúng ta có thể nhìn thấy điều tương tự như vậy trong cách ông nhìn nhận về chính mình.

Tuy nhiên thất bại của Saulơ là lớn hơn việc ông tha cho người Kênít. Nếu chỉ có thế, chúng ta có thể nhìn Saulơ như một người nhân hậu. Thế nhưng Saulơ đi xa hơn nhiều: ông không chỉ dung thứ cho người Kênít mà còn dung thứ cho vua Aga. Vua Aga chính là trung tâm của người Amaléc. Vua Aga chính là người đáng chịu sự đoán xét của Đức Chúa Trời hơn tất cả những người còn lại trong dân Amaléc. Thế mà ông lại được Saulơ bảo toàn. Cùng với vua Aga, Saulơ còn để dành lại những súc vật tốt nhất. Chúng ta thấy dân Y-sơ-ra-ên đã phạm tội lỗi của Acan. Acan là người mà sách Giôsuê chép đã ăn cắp những vật quý ở thành Giêricô và điều đó dẫn đến sự thua trận đầu tiên của dân Y-sơ-ra-ên tại thành Ahi. Cuối cùng Acan bị ném đá vì tội mình bởi dân sự đã được truyền phải tận diệt Giêricô. Thành Giêricô đã được cung hiến cho Đức Chúa Trời và sự đoán xét của Ngài trên thành Giêricô phải được làm trọn. Việc ăn cắp của Acan là vi phạm mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng thấy một điều mỉa mai rằng việc Saulơ dung thứ cho vua Aga dẫn đến hậu quả là sự lấy mất vương quyền của chính ông. Chúng ta thấy rằng cho dù dân sự và Saulơ trong thâm tâm đã dự định dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời bằng những súc vật này, đây không đơn thuần là sự vi phạm mạng lịnh của Đức Chúa Trời không thôi, mà vấn đề là họ muốn dâng cho Ngài những thứ đã thuộc về Ngài rồi, những thứ đã được để riêng ra để tận diệt. Những vật này không đẹp lòng Đức Chúa Trời bởi chúng liên hệ với những người đã nghịch cùng dân sự Ngài. Một của lễ như thế có lẽ đã chẳng tôn vinh Đức Chúa Trời không chỉ vì sự bất tuân của họ mà là vì nó đã thuộc về Ngài rồi. Hành động đó cũng giống như tặng ai một món quà nào đó bằng cách lấy món ấy của người đó rồi cho lại người đó. Thế thì còn gì là cảm kích cho một món quà như thế? Đây là những thứ mà Đức Chúa Trời đã cung hiến cho chính mình Ngài để chịu sự đoán xét của Ngài.

Rõ ràng khi xem đoạn Kinh Thánh này chúng ta thấy sự ngạo mạn nổi lên của Saulơ được tìm thấy trong câu 12. Không chỉ ông xúc phạm thẩm quyền của Đức Chúa Trời bằng cách thay đổi mạng lịnh Ngài để thích hợp với ý tưởng mình mà bởi đó ông dung thứ cho Aga và những súc vật, chúng ta còn nhìn thấy sự ngạo mạn của ông trong câu 12: Saulơ dựng cho mình một cái bia. Chúng ta hãy suy nghĩ mục đích của bia kỷ niệm trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên. Đã có nhiều bia đài kỷ niệm được dựng lên trước đây. Đây không phải là cái bia đầu tiên trong xứ Canaan. Tuy nhiên khi nghĩ đến những bia đài kỷ niệm khác như cái đã được dựng lên khi qua sông Giôđanh, tại núi Êbanh... mỗi bia kỷ niệm đều được dựng lên để dâng cho Đức Chúa Trời. Những bia kỷ niệm trong xứ nhằm mục đích nhắc nhở dân sự về ân huệ và ơn phước của Đức Chúa Trời đối cùng họ như là Vua thiên thượng của họ. Thế nhưng Saulơ không dựng một bia kỷ niệm cho Đức Chúa Trời mà lại dựng một bia cho chính mình. Chúng ta thấy rõ ông đang tôn vinh hiển cho chính mình. Ông không tôn vinh hiển Đức Chúa Trời. Bia kỷ niệm ấy được dựng lên để tôn vinh Saulơ. Chúng ta thấy cung cách ngạo mạn của Saulơ xuyên suốt đoạn Kinh Thánh ở chỗ ông tự đặt mình trong vị trí của Đức Chúa Trời. Đây không phải là thái độ của một người có lòng theo Đức Chúa Trời. Đây là thái độ của nhiều người trong xã hội chúng ta ngày nay. Chúng ta thấy nhiều người đề cao sự vinh quang của mình, sự ngạo mạn của mình dường như chính bản thân họ đã làm được những việc cả thể mà họ muốn người khác nghĩ đến. Chúng ta thấy những bia kỷ niệm xây lên cho Sađam Hussein ở Irắc, cho những lãnh tụ khác trên thế giới... chúng ta thấy những bia đài kỷ niệm này sau một thời gian cũng bị đổ xuống. Khi con người được tôn vinh hiển, sự vinh hiển đó cuối cùng cũng bị hạ xuống.

Chúng ta nhìn thấy Saulơ thật ngạo mạn trong cung cách của ông trong trận chiến khi ông tự mình sửa đổi mạng lịnh Đức Chúa Trời hay nói cách khác, ông đã áp dụng nó một cách chọn lọc dựa trên hiểu biết và ý thích của bản thân mình. Ông rõ ràng đã xâm phạm thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Đó là một sự sĩ nhục với Đức Chúa Trời mà thẩm quyền làm Vua thiên thượng tối cao của Ngài trên dân Y-sơ-ra-ên đã bị đặt vấn đề bởi hành động của Saulơ. Bia kỷ niệm thể hiện tỏ tường tấm lòng của Saulơ: một tấm lòng chuyên chú đến vinh quang riêng mình mà không màng đến sự vâng phục Đức Chúa Trời. Thế thì chúng ta có thể nhìn thấy tình trạng tội lỗi của Saulơ. Chúng ta thấy sự khác biệt giữa bản chất và tính cách của Saulơ so với điều chúng ta sẽ nhìn thấy nơi vua Đavít. Vua Đavít có tấm lòng cho dân sự Đức Chúa Trời. Chúng ta nhìn thấy nơi vua Đavít một thái độ ăn năn thật mà chúng ta không tìm thấy ở Saulơ. Thế thì tội lỗi của Saulơ là đặc biệt nghiêm trọng và vì thế đáng bị Đức Chúa Trời đoán phạt.

Từ câu 13 trở đi cho chúng ta thấy Samuên được kêu gọi đối chất với Saulơ. Đức Chúa Trời nói trong câu 11 về Ngài hối hận đã lập Saulơ làm vua. Chúng ta cần hiểu rằng việc Đức Chúa Trời hối hận đã lập Saulơ lên làm vua không có nghĩa rằng sự Ngài kêu gọi Saulơ là một sai lầm, rằng Ngài thấy rằng đó là một chuyện rủi ro. Chúng ta không nên hiểu rằng việc Saulơ được kêu gọi và giờ đây bị bỏ là vì Đức Chúa Trời đổi ý hay đổi kế hoạch vì Ngài không biết trước được điều Saulơ sẽ làm. Cung cách của Saulơ chẳng phải là điều bất ngờ với Đức Chúa Trời đâu! Trong đoạn Kinh Thánh này khi nói Đức Chúa Trời hối hận vì đã lập Saulơ làm vua, chúng ta không nói rằng Ngài không toàn quyền tể trị bởi chúng ta tìm thấy trong câu 29 ý tưởng hoàn toàn trái ngược với quan điểm đó: "Đấng phù hộ Y-sơ-ra-ên chẳng nói dối, và không ăn năn; vì Đấng ấy chẳng phải loài người mà ăn năn!" Nói cách khác, Đức Chúa Trời không phải là một Đức Chúa Trời hay đổi ý. Chẳng phải tác giả của sách 1 Samuên tại đây hoang mang không định nên muốn níu kéo cả hai ý tưởng rằng Đức Chúa Trời đã quyết định nhưng Ngài cũng đổi ý. Đúng hơn, khi xem câu 11, chúng ta thấy Đức Chúa Trời đang nhìn vào tội lỗi của Saulơ và Ngài buồn rầu về tội lỗi đó. Dù Ngài biết trước điều đó, Ngài không vui khi thấy kẻ ác bị hủy diệt, Ngài không vui khi thấy tội lỗi của Saulơ. Tội lỗi của Saulơ rõ ràng là tội lỗi của chính bản thân ông và nó là điều đáng tiếc. Đức Chúa Trời buồn lòng về điều đó. Sự buồn rầu của Đức Chúa Trời trong câu 11 cũng được nhìn thấy nơi Samuên. Samuên với tư cách là tiên tri của Đức Chúa Trời cũng phản ảnh tính cách của Ngài. Samuên buồn rầu về Saulơ. Ông khóc lóc với Đức Chúa Trời cả đêm. Samuên buồn rầu một phần vì Saulơ đã sĩ nhục danh Đức Chúa Trời và sự suy bại của Saulơ không phải là điều mà Samuên lấy làm vui thích. Đức Chúa Trời đã xức dầu cho Saulơ và Samuên là tôi tớ Ngài đã đổ dầu trên đầu ông. Samuên không ao ước nhìn thấy Saulơ thất bại. Samuên còn buồn rầu bởi tội lỗi của Saulơ và hậu quả thích đáng mà hành động của Saulơ đã dẫn đến.

Samuên đi đến gặp Saulơ ở Ghinh-ganh. Tại đây một lần nữa chúng ta thấy có sự châm biếm vì Ghinh-ganh chính là nơi Saulơ được xức dầu làm vua Y-sơ-ra-ên. Chính tại nơi ông đã được xức dầu này mà vương quyền bị tước khỏi tay ông. Chúng ta nhìn thấy sự màu mè bên ngoài trong lời chào của Saulơ với Samuên: "Nguyện Đức Giêhôva ban phước cho ông! Tôi đã làm theo lịnh của Đức Giêhôva." Saulơ chào Samuên dường như không có việc gì xảy ra vậy. Chúng ta có thể cảm nhận trong lời chào của ông ít nhiều thái độ không thành thật. Ông công xưng thành tựu đã làm được là hoàn thành mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, tận thâm tâm ông cũng biết rằng cho đến lúc ấy ông chưa hoàn thành trọn vẹn mạng lịnh của Đức Chúa Trời. Samuên đã không nói lòng vòng. Ông đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Ông nói với Saulơ rằng nếu thật Saulơ đã vâng mạng Đức Giêhôva, nếu ông đã tận diệt hết thảy súc vật của người Amaléc, thế thì những tiếng chiên kêu vang và bò rống Samuên nghe kia là gì. "Saulơ ơi! Ngươi có thành thật với ta không?"

Lời nói dối của Saulơ dễ dàng bị phát hiện. Chúng ta để ý rằng Saulơ không lập tức nhận lỗi về phần mình. Trái lại, Saulơ đã làm mọi cách để đổ tội cho bất kỳ ai ngoài ra mình! Chúng ta thấy thể nào Saulơ đổ tội cho dân sự. Ông nói trong câu 20-21 rằng: "Tôi thật có nghe theo lời phán của Đức Giê-hô-va. Tôi đã đi làm xong việc mà Đức Giê-hô-va sai tôi đi làm; tôi có đem A-ga, vua dân A-ma-léc về, và diệt hết dân A-ma-léc. Nhưng dân sự có chọn trong của cướp, chiên và bò, là vật tốt nhứt về của đáng tận diệt, đặng dâng cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông tại Ghinh-ganh." Chúng ta để ý cách Saulơ đổ thừa cách này cách khác. Chúng ta cũng để ý Saulơ không nói rằng những súc vật này để dành làm của lễ dâng cho Giêhôva Đức Chúa Trời "của chúng ta" mà là cho Giêhôva Đức Chúa Trời "của ông". Cách ông dùng câu chữ tại đây là đặc biệt chớ không phải là tình cờ. Điều này rất rõ ràng vì nó xuất hiện một lần nữa trong phần sau khi Saulơ nói đến việc dâng tế lễ những súc vật này. Câu 30 chép: "Tôi sẽ thờ lạy Giêhôva Đức Chúa Trời của ông". Saulơ không có mối tương giao cá nhân với Đức Chúa Trời mà quy mối tương quan với Đức Chúa Trời cho Samuên. Chúng ta chờ đợi câu nói đó là "của chúng ta" nếu Saulơ thật sự thuộc về Đức Chúa Trời.

Samuên không chấp nhận cái cớ mà Saulơ đưa ra. Ông dứt khoát đặt trách nhiệm trên vai Saulơ. Saulơ đã được bảo ra đi chiến đấu cả trận chiến nghịch cùng dân Amaléc và ông đã chẳng vâng theo. Điều này thật đơn giản và rõ ràng. Thế mà chúng ta thấy Saulơ đã né tránh. Ông bảo đã làm theo mạng lịnh được giao dù ông tha chết cho Aga và một lần nữa ông đổ thừa cho dân sự mà không tự mình chịu trách nhiệm. Ông công bố rằng những súc vật này là để dùng cho sự dâng tế lễ, tự bao che cho mình bằng lý luận đạo đức giả này. Thế thì ông đổ lỗi cho dân sự hai lần trong câu 15 và câu 21. Một lần nữa, Samuên không chấp nhận lời bào chữa của Saulơ. Samuên đối chất với Saulơ. Samuên bảo cho Saulơ rằng Đức Chúa Trời không đẹp lòng nghi thức của lễ mà đẹp lòng sự vâng lời tự tấm lòng. Câu 22 chép: "Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ", chúng ta thấy điều này rõ ràng không chỉ trong cuộc đời Saulơ mà còn trong câu chuyện về sự dâng của lễ của Cain trong sách Sáng Thế Ký. Tại đó, Cain cũng mang của tế lễ đến nhưng ông lại thiếu tấm lòng ao ước phục sự Đức Chúa Trời. Điều này được lặp lại trong đời sống của Saulơ. Đức Chúa Trời ao ước sự vâng lời hơn là của tế lễ.

Chúng ta nhìn thấy cách hiểu này không chỉ ở Saulơ mà ở trong nhiều người trong hội thánh nữa. Nhiều người muốn hầu việc Đức Chúa Trời theo cách riêng của mình. Người ta nghĩ ra những cách mới và sáng tạo để thờ phượng Đức Chúa Trời nhưng những cách đó không đúng theo ý Đức Chúa Trời. Người ta không tìm kiếm sự vâng lời Đức Chúa Trời. Thế nhưng Chúa phán rằng: "Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ". Chúng ta phải dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời nhưng chúng ta phải vâng lời Ngài trong sự dâng chính mình chúng ta cho Ngài. Chúng ta không thể bất tuân Ngài mà nói rằng chúng ta đang làm điều đó trong danh Ngài và vì sự vinh hiển của Ngài. Làm như thế không nghĩa lý gì cả. "Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ. Saulơ! Ta muốn sự vâng lời nhưng ngươi đã bất tuân! Việc ngươi muốn dâng những súc vật này làm của tế lễ không đẹp lòng ta!"

Saulơ ăn năn. Câu 24 là lần đầu tiên Saulơ nhìn nhận tội lỗi mình. "Tôi có phạm tội. Tôi đã can phạm mạng lịnh Đức Giê-hô-va, và lời của ông." Nhưng ông đã không thật lòng xưng nhận tội lỗi mình bởi lần thứ 3 trong phần Kinh Thánh này, ông lại đổ tội cho dân sự. Ông nói rằng vì ông sợ dân sự và làm theo lời họ. "Chẳng phải lỗi tôi, thưa Chúa! Tôi chỉ làm theo lời họ thôi!" Saulơ nhận tội nhưng vẫn cãi bướng rằng không phải một mình ông đáng bị quở trách. Chúng ta được nhắc lại một đoạn Kinh Thánh khác trong sách Sáng Thế Ký khi Ađam và Êva bị Đức Chúa Trời đối chất về tội lỗi của họ. Khi Ađam đối diện với Đức Chúa Trời về tội lỗi mình, ông nói rằng: "Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi." Còn Êva khi bị đối diện thì nói rằng: "Không phải tôi mà là vì con rắn trong vườn khiến tôi phạm tội." Chúng ta thấy rằng khi bị đối chất về tội lỗi, phải chăng chúng ta thường muốn né tránh nó hơn là nhận hoàn toàn trách nhiệm? Đức Chúa Trời không vui lòng với kiểu ăn năn như thế. Saulơ muốn được tha thứ, muốn tội lỗi mình được quên đi và muốn tiến tới nhưng lòng ông chưa giải quyết thỏa đáng với Đức Chúa Trời. Ông đã không thật sự xưng tội mình trước mặt Đức Chúa Trời. Ông không thành khẩn ăn năn tội. Thế thì một lần nữa Samuên khước từ Saulơ vì sự bất tuân của ông. Samuên nói: "Ta không trở lại cùng ngươi đâu; vì ngươi đã từ bỏ lời của Đức Giêhôva." Saulơ đã không thật lòng ăn năn. Vì vậy mà Samuên sẽ không còn ở với ông nữa. Cũng thế, giờ đây Đức Chúa Trời bỏ Saulơ vì hành động tội lỗi của ông. Saulơ nắm lấy vạt áo tơi của Samuên và áo bị xé rách ra. Chiếc áo rách trở nên một minh họa của Samuên rằng nước đã bị xé khỏi Saulơ và sẽ không trở lại cho Saulơ vì Đức Chúa Trời không đổi ý. Đức Chúa Trời không cần đổi ý.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)