Trang Bìa > Bài Học Kinh Thánh > Sách 1Samuên > Saulơ Được Chọn - 12/2004  


SAULƠ ĐƯỢC CHỌN
(1Samuên 9:1-27)

Tháng Mười Hai 2004

Kính thưa quý hội thánh yêu dấu trong danh Chúa Giêxu Christ. Trong đoạn 8 chúng ta thấy dân Ysơraên muốn có một vua; họ muốn có một vua giống như các dân tộc khác. Samuên đã nghiêm túc cảnh cáo họ về hậu quả của việc có một vua. Dù điều này xúc phạm Đức Chúa Trời, dân Ysơraên vẫn muốn có một vua. Chẳng phải chính ước muốn có một vua khiến Đức Chúa Trời buồn lòng đến thế bởi luật pháp Đức Chúa Trời trong Phục Truyền Luật Lệ Ký đã nói trước về việc dân Ysơraên có vua. Đúng ra, vấn đề là ở ao ước tội lỗi muốn được giống như những dân tộc khác, là ở chỗ họ không nhận ra Đức Chúa Trời đang làm vua toàn quyền tể trị trên họ hầu yên nghỉ trong sự đầy đủ đó. Họ đáng ra nên ao ước một vua để dẫn dắt họ trong sự công bình, một vua tin kính sẽ dẫn dắt họ trong sự trung tín với giao ước.

Tuy nhiên, đọc tiếp trong đoạn 9, chúng ta thấy Đức Chúa Trời ban cho họ điều họ cầu xin. Thế nhưng khi bước vào đoạn này, chúng ta không nên cho rằng việc Đức Chúa Trời ban cho họ điều họ cầu xin biểu hiện Ngài chấp thuận tội lỗi của họ. Đọc những chỗ khác trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Chúa Trời có thể dùng những việc làm tội lỗi của dân sự để hoàn tất mục tiêu của Ngài. Chúng ta có thể thấy rõ ràng nhất trong cuộc đời của Giôsép: Các anh ông định hại ông và bán ông đi Êdíptô nhưng Đức Chúa Trời dùng điều này để làm ích cho ông. Thế thì Đức Chúa Trời có thể dùng những hành vi tội lỗi của dân sự Ngài để hoàn tất mục tiêu Ngài.

Trong đoạn 8 hai lần Đức Chúa Trời truyền cho Samuên ban cho dân sự một vua. Câu 9 nói, "Vậy bây giờ hãy nghe theo lời chúng nó..." Câu 22, "Hãy nghe theo tiếng chúng nó và ban cho chúng nó một vua." Samuên đang làm theo mạng lịnh của Đức Chúa Trời khi cho họ một vua. Chúng ta kết thúc đoạn 8 với dân Ysơraên chưa có vua, Samuên bảo dân sự ai nấy về thành mình. Kinh Thánh trong đoạn 9 không gợi ý gì về khoảng thời gian bao lâu từ khi dân sự xin một vua đến khi Saulơ được chọn làm vua. Tuy nhiên, có vẻ như chẳng bao lâu sau khi họ yêu cầu, Đức Chúa Trời dẫn lối Saulơ đến với Samuên và bởi đó ông được xức dầu làm vua dân Ysơraên. Nhiều nhà giải kinh hoang mang ở bước chuyển biến từ đoạn 8 sang đoạn 9 này. Chúng ta thấy điều này đặc biệt giữa vòng những nhà giải kinh có khuynh hướng tự do; họ cho rằng đoạn 8 rõ ràng phản đối việc có vua trong khi đoạn 9 lại ủng hộ. Vì thế họ đưa ra ý kiến là phải chăng có hai tác giả khác nhau viết những đoạn này, hay nói cách khác, từ đoạn 8 đến đoạn 9 có hai góc nhìn khác nhau về vấn đề có vua trong Ysơraên. Có phải Đức Chúa Trời lung lay lập trường ban đầu của Ngài trong việc phản đối yêu cầu tội lỗi của dân Ysơraên không? Làm thế nào Đức Chúa Trời lại giữ vai trò chủ động đến thế trong việc chọn Saulơ nếu Ngài đã không chấp thuận yêu cầu ban đầu của họ? Chẳng phải hành động của Ngài trong đoạn 9 cho thấy sự chấp thuận thụ động của Ngài về việc Saulơ làm vua họ sao? Câu trả lời của chúng ta cho những câu hỏi này chắc chắn ảnh hưởng đến cách nhìn của chúng ta đối với vua Saulơ và sự lãnh đạo của ông trong xứ Ysơraên. Chúng ta sẽ nhìn vua Saulơ như là một người được Đức Chúa Trời chấp thuận không? Chúng ta nên nhìn vua Saulơ như một hình ảnh chỉ về Chúa Giêxu hay một hình ảnh nghịch lại với Ngài, một người mà Đức Chúa Trời không chấp thuận?

Đọc xuyên suốt sách 1Samuên, chúng ta thấy rõ rằng Saulơ là hình ảnh tương phản với Đấng Christ. Ông không phải là hình ảnh của Đấng Christ mà đúng là hình ảnh trái ngược của một vua theo ý Đức Chúa Trời. Thế nhưng ông đúng là điều mà dân Ysơraên trông đợi nơi vua mình. Nói như vậy không có nghĩa là Saulơ không phải là một vua hợp thức. Thậm chí Đavít cũng nhìn nhận Saulơ là người được Đức Chúa Trời xức dầu và vì thế ông không chịu giết Saulơ. Tuy nhiên dù Đức Chúa Trời lựa chọn Saulơ, ông không phải là một vua mà Đức Chúa Trời muốn để cai trị dân sự Ngài. Ông là một người thích hợp với ao ước của dân sự mà thôi. Tại đây tôi đang trình bày trên hai mức độ khác nhau: Đức Chúa Trời, trong kế hoạch toàn quyền của Ngài, muốn Saulơ làm vua dân Ysơraên. Tuy nhiên, Saulơ không đạt những yêu cầu của một vua thánh khiết và công bình. Đức Chúa Trời vẫn ban cho dân Ysơraên điều họ ao ước. Trong sự toàn quyền tể trị của Ngài, Ngài làm cho ao ước của họ trở thành hiện thực.

Ở đầu đoạn 9, chúng ta được biết về Saulơ và gia đình ông. Trong hai câu đầu của đoạn 9, chúng ta gặp gỡ Saulơ là người sẽ làm vua đầu tiên của dân Ysơraên. Hai câu này cung cấp cho chúng ta những thông tin về gia đình Saulơ và diện mạo của ông giữa dân sự Đức Chúa Trời. Trước hết chúng ta được biết ông thuộc chi phái Bêngiamin, chi phái nhỏ nhất. Chi phái này, sau sự việc xảy ra ở cuối sách Các Quan Xét, gần bị tiêu diệt hết. Dầu vậy, ông thuộc về một gia đình có tiếng trong xứ. Dù trong câu 21 ông từ chối mà nói rằng gia đình ông là nhỏ hơn hết trong chi phái Bêngiamin, chúng ta đọc thấy trong câu 1 rằng sự thật ông là con của một người có tiếng: Ông là con của Kích, một người dõng sĩ. Tiếng tăm của gia đình này thể hiện rõ trong dòng dõi của họ đi ngược về sáu đời và nhận định rằng cha ông là một người dõng sĩ. Cha ông là một người được tôn trọng và danh dự trong cộng đồng mình, một người có ảnh hưởng mà tiếng tăm của ông chắc chắn sẽ được nối tiếp từ cha sang con. Nói cách khác, Saulơ xuất thân từ thành phần tốt, từ một gia đình danh giá, một người có khả năng được tôn kính trong bối cảnh dân Ysơraên.

Ông còn được mô tả là một người lịch sự đẹp trai. Kinh Thánh chép không ai trong Ysơraên lịch sự bằng ông. Nói cách khác, ông là một người thu hút sự chú ý của người khác. Phần Kinh Thánh chúng ta cũng nói đến dáng vóc của ông, ông là một người rất cao lớn: "người cao hơn cả dân sự từ vai trở lên." Saulơ nhắc tôi nhớ đến người anh em bà con của tôi. Anh này thiếu chút nữa là được 7 feet vì thế khi đứng cạnh anh ta, anh cao hơn tất cả chúng tôi một cái đầu. Khi anh đi giữa đám đông, quý vị không cần đi vòng quanh tìm kiếm anh ta vì anh đứng vượt lên hẳn trong đám đông. Tại đây Saulơ cao hơn hẳn dân sự một cái đầu. Rõ ràng là ông nổi bật lên hẳn. Dáng vóc và ngoại hình của ông khiến ông trở nên một nhân vật khiến người ta phải chiêm ngưỡng. Đây là dáng vóc của một vị vua, một người "ăn ảnh trên truyền hình" trước thời đại có truyền hình. Saulơ là một người thu hút, khoẻ mạnh cao lớn, một hình ảnh hoàn hảo cho một vị vua.

Tuy nhiên, dù trên bề mặt, Saulơ có vẻ thích hợp với vị trí lãnh đạo dựa trên sự mô tả của Kinh Thánh, sự chấp thuận của Đức Chúa Trời đối với ông đã bị nghi vấn. Nó bị nghi vấn bởi khi chúng ta học tiếp sách 1Samuên, chúng ta thấy trong đoạn 16 câu 7 khi Samuên chọn lựa vị vua kế tiếp cho dân sự, Đức Chúa Trời phán cùng ông rằng, "Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giêhôva chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài nhưng Đức Giêhôva nhìn thấy trong lòng." Saulơ đã được chọn bởi dáng vẻ bề ngoài của ông. Ông được chọn vì ông có dáng vẻ bề ngoài của một vị vua. Ông nhìn giống những vua của các dân tộc xung quanh ông. Kinh Thánh cho chúng ta thấy rõ rằng Đức Chúa Trời đang ban cho dân Ysơraên điều họ ao ước. Đức Chúa Trời ban cho họ điều họ ao ước nơi một vua, điều con người xem, dáng vẻ bên ngoài. Họ muốn một vua như những dân tộc khác và họ nhận được đúng điều mình muốn. Khi đọc qua phần Kinh Thánh này chúng ta nhận ra vấn đề rất rõ: dân Ysơraên đã đặt sai thứ tự ưu tiên của mình. Họ muốn một vị vua chứng tỏ mình bằng quyền lực, sức mạnh, tôn trọng và kính sợ. Họ đã không ao ước một người dẫn dắt họ trong sự trung tín và công bình.

Ngày nay, khi nhìn vào hội thánh thời hiện đại, chúng ta không nên cho rằng dân Ysơraên xưa sao quá dại dột bởi ngày nay có rất nhiều người cũng đang có những thứ tự ưu tiên sai trật như thế. Chúng ta vẫn nhìn thấy những ao ước như Ysơraên trong hội thánh thời hiện đại. Họ không ao ước một vị vua đòi hỏi họ hầu việc Đức Chúa Trời như tôi tớ và sống cho Đức Chúa Trời, một vua dẫn dắt họ trong sự trung tín với giao ước. Ao ước của họ đặt nơi một ngôi nhà thờ lớn nhất, một ngân quỹ lớn nhất, một ban hát hay nhất, một mục sư tướng mạo tốt đẹp nhất. Mục tiêu của họ là nơi những gì của đời này và của bên ngoài. Họ không xem những gì Đức Chúa Trời muốn xem. Đức Chúa Trời muốn một người khiêm nhường, vâng phục, một tấm lòng tin kính và đúng mực.

Khi chúng ta trở lại với Êsai đoạn 53, chúng ta sẽ thấy được thế nào là một vị vua theo ý Đức Chúa Trời, "Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được. Người từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì." Khi đọc Êsai 53, chúng ta đang đọc về vị vua của chúng ta. Ngài chẳng mạnh mẽ, chẳng xuất thân từ một gia đình thanh thế mà sanh ra trong một chuồng chiên khiêm ti mấy ngàn năm trước. Ngài chẳng phải là người mà người ta hướng đến mà nói: "Đây là hình ảnh mà tôi muốn theo." Ngài chẳng có hình dung đẹp đẽ, không có gì thu hút. Ngài không nổi bật giữa mọi người, ngoại trừ một điều: Ngài là một tôi tớ trung tín vâng lời Đức Chúa Trời. Đây là vị vua mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta bước theo. Đây là vị vua mà lòng chúng ta phải ao ước đi theo, một vị vua khiêm nhường.

Chắc hẳn Đức Chúa Trời đang điều khiển cốt truyện như là vị chỉ huy trưởng. Chúng ta thấy Saulơ đi tìm mấy con lừa đi lạc tại nơi quê hương của Samuên. Rồi chúng ta thấy Saulơ đi tìm đấng tiên kiến là Samuên, trong khi đó Samuên tìm Saulơ là người Đức Chúa Trời đã nói sẽ đến với ông. Đoạn Kinh Thánh được gói gọn trong câu chuyện tìm kiếm của người này người kia. Đức Chúa Trời đang điều khiển mọi diễn tiến thông qua những điều dường như vụn vặt thường ngày. Việc những con lừa đi lạc là bình thường vào thời đó bởi lúc ấy người ta không nhốt súc vật trong hàng rào mà cho chúng chạy nhảy trên đồi rồi sau đó lùa chúng về; hầu hết các súc vật quanh quẩn gần nhà. Tuy nhiên, lần này mấy con lừa đi lạc vì thế lẽ tất nhiên Kích, cha Saulơ, phải sai ông và đầy tớ đi tìm chúng. Họ ra đi nhưng không tìm được. Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết sau vài ngày tìm kiếm, Saulơ đã định bỏ cuộc mà về nhà. Ông biết rằng chẳng bao lâu nữa cha ông sẽ không còn lo về mấy con vật mà lại phải lo lắng về ông và người đầy tớ. Vì vậy ông bảo người đầy tớ rằng tốt hơn là họ ra về. Chúng ta có thể tưởng tượng được lúc đó nếu ra về chắc họ đã không gặp được Samuên. Nhưng Đức Chúa Trời trong sự tể trị của Ngài đã dẫn dắt người đầy tớ nảy ra ý kiến rằng họ nên đi tìm đấng tiên kiến của Đức Chúa Trời, một người đáng tin cậy có lẽ sẽ chỉ cho họ những con lừa đang ở đâu. Một lần nữa, Saulơ phản đối: Họ không có gì dâng cho đấng tiên tri cả. Làm thế nào họ có thể đến với vị tiên tri mà không có lễ vật gì? Đầy tớ tình cờ còn một phần tư siếc-lơ bạc nên Saulơ đồng ý đi.

Khi họ đi về thành, họ gặp những cô gái trẻ đang xách nước. Những cô gái này biết chính xác Samuên ở đâu, hành trình và lịch trình chi tiết của ông. Đức Chúa Trời dùng những cô gái này để dẫn lối Saulơ đến với Samuên. Và cuối cùng chúng ta thấy thể nào Đức Chúa Trời dẫn lối Samuên đến với Saulơ. Đức Chúa Trời đã báo cho ông từ ngày hôm trước rằng một người Bêngiamin sẽ đến với ông. Đức Chúa Trời cũng chỉ ra rõ ràng người mà Ngài đã chọn làm vua dân Ysơraên. Chúng ta có thể thấy sự tể trị thần hựu của Đức Chúa Trời trong lịch sử dân Ysơraên ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất.

Chúng ta thấy ngày nay sự tể trị thần hựu của Đức Chúa Trời cũng giống như vậy. Ngài điều khiển mọi sự. Không điều gì xảy ra bên ngoài sự điều khiển của Ngài. Tôi nhớ có lần tôi thảo luận với một người, người này cho rằng Đức Chúa Trời điều khiển những sự kiện lớn trong đời sống, đường hướng của các quốc gia, những giai đoạn lớn nhưng Ngài không quan tâm lắm đến những chi tiết nhỏ và những điều đó chỉ xảy ra cách tình cờ hay do hoàn cảnh. Rõ ràng là không phải như thế. Tại đây chúng ta thấy thể nào những chi tiết nhỏ nhặt nhất dưới sự điều khiển toàn quyền của Ngài dẫn đến một sự kiện lớn. Đức Chúa Trời điều khiển toàn bộ lịch sử của chúng ta.

Phần sau của đoạn Kinh Thánh này tập trung vào sự kêu gọi Saulơ. Chúng ta thấy thật thú vị vì sự kêu gọi này rất giống những sự kêu gọi khác trong Kinh Thánh. Chúng ta thấy kiểu mẫu này trong sự kêu gọi Môise, Ghiđêôn, Giêrêmi, Êsai. Chúng ta có thể thấy rõ rằng Đức Chúa Trời ban cho Saulơ một sự kêu gọi, một sự giao thác thiêng liêng. Chúng ta tìm thấy sự kêu gọi thiên thượng đầu tiên trong câu 15. Tại đây Đức Chúa Trời là Đấng dẫn dắt đến người Ngài chọn. Chúng ta tìm thấy lời giới thiệu (câu 16,17), lời khước từ sự kêu gọi theo lệ thường (câu 21), sự ủy thác (10:1), dấu hiệu khẳng định sự kêu gọi (10:1, 5-6, 9-10). Kiểu mẫu này cũng diễn ra ở những trường hợp khác nữa. Chúng ta thấy ở Môise: Ban đầu ông được kêu gọi tại nơi bụi gai cháy. Ông được Đức Chúa Trời kêu gọi. Ông khước từ và nói rằng mình không xứng đáng, không có lời lẽ. Đức Chúa Trời ủy thác cho ông, ban cho ông những dấu hiệu như gậy hóa rắn, bàn tay hóa phung. Đó là những dấu hiệu để khẳng định sự kêu gọi.

Thế thì đoạn Kinh Thánh cho thấy rõ rằng chính Đức Chúa Trời kêu gọi Saulơ vào vai trò này. Ông thực sự được Đức Chúa Trời kêu gọi để phục sự trong chức vụ làm vua. Ông chắc chắn là người được Đức Chúa Trời xức dầu. Ông được Đức Chúa Trời chọn lựa để giải cứu dân sự khỏi tay người Philitin bởi dân sự Đức Chúa Trời đã kêu xin cùng Ngài. Ông là sự đáp lời cầu nguyện của họ. Thế thì dù nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời không tán thành Saulơ, chúng ta phải nhận rằng ông là vị vua hợp thức của dân Ysơraên.

Tuy nhiên, ngay cả trong sự kêu gọi này, chúng ta để ý thấy manh mối tại sao ông được kêu gọi. Câu 20 không nói ông là người theo ý Đức Chúa Trời mà nói rằng: "Mọi vật quý trọng hơn hết trong Ysơraên đã dành cho ai? Hả chẳng phải cho ngươi và cho cả nhà của cha ngươi sao?" (trong tiếng Anh: "Ai là người quý trọng của dân Ysơraên?"). Điều này hàm ý Saulơ là người mà dân Ysơraên ao ước quý trọng, là điều mà dân Ysơraên mong đợi nơi vua mình. Đức Chúa Trời đã ban cho dân Ysơraên điều lòng họ ao ước. Với Saulơ, họ có thể nên giống như những dân tộc khác. Đọc tiếp trong 1Samuên, chúng ta sẽ nhìn thấy những khiếm khuyết của Saulơ và cuối cùng là sự sa sút của ông. Tuy nhiên khi mới nhìn vào Saulơ, ít nhiều chúng ta thấy thiện cảm với ông. Chúng ta thấy đây là một người không hề tìm kiếm chức vị này. Ông không có khao khát làm vua dân Ysơraên. Ông xuất hiện trong đoạn Kinh Thánh của chúng ta một cách khiêm nhường, nói rằng gia đình ông là nhỏ nhất trong chi phái Bêngiamin. Ông có vẻ rất khiêm nhường. Ông tin cậy tiên tri Samuên. Ông tin cậy lời Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi đọc tiếp chúng ta thấy những điều này chỉ là bên ngoài. Khi ông lên ngai trong Ysơraên, quyền lực ông nắm được trở nên bại hoại. Ông không phải là một vị vua công bình. Ông không dẫn dắt dân sự Đức Chúa Trời trong sự trung tín với giao ước.

Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết vị vua chúng ta cần ao ước. Chúng ta không nên như dân Ysơraên ao ước quyền lực đời này. Chúng ta không nên ao ước quyền thế nhưng chúng ta cần phải bước theo một vua công bình khiêm nhường, một tôi tớ chịu khổ, một tôi tớ chịu khổ với vẻ bề ngoài không có gì thu hút như Êsai 53 mô tả: Không phải là một người sử dụng quyền lực đời này; không phải một người mạnh mẽ bên ngoài mà là một người theo lòng Đức Chúa Trời. Chúng ta cần phải làm môn đệ của một vua dẫn dắt chúng ta trong sự công chính trọn vẹn, một vua nhìn nhận và đầu phục thẩm quyền Đức Chúa Trời như là Vị Vua đích thực của chúng ta. Là dân sự Đức Chúa Trời, chúng ta phải tìm kiếm Đấng Christ. Nhiều người trên thế gian này, thậm chí trong hội thánh nữa, đang tìm kiếm một vua khác: một vua là chính bản thân mình hay là những ai đó. Hãy giữ! Khi tìm kiếm một vua như thế, một vua ban cho quyền lực đời này, có khi chúng ta cũng sẽ được điều mình ao ước! Tuy nhiên Kinh Thánh cho biết: cuối cùng chúng ta sẽ thất vọng! Vị vua cai trị trên chúng ta sẽ trở nên kẻ áp bức chúng ta! Kinh Thánh dạy chúng ta bước theo Đấng Christ. Bước theo Ngài, chúng ta sẽ được hưởng cơ nghiệp đời đời, chúng ta sẽ là công dân thiên quốc với Đấng Christ là Vua đời đời của chúng ta! Amen.

Lạy Cha thiên thượng toàn năng của chúng con. Chúng con cầu xin Ngài cho chúng con tìm kiếm Đấng Christ như là Vua của chúng con. Chúng con biết có nhiều điều của đời này mà chúng con để mắt đến, những điều lôi cuốn, những điều có vẻ mạnh mẽ quyền lực, những điều bên ngoài có vẻ đáng ao ước. Dầu vậy, chúng con biết rằng nếu chúng con tìm đến những điều đó, nếu chúng con tìm kiếm sự yên ủi, an nghỉ và hy vọng trong những điều đó, cuối cùng chúng sẽ trở thành kẻ áp bức chúng con. Chúng sẽ dẫn chúng con đến sự định tội. Vì vậy, xin cho mắt chúng con hướng về Vị Vua thiên thượng của chúng con, hướng về Tôi Tớ khiêm nhường đã hy sinh sự sống mình cho dân sự mình, Đấng đã khiến chúng con nên công bình trọn vẹn trước mặt Vua Thiên Thượng của chúng con. Xin cho chúng con theo Đấng ấy trong mọi sự. Chúng con cầu nguyện trong danh Chúa Giêxu. Amen.

Dịch từ bài giảng của Mục sư Marc Renkema
Trinity OPC Bothell WA USA

Thánh Kinh | Bài Học Kinh Thánh | Đời Sống & Đức Tin | Tìm Hiểu Tin Lành

Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến. (Mathiơ 24:14)